Đã sang những ngày đầu năm 2015, nhưng với âm lịch vẫn là những ngày cuối năm Giáp Ngọ. Một buổi chiều hưng hửng nắng, tôi vừa kéo rèm cửa sổ thì thấy bụng bỗng quặn đau. Cứ ngỡ cơn đau sẽ qua nhanh để được tận hưởng một buổi chiều ấm áp. Không! Cơn đau mỗi lúc một dữ dội… Tôi cắn răng chịu đựng. Bụng tôi nhói buốt tựa hồ như dao đâm vào ruột. Hiện tượng đau đớn khủng khiếp này đã từng hành hạ tôi trong những lần viêm tụy trước đây, bởi thế khi lặp lại hiện tượng này tôi nghĩ ngay đến bệnh viêm tụy cấp tính. Người đời thường truyền nhau rằng không có nỗi đau đớn khủng khiếp nào bằng viêm tụy, sao bệnh viêm tụy đó cứ hành hạ tôi nhiều lần đến vậy. Tôi vật vã nghiêng phải nghiêng trái, gồng mình cố nén chặt cơn đau để chồng, con đỡ lo, thêm nữa năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới, chả lẽ… “Mẹ ơi! Mẹ phải đi viện ngay” - con trai tôi cố nén sự sốt ruột, ghé tai tôi nói nhỏ. Tiếp lời con trai, chồng tôi giọng dứt khoát: “Để ba gọi cấp cứu 115. Con chuẩn bị mang theo một số đồ dùng cần thiết”. Tôi thấy đất trời quay cuồng đảo lộn. Bao năm là vợ bộ đội, tôi đã từng xác định và đã vượt qua những thử thách, khó khăn để gắng hoàn thành nghĩa vụ hậu phương người lính, không thử thách khó khăn nào làm tôi chùn bước, chả lẽ bệnh tật lại bắt tôi phải đầu hàng ư? Tôi cố nén đau, cố nén cả những tiếng rên khi nhìn thấy khuôn mặt chồng con tôi mồ hôi đang vã ra như tắm…
Khoa cấp cứu của bệnh viện đây rồi. Trong đau đớn chập chờn tôi loáng thoáng nhận ra tiếng nói, tiếng gọi nhau, tiếng bước chân gấp gáp: “Có bệnh nhân mới cấp cứu”. - tiếng một nữ nhân viên y tế cất lên. Hình như cô đang báo cáo với bác sĩ phụ trách phòng cấp cứu thì phải. Sau một hồi thăm khám người bác sĩ nói nhỏ, đanh như ra lệnh đối với các nhân viên trong phòng: “Phải phẫu thuật ngay, tránh nguy hiểm xảy ra…”. Tôi muốn nắm chặt lấy bàn tay con trai tôi, bàn tay chồng tôi để được tiếp thêm sức mạnh, nhưng không thể… Tôi đã ở phòng phẫu thuật, một cảm giác chơi vơi khi không có chồng, con ở bên cứ dâng dần, dâng dần trong nỗi đau miên man. Tiếp đó là tiếng xủng xoảng của dao kéo và những lời trao đổi nhỏ, gọn: “Gây mê…”, “Tăng lượng thuốc mê để bệnh nhân đỡ cảm nhận”. Tôi chìm dần, chìm sâu vào mơ tưởng… “Mẹ! Mẹ ơi!”. Mẹ tươi cười nắm chặt tay tôi rồi âu yếm vuốt nhẹ mái tóc tôi: “Con gái yêu của mẹ! Con ngoan, giỏi lắm! Con hãy gắng lên như bao lần con đã vượt qua gian khổ, khó khăn để mang lại niềm vui cho mẹ, cho mình, cho cả gia đình”… “Dạ, vâng ạ! Con hứa, con hứa với mẹ… Để mẹ và cả nhà vui”… Ngôi nhà tranh thân thương giữa vùng quê yên ả đây rồi, mẹ đón tôi, dắt tôi vào nhà… Ồ! Những chồng làn cọ nhỏ, to đẹp mê hồn lấp lánh sáng. Mẹ đưa tôi một chiếc làn trắng muốt nhỏ xinh, dịu dàng, sản phẩm của con mẹ vẫn giữ làm kỷ niệm…”…
Cũng chẳng rõ thời gian trôi qua bao lâu, chẳng rõ mình đang ở đâu. Tôi chập chờn nửa mơ nửa tỉnh có lúc thấy mình bồng bềnh như trôi, như bay: “Mẹ ơi! Mẹ tỉnh chưa?!” - Giọng con trai tôi khe khẽ cất lên. Tiếng nói, tiếng gọi nhau, tiếng đi lại rõ dần, rõ dần, tôi cố mở mắt. Lần lượt những khuôn mặt thân thương cùng những nụ cười hiền dịu lần lượt hiện lên sát bên, ấm áp, đây anh, đây chị, đây các em cùng chồng con tôi. Con trai tôi nắm chặt bàn tay tôi, nói như reo: “A! Mẹ tỉnh rồi, mẹ ơi qua cơn hiểm nghèo rồi…’’. Cùng lúc đó bác sĩ phẫu thuật nói với tôi: “Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp’’. Tôi nhìn người bác sĩ như muốn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn.
Trong những ngày hậu phẫu tôi mới dần hiểu rõ bệnh tình của mình qua chắp nối những lần giải thích ngắn gọn của các bác sĩ cùng đội ngũ điều dưỡng viên của bệnh viện. Nguyên nhân sâu xa tôi bị bệnh sỏi mật, nói chính xác là sỏi đường mật chủ. Việc các bác sĩ đã giải phẫu cho tôi chính là để lấy những viên sỏi làm cho đường mật và đường tụy được thông suốt.
Sau đó là hai mươi ngày liên tiếp, chồng, con tôi đêm ngày ngồi thâu đêm từng giọt dịch truyền đều đặn truyền vào cơ thể tôi. Không ít lần tôi nghe thấy bệnh nhân và người nhà ở các giường bên cạnh nói với chồng, con tôi: “Khuya lắm rồi, chú nên chợp mắt một chút”, “Cháu cố ngủ lấy sức, mai còn đi làm chứ”… Nhưng chồng, con tôi vẫn ngồi đó bất kể đêm ngày. Hai mươi ngày đằng đẵng trôi, mỗi ngày dài như một tuần vậy. Tôi văng vẳng nghe thấy tiếng bác sĩ nói với điều dưỡng viên: “Tiếp thêm đạm cho bệnh nhân để bệnh nhân mau hồi phục”.
Người nhà bệnh nhân ở các giường bên đã xôn xao bàn tán về chuyện tết nhất. Người thì bảo tết nhất bây giờ đơn giản, cần gì phải sắm sửa nhiều; người thì bảo giàu nghèo đến tết cổ truyền ai cũng phải cố, không mâm cao cỗ đầy cũng phải đủ xôi gà, bánh chưng, mứt, kẹo… có người còn gọi điện thoại hỏi thăm anh em, con cháu bao giờ về nghỉ tết. Tôi nằm im mà trong lòng nóng cồn cào. Chỉ hai ngày nữa là đến tết ông Công ông Táo. Mọi năm vào khoảng này, tôi tất tả chợ tết, sắm sửa cái a, cái b rồi xếp đặt, dọn dẹp cửa nhà, bận nhưng vui, thậm chí còn thấy bâng khuâng, lâng lâng nữa. Chồng tôi bảo bệnh viện sắm cây quất to đẹp lắm đặt giữa cửa phòng khám, ai qua lại cũng khen. Nghĩ về gia đình, nghĩ về bệnh tình của mình, tôi thấy lòng buồn vời vợi.
Một sáng bác sĩ trực tiếp điều trị cho tôi rẽ vào phòng kiểm tra vết mổ rồi cho biết “vết mổ đã khô, vài ba ngày nữa là tháo được ống dẫn dịch ra ngoài rồi”. Nghe bác sĩ nói, tôi mỉm cười cảm ơn, nỗi buồn như đang dần tan biến. Hướng về phía chồng con tôi, bác sĩ nói thêm: “Chị có được người chồng, người con như thế này chắc chắn hạnh phúc và sự sống luôn mỉm cười với chị. Bệnh tật chẳng trừ ai đâu chị ạ, vấn đề là mình phải vững niềm tin”. Tôi thấy nỗi buồn lo vơi nhẹ. Tôi ngập ngừng cảm ơn bác sĩ, dẫu cố kìm nhưng những giọt nước mắt cứ ứ đầy. Tôi miên man nghĩ về những người mẹ, người vợ của những người lính Cụ Hồ trên khắp mọi miền đất nước. Họ đã phải thầm lặng hy sinh bao năm ròng khi đất nước chiến tranh, thời hậu chiến họ lại phải tiếp tục vật lộn, vượt qua bao gian khó vì cuộc sống mưu sinh, gánh vác thêm cả phần con, phần chồng xây tổ ấm. Hoàn cảnh đã tôi luyện cho những người mẹ, người vợ lính sự dạn dày trước sương gió, bão giông. Phải chăng mấy chục năm là vợ lính, mấy chục năm thầm lặng hy sinh đã cho tôi một phần nhỏ nhoi phẩm chất ngỡ khiêm nhường nhưng rất đỗi kiên cường ấy? Chiến đấu với bệnh tật với tôi cũng là một cuộc chiến cam go. Trải qua cuộc chiến cam go ấy mới càng thấy sự sống thật giá trị biết bao. Cuộc đời thật diệu kỳ, biết hy sinh, biết vượt qua thử thách, biết cống hiến cho đời bằng cả tấm lòng nhân hậu thì hạnh phúc sẽ luôn đón chờ, bù đắp. Xét đến cùng hạnh phúc không tự dưng mà có, hạnh phúc không phải là điều may rủi của mỗi người.
Theo lời dặn của bác sĩ, mấy ngày nay tôi đã vịn giường tập đi lại. Khi thấy sức khỏe khá hơn, tôi được chồng, con, chị gái dìu đi quanh vườn hoa bệnh viện. Nằm trên giường khá lâu nay được hít thở khí trời, được đi trong không gian nắng vàng, gió nhẹ tôi thấy thoải mái quá chừng. Hôm nay đã là ngày 28 tết, chiều đó bác sĩ điều trị trực tiếp tháo ống dẫn dịch cho tôi. Nghe bác sĩ bảo “ngày mai chị ra viện”, tôi thấy vui như có thể bay lên được. Sáng 29 tết, sau những phút giây quyến luyến chia tay các bác sĩ, điều dưỡng viên và bệnh nhân điều trị cùng phòng, chúng tôi đón taxi về nhà. Phố phường Hà Nội nhộn nhịp, tươi vui quá. Đâu đâu cũng thắm sắc đào, quất, mai và những gương mặt rạng ngời. Hơn hai mươi ngày ở viện, một cuộc chiến chẳng thể quên. Tôi - một người vợ lính đã vượt qua cuộc chiến ấy nên càng hiểu rõ giá trị của mùa xuân. Con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà thân thương đây rồi. Mùa xuân, mùa xuân đã về thăm thẳm lòng tôi.
Hà Nội, 19-5-2020