Đối với những tộc người không có tín ngưỡng tôn giáo, hoặc giả không có ý niệm tín ngưỡng về ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai mà nói, cái chết chính là một sự bi ai trong bất lực đến tuyệt vọng. Trái lại, với những tộc người có niềm tin tôn giáo vững chắc, hơn nữa có một niềm tin tuyệt đối về thế giới ở bên kia cái chết, thì rõ ràng họ sẽ không sợ hãi và quá bi ai.
Vì sao lại không sợ hãi và bi thương? Đơn giản là vì họ nghĩ cái chết cũng giống như bước từ thế giới này sang thế giới khác, từ cảnh giới này sang cảnh giới khác, hoặc từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Khi đó, cái chết cũng giống như trong cùng một tòa nhà, người ta di chuyển từ tầng này sang tầng khác, từ gian phòng này sang gian phòng khác, vậy thì có gì mà phải sợ hãi hay bi thương?
Từ góc nhìn văn hóa Trung Quốc, chúng ta rất dễ nhận ra Trung Quốc chủ trương: “Chưa biết chuyện sống, hỏi gì chuyện chết”1. Điều này khiến cho dân tộc Trung Quốc từ xưa đến nay luôn rất chú trọng đến đời sống và môi trường hiện thực. Chủ nghĩa nhân bản như vậy cũng tốt, chỉ là, đối với cái chết sẽ trở nên hoang mang và sợ hãi.
1Nguyên văn: 未知生,焉知死?(Vị tri sinh, yên tri tử?). (ND)
Đạo Nho của Trung Hoa từng khẳng định: “Sớm nghe đạo, tối chết cũng thỏa lòng”. Sớm nghe đạo, đó là đạo gì? Chính là cái đạo lớn của vũ trụ, nhân sinh.
Tuy nhiên, những con người bình thường thì không thể hiểu được “đạo” là gì. Đạo ở đây không phải là một loại tín ngưỡng tôn giáo, mà đó chính là quan niệm về vương đạo, nhân đạo và thiên đạo, là những tư tưởng về tự nhiên, nhân văn. Các triết gia như Khổng Tử, Mạnh Tử... đều là những người có sự tu dưỡng trong môi trường triết học, nhận thức rõ ràng về tử sinh, về “thiên mệnh”. Vậy nên, bản thân họ đều là những người rất tường tận và cởi mở với lẽ sinh tử. Những người bình thường không có được sự tu dưỡng này, cho nên khó mà chấp nhận được việc phải từ bỏ cuộc sống, tiếp nhận cái chết như một quy luật. Do vậy, sợ hãi cái chết là một điều tất nhiên.
Sợ hãi cũng là tất yếu, đang có tất cả, bỗng dưng “thần chết” xuất hiện, thế là mất tất cả, con đường phía trước lại mênh mang, mờ mờ mịt mịt, không biết sẽ đi đâu về đâu, làm sao mà không sợ.
Nhưng nếu có tôn giáo, khi đối mặt với cái chết, sự sợ hãi sẽ không đến nỗi như vậy.
Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo sẽ nói là về với Chúa, được Ơn trên gọi, về nơi Thiên quốc, được cận kề bên Thượng đế và các vị Thiên thần, vui vẻ biết bao nhiêu. Trong khi ở trần gian đã chẳng tự tại, không tự do thì việc về Thiên đường sẽ là một ơn phước.
Ấn Độ và Tây Tạng là hai nơi mà người dân có niềm tin rất sâu và rất lớn vào tôn giáo, tín ngưỡng, vậy nên chúng ta dễ dàng nhận ra sự bình thản của họ khi đối mặt với cái chết. Điều này rất khác với phần lớn các gia đình Trung Quốc, mỗi khi phải đối mặt với sự ra đi của người thân là cả một bầu không khí ảm đạm tang thương bao trùm lấy tất cả, tiếng khóc tiếng than liên miên không dứt.
Tôi đã từng sang Ấn Độ, từng tận mắt chứng kiến cảnh đưa tang của họ, quả thật, dường như không thể tìm thấy một chút không khí tang thương nào cả. Họ khiêng người chết đi cứ như khiêng một cái bàn cái ghế đi trên đường vậy thôi, và những người chung quanh gần như không hề quan tâm đến họ. Tại nơi hỏa thiêu, khi ngọn lửa được đốt lên để hóa thân xác người quá cố, bà con thân thuộc không khóc than gì cả. Họ lặng lẽ trì chú, đọc kinh, có khi chúng ta còn thấy nét hỷ lạc hiện trên gương mặt họ. Bởi lẽ, họ cho rằng người chết đã sinh thiên, đã tới một cảnh giới an vui hơn, thế thì phải vui mừng thay cho họ chứ sao lại phải đau buồn sầu thảm!
Tương tự, người Tây Tạng cũng không hề khóc than, đau buồn trong các cuộc tang lễ. Họ cũng lặng lẽ tụng kinh, trì chú cho người mất, thậm chí họ còn ca hát nhảy múa để tiễn đưa người quá cố về cõi Phật. Đặc biệt, nếu người quá cố được các vị Lạt ma tụng kinh, cầu nguyện, gia trì... thì họ càng tin tưởng rằng người mất chắc chắn đã được siêu độ.
Trong Phật giáo cũng vậy, vì tin có kiếp sau nên khi đối mặt với cái chết, những người tu học theo đạo Phật không phải hoang mang, sợ hãi.
Nếu bạn tin có cõi Trời, thì nơi ấy cũng chính là một nơi lý tưởng để bạn gửi gắm niềm tin. Khi hành giả đã thọ ngũ giới, hành thập thiện, theo kinh nói thì sau khi mất, họ có thể sinh lên cõi Trời. Nhưng nếu trong cuộc sống này, bạn không thể tự tin mình là người tốt trọn vẹn, thì cũng không sao cả, dù thường nhật, trong hữu ý hay vô ý, có làm những điều không tốt, nhưng nếu bạn luôn ý thức và cố gắng làm việc thiện thì sau khi giã từ cuộc sống hiện tại này, theo tinh thần đạo Phật, bạn vẫn sẽ được trở lại kiếp người để tiếp tục hành trình còn dang dở, thậm chí thân sau còn có phần tốt hơn thân trước.
Đặc biệt trong Phật giáo có tín niệm về “tịnh thổ” hay “Phật quốc” được thể hiện trong tông Tịnh Độ. Trong kinh có ghi lại, Đức Thích Ca đã giới thiệu cho chúng ta biết về một thế giới “cực lạc” ở Tây phương của Đức A Di Đà, và đó là một môi trường hết sức lý tưởng và rất tuyệt vời cho kiếp tái sinh. Khi xả bỏ báo thân ở cõi thế gian này, nếu bạn chí thành muốn được về với nước Phật, thì Đức A Di Đà nhất định sẽ xuất hiện để đón bạn vì đó là lời nguyện của Ngài. Và một khi có được sự bảo đảm ấy rồi thì bạn còn sợ hãi gì khi phải đối diện với cái chết?
Ở Pháp Cổ Sơn của chúng tôi, thường sẽ nói Pháp cho những người đau nặng sắp qua đời. Trước tiên, chúng tôi khuyên nhủ họ phải biết buông bỏ, phải giữ tâm trong trạng thái bình tĩnh, yên lặng, nhưng hơn hết là phải vững niềm tin. Rằng nếu cơ thể của họ chưa đến mức phải tan hoại thì Đức Phật sẽ trợ duyên, hộ trì cho họ sớm lành bệnh, khỏe mạnh trở lại. Nhưng nếu cơ thể đã kiệt quệ theo năm tháng hay vì bệnh tật, thì cũng không sao cả vì Đức A Di Đà sẽ đến để đưa họ về Phật quốc tốt lành hơn. Hoặc nếu có những người cả đời tích phước hành thiện, nhưng lại không có nguyện được về Phật quốc, chỉ muốn lại được làm một tín đồ Phật giáo để tiếp tục được hành thiện tích phước thì họ chính là những hiện thân của Bồ tát tại nhân gian, mang tất cả những gì tốt đẹp và hạnh phúc cho thế gian này. Vậy nên, chúng tôi mong họ sẽ sớm nương nơi nguyện lực và bản hoài của mình trở lại thế gian này để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Phần lớn chúng tôi sẽ khuyên những vị đang trong thời khắc lâm chung chuyên tâm hướng Phật, niệm Phật. Nếu tự thân họ không thể niệm được nữa, chúng tôi sẽ khuyên họ lắng nghe hồng danh của Phật. Còn nếu họ đã rơi vào trạng thái loạn động không thể chuyên tâm để nghe được nữa thì chúng tôi cố khuyên họ hãy tin vào Phật, tin là có Phật để tâm của họ và tâm của Phật có chỗ tương ứng, khuyên họ vững niềm tin là Phật sẽ đón họ. Phật quốc cách chúng ta bao xa? Không bao xa cả. Khoảng cách không gian về mặt vật chất có thể diệu vợi, nhưng trong thế giới tinh thần, khoảng cách có thể nói là 0.
Tôi nghĩ, chúng ta cần nên thay đổi quan niệm về cái chết, nếu không, một khi phải đối mặt với nó, chúng ta rất dễ đẩy bản thân mình, người thân của mình vào ngõ cụt không lối thoát, và tất nhiên đó là một điều không đáng có.