Đẹp thay hoa sen!
Sinh ra trong nước,
Không bị nhiễm ô;
Ta không bị cuộc đời làm cho hoen ố,
Cho nên thành Phật-đà!1
Tháng 7 mùa hạ nắng nóng, hương sen khoan khái nhẹ nhàng thoảng đưa qua khứu giác, lá sen xanh mượt mà như chiếc lọng vươn dài trải rộng, nâng đóa sen nổi lên mặt nước. Từ “khoan khái nhẹ nhàng” đương nhiên đã hàm ẩn một cảm giác thanh tịnh, thuần khiết, thiêng liêng và hoa sen hàm chứa toàn bộ những đặc tính này. Một khi nói đến hoa sen, bất kỳ ai cũng sẽ liên tưởng đến Bồ- tát Quán thế âm, “hoa sen biến hiện Bồ-tát Quán tự tại”.1 Hoa sen có mối quan hệ thâm thiết như vậy với ngài Quán âm, nên dù bất kỳ ai cũng không thể phủ nhận được hoa sen sở hữu một vẻ đẹp thanh tịnh thuần khiết như vậy.
1 Du-già liên hoa bộ tụng niệm pháp, 1 quyển, 瑜伽蓮花部念誦法一卷 của ngài Bất Không.
“Sen” hay “súng” là một loại thực vật dạng cỏ sống ở nước được nhiều năm, có tên khoa học là Nymphaea tetragona, được trồng ở các vùng ao hồ, ruộng nước, rễ sen dạng củ dài nhiều đốt phình to, mọc dài trong bùn nước, củ phình to làm nơi để các rễ nhánh bám vào. Lá sen vươn cao trên mặt nước, hình tròn giống cái khiên, đường kính khoảng 60 decimet, mùa hạ nở hoa, thông thường mỗi đóa có mười sáu cánh, buổi sáng nở, buổi chiều khép, ngày hôm sau lại nở, cứ nở khép như vậy đến khoảng ba lần thì hoa tàn, đài sen (quả) có hình dạng tổ ong, hạt sen dù để nhiều năm tháng vẫn có khả năng nảy mầm, kiểm nghiệm bằng khí carbon phóng xạ (C14), người ta kết luận rằng hạt sen có tuổi thọ đến hai ngàn năm.1
1 Đại pháp luân, quyển 23, số 11, tr.97 (sen cổ 2000 năm do Đại Hạ Nhất Lang Thị trình bày).
Sen có nhiều màu sắc, tương truyền người ta nói hoa sen vùng Ấn Độ xưa nay có năm màu sắc, đó là: bát- đầu-ma (padma), nê-lô-bát- la (nīlotpala), câu-vật-đầu (kumuda), phân-đồ-lợi-ca (puṇḍarīka), ưu- bát-la (utpala). Trong đó, bát-đầu-ma (padma) là hoa sen thường nói đến nhất, tức là hoa sen hồng, còn bốn loại kia đều thuộc hoa súng, tức tên khoa học là Nymphaea tetragona, đại loại có hai màu hồng và trắng; còn loại nê-lô-bát-la (nīlotpala) thì phần nhiều là màu xanh.
Sen là thứ mà người Ấn Độ cổ đại đặc biệt trân trọng, sen có liên quan đến truyền thuyết về câu chuyện lịch sử thuở ban sơ (Mahābhārata) khi trời đất mới khai sinh, từ cuống rốn của trời Visnu mọc ra hoa sen, trong hoa sen có Phạm thiên (Brahmā) ngồi thế kết-già. Họ tin rằng, Phạm thiên là đấng sáng tạo ra vạn vật, cho nên hoa sen là biểu tượng của trời Visnu và thần phi của Visnu là nữ thần Cát Tường thiên (Laksmī).
Phật giáo truyền thống Ấn Độ rất coi trọng hoa sen, loài hoa đại biểu cho Bồ-tát Quán âm, cho nên ngài có mối quan hệ sâu dày với hoa sen. Khi nói đến Bồ-tát Quán thế âm và hoa sen thị hiện như thế nào, trước hết là đài tòa Quán âm ngồi mô phỏng theo hình tượng hoa sen, và vật cầm tay của ngài cũng là một búp sen.
Các kinh điển ghi chép rõ ràng, người Ấn Độ cho rằng hoa sen là biểu tượng thiêng liêng nhất trong các loài hoa.1 Vì sao hoa sen mang ý nghĩa thiêng liêng như vậy? Về vấn đề này, do hoa sen có liên quan đến phong thổ nhiệt đới của Ấn Độ. Trên mặt nước trong xanh mát mẻ hiện lên hình ảnh đóa sen hé nở, nghĩa là trong lòng người Ấn Độ đang chịu khổ não nóng bức, mà khơi gợi lên niềm đam mê đặc biệt, đây quả thật là lý do có sức thuyết phục. Không lâu sau, từ hình tượng này cấu thành nên tư tưởng “tòa sen”. Song, từ cái thấy biết thường tình mà suy nghĩ, nếu người bình thường ngồi trên hoa sen thì sẽ thấy không hợp lý lắm. Mặc dù nói như vậy, trong kinh Phạm võng Bồ-tát giới có ghi: “Con nay Lô-xá-na, vừa ngồi đài hoa sen, ngàn cánh hoa vây quanh, lại hiện ngàn Thích-ca”.2 Tâm thái ca tụng hoa sen trong hồ nước trong mát này là sự ước mong của người Ấn Độ được sống cuộc đời lý tưởng trên đài sen.
1 Đại sự (Mahāvastu), tr.327; kinh Quang minh vương tối thắng, quyển 5, phẩm Liên hoa dụ tán, 7 金光明最勝王經卷第五蓮華喻讚品第七 [T16n0665, tr. 422b27].
2 Kinh Phạm võng, phẩm Lô-xá-na Phật thuyết Bồ-tát tâm địa giới, 10, quyển hạ 梵網經盧舍那佛說菩薩心地戒品第十卷下 [T24n1484, tr. 1003c29]. [Nd]
Trong tác phẩm Luận Đại trí độ của ngài Long Thọ ra đời vào khoảng thế kỷ III có nói: “Lại do hoa sen mềm mại, thanh tịnh, muốn hiện thần lực mà ngồi lên trên ấy”,1 và “Phạm thiên vương ấy ngồi trên hoa sen, cho nên chư Phật cũng thuận theo thế gian, mà khoanh chân ngồi kết-già trên hoa sen báu”.2 Do đó có thể biết tư tưởng tòa sen chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ cổ đại. Đặc biệt mở tác phẩm triết học Ấn Độ cổ đại Áo nghĩa thư ra xem, ta thấy có đoạn: “Ta ngồi trong hoa sen kia, buổi sớm đều có ánh sáng, cầm dây tơ và cái kích, ban cho niềm an vui, kết thủ ấn Dữ nguyện thí vô úy”,3 thì câu “buổi sớm đều có ánh sáng” có nghĩa là “sinh ra trong ánh sáng”, thuyết minh hoa sen có tập tính buổi tối khép cánh lại đến sáng sớm hôm sau lại nở ra.
1 Luận Đại trí độ, quyển 8 大智度論卷第八 [T25n1509, tr. 115c27].
2 Luận Đại trí độ, quyển 8 大智度論卷第八 [T25n1509, tr. 116a14].
3 Devī-upanisad, 15.
Mà tập tính này của hoa sen và đức Phật là đấng cứu đời ở cõi Sa-bà, có khả năng phá trừ vô minh tối tăm, quan niệm linh hồn loài người đầu thai kết hợp với ánh sáng nên sinh ra thuyết lấy hoa sen làm thí dụ.4
4 Chandogya- upanisad, I. V. 143.
Đẹp thay hoa sen!
Sinh ra trong nước,
Không bị nhiễm ô;
Ta không bị cuộc đời làm cho hoen ố,
Cho nên thành Phật-đà!1
1 Majjhima-nikāya, Aryapariyesana. Vol. 1, tr.171 (kinh Thánh cầu, Trung A-hàm, T 1).
Đoạn kinh trên là thí dụ về đức Phật, mặc dù ngài đang sống trong cõi đời mê hoặc khổ não nhưng không bị trói buộc hay đắm nhiễm, cũng giống như hoa sen trong nước, sinh ra từ bùn mà không bị bùn làm ô nhiễm. Lại nói về bốn đức của hoa sen là “thơm, sạch, mềm mại, đáng yêu”, nên kinh điển khen ngợi tính đức mềm mại và tươi đẹp của hoa sen:
Từ trong rừng hoa sen xuất hiện,
Tay cầm hoa sen,
Như ở trong mắt sen,
Dáng mạo hoa sen bên cạnh Bồ-tát,
Một vị nữ thần hóa thân của hoa sen, duyên dáng yêu kiều.2
2 Buddha-carita, IV, tr. 27 (Phật sở hành tán).
Trung A-hàm có ghi: “Giống như hoa sen xanh, hoa sen hồng, đỏ, trắng sinh từ trong nước, lớn lên trong nước, vượt lên khỏi mặt nước, không bị dính nước. Cũng như thế, Như Lai sinh ra ở thế gian, lớn lên trong thế gian, tu hành vượt trên thế gian, không đắm trước pháp thế gian”.1
1 Kinh Trung A-hàm, quyển 23, phẩm Thanh bạch liên hoa dụ, 6 中阿含經卷第二十三青白蓮華喻經第六[T01n0026, tr. 575a04].
Trong kinh Văn-thù -sư-lợi có nói: “Lòng người vốn thanh tịnh, mặc dù sống trong uế trược cũng không chút tì vết, giống như ánh sáng mặt trời không trộn lẫn với bóng tối, cũng như hoa sen không bị bùn đất thấm bẩn…”.1
1 Kinh Phật thuyết Văn-thù-sư-lợi tịnh luật, phẩm Đạo môn, 4 佛說文殊師利淨律經道門品第四 [T14n0460, tr. 452b03].
Mật giáo cho rằng, hoa sen là tâm bồ-đề thanh tịnh vốn có của chúng sinh. Trong đó, hoa sen nở biểu thị cho tâm bồ- đề thanh tịnh, búp sen biểu thị cho Phật tính của tâm địa chúng sinh, dẫu cho hàng phàm phu ác hạnh cũng có đầy đủ Phật tính. Vì khai mở hoa sen ở tâm chúng sinh nên Bồ-tát thị hiện thân Hỷ kiến tùy loại, vì ứng theo sở thích chúng sinh, cứu hộ chúng sinh nên Bồ-tát cầm hoa sen trên tay, nhằm biểu thị thệ nguyện của ngài. Vì lý do đó, “Trong thân của tất cả loài hữu tình đều có hoa sen thơm ngát như vậy, là pháp giới thanh tịnh, không nhiễm phiền não”.1
1 Vô lượng thọ Như Lai tu quán hạnh cúng dường Nghi quỹ 無量壽如來修觀行供養儀軌 (do Bất Không dịch vào đời Đường).
Lại nói: “Bồ-tát Quán tự tại tay cầm hoa sen, quán thấy trong thân của tất cả loài hữu tình có tính Như Lai tạng, tự tính thanh tịnh quang minh, tất cả hoặc nhiễm không thể nhiễm ô. Nhờ Bồ-tát Quán tự tại gia trì mà xa lìa được trần cấu, có được thanh tịnh, sánh ngang với bậc giác ngộ”.1
1 Đại nhạo Kim cương Bất không chân thật tam-muội kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa Lý thú thích, quyển hạ 大樂金剛不空真實三昧經般若波羅蜜多理趣釋卷下 [T19n1003, tr. 612b17].
Biểu tượng của Bồ-tát Quán thế âm là lấy hoa sen làm tòa, bây giờ làm sáng tỏ thêm về ý nghĩa tôn giáo chân thật trong ấy. Đức Quán thế âm, tay trái cầm búp sen, tay phải trình hiện hình tượng [nắm tay búp sen] chưa nở mang ý nghĩa sâu sắc. Búp sen biểu thị cho hoa sen tâm tự tính thanh tịnh của tất cả chúng sinh, tức là bản giác bồ-đề; tay phải trình hiện hình dáng nắm tay búp sen, biểu thị cho hoa sen tâm thuộc bản tính chúng sinh bị vô minh, vọng tưởng trói buộc, không thể tự cởi mở, đức Bồ-tát Quán thế âm đem tâm từ mẫn đại bi của mình để mở tung hoa sen ấy. Do đó, Bồ-tát Quán thế âm đứng trên hoa sen, nên gọi là “Liên hoa trụ”; còn tay nắm hoa sen, nên gọi là “Liên hoa thủ”.