Trong cuộc đời mỗi con người ai chẳng đã từng tự tin hơn, vững vàng hơn, thậm chí biết ơn những điểm tựa giúp mình. Với tôi, những điểm tựa ấy có lúc còn trở thành niềm tự hào và thiêng liêng nữa. Điểm tựa trong những ngày tôi nằm viện là minh chứng đầy thuyết phục, khẳng định cho điều tâm nguyện của tôi.
Đầu thu năm 2015, nghĩa là sau đợt phẫu thuật - “cuộc chiến cam go” mới hơn sáu tháng, tôi lại bị đau bụng dữ dội. Sau cuộc điện thoại vội vàng của chồng tôi gọi con trai về, tôi cố kìm nén cơn đau để không phải nhập viện một lần nữa. Nhưng… hoàn cảnh thực tế đã không chiều theo ý nguyện của tôi, cơn đau cứ ùa đến vây lấy tôi. “Mẹ đau thế này vẫn phải vào viện thôi!” - con trai tôi cố tỏ ra bình tĩnh, dịu dàng nói nhỏ. “Nhưng… để mẹ xem thế nào đã” - tôi ngập ngừng nói. Chồng tôi cắt ngang: “Không thể chần chừ được em ạ!”. Con trai tôi động viên: “Mẹ gắng vào trong viện điều trị ít ngày, khỏe lên con mới yên tâm công tác được”. Tôi thấy khó xử quá, sao tôi cứ phải rơi vào hoàn cảnh đắn đo, tiến - thoái thế này. Tôi mới trải qua đợt phẫu thuật đầu năm, vết mổ ổ bụng chưa thật lành hẳn thế mà bây giờ… Lòng tôi thêm quặn đau. Nỗi đau thực thể với nỗi đau lo toan suy nghĩ như về hùa với nhau để hành hạ tôi. Chồng con tôi đã quyết định đưa tôi đi viện. Nằm trên xe cấp cứu 115, tôi được đưa thẳng tới khoa cấp cứu. Tiếp đó tôi được chuyển sang xe băng ca để các điều dưỡng viên và con trai tôi đưa đi chụp chiếu, xét nghiệm. Sau khi có kết quả, tôi nghe bập bõm có tiếng bàn tán “có lẽ, lại phải phẫu thuật”. Không rõ lời nói ấy là của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hay nhân viên y tế, nhưng nghe đến hai từ phẫu thuật, tôi thấy như sụp đổ. Hé mắt nhìn con trai, tôi thấy con trai tôi nhíu mày thất vọng. Chắc con trai tôi cũng đang cùng tâm trạng với tôi. Tôi thấy thấp thoáng một bóng áo blu trắng tiến đến giường bệnh. Ngước lên, tôi nhận ra người bác sĩ già tóc hoa râm đã từng nhiều năm là bác sĩ quân y trên các chiến trường đánh Mỹ. Đợt tôi nhập viện lần trước, tuy không phải là bác sĩ trực tiếp điều trị cho tôi nhưng biết tôi là vợ lính nên ông luôn quan tâm và kịp thời động viên tôi. Ông thường xuyên hỏi thăm tình hình sức khỏe, việc ngủ nghỉ ăn uống của tôi, có lần ông bảo: “Việc tự điều trị của bệnh nhân quan trọng lắm, thương chồng thương con thì chị phải lạc quan, chịu khó bồi dưỡng sức khỏe chị nhé”. Có lần ông còn cho tôi mượn một số tờ báo, tạp chí nói về bệnh tình của tôi để tôi tham khảo, mặc dù ông đã chuyển ngành về bệnh viện này nhưng chất lính trong ông hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Chồng tôi còn cho biết thêm, nhiều lần ông tâm sự với chồng tôi về cuộc đời người lính và trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc bệnh nhân như thế nào cho hiệu quả nhất. Ông như một người anh, một điểm tựa tinh thần cho tôi mỗi lần nhập viện... Liếc nhanh tờ phiếu ghi các chỉ số huyết áp, nhiệt độ… cài trên đầu giường, người bác sĩ già nhìn tôi ân cần: “Tôi hiểu nỗi lo lắng của chị. Tôi đã xem kỹ bệnh án. Chị an tâm, lần này không phải phẫu thuật đâu.”. Nghe lời ông nói, tôi thấy lòng vơi nhẹ đôi mắt con trai tôi cũng anh ánh niềm vui. Điều trị cho bệnh nhân đâu chỉ phương tiện này, thuốc men nọ, một câu động viên đúng lúc có giá trị như ngàn liều thuốc quý. Trước khi rời giường bệnh, ông bác sĩ nắm chặt tay tôi, mái tóc hoa râm rung nhẹ, nở nụ cười hiền từ, bàn tay ông ấm áp gần gũi quá chừng. Mãi tới sau này dáng vẻ khắc khổ, tác phong giản dị thân tình, lời nói ngắn gọn mộc mạc của ông cứ ấn tượng mãi trong tôi. Ông đã từng tâm sự với chồng tôi “bất luận hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ và phẩm chất sáng trong người thầy thuốc”. Điều tâm đắc ấy của ông có thể nhiều người đã nghĩ nhưng làm được như ông đâu phải hoàn toàn. Tôi thiết nghĩ được gặp ông và những người thầy thuốc như ông cũng là được đón nhận những ưu ái của cuộc đời…
Trời hưng hửng sáng, những tia nắng đầu tiên chiếu vào phòng điều trị. Ngoài sân lá rơi nhè nhẹ, chị gái tôi dìu tôi từng bước đi về phía những hàng ghế đá. Chuyện quê nhà, chuyện tuổi thơ, chuyện những ngày cắp sách tới trường êm đềm trở về trong hồi ức của chúng tôi. Tối ấy, cũng trên hàng ghế đá giữa những hàng cây xào xạc, kỷ niệm lại ùa về với chị với tôi. Thi thoảng tiếng chim ăn đêm xa xa rơi trong gió, nghe sao buồn và cô đơn đến thế. Tự dưng, tôi thấy thương chị thương mình, thương cả tiếng chim quá thể. Sợ tôi lạnh gió chị nghiêng người kéo tôi ngả vào lòng chị. Kể từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, không biết bao nhiêu lần tôi đã ngả vào lòng chị như đang ngả vào lòng người mẹ giữa lúc này. Chị quả là một điểm tựa vừa hiền dịu, vừa vững vàng trong cuộc đời tôi. Đêm, chị cài chăn màn, sửa gối cho tôi chu đáo, tận tình như một người mẹ. Cảm động nước mắt tôi ngân ngấn. Chị ghé vào tai dịu ngọt: “Cố chợp mắt đi em. Vào viện như bước vào một cuộc chiến đấy, ta phải thắng như bao lần đã thắng để trở về với cuộc sống bình thường chứ.”. Tôi gật đầu rồi thiêm thiếp ngủ. “Mẹ ơi!” - tôi thầm gọi. Mẹ mỉm cười nắm chặt tay tôi, tay chị kéo vào lòng: “Các con gái ngoan! Mẹ nhớ các con và cả nhà lắm! Mọi bệnh tật sẽ qua, các con đừng lo toan, phiền muộn… Chị em biết yêu thương, đùm bọc nhau thế này mẹ thấy an lòng lắm”. Mẹ vuốt tóc tôi, tóc chị rồi ân cần nói những điều gì đó. Tôi gắng nghe mà không rành rõ, nhưng nhìn nét mặt phúc hậu và những cử chỉ âu yếm của mẹ, tôi hiểu những lời của mẹ là những ngọn gió tốt lành… Vẫn nắm chặt tay hai chị em, mẹ bay lên… Tôi gọi to: “Mẹ! Mẹ ơi!...”. Trước mắt tôi là bầu trời xanh ngăn ngắt…”. “Mơ à? Ngủ đi em.” - chị lay nhẹ vai tôi rồi đặt bàn tay lên vầng trán đẫm mồ hôi của tôi. “Vâng! Em mơ mẹ về với hai chị em mình chị ạ”. “Mơ được gặp mẹ là may mắn lắm đấy. Dẫu ốm đau thế nào rồi cũng khỏi thôi, vì tình mẹ bao la luôn chở che cho tất cả chúng mình.”. Mẹ tôi đã về trời cùng với bố tôi, song từ sâu tâm khảm, bố mẹ vẫn là điểm tựa tinh thần thiêng liêng của tất cả chúng tôi, đặc biệt là những lúc ốm đau này. Chị ôm tôi vào lòng như thể thay thế tình cảm của mẹ, chị lại ghé vào tay tôi, giục: “Ngủ một chút đi em! Trời sắp sáng rồi”. Tôi gật đầu nằm im, hai mắt chong chong nhìn lên trần nhà. Tôi đề nghị: “Chị nằm tráo đầu với em mà tranh thủ chợp mắt.”. Chị xua tay, lặng lẽ kéo ghế rồi gục vào thành giường, chị muốn tôi được trở mình trong đêm cho đỡ mỏi. Trong phòng, tiếng rên nhè nhẹ hòa cùng tiếng dế ri rỉ ngoài sân tạo nên âm thanh vừa buồn vừa nặng. Tôi vẫn miên man nghĩ về mẹ. Đúng như lời của chị, cứ mỗi lần nghĩ đến mẹ, mơ về mẹ là tôi như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới. Lúc sinh thời mẹ thương tôi nhất nhà, vì tôi và chị sinh đôi nhưng tôi bị ngạt ra sau, lớn lên những cơn đau bụng thi thoảng lại hành hạ tôi, đến tuổi trưởng thành tôi lại là người vợ lính, nhiều tháng năm chồng đi xa biền biệt. Tôi thầm thì khấn mẹ, mong bố mẹ thanh thản giấc ngàn thu luôn phù hộ cho các con cháu trong đó có tôi lúc thường cũng như lúc yếu đau.
Xa xa phía hàng cây cổ thụ lấp ló những tia nắng li ti len lỏi qua những kẽ lá rắc vàng lên thềm khoa. Chị gái tôi nói nhỏ: “Con trai đã vào thăm mẹ đây này”. Cùng lúc mái tóc hung hung thân thương của con trai tôi xuất hiện. “Bác về nghỉ đi bác ạ! Chắc cả đêm qua bác không ngủ” - Con trai tôi nhìn chị gái tôi với giọng đầy cảm thông chia sẻ. Chị nắm chặt tay tôi cười nói: “Cố gắng nhé, khỏe nhé.”. Đi tới hành lang chị quay lại trìu mến vẫy vẫy tay. Thế là tôi và chị đã qua một đêm không ngủ nhưng không thấy mệt mỏi bởi xốn xang ắp đầy kỷ niệm xưa, nay. Tôi thầm đọc mấy câu thơ mộc mạc của mình về chị: “Có thể đêm đêm không dứt kêu rên/ Có thể ngày ngày những cơn đau quặn/ Đời vẫn ngát hương bởi lòng nhân ái/ Lòng đong đầy tình nghĩa chị em!”. Tôi đang mải suy nghĩ về chị thì con trai tôi đặt bàn tay ấm mềm lên trán: “Đêm qua mẹ có bị sốt không? Con mang một ít quà nhỏ vào cho mẹ đây này”. Con trai tôi rút từ trong túi xách ra nào sữa, nào hoa quả, nào khăn mặt mới… Ồ, lại còn có cả dầu gội đầu và giấy ăn nữa. Tôi cố kìm nén để đôi mắt đỡ ngân ngấn nước. “Mẹ chịu khó bồi dưỡng sức khỏe nhanh về nhà, thiếu hơi mẹ hàng cây cảnh trước nhà cũng buồn lắm” - Con trai tôi vừa nói vừa đặt những món quà vào ngăn tủ. “Mẹ đỡ rồi, thăm mẹ một chút rồi về làm việc đi” - Tôi nắm chặt bàn tay con trai nói. “Không! Hôm nay, con đã xin phép cơ quan để ở lại với mẹ” - Con trai cười hiền… Tuy vẫn còn đau nhưng tôi thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc hòa trộn khó tả, vừa vui vui, vừa xúc động, vừa thấy thương con trai vô hạn… Những lúc ốm đau như thế này, tôi càng thêm yêu quý những điểm tựa gần gũi, giản dị mà thiêng liêng vô cùng. Nếu như không có những điểm tựa ấy, liệu tôi có vượt qua được bệnh tật hay không? Bố mẹ, anh chị em, chồng con tôi, người thân cùng những người thầy thuốc… là những điểm tựa thiêng liêng ấy.
Tôi đang lâng lâng bởi những cảm xúc hòa trộn thì em trai tôi bước vào - một điểm tựa thường xuyên, thân thiết của tôi. Miệng em cười nhưng ánh mắt không giấu nổi buồn, lo: “Chị có ngủ ngon không? Ăn có ngon miệng không? Chị cứ an tâm mà điều trị đừng sốt ruột” - Vừa nói em trai tôi vừa cắm mấy bông hoa tươi rói vào chiếc cốc thủy tinh. Em trai tôi là thế, luôn biết quan tâm đến người thân bằng những cử chỉ tuy nhỏ nhưng tâm lý, ý nghĩa. Đây là những bông hoa đẹp nhất trong những bông hoa mà tôi từng được ngắm. “Từ nay, thi thoảng em mới vào thăm chị thôi nhé, em còn phải lo việc nhà, việc cơ quan chứ”. “Em phải vào thăm chị thì em mới yên tâm để lo việc nhà, việc cơ quan được”.
Ngày ấy, nhà có sáu anh chị em, ba anh chị lớn đã đi làm, chúng tôi ba chị em ở nhà chăm sóc nhau bằng tất cả những gì ngây thơ trong sáng nhất. Nghĩ lại, có lúc thấy vụng dại nhưng đều là những kỷ niệm khó phai mờ. Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn thường xuyên ôn lại. Tốt nghiệp đại học xong em đi công tác nước ngoài. Cả gia đình chờ đón em, mong đợi ngày em trở về để xây tổ ấm riêng nhưng lúc nào em cũng trả lời ngắn gọn: “Chậm sẽ chắc” rồi em cười nụ cười để mọi người yên lòng. Nhớ ngày tôi đi học đại học, nhiều hôm em tình nguyện chăm sóc cháu để tôi an tâm đến trường, lại còn động viên tôi rất khéo: “Ưu tiên chị - vợ bộ đội”. Có những khi tan học tôi vội vàng trở về nhà, nhìn qua song cửa sổ thấy hai cậu cháu cười đùa, lòng tôi thấy thật vui...
Điểm tựa trong cuộc đời tôi, trong những ngày đau yếu ở viện thân thương như thế đấy. Còn, còn nhiều nữa mà tôi không thể kể hết. Qua trang viết nhỏ này tôi chỉ muốn nói một điều: Sức mạnh để vượt qua thử thách, khó khăn cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc mà tôi có được luôn gắn liền với những điểm tựa giản dị, gần gũi mà vững chắc, ấm nồng.
Hà Nội, ngày 19-5-2020