Mùa đông năm 1970, vừa rời ghế nhà trường thì anh cùng bạn bè viết đơn bằng máu để được nhập ngũ, để được lên đường ra trận. Xuyên qua Trường Sơn ngút ngàn, đồng đội và anh đã trải qua những trận chiến đấu cam go, ác liệt trên chiến trường Lào, chiến trường Campuchia và chiến trường Tây Nguyên nóng bỏng. Đau xót thay nhiều đồng đội của anh đã anh dũng ngã xuống, trong đó có những bạn bè cùng quê, cùng ngày nhập ngũ. Cứ mỗi lần chính quyền, nhân dân trong xã nghẹn ngào nhận tờ báo tử là mẹ anh lại ốm hàng tuần. Mẹ đã ngất lên, ngất xuống khi gia đình những người bạn thân của anh nhận được tin sét đánh ngang tai ấy, ngày đi thì có ngày về thì không…
Còn nhớ ngày anh mới ở chiến trường ra, mẹ anh và anh ra thăm gia đình tôi trong một đêm mưa bất chợt. Vừa rẽ vào ngõ, mẹ anh đã cất tiếng gọi “Bà Phát ơi! Ra đón thằng con bộ đội này!”. Mẹ tôi lập cập cầm đèn ra đón: “Đêm hôm mưa rét quá, để mai ra thăm tôi có phải không!”. Vừa bước vào nhà, mẹ anh vừa dõng dạc nói: “Mai là mai thế nào, tranh thủ mấy ngày phép ngắn ngủi, thằng con bộ đội phải ra thăm ngay, có phải lúc nào cũng được trai quanh năm sống ở làng đâu mà nấn ná”. Tôi ào ra đón mẹ anh, vội với chiếc khăn trên dây thấm những giọt nước mưa trên má, trên trán rồi thấm tiếp những giọt mưa trên vai, trên ngực của mẹ. Anh hơi lặng đi, một cử chỉ đã đôi lần tôi gặp ở nơi anh khi chia tay, khi gặp lại. Sau những câu chuyện đằm thắm, mẹ anh nhìn sâu vào mắt mẹ tôi, nói nhỏ nhưng rõ từng lời: “Có món “quà quý” bà phải phần tôi đấy!”. Rồi hai bà bấm nhau ra hiệu sang chiếc giường bên để lại không gian riêng cho tôi và anh. Chiếc bàn nhỏ, bộ ghế nhỏ chưa bao giờ tôi và anh ngồi gần nhau đến thế. Ngại ngùng, tôi nhìn ra ngoài trời còn anh trìu mến nhìn tôi phá tan sự im lặng: “Mưa xuân mà cứ ngỡ mưa ngâu, chẳng trách người lính và người hậu phương cứ phải xa nhau biền biệt”. Tôi đỡ lời anh: “Vâng! Em cũng ngỡ như mưa ngâu anh ạ, nhưng chỉ là ngỡ thôi, còn sự thực vẫn là mưa xuân mà”. Anh cười rất tươi, rút từ túi áo ngực chiếc khăn trắng muốt rồi nâng niu trao tặng tôi, âu yếm nói: “Em giở chiếc khăn này đi, có bất ngờ đấy”. Tôi ấp vội chiếc khăn lên ngực rồi nắn nót giở, hương hoa ngào ngạt. Tôi thốt lên: “Ôi! Hương ngọc lan”. Anh dịu dàng nói: “Hoa anh hái trong vườn nhà đấy, dù có đi đâu anh cũng nhớ đến hoa và mùi hương thân thiết ấy”. Tôi soi mắt vào từng bông hoa. Tám bông lan trắng và ba bông lan vàng như những ngón tay út của nàng tiên - những bông hoa thay lời hẹn ước.
Sau tối đó mỗi lần nhớ anh, tôi lại giở chiếc khăn trắng muốt ngắm từng bông hoa lan và ngỡ như anh vẫn đang trao tặng cùng lời thơ da diết bên tai: “Mãi mãi là bông hoa lan/ Đẹp duyên, thơm đến nồng nàn của anh…”…
Một ngày đầu thu năm 1979, nắng thu rơi nhẹ trên những nhành lá, tôi và các bạn cùng lớp kỹ thuật xây dựng ra trường, nhận công tác mới. Tôi được phân công về một viện thiết kế giữa thủ đô, mải mê với những bản vẽ của những công trình lớn nhỏ, tôi thấy thời gian trôi vùn vụt. Một hôm, tôi nhận được tin mẹ anh từ trên quê xuống, đang ở chơi nhà chị gái anh. Tôi muốn chạy ngay đến để thăm mẹ anh nhưng cơ quan có việc đột xuất nên không thể. Hai ngày sau tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi vội vàng đạp xe đến nhà chị gái anh. Tôi hồi hộp đứng trước căn hộ nhỏ gọn nằm trong dãy nhà cấp bốn khiêm nhường của khu tập thể trường đại học. Vừa vuốt những sợi tóc bết trên trán, tôi vừa gõ nhẹ lên cánh cửa khép hờ bên cạnh căn phòng cửa khóa im ỉm. Một người đàn ông tóc hoa râm, dáng giảng viên đại học, mở rộng cánh cửa ôn tồn hỏi: “Chào cô gái! Có việc gì vậy?”. Tôi ấp úng: “Thưa bác! Bác làm ơn cho cháu hỏi thăm chị chủ căn hộ bên cạnh đi đâu ạ?”. Người đàn ông nhíu mày, chưa kịp trả lời thì một cháu gái khoảng bảy, tám tuổi nhanh nhảu nói: “Cô ơi! Cô giáo đi dạy học chiều mới về. Mẹ cô ấy xuống chơi mấy ngày nay, bà mới ra tàu về quê rồi”. Tôi đứng tần ngần một lúc rồi xin cháu gái một tờ giấy. Không ngần ngừ, cháu gái bóc một tờ giấy từ vở học sinh đưa cho tôi. Ngồi xuống bên hè, tôi vội viết những dòng thư gửi cho chị gái anh: “Chị kính yêu! Được tin bác xuống Hà Nội, hôm nay tranh thủ một tiếng nghỉ buổi trưa, em đạp xe sang thăm bác, chị cùng cháu. Hỏi cháu nhỏ bên nhà, cháu nói bác đã ra tàu về quê, còn chị đi dạy học chiều mới về. Đứng tần ngần mãi mà ngoài trời cứ mưa. Chị ơi! Có phải mưa ngâu không hả chị? Em để lại mấy dòng này xem như đã gặp bác và chị rồi. Chúc chị mạnh khỏe và cháu Trường ngoan. Em - Hoa Lan”. Một thời gian sau đó, tôi và anh may mắn gặp nhau tại căn hộ nhỏ xinh này. Anh trao tặng tôi những bông hoa ngọc lan ngan ngát và kể rằng đã thuộc lá thư này sau khi nhận từ tay chị gái. Cũng hôm đó, anh bảo: “Anh cứ cười thầm vì hai từ mưa ngâu trong lá thư của em. Em thật khéo và tinh tế…”. Rồi anh tặng tôi mấy câu thơ đã bình về hai từ “mưa ngâu” đó. “Sự tích ông ngâu, bà ngâu/ Thú thực với em, anh chưa hiểu rõ/ Có phải xa để thương, để nhớ/ Nên ông bà mình sinh chuyện này chăng?”. Ở đời, việc sum họp, chia tay là lẽ thường tình nhưng đất nước mình chiến tranh liên miên nên sự thường tình ấy nhiều khi trở thành bất thường, đặc biệt. Biết bao gia đình, lứa đôi đâu phải cứ muốn gần nhau muốn quây quần, sum họp là được. Thậm chí, việc sum họp, chia tay nhiều khi bị chi phối hoàn toàn từ ngoại cảnh. Tình cảm giữa tôi và anh nhiều giai đoạn cũng phải chấp nhận sự chi phối ấy.
Một chiều cuối đông năm 1983, hết giờ làm việc tôi mang những bản vẽ từ cơ quan về nhà để làm thêm. Đang mải mê với những đường dọc ngang, con số. Bất chợt, có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tôi đứng bật dậy, khẽ kéo cánh cửa rồi sững người. Như có phép lạ, anh xuất hiện trong bộ quân phục Tô Châu, nước da xanh xao đặc trưng của những người lính trở về từ chiến trường sau những năm dài gian khó. Chị gái anh đứng bên cạnh tươi cười. Không kìm được, tôi thốt lên: “Ơ anh!... Địa phương đã… giấy báo…”. Trái ngược với sự nghẹn ngào, ấp úng của tôi, anh bình tĩnh, nắm chặt tay tôi: “Anh hiểu, anh sẽ kể…”.
Trong giờ phút hồi hộp, tôi vừa luống cuống pha chè vừa giới thiệu với chị gái anh và anh về căn hộ gia đình tôi đang ở tại khu tập thể này. Thật tức cười, khi tôi nâng chiếc ấm sứ màu xanh ngọc để rót nước vào hai chén nhỏ xinh, mặt đỏ bừng vì phát hiện mình chưa tra chè pha nước. Anh mỉm cười, nói nhỏ: “Việc này của con trai chứ, để anh”. Những cử chỉ tiếp đó của anh như rót nước mời chị gái, mời tôi; hỏi thăm sức khỏe bố, mẹ, anh chị em tôi; kéo ghế, lau bàn… thân mật, gần gũi như thể anh đã là người bạn quen thuộc lắm lắm với tổ ấm này… Trong số những bài thơ dạt dào cảm xúc anh tặng tôi sau đó, có nhiều bài anh viết về buổi gặp gỡ ấm nồng giữa chiều đông ấy. Như “Gặp lại em một chiều mùa đông/ Anh thấy lòng mình nắng ấm/ Trái tim anh chứa bao điều sâu lắng/ Suốt cuộc đời anh xin nguyện nâng niu...”; “Vĩnh Hồ in một góc sân/ Nhìn nhau đã hiểu chẳng cần quanh co/ Bến thương bến đợi con đò/ Đò thương rẽ sóng vô bờ từ đây…”. Phía dưới những bài thơ này anh nắn nót ghi “Vĩnh Hồ ngày 9-1-1984”. Những câu thơ chứa đựng những kỷ niệm ấy cứ ắp đầy trong tôi theo năm tháng cuộc đời. Cho mãi tới sau này, tôi vô cùng ấn tượng về buổi chiều hôm ấy, kỷ niệm và sâu sắc biết bao đằng đẵng sau nhiều năm gặp lại, chuyện trò giữa chúng tôi cứ ngỡ như vô tận, nhưng bồi hồi lắng đọng nhất vẫn là những chuyện về quê hương, gia đình trong những năm tháng chiến tranh. Chuyện xa chuyện gần, chuyện nhà chuyện nước, tiếng cười cứ đan xen cùng tiếng nấc nghẹn suốt buổi chiều chẳng thể nào quên ấy.
Tết đó, sau tiếng pháo râm ran giữa thời khắc thiêng liêng đón chào năm mới, anh xuất hiện ở cửa, bộ quân phục đẫm nước mưa, tay ôm bó hoa tươi thắm. Đó là những bông hồng nhung xen lẫn với những bông hoa ngọc lan tỏa hương ngan ngát. Cả gia đình tôi vui vẻ đón anh vừa với tâm trạng đón một người lính, vừa với tâm trạng đón một người con. Tôi thấy mình thật hạnh phúc, sau tiếng “Ồ” to của cả nhà, sững người trong giây lát.
Tay ôm bó hoa, nét mặt thoáng đỏ, vẻ bẽn lẽn qua nhanh, anh cười rất tươi và chào nghi thức kiểu quân đội. Cả gia đình đón anh vào, đặc biệt là anh trai tôi. Anh là bạn cùng lớp với anh trai tôi từ hồi cấp một, nay anh sắp là em rể, là con của gia đình. Anh trai tôi mở hộp mứt sang trọng nhất ra để cả nhà cùng chung vui. Trong không khí đầm ấm, gần gũi, anh cảm động xen lẫn vui mừng, anh trân trọng tặng gia đình bài thơ mừng xuân mới. Bài thơ có đoạn “Con được làm con của bố mẹ từ đây/ Giáp Tý - Ôi mùa xuân suốt cuộc đời con nhớ/ Tim còn đập và còn hơi thở/ Trung hiếu vẹn toàn con xin giữ bố mẹ ơi!...”. Năm, mười, mười lăm, hai ba mươi năm sau thỉnh thoảng anh lại đọc cho tôi nghe những vần thơ ấy. Mỗi lần như vậy lòng tôi thấy xốn xang bồi hồi, ấm áp biết bao. Tôi càng cảm nhận được rằng, trong cuộc đời không phải cứ những gì to tát lớn lao mà chỉ cần những kỷ niệm dù rất nhỏ, bình dị nhưng sâu thẳm, mặn mà sẽ theo ta đi suốt cuộc đời. Những kỷ niệm đó trân trọng, quý giá biết nhường nào.
Từ giao thừa ấy đến mãi mãi về sau, bố mẹ và các anh chị em tôi luôn dành cho anh tình cảm đặc biệt bởi anh là người lính từ chiến trường về đã từng vượt qua Trường Sơn, đã từng chịu đói, chịu rét, bao phen cái chết cận kề, có lần lòng anh đau thắt ôm thi thể đồng đội dưới mưa bom bão đạn. Xét cho cùng yêu thương anh cũng là yêu thương những anh Bộ đội Cụ Hồ. Như duyên trời đã định, sau giao thừa ấy cuộc đời tôi và anh đã bước sang trang mới như tình yêu của bao chàng trai, cô gái đã kết trái đơm hoa… Nhiều đêm ký ức cứ ào ạt ùa về trong tôi. Chuyện giữa tôi và anh, chuyện giữa hai gia đình mộc mạc mà đậm sâu theo ngày theo tháng.
Từ miền Nam về phép, được sự hỗ trợ của hai gia đình, hai đơn vị cơ quan, anh và tôi chuẩn bị việc trăm năm vẻn vẹn trong vòng một tháng. Sau ngày cưới một tuần anh phải trả phép. Khoác ba lô trên vai lần này không phải anh ra trận mà tôi thấy giờ phút chia tay sao thật khủng khiếp đến thế. Tôi tự hỏi chiến tranh đã kết thúc, những người vợ bộ đội đằng đẵng chờ chồng mười năm, hai mươi năm chưa đủ hay sao. Mà đến khi đất nước hòa bình, những người vợ bộ đội phải chờ chồng vẫn còn nhiều thế? Tiếng còi tàu trên sân ga Hàng Cỏ hú dài, giục giã. Tôi gượng cười, nước mắt tuôn trào. Buổi tiễn anh hôm nay còn có nhà báo Bảo Giám - một người anh, người bạn tâm đầu ý hợp với anh. Tiếng còi vừa dứt, nhà báo Bảo Giám vờ ngắm nhìn một đoàn tàu đang vào ga để dành cho tôi và anh một khoảng tự do riêng. Anh trao vội cho tôi một nụ hôn, nụ hôn vội vàng của người lính như mọi lần rồi nhảy lên đoàn tàu đang chầm chậm rời ga. Tôi nhìn hút theo anh và mong nhanh đến ngày anh sẽ vẫy tôi trên con tàu trở về như con tàu đang vào bến.
Những lần anh về thăm nhà sau đó đều là tranh thủ từ những chuyến công tác do đơn vị phân công. Có lần tàu về muộn, tôi ra đón không gặp anh. Căn phòng cơ quan tôi mượn anh biết đã phải trả từ lâu, anh ngồi chờ ở ga mấy tiếng đồng hồ vì không biết về đâu. Cứ mỗi lần đọc lại những câu thơ anh viết về kỷ niệm ấy mắt tôi lại ngân ngấn: “Cưới nhau một tuần, anh phải đi Nam/ Nhà tập thể đòi, em về với mẹ/ Vợ chồng rồi vẫn như son trẻ/ Ngày tết anh về không biết về đâu/ Ông bà dặn rằng đã trót thương nhau/ Mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội/ Giữa đô thành không đèo, không suối/ Anh lội, anh trèo trong nước mắt em…”.
Mùa thu năm 1985, hạnh phúc lớn lao đã đến với vợ chồng tôi, con trai của chúng tôi chào đời trong một đêm trăng dìu dịu muôn vì sao lấp lánh lung linh. Từ miền Nam anh kịp về cùng tôi đón nhận giờ phút thiêng liêng ấy. Chúng tôi thống nhất đặt tên con là Hồng Giang để mãi mãi ghi nhớ biết ơn quê hương nguồn cội nằm bên dòng sông Hồng ngàn năm chở nặng phù sa. “… Dương tháng 9 ngày 25/ Con ơi thỏa nỗi ước mong bao ngày/ Ba hôn mẹ thật đắm say/ Trái đầu cành đẹp từ đây giữa đời/ Hồng Giang - hai tiếng rạng ngời/ Ôi! Dòng sông đỏ, mặt trời lung linh…”. Đó là những vần thơ in tạc trái tim tôi, những vần thơ trong cuốn nhật ký bằng thơ anh đã viết ngay trong mùa thu ắp đầy yêu thương hy vọng ấy.
Hà Nội, ngày 18-4-2020