“Tội do tâm sinh, lại từ tâm diệt”1, tám chữ này chính là tâm yếu của thiền gia, mà cũng có thể nói là cốt tủy của Phật Pháp.
1Nguyên văn: 罪由心生,還由心滅 (Tội do tâm sinh, hoàn do tâm diệt). (ND)
Ý nghĩa của tám chữ đơn giản này có thể hiểu là bất kể là cảnh giới trang nghiêm của thiên đường hay u ám của địa ngục đều được tạo ra từ tâm của mỗi người. Cũng vậy, hoàn cảnh tốt xấu, phúc đức trang nghiêm hay khổ đau phiền não cũng đều do nơi tạo tác của tâm mà nên.
Và phải nói rõ ở đây, “tâm” tức là cái tâm phàm phu thế gian của mỗi chúng ta.
Đứng từ góc độ kinh điển nhà Phật mà nhìn, mỗi sự dấy tâm động niệm của người phàm phu đều không thoát ra ngoài cái vòng tạo nghiệp, tạo tội. Bởi mỗi tạo tác trong tâm thức của chúng ta hầu như đều xoay quanh sự tự tư, tự lợi, lấy mình làm trung tâm. Chúng ta luôn mong muốn bản thân được an toàn, mọi thứ được bảo đảm, luôn có được sự che chở; song song đó luôn mong cầu cái hạnh phúc huyễn hoặc, danh vọng, đều vì lợi ích của cá nhân mình. Bởi luôn trong trạng thái lo nguy hiểm, sợ tai nạn và chối bỏ cái chết, cho nên chúng ta luôn dùng mọi phương thức có thể, bất luận thời gian và không gian, để duy trì mọi thứ mà bản thân cho rằng nó tốt đẹp. Điều tôi muốn chỉ ra ở đây là, ngay khi người ta bận bịu cho những việc lợi và hại của bản thân thì quá nửa trong số những gì họ nghĩ và làm ấy sẽ chứa đựng sự thiếu công bằng đối với những người khác quanh họ.
Phàm một khi trong lòng đã dấy niệm, lâu dần, niệm được sinh khởi và trưởng dưỡng trong tâm sẽ chuyển hóa thành lời nói rồi tới hành động. Ví như một người đã để trong tâm mình khởi lên niệm sát, khi gặp cơ hội chắc chắn niệm sát ấy sẽ phát triển thành hành vi giết người. Trái lại, nếu niệm khởi trong tâm là sự tự răn bản thân rằng “giết người là tội ác, là tạo nghiệp” thì dẫu cho cơ hội có hiển bày trước mặt. Hành động sát nhân cũng khó mà hình thành được.
Bạn nhìn thấy cây đào bên nhà hàng xóm sai trái trĩu cành, trái nào cũng chín mọng. Nếu lúc ấy không tự làm chủ, bạn để tâm mình dấy niệm, muốn hái một trái nếm thử cho thỏa cơn thèm, thì tôi đoan chắc rằng, một hôm nào đó, khi đi ngang cây đào ấy, lại kịp lúc chung quanh không có người, bạn sẽ giơ tay hái vội vài quả cho thỏa cái niệm đã ngày một lớn trong tâm bạn. Ngược lại, nếu thường nhật bạn luôn “lập trình” một niệm thường trực “trộm cắp, dù chỉ cây kim cọng chỉ cũng là vô đạo đức, là bại hoại thanh danh” thì cho dù có đối duyên xúc cảnh, hành động cũng không thể xảy ra.
Và rõ ràng, nếu chẳng dấy tâm động niệm thì ác nghiệp không có cơ sở để hình thành. Ví như, có người đi ngang qua dưới một gốc cây, vô tình bị một cành cây khô rơi trúng, cành cây khô ấy không có lỗi, bởi nó “vô tâm”. Lại ví như, một người đi qua bên dưới tòa nhà cao tầng, một viên ngói, viên gạch vô tình rơi xuống trúng phải, viên ngói viên gạch đó tuy không có tội, nhưng người công nhân vì bất cẩn để nó rơi xuống làm bị thương người đi đường thì ít nhiều cũng có tội. Nếu luôn ý thức được rằng, bên dưới có người qua lại, chỉ cần một chút không cẩn thận của bản thân sẽ có thể làm tổn thương người đi đường bên dưới, đó chính là tâm niệm từ bi trong lòng người thợ. Ngược lại, nếu không luôn ý thức được việc này, tức là đã thiếu mất một phần tâm từ. Điều muốn nói ở đây chính là mọi hành vi tạo tác đều chỉ là kết quả, còn như muốn luận phải trái, xét đúng sai, ắt phải soi vào căn nguyên cội nguồn, nơi mà tâm động niệm khởi.
Tâm có thể tạo nghiệp, nhưng lại cũng có khả năng diệt tội. Khi chúng ta khéo buông cái niệm tự tư tự lợi xuống, buông cái khát vọng bảo vệ bản thân xuống, ngay thời khắc ấy chính là vô ngã, chính là vô tâm. Mà đã là vô tâm vô ngã thì làm sao khởi nghiệp, làm sao mà sinh tội.
Vậy nên, người hành trì thiền pháp khi bước vào cảnh giới đại triệt đại ngộ, sẽ đoạn dứt sự tạo nghiệp một cách hiển nhiên, thong dong nhẹ nhàng. Người sau khi tỉnh thức, trong tâm đã không còn ý thức tự tư tự lợi, thế nên gọi là vô ngã vô tâm, chỉ còn lại là trí tuệ của sự vô ngã và lòng từ bi trên nền tảng của tánh bình đẳng.
Tuy nhiên, cũng cần nói rõ, người tỉnh thức tuy đã không còn tạo nghiệp, tạo tội khi tiếp duyên xúc cảnh, song tuyệt nhiên không có nghĩa là sẽ miễn luôn cả việc phải hoàn trả những tội, nghiệp đã tạo tác trước khi tỉnh thức. Chỉ là, người sau khi tỉnh thức sẽ không còn rơi vào trạng thái hoang mang tột độ khi “chủ nợ” đến đòi, mà trái lại, còn chủ động để trả nợ.
Lịch sử Phật giáo Trung Hoa có ghi lại chuyện của ngài An Thế Cao, một vị cao tăng từ Ấn Độ sang Trung Hoa truyền pháp. Kinh điển ghi lại rằng, do ngài biết trong một kiếp thuộc về quá khứ, ngài đã nợ người ta một mạng, vậy nên, khi vừa đến Trung Quốc, việc đầu tiên ngài làm chính là trả cho xong món nợ này. Khi ngài An Thế Cao đến vùng Quảng Đông, ngài gặp một người thanh niên, người thanh niên này lại vô duyên vô cớ muốn đoạt mạng ngài An Thế Cao. Đối mặt với việc này, sách xưa ghi lại, ngài ung dung đáp: “Phải rồi, phải rồi, hôm nay tôi đến chính là vì muốn trả cho ông món nợ mạng này.” Sau đó, ngài An Thế Cao bị chàng thanh niên ấy giết chết, thần thức ngài chuyển thế đầu thai và tiếp tục tu học và truyền pháp.
Một người không còn tạo nghiệp, tức đã không còn tội nữa, song nợ cũ ngày xưa vẫn phải trả cho hết. Điều khác biệt ở đây chính là, nếu ý thức được bản thân có nợ và chủ động để trả nợ thì trong lòng sẽ không sinh phiền não, khổ đau; cũng tức là chỉ có những ai có nợ mà không muốn trả nợ đến mức bị cưỡng bức phải trả nợ thì trong lòng mới không tránh được muộn phiền sầu thảm.
Cái gọi là “chịu tội” chỉ có thể xuất hiện khi bạn có tội nhưng không chịu trả báo, hoặc khi chủ nợ bức bách bản thân trả nợ khi mình chưa đủ năng lực chi trả. Đối với một vị cao tăng như ngài An Thế Cao mà nói, trong lòng ngài đã không còn mảy may niệm khởi rằng bản thân đang chịu khổ đau khi chịu tội thọ báo, vậy thì tội báo, nghiệp chướng cũng thành ra vô nghĩa đối với ngài.
Vì chúng ta còn là phàm phu, trong ý nghĩ phàm phu thì trả nợ chính là thọ tội, là chịu khổ, thế nên chúng ta không có được sự thong dong, an tường như ngài An Thế Cao. Song, đừng vì thế mà coi sự khổ đau phiền não ấy là hiển nhiên, mà phải luôn ý thức rằng tuy trước mắt chưa làm được, nhưng phải cố gắng tu học để dần tiệm cận được như ngài.