Lâu nay mọi người thường thắc mắc rằng, Bồ-tát Quán thế âm mang giới tính nam hay nữ? Thực ra, Bồ-tát Quán thế âm, ngoài cái được gọi là “thân tướng hiện thực”, còn có “tính chất thiêng liêng” mà tri thức hữu hạn của hàng phàm phu không thể nào nắm bắt hay trắc lượng được rốt ráo. Như vậy, tính chất thiêng liêng mà tri thức loài người không thể hiểu thấu ấy lại dùng phương thức phân biệt giới tính người đời để tranh luận rằng, Bồ-tát Quán thế âm là người nam hay người nữ, thì việc giải thích ấy e rằng sẽ là một suy nghĩ vọng tưởng! Bởi vì, dựa vào lý luận này và phương thức tạo tượng ngài để nghiên cứu về tính thực tại “thiêng liêng” không thể giải thích ấy thì người ta cũng có thể suy biết được, mặc dù rất ít người không nhắm đến giá trị “Phật tính”. Thế nhưng, do hạng người đặt nghi vấn về giới tính đời thường tương đối nhiều, nên ở đây cần phải nghiên cứu thêm để cởi mở những nghi vấn cho người đời là một công việc cần thiết.1
1 Cuốn sách này đề cập đến các từ ngữ như “thần tính” (tính thiêng liêng), “thần linh”, “thần cách”, đều chỉ cho “năng lực thần thông và pháp thân” của Bồ-tát tồn tại khắp nơi. Có chỗ bất đồng với khái niệm “thần” trong các tôn giáo khác.
Người bình thường đều nhìn tư tưởng tín ngưỡng Bồ-tát Quán thế âm bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng trong ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại sanskrita hoặc pāḷi, những danh từ có liên quan đến “giống” đều phân chia rất rõ ràng thành ba loại: giống đực (pulliṅgaṃ), giống cái (itthiliṅgaṃ) và giống trung (napmsakaliṅgaṃ). Sanskrita là tiếng Phạn, theo truyền thuyết cổ đại Ấn Độ, Phạm thiên ở cõi trời Quang âm (ābhāsvara) tạo nên thánh ngữ này lúc thế giới mới sơ khai, ngôn ngữ được sử dụng trong Phệ-đà (Veda) và Áo nghĩa thư (upaniṣad) cũng như vậy. Sanskrita là ngôn ngữ được dân tộc Āryan Ấn Độ cư trú ở vùng Ngũ hà (panjāb) sử dụng khoảng một ngàn năm trăm năm trước Tây lịch - cũng giống ngôn ngữ các nước Hy-lạp, La-tinh, Anh, Pháp, Đức, Nga- họ tiếp nhận nguồn gốc của Āryan ngữ (āryan language), kết cấu ngữ pháp cực kỳ chặt chẽ, sự khác biệt giữa các danh từ mang “giống đực, giống cái, giống trung” rất rõ ràng. Về động từ, ngoài ngữ căn, tiếp đầu ngữ, tiếp vĩ ngữ, còn có sự biến hóa trong cách dùng các thì quá khứ, hiện tại, tương lai và các thể chủ động, bị động. Pāḷi ngữ (pāḷi language) cũng đồng nhất ngữ hệ với Phạn ngữ, và là ngôn ngữ gốc được đức Phật sử dụng nên Pāḷi ngữ rất được coi trọng; bắt đầu từ các thánh điển căn bản như A-hàm, rất nhiều kinh luật được ghi chép bằng tiếng Pāḷi, kết cấu ngữ pháp của ngôn ngữ này cực kỳ vi tế, chặt chẽ giống với ngữ pháp tiếng Phạn, đặc biệt rất thận trọng khi phân biệt cách dùng về “danh từ, giới tính”. Ngày nay, khảo sát kỹ về nguyên danh của “Bồ -tát Quán thế âm” (avalokiteśvara), thì rõ ràng đây thuộc danh từ số ít giống đực. Từ đây có thể thấy, dựa vào Nguyên ngữ học để giải thích bản tính nguyên thủy của “Bồ-tát Quán thế âm” thì chúng ta thấy rõ ngài mang thần cách của người nam là rất thích đáng.
Hơn nữa, lập trường xưa nay của Phật giáo cho rằng, phụ nữ nghiệp chướng sâu nặng hơn đàn ông, hết thảy thế giới chư Phật không có người nữ, toàn bộ mọi cõi Phật đều là người nam hóa sinh. Không cần phải nói thì trong kinh điển Đại thừa, ngay cả các kinh của Tịnh độ tông, ở thế giới Cực lạc của Phật A-di-đà đều không đề cập đến người nữ và danh tự của người nữ nào. Tịnh độ của Bồ-tát Văn-thù cũng không có người nữ, Nhị thừa cũng không có hàng nữ nhân, thậm chí kinh A-súc Phật quốc1 nhiều lần đề cập đến tướng trạng người nữ với nhiều hình thái, nhưng vẫn không vượt ra hình thái người nữ được nam tính hóa như “không có dáng dấp người nữ” hoặc “không có khổ não lúc sinh sản”… Do đó, khảo sát giáo lý từ góc độ nền tảng lịch sử, chúng ta suy đoán rằng, bản tướng nguyên thủy của Bồ-tát Quán thế âm cũng được nhìn nhận và đáng khen ngợi như một người nam thực thụ. Dựa vào các kinh điển Đại thừa, chúng ta thấy Tịnh độ của Quán thế âm không có tên gọi Thanh văn và Duyên giác, trong cõi nước đầy kín các vị Bồ-tát thập địa, nên càng xác định trong ý nghĩa nguyên thủy, Quán thế âm là người nam hoàn toàn không sai; do đó đức Phật cũng gọi Quán thế âm là “Này thiện nam tử”, mà không gọi là “Này thiện nữ nhân”.
1 Kinh A-súc Phật quốc là bộ kinh do Chi-lâu-ca-sấm dịch thời Hậu Hán, khá nổi tiếng, thuộc bộ kinh cổ nhất trong các kinh điển thuộc Tịnh độ bộ, có thể là bộ kinh tiên phong của kinh Đại A-di-đà 阿閦佛國經後漢月支國三藏支婁迦讖譯 [T11n0313, tr. 751b23].
Trong kinh Bi hoa có nói: “Này thiện nam tử! nay ta sẽ đặt tên cho ông là Quán thế âm. Này thiện nam tử! khi ông còn hành Bồ-tát đạo, đã có trăm ngàn vô lượng ức na-do- tha chúng sinh lìa được khổ não”.1 Trong Thập nhất diện thần chú tâm kinh, đức Phật cũng khen ngợi thần chú của Bồ-tát Quán tự tại: “Lành thay, này thiện nam tử! Ông thường vì hết thảy loài hữu tình, khởi lên ý niệm từ bi lớn như vậy, mà muốn khai thị thần chú lớn này....”.2 Ở hai kinh này, rõ ràng đức Phật đều gọi Quán thế âm là “Thiện nam tử”.
1 Kinh Bi hoa, quyển 3, phẩm Đại thí 悲華經卷第三大施品 [T03n0157, tr. 186a11].
2 Thập nhất diện thần chú tâm kinh 十一面神咒心經[T20n1071, tr.152c23].
Tiếp đến, trong Bản sinh đàm có ảnh hưởng rất lớn đến “Thánh cách” Bồ-tát Quán thế âm. Những câu chuyện tiền thân trong đây đều ca tụng sự tích các vị Bồ-tát, gồm có 547 thiên, mà trong sự tích các vị Bồ-tát ấy thì Bồ-tát Quán thế âm đều xuất hiện với hình dáng người nam, không hề xuất hiện với dáng dấp phụ nữ, dù chỉ một lần. Như đã trình bày trên, thì:
Thứ nhất, danh hiệu Quán thế âm (avalokita-svara) và Quán tự tại (avalokiteśvara) phải được giải thích dựa trên Nguyên ngữ học.
Thứ hai, lập trường Phật giáo nguyên thủy cho rằng, trong thế giới Cực lạc tịnh độ không có người nữ.
Thứ ba, tra cứu các kinh điển cổ, đức Phật cũng gọi Quán thế âm là “Thiện nam tử”.
Thứ tư, khảo sát từ Bản sinh đàm.
Khảo sát và kiểm chứng lại mấy vấn đề trên, chúng ta suy đoán chắc chắn được bản tướng của Bồ-tát Quán thế âm là thánh cách của người nam. Nhưng đời sau do pha trộn thần thoại của Bà -la-môn vào, chịu ảnh hưởng của nữ thần, nên thần cách của người nam dần dần bị nữ tính hóa. Phong tục của Bà-la-môn giáo trong tôn giáo cổ đại Ấn Độ, thần có nữ thần phối ngẫu gọi là śakti, tông phái sùng bái śakti được gọi là phái Thần phi. Śakti có nghĩa là “Tính lực” (năng lực sinh sôi), theo tín ngưỡng Thần phi của Bà-la-môn, là nhân cách hóa “Tính lực” của Chủ thần, cho rằng sức sinh sôi của Chủ thần là sức mạnh tiềm tàng của Thần phi; vì vậy, nữ thần không chỉ là bổn tôn của phái Thần phi mà còn trở thành đối tượng của tín ngưỡng phổ quát để tín đồ quy y với vị nữ thần này. Tính cách nữ thần chủ yếu được miêu tả với hai đặc tính: “Từ- tình thương” và “Dũng- sức mạnh”. Trong đó, người ta cho rằng thần tính ôn hòa và từ bi là bản tướng của Thần phi. Tư tưởng này hỗn nhập vào Phật giáo, hình thành nên giáo lý của Mật bộ. Do tư tưởng sùng bái nữ thần nên Bồ-tát Quán thế âm mang thánh cách người nam tuyệt nhiên bị chuyển hóa thành thần cách của phụ nữ. Từ đây phát sinh vị Chuẩn-đề Quán âm (Cundī-avalokitasvara)1 với thần cách của người phụ nữ thuần túy, được tôn xưng là “Mẹ của chư Phật ba đời”. Mặc dù như vậy, nhưng dựa vào địa vị Đệ nhất nghĩa đế2 để luận bàn về thể tính thiêng liêng của Bồ- tát Quán thế âm thì không có sai biệt giữa người nam hay phụ nữ. Phẩm Phổ môn là kinh điển sở y của tư tưởng này cho thấy rằng, có khi Quán âm là người nam, có khi là phụ nữ, không chỉ dừng lại ở hình tướng của nam thần, nữ thần mà lợi dụng sức thần thông tự tại của mình nên ngài có khả năng biến hóa thành vô số chủng loại, như: trời, rồng, dạ-xoa, thiện nam, đồng nữ, hạng tương tự như người mà chẳng phải là người..., trở thành vị “Thần thủ hộ” của tất cả mọi người.
1 Xem thêm chương 12, tiết 6 Bồ-tát Quán thế âm Chuẩn-đề.
2 Đệ nhất nghĩa đế 第一義諦: (Skt. paramārtha-satya; Pl. paramattha-sacca), tức chân lý đệ nhất thù thắng, đối xưng với Thế tục đế. Gọi tắt là Đệ nhất nghĩa, còn gọi là Thắng nghĩa đế, Chân đế, Thánh đế, Niết-bàn, Chân như, Thực tướng, Trung đạo, Pháp giới. Đây chỉ cho chân lý thâm diệu vô thượng, là đệ nhất trong các pháp.
Gần đây, tín ngưỡng Quán âm có khuynh hướng quyền hóa Bồ-tát Quán thế âm thành người phụ nữ để người dân sùng bái tín ngưỡng, điều này đã trở thành trào lưu tư tưởng chiếm vị thế ưu việt. Nói cách khác, Quán thế âm là cội nguồn của sức mạnh bất diệt, pháp thân của ngài mang tính vĩnh hằng tuyệt đối. Vì con cái mà người mẹ không ngớt rót giọt nước tình thương cho những người con ấy. Tình thương người mẹ này là chất liệu vĩnh hằng tuyệt đối và nó luôn dẫn dắt chúng ta hướng đến chỗ vĩnh hằng.
Người mẹ – Bồ- tát Quán thế âm – tồn tại vĩnh hằng trong trái tim chúng ta, dẫn dắt chúng ta hướng đến Tịnh độ vĩnh hằng. Ban đầu tại Ấn Độ, Bồ -tát Quán thế âm được sùng bái như một vị Thánh minh mang phong thái của người nam rồi dần dần biến thành thần cách hóa mang dáng dấp của một phụ nữ. Khi sang Trung Quốc, Triều Tiên rồi truyền đến Nhật Bản, vị Thánh minh ấy đã biến thành người phụ nữ được mọi người chiêm ngưỡng lễ bái, đại khái là vì ngài có đủ tính tuyệt đối vĩnh hằng này.
Trên thực tế, tượng Quán âm được chế tác thông qua hội họa, điêu khắc là những tác phẩm thời cổ đại, bất luận thuộc Ấn Độ, Trung Quốc, hay Nhật Bản, các nghệ nhân đều lấy phong thái người nam để biểu hiện pháp tướng mang lý trí và sự mạnh mẽ của ngài, nhưng tác phẩm đời sau thì biểu hiện phong thái viên mãn của từ bi và trí tuệ, cho nên thay vì nói Quán thế âm là phụ nữ thì người ta nhìn ngài là biểu hiện tình thương đích thực của người mẹ hiền.