Những vật cầm trên tay của Bồ-tát Quán thế âm có nhiều hình dạng, nhưng đều tuân theo một khuôn mẫu nhất định, những vật cầm tay nhằm biểu hiện “lý tính” của Bồ- tát Quán thế âm. Chúng ta hãy tạm thời rời kinh điển để chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc, đại khái vật cầm tay ở tượng Quán âm đều là các vật tượng trưng, như “hoa sen, vật hình quả cầu, bình nước, phất tử”. Trong đó, vật cầm tay được nhìn thấy nhiều nhất là “vật hình quả cầu và bình nước”, hoa sen nâng trên tay, diện mạo ngài rất an nhiên thư thái. Bây giờ chúng tôi sẽ trình bày một chút về lý do tại sao ngài cầm những vật này.
Nói đến tượng điêu khắc cầm quả cầu thì không thể không nêu ra tượng Bồ-tát Quán thế âm ở Mộng điện chùa Pháp Long, Nhật Bản, tay trái cầm bảo châu đặt ngang ngực, tay phải hướng xuống dưới úp lại. Thật ra, trong bản chép tay cổ Cổ kim nhất dương tập truyền lại của chùa Pháp Long có “Hình tượng Như ý luân do Tổng thái tử sáng tạo”. Do đó, Quán âm hai tay cầm quả cầu này, chính xác nhất nên xem đó là một hình tướng của Bồ-tát Quán thế âm Như ý luân, mà không phải là Thánh Quán âm. Song, mặc dù trong bản cổ chép tay có nói đến, hoặc cách thức tạo tượng này khác với dung tướng được nói trong Nghi quỹ, nhưng không thể cho rằng đây không phải là Thánh Quán âm, tức phủ nhận hoàn toàn hình tướng này. Giống như có nhà Mỹ thuật chủ trương rằng, trước khi Nghi quỹ truyền đến Nhật Bản thì cách thức tạo tượng lộn xộn không thể loại bỏ được, cho nên sẽ hợp lý hơn khi xem hình tướng này là phương thức chế tác tượng Phật đặc thù của mỗi thời đại. Chứng cứ là hình tượng Bồ-tát Quán âm được chú tạo ở Nhật Bản xưa nay hầu như đều cầm quả cầu và bình nước. Đặc biệt, xem vật cầm tay hình quả cầu của Bồ-tát Quán thế âm là “bảo châu” thì đây là quan niệm sai lầm, giống như câu dân gian thường nói: “Quán âm Mộng điện cầm bánh bột”, đây không phải là quả cầu mà là chiếc bánh bột, điều này khá là thú vị!
Bánh bột, tiếng Phạn là piṇḍa (phiên âm “bình-đạt”). Theo phong tục Ấn Độ cổ đại, người ta lấy bột gạo vo thành viên tròn để dâng cúng hương linh tổ tiên, tức bánh piṇḍa. Hơn nữa, bánh bột là vật nắm trên tay của Thần phi rất được tôn sùng ở Ấn Độ thời cổ đại, cho nên mới có câu chuyện khá thú vị như vầy.
Theo thần thoại Ấn Độ cổ đại, thần Siva của Bà-la-môn giáo vì nuôi dưỡng người vợ mình là nữ thần Durgā1 nên thường vãng lai khắp đường làng lối xóm để khất thực. Một hôm, thần Siva lưỡng lự chẳng biết đi đâu, rồi quyết định đi bộ đến một gia đình nọ khất thực, nhưng chẳng được hạt cơm nào, thần liền than thở quay về nhà với tâm trạng chán chường. Lúc ấy, nữ thần Durgā vận dụng sức thần thông biết được chồng mình đang trên đường về gặp khó khăn và đói lả, bèn làm chiếc bánh bột thật ngon đặt sẵn ở nhà và chờ đợi khi chồng về, bà mang chiếc bánh ra trước cửa dâng cúng Siva. Siva lấy làm hoan hỷ cảm kích tấm lòng của vợ, nên ẵm nữ thần Durgā trước ngực mình, hai người dung nhập thành một thể, biểu hiện cho tình yêu gắn kết đến muôn đời. Các thần khen ngợi tấm lòng trung trinh và công đức cúng dường thức ăn của nữ thần Durgā, khen ngợi bà là vị “Nữ thần dồi dào thức ăn”. Từ đó về sau, nữ thần Durgā trở thành vị thần thủ hộ trong đời sống hiện thực của người dân tại Ấn Độ, mà phát sinh niềm tin: Bất kỳ người nào nếu biết sùng bái nữ thần thì không sợ thiếu thức ăn trong nhà.
Tôi nghĩ, chiếc bánh bột mà Bồ-tát Quán thế âm cầm trên tay có khả năng là sự hỗn tạp xuất phát từ thần thoại tín ngưỡng nữ thần Durgā này chăng!
1 Nữ thần Durgā, còn gọi là nàng Ô-ma (Umā), là phi tần của Đại tự tại thiên (ma-heśvara). Theo truyền thuyết, bà có 3.000 người con. Vị thần này hiện ra các biến hóa thân như: 10 cánh tay, tóc rối, quân-đồ-lợi, đầu ngựa, phong tài, bất không, cát tường minh, ngàn mắt, cổ xanh, thân trắng.
Quán thế âm mà Nhật Bản sùng bái trước thời Lục triều và trước khi Nghi quỹ ra đời phần lớn tay cầm chiếc bánh bột hình quả cầu, dạng thức của vật cầm tay như dáng dấp vị bổn tôn ở Mộng điện tại Nhật Bản, hai tay trên dưới với thế nghiêng xuống, mỗi tay trái và phải đều có chiếc bánh bột, dùng hai ngón cái và trỏ cầm chiếc bánh. Ngoài ra, còn có thể nhìn thấy chiếc bánh bột đặt trong lòng bàn tay, giữa hai lòng bàn tay nhào nặn thành vật hình tròn.
Tượng Bồ-tát Quán thế âm trước thời đại “Tham bái nghi quỹ”, hình tượng tay cầm bình nước tương đối nhiều. Trong Ngự vật tứ thập bát thể thì tượng cầm bình nước chiếm đến sáu tượng. Tượng Quán âm cầm bình nước đại đa số là cầm ở tay trái, còn tay phải kết ấn Thuyết pháp; có khi cũng có thể nhìn thấy tay phải nâng bình nước, tay trái nắm vạt áo và đầu tua tràng hạt. Tượng Quán âm sớm nhất mang hình thái này được phát hiện khi khai quật ở vùng Eusofzai vào năm 1864, hiện nay vẫn được bảo tồn ở bảo tàng Phật khắc đá tại Kiền-đà -la. Quán âm dùng bình nước làm vật cầm tay là vì ứng theo khí hậu và phong thổ của Ấn Độ, tức có liên quan đến vùng khí hậu nhiệt đới Ấn Độ. Nước sạch là nhu yếu phẩm thường thiếu trong sinh hoạt hằng ngày, nhờ chiếc bình này để đựng nước là vật chứa tương đối quan trọng; tín đồ tại gia cũng cần mà chư Tăng xuất gia cũng cần, bình nước là vật thường mang theo bên mình. Do đó, bình nước là nhu yếu phẩm trong sinh hoạt dần dần biến thành thứ tượng trưng cho việc thanh tịnh hóa thân tâm, trở thành một thứ vật dụng của nhà Phật. Bên hình tượng của tám vị tổ Chân ngôn tông1 và Hoằng Pháp đại sư (774-835) cũng có an trí bình nước này. Vì vậy, chúng ta có thể thấy bình nước tồn tại trong nhà Phật cũng vì lý do này.
1 Tám vị tổ của Chân ngôn tông: 1. Đại Nhật Như Lai; 2. Kim Cương Tát-đỏa; 3. Long Mãnh; 4. Long Trí; 5. Kim Cương Trí; 6. Bất Không; 7. Huệ Quả; 8. Không Hải.
Cách tạc tượng Quán âm nguyên thủy tay cầm bình nước cũng có cơ sở từ lý do ấy, từ đó sản sinh ra ý nghĩa Bồ-tát đem nước pháp từ bi trong bình vẩy khắp thấm nhuận cho chúng sinh. Thế gian cũng có người cho rằng, bình nước là vật để cắm hoa, khảo sát từ tư tưởng nguyên thủy thì suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Theo phong tục Ấn Độ cổ đại, hoa là thứ nở trên cành, nếu muốn trưng hoa thì người ta đặt hoa đầy ắp trên chiếc mâm hoặc chiếc khay, đây là tập tục thường thấy, chứ không hề có thói quen cắm hoa vào bình. Nhưng Nghi quỹ nhà Phật do đời sau chế định, như tượng Quán âm mười một mặt thì hoa sen cắm trong bình, cầm ở tay trái, trở thành chuyện đã rồi.
Kinh Thập nhất diện thần chú cũng có nói: “Quán thế âm tay trái cầm bình nước, từ miệng bình hiện ra hoa sen, tay phải ngài đeo chuỗi ngọc”.2 Tượng Quán âm mười một mặt hiện nay an trí tại chùa Nguyên Hưng ở Nại Lương, chùa Thánh Lâm và chùa Thu Tiểu ở Đại Hòa; Thạch Quật am ở thành phố Khánh Châu tại Hàn Quốc là những pho tượng đẹp nhất.
2 Kinh Thập nhất diện Quán âm thần chú, do Da-xá-quật-đa dịch 佛說十一面觀世音神呪經, 天竺三藏沙門耶舍崛多譯 [T20n1070, tr. 150c28].
Cuối cùng, nên bàn một chút về phất tử (vijanī) trong tay của Bồ-tát Quán thế âm. Tìm hiểu trong các kinh điển và nghi quỹ tương quan cho thấy có nhiều cách khắc họa.1 Phất tử còn gọi là bạch phất (chổi trắng), hay còn gọi là phất trần (chổi quét bụi); muốn biết nguồn gốc xuất xứ của nó phải căn cứ vào kinh Đà -la-ni tập. Trong hai mươi mốt vật phẩm cúng dường2 thì phất tử là loại đứng hàng đầu. Đức Thích tôn từng lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp cho mẹ, khi muốn quay về nhân gian, tay Phạm thiên cầm bạch phất đứng hầu bên phải đức Thích tôn.3
1 Kinh Phật thuyết đà-la-ni tập, quyển 6 佛說陀羅尼集經卷第六 [T18n0901, tr. 833c02]; Kinh A-lị-đa-la đà-la-ni a-lỗ-lực 阿唎多羅陀羅尼阿嚕力經 [T20n1039, tr. 23b03].
2 Hai mươi mốt vật phẩm cúng dường: trong kinh Phật thuyết đà-la-ni tập, quyển 3, bao gồm: 1. An trí tôn tượng trang nghiêm đạo tràng; 2. Làm thủy đàn trước tượng; 3. Long não trầm hương; 4. Các tràng hoa đẹp; 5. Trên đỉnh treo mũ trời; 6. Vòng báu anh lạc trang nghiêm thân Phật; 7. Trướng báu; 8. Đốt các loại hương thơm; 9. Treo phan nhiều màu sắc; 10. Treo ở dù lọng; 11. Đốt đèn; 12. Trăm vị thức ăn nước uống và trái ngon ngọt; 13. Treo các chuông gió nhỏ; 14. Treo các âm nhạc; 15. Các hoa nhiều màu; 16. Quạt báu; 17. Các loại y phục; 18. Gương báu; 19. Bình báu; 20. Lưới chân châu; 21. Bạch phất. [T18n0901, tr. 810b21]. [Nd]
3 Kinh Phật thuyết đà-la-ni tập, quyển 3 佛說陀羅尼集經卷第三 [T18n0901, tr. 804c12].
Trong Mật giáo, phất tử được sử dụng trong dịp lễ quán đỉnh, dùng để phẩy quanh thân người thọ quán đỉnh. Nhưng trong kinh Thiên thủ Quán âm đại bi tâm đà-la-ni thì phất tử là vật cầm trên một tay trong số mười bốn tay của Quán âm. Kinh này ghi: “Nếu người nào vì trừ diệt những chướng nạn ác trược trên thân mình thì nên cầm bạch phất trên tay”.1 Tay Quán âm cầm bạch phất, từ ý nghĩa phất tử trừ khử phiền não trong tâm chuyển thành vật tượng trưng cho công đức trừ khử tà ma ác chướng của nó. Trong Nghi quỹ có nói: “Khi hành giả muốn ra đi, thường làm một bạch phất, dùng chân ngôn gia trì niệm một trăm linh tám biến, rồi cầm nó trong tay mà đi, gặp tất cả các loài như súc sinh..., đều lấy cái phất này vẩy một lượt, liền được lìa khổ, giải thoát khỏi nghiệp ác súc sinh”.2 Đây chính là lời thuyết minh về ý nghĩa của phất tử này.
1 Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm Bồ-tát quảng địa viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni 千手千眼觀世音菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼經 [T20n1060, tr. 111a15]. Nd
2 Tôn thắng Phật đỉnh tu du-già pháp quỹ nghi, quyển thượng 尊勝佛頂脩瑜伽法軌儀卷上 [T19n0973, tr. 375a11].
Ngoài ra cũng có thể nhìn thấy ngài Quán âm tay cầm nhành dương liễu. Liên quan đến tượng này, trong Giác Thiền sao có đoạn: “Quán thế âm, tay trái cầm nhành dương, tay phải cầm bình nước”.3 Vật cầm tay của ngài Quán âm với hình tướng biến hóa khác cũng có muôn hình vạn trạng, rất đa dạng, mà trong tác phẩm Biến hóa Quán âm đã trình bày chi tiết. Trường hợp đối với tượng trên tay không cầm vật gì thì kết ấn Thí vô úy – tức tay phải mở rộng lòng bàn tay, năm ngón dựng thẳng, đặt ngang ở vị trí bờ vai hướng ra ngoài – hoặc kết ấn Quán âm.
3 Giác Thiền sao, quyển thượng, Quán âm bộ, Thánh Quán âm điều văn.