Tôi là một thầy tu, vậy nên tôi ưu tư rất nhiều đối với những người làm vườn vì lợi nhuận. Bởi muốn kiếm tiền nhiều hơn mà họ không ngần ngại dùng những thuốc kích thích tăng trưởng trong khi canh tác, tạo nên những tác hại không đáng có, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Khuynh hướng cố hữu của tâm thức con người phần lớn là tự tư tự lợi, tức chỉ nhìn thấy được những lợi ích cá nhân trước mắt, bỏ qua những ảnh hưởng và tác hại lâu dài, cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.
Có bộ phận người làm nông, để có được nông sản trông chắc mẩy tươi ngon đã không ngần ngại dùng rất nhiều loại thuốc kích thích, tăng trưởng, và tất nhiên, với dáng vẻ bắt mắt ấy, những nông sản này luôn được người tiêu dùng để mắt tới. Tôi nghe nói, nhiều nhà trồng rau họ không bao giờ ăn những luống rau mà họ trồng để bán, bản thân và gia đình họ chỉ dùng những luống rau được trồng riêng không có sử dụng thuốc. Những luống rau trồng riêng cho gia đình dùng này, tuy nhìn bên ngoài không mấy gì bắt mắt, song, nó lại an toàn cho người sử dụng.
Cá nhân tôi cho rằng, những người sản xuất nông sản theo kiểu ấy chưa thực sự sáng suốt khi nhìn nhận vấn đề, bởi cá nhân luôn không tách rời khỏi tập thể. Nếu cá nhân thu được lợi từ việc làm tổn hại tập thể thì đó chỉ là cái lợi ích tạm thời trước mắt, chắc chắn không được lâu bền, trước sau gì cũng nhận lãnh trái đắng từ quả ác mà bản thân đã gieo vào lòng tập thể. Trồng và thu hoạch những nông sản với hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng vượt ngưỡng cho phép để cho ra thị trường, không có cơ sở nào để đảm bảo bạn bè và người thân của người làm ra những sản phẩm ấy sẽ không sử dụng và trở thành nạn nhân. Thậm chí đến đời cháu con phải chịu ảnh hưởng không nhỏ khi phải sinh sống trên mảnh đất đậm đặc những thuốc ấy.
Có thể nói, vấn đề lạm dụng thuốc cho nông sản là một vấn nạn vô cùng nghiêm trọng tại Đài Loan. Hành vi này không khác biệt gì với việc mưu sát, lần mòn người khác.
Tôi luôn mong mỏi những nhà chức trách hữu quan cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa trong quản lý. Thiết nghĩ, cần nên phổ biến, huấn luyện, đào tạo thật kỹ cho nông dân phun xịt với hàm lượng bao nhiêu, trong thời gian nào, vượt ngưỡng sẽ để lại những di chứng gì. Có nhiều nhà nông vẫn cho rằng: “Chúng tôi tuy có dùng thuốc nhưng hàm lượng chưa đến mức khiến người tiêu dùng phải bị bệnh, chứ đừng nói tới bị ung thư”. Nhưng sự thật liệu có đúng như nhà nông đã nói hay không, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, đoàn thể hữu quan cũng như cả người tiêu dùng phải có trách nhiệm phổ biến và giám sát thật chặt chẽ.
Mặt khác, người sản xuất nông sản cũng nên tự ý thức cao độ, khởi xướng và tuân thủ nguyên tắc trồng và cung ứng những nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe đối với người tiêu dùng, qua đó, xây dựng và giữ gìn uy tín trong lòng người tiêu dùng.
Song song đó, các tổ chức đoàn thể cũng nên chung tay kêu gọi người tiêu dùng chọn và mua những nông sản sạch, đảm bảo cho sức khỏe; hướng dẫn và phổ biến cho người tiêu dùng biết rõ được thế nào là một sản phẩm nông sản tốt, đạt chuẩn an toàn.
Trước hết, việc sử dụng hóa chất nông nghiệp độc hại quá đà như hiện nay đã có tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Các loại côn trùng hoang dã bị tuyệt tích do tác hại của thuốc hóa học, dẫn đến tuyệt nguồn thức ăn của các loại chim ngoài hoang dã, cho dù có săn bắt được các loại côn trùng thì đó cũng là những con côn trùng đã ngấm thuốc hóa học, vậy nên khi tiêu hóa không chết thì cũng di chứng bệnh tật. Không loại trừ khả năng loài chim ăn phải những loài côn trùng thuộc họ giáp xác, chất độc tích tụ đến khi đẻ trứng, vỏ trứng mềm, không thể duy trì sự sống được, dẫn đến số lượng chim trong tự nhiên giảm thiểu, dần tạo nên sự mất cân bằng trong môi trường sinh thái.
Một khi số lượng chim trong tự nhiên bị giảm thiểu thì việc nông sản bị phá hoại vì các loài côn trùng gây hại là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Khi ấy, nhà nông chỉ còn một hướng giải quyết duy nhất là tăng lượng thuốc trừ sâu bọ, và khả năng kháng thuốc của các loài sâu bọ gây hại lại càng tăng. Chuỗi tuần hoàn ấy cứ lại tiếp diễn theo hướng ngày càng tiêu cực, ngày càng tồi tệ, vòng tuần hoàn trong môi trường sống tự nhiên dần mất đi sự cân bằng, sự sống trong môi trường tự nhiên bị đe dọa, tất nhiên khi ấy, sự sống của con người cũng bị uy hiếp nghiêm trọng.
Chúng ta phải luôn ý thức được rằng, sự sinh tồn của tập thể xã hội và cá nhân đơn lẻ luôn có một mối tương quan mật thiết, cho dù cả tập thể xã hội được ích lợi mà bản thân phải chịu thiệt thòi thì đó cũng chỉ là sự nhất thời. Bởi cá nhân là một phần không thể tách rời của tập thể, nên khi tập thể được lợi thì cá nhân trước sau gì cũng theo đó mà có được lợi ích mà thôi. Thế nên, khi mưu lợi cho bản thân, mỗi chúng ta cũng nhất thiết phải nghĩ đến lợi ích chung của tập thể xã hội, có vậy thì cái lợi ích mà cá nhân thu được mới có thể là lợi ích chính đáng, lâu dài. Ngược lại, nếu chỉ tham lam tư lợi cho lợi ích của cá nhân lại làm tổn hại đến ích lợi của tập thể xã hội thì cá nhân ấy trước sau rồi cũng sẽ nếm mùi vị trái đắng. Nếu đại đa số chúng ta đều xây dựng được quan điểm trên lập trường đặt lợi ích của cá nhân vào trong lợi ích chung của tập thể, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể trồng rau sạch thu tiền sạch, giải quyết triệt để vấn đề sử dụng hóa chất độc hại trong ngành nông nghiệp hiện nay.
Đối mặt với vấn đề lạm dụng hóa chất độc hại, nếu nhận thức được sự độc hại của nó đối với thổ nhưỡng, môi trường sinh thái cũng như con người, tôi nghĩ các đơn vị hữu quan cũng như các tổ chức phi chính phủ trong xã hội sẽ cùng nhau hoạch định phương hướng để trước mắt sẽ giảm thiểu số lượng rồi dần tiến đến triệt để không dùng những hóa chất độc hại trong nông nghiệp.