Chương 12Sự phân hóa của bảy Quán âm
Hình tượng chính của Bồ -tát Quán thế âm vốn là “Thánh Quán âm”; hình tượng Thánh Quán âm lại lấy dung mạo của con người một mặt hai tay làm bản nguyên, do đó tượng đứng có niên đại chế tác sớm hơn so với tượng ngồi. Hình tượng Quán âm đứng tay trái cầm búp sen, tay phải duỗi thẳng xuống dưới, lòng bàn tay hướng ra ngoài, đây được gọi là “ấn Thí nguyện”, cầm hoa sen mà chỉ có cầm phần cành là thói quen xưa nay của người Ấn Độ, cho nên tượng Quán âm mười một mặt với tư thế hoa sen cắm vào bình, tư thế cầm chiếc bình đại khái là dáng dấp theo thể thức của Trung Quốc hoặc thể thức của Nhật Bản xuất hiện “sau khi Nghi quỹ” có mặt.
Quán âm đầu đội mũ cũng là tượng Quán âm xuất hiện vào đời sau này, trên đỉnh đầu có đội mũ báu. Bảo tướng nguyên thủy gọi là Phát kế quan (mũ búi tóc), tức hình trạng tóc kết dựng đứng giống như chiếc mũ, đây được gọi là tượng Quán âm nguyên thủy. Ở chương này, chúng tôi chỉ gọi “Bồ-tát Quán thế âm”, nhằm để phân biệt với tượng “Quán âm biến hóa” mở đầu bằng các hình dung từ như “Thánh” [Quán âm] hoặc “Chính” [Quán âm] về sau.
Theo sự biến thiên của thời đại và sự tiến triển của tư tưởng, trên dung mạo Bồ- tát cũng nhận thấy mũ búi tóc của ngài đã biến thành mũ báu. Hơn nữa, từ Thánh Quán âm biến thành tượng Quán âm nhiều mặt nhiều tay, phân hóa thành sáu Quán âm, và không lâu sau lại phát sinh thành đức Quán âm với hình tướng ba mươi ba thân.
Theo kinh Thủ lăng nghiêm do Ban-lạt-mật-đế (Pramiti) dịch, thánh cách của Bồ-tát Quán thế âm có đủ năng lực viên thông vô tác. Nhờ những viên thông diệu dụng này mà có được ba mươi hai biến hóa ứng thân, biến hiện ra những hình tướng vô ngại, cũng chính là “Con được viên thông tu chứng vô thượng đạo cho nên thành tựu được bốn đức vô tác nhiệm mầu không thể nghĩ bàn: Thứ nhất, do con ban đầu chứng được tính nghe mầu nhiệm của nội tâm. Tính nghe này rất tinh sáng, thoát ngoài năng văn, sở văn, không bị sự thấy, nghe, tri giác làm phân cách, dung hợp thành một tính bản giác thanh tịnh viên mãn. Cho nên, con có khả năng hiện ra rất nhiều dung tướng tốt đẹp, có thể nói ra vô biên thần chú bí mật. Trong ấy, hoặc hiện ra một đầu, ba đầu, năm đầu, bảy đầu, chín đầu, mười một đầu, như vậy cho đến một trăm lẻ tám đầu, một ngàn đầu, một vạn đầu cho đến tám vạn bốn ngàn đầu thước-ca-ra (cakravāḍa - Kim cương kiên cố). Hoặc hiện ra hai tay, bốn tay, sáu tay, mười hai tay, mười bốn tay, mười sáu tay, mười tám tay, hai mươi tay, cho đến hai mươi bốn tay, như vậy cho đến một trăm lẻ tám tay, một ngàn tay, một vạn tay cho đến tám vạn bốn ngàn tay mẫu-đà-la (mudrā - Ấn). Hoặc hiện ra hai mắt, ba mắt, bốn mắt, chín mắt, như vậy cho đến một trăm lẻ tám mắt, một ngàn mắt, một vạn mắt, cho đến tám vạn bốn ngàn mắt báu thanh tịnh. Hoặc trong các dung tướng ấy có từ, có uy, có định, có tuệ để cứu độ chúng sinh được đại tự tại”.1
1 Kinh Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh Thủ lăng nghiêm, quyển 6 大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經卷第六 [T19n0945, tr. 129c04].
Dựa vào đoạn kinh trên chúng ta biết được căn nguyên tư tưởng ấy đúng với hình tướng vốn có của những tượng Quán âm nhiều mặt nhiều tay, trong Phật học gọi đây là Quán âm biến hóa. Những thân biến hóa ban đầu chịu ảnh hưởng bởi các thần của Bà-la-môn giáo như thần Thấp- bà (śiva) và thần Tỳ-sắt- nô (viṣṇu) rồi dần dần hình thành qua thời gian sau đó. Từ một số hình tượng tại hang động thứ tám ở Vân Cương, chúng ta có thể thấy được những nét chính của tượng thần Thấp-bà và Tỳ-sắt-nô.
Thần Thấp-bà (śiva -deva) có ba mặt tám tay, cưỡi bò, tay cầm chùm nho, cung, nhật luân; thần Tỳ- sắt-nô (viṣṇu-deva) có năm mặt sáu tay, cưỡi chim cánh vàng, tay cầm gà, cung, nhật nguyệt luân. Hang động Vân Cương là động đá ở huyện Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc là hệ thống hang động lớn do vị sư Đàm Diệu khắc tạc trong thời gian hơn ba mươi năm, từ năm đầu niên hiệu Hòa Bình (460) đến năm thứ 18 niên hiệu Đại Hòa (494) đời Bắc ngụy Văn Thành đế, phù điêu trên vách đá đều là những tư liệu lịch sử trân quý. Sự biến cách này, tư tưởng chư thiên pha trộn vào Phật giáo, vì vậy nó có ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo lập hình tượng Quán âm, mà rất nhiều tượng Quán âm “nhiều tay nhiều mắt” xuất hiện mang những dáng dấp khác nhau. Cho nên, không biết bắt đầu từ thời kỳ nào mà dung tướng thánh tượng có khuynh hướng chế tác tùy tiện pha tạp và hầu như không có quy phạm. Để ngăn chặn khuynh hướng này thì cần phải có một “Nghi quỹ” theo quy phạm nhất định, vì đây là tiêu chuẩn để họa tượng, tạo tượng theo thể thức chung.
Nghi quỹ (Kalpa) là nghi thức, quy tắc được nói đến trong Mật bộ, bắt đầu từ giữa thế kỷ III, tức từ khi Long Thọ (nāgārjuna) mở tháp sắt Nam Thiên, tiếp nhận tất cả các quy tắc đó từ Kim Cương tát-đỏa (Vajra -sattva), từ đó lưu truyền ở Ấn Độ, Trung Quốc, rồi sau này Tối Trừng (767-822), Không Hải (774-835) thỉnh về Nhật Bản. Tuy nhiên, Nghi quỹ này có không ít chỗ được các a-xà-lê (ācārya) thêm vào nhưng việc chế tác tượng Phật từ đó về sau đều phải làm theo tiêu chuẩn của Nghi quỹ ấy, mà không phát sinh những tình tiết chế tác tùy tiện xằng bậy nữa. Cho nên, “tượng họa Quán âm biến cách” trong Nghi quỹ của Mật bộ diễn biến như thế nào thì quả thực cần phải nghiên cứu kỹ.
Hình thái Bồ-tát Quán thế âm có nhiều chủng loại khác nhau như: sáu Quán âm,1 bảy Quán âm.2 Sáu Quán âm là dựa theo sáu đạo chúng sinh, tức tín ngưỡng được sinh ra từ việc nhiếp hóa cứu độ chúng sinh [của Bồ-tát] trong sáu cõi phàm mà có. Theo giáo thuyết đức Phật, trên thế gian này có vô số chúng sinh, nhưng chẳng có loài nào giống loài nào cả, vì ứng theo vô số nghiệp nhân khác nhau nên chủng loại và cảnh giới của chúng sinh cũng có vô lượng vô số. Nhưng con số vô hạn ấy tiệt nhiên không tiện để thuyết minh nên theo thói quen lúc bấy giờ, đức Phật lấy những chúng sinh tồn tại trong thần thoại và chúng sinh hữu tình đại khái phân chia thành năm thú (pañca gatayaḥ) hoặc sáu thú (ṣaḍ-gatayaḥ). Năm thú là năm loại chúng sinh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người và trời; sáu thú là năm loài trên cộng thêm loài a -tu-la (asura) vào loài thứ tư. Đại khái, đây là dựa theo cách phân loại của Bà-la-môn giáo Ấn Độ cổ đại, sau đó Độc tử bộ (Vatsi-putriya) của Phật giáo đã kế thừa cách phân loại ấy rồi thuyết minh tinh tế hơn; thuyết Luân hồi lục đạo của Trung Quốc và Nhật Bản cũng được viện dẫn ra từ đây. Quán âm luân hồi lưu chuyển trong sáu cõi phàm này là vì tùy thuận theo căn cơ của vô lượng vô biên chúng sinh mà ứng hiện giáo hóa.
1 Sáu Quán âm 六觀音: chỉ 6 hình tượng Bồ-tát Quán thế âm giáo hóa trong sáu cõi, tức Đại bi Quán âm, Đại từ Quán âm, Sư tử vô úy Quán âm, Đại quang phổ chiếu Quán âm, Thiên nhân trượng phu Quán âm, Đại phạm thâm viễn Quán âm. Đại bi Quán âm phá ba chướng cõi địa ngục; Đại từ Quán âm phá ba chướng cõi ngạ quỷ; Sư tử vô úy Quán âm phá ba chướng cõi súc sinh; Đại quang phổ chiếu Quán âm phá ba chướng cõi Tu-la; Thiên nhân trượng phu Quán âm phá ba chướng cõi người; Đại phạm thâm viễn Quán âm phá ba chướng cõi trời. Hơn nữa, Thai mật bộ của Nhật Bản cho rằng, đó là: 1. Thiên thủ Quán âm hóa đạo ngạ quỷ; 2. Thánh Quán âm hóa đạo địa ngục; 3. Mã đầu Quán âm hóa đạo súc sinh; 4. Thập nhất diện Quán âm hóa đạo tu-la; 5. Bất Không quyến sách Quán âm hóa đạo nhân gian; 6. Như ý luân Quán âm hóa đạo thiên nhân.
2 Bảy Quán âm 七觀音: Chuẩn-đề Quán âm và sáu Quán âm của Thai mật bộ.
Các điển tịch như kinh Đà-la-ni tập, kinh Thất Phật bát Bồ-tát, Ma -ha chỉ quán nói rõ, sáu Quán âm là đặc tính của Bồ-tát Quán âm lấy nhân cách hóa để biểu hiện:1. Quán âm Đại bi; 2. Quán âm Đại từ; 3. Quán âm Sư tử vô úy; 4. Quán âm Đại quang phổ chiếu; 5. Quán âm Thiên nhân trượng phu; 6. Quán âm Đại phạm thâm viễn. Thế nhưng, sáu Quán âm mà mọi người thường gọi khác biệt hoàn toàn với sáu Quán âm vừa liệt kê, cũng không phải dựa vào kinh nói, mà là Quán âm được biểu thị qua mạn-đồ-la của hai bộ Kim cương giới và Thai tạng giới, thấy rõ trong Chỉ quán tư ký; nhưng Đông mật và Thai mật cũng có chút ít bất đồng, Đông mật gọi “Thánh Quán âm, Quán âm Thiên thủ thiên nhãn, Quán âm Mã đầu, Quán âm Thập nhất diện, Quán âm Như ý luân, Quán âm Chuẩn-đề” là sáu Quán âm; Thai mật thì thay thế “Quán âm chuẩn-đề” bằng “Quán âm Bất không quyến sách”.
Nhưng liên quan đến sáu Quán âm được nói trong kinh luận, đại sư Trí Khải (538-597) đời Tùy cho rằng: “Sáu chữ chương cú đà-la -ni quyết chắc có thể phá phiền não chướng, trừ tam độc căn, thành tựu Phật đạo. Sáu chữ tức là sáu Quán thế âm này, có khả năng phá trừ ba chướng của lục đạo. Quán thế âm Đại bi có khả năng phá trừ được ba chướng của cõi địa ngục, cõi này quá khổ nên cần phải vận dụng tâm đại bi. Quán thế âm Đại từ có khả năng phá trừ được ba chướng của cõi ngạ quỷ, cõi này đói khát nên cần phải vận dụng tâm đại từ. Quán âm Sư tử vô úy có khả năng phá trừ được ba chướng của cõi súc sinh, vì chúa tể làm cho các loài thú khiếp vía, nên cần phải vận dụng sức không sợ hãi. Quán thế âm Thiên nhân trượng phu có khả năng phá trừ được ba chướng của cõi người. Cõi người có sự lý. Sự thì điều phục được tính kiêu mạn, nên gọi là nhân thiên; lý thì thấy được Phật tính, nên gọi là trượng phu. Quán thế âm Đại phạm thâm viễn có thể phá trừ được ba chướng của cõi trời. Phạm là Thiên chủ, thể hiện được uy thế đấng Thiên chủ thì thâu tóm được quần thần”.1
1 Ma-ha chỉ quán, quyển 2, thượng 摩訶止觀卷第二上 [T46n1911, tr. 15a29].
Sáu Quán thế âm có xuất xứ từ “sáu chữ chương cú” đại cát tường nói đến trong kinh Thỉnh Quán âm tiêu phục độc hại đà-la-ni chú. Đương nhiên, sáu chữ chương cú biểu thị sáu Quán âm. Sáu Quán âm này phối hợp với đấng cứu chủ của sáu cõi; nhưng sáu chữ chương cú tuyệt nhiên không phải là sáu câu thần chú, mà là danh tự của sáu đức Quán âm, do đó “sáu chữ hoàn toàn không biểu thị số lượng chỉ có sáu ký tự, mà là danh tự có sáu tướng trạng; Quán âm mang lại lợi ích cho sáu cõi chúng sinh nên ngài có sáu danh tự”.2
2 Trường yến thuật tứ thập thiếp quyết, quyển 7, Lục tự, tiết 1.
Mặc dù sáu Quán âm, đó là “Đại bi, Đại từ, Sư tử vô úy, Đại quang phổ chiếu, Thiên nhân trượng phu, Đại phạm thâm viễn”, nhưng sáu Quán âm mà thế gian hiện nay thường gọi không phải là các danh hiệu này. Hiện nay, sáu Quán âm dân gian thường gọi là “Thánh Quán âm, Thiên thủ Quán âm, Mã đầu Quán âm, Thập nhất diện Quán âm, Chuẩn-đề Quán âm, Như ý luân Quán âm” bắt đầu xuất hiện từ khi Tiểu Dã Tăng Chính Nhân Hải (954-1046) - người Nhật Bản, thuộc Đông mật- soạn tác phẩm Chú tiến văn vào năm thứ 3 niên hiệu Trị An (1023). Dựa vào thuyết này, Quán âm Đại bi biến hóa thành Quán âm thiên thủ cứu độ cõi ngạ quỷ; Quán âm Đại từ biến hóa thành Chính Quán âm, cứu độ cõi địa ngục; Quán âm Sư tử vô úy biến hóa thành Quán âm mã đầu, cứu độ cõi súc sinh; Quán âm Đại quang phổ chiếu biến hóa thành Quán âm thập nhất diện, cứu độ cõi a-tu-la; Quán âm Thiên nhân trượng phu biến hóa thành Phật mẫu Chuẩn-đề, cứu độ cõi người; Quán âm Đại phạm thâm viễn biến hóa thành Quán âm Như ý luân, cứu độ cõi trời.
Theo chỗ thấy biết của cá nhân tôi, thuyết trên đây chỉ là lời luận bàn theo kiểu gán ghép, là ý nghĩa được dẫn dụng từ bài kệ tụng trong Vinh hoa vật ngữ,1 tiết 22, của Nhật Bản:
1 Vinh hoa vật ngữ 榮華物語: còn gọi là Thế kế vật ngữ 世繼物語, khuyết tác giả. Sách này trình bày về lịch sử cung đình Nhật Bản trong thời gian 200 năm từ đời Vũ Đa thiên hoàng đến Quật Hà thiên hoàng, đặc biệt là miêu tả về Đằng Nguyên đạo trưởng rất chi tiết. Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử cổ nhất. [Nd]
Đại bi thiên thủ ngục, Sư tử mã đầu súc, Thiên nhân chuẩn-đề nhân, |
Đại từ chính ngạ quỷ, Đại quang diện tu-la, Đại phạm Như ý thiên. |
Ngoài ra, tác phẩm Giác Thiền sao cũng có Quán thế âm Như ý sáu tay, mô phỏng thuyết sáu Quán âm cứu độ lục đạo, nhưng cách phân phối có một vài bất đồng so với nội dung trong các tư liệu trước. Nay biểu thị bằng biểu đồ:
Nhưng ở đây vẫn có vấn đề, vì sao lại sắp xếp Quán âm Thiên thủ ở vị trí đầu tiên? Theo nhận thức thông thường, căn cứ vào niên đại xuất hiện thì Thánh Quán âm vẫn phải sắp xếp ở hàng dưới, nhưng tại sao Quán âm Thiên thủ lại sắp xếp ở hàng đầu tiên, khiến mọi người phải ngạc nhiên?
Có thể ban đầu học thuyết tông Thiên thai đề xướng năm Quán âm “Nam-mô Quán thế âm, đấng sư tử vô úy, âm nhu nhuyến đại từ, âm phổ chiếu đại quang, âm trời người trượng phu, ban vui cho chúng sinh, vớt qua bờ sinh tử”.1 Về sau, Mật bộ lưu truyền nhiều hình tượng Quán âm biến hóa, năm Quán âm của Mật gia và Thiên thai trái ngược nhau, tức đặt Quán âm Thiên thủ ở vị trí đầu, trở thành sáu Quán âm. Sơn Xuyên Tăng Chính Thừa Chứng (1250-1282)- người Nhật Bản, thuộc Thai mật- đưa ra cách sắp xếp: “Thánh, Thiên thủ, Mã đầu, Thập nhất diện, Bất không quyến sách, Như ý luân” là sáu Quán âm theo vị trí thông thường; trong bài viết của ông chủ trương: “Đông tự loại trừ Bất không quyến sách mà thêm vào Chuẩn đề, Chuẩn-đề trở thành Phật mẫu, không thể thay thế cho Quán âm, từ xưa đã thành nghi vấn”.2
1 Kinh Thất Phật bát Bồ-tát sở thuyết đại đà-la-ni thần chú, quyển 1七佛八菩薩所說大陀羅尼神呪經 [T21n1332, tr. 541b08].
2 A-sa-phược sao, quyển 96, Lục Quán âm, tiết 1.
Tóm lại, Đông mật loại trừ Quán âm Bất không quyến sách (Amoghapāśa āvalokiteśvara), mà thay vào đó bằng Quán âm Chuẩn-đề (Cundī- āvalokiteśvara), hình thành nên sáu Quán âm. Thai mật cho rằng Chuẩn-đề là Phật mẫu, không thể thay thế Quán âm, cho nên loại trừ Chuẩn- đề mà thêm vào Bất không quyến sách. Thế nhưng bảy Quán âm mà nhân gian thường gọi là tính luôn cả Quán âm Chuẩn-đề và Bất không quyến sách.
Tìm không bảy Quán âm như đã trình bày trên thì nên chọn cách sắp xếp theo thứ tự nào cho hợp lý? Tiếp theo Thánh Quán âm, tượng đầu tiên phải kể đến là Quán âm Như ý luân một mặt hai tay, tiếp đến là Quán âm mười một mặt và Quán âm Bất không quyến sách thiết lập, chịu ảnh hưởng của thần Thấp-bà và thần Tỳ-sắt-nô của Bà-la-môn giáo, có lẽ nhận xét không có gì sai khi cho rằng Phật giáo tiếp tục rập khuôn theo dáng dấp của các thần như đã mô tả trước đây để khắc họa nên tượng Quán âm biến hóa, và niên đại hình thành của ba tượng Quán âm này đại khái xuất hiện vào đầu thế kỷ V.
Sau hai tượng Quán âm mười một mặt và Quán âm Bất không quyến sách, tiếp đó xuất hiện Quán âm Thiên thủ. Quán âm Thiên thủ là thể biến hóa được phát triển từ Quán âm mười một mặt, là đức Quán âm được triển khai thông qua tín ngưỡng của tư tưởng sức thần thông linh diệu không thể nghĩ bàn mà biểu hiện ra bằng hình tướng, chấp trì, ấn khế… Đến đầu thế kỷ VI, tượng Quán âm mười một mặt mới hình thành và theo tôi nghĩ không sai thì tượng Quán âm Mã đầu, Quán âm Chuẩn-đề được hình thành vào giai đoạn muộn hơn. Do đó, hình thể tín ngưỡng này đã hoàn toàn thành thục từ khoảng giữa cuối thế kỷ VI, căn cứ vào lịch sử phiên dịch kinh điển chúng ta cũng có thể biết rõ điều này. Bây giờ lễ tán bảy Quán âm, nên theo thứ tự tìm hiểu bản tướng của từng vị.
1. Bồ-tát Thánh Quán thế âm
Quán âm nguyên thủy gọi đầy đủ là “Thánh Quán thế âm Bồ-tát”, xưa nay gọi đơn giản là Quán thế âm Bồ-tát. Thế nhưng trải qua thời gian, năm dài tháng rộng được Mật giáo hấp thu dung nhập, vì để có sự khác biệt với dung tướng của các tượng Quán âm khác nên kèm thêm hình dung từ “Thánh” vào trước, để xem đây là danh hiệu vốn có từ ban đầu. Do đó, nguyên điển trong các kinh điển căn bản của tín ngưỡng Quán âm - kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Quán thế âm Bồ -tát Phổ môn cũng chỉ có tôn hiệu avalokiteśvara, ngay cả tôn xưng ārya cũng không có. Cho nên, Bồ-tát Thánh Quán thế âm là tịnh thánh căn bản, mà nên xem các vị Quán âm khác là hình tướng cụ thể mang phẩm tính linh diệu không thể nghĩ bàn của đức Quán thế âm.
Bồ- tát Thánh Quán thế âm còn có nhiều danh hiệu, còn gọi là Chính Quán âm, Đại thánh Quán tự tại, Đại bi thánh giả,1 Đại tinh tấn Quán thế tự tại,2 dịch âm từ tiếng Phạn thành “A-lê-da-bà-lạc-chỉ-đế-nhiếp-bạt-la”, hoặc chỉ viết “A-phược-lô-chỉ-đa-thấp-phạt-la”.
1 Kinh Quán thế âm Bồ-tát thọ ký 觀世音菩薩授記經 [T12n0371, tr. 353b06].
2 Kinh Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì, quyển 1 大毘盧遮那成佛神變加持經卷第一 [T18n0848, tr.6c29].
Chính Quán âm được giải thích với ý nghĩa là Bản thân chính thể của Bồ-tát Quán thế âm. Pháp sư Thành Hiền (1162- 1231) ở viện Biến Tri, người Nhật Bản cũng nói: “Chính Quán âm là tổng thể của các đức Quán âm, bản thân ngài có khả năng biến hóa”, lại nói “Chính Quán âm là tổng thể của Đại bi; Thiên thủ là biệt dụng của Đại bi”.1 Đây thuộc về kiến giải của phái Tiểu Dã trong Mật giáo; còn phái Quảng Trạch lại có cách giải thích khác, nên hai phái có ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau. Về sau, quả nhiên Chính Quán âm dần dần có sự thay đổi về hình tướng, và Thánh Quán âm cũng hấp thu hình tướng khác mà thành, nội dung ghi trong Bổ-đà -lạc- già hải hội ký chính là dẫn chứng đáng tin cậy về ý kiến này.
1 Bạc thảo chỉ khẩu quyết, quyển 7.
Hình tượng Bồ-tát Thánh Quán thế âm có hơn mười tướng khác nhau. Hình tướng ban sơ là tượng hai tay chắp lại, như kinh Đà-la-ni ghi: “Tượng Quán thế âm vẽ, ngồi tòa hoa sen, mặc áo màu trắng, hồ quỳ hiệp chưởng”.2 Nhưng tượng hai tay hiệp chưởng phân thành hai loại là tượng đứng và tượng ngồi, tư thế phổ thông nhất của Bồ-tát Thánh Quán âm là tượng tay cầm hoa sen. Ngài Không Hải cũng quy định “Chính Quán tự tại Bồ-tát thân màu trắng, tay trái cầm hoa sen, tay phải trình hiện hình hoa nở”.3 Bộ chủ Liên hoa bộ của Thai tạng mạn-đồ-la thuộc Mật giáo mang hình thái này, nên không thể coi thường. Trong Niệm tụng pháp cũng có tượng Phật giống như mô thức này: “Liền biến hoa sen thành Bồ- tát Quán tự tại, mũ báu cài chuỗi ngọc, tướng đẹp trang nghiêm, phóng hào quang lớn, tỏa khắp pháp giới, trên mũ có Phật Vô lượng thọ. Bổn tôn tay trái cầm hoa sen trắng, tay phải trình hiện tư thế hoa sen nở”.4
2 Kinh Thanh tịnh Quán thế âm Phổ Hiền đà-la-ni 清淨觀世音普賢陀羅尼經 [T20n1038, tr.22c23].
3 Bí tạng ký, đại sư Hoằng Pháp Không Hải người Nhật Bản soạn vào đời Đường 秘 藏記日本弘法大師在唐之記.
4 Du-già liên hoa bộ niệm tụng pháp 瑜伽蓮華部念誦法 [T20n1032, tr.7b17].
Phẩm A-lỗ-lực cũng ghi: “Trên tấm giạ sạch cũng họa vẽ Bồ-tát Quán tự tại, tay cầm hoa sen, đứng trên hoa sen”.1 Tác phẩm Giác Thiền sao được các nhà Sự tướng thuộc Đông mật tôn trọng nhất cũng dẫn dụng lời trong kinh Thọ ký: “Họa vẽ Bồ -tát Quán tự tại, ngồi trên hoa sen, thân màu hồng nhạt, trang sức bằng chuỗi ngọc, mái tóc đội mũ báu có hóa Phật, bên trái mang thần sách trắng, tay trái cầm hoa sen, tay phải đặt trên đỉnh đầu, trình hiện tư thế kính lễ, vô số chuỗi ngọc làm trang nghiêm thân ngài, hiện tướng mạo mỉm cười”.3 Đây là cách trình bày về hình thái tượng ngồi. Cũng trong tác phẩm này có mô tả bức tượng tay cầm gậy: “Bồ-tát Quán tự tại là bậc Thánh có lòng bi lớn, từ phương Đông đến, tay cầm gậy, thân mặc y phục màu trắng, trang nghiêm thân bằng chuỗi ngọc báu, dùng da nai đen buộc chéo cánh tay phải, tóc đội mũ báu”. Ngoài ra, còn có tượng tay cầm phất tử, tràng hạt: “Lấy da hổ làm hạ y, hiện tướng phẫn nộ, cầm phất tử và tràng hạt, đỉnh đầu đội Phật Vô lượng thọ, uy nghi có đủ ba mắt, mặc áo màu hoa sen, thương nghĩ đến các loài hữu tình”.2
1 Kinh A-rị-đa-la Đà-la-ni A-lỗ-lực 阿唎多羅陀羅尼阿嚕力經 [T20n1039, tr.30a03]. 3 Giác Thiền sao, quyển thượng, Thánh Quán âm.
2 Kinh Bồ-đề tràng nhất tự kim luân vương, quyển 3.
Trái ngược với ý kiến của Giác Thiền sao thuộc Đông mật, tác phẩm được coi trọng nhất thuộc Thai mật là A-sa -phược sao1 miêu tả tượng Chính Quán âm tay phải cầm bạch phất, tay trái cầm hoa sen.
1 A-sa-phược sao, do Thừa Trừng (1205-1282) soạn, 228 quyển, khẩu truyền ghi chép về các tác pháp của Thai mật.
Nếu tìm hiểu rốt ráo thì Bồ- tát Thánh Quán thế âm có tượng ngồi và cũng có tượng đứng, ngự trên đài sen, tay trái cầm búp sen, tay phải kết ấn Dữ nguyện; nếu không phải tư thế ấy thì tay trái cầm bình báu, tay phải kết ấn Thí vô úy, là hình tượng cơ bản nhất, (tham chiếu kỹ tượng Thánh Quán âm ở chương 6). Trong tư tưởng thì vị Bồ-tát này mang mật hiệu “Chính pháp kim cương” hoặc “Thanh tịnh kim cương”, hay còn gọi là “Liên hoa kim cương”.
2. Bồ-tát Quán thế âm Thiên thủ
Bồ-tát Quán thế âm Thiên thủ, tiếng Phạn là sahasrabhuja avalokiteśvara, dịch âm là Sa-ha-sa-la-bộ-nhạ a-phược-lộ-chỉ-đế-thấp-bà-la, còn gọi là Bồ-tát Quán thế âm thiên thủ thiên nhãn (sahasrabhuja sahasranetra), hoặc gọi Thiên tý Quán âm, Thiên quang Quán âm tự tại, gọi đủ là Thiên nhãn thiên thủ thiên thiệt thiên túc thiên tý Quán tự tại (Quán tự tại ngàn mắt, ngàn đầu, ngàn lưỡi, ngàn chân, ngàn tay), mật hiệu là Đại bi kim cương.
Đức Quán âm này có một ngàn con mắt từ bi nhìn chúng sinh, dùng một ngàn cánh tay từ bi để cứu hộ chúng sinh. Trong kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán âm trình bày về ngài như sau:
“Ta nhớ về thuở quá khứ vô lượng kiếp có đức Phật ra đời, hiệu là Quang vương tĩnh trụ Như Lai. Đức Phật Thế tôn ấy vì thương tưởng đến ta và tất cả chúng sinh mà ngài nói ‘Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni’ này, dùng cánh tay sắc vàng sờ đỉnh đầu ta mà nói thế này: ‘Này thiện nam tử! ông nên trì tụng tâm chú này, rộng vì sự lợi lạc lớn cho hết thảy chúng sinh trong đời ác thuở vị lai’. Ta đương lúc ấy mới trụ bậc Sơ địa, một lần nọ nghe được chú này mà vượt lên Địa thứ tám. Lúc ấy tâm ta hoan hỷ, phát lời thệ nguyện rằng: ‘Nếu tương lai tôi có thể làm lợi ích, an lạc cho tất cả chúng sinh thì ngay tức khắc thân tôi sinh ra đầy đủ ngàn tay ngàn mắt’. Phát nguyện xong, ngay lúc ấy trên thân thảy đều có đầy đủ ngàn tay, ngàn mắt”.1
1 Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni. 千手千眼觀世音菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼經 [T20n1060, tr. 106b27].
Đoạn kinh trên thuyết minh Bồ-tát Quán tự tại trong quá khứ nghe tâm chú đại bi, vì lợi lạc cho hết thảy chúng sinh nên phát nguyện thân đầy đủ ngàn tay ngàn mắt, thì ngay lập tức có được thân Quán tự tại đầy đủ ngàn tay, ngàn mắt.
Liên quan đến hình tượng ấy, các kinh điển và Nghi quỹ cũng có một vài chỗ miêu tả bất đồng, nhưng đại thể Quán âm thiên thủ ngoài hai tay hai mắt ra, thì hai bên trái phải mỗi bên có hai mươi cánh tay, tức không vượt quá bốn mươi cánh tay. Tại sao có bốn mươi cánh tay? Năm bộ Như Lai, Kim cương, Ma- ni, Liên hoa, Yết-ma, mỗi bộ có tám tay, cộng lại thành bốn mươi tay, trong bốn mươi tay ấy hiện ra tượng Bồ -tát. Nhưng chỉ có bốn mươi tay mà không đến một ngàn tay, vậy tại sao lại gọi là ngàn tay? Ngoài hai cánh tay thông thường, bốn mươi cánh tay khác đều trì giữ từ bi, mỗi cánh tay cứu độ hai mươi lăm hữu giới chúng sinh, nên nhân lên thành một ngàn cánh tay.
Hai mươi lăm hữu giới là phân chia ba cõi sáu đạo chúng sinh còn lưu chuyển luân hồi thành hai mươi lăm chủng loại. Ở đây, vì để tiện nhìn thấy rõ nên chúng tôi biểu thị bằng một biểu đồ sau:
Liên quan đến thuyết hai mươi lăm hữu chúng sinh, trong tác phẩm Nhận thức thiền thời cận đại1 của người chấp bút (Hậu Đằng Đại Dụng) có trình bày tường tận nên ở đây tôi tỉnh lược, mà chủ yếu là nói về nhân sinh quan, thế giới quan sau khi chết của Ấn Độ cổ đại. Vay mượn hình tượng Bồ-tát Quán thế âm ngàn tay để biểu thị nhân sinh quan, thế giới quan này, tức bốn mươi tay nhân hai mươi lăm hữu bằng một ngàn tay. Còn cái gọi là “một ngàn mắt” cũng mang ý nghĩa như vậy, trong mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt, tức một ngàn tay đều có đủ một ngàn mắt. Đặc biệt, trong thần thoại của Bà-la-môn có vị trời tên là Nhân-đà-la (Indra), đã từng vì mắc tội gian dâm với người vợ của tiên nhân Gautama là Ahaliyā nên trên thân thể mọc ra một ngàn dấu vết mang hình bộ phận sinh dục nữ; sau đó nhờ công đức tu tập cúng dường nên một ngàn dấu vết ấy hóa thành một ngàn con mắt.2
1 Hậu Đằng Đại Dụng, Thiền chi cận đại nhận thức 禪之近代認識, tr.2-3.
2 Kinh Tạp A-hàm, quyển 40, kinh Bồ-tát bản duyên, quyển 2 菩薩本緣經卷中 [T03n0153, tr. 58c12].
Còn có thuyết khác cho rằng, trời Đế thích (śakra) là vị ngàn tay ngàn mắt, đây có thể xem là nguồn gốc sâu xa của hình tượng ngàn tay ngàn mắt. Nhưng trong Đại bi tâm đà-la-ni,1 ngoài ngàn mắt ngàn tay, còn có ngàn đầu (sahasra-śirsa), ngàn chân (sahasra-pada), ngàn lưỡi (sahasra-jihva), có thể nói là sự biểu hiện được triển khai từ tư tưởng này.
1 Thế tôn thánh giả thiên nhãn thiên thủ thiên túc thiên thiệt thiên tý Quán tự tại Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni 世尊聖者千眼千首千足千舌千臂觀自在菩提薩埵怛嚩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼 [T20n1062B, tr. 114b04].
Ngàn là số lượng rộng lớn vô biên, biểu thị một cách cụ thể về năng lực đại bi cao cả của tôn giả Quán tự tại mang thệ nguyện rộng lớn sâu tựa biển cả.
Trên thân của Bồ-tát, Trong mỗi lòng bàn tay, Tùy theo loài chúng sinh, Trụ trên đài hoa sen, |
Đầy đủ bốn mươi tay. Có một mắt tình thương. Cầm vô số vật báu. Phóng hào quang sạch lớn.1 |
1 Kinh Thiên quang nhãn Quán tự tại Bồ-tát bí mật pháp 千光眼觀自在菩薩祕密法經 [T20n1065, tr. 125a24].
Liên quan đến vật cầm trên bốn mươi tay, ngoài hai tay chính hiệp chưởng, kết ấn Thí vô úy, hoặc ấn Dữ nguyện, những tay còn lại có nhật tinh ma-ni, nguyệt tinh ma-ni, cung báu, tên báu, quân-trì (kuṇḍika, tức bình nước), cành dương liễu, bạch phất, bình báu, cái thuẫn, cây búa, sọ người, gậy báu, chuỗi hạt, gươm báu, chày kim cương, móc sắt câu-thi (aṅkuśa), tích trượng, hoa sen trắng, hoa sen xanh, hoa sen tía, hoa sen hồng, gương báu, ấn báu, Hóa Phật trên đầu, tráp báu, mây năm sắc, kích báu, tù và báu, bảo châu như ý, quyến sách (dải lụa), bát báu, vòng ngọc, chuông báu, bạt-chiết-la (vajra, chày kim cương), Hóa Phật, hóa cung điện, kinh báu, kim luân bất thoái chuyển (bánh xe vàng), chùm nho, tay cầm bình cam lộ. Nhưng theo từng trường hợp khác nhau, trong ấy hai bên tả hữu, mỗi bên chỉ có ở mười chín tay cầm khí trượng cộng với hai tay hiệp chưởng hoa sen và kết ấn Nhập định, nắm lông vũ, tổng cộng mỗi bên hai mươi mốt tay.
Trong các kinh điển, nghi quỹ cũng đề cập đến hình tượng Quán âm một mặt mười tám tay.1 Trong ấy, bốn tay hiệp chưởng và kết ấn Định, mười bốn tay còn lại một tay cầm chày kim cương, một tay cầm kích ba chĩa, một tay cầm Phạn khiếp,2 một tay cầm ấn báu, một tay cầm tích trượng, một tay cầm bảo châu, một tay cầm bánh xe báu, một tay cầm hoa sen nở, một tay cầm quyến sách, một tay cầm gậy thông, một tay cầm chuỗi hạt, một tay cầm lọ nước, một tay thí xuất cam lộ, một tay thí xuất vô số thí vô úy mưa báu.
1 Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm Bồ-tát mụ đà-la-ni thân.
2 Phạn khiếp 梵篋: tức kinh Bát-nhã, biểu thị trí tuệ Ba-la-mật. [Nd]
Lại nữa, kinh Thần kiến có ghi chép tượng một mặt mười hai tay: “Cân nhắc dựa theo bản tiếng Phạn nước Tây [Trúc], việc tạo tượng đều dùng giạ trắng, rộng mười khuỷu tay, nước này [Trung Hoa] là một trượng sáu thước, dài hai mươi khuỷu tay, nước này [Trung Hoa] là ba trượng hai thước. Thân Bồ- tát màu vàng gỗ đàn. Trên khuôn mặt có ba mắt, đủ một ngàn cánh tay. Trong mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt, phía trước thân thể có mười hai tay, hai bên tả hữu cộng lại một ngàn tay. Trong mười hai tay ấy, một tay cầm thanh gươm sắt, độ dài của gươm bằng độ dài của thân; một tay cầm cành hoa sen, dài giống như thanh gươm; một tay kết ấn Diệt tội; một tay cầm bình nước; một tay cầm quyến sách; hai tay hiệp chưởng hướng vào ngực; lại có một tay duỗi dài xuống dưới, tay thí như ý; lại có một tay thí xuất của báu vô tận cho người bần cùng; một tay thí xuất cam lộ cho quỷ đói. Mười hai tay đều nắm vật tác pháp để bạt cứu đau khổ chúng sinh. Một ngàn tay của Bồ- tát lại kết các đại thủ ấn để hàng phục ma binh, trên đầu đội mũ hoa, trên thân trang sức chuỗi ngọc”.1
1 Kinh Thiên nhãn thiên tý Quán thế âm Bồ-tát đà-la-ni thần chú 千眼千臂觀世音菩薩陀羅尼神呪經 [T20n1057a, tr. 87b01]; A-sa-phược sao 阿娑縛抄.
Thai tạng Mạn- đồ-la đại sao có ghi chép tượng hai mươi bảy mặt, bốn mươi hai tay. Theo thuyết này, hai mươi bảy mặt màu sắc vàng kim, xếp chồng lên nhau thành năm tầng, từ mặt chính diện nối thêm hai mặt ở hai bên tả hữu, tầng thứ hai mỗi tầng có bảy mặt, tiếp theo hai tầng mỗi tầng năm mặt, mỗi đầu đều có mũ kết bằng tóc. Bốn mươi hai tay có ấn khế và khí trượng chín trăm năm mươi chín loại, tủa đều ra hai bên cân xứng nhau, các vòng tròn chồng lấn lên nhau đẹp như vầng hào quang tròn. Tài liệu cũng ghi chép tỉ mỉ, trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt. Từ chín trăm năm mươi chín loại khí trượng nên chúng ta có thể suy tính được rằng, tượng hai mươi bảy mặt, bốn mươi tay là hình tướng rút gọn của tượng năm trăm mặt, bốn mươi tay.
Hình tượng năm trăm mặt, bốn mươi tay không thể nghĩ bàn này được ghi chép trong tác phẩm Bổ-đà-lạc hải hội quỹ. Vị Bồ -tát này màu sắc đẹp đẽ, siêu việt ba cõi, màu vàng kim óng ánh, đầu đội mũ báu, tóc rũ màu đen pha hồng, trên đỉnh có năm trăm mặt, đầy đủ một ngàn mắt. Do đó, hai mươi bảy mặt chia làm năm tầng cho đến năm trăm mặt, ngầm cho thấy rằng đây là tượng phân hóa phát triển từ tượng Quán âm mười một mặt mà ra. Chắc chắn rằng, tượng Quán âm nhiều mặt, ngàn tay ngàn mắt được phát triển biến hóa từ Quán âm mười một mặt.
Ban đầu, sự hình thành Bồ- tát Quán thế âm ngàn tay ngàn mắt tương đồng với Quán âm mười một mặt, cả hai đều bắt nguồn từ các vị thần Ấn Độ cổ đại như thần Lỗ-đạt-la (Rudra) và Thấp-bà (Śiva). Theo Lê-câu phệ-đà (ṛg-veda), thần Rudra “có ngàn mắt, bụng đen lưng đỏ, cổ xanh, ở trên núi”,1 cũng gọi là Thiên nhãn (sahasra-netra). Quán thế âm ngàn tay phỏng theo hình tướng thần Śiva lấy chày kim cương (vajra) làm vật cầm tay, còn gọi là Thiên tý (sahasrabāhu). Thần Rudra và thần Śiva kết hợp gọi chung là Iśvara (Tự tại thiên), được người Ấn Độ cổ đại tôn sùng là vị thần tối cao sáng tạo ra vũ trụ- tức Đại tự tại thiên (Maheśvara, Ma-hê- thủ-la), “hình tượng là ba mắt tám tay, thân dài mười sáu ngàn du-thiện- na”.2 Lại có thuyết cho rằng, tượng thần ba mắt mười tám tay,3 vật cầm trên tay cũng là kích ba chĩa, bánh xe, cờ, búa, loa báu… tương tự vật cầm trên tay của Bồ-tát Quán thế âm ngàn tay. Một điều chắc chắn rằng, thần cách và tư thái của các vị thần này được những người tín ngưỡng tư tưởng Quán âm thu nhận và áp dụng để nhào nặn điểm tô nên đức Quán thế âm ngàn tay.
1 Ấn Độ triết học tôn giáo sử, tr.106.
2 Câu-xá luận quang ký, quyển 7 俱舍論光記.
3 Tốc tật lập nghiệm Ma-hê-la thiên thuyết A-vĩ-xà pháp 速疾立驗魔醯首羅天說阿尾奢法[T21n1277, tr. 329b03].
Ngoài ra, niên đại hình thành hình thể “Bồ-tát Quán thế âm ngàn tay” vào thời gian nào? Chắc chắn rằng, việc tín ngưỡng và tạo tượng Bồ-tát Quán thế âm ngàn tay xuất hiện sau khi có mặt tượng Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt. Trong lời tựa kinh Thiên nhãn thiên tý Quán thế âm Bồ-tát đà -la- ni thần chú do Trí Thông dịch, có ghi: “Vào niên hiệu Vũ Đức đời Đường (618-626), có vị Tăng người Bà-la-môn miền Trung Thiên Trúc tên là Cù- đa- đề- bà đến kinh đô, dâng lên triều đình hình tượng họa vẽ và bản kinh kết đàn thủ ấn. Thái Vũ tông trông thấy nhưng không quý trọng, vị Tăng kia buồn bã nên cho ngựa chở về. Đến niên hiệu Trinh Quán (627-649), lại có vị Tăng người miền Bắc Thiên Trúc mang theo bản Phạn Thiên tý thiên nhãn đà-la- ni để phụng tiến. Văn Vũ thánh đế ra sắc lệnh cho pháp sư Trí Thông chùa Đại Tổng Trì cùng vị Tăng thông thạo tiếng Phạn kia dịch thần chú này và các thủ ấn ra Hán văn”.1
1 Bài tựa kinh Thiên nhãn thiên tý Quán thế âm Bồ-tát đà-la-ni thần chú 千眼千臂 觀世音菩薩陀羅尼神咒經序 [T20n1057a, tr. 83b10].
Có nghĩa là, vào niên hiệu Vũ Đức (618-626), Cù-đa-đề-bà từ miền Trung Ấn Độ đến Trung Hoa, họa vẽ hình tượng Quán âm ngàn tay ngàn mắt. Vào niên hiệu Trinh Quán (627-649), có vị Tăng người Thiên Trúc đến, thỉnh được bản Thiên tý đà-la-ni bằng tiếng Phạn; giữa thế kỷ VI, pháp sư Trí Thông phiên dịch thần chú này ra Hán văn. Từ phương diện này mà suy đoán, có thể nhận định rằng tín ngưỡng và tượng vẽ Quán âm ngàn tay ngàn mắt đã được hình thành ở miền Trung Ấn, Bắc Ấn vào đầu thế kỷ VI.
Về sau, Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) đến Trường An vào năm thứ 2 niên hiệu Trường Thọ (693), phiên dịch kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán âm mẫu đà-la-ni thân, 1 quyển. Còn nữa, Thiện Vô Úy (śubhakara-simha) đến Trung Quốc vào năm thứ 4 niên hiệu Khai Nguyên (716). Năm thứ 12 niên hiệu Khai Nguyên (724) giảng nói Quán âm ngàn tay..., phiên dịch kinh Đại nhật, 7 quyển. Lại có ngài Bất Không (Amoghavajra) người nước Sư Tử (Tích-lan) miền Nam Ấn đến kinh đô Lạc Dương, phiên dịch kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm Bồ-tát đại bi tâm đà- la-ni, 1 quyển. Đến thời gian này, tín ngưỡng Quán thế âm đã rất thịnh hành.
***
Hiện tại, trên đồ hình Mạn-đồ -la Thai tạng giới có họa vẽ hình tượng một vị tiên nhân khổ hạnh ở phía dưới mé phải của Bồ-tát Quán thế âm ngàn tay ngàn mắt, tay trái cầm gậy tiên, tay phải hiện tư thái búng móng tay; phía dưới mé trái có vẽ Công Đức thiên1 ở hình tướng thiên nữ màu trắng, với hình dạng đang cúng dường hoa. Ngoài ra, còn có vẽ hai tiên nữ ở phía trên tả hữu đang cưỡi mây, hiện tư thái cúng dường. Trong bốn tôn tượng ấy, tướng trạng vị tiên nhân khổ hạnh phía dưới mé phải là Bà-tư đại tiên (vāseṭṭha), là tiên nhân thời đại phệ-đà Ấn Độ, tức nhân vật đại biểu trong tầng lớp bà-la-môn sáng tác những bài tán ca phệ-đà (veda), do thường sát sinh ăn thịt, không từ bỏ thói quen này nên đọa vào địa ngục; sau đó ra khỏi địa ngục, liệt vào đệ tử hàng đầu của đức Phật về tài năng thuyết pháp, hằng vui tam-muội, lấy thiền duyệt làm thức ăn”.2
1 Công Đức thiên 功德天: tức Thiên nữ Cát Tường 吉祥天女, là vị Nữ thần chăm về vận mệnh, của cải trong Bà-la-môn giáo và Ấn Độ giáo, được thấy sớm nhất trong Lê-câu Phệ-đà. Phật giáo liệt vị nữ thần này thành thiên thần hộ pháp, là em gái của Tỳ-sa-môn thiên trong Tứ đại thiên vương. Do có công đức lớn với đại chúng nên gọi là Công Đức thiên. Theo truyền thuyết, Công Đức thiên có khả năng khiến mọi người tăng thêm tài sản của cải; còn Hắc ám nữ thì có khả năng làm tổn hao tài sản loài người, hai nữ thần này là hai chị em ruột thường không rời nhau.[Nd]
2 Kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 3, phẩm Đệ tử có ghi: “Thường vui với tam-muội, lấy thiền duyệt làm thức ăn, đó chính là tỷ-kheo Bà-tư-tra 恒喜三昧,禪悅為食,所謂婆私吒比丘是” [T02n0125, tr. 558c08].
Công Đức thiên mang hình dáng thiên nữ phía dưới mé trái là Cát Tường Công Đức thiên, còn gọi là Cát Tường thiên (Lakṣmī). Thiên nữ này chính là cung phi của thần Tỳ-nữu (viṣṇu) trong thần thoại Ấn Độ, canh giữ những điều tốt đẹp, là nữ thần ban bố các công đức lớn cho chúng sinh. Nữ thần này có rất nhiều tên gọi khác nhau, truyền thuyết tương lai thành Đẳng chính giác, hiệu là Cát tường ma-ni Bảo sinh Như Lai ứng cúng Chính biến tri.1
1 Kinh Đại Cát tường thiên nữ thập nhị khế nhất bách bát danh vô cấu đại thừa 大 吉祥天女十二契一百八名無垢大乘經 [T21n1253, tr.254a28].
Lại theo truyền thuyết, Quán thế âm ngàn tay có hai mươi tám bộ đại chúng quyến thuộc,1 ủng hộ những hành giả có lòng tin kính lễ Bồ-tát Quán thế âm, mọi người thường gọi là hai mươi tám bộ chúng của Quán âm ngàn tay. Hai mươi tám bộ là một phương có bốn bộ bộ, tức bốn phương [Đông, Tây, Nam, Bắc] cộng với phương trên và phương dưới thành sáu phương, sáu phương nhân bốn bộ bằng hai mươi tư bộ, cộng thêm bốn duy [Đông nam, Tây nam, Đông bắc, Tây bắc] mỗi duy một bộ, cộng lại thành hai mươi tám bộ. Nay liệt kê như sau:
1 28 bộ đại chúng quyến thuộc: gọi đủ là Thiên thủ Quán âm nhị thập bát bộ chúng (28 bộ chúng của Bồ-tát Quán âm ngàn tay), gồm thiện thần, long vương, thần mẫu nữ... mỗi bộ đều có 500 quyến thuộc. Do mỗi Nghi quỹ ghi chép khác nhau nên tên gọi cũng bất đồng. Xem thêm danh hiệu 28 bộ chúng này được ghi chép ở kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni (Già-phạm-đạt-ma dịch) 千手千眼觀世音菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼經[T20n1060, tr. 106a04].
Một điều không thể tránh khỏi là danh xưng và hình thái của hai mươi tám bộ chúng quyến thuộc hộ pháp này có vô số bất đồng ở các kinh điển, nghi quỹ.1 Chắc chắn rằng, hai mươi tám bộ chúng cũng như bốn chúng của Bà-tư đại tiên (vāseṭṭha) là quyến thuộc vây quanh Bồ-tát Quán thế âm ngàn tay, có xuất xứ từ các thần Bà-la-môn giáo Ấn Độ cổ đại được Phật giáo tiếp nhận.
1 Thiên thủ Quán âm tạo thứ đệ pháp Nghi quỹ, Tam tạng Thiện Vô Úy, miền Trung nước Thiên Trúc vâng chiếu dịch 千手觀音造次第法儀軌,中天竺國三藏善無畏奉詔譯 [T20n1068, tr. 138a13].
Từ xưa đến nay, Bồ -tát Quán thế âm ngàn tay ngàn mắt thịnh hành ở vùng Tây Vực, từ việc phát hiện các tượng vẽ Quán âm ngàn tay và mạn-đồ-la ở Tây Vực của các nhà thám hiểm trong những năm gần đây có thể cho chúng ta hiểu rõ về vấn đề này. Và từ tượng Quán âm ngàn tay được phát hiện tại hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng- hiện nay đang lưu giữ tại viện bảo tàng Gimei thủ đô Paris - khiến giới học giả quan tâm nhiều, trên bia đá có khắc niên đại chế tác vào năm thứ 8 niên hiệu Thiên Phúc (943), chịu ảnh hưởng rất đậm nét của di phong thời thịnh Đường, chính là mô thức thời Ngũ Đại, nhưng có chút đáng tiếc rằng tượng này biểu hiện phong cách phức tạp của rất nhiều thời đại.
Bồ -tát Quán thế âm ngàn tay ngàn mắt được coi là chủ ty cõi địa ngục trong sáu nẻo. Pháp môn tu tập thì tôn vị Bồ-tát này làm bổn tôn gọi là “pháp Quán âm ngàn tay”, hay còn gọi là “pháp ngàn tay”, truyền thuyết cho rằng pháp tu này mang lại các lợi ích là ái kính hoặc tiêu trừ các tai nạn. Phái Tiểu Dã thuộc Chân ngôn tông của Nhật Bản gọi là “pháp kính ái Quán âm ngàn tay”, là pháp cầu nguyện để vợ chồng hòa thuận hạnh phúc.
Kinh Trị bệnh hợp dược có đoạn: “Nếu có cặp chồng vợ bất hòa, tình trạng như nước với lửa, thì hãy tìm một lông đuôi chim uyên ương rồi đứng trước tượng Đại bi tâm tụng chú một ngàn tám trăm biến, luôn mang theo bên mình thì hai người sẽ vui vẻ yêu thương nhau đến suốt đời”,1 tức lấy pháp tu này làm nền tảng. Và bảo rằng, niệm danh hiệu Bồ-tát ngàn tay thì có thể tránh được mười lăm cái chết xấu, phát sinh mười lăm việc thiện.2
1 Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm Bồ-tát Trị bệnh hợp dược 千手千眼觀世音菩薩治病合藥經[T20n1059, tr. 104c13].
2 Xem Đặc tính của ngài Quán âm, chương 14.
Trong kinh Thiên nhãn thiên tý Quán thế âm Bồ-tát trị bệnh hợp dược cũng ghi chép các pháp tu tập để tránh khỏi bệnh tật, các tai ách do ác quỷ gây hại, và các nạn như đẻ khó, chết khi sinh nở. Ấn khế của ngài Quán thế âm ngàn tay cũng gọi là “Ấn ngàn tay ngàn mắt”, tức các móng tay của hai ngón út, hai ngón vô danh, hai ngón giữa áp lưng lại với nhau, hai ngón trỏ dựng thẳng, hai ngón cái để sát bên cạnh ngón trỏ, giữa hai cổ tay cách nhau khoảng năm tấc, đặt ấn ở giữa hai hàng chân mày và tụng thần chú: “Án, phược nhật la, đạt ma, hột rị” (oṁ vajra dharma hrīḥ). Giải thích lời câu thần chú như sau: “Án = quy mạng; phược nhật la = kim cương, người; đạt ma = pháp; hột rị = hạt giống Quán âm, hiển thị nhân và pháp không hai”.1
1 Khê Lam thập diệp tập, quyển 8 溪嵐拾葉集.
3. Bồ-tát Quán thế âm Đầu ngựa
Bồ-tát Quán thế âm đầu ngựa, tiếng Phạn là Hayagrīva, dịch âm là Hà-da-yết-lợi-bà, còn dịch là Hạ-dã- hột- rị-phược, dịch ý là Đại lực trì minh vương, Mã đầu đại sĩ, Phẫn nộ trì minh vương, gọi đủ tên là Thánh Hạ-dã-hột-rị-phược Đại uy nộ vương lập thành đại thần. Vị Bồ-tát này hiện sắc thái phẫn nộ, hiện tướng mạnh mẽ uy phong tồi phục, trên đầu đội đầu ngựa, giống ngựa báu của Chuyển luân thánh vương, tung vó thu phục bốn phương, lặn lội trong biển lớn sinh tử, thể hiện uy lực hàng phục ác ma, và thị hiện tướng nhai nuốt nghiệp chướng vô minh, cho nên gọi là Quán thế âm sư tử vô úy.1 Trong lục đạo thì ngài là chủ quản cõi súc sinh, mọi người đều tin ngài bảo hộ súc vật, nên mật hiệu của Bồ-tát là Đạm thực kim cương, hay còn gọi là Tấn tốc kim cương.
1 Ma-ha chỉ quán, quyển 2, thượng 摩訶止觀卷第二(上) [T46n1911, tr. 15b04].
Hình tướng phẫn nộ được biểu thị rõ trong Nghi quỹ, sách trình bày thế này:
Hạ-dã-hột-rị-phược, Dùng từ bi phương tiện, Thành nhật luân uy lớn, Người tu hành tối tăm, Rưới thấm nước cam lộ, Huân tập nhiều chủng tử, Được pháp thân tròn sạch, |
Thường bẻ các ma chướng. Hiện hình đại phẫn nộ. Chiếu sáng vô biên cõi. Nhanh được quả Tất-địa. Rửa sạch trong tạng thức. Mau tập tụ phước trí. Nên con cúi đầu lễ.1 |
1 Thánh hạ-dã-hột-rị-phược đại uy nộ vương lập thành đại thần nghiệm cúng dường niệm tụng Nghi quỹ pháp phẩm, quyển thượng 聖賀野紇哩縛大威怒王立成大神驗供養念誦儀軌法品上卷[T20n1072A, tr. 155a10].
Lại nói: “Do bản nguyện phát ra từ miệng ngựa đại từ đại bi của ta sâu nặng, nên ta chuyên làm việc giáo hóa tất cả chúng sinh. Nhờ đại từ nên không dính mắc ở sinh tử; do đại bi nên không trụ ở niết-bàn. Thường trụ ở các cảnh giới của vô minh; đoạn sạch vô số các ác thú; diệt sạch cái khổ sinh, già, bệnh, chết ở bốn loài chúng sinh trong lục đạo. Lại có khả năng nhai nuốt, diệt sạch các việc, giống như ngựa đói gầy chỉ biết ăn cỏ, mà không suy nghĩ đến việc gì khác. Nhờ vào sức bản nguyện này nên mười phương cõi nước không chỗ nào mà chẳng hiện thân”.1
1 Phẩm Thánh Hạ-dã-hột-rị-phược đại uy nộ vương lập thành đại thần nghiệm cúng dường niệm tụng Nghi quỹ pháp, quyển hạ 聖賀野紇哩縛大威怒王立成大神驗供養念誦儀軌法品下卷 [T20n1072A, tr. 169b21].
Có nghĩa là, vị Bồ-tát này hiện hình tướng giận dữ để phá trừ các loại ma chướng, thành tựu vầng mặt trời có uy thần lớn chiếu soi đến những nơi tối tăm của chúng sinh, trụ ở cảnh giới vô minh, lấy việc đoạn trừ khổ não làm bản nguyện; việc làm của ngài giống như con ngựa khỏe chỉ biết uống nước đục, ngoài ra không làm việc gì khác, như con ngựa gầy chỉ biết ăn cỏ tạp, ngoài ra không nghĩ đến việc gì khác, nên gọi là đầu ngựa, lẽ ấy dễ thông!
Nói cách khác, vị Bồ-tát này hiện tướng giận dữ mãnh liệt để hàng phục tà ác, nhưng đức nhẫn nhục nhu hòa tích chứa bên trong mà không thể hiện ra tướng trạng bên ngoài; thân thể của ngài không vàng cũng không đỏ, giống như sắc thái mặt trời mới mọc, miệng phóng ra ngọn lửa hừng hực, ba mắt sáng rực, răng trên cắn vào môi dưới, để lộ hàm răng trắng muốt, đầu tóc rối tung như bờm sư tử hất lên, trán đội Hóa Phật, trên đầu an trí đầu ngựa, ngồi thế kết-già.
Quán âm trên đỉnh đội đầu ngựa, uy thế giống như ngựa báu của Chuyển luân thánh vương tung vó khắp thiên hạ, chiết phục tà ác, đồng thời cũng là biểu tượng thực hiện lòng đại từ bi cấp tốc. Mọi người thường thấy hình tượng Quán thế âm đầu ngựa là tượng một mặt hai tay, hai tay hiệp chưởng hoặc kết ấn Thí vô úy; nhưng trong kinh Đà-la-ni thì mô tả hình tượng ngài ba mặt hai tay; kinh Nhiếp vô ngại mô tả ngài ba mặt bốn tay; Mã đầu nghi quỹ họa thành tượng bốn mặt tám tay.
Sở dĩ các hình tượng này không theo một khuôn khổ nào nhất định là vì Bồ-tát Quán thế âm có thần lực của và diệu dụng vô hạn không thể nghĩ bàn. Trong kinh nói, Bồ -tát Quán thế âm ăn nuốt nghiệp chướng vô minh của tất cả chúng sinh, vì bẻ gãy phá dẹp các tâm lý sợ hãi nên hiện hình đầu ngựa;1 trong Nghi quỹ có đức Quán âm đại bi hóa hiện thành Minh vương đầu ngựa.2 Lại trong Nghi quỹ trình bày hình tượng Quán âm đầu ngựa một mặt hai tay; Giác Thiền sao dẫn dụng kinh Bất không quyến sách thì Bồ-tát Quán thế âm đầu ngựa tay trái cầm chiếc búa, tay phải cầm hoa sen, ngồi thế kết-già. Ở kinh khác cũng mô tả Quán âm tay trái cầm quân-trì (kuṇḍika, bình nước), tay phải cầm hoa sen; có kinh mô tả tay trái cầm hoa sen, tay phải cầm gậy; lại có chỗ thể hiện tay trái kết ấn Thí vô úy, tay phải cầm hoa sen, chủ yếu thường thấy phổ biến vẫn là tượng Bồ-tát một mặt hai tay.
1 Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật kinh sớ, quyển 10 大毘盧遮那成佛經疏卷第十 [T39n1796, tr. 682a16].
2 Kim cương đỉnh Du-già thanh cảnh đại bi vương Quán tự tại niệm tụng Nghi quỹ 金剛頂瑜伽青頸大悲王觀自在念誦儀軌 [T20n1112, tr. 492b11].
Đối với tượng ba mặt hai tay, kinh Đà-la-ni tập có đoạn: “Thân vị Bồ -tát này dài bằng một khuỷu tay của Phật, tổng cộng có ba mặt. Một mặt của vị Bồ-tát trong số ba mặt ấy có tướng trạng rất đoan trang, biểu hiện dung nhan từ bi, màu sắc đỏ trắng, đầu tóc thuần xanh. Mặt bên trái màu đen thể hiện sự giận dữ, răng chó mọc nhô thẳng lên, đầu tóc dựng đứng như ngọn lửa đang bốc cháy. Mặt bên phải với nụ cười rạng rỡ, màu đỏ trắng đoan chính tựa mặt Bồ-tát, đầu tóc thuần xanh. Trên đầu của ba mặt, mỗi đầu đội mũ trời, tai đeo vòng ngọc, trên mũ trời ấy có một vị Hóa Phật ngồi thế kết-già. Trên đỉnh đầu của mặt chính giữa có đầu ngựa ngọc bích, môi ngậm chặt. Dưới cổ Bồ-tát trang sức bằng chuỗi ngọc báu, sau cổ có vầng hào quang nhiều màu sắc nhiều tầng lớp, khuỷu cánh tay trái co lại, bàn tay để trước ngực, cầm hoa sen hồng, hoa sen này cao bằng đầu Bồ-tát, để thẳng trước bắp trên cánh tay trái. Trên đài sen có một Hóa Phật, mặc áo ca-sa lụa đỏ, ngồi thế kết-già. Sau cổ có hào quang. Lòng bàn tay phải để ngửa, năm ngón đều duỗi thẳng, khuỷu cánh tay co vừa, lòng bàn tay nâng châu như ý. Quả châu hình tròn, giống như màu trắng, hào quang tựa ngọn lửa màu đỏ bao bọc lấy quả châu. Từ nơi tay phải của ngài tuôn rắc vô số châu báu tựa như mưa rơi, bắp trên cánh tay trái quấn da hổ, như mặc áo che vai (samkaksikā). Dưới nách phải dùng da kết đai che, lại dùng da hổ che kín phần bẹn. Ngoài ra, còn có vòng xuyến đeo tay, thiên y, khố đều giống cách họa vẽ Bồ-tát ở các nơi khác. Nếu Bồ-tát đoan thân đứng thẳng trên hoa sen hồng, phần trên đầu Bồ-tát để trống không che bảo cái thì phần để trống phía trên vẽ nhiều thiên âm nhạc cụ, khoảng trống hai bên vẽ điệu múa cúng dường của cõi trời Tu-đà- hội (suddhāvāsehi devehi), dùng nhựa thơm họa vẽ hình tượng ngài mà không nên dùng keo được chế xuất từ da”.1
1 Kinh Phật thuyết đà-la-ni tập, quyển 6, Hà-da-yết-rị-bà tượng pháp 佛說陀羅尼集經卷第六作何耶揭唎婆像法 [T18n0901, tr. 837c25].
Ở đây, Bồ-tát Quán thế âm đầu ngựa, trong lòng bàn tay phải nâng quả châu như ý (cintā-mani), bảo châu màu trắng, cần phải lưu ý về cách họa vẽ ánh hào quang hình ngọn lửa cháy vòng tròn xung quanh, có thể nói là sự biểu trưng cho sức bản nguyện của vị Bồ-tát này.
Đối với tượng ba mặt bốn tay, Giác Thiền sao dẫn dụng kinh Nhiếp vô ngại rằng:
Đầu ngựa báu trên đỉnh, Trong mũ báu mặt chính, Thân tướng màu da sẫm, Răng sắc nhọn trên môi, Kết ấn khế Định tuệ, Co ngón đàn, giới, nhẫn,1 Tay phải Định cũng vậy, Duỗi xuống phía trước ngực, Tay phải Tuệ cầm búa... |
Ba mặt ba ba mắt. An trụ thân Hóa Phật. Tướng sân giận đáng sợ. Hình bốn tay hai chân. Tay trái thế nắm quyền. Duỗi tấn, thiền như mỏ.2 Định, tuệ, tấn hợp đầu.3 Tay trái Định ấn quyền. Ngồi trên hoa sen lớn.4 |
1 Ngón đàn (ngón út), ngón giới (ngón vô danh), ngón nhẫn (ngón giữa).
2 Duỗi ngón tấn (ngón trỏ), ngón thiền (ngón cái) giống như mỏ chim.
3 Ba ngón định (ngón trỏ), tuệ (ngón cái), tấn (ngón vô danh).
4 Nhiếp vô ngại đại bi tâm đại đà-la-ni kinh kế nhất pháp trung xuất vô lượng nghĩa nam phương mãn nguyện Bổ-đà-lạc hải hội ngũ bộ chư tôn đẳng hoằng lực phương vị cập uy nghi hình sắc chấp trì Tam-ma-da tiêu xí Mạn-đà-la Nghi quỹ 攝無礙大悲心大陀羅尼經計一法中出無量義南方滿願補陀落海會五部諸尊等弘誓力方位及威儀形色執持三摩耶幖幟曼荼羅儀軌 [T20n1067, tr. 131a07].
Đây là tượng hai tay kết ấn, tay trái quyền ấn, tay phải cầm búa.
Đối với tượng bốn mặt tám tay ngồi trên lưng trâu, trong Nghi quỹ pháp có ghi: “Nên đúc một tượng Kim cương uy nộ vương, lớn nhỏ tùy ý. Tượng ấy mô hình phải thể hiện được bốn mặt tám tay. Mỗi mặt, răng sắc nhọn lộ ra cả trên dưới bốn miệng. Tám tay cầm khí trượng kim cương. Trên đỉnh đầu mặt chính giữa hiện ra một đầu ngựa màu ngọc bích, đầu tóc như ngọn lửa xoáy ốc, hiện hình đại bạo ác, cưỡi trâu xanh, lưng trâu ấy có hình hoa sen, ngồi xổm trên hình hoa sen ấy, khắp thân lửa cháy sáng rực siêu việt hoạn nạn. Đại uy nộ vương hàng phục thiết -đô-lô (śatru, oán gia) ba đời, hình tướng đẹp như vậy”.1
1 Phẩm Thánh hạ-dã-hột-rị-phược đại uy nộ vương lập thành đại thần nghiệm cúng dường niệm tụng Nghi quỹ pháp, quyển hạ 聖賀野紇哩縛大威怒王立成大神驗供養念誦儀軌法品下卷 [T20n1072A, tr.167c26].
Theo thuyết của một Nghi quỹ khác nói về tượng ba mặt tám tay: “Góc Đông Bắc họa Mã đầu minh vương, có ba mặt tám tay. Mỗi tay cầm các khí trượng, tay trái trên cầm hoa sen, một tay cầm bình, một tay cầm trượng đặt trước tim, dùng hai tay kết ấn khế. Tay phải trên cầm búa, một tay cầm tràng hạt, một tay cầm quyến sách. Luân vương ngồi trong hoa sen, hiện tướng đại phẫn nộ, thể hiện tư thế mạnh mẽ cực ác. Những tượng còn lại đều dựa theo phương thức này”.2
2 Đại thánh Diệu cát tường Bồ-tát bí mật bát tự đà-la-ni tu hành mạn-đồ-la thứ đệ Nghi quỹ pháp 大聖妙吉祥菩薩祕密八字陀羅尼修行曼荼羅次第儀軌法一卷 [T20n1184, tr.785c09].
Vị Bồ-tát này ở mạn-đồ -la Thai tạng giới hiện còn, được xếp ở vị trí trong cùng tại viện Quán âm, tượng vẽ ba mặt hai tay, gọi là Phẫn nộ trì minh vương của Liên hoa bộ. Toàn thân màu đỏ có ba mặt, mỗi mặt có ba mắt, hai răng mọc thẳng đứng. Trên đỉnh đầu của mặt chính giữa đội đầu ngựa, co hai cánh tay tả hữu để trước ngực, chắp tay thành ấn Đầu ngựa, đầu gối phải dựng thẳng, ngồi trên hoa sen đỏ. Liên quan đến tượng đầu ngựa của mạn-đồ-la này, pháp sư Nhất Hạnh (683-727) đời Đường thuyết minh thêm: “Phía dưới Bồ-tát Quán tự tại, an trí Hà-da-yết-rị-bà [hayagrīva], dịch là Đầu ngựa. Thân ấy chẳng vàng chẳng đỏ, như màu sắc mặt trời vừa mới mọc, dùng hoa sen trắng làm chuỗi ngọc, trang nghiêm thân ấy. Hào quang hình lửa cháy rực rỡ hùng uy, lan tỏa như mái tóc. Móng tay dài nhọn, hai răng mọc hướng lên. Đầu tóc như bờm sư tử, thể hiện tướng trạng giận hét. Đây là Phẫn nộ trì minh vương thuộc Liên hoa bộ. Giống như ngựa báu của Chuyển luân vương, chạy rảo bốn châu, bất cứ nơi nào, bất cứ ở đâu cũng đều có thể rửa sạch tất cả tạp niệm. Sức đại tinh tấn của các Bồ-tát cũng như vậy. Có được uy thế mạnh mẽ ấy, ở trong các chướng nặng sinh tử cũng không sợ ảnh hưởng đến thân mạng, cho nên bẻ gãy nghiệp chướng khắp nơi, chính nhờ tâm đại bi trắng sạch. Vì thế mà dùng hoa sen trắng, chuỗi ngọc để trang nghiêm thân Bồ-tát”.1
1 Đại tỳ-lô-giá-na thành Phật kinh sớ, quyển 5 大毘盧遮那成佛經疏卷第五 [T39n1796, tr. 632c07].
Ấn khế của Bồ-tát Quán thế âm Đầu ngựa là “co hai ngón phong luân, đặt ở dưới hư không luân, cách nhau giống như lá lúa. Đây là ấn Hà -da- yết- rị-bà”.1 Ấn khế này là hiệp chưởng để trống lòng bàn tay, tức co hai ngón trỏ, hai ngón vô danh đặt ở chân hai ngón cái, không cho tiếp xúc nhau, còn gọi là tướng ấn Đầu ngựa hiện hình Tam- muội-da. Mà chân ngôn Bồ-tát Quán thế âm Đầu ngựa là:
1 Kinh Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì, quyển 4, phẩm Mật ấn 大毘盧遮那成佛神變加持經卷第四密印品第九 [T18n0848, tr.27a03].
Nam-ma tam-mạn-đa bột-đà-nẫm mâu -khê-dạ đà-bạn-xà tát-phá tra -dã sa-ha.1 (namaḥ samanta buddhānām mukya dabanzya sphaṭya svāhā).
1 Kinh Đại Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì, quyển 2, phẩm Phổ thông chân ngôn tạng, 4大毘盧遮那成佛神變加持經卷第二普通真言藏品第四 [T18n0848, tr. 14b11].
Thần chú này còn gọi là “Chư chướng đạm thực chân ngôn”. Nói cách khác, chân ngôn này lấy công đức Không hành, nuốt tất cả các pháp làm chướng ngại bồ-đề trong ba cõi, trao cho chúng sinh diệu quả thực tướng của các pháp. Xem vị Bồ-tát này là bổn tôn làm pháp tu hành để cầu đảo, nhằm điều phục người ác, tiêu trừ các bệnh, oán địch lui tan, nghị luận được thắng. Cách thực hành pháp này, theo Đại thần nghiệm cúng dường niệm tụng Nghi quỹ pháp phẩm, thì “thiết lập đàn ngũ sắc trong đạo tràng ấy, dài rộng bốn khuỷu tay trước sau màu trắng, tiếp đến là bốn cửa lần lượt trang trí màu vàng, đỏ, xanh, đen, chính giữa đàn thiết lập tòa hoa sen để an trí tôn tượng Đầu ngựa. Ở cửa Đông lập hai tòa hoa sen an trí hai đồng tử Ba-la-đa-ma và Ba-la-già-na. Ở cửa Bắc lập hai tòa hoa sen an trí hai đồng tử Nhất kế la-sát và A-bà-la-để”; phương Nam thờ tám đại Long vương Nan-đà, Bà-tố-kê, Đức-xoa-ca, Yết-cố-tra, Ban-ma, Ma-ha Ban-ma, Thương-khư-ba-la, Cưu-lợi-ca; mé nam cửa tây an trí lò lửa.1
1 Thánh hạ-dã-hột-rị-phược đại uy nộ vương lập thành đại thần nghiệm cúng dường niệm tụng Nghi quỹ pháp phẩm, quyển hạ 聖賀野紇哩縛大威怒王立成大神驗供養念誦儀軌法品下卷[T20n1072A, tr.169a20].
Đại khái Bồ-tát Quán thế âm Đầu ngựa khởi nguyên từ tư tưởng Tế ngựa (aśvamedha) được lưu hành trong Lê-câu Phệ-đà cổ đại Ấn Độ. Ấn Độ thời cổ đại, ngựa được dùng trong chiến trận, lấy tốc độ phi nhanh của loài ngựa làm biểu tượng cho tác phong quân đội hùng mạnh của quốc vương; trong tế điển chọn lựa một con ngựa, trang sức lộng lẫy rồi buộc vào cọc tế (yūpa), xướng lên câu thần chú: “Bất kỳ kẻ nào muốn mang đến nguy hại cho ngựa đều phải chịu trừng phạt của thần Kỷ luật (varuṇa)”. Ngựa là loài vật được tôn sùng nhất trong các loài động vật, loài vật dùng để kéo xe cho các thần trong vòm trời này cũng đều bằng ngựa, vì vậy mà danh xưng các loài động vật trong Phệ-đà thì loài ngựa được chọn để đặt tên nhiều nhất; vị khích lệ các thần phá hoại xe địch tại chiến trường là Tārksya; giống như thần Indra giết rắn gọi là Paidva; xe kéo mặt trời chuyển động gọi là Etaśa, hết thảy đều là thần ngựa.1
1 Ấn Độ triết học tôn giáo sử, tr.120.
Ngoài ra, vua Pedu xuất hiện trong thần thoại Phệ-đà có liên quan mật thiết không thể tách rời với Bồ-tát Quán thế âm Đầu ngựa, vì ca ngợi vị vua kia nên đi đến Tư mã song thần (Aśvin) xin được con tuấn mã Paidva, rồi ngựa Paidva giết chết con rắn độc, vua là người sáng tác ra điệu múa Pedu trong thần thoại Ấn Độ. Khi Bồ-tát Quán thế âm Đầu ngựa hiện tướng phẫn nộ, con tuấn mã kia lại hiện tướng phấn đấu đối trị rắn độc, trên đỉnh đầu Bồ-tát tạo đầu ngựa ngọc bích. Trong điệu múa Pedu, người múa lột mặt đầu ngựa, trên đầu Bồ-tát có hình rắn bị đâm, biểu hiện tình huống rắn độc bị hại.
Hơn nữa, kinh Đại nhật có nói, hình tướng Quán thế âm Đầu ngựa có màu sắc mặt trời hồng buổi ban mai,1 nghĩa là Tư mã song thần (Aśvin) như một ngôi sao tờ mờ sáng. Trong Áo nghĩa thư có một chương kinh tên là Hayagrīva-upaniṣad, ghi chép về Minh vương Đầu ngựa và pháp quán Du-già, thì chúng ta có thể hiểu rõ về mối quan hệ giữa vị vua này và Quán thế âm Đầu ngựa, và thừa nhận nguồn gốc của Bồ-tát Quán thế âm Đầu ngựa xuất phát từ đâu.
1 Kinh Đại Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì, quyển 1大毘盧遮那成佛神變加持經卷第一[T18n0848, tr. 7a19].
Trên đây đã trình bày vắn tắt lấy bí pháp tụng niệm Du-già coi Bồ-tát này là bổn tôn để cầu nguyện thuyên giảm ngựa bệnh, người tu luyện từ thời trung cổ đến nay thực hành “pháp gia trì Bồ-tát Quán thế âm Đầu ngựa”, tức lấy hạt châu đầu tiên trong tràng hạt chạm vào chỗ cách lông trán ngựa và vẽ vào đó chữ “mễ” ba lần, tiếp theo vẽ chủng tử Quán âm Đầu ngựa trên lá trúc xanh, rồi đem một túm lá trúc xanh dư thừa cho ngựa ăn, cuối cùng kết ấn Tiểu tam cổ, tụng chân ngôn Quán âm đầu ngựa một trăm lần. Pháp tu gia trì chuồng ngựa mới xây cũng như vậy.
4. Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt
Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt, tiếng Phạn là ekādaśa -mukha, dịch âm là Ế-ca- na-xá mục-khư, dịch ý là Mười một tối thắng, hoặc Mười một đầu, thông thường gọi là Quán âm mười một mặt, hay gọi là Đại quang phổ chiếu Quán thế âm. Trong kinh Thập nhất diện Quán thế âm thần chú do ngài Da -xá- quật-đa (Yaśogupta) dịch thời Bắc Chu, thuyết minh khi Bồ- tát tụng niệm thần chú này, trong sát-na liền hiện thấy lợi ích, trừ sầu não, bệnh khổ, chướng nạn, tai ương quái dị, ác mộng… và mong muốn điều gì cũng được thỏa mãn. Trời Phạm thiên, Đế thích ca ngợi công đức biên chép, đọc tụng kinh này. Bách liên hoa nhãn đỉnh vô chướng ngại công đức quang minh vương Như Lai ra đời, nếu người trì tụng thần chú này thì đời này có được mười công đức và bốn quả báo.1
1 Thập nhất diện thần chú tâm kinh 十一面神呪心經 [T20n1071, tr.152b11] Nd.
Được mười công đức trong đời này là:
- Thân thường không bệnh.
- Thường được chư Phật mười phương nhiếp thọ.
- Tất cả tài sản, y phục, thức ăn sử dụng sung túc.
- Có thể phá dẹp hết thảy oán cừu đối địch mà không sợ hãi.
- Có thể khiến tất cả chúng sinh đều sinh lòng từ.
- Các loài trùng độc, quỷ mị không thể xâm hại.
- Tất cả dao gậy không thể hại được.
- Tất cả tai nạn về nước không thể nhấn chìm.
- Tất cả tai nạn về lửa không thể thiêu cháy.
- Không bị các nạn hoạnh tử.
Bốn quả báo, đó là:
- Khi lâm chung được thấy vô lượng chư Phật trong mười phương.
- Mãi mãi không đọa các đường ác.
- Không bị chết vì các tai nạn nguy hiểm.
- Sau khi mất được sinh về thế giới Cực lạc.
Đây là lấy bảy nạn tiêu diệt nhanh chóng trong phẩm Phổ môn làm cơ sở, từ việc trừ khử bệnh khổ tai ách đến những lợi ích về y phục, thức ăn, nước uống trong đời này, và còn thêm những lợi ích đời sau vãng sinh về Tịnh độ, cũng chính là nhấn mạnh các lợi ích trong hai đời hiện tại và tương lai.
Nguyên nhân Bồ-tát hiện ra mười một mặt, xưa nay có nhiều thuyết. Cũng có thuyết cho rằng mười một là con số không thể nghĩ bàn, nên luôn luôn diễn ra những tranh luận không dứt.
Có thuyết cho rằng, mười một mặt là tiêu chí quả vị Phật ở địa thứ mười một, tức đoạn mười phẩm vô minh. Thuyết này nói, mười ba-la-mật biểu thị cho Chính pháp minh Như Lai. Lại nói, do vượt qua mười hai nhân duyên nên có mười hai mặt, mặt Phật trên đỉnh đầu là quả, mặt Bồ-tát dưới đỉnh đầu là nhân, hai tầng nhân quả, mười một mặt trên đầu là mặt phương tiện, một mặt phía dưới là mặt chân thật, một cặp phương tiện và chân thật biểu thị cho tục đế và chân đế.1 Song cả hai thuyết trên đều không có y cứ lý luận xác đáng. Từ lập trường của Mật giáo, đặt nền tảng ở kinh Thập nhất diện Quán thế âm thần chú, mười một mặt tiêu biểu chứng thực cho mười một ức chư Phật, trong tín ngưỡng thì ai ai cũng đồng ý quan điểm này.
1 A-sa-phược sao, quyển 89.
Trong kinh Thập nhất diện Quán thế âm thần chú nêu rõ: “Lúc bấy giờ Bồ- tát Quán thế âm bạch đức Phật rằng: ‘Bạch đức Thế tôn! Con có thần chú tên gọi là Mười một mặt. Tâm chú này trở thành chỗ được nói của mười một ức chư Phật. Con nay nói ra tâm chú này, là vì tất cả chúng sinh, muốn cho tất cả chúng sinh nhớ niệm pháp lành; muốn cho tất cả chúng sinh không còn ưu não; vì muốn diệt trừ tất cả bệnh tật của chúng sinh, vì muốn trừ diệt tất cả chướng nạn, tai ương quái dị, ác mộng; vì muốn đoạn trừ tất cả nạn bệnh tử xấu; vì muốn trừ những kẻ ác tâm khiến họ được nhu hòa; vì muốn trừ tất cả các chướng nạn do ma quỷ, ác thần gây nên, khiến chúng không còn dấy khởi nữa”.1 Thệ nguyện cao thượng nghiêm cẩn như vậy có thể được nhìn nhận là tinh thần của Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt. Từ con số mười một này để truy tìm chỗ uyên nguyên về câu thần ngữ của Bồ-tát, nó hé lộ cho chúng ta thấy được chút ít về cội nguồn sinh ra tư tưởng này, đó chính là Bà-la-môn giáo cổ đại Ấn Độ.
1 Phật thuyết thập nhất diện Quán thế âm thần chú kinh 佛說十一面觀世音神呪經 [T20n1070, tr.149a22].
Bồ -tát Quán thế âm mười một mặt bắt nguồn từ Hoang thần mười một mặt (ekādaśa-rudra), nên có thể thấy Quán thế âm mười một mặt được hình thành là dựa theo hình tướng vị thần này. Không những hình tướng của vị thần này có mười một mặt, mà còn có hai tay, bốn tay, tám tay giống hệt như tượng Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt. Bây giờ chúng hãy thử tìm hiểu thêm Hoang thần mười một mặt này.
Vị thần này, thời đại Phệ-đà Ấn Độ cổ đại gọi là Rudra, đến thời đại Ấn Độ giáo về sau trở thành một trong những vị thần cao nhất- tức thần Thấp- bà (śiva), danh xưng này cũng có một ngàn lẻ tám tên gọi khác nhau. Có khi gọi là Thập nhất tối thắng (ekādaśattama), cũng có khi gọi là Lỗ-đạt-la mười một mặt (ekādaśa-muka -rudra), hoặc Thập nhất Lỗ-đạt -la trong các nhóm thần. Theo tác phẩm Triết học Lê-câu Phệ-đà của học giả Mộc Thôn Thái Hiền, người Nhật Bản, thì thân Hoang thần mười một mặt màu nâu xám, mang trang sức màu vàng kim, đội mũ kết bằng tóc, tay cầm cung tên, và có ngàn mắt, bụng màu đen, lưng màu đỏ, cổ xanh, thường cư trú trên núi. Tính chất đặc biệt của vị thần này là một khi nổi giận thì giết chết nhiều người và súc vật, làm tổn thương cây cỏ bằng vũ khí mũi tên sấm sét của mình. Vì vậy mà mọi người cảm thấy sợ hãi, gọi là Hoang thần, ai ai cũng cầu mong thần này đừng bao giờ đến gần mình, nên thường cúng dường thần với tâm lý “kính nhi viễn chi” được gọi là miravadā”.1 Thế nhưng, thần này cũng chẳng phải hoàn toàn là ác thần, sở dĩ về sau biến thành thiện thần là do thần có một mặt ân huệ, cho nên người ta cũng suy tôn danh hiệu của bậc trị liệu (jalāsa), tôn sùng Hoang thần mười một mặt là vị thần trị liệu những căn bệnh cho người và súc vật.2
1 H. Oldenberg, Tôn giáo Vệ-đà (Die Religion des veda), tr. 218.
2 Ấn Độ triết học tôn giáo sử, tr.106.
Để nghiên cứu nguồn gốc của con số mười một này, chúng ta không thể không quay lại tìm hiểu một chút về tư tưởng triết học Ấn Độ. Thời đại Phệ- đà cổ đại, ba cõi trời, không trung, đất có ba mươi ba vị thần, thì mỗi cõi ấy đều có mười một vị thần hiện hữu. Cõi trời là thế giới ánh sáng, tức thiên quốc, thông thường người ta tin rằng không thể nào dùng mắt thường của con người để nhìn thấy được chỗ tồn tại trên bầu trời; tầng không khí mà tầm mắt chúng ta có thể vươn tới được là cõi không trung; cõi đất là thế giới này, hiện ra hình quả cầu màu xanh nước biển; mỗi cõi phối trí mười một vị thần.
Như vậy, con số mười một này và tính cách của nó được vay mượn từ tôn giáo vốn có của Ấn Độ - “thần cách Phệ -đà”, mà hình thành nên vị Bồ- tát mang đặc trưng ấy, tức là đức Quán thế âm mười một mặt. Do tư tưởng Bà-la-môn giáo pha trộn vào Phật giáo, nên Phật giáo vận dụng tư tưởng Vệ-đà để nhào nặn nên hình tượng Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt vào khoảng đầu thế kỷ V Tây lịch. Như J. Fergusson (1808-1886) chỉ cho thấy rằng, tượng Quán âm bốn tay mười một mặt ở hang động Kanheri là tư thái của thần Lỗ-đạt-la (rudra) mang nét nguyên thủy nhất.1 Đại điện hang động Kanheri là hang động được khai quật nằm trên núi đá giữa đảo Saruset cách Bombay của Ấn Độ về hướng Đông Bắc khoảng hai mươi dặm, suy đoán các chùa tháp (cetiya) nơi đây được xây dựng vào cuối thế kỷ II Tây lịch.
1 Các tự miếu hang động Ấn Độ (The Cave Temples of India), bản đồ 2 thứ 55.
Da-xá-quật-đa (Yaśogupta), người Bắc Ấn Độ đến Trung Quốc phiên dịch kinh Thập nhất diện Quán thế âm thần chú vào thời kỳ Bắc Chu Vũ đế thống trị (561-577), nên chúng ta có thể biết đây là loại hình tín ngưỡng tương đối cổ xưa. Từ phương diện lịch sử để khảo sát về tín ngưỡng Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt, niên đại thành lập tượng Phật ở Kanheri, chúng ta suy đoán rằng loại hình tín ngưỡng này đã hưng thịnh vào đầu thế kỷ V tại Ấn Độ. Tín ngưỡng này truyền đến Trung Quốc bắt đầu từ khi Da- xá-quật-đa phiên dịch bộ kinh Thập nhất diện Quán thế âm thần chú vào giữa thế kỷ V, cuối đời Lương (502-557) đầu đời Trần (557-589), chính bản thân hoàng đế xem Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt là bổn tôn, tu soạn pháp hối lỗi, thực hành sám hối diệt tội.1
1 Đạo Tuyên soạn đời Đường, Quảng hoằng minh tập, chương 28 Hối tội.
Sự thật, thời đại hưng thịnh nhất của loại hình tín ngưỡng Quán âm mười một mặt diễn ra khoảng một trăm năm sau đó, lúc Huyền Tráng dịch Thần chú Tâm kinh, tức thời Vũ Hậu Tắc Thiên (624-705) đến cuối đời Đường là thời kỳ phát huy rực rỡ của loại hình tín ngưỡng Quán âm mười một mặt. Ngoài ra, việc ca tụng lưu bố Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt dần dần trở thành xu thế tín ngưỡng cầu nguyện khử trừ dịch bệnh, tai ương, ách nạn và cầu phước từ triều đình đến dân chúng.
Như vậy, kinh điển căn bản nói về Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt là kinh nào? Thì bất kỳ ai cũng có câu trả lời là kinh Thập nhất diện Quán thế âm thần chú do Da -xá-quật-đa phiên dịch. Quyển cuối của bản kinh này có dòng: “Kinh này tên là kinh Kim cương đại đạo tràng thần chú, có một trăm ngàn câu tụng, lược xuất thành một phẩm Quán thế âm mười một mặt”, nên có thể biết bản kinh này là một phẩm được trích dịch trong kinh Kim cương đại đạo tràng thần chú.
Thế nhưng, ngoài bản kinh Thập nhất diện Quán thế âm thần chú, một quyển, do Da-xá-quật-đa phiên dịch, còn có bản dịch thứ hai một quyển, do Tăng nhân A- địa-cù-đa (Atikūta) người miền Trung Ấn Độ phiên dịch, đây là phẩm kinh được chọn dịch cũng từ nguyên điển kinh Kim cương đại đạo tràng thần chú vào năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Huy (653).
Sau đó hai năm, vào năm đầu niên hiệu Hiển Khánh (655) , Tam tạng Huyền Tráng phiên dịch bản thứ ba là Thập nhất diện thần chú tâm kinh.
Huyền Tráng đến Ấn Độ, là bậc long tượng nổi tiếng lúc bấy giờ, học giỏi đức lớn, được hầu hết mọi người sùng kính. Ngài phiên dịch bộ Thập nhất diện thần chú tâm kinh, khiến cho loại hình tín ngưỡng này có khuynh hướng thịnh hành ở Trung Hoa.
Bản dịch thứ tư tiếp theo là bản kinh Thập nhất diện Quán tự tại niệm Bồ-tát tâm mật ngôn tụng nghi quỹ, 3 quyển, do Bất Không dịch vào đời Đường, nội dung không tránh khỏi có những chỗ đại đồng tiểu dị so với ba bản kinh trên.
Nay dựa vào bản dịch thứ nhất [Thập nhất diện Quán thế âm] thần chú kinh để suy nghĩ về hình tượng Bồ-tát. Kinh này nói: “[Tượng Phật, Bồ-tát] hết thảy đều dùng gỗ chiên đàn trắng để tạo tác, loại gỗ này cần phải rắn rỏi không xơ, thân dài một thước ba tấc, ba mặt phía trước là mặt Bồ-tát; ba mặt bên trái thể hiện tướng sân; ba mặt bên phải tựa như mặt Bồ-tát, răng nanh mọc chĩa lên trên; một mặt sau lưng là mặt cười lớn; một mặt trên đỉnh đầu là mặt Phật. Tất cả các mặt đều hướng ra phía trước, phía sau có hào quang, mười một mặt này mỗi mặt đều đội mũ hoa, trong mỗi mũ hoa có Phật A-di-đà. Quán thế âm, tay trái cầm bình nước, từ trong miệng bình mọc ra hoa sen; tay phải duỗi thẳng đeo chuỗi ngọc, kết ấn Thí vô úy. Toàn thân tượng ấy đều chạm trổ chuỗi ngọc trang nghiêm”.1
1 Kinh Phật thuyết thập nhất diện Quán thế âm thần chú 佛說十一面觀世音神呪經 [T20n1070, tr.150c22].
Khảo sát tình hình phối trí mười một mặt Bồ- tát Quán thế âm này, “Trong mười một mặt, ba mặt trước là tướng từ, thấy chúng sinh thiện lành mà sinh lòng từ, tức đại từ ban vui. Ba mặt bên trái là mặt sân, thấy chúng sinh xấu ác mà sinh lòng bi, tức đại bi cứu khổ. Ba mặt bên phải răng trắng mọc thẳng lên khuôn mặt, thấy người tu tịnh nghiệp thì phát lời khen ngợi hy hữu, khuyên gắng tiến tu Phật đạo. Một mặt đằng sau hiện tướng cười lớn, nhìn thấy chúng sinh tạp uế thiện ác mà sinh nụ cười quái dị, khiến họ bỏ ác hướng đạo. Mặt Phật trên đỉnh đầu, có người cho rằng là khuôn mặt thuyết pháp cho những người hợp với căn cơ tu tập pháp Đại thừa, khiến họ quay về với Phật đạo rốt ráo, nên hiện ra mặt Phật… Nếu hợp với mặt chính thì sẽ là mười hai mặt, mà mười một mặt là mặt phương tiện”.1
1 Thập nhất diện thần chú tâm kinh nghĩa sớ 十一面神呪心經義疏 [T39n1802, tr.1004b23].
Nghĩa là phía trước, bên trái, bên phải trên đầu mỗi nơi có ba mặt, đằng sau một mặt, cộng lại thành mười một mặt, trên đỉnh đầu chỉ có một mặt Phật, cộng lại thành mười một mặt. Thế nhưng, hình tượng hội họa được nhìn thấy bên rìa trái của viện Tô-tất- địa trong mạn-đồ-la Thai tạng giới hiện nay thì hai bên tai tả hữu của mặt chính, mỗi bên đều có một mặt với hình tướng phẫn nộ, trên đầu chính diện có năm mặt, trên năm mặt này có ba mặt nữa, cộng với mặt chính thành mười một mặt. Mà tay thứ nhất bên trái cầm hoa sen, tay thứ hai cầm quân trì (kuṇḍika, bình nước); tay thứ nhất bên phải co trước ngực, nắm hai ngón phong (ngón trỏ) và ngón địa ( ngón út), tay thứ hai nắm hai ngón địa (ngón út) và ngón thủy (ngón vô danh) đặt trên đầu gối kết ấn Dữ nguyện, ngồi xếp bằng trên hoa sen.
Bồ- tát Quán thế âm mười một mặt họa màu trên vải lụa khai quật ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc nhìn gần giống như tượng Bồ -tát ở mạn-đồ-la. Trên đỉnh đầu tượng ở mạn-đồ-la có ba mặt, nhưng tượng ở vải lụa này chỉ có hai mặt, và còn có một mặt nữa được xếp chồng lên trên hai mặt này. Bức họa này được cho là tác phẩm của thế kỷ IX Tây lịch, nhưng do bong tróc rất nhiều nên không biết là tượng này có bốn tay hay sáu tay?
Bức tượng vẽ trên vách hang động thứ hai trăm lẻ hai tại Thiên Phật động ở Đôn Hoàng, hai mặt bên trái và phải của mặt chính hiện tướng phẫn nộ, mỗi bên một mặt; trên đầu của mặt chính có năm mặt, Hóa Phật nằm xen kẽ trên hai mặt ấy, lại ở trên đỉnh đầu thêm một mặt nữa, cộng với mặt chính tất cả gồm mười một mặt. Tượng này có tám tay. Bên trái, tay thứ nhất cầm hoa sen, tay thứ hai cầm nguyệt châu, tay thứ ba cầm tràng phan, tay thứ tư kết ấn Thí vô úy; bên phải, tay thứ nhất cầm hoa sen hồng, tay thứ hai nắm nhật châu, tay thứ ba nắm tích trượng, tay thứ tư bị bong tróc không rõ. Đây là tác phẩm xuất hiện cuối đời Đường đầu đời Tống, có nghi dung mỹ lệ nhất trong các bích họa ở Đôn Hoàng.
Bồ-tát Quán âm mười một mặt ở chùa Độ Ngạn tại Nhật Bản cũng là bức tượng theo thể thức mạn-đồ-la Thai tạng giới, chỉ có hai tay, tay trái duỗi xuống với thế ấn Dữ nguyện, tay phải gập lại với thế cầm bình. Tượng mười một mặt an trí tại hang đá Kāṇheri, trên đỉnh mặt chính gồm ba tầng, mỗi tầng ba mặt, trên đỉnh cao nhất có một mặt, cộng với một mặt chính, tất cả mười một mặt; mà đầy đủ bốn tay, tay thứ nhất bên trái cầm hoa sen, tay thứ nhất bên phải kết ấn Thí vô úy, hai tay thứ hai bên trái phải đều khuyết nên không thể phân biệt rõ, phán đoán là tác phẩm xuất hiện khoảng thế kỷ VI sau Tây lịch. Tượng Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt xưa nhất này quả thực là tác phẩm có giá trị.
Dựa vào sự phối trí về mười một mặt như thế nào thì có thể suy đoán được niên đại chế tác các bức tượng. Có thể chia thành ba giai đoạn: đầu tiên là thời kỳ “Trước khi có Kinh quỹ”, tiếp theo là “Thời kỳ tiêu chuẩn cơ bản của kinh Thập nhất diện Quán thế âm thần chú”, và cuối cùng là “Thời kỳ mô phạm mạn- đồ-la Cao Vỹ”. Nhưng thời kỳ ban sơ trước khi có Kinh quỹ lại phải chia thành ba thời kỳ nhỏ:
Một là, thời kỳ mới hình thành tượng Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt, tượng ở hang đá Kāṇheri là tượng điển hình cho thời kỳ này. Tượng mười một mặt ấy có ba tầng, mỗi tầng bài trí ba mặt. Đỉnh đầu mặt chính có ba mặt, trên ba mặt này có thêm ba mặt, lại an trí thêm ba mặt nữa, trên chóp đỉnh còn có một mặt, cộng với mặt chính, tất cả gồm mười mặt. Có thể nói cách tạo hình này là thần cách Phệ-đà vốn có của Ấn Độ, cộng thêm thủ pháp của thuyết Tam giới [trời, không trung, đất] mà thành.
Hai là, thời kỳ trưởng thành của tượng Quán âm mười một mặt. Tượng Bồ-tát Quán thế âm nhỏ được chế tác bằng đồng khai quật được ở núi Na Trí, cổ quốc Kỷ Y tại Nhật Bản1 là một thí dụ điển hình, mười một mặt sắp xếp ở phía trước trùng với phía sau đầu. Quán âm này là tượng đứng hai tay, rất giống với tượng Quán âm mười một mặt chế tác từ hợp kim vàng và đồng của chùa Chiêu Đề đời Đường, có khắc chữ “Vũ Chu nhị niên” (Năm thứ 2 niên hiệu Vũ Chu, 691), niên đại rất rõ ràng. Vì thế cho nên tượng được khai quật ở núi Na Trí tại Nhật Bản chắc chắn cũng đã xuất hiện vào cuối thế kỷ VI.
1 Được tàng trữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nhật Bản.
Ba là, thời kỳ biến hình của tượng Quán âm mười một mặt. Tượng hai mặt (cộng thêm mặt chính thành ba mặt) được tàng trữ tại viện bảo tàng mỹ thuật Freer (The Freer Gallery of Art) ở Washington, tượng do Tăng nhân Đức Cảm1 chế tác, tượng Quán âm bốn mặt được tàng trữ tại Tảo Kỳ Ngạnh Cát ở Tokyo, Nhật Bản đều thuộc về tượng biến hình này. Tượng bốn mặt có khắc chữ “Trường An tam niên” (Năm thứ 3 niêu hiệu Trường An, 703), cho nên không cần nghiên cứu niên đại của bức tượng ấy thì tôi nghĩ tượng Quán thế âm chín mặt ở chùa Pháp Long, Nhật Bản cũng thuộc mô-típ này.
1 Theo Tống cao Tăng truyện, quyển 4, Đức Cảm là nội đạo tràng cung phụng Tăng, được Tắc Thiên Vũ hậu đãi ngộ đặc biệt, chế tác 6 tượng Quán thế âm Bồ-tát 11 mặt.
Tiếp theo là thời kỳ tiêu chuẩn cơ bản của kinh Thập nhất diện Quán thế âm thần chú (Mukhadaśaikftavidyā-mantra- hṛdaya). Bản kinh này tại Trung Quốc, mặc dù nói ban đầu do Da- xá-quật -đa phiên dịch, lúc ấy là năm thứ 3 niên hiệu Vũ Thành (564), nhưng trên thực tế đã lưu truyền ở nhân gian trước đó. Sau đó khoảng một trăm năm, Tam tạng Đường Huyền Tráng đã dịch bản kinh này lần thứ ba vào năm đầu niên hiệu Hiển Ứng (655) thành Thập nhất diện thần chú tâm kinh. Phương pháp tạo hình của tượng Bồ- tát Quán thế âm mười một mặt do ảnh hưởng bởi bộ kinh này lại thuộc về đời sau. Dựa vào phương pháp tạo tượng của kinh này cho thấy, tượng hai tay có tổng cộng mười một mặt. Đó là các phía trái, phải, trước đỉnh đầu, mỗi phía có ba mặt như trình bày ở đoạn trên, phía sau có một mặt, trên đỉnh có một mặt.
Cuối cùng là thời kỳ mô phạm mạn-đồ-la Cao Vỹ. Phương pháp tạo hình của thời kỳ này là hai bên trái phải của mặt chính mỗi bên có một mặt, đỉnh đầu có năm mặt, trên cùng có ba mặt và một mặt chính, tổng cộng có mười một mặt. Tượng hai tay ở chùa Cận Giang Độ Ngạn hiện tồn tại Nhật Bản, tượng ấy khuỷu tay trái gập lại, cầm bình, tay phải duỗi thẳng xuống dưới, kết ấn Dữ nguyện. Trong hội họa, dựa theo bức vẽ mạn- đồ-la này mà có bích họa ở Kim đường chùa Pháp Long. Ngoài ra, tương tự cùng mô-típ với bức tượng này có bích họa được tìm thấy ở Cao Xương, Trung Quốc, và bích họa ở Đôn Hoàng. Nếu nói bích họa ở Kim đường chùa Pháp Long tại Nhật Bản trên thực tế là dựa đúng theo mạn-đồ- la ở Cao Xương, lúc ngài Không Hải vào đất Đường năm đầu niên hiệu Vĩnh Trinh (805), ở trú xứ của a -xà-lê Huệ Quả chùa Thanh Long, họa vẽ mạn -đồ-la thì bức họa tương tự cùng mô-típ ấy đương nhiên là đúng như vậy. Nếu nói suy đoán này không sai suyễn thì nhận định trước đây về Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt trên bích họa ở Kim đường chùa Pháp Long tại Nhật Bản là tác phẩm được chế tác vào thế kỷ VII không tránh khỏi là quá sớm, mà phải là tác phẩm ra đời khoảng từ giữa thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX. Còn về bích họa ở Cao Xương tại Trung Quốc, giới nghiên cứu có cùng một ý kiến là tác phẩm của thế kỷ IX nên không có gì phải bàn luận.
Đương nhiên, việc phân biệt về niên đại chế tác tượng Quán âm mười một mặt không phải quyết định chỉ từ sự phối trí mười một mặt, nhưng từ phương diện phối trí mười một mặt để quan sát thì có thể phân loại thành năm thời kỳ như đã nêu trên.
Trong Mật giáo, về lý do phân chia thành mười một mặt với các tướng “từ bi, phẫn nộ, răng trắng nhô ra, tướng cười lớn”, chia thành năm nghĩa, đây là cách giải thích của phái Chân ngôn. Luận điểm của ý nghĩa này như sau:
1. Bậc thánh có hai phương tiện giáo hóa: một là thánh giả im lặng giáo hóa ẩn mật như sự im lặng của ngài Duy-ma-cật, tức là mặt chính; hai là thánh giả thuyết pháp, nghĩa là dùng vô số phương tiện, thuyết pháp vô số, tức là tướng mười một mặt.
2. Bậc thánh có hai phương tiện giáo hóa: một là nói trí tuệ như thật mà giáo hóa hữu tình, thân thị hiện lại là thể chân thật, tức là ba mặt từ bi phía trước; hai là nói trí tuệ quyền xảo phương tiện mà giáo hóa hữu tình, thân thị hiện lại là thân phương tiện, như mặt giận dữ, mặt cười cợt, mặt răng nhô.
3. Bậc thánh có hai phương tiện giáo hóa: một là vãng hóa như mặt cười cợt nhằm chế giễu nghiệp ác; hai là toại hóa như mặt giận dữ quát mắng kẻ ác, răng lộ ra là mặt khen ngợi nghiệp lành.
4. Bậc thánh có hai phương tiện giáo hóa: một là tương thuận hóa, giống như thợ săn và ngư phủ cùng trợ giúp nhau mà giáo hóa trong kinh Hoa nghiêm, như giáo hóa với nét mặt cười to; hai là tương đoạt hóa, như cầm bánh xe giáo hóa bức bách, tức mặt giận dữ quát mắng kẻ ác.
5. Bậc thánh có hai phương tiện giáo hóa: một là ủy dụ hóa, như tướng trạng vỗ về của ngài Duy-ma, tức thị hiện bằng gương mặt hiền từ để khen ngợi người làm điều thiện; hai là điều phục hóa, như tướng trạng điều phục của ngài Duy-ma, tức hiện tướng gương mặt giận dữ trách mắng kẻ ác.1
1 Thập nhất diện thần chú tâm kinh nghĩa sớ 十一面神呪心經義疏[T39n1802, tr.1005c26].
Nghiên cứu rốt ráo thì con số mười một mặt và các tướng trạng của Bồ-tát Quán thế âm chịu ảnh hưởng bởi thần Rudra trong triết học Phệ-đà, nhưng nói tóm lại thì Bồ-tát Quán thế âm quán chiếu mười phương, tượng trưng cho thánh cách Phổ môn nhằm cứu tế tất cả chúng sinh. Về mười một mặt, con số này tương đồng với con số được vẽ trên bức phù điêu ở hang đá Kāṇheri là mười tướng cứu nạn của ngài Quán âm cộng với bản tướng của Bồ-tát Thánh Quán thế âm mà thành. Do đó, Bồ-tát Quán thế âm mười một mặt trong Ma -ha chỉ quán cũng gọi là “Đại quang phổ chiếu Quán thế âm Bồ-tát”.
Xưa nay, truyền thuyết về Bồ- tát Quán thế âm mười một mặt là đấng nhiếp phục giáo hóa cõi A-tu-la trong lục đạo, vì chúng sinh vốn ngu ám, do tranh giành vật dục cho bản thân mình mà đánh nhau, nên Bồ-tát thương xót họ liền hiện tướng đại quang phổ chiếu để cứu giúp chúng sinh. Trong kinh Thập nhất diện Quán thế âm thần chú tuyên dương: “Án, ma ha ca lô ni ca da, sa bà ha” (ohm mohakaronikya sowaha).
Trong Mật giáo, lợi ích của chân ngôn này có tác dụng tiêu trừ tai nạn, dịch bệnh, đặc biệt xem vị Bồ -tát này là bổn tôn để cúng dường ngài, pháp hành trì ấy gọi là Thập nhất diện Quán âm pháp.
5. Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân
Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân, tiếng Phạn gọi là Cintā-maṇi-cakra. Nếu phân tích thì cintā có nghĩa là tư duy, mong ước, nguyện vọng; maṇi có nghĩa là châu báu; cakra có thể dịch là viên (tròn), hoặc luân (bánh xe). Cho nên phiên dịch sát nghĩa thì từ Cintā-maṇi -cakra có nghĩa là “Sở nguyện bảo châu luân” (Bánh xe châu báu nguyện ước), còn đối với cách phiên dịch đạt ý thì từ xưa đến nay đều dịch là “Như ý luân, Như ý luân vương”. Vị Bồ-tát này có thể tùy theo tâm ý mà tuôn ra vô số trân bảo, tức trụ trong chỗ được gọi là “Như ý bảo châu tam-muội”, thường chuyển vận bánh xe pháp, nhiếp hóa loài hữu tình, ban cho giàu sang, tài sản, trí tuệ, sức mạnh, uy đức như mong ước nên ngài có tên gọi như thế. Mật hiệu của ngài là Trì bảo kim cương, hay gọi là Dữ nguyện kim cương, nên mọi người đều tin rằng ngài ở trong lục đạo nhưng giáo hóa cõi thiên thượng, cũng gọi là Đại Phạm thâm viễn Quán thế âm Bồ-tát.
Liên quan đến tên gọi “Như ý luân” này, theo ngài Thắng Hiền (1138 -1196) viện Giác Động tại Nhật Bản, khẩu truyền Giáo thuấn chi thuyết rằng: “Nay tên gọi Như ý luân có ý nghĩa sâu xa như thế nào? Trả lời: Ngự khẩu truyền rằng: Như ý tức là bảo. Trân bảo ở thế gian và trân bảo thật tướng như mưa rơi. Phàm tất cả trân bảo trở thành của báu như ý, quay vòng thành sự nghiệp yết-ma. Tức giáo lệnh luân,1 chuyển pháp luân2 mà chư Phật và Bồ -tát đều có đủ muôn đức này, có khả năng diệt trừ nghiệp chướng mê lầm sâu nặng của chúng sinh, mà không thiếu giảm. Vị Bồ-tát này, chính Quán âm giúp thành tựu hai đời chúng sinh, tên gọi giải thích cho tự tính, hiệu là Quán tự tại Như ý luân”.3
1 Giáo lệnh luân 教令輪: giáo lệnh là giáo chỉ của đức Như Lai ban phát ra để giáo hóa lợi ích chúng sinh; luân (bánh xe) vốn là loại vũ khí của Ấn Độ xưa, có tác dụng phá dẹp. Giáo lệnh của đức Đại Nhật Như Lai trong Mật giáo rất cứng chắc, có khả năng phá trừ phiền não của các chúng sinh ngang bướng khó dạy, giống như bánh xe báu của Chuyển luân Thánh vương, vì thế gọi là Giáo lệnh luân.
2 Chuyển pháp luân 轉法輪: (Skt. dharma-cakra-pravartana, Pl. dhamma-cak-ka-ppavattana) còn gọi là chuyển Phạm luân, là một trong tám tướng thành đạo. Trong suốt cuộc đời đức Phật có 8 loại tướng, trong đó, Chuyển pháp luân tức chỉ đức Thích tôn vì khiến cho chúng sinh đắc đạo mà thuyết pháp. Từ cakra vốn là chiến xa của Ấn Độ cổ đại, bằng cách quay bánh xe có thể khiến kẻ địch tan nát, thí dụ giáo pháp được đức Phật tuyên thuyết xoay vần trong các chúng sinh, tức có thể phá tan mê hoặc của chúng sinh. Bậc chuyển luân Thánh vương chuyển động bánh xe vàng để hàng phục oán địch, cũng vậy đức Thích tôn thuyết pháp có thể hàng phục ác ma, nên gọi là chuyển pháp luân.
3 Bí sao khẩu quyết, 15, Như ý luân pháp.
Từ những điều trình bày trên, có thể chứng minh rằng, Như ý là châu báu như ý; luân là chuyển pháp luân. Như ý luân đà-la-ni kinh nói trên, do Bồ-tát Quán tự tại đối với hết thảy sự nghiệp thắng phước, chỗ mong cầu đều được thành tựu như ý nên nói Bí mật như ý luân đà- la-ni. Đà-la-ni này bao hàm hai pháp thế gian và xuất thế gian. Pháp thế gian nghĩa là chúng sinh ở thế gian đều được thành tựu giàu sang, của cải, thế lực, uy đức; pháp xuất thế gian nghĩa là tăng trưởng phước đức, trí tuệ, tư lương, trang nghiêm, tình thương, cứu khổ hữu tình, được mọi người yêu kính.1 Vì mang ý nghĩa này nên luôn luôn được phước đức tăng trưởng, thỏa mãn ý nguyện, tội chướng tiêu diệt, nhổ sạch các khổ… xem vị Bồ- tát này là bổn tôn, phương pháp hành trì thì gọi là Như ý luân pháp.
1 Quán thế âm Bồ-tát Như ý ma-ni đà-la-ni kinh 如意輪陀羅尼經 [T20n1080, tr.188b17].
Hơn nữa, vì cầu trí tuệ, nên bí pháp tu tập xem Bồ-tát này là bổn tôn, gọi là “Như ý luân Quán âm văn trì pháp”. Nay dựa vào khẩu truyền của Tam tạng Khuông Bật để trình bày rõ: “Nếu muốn tu Văn trì pháp, trước hết phải chọn lựa những nơi vắng lặng ở núi rừng mà dấu người ít tới, dựng một am tranh, mặt hướng phương Đông, phương Đông tìm một con sông đang chảy. Trong tịnh thất tạo một đàn nhỏ, cao một thước bốn tấc, ngang rộng giống như cách làm đàn thông thường, làm bằng hết thảy trăm thứ hoa, hương, nước và bùn. Trên đàn đặt tượng Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân, chí tâm tác pháp hết thảy Nghi quỹ như bình thường, tức hai bên tòa đặt nước thơm, thường dùng trăm thứ hoa, các loại quả, các loại thức ăn nước uống cúng dường, người thực hành thường dùng Tam bạch thực.1 Nếu muốn niệm chân ngôn, trước hết phải thưa bạch mười phương chư Phật, chư đại Bồ-tát, tất cả thánh chúng và chư thiên hộ pháp thiện thần. Lời thưa bạch thế này: ‘Kính bạch Bồ-tát trong mười phương ba đời, các bậc tôn kính trong ngoài, con tên là… từ vô thủy đến nay gây tội nặng bởi ba nghiệp, tâm thần ám độn, pháp nhãn chưa mở; nay quy y Như ý luân đại bi Quán âm, muốn cầu thông minh, nghe giữ trí tuệ. Duy nguyện chư Phật, Bồ-tát trong mười phương, Đại từ đại bi Như ý luân Quán âm, chư tôn thánh chúng, vì bản nguyện đại bi mà giáng lâm đạo tràng, chứng minh lòng thành xét giúp cho những điều mong ước được thành tựu’. Còn đối với việc cúng dường, đầu tiên hiến cúng át- già (argha, nước công đức), tiếp theo hiến cúng hương hoa, cơm nước, quả phẩm, tụng chân ngôn Quảng đại ma-ni cúng dường, gia trì ấn Bổn tôn, chí tâm tụng chân ngôn từ bảy ngày, hai mươi mốt ngày, bốn mươi chín ngày, cho đến một năm năm, đủ mười vạn biến, sẽ được tướng xinh đẹp. Sau đó lấy một lít sữa bò mới sạch, đun chín, dùng ngọn cỏ xương bồ nhúng vào sữa, niệm chân ngôn Quảng đại ma-ni cúng dường một trăm lẻ tám biến, rồi bưng uống. Trải qua một đêm không ói ra thì công đức thành tựu. Lại qua bảy ngày sau uống thuốc, nếu ói ra thì uống lại, nếu không ói ra thì được độ, làm như vậy thì có thể giảm bớt tội lỗi nghiệp chướng trong nhiều đời kiếp trước mà tăng trưởng phước đức và trí tuệ. Nếu lấy cỏ xương bồ thì nên tìm những chỗ mà gà chó, người già, đàn bà không thể đến được, những cọng nào có chín đốt một gang tay là được, lấy nước chảy về hướng Đông để rửa cỏ, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, giã thành bột mịn, lấy vải lụa để bôi lên. Nếu không có được cỏ xương bồ chín đốt thì hãy lấy loại cỏ xương bồ bình thường, chí tâm tụng niệm, khởi tâm đại bi, tâm sinh tử, thì vật gì mà không cảm ứng! Cho đến gia trì vào trong thảo dược thì sẽ hiện được ba tướng,2 công đức của pháp này không thể nghĩ bàn, người thực hành pháp này phải cẩn thận cho điều đó”.3
1 Tam bạch thực 三白食: chỉ cho ba thứ thức ăn trắng và sạch, đó là sữa, cao sữa và cơm gạo, là thức ăn của hành giả Mật giáo dùng khi tu pháp.
2 Trong Bất Không quyến sách thần biến chân ngôn kinh, quyển 7 不空羂索神變真言經卷第七 có ghi: “Gia trì vào thuốc khiến hiện ba tướng: Một là tướng ấm, hai là tướng khói nóng, ba là tướng sáng. Người nào chứng ba tướng này gọi là thành tựu lớn” [T20n1092, tr.263a15].
3 Kim bảo tập, quyển hạ.
Khi tu pháp Như ý luân này, hành giả phải xem Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân là đấng Trung tôn, gọi là mạn-đồ -la Như ý luân. Theo nhiều chỗ chép trong Nghi quỹ có sự bất đồng, chia thành hai viện là nội viện và ngoại viện, nội viện vẽ hoa sen nở tung ba mươi hai cánh, trên đài sen an trí Bồ -tát Như ý luân thánh Quán tự tại hai tay. Bốn phía của nội viện vẽ tám vị Quán âm lớn như Viên mãn ý nguyện minh vương, Đại thế chí Bồ-tát, Mã đầu Quán thế âm minh vương, Tứ diện Quán thế âm minh vương, Tứ ngung hội bạch y Quán thế âm mẫu Bồ-tát, Đa-la Bồ-tát, Nhất kế la-sát nữ, Tỳ-câu-chi Bồ-tát. Bốn phía của ngoại viện vẽ Đế thích thiên (Indra), Diệm ma vương (Yama), Thủy thiên (varuṇa), Đa văn thiên (vaiśravaṇa); bốn góc vẽ Hỏa thiên thần, La-sát vương, Phong thiên vương, Đại tự tại thiên. Lại nữa, xen kẽ trong các tượng ấy vẽ Nhật thiên tử (sūrya deva-putra), Nguyệt thiên tử (Candra deva- putra), Địa thiên thần, Đại Phạm thiên vương, A-tố-la vương, Thủy-phược-bà-ca minh vương.
Tượng Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân hiện tồn có các tướng trạng như hai tay, bốn tay, sáu tay, tám tay, mười tay, mười hai tay… Trong số ấy, tượng hai tay lưu truyền xưa nay có bốn thể loại:
Hình dáng thứ nhất, trên đầu đội mũ báu, trên mũ báu có an trí Hóa Phật, tay trái cầm hoa sen báu, trong hoa sen có ba bảo châu như ý, lòng bàn tay phải ngửa cầm bảo châu như ý, ngồi tòa hoa sen.1
1 Quán tự tại Bồ-tát Như ý ma-ni Chuyển luân thánh vương kinh (trích dẫn từ A-sa-phược sao, quyển 92).
Hình dáng thứ hai, tượng Quán thế âm Như ý luân hai tay, trên đầu đội mũ báu, trên mũ an trí Hóa Phật, tay trái duỗi đặt trên đầu gối, cánh tay phải co lại lòng bàn tay ngửa, mặc ca-sa màu đỏ, ngồi giữa vầng hào quang tròn hình mặt trăng sáng trắng ba vòng, chân trái duỗi thẳng, ngồi hoa sen xanh trên núi đá giữa biển.1
1 Đồ tượng sao, quyển 6, Biệt tôn tạp ký, 18.
Hình dáng thứ ba, vẽ hoa sen nở tung ba mươi hai cánh, trên đài sen vẽ đức Như ý luân thánh Quán tự tại, mặt quay về hướng Tây ngồi thế kết-già, gương mặt tươi sáng, thân tỏa chiếu sắc vàng. Đầu đội mũ báu, trên mũ an trí Hóa Phật, tay trái cầm hoa sen đã nở, trên đài sen vẽ như ý bảo châu, tay phải kết ấn Thuyết pháp. Trên thân tượng khoác y phục, đeo khuyên tai báu, đeo vòng xuyến, ngọc anh lạc thất bảo trang nghiêm, phóng hào quang nhiều màu sắc.1
1 Nhật Bản kinh đô Đề Hồ tự tàng bản, Tứ gia sao đồ tượng, quyển thượng.
Hình dáng thứ tư, tay trái cầm ma-ni châu, tay phải mở ra kết ấn Thí nguyện, thân màu trắng hồng, ngồi trên hoa sen lớn.1
1 Đại thánh Diệu cát tường Bồ-tát thuyết trừ tai giáo lịnh pháp luân.
Trong bốn hình dáng của tượng hai tay trình bày trên, xem hình dáng thứ tư của Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân là hình tượng chân phương mang tính nguyên thủy nhất.
Ở đây chỉ nói một chút về cách thức chế tác Như ý bảo châu (cintā-maṇi). Trong phẩm Như ý bảo châu có trình bày rất rõ ràng: “Vì lợi ích cho chúng hữu tình thủ hộ chính pháp nên tạo ra bảo châu, lại lấy mười một loại trân bảo hợp thành bảo châu như ý, đó là: 1. Xá-lợi Phật; 2. Vàng; 3. Bạc; 4. Trầm hương; 5. Bạch đàn; 6. Tử đàn; 7. Hương đào; 8. Trầm cây dâu; 9. Trầm cây ruột trắng; 10. Trầm cây bách; 11. Sơn mài (lacquer). Trong ấy, vàng bạc chế tạo hình tròn thành vật báu như ý, bên trong chứa ba mươi hai viên xá-lợi Phật, dùng bột hương thơm trát trên khí cụ báu, tạo thành bảo châu”.1
1 Như ý bảo châu chuyển luân bí mật hiện thân thành Phật kim luân chú vương kinh, Như ý bảo châu phẩm, 3 如意寶珠轉輪祕密現身成佛金輪咒王經, 如意寶珠品第三[T19n0961, tr.332b19].
Truy tìm tượng bốn tay của đức Quán thế âm Như ý luân được họa vẽ ở phẩm luận này, ta thấy phía trước vẽ ao nước, trên ao có núi, trên núi có hoa sen hồng, đức Quán âm ngồi trên hoa sen, chân trái duỗi thẳng, chân phải đỡ phần trên của chân trái, chân mang hài cỏ. Trên đầu mũ có Hóa Phật. Hóa Phật như nửa vầng trăng ngửa. Tay trái thứ nhất duỗi thẳng đến hông, đầu ngón trỏ và ngón cái tay thứ hai cầm hạt châu trắng. Tay phải thứ nhất gập cong, cùi chỏ đặt trên đầu gối, ngón giữa và ngón cái cầm tràng hạt; tay phải thứ hai nâng Phạn khiếp. Ngoài ra, bốn cổ tay đều đeo vòng xuyến. Lại nữa, trong ao phía Đông vẽ Long nữ, thiên nhân; phía Tây vẽ rồng, quỷ và Đại thánh hoan hỷ thiên (Nandikeśvara), Tỳ-na-dạ-ca (vighnāyaka).1
1 Giác Thiền sao, Như ý luân Quán âm pháp nhất văn.
Tượng sáu tay có hai thể loại:
Loại thứ nhất, trên đầu đội mũ báu, trên mũ an trí Hóa Phật. Tay trái thứ nhất cầm hoa báu nở, tay trái thứ hai cầm mâm sắc vàng, tay trái thứ ba cầm hoa sen hồng nở; tay phải thứ nhất nắm bạt-chiết-la (vajira, chày kim cương), tay phải thứ hai kết ấn Hàng long, tay phải thứ ba duỗi xuống dưới rốn, ngồi kết-già trên hoa sen báu, hai bên phía trên đầu có hình bóng thiên nữ hóa hiện rải hoa.1
1 Thực vận soạn thuật bí tạng kim bảo sao, 10.
Loại thứ hai, dựa vào những ghi chép trong Quán tự tại Bồ- tát Như ý luân Du-già mà vẽ ra “tay cầm bảo châu như ý, thân sáu tay sắc vàng, búi tóc trên đỉnh cài trang nghiêm báu, trên mũ có Tự tại vương ngồi ở tư thế thuyết pháp. Tay phải thứ nhất trình hiện tướng tư duy, thương tưởng đến loài hữu tình; tay thứ hai cầm như ý bảo, có thể làm hài lòng tất cả nguyện vọng; tay thứ ba cầm tràng hạt, vì hóa độ khổ đau của loài bàng sinh. Tay trái thứ nhất án che thế núi Quang minh, thành tựu tâm không khuynh động; tay thứ hai cầm hoa sen, có thể tiêu trừ các pháp sai trái; tay thứ ba mang vòng tròn có khả năng vận chuyển pháp vô thượng. Thể rộng lớn sáu tay có khả năng du hành trong sáu cõi”. Sáu tay này từ thời trung cổ đến nay cùng phối hợp với sáu Quán âm trong lục đạo.
Bên phải:
Thứ nhất, tay tư duy, phối hợp với đức Thánh Quán âm, cứu tế chúng sinh chịu khổ ở địa ngục.
Thứ hai, tay như ý bảo châu, phối hợp với đức Quán âm ngàn tay, cứu cảnh khổ đói khát ở loài quỷ đói.
Thứ ba, tay nắm tràng hạt, phối hợp với đức Quán âm đầu ngựa, cứu độ khổ nạn bị đòn roi của loài súc sinh.
Bên trái:
Thứ nhất, tay núi Quang minh, phối hợp với đức Quán âm mười một mặt, cứu cảnh khổ tranh đấu của loài a-tu-la.
Thứ hai, tay hoa sen, phối hợp với đức Quán âm Chuẩn-đề, giáo hóa loài người.
Thứ ba, tay cầm chày kim cương, phối hợp với đức Quán âm Như ý luân, phá trừ sự chiếm hữu của cõi trời.1
1 Xem Quán tự tại Bồ-tát Như ý luân Du-già.
Tiếp theo tìm hiểu về thủ pháp, vật nắm của mười một tay.
Tay thứ nhất hai bên trái phải hiệp chưởng trên đỉnh; tay trái thứ hai cầm nhật châu; tay thứ ba cầm Như ý bảo châu; tay thứ tư cầm bình nước trên miệng cắm hoa sen; tay thứ năm cầm chú sách.
Tay thứ hai bên phải cầm nguyệt châu; tay thứ ba cầm bánh xe; tay thứ tư cầm bạt-chiết-la; tay thứ năm cầm tràng hạt. Và có Thập địa Bồ-tát (daśa-bhūmayāḥ-bodhisattva) từ dưới đất vọt lên, hai cánh tay lớn nâng chân Quán âm. Lại nữa, bên trái tượng Quán âm Như ý luân có họa vẽ Phạm thiên (Brahmān), Tỳ-sa-môn (Vaiśravaṇa - Đa văn thiên), Tỳ-lâu-bác-xoa (Virūpākṣa-Quảng mục thiên); bên phải họa vẽ Đế thích thiên (Indra), Đề-đầu-la-đà (Dhṛtarāṣṭra- Trì quốc thiên), Tỳ-lâu-lặc-xoa (Virūḍhaka- Tăng trưởng thiên).1 Tượng mười tay này lược bớt hai tay trái và phải ở vị trí thứ năm, tức thành tượng tám tay.
1 Kim luân chú vương kinh (Giác Thiền sao thành dẫn).
Lại nữa, ca ngợi tượng mười tám tay, ngồi trên hoa sen, hai tay bên trái và phải hiệp chưởng trên đỉnh; tay thứ hai bên trái cầm kim luân; hai ngón vô danh và ngón cái của tay thứ ba nắm cành hoa sen báu; tay thứ tư kết ấn Hoan hỷ; tay thứ năm cầm tảo quán.1
1 Tảo quán 澡罐: còn gọi là quân trì 君遲, tức bình nước bằng ngọc (kuṇḍika).
Tay thứ hai bên phải cầm bạt-chiết- la; tay thứ ba cầm gậy Như ý; tay thứ tư cầm kích ba chĩa (tri-śūla); tay thứ năm kết ấn Thí vô úy.
Hai tay thứ sáu bên trái và phải kết ấn Tự tại thần thông như ý thần lực. Lại nữa, bên trên có hai vị trời rải hoa cúng dường; mé phía trái bên dưới họa vẽ Bồ-tát Kim cương vương (Vajra-rāja); mé phía phải họa vẽ Bồ-tát Quân-đồ-lợi (Kuṇḍalī).
* * *
Có lẽ từ xưa đến nay Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân được các nước thuộc vùng “Nam Hải” sùng bái. Hiện nay, Tích-lan (Ceylon) và Trảo-oa (Java) vẫn còn tôn thờ Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân. Còn tượng có nhiều tay thì cũng giống như tượng họa vẽ sáu cánh tay được bảo tồn trong hang động Thiên Phật tại Đôn Hoàng, Trung Quốc.
Bây giờ khảo cứu về niên đại hình thành của Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân. Tượng hai tay Như ý luân có niên đại rất lâu đời trong các tượng Quán âm biến cách, chắc chắn là tượng xuất hiện từ Bồ-tát Thánh Quán thế âm mà ra, có thể nói lấy “Bồ-tát Quán tự tại thực hành bát-nhã ba-la -mật -đa thâm sâu” làm quy tắc đương nhiên, lấy bảo châu Như ý làm tượng trưng, dùng bảo châu Như ý làm mãn nguyện lòng mong cầu của hết thảy loài hữu tình. Tư tưởng này là một xu thế khá lý thú.
Bảo châu như ý (cintā-maṇi), cintā dịch thành tư duy, tha thiết mong cầu; maṇi có nghĩa là châu báu. Như trước đã trình bày, châu báu được sinh ra từ tư duy bát-nhã ba-la- mật-đa thâm sâu, có thể nói đây là ý tưởng tất nhiên của Phật giáo Đại thừa. Do đó, trong Đại Tỳ-bà-sa luận có câu: “Lại nữa, vận dụng tâm bất động giải thoát, thường làm lợi ích cho chúng hữu tình, nên gọi là mâu- ni bảo. Như trên ngọn cờ cao an trí ngọc như ý, tùy theo ý nguyện ưa thích mà mưa xối xuống các vật báu, cứu giúp đầy đủ cho trăm ngàn chúng hữu tình nghèo thiếu”.1 Điều này biểu thị rõ đặc điểm cao nhất trong trào lưu tư tưởng của Phật giáo Đại thừa.
1 Luận A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa, quyển 102 阿毘達磨大毘婆沙論卷第一百二 [T27n1545, tr.526c15].
Ngoài ra, khi nói đến bảo châu này có thể biến hóa thành lầu gác, cung điện, của cải, vật dụng. Bảo châu như ý chính là tinh thần Đại thừa, tức bát-nhã ba-la-mật-đa niết-bàn rốt ráo. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu “là thần chú lớn, là thần chú vô thượng, là thần chú không gì so sánh được” trong kinh Bát-nhã, là “Thần chú Như ý bảo châu”1 trong kinh Kim quang minh tối thắng vương. Đặc biệt, thần chú đáng lưu tâm nhất là thuộc về thần chú Bồ-tát Quán thế âm.2 Tức “Lúc bấy giờ, Quán tự tại Bồ-tát ma-ha-tát ở trong đại chúng, liền từ tòa đứng dậy, để bày vai áo bên mặt, chắp tay cung kính, mà bạch Phật rằng: ‘Bạch đức Thế tôn! Con nay cũng ở trước Phật lược nói về thần chú Như ý bảo châu. Vì lợi ích lớn cho các trời người, thương xót thế gian, ủng hộ tất cả, khiến được an lạc, có uy lực lớn, sở cầu như nguyện’.”3
1 Kinh Kim quang minh tối thắng vương, quyển 7 金光明最勝王經卷第七 [T16n0665, tr.433b29].
2 Kinh Như ý luân đà-la-ni 如意輪陀羅尼經[T20n1080, tr.188b17 ].
3 Kinh Kim quang minh tối thắng vương, quyển 7 金光明最勝王經卷第七 [T16n0665, tr.433b27].
Bản kinh Kim quang minh tối thắng vương, mười quyển hiện lưu hành là bộ kinh được pháp sư Nghĩa Tịnh phiên dịch vào năm thứ 3 niên hiệu Trường An (703) đời Đường. Trước đó đã có bản bốn quyển do ngài Đàm-mô-sấm (dharmarakṣa) dịch vào thời đại Bắc Lương (397-439) ; bản bốn quyển do ngài Da-xá-quật-đa (Yaśogupta) dịch vào thời đại Bắc Chu (557-581). Suy luận từ đó mà biết được tín ngưỡng tư tưởng Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân có mặt từ rất sớm. Ngoài ra, Quán tự tại Bồ-tát có thể nói là đại biểu cho Phật giáo Đại thừa lân mẫn thế gian, khiến người đời được an lạc, khiến cho chúng trời người được lợi ích lớn. Nếu “Như ý bảo châu” (cintā-maṇi) này đích thực là chứng cứ về nguồn gốc của tư tưởng Quán âm thì điều đó cũng không có gì sai lầm.
Theo chiều hướng tư tưởng ấy mà xét, việc chế tác thánh tượng hai tay Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân mang tướng tư duy trước khi hỗn nhập mô thức Bà- la-môn giáo, thì đó có thể nhận định là xuất hiện từ trước thời kỳ có Nghi quỹ của Mật giáo. Khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói pháp Như ý bảo châu vương, không lâu sau đó liền hiện thân vị đại Bồ-tát Quán tự tại Như ý luân thuyết pháp.1 Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân với tướng căn bản hai tay là dựa vào tên gọi của thần chú và phương pháp tu tập của ngài, từ Thánh Quán thế âm Bồ-tát phân hóa mà ra. Khảo chứng từ lịch sử tư tưởng, tượng Như ý luân ở chùa Trung Cung tại Nhật Bản, tượng Như ý luân hai tay ở chùa Đông Đại đều thuộc tượng Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân có chung loại hình hai tay. Thế nhưng, do chịu ảnh hưởng bởi Bà-la-môn giáo, xem Bồ-tát Quán thế âm biến cách là tiêu chuẩn cơ bản, Quán âm Như ý luân của Mật giáo từ sau khi có Nghi quỹ, thì có đầy đủ các hình dạng bốn tay, sáu tay, tám tay, mười tay, mười hai tay như đã trình bày ở mục trên. Trong bảy Quán âm thì sự hình thành của loại hình Quán âm Như ý luân cũng thuộc về hình tượng sau cùng. Vậy, tín ngưỡng về loại hình biến cách Quán âm Như ý luân nhiều tay được thịnh hành ở Trung Quốc, Nhật Bản vào thời gian nào?
1 Như ý bảo châu chuyển luân bí mật hiện thân thành Phật kim luân chú vương kinh 如意寶珠轉輪祕密現身成佛金輪咒王經 [T19n0961, tr.330b23].
Khảo sát một cách nghiêm túc thì Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) người miền Nam Ấn Độ đến Trung Quốc vào năm thứ 10 niên hiệu Tự Thánh (693) đời Đường, sau khi dịch bộ kinh Như ý luân đà-la-ni là tương đối thỏa đáng. Mặc dù nói Ma-ha chỉ quán do đại sư Trí Giả soạn thuật cũng có câu “Đại Phạm thâm viễn Quán thế âm”,1 thời đại nhà Tùy cũng tồn tại Quán âm Như ý luân mang hình tướng có bốn tay, khiến cho mọi người hiểu biết sai lệch, thực ra thì các tượng đó đều là Quán thế âm Như ý luân với hình tướng căn bản hai tay, có thể nhìn nhận thành tướng tư duy của đức Thánh Quán âm.
1 Ma-ha chỉ quán, quyển 2 摩訶止觀卷第二 [T46n1911, tr.15b09].
6. Bồ-tát Quán thế âm Chuẩn-đề
Bồ-tát Quán thế âm Chuẩn-đề, tiếng Phạn gọi là Cundī, dịch âm là Chuẩn-đề, hoặc Chuẩn -nê. Xét về mặt văn tự thì đây thuộc danh từ giống cái, gồm có 700.000.000 Phật mẫu, có nghĩa ngài là mẹ của chư Phật ba đời, ca ngợi Bồ-tát Quán thế âm tượng trưng cho tính năng của người mẹ được tôn sùng rất mực; nhờ đó mà gọi là Thất câu-chi Phật mẫu,1 Chuẩn-đề Phật mẫu tôn, Tôn-na Phật mẫu; hay còn gọi là Tam giới mẫu (Mẹ của ba cõi), Thế mẫu (Mẹ của trần gian). Từ Cundī vốn có nghĩa là thanh tịnh, ca ngợi tâm tính thanh tịnh, vị Bồ-tát này được nhân tính hóa, còn gọi là Thiên nhân trượng phu Quán âm, mật hiệu là Tối thắng kim cương.
1 Câu-chi 俱胝: (Skt. koṭi), dịch ý là ức (100.000.000), tên gọi về số lượng của Ấn Độ cổ đại, theo Huyền Ứng âm nghĩa, quyển 5 có ghi: “Câu-chi, tức Trung thổ gọi là ngàn vạn, hoặc ức”; Giải thâm mật kinh sớ của Viên Trắc có ghi: “Câu-chi, tương truyền giải thích có ba: 1. Mười vạn; 2. Trăm vạn; 3. Ngàn vạn”. Điều đó có thể thấy các đời phiên dịch con số này có khác nhau.
Liên quan đến nguồn gốc của Bồ -tát Quán thế âm Chuẩn -đề, theo kinh Thất câu-chi nói: “Lúc ấy, đức Thế tôn tư duy quán sát, do thương nghĩ đến các chúng sinh đời vị lai mà nói Phật mẫu Chuẩn-đề đà-la-ni của Thất câu -chi chuẩn-đề Như Lai trong quá khứ”.1 Thất câu-chi chuẩn-đề Như Lai trở thành Bồ-tát Quán thế âm.
1 Phật thuyết Thất câu-chi Phật mẫu chuẩn-đề Đại minh đà-la-ni kinh 佛說七俱胝佛母准提大明陀羅尼經 [T20n1075, tr.173a09].
Trong kinh Đại thừa trang nghiêm bảo vương, quyển 4, có nói rõ về diệu dụng của sáu chữ đà-la-ni. Lời kinh thế này: “Khi bảy mươi bảy Câu-chi Như Lai ứng chính đẳng giác nói đà-la-ni này, trên thân Bồ-tát Quán tự tại kia có một lỗ chân lông tên là Quang minh, trong đó có vô số trăm ngàn vạn Câu-chi na-dữu-đa1 Bồ-tát”.2 Dựa vào đoạn văn này, hay nói cách khác, có thể thấy đà-la-ni do 7.700.000.000 đức Phật nói ra là chân ngôn chuẩn-đề. Thật ra, liên quan đến nguồn gốc sâu xa của Cundī, theo tài liệu của Bà-la-môn giáo tại Ấn Độ thì ý nghĩa này dựa trên danh xưng hóa thân của nữ thần Đột-ca (Drugā). Đây là Phật mẫu.
1 Na-dữu-đa 那庾多: (Skt. nayuta), Hán dịch là triệu, câu. Danh từ chỉ số lượng của Ấn Độ. Theo luận Câu-xá, quyển 12, thì 10 a-dữu-đa là 1 đại a-dữu-đa, 10 đại a-dữu-đa là 1 na-do-đa. 1 a-dữu-đa là 10 ức. Thông thường kinh Phật dùng danh từ a-dữu-đa để chỉ số lượng lớn. Ngoài ra, nếu theo cách tính phổ thông của người Ấn Độ thì 1 a-dữu-đa là 10.000.
2 Kinh Phật thuyết Đại thừa trang nghiêm bảo vương, quyển 4 佛說大乘莊嚴寶王經卷第四[T20n1050, tr.63a15].
Nữ thần Đột-ca có các tên gọi khác như Đại mẫu, Thế mẫu, Tam giới mẫu, Thành tựu mẫu, Dục thế thục mẫu... Gọi một cách cung kính là mẹ của ba đời chư Phật. Mà Thất câu-chi tức là bảy ức, biểu thị con số cao nhất của chư Phật trong ba đời. Vậy danh hiệu của Bồ-tát Quán thế âm Chuẩn- đề này rốt cục được hình thành vào lúc nào? Nếu nghiên cứu thì ngài Địa-bà-ha-la (Divākara) người miền Trung Ấn Độ vào Trung Quốc, phiên dịch bộ kinh Thất câu- chi Phật mẫu tâm đại chuẩn-đề đà-la- ni trong thời gian từ năm đầu niên hiệu Vĩnh Long (680) đến năm đầu niên hiệu Thùy Củng (685) đời Đường, cho nên biết được sự hình thành tín ngưỡng Bồ-tát Quán thế âm Chuẩn-đề vào thời đại này. Sau đó, Thiện Vô Úy (Śubhakarasimha, 637-735) từ nước Ô-đồ (oḍra, nay là vùng orīssa) thuộc miền Đông Ấn Độ sang lãnh địa nhà Đường, phiên dịch Thất câu-chi Phật mẫu tâm đại chuẩn-đề đà-la-ni pháp, một quyển, nên dần dần tín ngưỡng Bồ- tát Quán thế âm Chuẩn-đề chính thức hóa rồi trở thành thứ tín ngưỡng cố định. Tín ngưỡng này tại Nhật Bản cũng được thừa truyền trực tiếp từ đây.
Hình tượng Bồ-tát Quán thế âm Chuẩn-đề thông thường là ba mắt mười tám tay, ngoài ra cũng có thể thấy các hình tượng biến tướng khác như bốn tay, sáu tay...
Trước hết tìm hiểu về tượng ba mắt mười tám tay. “Tượng ấy, mặt có ba mắt, mười tám tay, hai tay trên hiện tướng thuyết pháp; tay thứ hai bên phải kết ấn Thí vô úy; tay thứ ba cầm thanh kiếm; tay thứ tư cầm bảo man, tay thứ năm cầm quả câu duyên;1 tay thứ sáu cầm rìu; tay thứ bảy nắm móc câu; tay thứ tám nắm chày kim cương; tay thứ chín nắm tràng hạt. Tay thứ hai bên trái cầm bảo tràng như ý; tay thứ ba nắm hoa sen hồng đã nở; tay thứ tư nắm quân-trì (kuṇḍikā, bình nước); tay thứ năm nắm quyến sách; tay thứ sáu nắm bánh xe; tay thứ bảy nắm thương-khư (dharma-sankha, pháp loa ); tay thứ tám nắm hiền bình (còn gọi là đức bình); tay thứ chín nắm chiếc tráp kinh bát-nhã. Dưới chân hoa sen có vẽ ao nước, trong ao có long vương Nan-đà (Nanda) cùng nâng đỡ tòa sen với Ô-ba- nan-đà (Upananda). Bên trên có họa vẽ hai Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa)”.2
1 Quả câu duyên:俱緣果 (Skt. mātuluṅga), tên khoa học là Citrus medica, đại khái giống cây chanh.
2 Kinh Thất câu-chi Phật mẫu sở thuyết chuẩn đề đà-la-ni 七俱胝佛母所說准提陀羅尼經[T20n1076, tr.184c14].
Đoạn kinh trên miêu tả Bồ-tát Quán thế âm Chuẩn-đề ngồi trang nghiêm trên đài sen, nhìn khắp chúng sinh, hào quang sáng rực tỏa quanh thân ngài, hai Long vương Nan-đà và Ô-ba-nan-đà đứng hầu hai bên, chống đỡ cành hoa sen, phía dưới có hành giả, tay bưng lò hương, ngước mặt chiêm ngưỡng Bồ-tát, phía trên có hai vị trời Tịnh cư. Nan-đà và Ô-ba-nan-đà ở đây là một trong tám vị đại Long vương. Nanda dịch là “Hoan hỷ”, đứng ở địa vị thượng thủ trong các bậc long thần hộ pháp, đại biểu cho các loài rồng, thường ứng theo tâm nguyện cầu của loài người mà hô mây gọi gió, khiến người được hoan hỷ nên mới có danh hiệu ấy.1 Long vương này có bảy đầu, ban đầu rất hung ác, theo truyền thuyết được Mục-liên tôn giả (Mahāmaudgalyā) giáo hóa hàng phục. Upananda dịch là Hiền Hỷ, cũng gọi là Bạt-nan-đà, là em của Nan-đà Long vương, hai anh em đều nổi tiếng tại nước Ma-kiệt-đà (Magadha) về biệt tài hô mây gọi gió, khiến lượng mưa thích hợp đúng thời, giúp cho năm khỏi mất mùa thất bát.2
1 Pháp hoa kinh huyền tán, quyển 2 妙法蓮華經玄贊卷第二 [T34n1723, tr.671c17].
2 Pháp hoa văn cú, quyển 2 法華文句記卷第二 [T34n1719, tr.172b02].
Trong A-sa-phược sao có nêu ra tượng tám tay, “tượng đứng, trên đỉnh có an trí Hóa Phật, hai tay hiệp chưởng. Tay thứ hai bên trái cầm hoa sen; tay thứ ba cầm quyến sách; tay thứ tư lòng bàn tay hướng ra ngoài, ngón tay thỏng xuống. Tay thứ hai bên phải nắm tích trượng; tay thứ ba nắm bạch phất; tay thứ tư như tay thứ tư bên trái”.1
1 A-sa-phược sao, quyển 67 阿娑縛抄.
Trong Giác Thiền sao cũng nêu rõ tượng tám tay như vậy, tức ngồi kết-già trên hoa sen, mũ đội Hóa Phật. Tay trái thứ nhất bên phải kết ấn Thí vô úy; tay thứ hai cầm kích ba chĩa (tri-śaṅkuḥ); tay thứ ba cầm móc câu; tay thứ tư duỗi thẳng kết ấn Dữ nguyện. Tay thứ nhất bên trái cầm hoa sen; tay thứ hai cầm hình tròn bánh xe; tay thứ ba nắm quyến sách; tay thứ tư nắm quân-trì (kuṇḍika, bình nước).1 Những pháp khí cầm tay của hai tượng này có nhiều chỗ khác nhau, nhưng đại để có thể nhìn thấy về loại hình thì giống nhau.
1 Giác Thiền sao, mục Chuẩn-đề Quán âm.
Lại nữa, chúng ta có thế thấy tượng bốn tay và sáu tay trên bức phù điêu ở mặt tường Borobudur tại Java. Tượng bốn tay, hai tay bên trái và phải thứ nhất kết ấn Định; tay thứ hai bên trái cầm Phạn khiếp; tay thứ hai bên phải cầm tràng hạt.
Lại nữa, tượng sáu tay ngồi kết-già trên tòa sư tử; tay thứ ba bên trái và tay thứ hai bên phải bị hư hỏng nên chẳng biết cầm vật gì. Tay thứ nhất bên trái cầm hoa sen; tay thứ hai cầm bình châu báu; tay thứ nhất bên phải trình hiện ấn Dữ nguyện; tay thứ ba cầm tràng hạt.
Tây Tạng lưu hành tượng bốn tay, ngồi kết-già trên hoa sen. Tay thứ nhất hai bên trái và phải cầm bình bát tựa trên đầu gối; tay thứ hai bên trái gập ngang trước ngực cầm hoa sen, trên hoa an trí Phạn khiếp. Tay thứ hai bên phải duỗi xuống, hiện ấn Thí vô úy.
Tích-lan (Srilanka) lưu truyền tượng đồng cũng thuộc tượng bốn tay, trên đỉnh đội Hóa Phật kết ấn Định. Tay thứ nhất bên trái đặt trước rốn; tay thứ hai cầm bảo châu. Tay thứ nhất bên phải cầm chày một chĩa; hai ngón thủy (vô danh) và ngón không (ngón cái) của tay thứ hai niêm vào nhau, lộ ra bộ ngực căng đầy, thể hiện tướng Phật mẫu.
Kinh Đại minh đà -la-ni nói, phép quán tưởng cầu nguyện Chuẩn -đề, dựa vào chỗ cầu nguyện có thể quán tượng hai tay, sáu tay, tám tay, hoặc tám mươi tư tay.
“Nếu cầu pháp môn Bất nhị1 thì nên quán tượng hai tay; nếu cầu bốn món Vô lượng2 thì nên quán tượng bốn tay; nếu cầu sáu thứ thần thông3 thì nên quán tượng sáu tay; nếu cầu tám Thánh đạo4 thì nên quán tượng tám tay; nếu cầu mười Ba-la-mật5 viên mãn thập địa thì nên quán tượng mười tay. Nếu cầu Như Lai phổ biến quảng địa thì nên quán tượng mười hai tay; nếu cầu mười tám món Bất cộng pháp thì nên quán tượng mười tám tay, tức như phép họa tượng mà quán. Nếu cầu ba mươi hai tướng thì nên quán tượng ba mươi hai tay; nếu cầu tám vạn bốn ngàn pháp môn thì nên quán tượng tám mươi tư tay”.6 Trình bày tướng quán như vậy, tức được thể nhập tất cả cảnh giới không thể nghĩ bàn sâu rộng trong cửa tam-ma-địa của Như Lai.
1 Pháp môn Bất nhị: Pháp môn không hai, là giáo pháp hiển bày chân lý bình đẳng tuyệt đối, siêu việt hết thảy tương đối phân biệt. Tu pháp môn này thường thấy ngay thánh đạo trong 84.000 pháp môn của Phật giáo.
2 Bốn món vô lượng: (Skt. catvāry apramāṇāni) cũng gọi là bốn vô lượng tâm. Bốn tinh thần phải có của Phật, Bồ-tát để độ khắp vô lượng chúng sinh khiến lìa khổ được vui. Đó là: 1. Từ vô lượng tâm (maitry-apramāṇa), tư duy về cách làm cho chúng sinh được vui; 2. Bi vô lượng tâm (karuṇāpramāṇa), tư duy về cách khiến cho chúng sinh lìa khổ; 3. Hỉ vô lượng tâm (muditāp ramāṇa), nghĩ đến việc vô lượng chúng sinh đã lìa khổ được vui, từ đáy lòng cảm thấy vui mừng; 4. Xả vô lượng tâm (upekṣāpramāṇa), nghĩ đến việc vô lượng chúng sinh, hết thảy đều bình đẳng, không phân biệt oán và thân.
3 Sáu thứ thần thông: (Skt. ṣaḍ abhijñāḥ) là sáu năng lực thù thắng, tự do vô ngại. Đó là: 1. Thần túc thông, năng lực hiện thân theo ý muốn một cách tự do vô ngại; Thiên nhãn thông, năng lực tướng khổ, vui, sống, chết của chúng sinh trong sáu đường không gì ngăn ngại; 3. Thiên nhĩ thông, năng lực nghe được những tiếng nói khổ, vui, lo, mừng của chúng sinh và các loại âm thanh thế gian; 4. Tha tâm thông, năng lực biết được những điều mà chúng sinh trong sáu đường đang suy nghĩ; 5. Túc mệnh thông, năng lực biết được vận mệnh và những việc làm của chính mình và chúng sinh trong sáu đường từ trăm nghìn muôn kiếp trước; 6. Lậu tận thông, năng lực dứt hết kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi, không bị sống chết trói buộc trong ba cõi mà được thần thông lậu tận.
4 Tám thánh đạo: (Skt. āryamārga) tám con đường chân chính của người tu Phật. Đó là: 1. Chính kiến: thấy đúng; 2. Chính tư duy: suy nghĩ đúng; 3. Chính ngữ: nói đúng; 4. Chính nghiệp: làm việc đúng; 5. Chính mạng: sống đúng; 6. Chính tinh tấn: siêng năng đúng; 7. Chính niệm: ghi nhớ đúng; 8. Chính định: tập trung đúng.
5 Mười ba-la-mật: (Skt. daśa-pāramitā) 10 loại cần trang bị đầy đủ mà bậc Bồ-tát muốn đạt đến đại niết-bàn. Gọi đủ là 10 Ba-la-mật-đa, còn gọi là 10 Thắng hạnh, hoặc dịch là 10 Độ, 10 Đáo bỉ ngạn. Đó là Thí ba-la-mật (dāna-pāramitā); 2. Giới ba-la-mật (śīla-pāramitā); 3. Nhẫn ba-la-mật (kṣānti-pāramitā); 4. Tinh tấn ba-la-mật (virya-pāramitā); 5. Thiền ba-la-mật (dhyāna-pāramitā); 6. Bát-nhã ba-la-mật (prajñā -pāramitā ); 7. Phương tiện ba-la-mật (upāya-pāramitā); 8. Nguyện ba-la-mật (praṇidhāna-pāramitā); 9. Lực ba-la-mật (bala-pāramitā); 10. Trí ba-la-mật (jñāna-pāramitā).
6 Kinh Thất câu-chi Phật mẫu Chuẩn-đề đại minh đà-la-ni 佛說七俱胝佛母准提大明陀羅尼經 [T20n1075, tr.177c04].
Vị Bồ-tát này chủ yếu lấy việc cắt phá ba chướng hoặc - nghiệp - khổ của chúng sinh làm mục đích. Kinh Chuẩn-đề đà-la-ni có bài kệ tụng khen ngợi rằng:
Chuẩn đề công đức tụ,
Vắng lặng tâm thường tụng,
Tất cả các nạn lớn,
Thường không phạm người này,
Cõi trời và nhân gian,
Thọ phước cùng như Phật,
Gặp châu như ý này,
Nhất định không gì hơn.
Nếu trong thệ nguyện đại bi ta,
Một người không thành nguyện hai đời,
Ta đọa trong tội lỗi hư dối,
Không về bản giác bỏ đại bi.
“Nẵng mô táp đa nam, tam miệu tam bồ đà, câu chi nam, đát điệt tha, án, chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đê sa bà ha”. (chuẩn đê: cũng dịch là chuẩn-đề, chú này gọi là chú Chuẩn-đề).
Nābosadonan sanmyaksanboda gutinan daniyata ohm syarei sjurei cundisvāhā.
Tụng Chuẩn -đề đà-la -ni này, hào quang chiếu sáng, tội chướng thảy đều tiêu diệt, thọ mệnh lâu dài, phước tuệ tăng trưởng, được chư Phật và Bồ -tát giữ gìn ủng hộ, xa lìa đường ác, không những chứng đắc Vô thượng bồ-đề, thông minh, vợ chồng hòa hợp mà các tật bệnh cũng được chữa lành. Về thể loại tín ngưỡng này, Bồ -tát Quán thế âm Chuẩn -đề luôn luôn là đối tượng cho thế nhân cầu đảo nhằm trừ bệnh, kéo dài mạng sống, tiêu trừ tai ương, cầu sinh con cái. Pháp tu xem vị Bồ-tát này là bổn tôn, gọi là “Pháp chuẩn-đề”.
7. Bồ-tát Quán thế âm Bất không quyến sách
Bồ-tát Quán thế âm Bất không quyến sách, tiếng Phạn là Amogha- pāśa, phiên âm là A -mô-già bà-xả; amogha dịch là Bất không, pāśa dịch là Quyến sách. Bất không có nghĩa là không thứ gì mà tâm nguyện không chiếu cố, nghe danh hiệu Bồ-tát Quán thế âm này, chiêm ngưỡng dung nhan ngài, nếu một lòng xưng danh thì công đức của người ấy linh cảm không chỗ nào không thấu. Quyến sách (pāśa) còn được gọi là bảo sách (dây lụa báu), kim cương sách (dây lụa kim cương), đạo cụ được dùng trong chiến đấu, săn bắt, là sợi dây để buộc ngựa.
Theo sách Tuệ Lâm ghi: “Trong chiến đấu, có người dùng quyến sách bắt người, hoặc lấy quyến sách buộc chân ngựa. Thường gọi là dây buộc, khi bắt ngựa sống, chụp vào đầu ngựa gọi là quyến sách”.1 Quyến sách này là vũ khí, dụng cụ đi săn tối ưu của Ấn Độ cổ đại, chỉ cần một sợi dây này thôi thì địch nhân và thú vật không thể nào chạy thoát được, cho nên đây là khí cụ vây bắt rất trân quý. Vì không vật nào là không thể bị bắt nên gọi là “Bất không quyến sách”. Người Ấn Độ cổ đại cũng cho rằng vũ khí quý giá này được loài rồng giữ gìn dưới long cung.2
1 Tuệ Lâm âm nghĩa, quyển 61慧琳音義.
2 Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da, quyển 13 根本說一切有部毘奈耶藥事卷第十三 [T24n1448, tr.60b09].
Theo Bí sao khẩu quyết của Giác Thuấn, người Nhật Bản, có ghi: “Quyến sách chính là dây lụa từ bi. Lưới cá lồng chim đều có thể để lọt cá sổng chim từ các mắc lưới khe lồng, nhưng dây lụa từ bi của đức Quán âm này thì không để lọt thoát bất kỳ một chúng sinh nào. Quyến sách trùm đại thiên thế giới, người tu hành được âm thầm giáo hóa, đại khái có nghĩa là cho thành tựu, ban lợi ích. Nghĩa của nó là không có gì mà không được, nên gọi là bất không”.1
1 Bí sao khẩu quyết, Bất không quyến sách pháp, 15.
Đoạn văn thuyết minh việc Quán âm dùng dây lụa từ bi ái hộ tiếp dẫn chúng sinh, tâm nguyện của ngài là quan tâm đến tất cả các chúng sinh, nên gọi là Bất không quyến sách. Thật ra, quyến sách này hoàn toàn không chỉ là vật trì giữ của Bồ -tát Quán thế âm, mà cũng có thể nhìn thấy trong trường hợp của Bất động Minh vương,1 cho nên ngài Nhất Hạnh đời Đường có nói: “Quyến sách chính là bốn phương tiện nhiếp phục bằng tâm bồ-đề, dùng quyến sách này buộc những kẻ không chịu hàng phục, dùng đao trí tuệ sắc bén để cắt đứt nghiệp của kẻ ấy, khiến mạng sống thọ đến vô cùng, giúp đời sống được đại không2”.3 Loại quyến sách này chính là bốn pháp nhiếp phục, như lấy bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự làm phương tiện để điều phục chúng sinh.
1 Bất động minh vương 不動明王: Bất động (Skt. Acala) là vị tôn chủ của 5 đại minh vương, 8 đại minh vương Mật giáo. Được đặt ở đầu cực nam của viện Trì minh trong Hiện đồ Thai tạng giới mạn-đồ-la. Mật hiệu là thường trụ kim cương. Hình Tam-muội-da là gươm sắc và vòng dây lụa. Gươm sắc biểu hiện cho trí tuệ Phật. Vòng dây lụa biểu thị phiền não nghiệp chướng. Nghĩa là dùng gươm trí tuệ cắt đứt phiền não nghiệp chướng trói buộc mà sinh đại trí.
2 Đại không 大空: (Skt. mahā-śūnyatā) Không là một trong những tư tưởng quan trọng của Phật giáo. Không đối lại với có, phân tích cái có đó đến không thì cái không ấy cũng là không, tức là có, không cũng không, rốt ráo là Đại không. Cái không vắng lặng của Đại thừa là Đại không, tức niết-bàn của Đại thừa.
3 Tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh nghĩa thích, quyển 4 毗盧遮那成佛神變加持經義釋卷第四[X23n0438, tr.325b17].
Nói cách khác, bất không quyến sách cũng có nghĩa là “dùng quyến sách đại bi để bạt tế cứu trợ hết thảy chúng sinh, không một chúng sinh nào để sót”. Bất luận người nào, dù đó là những tội nhân hung ác cùng cực, Bồ-tát dùng quyến sách bi trí dũng mãnh thiêng liêng không thể nghĩ bàn để cứu độ và đưa họ đến với chính đạo. Theo đó, sắc thái đặc biệt của ngài Quán âm Bất không quyến sách là tâm từ ái và nhu hòa, hiện tướng phẫn nộ, tay cầm quyến sách. Hiện tướng phẫn nộ chẳng phải là vì tư ý giận dữ, mà là dùng gậy dùng roi để hướng dẫn cứu giúp kẻ cực ác vô đạo trở về nẻo thiện, giống như người cha lành vì cứu đứa con đọa lạc mà hiện tướng giận dữ để khiến nó kinh sợ, mặc dù trong lòng vẫn giữ kín tình thương chân thật. Bản thể của Bồ- tát Bất không quyến sách là tính thiêng liêng dũng mãnh vô úy, luôn đấu tranh về tư tưởng, cho dù kẻ bạo nghịch thế nào đi nữa trên sa trường chiến đấu, cho dù chịu cảnh áp bức đe dọa bởi hoàn cảnh kinh thiên động địa đến đâu nhưng ngài vẫn không chút sợ hãi, một lòng vì chân lý chính đạo, chiến đấu dũng cảm, vung thanh gươm hàng phục ma quân. Do đó, vị Bồ-tát này còn gọi là “Thiên nhân trượng phu Quán thế âm”. Nói chung, đối tượng hóa đạo chủ yếu của ngài là ở “cõi người” trong lục đạo. Có nơi còn gọi ngài là Bất không vương Quán âm, Bất không quảng đại minh vương Quán âm, hoặc Bất không Tất-địa vương Bồ-tát, mật hiệu là Đẳng dẫn kim cương.
Luận đến kinh điển về Bồ-tát Bất không quyến sách có rất nhiều, chỉ riêng trong Đại chính tạng đã thâu lục có đến tám loại. Trong đó, xem bộ kinh Bất không quyến sách thần biến chân ngôn, gồm ba mươi quyển, bảy mươi tám phẩm, do Bồ-đề-lưu-chi phiên dịch đời Đường có nội dung phong phú nhất. Phẩm thứ nhất thể hiện rõ trụ sở của Bồ-tát Quán thế âm là núi Bổ-đà-lạc-già (Potalaka). Khi đức Phật đến cung điện của Bồ -tát Quán thế âm là núi Bổ-đà-lạc-già, Bồ-tát Quán thế âm đến trước đức Phật thưa rằng, trong một kiếp sau cùng ở chín mươi mốt kiếp về quá khứ, đã tiếp nhận Bất không quyến sách tâm vương mẫu đà- la-ni chân ngôn do đức Thế gian Tự tại vương Như Lai truyền trao.
Lời văn thế này: “Thọ trì khen ngợi chân ngôn đà-la-ni này, lại có thể thường vào mùng tám đầu tháng, ngày mười bốn, mười lăm đầu tháng, tắm rửa thanh tịnh, dùng hương thoa thân, giặt sạch y phục, ăn tam bạch thực, hoặc không ăn gì, dứt các ngôn luận, nên như pháp mà ngồi trước Bồ-tát Quán thế âm Bất không quyến sách, đốt hương cúng dường, chiêm ngưỡng dung diện Bồ-tát mà thành tâm tụng bốn mươi biến, hoặc một trăm lẻ biến, thì người này đời hiện tại được hai mươi thứ công đức xưng tán, và khi lâm chung được tám điều lợi ích thù thắng”.1
1 Kinh Bất không quyến sách thần biến chân ngôn, quyển 1, phẩm tựa Mẫu đà-la-ni chân ngôn 不空羂索神變真言經卷第一, 母陀羅尼真言序品 [T20n1092, tr.228b23].
Nghĩa là, nếu có ai vào ngày mùng tám, mười bốn, mười lăm đầu tháng, ngồi trước Bồ-tát trì tụng Bất không quyến sách tâm vương mẫu chân ngôn đà-la-ni, đời hiện tại được hai mươi thứ công đức, khi lâm chung được tám điều lợi ích.
Hai mươi thứ công đức trong đời hiện tại:
- Thân không mắc các bệnh, nếu có bệnh do nghiệp nhiều kiếp trước sinh ra thì sẽ chữa trị mau chóng.
- Thân dẻo, da mịn, đẹp đẽ khiến người yêu thích.
- Thường được mọi người ưa thích khi nhìn thấy, không ai khinh ghét.
- Sáu căn thường ổn định, tài bảo có được tự nhiên.
- Không bị giặc cướp xâm đoạt y phục tài sản.
- Không bị lửa cháy, nước cuốn tất cả tài sản.
- Không bị nạn xâm lăng sát hại, không bị cưỡng lấy tài sản, không chết vì đói khát.
- Không bị chết vì rơi từ trên sườn núi xuống.
- Gia trì trong tro sạch, nước sạch rồi rải khắp hết thảy các giống cây ăn trái, lúa mạ, không bị tai hại bởi mưa đá, gió sương độc hại, côn trùng, ác thú; lúa mạ tươi tốt.
- Không bị giết hại khi lâm trận chiến tranh.
- Không bị các quỷ thần xấu hút hết tinh khí, oán thù hại chết.
- Thường được mọi người khen ngợi tán thưởng, càng mến mộ thêm, không bị chết vì thời tiết xấu.
- Nếu gặp người xấu ác, ngoại đạo thì hết thảy hòa mục một cách tự nhiên.
- Không bị hết thảy người xấu ác phỉ báng mưu hại, nếu họ khởi tâm xấu thì nhanh chóng tiêu diệt.
- Không sợ hết thảy người và phi nhân.
- Không bị chú thuật thế gian trù ẻo hay bị quỷ đồ-chỉ-ni1 giết hại.
- Hết thảy các điều ác, ngủ gật, phiền não đều được tiêu trừ.
- Không bị họa nước cuốn, lửa thiêu; không bị dáo tên, thuốc độc, côn trùng độc hại hại chết.
- Tất cả chư thiên đều thủ hộ.
- Được đầy đủ bốn tâm vô ngại: đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả.
1 Đồ-chỉ-ni 荼枳尼: (Skt. ḍākini) là một loài quỷ dạ-xoa, có thần thông tự tại, nó biết được người nào sau 6 tháng nữa chết, bèn móc tim gan người ấy ăn sống. [Nd]
Khi lâm chung được tám điều lợi ích:
- Khi lâm chung, Bồ-tát Quán thế âm biến hiện tự thân thành hình tướng sa-môn, khéo phương tiện khuyên bảo hướng dẫn đi đến cõi Phật.
- Khi lâm chung, thân không đau đớn, đi đứng tự tại, như vào thiền định.
- Khi lâm chung, mắt không u tối, không hiện tướng chết xấu.
- Khi lâm chung, tay chân an ổn, được nằm nghiêng bên phải mà vãng sinh.
- Khi lâm chung, làm chủ được việc đại tiểu tiện, không chết vì bệnh kiết lị.
- Khi lâm chung, không mất chính niệm; không nằm úp mặt, ngồi ngay thẳng trên giường mà vãng sinh.
- Khi lâm chung, được lanh lợi khéo léo, nói pháp mầu thâm thúy, chết ở tuổi cao.
- Khi lâm chung, nguyện sinh về cõi Phật, theo lòng mong muốn mà vãng sinh về cõi tịnh của chư Phật, hoa sen hóa sinh, thường gặp tất cả chư Phật, chư đại Bồ-tát, thường không thoái chuyển.1
1 Kinh Bất không quyến sách thần biến chân ngôn, quyển 1, phẩm tựa Mẫu đà-la-ni chân ngôn 不空羂索神變真言經卷第一 母陀羅尼真言序品第一 [T20n1092, tr.228c19].
Có được các lợi ích này là nhờ năng lực tụng thần chú chân ngôn Bất không quyến sách tâm vương đà-la-ni, không những có khả năng trừ được bệnh dịch tai ách, tăng thêm phước lợi, mà đến lúc lâm chung cũng được thỏa mãn nguyện vọng vãng sinh an ổn về Tịnh độ, thể hiện rõ lợi ích của hai đời “hiện tại và tương lai”.
Tín ngưỡng Bồ-tát Quán thế âm Bất không quyến sách không những dừng lại ở việc tiêu tai cầu phước của cá nhân mà còn mang tính phổ biến cho quốc gia xã hội, có thể lợi ích hộ quốc an dân, đặc biệt loại hình cầu đảo này thịnh hành vào thời đại Nại Lương ở Nhật Bản.
Trong kinh Bất không quyến sách thần biến chân ngôn có nói: “Nếu quốc độ hoang loạn, bề tôi mưu phản, khi binh biến giặc xâm, tai ương bệnh dịch dấy lên, trước hết tắm gội thân thể, mặc áo mới sạch, ăn tam bạch thực, trong hai mươi mốt ngày nghiêm giữ đạo tràng, bốn góc và ở giữa đặt vò nước thơm, khi cầu đảo phải thanh tịnh cả trong lẫn ngoài, như pháp cúng dường. Phía Tây đàn tràng, bắc đàn tràng đốt hương rải hoa, đúng như pháp mà ngồi, tụng chân ngôn đà-la -ni thành âm thanh nối nhau không gián đoạn, thực hành pháp trừ tai, đủ hai mươi mốt ngày, liền giúp cho hết thảy nhân dân được đại an ổn. Mỗi ngày, gia trì nước đựng trong vò được cúng dường ở đàn tràng, vẩy khắp tất cả thân người, giữ hộ chúng sinh, thì các tai ách tội chướng tự nhiên tiêu trừ”.1
1 Kinh Bất không quyến sách thần biến chân ngôn, quyển 1, phẩm tựa Mẫu đà-la-ni chân ngôn 不空羂索神變真言經卷第一, 母陀羅尼真言序品第一 [T20n1092, tr.231c27].
Hơn nữa, cũng ở kinh ấy, quyển 8, phẩm Tam tam-muội-da tượng nói rõ việc tác pháp cầu đảo: “Quyến sách tượng ấy, chứa trong giỏ sạch, đặt chỗ thanh tịnh, mỗi ngày dùng các hương hoa cúng dường. Nếu có hữu tình nào xúc chạm đến người ấy, liền được trừ diệt hết thảy cấu chướng; nếu có hữu tình nào thấy được tượng ấy, cũng khiến trừ diệt được tất cả tội chướng. Chân ngôn gia trì vào hoa tô-man-na,1 dâng hiến Bồ-tát một trăm lẻ tám lần, hết thảy nhân dân khen ngợi cúng dường. Nếu có đất nước nào chiến tranh dấy khởi, khiến hoảng loạn bất an, thì nên như pháp tạo tác mạn-đồ-la (maṇḍala). Họa vẽ hình tượng, trong ấn đặt tượng thơm, dùng các loại nước hoa, hoa thơm, thức ăn nước uống tam bạch bày ra cúng hiến, đốt hương vương cúng dường, trì tụng Phấn nộ vương chân ngôn. Gia trì vào hạt cải trắng, rải để kết giới, kết ấn Phấn nộ vương. Mặt mũi phẫn nộ, trì tụng Mẫu đà-la-ni chân ngôn, Bí mật tâm chân ngôn, mãn bảy ngày đêm, hoặc hai mươi mốt ngày, hoặc ba mươi lăm ngày, đao binh trong nước tự nhiên tan hoại. Pháp này lại có thể phá trừ được quân a-tố-lạc (asura, loài quỷ), huống gì binh giặc mưu phản ở thế gian mà sao không phá hoại được!”2
1 Hoa Tô-man-na: (Skt. Sumana), dịch là “hoa duyệt ý”, tên khoa học là Rosaglan-dulibera, nếu nhìn thấy hình dáng, màu sắc ấy thì trong lòng được vui vẻ.
2 Kinh Bất không quyến sách thần biến chân ngôn, quyển 8, phẩm Tam tam-muội da tượng 不空羂索神變真言經卷第八三三昧耶像品 [T20n1092, tr.267a29].
Nghĩa là khi gặp loạn trong giặc ngoài, thiên tai địa biến, cho đến dịch bệnh phát sinh, tụng trì Bất không quyến sách tâm vương đà-la-ni chân ngôn, như pháp cầu đảo thì liền bình định được họa hại loạn lạc, tiêu trừ được bệnh dịch quái ác.
***
Liên quan đến hình tượng Bồ-tát Quán thế âm Bất không quyến sách, chúng ta có thể thấy được các loại hình như tượng một mặt bốn tay, một mặt tám tay, ba mặt bốn tay, ba mặt sáu tay, ba mặt mười tay, mười mặt mười tám tay, mười một mặt ba mươi hai tay… Trong số đó, tượng thông thường mà chúng ta thường thấy nhất là tượng ba mặt sáu tay.
Trước hết xin khảo sát về tượng ba mặt sáu tay mà chúng ta thường thấy nhất. “Mặt chính tươi sáng vui vẻ, mặt bên trái nhăn mày, trợn mắt, trương miệng, hàm trên răng nanh mọc dài; mặt bên phải nhăn mày, trợn mắt, miệng ngậm. Đầu đội mũ báu, trên mũ có Hóa Phật; các tay cầm hoa sen, quyến sách, kích ba chĩa; một tay kết ấn Thí vô úy, một tay đưa lòng bàn tay lên, ngồi thế kết-già trên hoa sen”.1
1 Kinh Bất không quyến sách thần biến chân ngôn, quyển 8, phẩm Tam tam-muội da tượng 不空羂索神變真言經卷第八三三昧耶像品 [T20n1092, tr.265b14].
Liên quan đến tượng ba mặt bốn tay, có tài liệu ghi rằng: “Thân ngài màu vàng trắng, đầu đội mũ hoa, tóc màu xanh tía phân ra phía trước và sau hai bên vai, dung nhan hiền từ vui tươi, phóng trăm ngàn ánh sáng, thanh tịnh thù thắng, mặt có ba mắt. Dùng sợi tơ thuần trắng đan chéo từ vai xuống ngực, trùm kín vai bằng da của loài nai chúa ế-nê-da (aiṇeya), buộc quanh hông bằng dải đai báu. Tôn tượng gồm bốn tay, tay trên bên trái cầm hoa sen, tay dưới nắm bình nước; tay trên bên phải nắm quyến sách, tay dưới cầm tràng hạt, dùng châu báu trang sức, thân mặc thiên y, đứng trên hoa sen, có uy đức lớn. Chuỗi ngọc buộc chéo giữa cánh tay, trang sức bằng vòng tai, tí ấn, vòng xuyến. Đầu đội Phật Vô lượng thọ”.1
1 Thừa Trừng soạn, A-sa-phược sao, quyển 3.
Bồ-tát Quán thế âm Bất không quyến sách an trí tại viện Quyến Sách, chùa Đông Đại, Nại Lương, Nhật Bản chính là tượng đứng một mặt tám tay. Theo truyền thuyết, tượng này được Lương Biện (689-773), người Nhật Bản, chế tác. Sơn khô tôn tượng ấy là vải lĩnh, ba chuỗi ngọc thòng xuống tà áo, trên đầu trang trí kim loại bạc chạm trỗ, đội mũ báu. Mặt chính mũ của tượng có Hóa Phật, phóng hào quang sáng ngời. Thân thể Bồ -tát Quán thế âm trang nghiêm, tay trái cầm búp sen, tay phải nắm tích trượng, lại có hai tay từ bên sườn đưa ra hiệp chưởng, dưới hai tay còn có hai tay ép nghiêng ra phía trước; dưới hai tay này còn có hai tay nữa, ngón tay nhỏ dài mềm mại, giống như dáng vẻ tay đang đong đưa phất phơ thoải mái. Hình tướng này là sự thị hiện Phổ môn của Bồ-tát Quán thế âm nhiếp thủ chúng sinh, cứu độ khổ não hoạn nạn; cánh tay từ ái của ngài có tám tay, mười tay, mười tám tay; thậm chí còn mở rộng hình thái vượt ngoài tư duy bằng ba mươi hai tay. Đây không chỉ là hình tướng của loài người mà là thể tính thiêng liêng bí mật không thể nghĩ bàn do người quán sát mà được cảm ứng. Vị Bồ-tát này trong mạn-đồ-la Thai tạng giới, an trí ở vị trí thứ tư phía Đông hàng ngoài cùng của Quán Âm viện.
Từ xưa đến nay, hình thái tín ngưỡng Bồ-tát Quán thế âm Bất không quyến sách rất thịnh hành. Những năm gần đây, nhờ việc khai quật được tượng một mặt sáu tay tại vùng Mathura miền Trung Ấn Độ, bích họa một mặt sáu tay đang lưu giữ tại Thiên Phật động ở Đôn Hoàng… cho chúng ta thấy rõ loại hình tín ngưỡng này của Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại cực kỳ xương thịnh. Đặc biệt, trong Bất không quyến sách chú kinh, 1 quyển, do Xà-na-quật- đa (Jnānagupta) phiên dịch vào năm đầu niên hiệu Trinh Nguyên thời Bắc Chu (587) thì Bất không quyến sách trong bảy Quán âm thuộc về “Thánh Quán thế âm” thời kỳ đầu.
Tóm lại, đối với Bồ-tát Quán thế âm Bất không quyến sách từ xưa đến nay có nhiều thuyết. Có thuyết cho rằng từ Bất không phẫn nộ mà ra;1 có thuyết chủ trương từ Bồ -tát Di -lặc; có người cho rằng từ Bồ-tát Địa tạng mà ra. Trong Nga Châu sao của ngài Tâm Giác- người Nhật Bản ghi: “Bản thân Quán âm Bất không quyến sách có nhiều hóa thân, có khi Đại Nhật biến thành Di-lặc, Di-lặc biến thành Bất không quyến sách. Lại nữa, Đại Nhật biến thành Địa tạng, Địa tạng biến thành Bất không”.2 Những thuyết này đều là sự gán ghép mang tính khiên cưỡng, thực tế chẳng có chút căn cứ nào. Đương nhiên, do chỗ ngài cầm quyến sách, hiện tướng phẫn nộ mà người ta suy diễn ra, cùng nguồn gốc với ngài Bất động minh vương (Acala-nātha), được sinh ra từ Mật giáo, nên không thể phủ định danh xưng “Bất không quyến sách” có ít nhiều ảnh hưởng bởi Bà-la-môn giáo cổ đại Ấn Độ. Tức là, amogha trong tiếng Phạn amogha-pāśa chính là tên gọi khác của thần Thấp -bà (śiva), pāśa (dây lụa) là vật cầm tay của thần Đột-ca (drugā). Lại nữa, vị Bồ-tát này được nhào nặn theo thể thức của thần thoại cổ đại Ấn Độ mà ra, có thể xem là sản phẩm được tạo thành bởi hình tướng thần thông diệu dụng của Bồ-tát Quán thế âm. Đặc biệt, pāśa tức là quyến sách, là khí cụ được sử dụng trong những trường hợp như chiến tranh và săn bắt của người Ấn Độ cổ đại, gọi đủ là Bất không quyến sách. Nhờ vật cầm tay mà vị Bồ-tát này có tên gọi như vậy. Mặc dù dựa vào chủ trương của mạn-đồ -la Mật giáo coi trọng hình tượng, tướng tốt, khí cụ cầm tay, tướng quán nội nhãn mở ra tâm nhãn… để suy nghĩ thì vẫn không thể không nhìn nhận ở ấn khế và khí cụ cầm tay; đặc biệt là tướng phẫn nộ của Bồ-tát Quán thế âm Bất không quyến sách mang ý nghĩa tôn giáo cực kỳ sâu sắc. Kết “Phẫn nộ vương ấn”, mặt mũi giận dữ, hoặc ba mặt sáu tay, tay cầm quyến sách… đều là hình tướng đặc biệt của vị Bồ-tát này.
1 Bí sao khẩu quyết, quyển 15, Bất không quyến sách, mục 1.
2 Tâm Giác sao, Nga Châu sao, phần đầu quyển thượng.
Nói tóm lại, Bồ-tát Quán thế âm Bất không quyến sách không chỉ phương tiện giáo hóa mà còn tiếp dẫn hàng phục ác ma vô đạo bạo nghịch, thệ nguyện khiến chúng sinh có được an ổn, tăng trưởng lợi ích. Do đó, nếu người nào niệm niệm không nghi ngờ, một lòng một dạ tín ngưỡng vị Bồ-tát Bất không quyến sách này, toàn thể thân tâm cầu nguyện ngài gia hộ thì ắt sẽ thể nghiệm được những ích lợi không thể nghĩ bàn.