Khi lắng lòng chiêm ngưỡng dung nhan từ bi của Bồ- tát Quán thế âm, chúng ta có thể nhìn thấy trên đỉnh đầu hoặc trong mũ báu có an trí một vị “Phật nhỏ”, thông thường mọi người gọi vị Phật nhỏ trên đỉnh đầu ấy là Hóa Phật. Hóa Phật (Nirmāṇa-buddha) có nghĩa là “đức Phật hóa thân”, tức thân Phật có thần thông hóa sinh ứng hiện.
Trong luận Đại Tỳ-bà-sa nói: “Đức Như Lai một lần nọ biến thành Hóa Phật, thân màu vàng ròng, tướng đẹp trang nghiêm”,1 tức ngài thị hiện pháp tướng đoan chính, đẹp đẽ, trang nghiêm. Sau khi Phật nhập diệt bốn trăm năm, bộ luận Đại Tỳ-bà-sa biên soạn xong dưới sự chủ trì của vua Ca- nị-sắc-ca (sự kiện này đã được trình bày), nên đủ biết tư tưởng “Hóa Phật” có khởi nguyên từ rất sớm. Nguồn gốc về hình thức đội Hóa Phật trên đỉnh đầu, đại khái xuất phát từ tư liệu nói về Đại tự tại thiên của Ấn Độ. Theo tài liệu này, có họa “tượng Ma- hê-thủ- la thiên, dung nhan khác lạ, đoan chính rất đẹp, từ nơi tóc hóa hiện một thiên nữ”.2
1 Luận A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa, quyển 135 阿毘達磨大毘婆沙論卷第一百三十五 [T27n1545, tr. 698c18].
2 Ma-hê-thủ-la thiên pháp yếu 摩醯首羅天法要[T21n1279, tr. 340a11].
Ma-hê -thủ-la (maheśvara) chính là Đại tự tại thiên, là vị thần tối cao duy nhất sáng tạo thế giới trong tín ngưỡng triết học cổ đại Ấn Độ Áo-nghĩa- thư (upaniṣad). Từ nơi tóc của vị thần này hóa hiện thiên nữ, nên mũ báu đời sau có xuất xứ từ mũ tóc. Mũ tóc có nguồn gốc từ việc hóa trang tóc trên đầu, nên tư tưởng từ nơi tóc hóa ra thiên nữ là tư tưởng rất ban sơ.
Hóa Phật là “thánh cách” của đức Phật, là biểu tượng trang nghiêm lộng lẫy, thiêng liêng thuần khiết rực rỡ của Phật. Kinh Quán Phổ hiền Bồ-tát hạnh pháp do sa-môn Đàm-ma-mật-đa (Dharmamitra) dịch vào niên hiệu Nguyên Gia (424-453) đời Lưu Tống, miêu tả: “... đảnh lễ Phật Thế tôn, lúc bấy giờ, thấy đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ các lỗ chân lông trên toàn thân phóng ra ánh sáng màu vàng kim, trong mỗi luồng ánh sáng ấy có trăm ức Hóa Phật”.1 Có thể thấy Hóa Phật là sức uy thần của Như Lai, là ánh sáng linh diệu từ bản thể thiêng liêng thuần khiết của ngài phóng ra. Xuất hiện cùng thời với kinh này, có kinh Quán vô lượng thọ do Cương- lương-da -xá dịch đời Lưu Tống, trong mục quán tưởng thứ chín về Phật Vô lượng thọ, có ghi: “Ánh sáng tròn của đức Phật ấy như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới. Trong ánh sáng tròn ấy có trăm vạn ức na-do-tha hằng hà sa Hóa Phật. Mỗi mỗi Hóa Phật cũng có đông nhiều vô số Hóa Bồ-tát làm thị giả”.2 Như vậy, cái đẹp toàn mỹ và đẹp đến mức không thể nghĩ bàn này đã tô điểm cho sức uy thần của đức Phật Vô lượng thọ.
1 Kinh Phật thuyết Quán Phổ hiền Bồ-tát hạnh pháp 佛說觀普賢菩薩行法經 [T09n0277, tr. 391b13].
2 Kinh Phật thuyết quán Vô lượng thọ Phật 佛說觀無量壽佛經 [T12n0365, tr. 343b21].
Lại xem phép quán thứ mười, tức quán về Bồ-tát Quán thế âm: “Trong ánh sáng tròn ấy có năm trăm Hóa Phật, như đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Mỗi Hóa Phật có năm trăm Hóa Bồ-tát và vô lượng chư Thiên làm thị giả. Trong ánh sáng toàn thân hiện tất cả sắc tướng của chúng sinh trong ngũ đạo. Trên đỉnh có mũ trời bằng Tỳ-lăng-già ma-ni diệu bảo (bhilagna-maṇi- ratna).1 Trong mũ trời ấy có một Hóa Phật đứng, cao hai mươi lăm do-tuần. Mặt của Bồ-tát Quán thế âm như màu vàng kim diêm-phù-đàn (jambūnada -suvarṇa). Tướng lông trắng giữa hai chân mày đủ màu thất bảo, chiếu ra tám vạn bốn ngàn thứ ánh sáng. Mỗi mỗi ánh sáng có vô lượng vô số trăm ngàn Hóa Phật. Mỗi mỗi Hóa Phật có vô số Hóa Bồ-tát làm thị giả, biến hiện tự tại khắp mười phương thế giới”.2 Cảnh tượng này là sự miêu tả cõi Phật linh diệu không thể nghĩ bàn bằng những hình ảnh cụ thể. Nhưng khảo sát kỹ trong kinh Quán vô lượng thọ về chi tiết “Hóa Phật đứng trong mũ trời”, ở đây không hề nói vị “Phật đứng” ấy là Phật A -di-đà hay là Vô lượng thọ Như Lai, suy nghĩ về ý văn thì chúng ta không thể kết luận Hóa Phật nói đến trong kinh này là đức Phật A-di-đà được.
1 Trong “Tỳ-lăng-già-ma-ni diệu bảo”, Tỳ-lăng-già (bhilagna) là mũ Đế-thích đội; ma-ni diệu bảo (mani-ratna) dịch là châu bảo, là thứ ngọc báu Đế-thích cầm, là thứ Đế-thích dùng để trang sức ở cổ, chiếu sáng khắp cõi trời Tam thập tam.
2 Kinh Phật thuyết quán Vô lượng thọ Phật 佛說觀無量壽佛經 [T12n0365, tr. 343c12].
Bây giờ đọc lại ba kinh của pháp môn Tịnh độ, thì trong kinh Vô lượng thọ và kinh A-di-đà cũng không tìm thấy câu văn nào để chứng minh cho Hóa Phật là đức Phật A- di-đà. Hơn nữa, khi A-địa-cù-đa (Atikūṭa) từ miền Trung Ấn Độ vào nước Trung Hoa, kinh Đà- la-ni tập được ngài phiên dịch năm thứ 4 niên hiệu Vĩnh Huy (653) cũng thuật lại tỉ mỉ: “Tất cả tượng Bồ-tát Quán thế âm, toàn thân màu trắng, ngồi kết-già trên tòa hoa sen trang nghiêm được làm bằng trăm thứ báu, đầu đội mũ hoa trang nghiêm bằng bảy thứ báu, phóng ra hàng hàng lớp lớp ánh sáng, trong mũ hoa có vị Hóa Phật đứng, phía sau mũ hoa ấy được làm vầng hào quang”.1 Chỉ có một cụm từ “có vị Hóa Phật đứng” thì không thể kết luận đó là đức Phật A-di-đà hay là Phật Vô lượng thọ.
1 Kinh Phật thuyết Đà-la-ni tập, quyển 5 佛說陀羅尼集經卷第五 [T18n0901, tr. 828a19].
Nhưng trong Bổ-đà-lạc hải hội nghi quỹ do ngài Bất Không (705-774) dịch đời Đường, lần đầu tiên xuất hiện câu văn như sau: “Bồ-tát Quán thế âm tại phương Tây Bắc: Mũ báu lớn trên đỉnh, trong hiện Vô lượng thọ”,1 nên chúng ta có chứng cứ rõ ràng về Hóa Phật trong bộ kinh này là “Phật Vô lượng thọ”. Hơn nữa, kinh Đại nhật nói:
Đại tinh tấn phương Bắc, Hào quang như trăng sáng. Mỉm cười ngồi sen trắng. |
Bậc Quán thế tự tại. Thương-khư, quân-na hoa. Đỉnh hiện Vô lượng thọ,2 |
cho nên dòng phái Mật giáo cũng giải thích như vậy.
1 Nhiếp vô ngại địa bi tâm đại đà-la-ni kinh kế nhất pháp trung xuất Vô lượng nghĩa Nam phương mãn nguyện Bổ-đà-lạc hải hội ngũ bộ chư tôn đẳng hoằng thệ lực phương vị cập uy nghi hình sắc chấp trì tam-ma-da tiêu chí Mạn-đồ-la nghi quỹ 攝無 礙大悲心大陀羅尼經計一法中出無量義南方滿願補陀落海會五部諸尊等弘誓力方位及威儀形色執持三摩耶幖幟曼荼羅儀軌 [T20n1067, tr. 132a03]. [Nd]
2 Kinh Đại tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì, quyển 1, phẩm Nhập Mạn-đồ-la cụ duyên chân ngôn, 2 大毘盧遮那成佛神變加持經卷第一入漫茶羅具緣真言品第二[T18n0848, tr. 6c29].
Ngoài ra, Thiện Vô Úy (śubhākarasiṃha, 637- 735) nói: “Có khả năng thành tựu được hoa sen phổ nhãn này, nên gọi là Quán tự tại. Thực hành hạnh nguyện Như Lai, nên gọi là Bồ-tát. Đỉnh đầu hóa hiện đức Vô lượng thọ, chứng tỏ là quả tột cùng của hạnh này, đây là trí phương tiện Phổ môn của Như Lai”.1 Bức họa ở Quán âm viện mạn- đồ-la có tượng Quán thế âm biến cách của Mật giáo. Từ điểm này để nhìn nhận, phải dựa vào “Trường phái” để miêu tả tường tận về Hóa Phật, vì có liên quan đến Quán âm biến cách của Mật giáo (xem kỹ chương 12, Sự phân hóa của bảy Quán âm), chỗ này đòi hỏi phải truy tìm về gốc gác Phật giáo Nguyên thủy để làm rõ chân tướng của nó.
1 Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật kinh sớ, quyển 5 大毘盧遮那成佛經疏卷第五 [T39n1796, tr. 632a21].
Tìm hiểu về Hóa Phật của Bồ-tát Quán thế âm trong kinh điển Phật giáo, bộ kinh trình bày tính tượng trưng hóa một cách cụ thể có lẽ là kinh Quán vô lượng thọ. Trong kinh có ghi: “Chỉ xem tướng đỉnh đầu thì biết là Quán thế âm hay là Đại thế chí”,1 tượng nào trên đỉnh đầu có “Hóa Phật” thì đó là Quán thế âm, tượng nào trên đỉnh đầu có “bình báu” thì đó là Đại thế chí. Đây trở thành một quan niệm mang tính cố định, cho thấy rõ vào thời đại kết tập kinh này thì quan niệm ấy đã được thiết lập.
1 Kinh Phật thuyết Quán vô lượng thọ Phật 佛說觀無量壽佛經[T12n0365, tr. 344c05].
Trên thực tế, kinh điển gốc sở y của Quán thế âm mà mọi người đều biết - trong phẩm Phổ môn nguyên thủy- chẳng có một câu nào đề cập đến sự kiện đội Hóa Phật trên đỉnh đầu. Hơn nữa, kinh Hoa nghiêm và kinh Thủ lăng nghiêm cũng không ghi chép đỉnh đầu Bồ-tát Quán thế âm có đội Hóa Phật. Vấn đề cần phải lưu ý hơn là tượng Quán thế âm cổ nhất của Nhật Bản, tức tượng Quán âm cứu thế an trí ở Mộng điện chùa Pháp Long, Quán thế âm ở vị thế “Bổn tôn thờ tại Ngọc trùng trù tử”2 và “Quán âm ở Cương Phong tàng” cũng chẳng có chút bóng dáng nào của Hóa Phật. Vào năm Ất Sửu niên đại Thiên hoàng Suiko thứ 13 (605) ở Nhật Bản, trong “Ngự vật tứ thập bát thể”(48 sản phẩm được vua sai chế tác) của Điểu Phật Sư có tượng Thánh Quán âm, trên đỉnh đầu an trí Hóa Phật.
2 Ngọc trùng trù tử 玉蟲廚子: Trù tử tức là cỗ khám thờ Phật, hoặc được sử dụng để cất giữ kinh điển. Ngọc trùng trù tử là khám thờ Phật có hình dáng cung điện được đặt trong Kim đường chùa Pháp Long tại Nhật Bản. Vì cỗ khám này có trang sức cánh con ngọc trùng cho nên có tên như trên: Khám cao 2,33 mét, nền là tòa Tu-di hình vuông, trên cột khám chạm trổ các hoa văn chim bay theo kiểu Đường thảo có thếp vàng, phía dưới thì nhấn rất nhiều cánh ngọc trùng, ngói lợp làm bằng lá đồng, gọi là Hành cơ tập, đáng gọi là kết tinh của nền kiến trúc ở thời đại Phi Điểu. [Nd]
Do đó, nghiên cứu từ lịch sử kinh điển và quan sát từ phương diện điêu khắc thì tượng Quán âm cổ nhất trên đỉnh đầu hoàn toàn không có Hóa Phật. Sau này, vào thời kỳ đầu đời Lục triều1 ở Trung Quốc (220-589), trên đỉnh tượng Bồ-tát bắt đầu có hào quang tỏa phía sau gáy. Về sau, từ giai đoạn giữa đời Lục triều đến đời Tùy - Đường, ở đỉnh đầu của hình tượng Quán âm đều có an trí Hóa Phật.
1 Lục triều: là thời đại sau khi nhà Hậu Hán Trung Quốc diệt vong (220) đến khi nhà Tùy thống nhất (589), khoảng thời gian hơn 360 năm, định đô ở Kiến Nghiệp (tức Nam Kinh ngày nay). Lục triều tức sáu nước Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần.
Thử giở cuốn Tây Vực ký để xem, có ghi chép về Hóa Phật như sau: “Đi về phía Nam già-lam Ca-bố-đức-ca khoảng hai ba dặm, đến ngọn cô sơn. Núi ấy cao chót vót, cây cối um tùm, hoa đẹp khoe sắc bên triền núi, suối trong rót vào hang sâu. Trên núi có nhiều tinh xá, chùa thiêng, đúng là người thợ khắc họa kỳ công. Trong một ngôi tinh xá có tượng Bồ-tát Quán tự tại, thân hình tuy nhỏ nhưng thần thái uy nghiêm, tay cầm hoa sen, đỉnh đầu đội tượng Phật....”.1
1 Đại Đường Tây Vực ký, quyển 9, Già-lam Ca-bố-đức-ca thuộc nước Ma-yết-đà 大唐西域記卷第九 [T51n2087, tr. 925b29].
Theo tài liệu này, chúng ta thấy rõ sự kiện trên đỉnh đầu thánh tượng Bồ-tát Quán thế âm an trí Hóa Phật đã có mặt vào thế kỷ VI; nhưng tượng Quán âm khai quật được ở Takti-bahi miền Tây Bắc Ấn Độ lại không có Hóa Phật, vì tượng này còn giữ được sợi râu dài trên mép nên mọi người cảm thấy quý và lạ.
Tiếp theo, cần phải nói đến thánh tượng Quán âm ở Ellora1 và Kāṇheri. Cho đến ngày nay, hai tôn tượng này vẫn còn bảo tồn hoàn chỉnh, trở thành mô hình tiêu chuẩn của mỹ thuật phương Đông. Trên đỉnh đầu tượng Quán âm ở Ellora có an trí tượng Phật; tượng Quán âm ở Kāṇheri cũng có an trí tượng Phật ở khoảng giữa cách đỉnh đầu một khoảng nhỏ. Còn phải kể đến tượng Quán âm ở chùa Na-lan-đà (nālanda) tại Ấn Độ; trên đỉnh đầu tượng Quán âm khai quật ở Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc tại Trung Quốc cũng đội tượng Phật. Từ đó suy ra, các thánh tượng Quán âm có Hóa Phật, hoặc hào quang phía sau, hoặc an trí trên đỉnh đầu xuất hiện từ thời Lục triều (220-589) trở về sau.
1 Ellora: tên một thôn trang nhỏ nằm cách thành phố Bombay bên bờ biển Tây Ấn Độ hơm 400 km về mạn Đông Bắc và cách thành phố Aurangābād 20 km về phía Tây Bắc. Ở đây có rất nhiều hang động đời xưa, nhờ thế mà Ellora nổi tiếng ở đời. Trong 32 hang động thì có 12 hang động thuộc Phật giáo, số còn lại thuộc Bà-la-môn giáo và Kỳ-na giáo. Niên đại các hang động này được đục mở ước khoảng từ thế kỷ VI đến thế kỷ VIII, kế sau các hang động Ajantā, là kho báu mỹ thuật của Phật giáo cổ đại.
Như trước đã trình bày, Hóa Phật là thể tính thiêng liêng, là ánh sáng linh diệu của chư Phật, Bồ- tát và cũng chính là biểu tượng của thánh linh sáng ngời; hào quang phía sau được nhân cách hóa thành đức Phật ứng thân. Do đó, bất luận là Bồ -tát Quán thế âm hoặc đức Phật Thích -ca thì trong hào quang phía sau gáy các ngài đều có vô số Hóa Phật, đồng thời có chứng cứ để chứng minh cho luận thuyết này.
Vầng ánh sáng sau tượng Phật, tượng Bồ -tát gọi là “hậu quang” (hào quang phía sau), cũng gọi là “quang hoàn” (vòng tròn hào quang). Ngài Long Thọ cũng nói đến vầng ánh sáng này như sau: “Bốn phía thân Phật, mỗi phía có ánh hào quang dài một trượng, Bồ-tát thị hiện cũng có hào quang này. Đây là một trong ba mươi hai tướng, gọi là tướng Trượng quang”.1 Đây là đức tướng của chư Phật và Bồ-tát.
1 Luận Đại trí độ, quyển 8 大智度論卷八 [T25n1509, tr. 114c19].
Hào quang phía sau cũng phân chia nhiều loại, đại khái chia thành hai loại: ánh sáng tròn và ánh sáng toàn thân.
Ánh sáng tròn gọi là “đầu quang” (hào quang tỏa ra ở phần đỉnh đầu), là hình ảnh xưa nhất, đại thể tượng điêu khắc ở các vùng Ajantā, Āmrāvati, Gandhāra tại Ấn Độ đều thuộc ánh sáng tròn. Nhưng ánh sáng tròn dần dần thay đổi thành thể thức cực kỳ phức tạp, như tượng Phật Thích- ca khai quật ở Mạt-thố-la (Mathurā), trên phù điêu có bảo hoa văn và liên châu văn, trông rất đẹp mắt.
Ánh sáng toàn thân còn gọi là “đơn thân quang” (hào quang tỏa ra chỉ có ở phần thân), là tướng ánh sáng phát ra từ khắp thân đức Phật, Bồ-tát. Tướng ánh sáng này lại chia làm hai loại: vòng tròn sáng hai lớp là hào quang phần đầu và hào quang phần thân; phía sau lưng có vầng sáng lớn hình chiếc xuồng. Loại đầu người ta quen gọi là “luân hậu quang” (hào quang phía sau hình tròn như bánh xe); loại sau gọi là “thuyền hình hậu quang” (hào quang phía sau hình chiếc thuyền). Trong các hào quang phía sau lưng có điêu khắc họa vẽ Hóa Phật (nirmāṇa-buddha), thiên chúng (deva-samgha), hoặc chủng tử (bīja) , bắt đầu phát triển tại Ấn Độ. Từ tượng đá Bồ- tát Quán thế âm chế tác vào thế kỷ V khai quật được ở di tích cũ chùa Na-lan-đà, ta thấy phù điêu trong hào quang tròn ấy có ba vị Hóa Phật. Tác phẩm năm Giáp Dần, tức năm thứ 5 niên hiệu Thiên Hoàng Bạch Trĩ đời Hiếu Đức (654) tại Nhật Bản, phía sau hào quang đức Phật Thích-ca có điêu khắc bảy vị Hóa Phật.
Thực ra, Hóa Phật và các hào quang chiếu sau thân này của Bồ-tát Quán thế âm có chỗ bất đồng, đây chính là mấu chốt của thệ nguyện biểu hiện rõ là đức Phật bổn sư Thích- ca. Đức Phật Thích-ca hưởng thọ 80 tuổi của kiếp người, nhập diệt tại bờ sông Ajitavatī1 nhưng pháp thân của ngài không bao giờ hoại diệt, hiện tại là Bồ-tát Quán thế âm ứng hiện ở thế giới Sa-bà, duỗi bàn tay từ ái để cứu độ tất cả chúng sinh nhằm nhổ khổ ban vui. Như vậy, Quán thế âm là Bồ -tát do đức Thích tôn ứng hiện, nhằm nói rõ thân Phật là một thực tại hiện hữu muôn kiếp, cho nên đỉnh đầu đội đức Thích-ca Như Lai là Hóa Phật của đức Thích tôn.
1 Nguyên tác ghi là “diệt độ bên bờ sông Ni-liên-thiền”(在尼連禪河, tr.83). Có lẽ tác giả nhầm lẫn giữa sông Nairañjanā với sông Ajitavatī vùng Kushinagar, vì sông Ni-liên-thiền (Nairañjanā) là nơi đức Thế tôn tắm gội sau thời gian tu khổ hạnh và thành đạo dưới cội cây Tất-bát-la gần đó, nay là vùng Bodhgaya. Theo Đại Đường Tây vực ký thì Huyền Tráng có ghi lại nơi nhập diệt của đức Thế tôn: “Phía Tây Bắc của thành khoảng 3 đến 4 dặm, vượt qua sông A-thị-đa-phạt-để (Ajitavatī), đi về phía Tây không xa, có rừng cây Sa-la... là nơi đức Như Lai diệt độ” [T51n2087, tr.903b14]. [Nd]
Thế nhưng, theo sự biến thiên của thời đại, sự chuyển di của trào lưu tư tưởng văn hóa, Hóa Phật (nirmāṇa-buddha) cũng bắt đầu thay đổi. Thời kỳ Tịnh độ tông và Mật tông hưng thịnh, vì có tư tưởng “Kế vị” nên Hóa Phật [Thích-ca] trên đỉnh đầu bị biến thành đức A-di-đà Như Lai. Từ đây, “đức Phật” trên đỉnh đầu thánh tượng Bồ- tát Quán thế âm của Nhật Bản và Trung Quốc đời sau đều có khuynh hướng chuyển thành hình tượng của đức Phật A -di-đà. Ở đây, chúng tôi sẽ miêu tả ngắn gọn thêm về đức Phật A-di-đà.
A -di-đà, danh xưng này được dịch trực tiếp từ tiếng Phạn Amita sang, dịch ý là Vô lượng quang, Vô lượng thọ. Liên quan đến danh hiệu này, kinh A-di-đà trình bày rõ như sau: “Vì sao đức Phật kia hiệu là A-di-đà? Này Xá-lợi- phất! Đức Phật kia có ánh sáng vô lượng chiếu khắp các cõi nước trong mười phương mà không bị chướng ngại, thế nên hiệu là A -di -đà. Lại nữa, Xá-lợi-phất! Thọ mệnh của đức Phật kia và nhân dân của ngài sống lâu vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, thế nên gọi là A-di-đà”.1
1 Kinh Phật thuyết A-di-đà 佛說阿彌陀經 [T12n0366, tr. 347a25].
Đức Phật A-di-đà, gọi là Vô lượng quang cũng được mà gọi là Vô lượng thọ cũng được, vì tất cả danh hiệu đều lấy ánh sáng để thánh cách hóa về ngài. Trong kinh A-di-đà bản tiếng Phạn có nói, thọ mệnh của đức Phật này sống lâu vô lượng vô số đại kiếp và ngài thường phóng vô lượng vô số ánh sáng, chiếu khắp các cõi nước trong mười phương. Trong Đại kinh có nói: “Đức Phật Vô lượng thọ là vị tối tôn đệ nhất về uy thần quang minh, mà quang minh của các đức Phật khác đều chẳng thể sánh kịp”.1 Liệt kê các đức tướng quang minh còn có mười hai danh xưng về ánh sáng của Phật đó là: Phật Vô lượng quang, Phật Vô biên quang, Phật Vô ngại quang, Phật Vô đối quang, Phật Diệm vương quang, Phật Thanh tịnh quang, Phật Hoan hỷ quang, Phật Trí tuệ quang, Phật Bất đoạn quang, Phật Nan tư quang, Phật Vô xưng quang, Phật Siêu nhật nguyệt quang.
1 Kinh Phật thuyết Vô lượng thọ, quyển thượng 佛說無量壽經卷上 [T12n0360, tr. 270a23].
Pháp sư Cảnh Hưng2 - một vị Tăng người Hàn Quốc giải thích mười hai thứ ánh sáng của Phật như sau: Vô lượng quang là ánh sáng của Phật không thể kể đếm; Vô biên quang là quang minh chiếu khắp vô biên vô cùng; Vô ngại quang là cả nhân lẫn pháp đều không hề chướng ngại; Vô đối quang là các Bồ- tát đều không thể sánh kịp; Diệm vương quang là quang minh tự tại không có thứ ánh sáng nào tự tại hơn ánh sáng này; Thanh tịnh quang là do “căn lành không tham” của đức Phật có khả năng trừ được tâm vẩn đục tham lam của chúng sinh; Hoan hỷ quang là do “căn lành không giận hờn” có khả năng trừ khử được tâm nóng giận của chúng sinh; Trí tuệ quang là do “căn lành không ngu si” có khả năng trừ diệt tâm vô minh của chúng sinh; Bất đoạn quang là ánh sáng linh diệu của Phật thường chiếu soi đưa lại lợi ích cho chúng sinh; Nan tư quang nghĩa là hàng nhị thừa khó mà suy lường được; Vô xưng quang nghĩa là năng lực của hàng thanh văn cũng khó mà xưng tán được; Siêu nhật nguyệt quang nghĩa là [ánh sáng ấy] thường chiếu soi ngày đêm, siêu việt ánh sáng cả hai tinh cầu lớn [mặt trời, mặt trăng] cõi Sa-bà.
2 Cảnh Hưng 璟興: vị Tăng nước Tân-la (Hàn Quốc) người Hùng Xuyên, họ Thủy, không rõ năm sinh năm mất. Xuất gia năm 18 tuổi, nghiên cứu ba tạng kinh điển, được trọng vọng một thời. Khi Văn Vũ vương lâm chung, di mệnh cho Thần Văn vương phong Cảnh Hưng làm Quốc sư. Năm đầu Thần Văn vương (681), thỉnh cử làm Quốc lão, cho an trú tại chùa Tam Lang để chuyên tâm việc trước tác. Ngài trước tác rất nhiều, có Đại niết-bàn kinh sớ 14 quyển, Kim quang minh kinh thuật tán 7 quyển, Dược sư kinh sớ 1 quyển, Tứ phần luật yết-ma ký 1 quyển, Đại thừa khởi tín luận vấn đáp 1 quyển...
Thế nhưng, trong các kinh điển cổ xưa như kinh Ban-chu tam-muội và kinh Duy-ma-cật chỉ có danh hiệu A-di-đà mà không tìm thấy các danh xưng khác như Vô lượng thọ, Vô lượng quang… Danh xưng mười hai loại ánh sáng e rằng được suy diễn từ ý nghĩa của nguyên danh A-di-đà (Amita) mà người đời sau mệnh danh cho nó!
Đức Phật A-di-đà, thông thường mọi người tin rằng ngài đã thành tựu đạo nghiệp từ mười kiếp trước hiện ở thế giới Tây phương Cực lạc đang nói pháp cho chúng sinh. Nhưng suy đoán tường tận về khởi nguyên của đức Phật A-di-đà thì không thể biết được. Từ vô lượng kiếp lâu xa trong quá khứ, hay nói khác hơn là từ một thời kỳ nào đó trong quá khứ không thể tính đếm được, có đức Như Lai hiệu là Định Quang (Dīpaṃkara), tiếp sau đó là năm mươi hai đức Phật1 nữa lần lượt ra đời như Phật Quang Viễn,... Đặc biệt lúc đức Thế tự tại vương Như Lai xuất hiện, quốc vương nghe đức Phật kia thuyết pháp, tâm sinh hoan hỷ, phát tâm bồ -đề vô thượng, từ bỏ vương vị xuất gia làm sa-môn, hiệu là Pháp Tạng. Sa-môn đến chỗ đức Thế tự tại vương Như Lai dâng nguyện vọng tự mình muốn tu hành pháp Phật quốc Tịnh độ. Thế rồi đức Phật hiện ra vô số quốc độ cho Sa -môn xem, nhờ đó mà tỷ -kheo Pháp Tạng lập tức phát thệ nguyện thù thắng vô thượng, trong năm kiếp tư duy, lập bốn mươi tám lời nguyện lớn, rồi sau tích lũy công đức trong thời gian hàng triệu năm muôn kiếp và thành tựu Chính đẳng chính giác cách nay mười kiếp. Đây là nội dung được nói đến trong kinh Vô lượng thọ, quyển thượng, sự kiện này còn ghi chép trong các kinh điển khác2 cũng không có sai biệt nhiều. Mặc dù cách nói không đồng nhau nhưng cùng mang một ý nghĩa.
1 Năm mươi hai đức Phật tiếp theo Phật Định Quang là: 1. Quang viễn; 2. Nguyệt quang; 3. Chiên đàn quang; 4. Thiện sơn vương; 5. Tu-di thiên quang; 6. Tu-di đẳng diệu; 7. Nguyệt sắc; 8. Chính niệm; 9. Ly cấu; 10. Vô trước; 11. Long thiên; 12. Dạ quang; 13. An minh đỉnh; 14. Bất động địa; 15. Lưu ly diệu hoa; 16. Lưu ly kim sắc; 17. Kim tạng; 18. Diệm quang; 19. Diệm căn; 20. Địa động; 21. Nguyệt tượng; 22. Nhật âm; 23. Giải thoát hoa; 24. Trang nghiêm quang minh; 25. Hải giác thần thông; 26. Thủy quang; 27. Đại hương; 28. Ly trần cấu; 29. Xả yếm ý; 30. Bảo diệm; 31. Diệu đỉnh; 32. Dũng lập; 33. Công đức trì tuệ; 34. Tế nhật nguyệt quang; 35. Nhật nguyệt lưu ly quang; 36. Vô thượng lưu ly quang; 37. Tối thượng thủ; 38. Bồ-đề hoa; 39. Nguyệt minh; 40. Nhật quang; 41. Hoa sắc vương; 42. Thủy nguyệt quang; 43. Trừ si minh; 44. Độ cái hạnh; 45. Tịnh tín; 46. Thiện tú; 47. Uy thần; 48. Pháp tuệ; 49. Loan âm; 50. Sư tử âm; 51. Long âm; 52. Xử thế.
2 Kinh Đại A-di-đà, kinh Bi hoa quyển 2, kinh A-di-đà cổ âm thanh vương đà-la-ni, kinh Tuệ ấn tam-muội.
Thuyết liên quan đến bản sinh của A-di-đà tất cả có mười năm mẩu truyện khác nhau, trong hơn bốn mươi kinh đều nói về giai đoạn tu hành của Phật A-di-đà đến từ việc tích lũy công đức từ khi phát tâm trải qua vô lượng kiếp. Về đại thể, đối với chư Phật thì đức A-di-đà không làm thầy thì cũng làm đệ tử, chẳng phải cốt nhục thì cũng là đồng môn, có lúc tin Phật có lúc phỉ báng, nhờ tích lũy từng công đức nên thành tựu quả vị Phật. Và đức A-di-đà nhờ kết duyên lành này nên ngài cũng thành Phật. Không cần phải nói thì tính linh diệu của Phật A-di-đà nằm trong bốn mươi tám lời nguyện và bốn mươi tám lời nguyện này là sinh mệnh của đức A-di-đà muôn kiếp bất diệt, thế giới viên thành của bốn mươi tám lời nguyện này chính là thế giới Cực lạc.
Trong các kinh luận có nhiều chỗ nói khác nhau về bốn mươi tám lời nguyện này, nhưng xét đến tận cùng thì quy kết thành thệ nguyện: “Nếu cõi nước Phật ta có cảnh địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, a-tu-la thì ta sẽ không chứng Vô thượng chính đẳng chính giác ở trong cõi nước ấy”.1
1 Bản tiếng Phạn chỉ có 46 lời nguyện.
Thực tế, trong bốn bộ A-hàm có nhiều thuyết liên quan đến sự kiện “Thăng thiên” (sinh lên cõi trời), nhưng thuyết nói về đức Phật A-di-đà và vãng sinh Tịnh độ thì hoàn toàn không có. Vì vậy tư tưởng vãng sinh Tịnh độ hoàn toàn chẳng phải thuyết do đức Phật Thích-ca trực tiếp nói mà là tư tưởng mới phát sinh xuất hiện sau thuyết Thăng thiên. Cho nên Vọng Nguyệt Tín Hanh (1869-1948) cũng nói: “Vãng sinh Tịnh độ có phải được gợi mở từ thuyết vãng sinh lên cõi trời Đâu- suất hay không thì thuyết này vẫn còn là một nghi vấn. Mà không cần phải nói thì tư tưởng vãng sinh Đâu- suất nằm trong tư tưởng ‘Thăng thiên’ vốn có từ trước của Ấn Độ, thêm quan niệm về Di-lặc, vì vậy mà vãng sinh Tịnh độ cũng là một dạng chuyển biến của tư tưởng sinh thiên vốn có của Ấn Độ”.1
1 Tịnh độ giáo chi nghiên cứu, tr. 98.
Vì vậy, khởi nguyên của Phật A-di-đà có thể có liên quan đến thần thoại Visnu xưa nhất của Ấn Độ. Thánh cách từ bi, đôn hậu của thần Visnu và lời dạy của thần rất giống với Tịnh độ tông ngày nay luôn đặt nặng về tha lực.
Kinh điển nguyên thủy nói về đức A-di-đà là kinh Đại A-di-đà, kinh này được chắt lọc từ các kinh quan trọng như kinh A-súc Phật quốc1 mà ra, suy đoán Phật A-di- đà phương Tây và Phật A-súc phương Đông có mối quan hệ hết sức mật thiết không thể tách rời. Để làm rõ vấn đề này chúng ta phải xem lại ý kiến của các học giả phương Tây.
1 Kinh A-súc Phật quốc, Tam tạng Chi-lâu-ca-sấm nước Nguyệt-chi dịch thời Hậu Hán 阿閦佛國經漢月支國三藏支婁迦讖譯 [T11n0313, tr.751b23].
Trước hết, phải kể đến nhân vật nổi tiếng ngành Đông phương học người Pháp là Sylvain Lévi (1863-1935), ông đưa ra luận điểm như sau: “Liên quan đến quan niệm, tín ngưỡng và danh xưng của Phật A-di -đà thì tuyệt nhiên không nhìn thấy khi tìm hiểu ở Ấn Độ giáo cổ đại và Phật giáo nguyên thủy. E rằng nghiên cứu hoàn tất hết thảy các môn giáo lý của Ấn Độ cũng không thể thuyết minh được rốt ráo. Tôi nghĩ rằng tư tưởng này chẳng liên quan gì đến Ấn Độ giáo và Phật giáo nguyên thủy. Tóm lại, dạng quan niệm và danh xưng này rất thường gặp trong tín ngưỡng của đạo Thờ lửa (Zoroaster) ở Iran”.1
1 Long Dung đại học luận tùng, số 25, tr. 9.
Ngoài ra, ý kiến trong tác phẩm Ấn Độ giáo và Phật giáo (Hinduism and Buddhism) của Charles Eliot (1834-1926) cũng tương đồng với quan điểm của Sylvain Lévi. Ông chủ trương: “Đặc trưng căn bản của Phật A-di-đà là thế giới Cực lạc hào quang chiếu sáng, đây có nghĩa là thế giới của từ bi, những thiện nam, tín nữ xưng niệm danh hiệu ngài thì sẽ được tiếp dẫn về cõi nước Cực lạc. Thực ra, hai đặc trưng này cũng có thể tìm thấy trong tài liệu của đạo Thờ lửa (Zoroaster), giáo chủ đạo thờ lửa Ahura Mazda thường lấy ánh sáng ngọn lửa không bao giờ tắt và những ngôn từ vẻ vang để xướng ca, gọi là Vô lượng quang hoặc Vô biên quang. Cảnh tượng này giống như thế giới Cực lạc của Phật A-di-đà, vang lên tiếng nhạc nghe vui tai, phảng phất đâu đây một thế giới hát ca hòa nhạc”.1 Dựa vào quan điểm của các học giả nói trên, đức Phật A-di-đà có phải khởi nguyên từ “Thần ánh sáng” của đạo Thờ lửa2 hay không và sự thật liên quan đến truyền thuyết này, nói chung có chính xác hay không thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu tiếp. Giả sử khởi nguyên của Phật A-di-đà có xuất xứ từ thần thoại Visnu, từ thần Ahura Mazda, tức là “Thần biến hóa” của dị giáo thì tại sao Bồ-tát Quán thế âm phải đặt vị thần ấy trên đỉnh đầu của mình khiến mọi người cảm thấy quá ngờ vực như vậy? Song, những dị thuyết này chẳng qua chỉ là ức đoán và suy luận mà thôi, không thể xác định đó là căn nguyên tín ngưỡng về đức Phật A-di-đà. Cũng vậy, quan điểm cho rằng Hóa Phật của Bồ -tát Quán thế âm có phải là đức Phật A- di-đà hay không thì đây cũng chỉ là giả thuyết suy đoán mà thôi.
1 Sir Charles Eliot, Ấn Độ giáo và Phật giáo (Hinduism and Buddhism), tr. 220.
2 Zoroastrianism (đạo Zoroaster) là tôn giáo do Zoroaster (660-583 tr. TL) sáng lập, xây dựng hai vị thiện thần và ác thần. Thiện thần gọi là Ahura Mazda, ác thần gọi là Angra Maynio, tuân theo chủ nghĩa nỗ lực thực hiện cần kiệm, lấy sự kỳ vọng khắc phục ác thần, thiện thần thắng lợi là giáo chỉ, thiện thần tượng trưng cho việc sùng bái là ánh sáng mặt trời. Đạo thờ lửa là quốc giáo của Iran, truyền đến Trung Quốc vào khoảng thời đại Nam Bắc triều, gọi là Hiên giáo, hay còn gọi là Bái hỏa giáo.
Nhưng đến thời đại Tịnh độ tông và Mật tông thịnh hành, người ta mới kết luận Hóa Phật là đức Phật A -di-đà. Mặc dù như thế nhưng giữa bản nguyện cứu đời của Quán âm và bốn mươi tám lời nguyện của Di-đà cũng chẳng có gì mâu thuẫn. Quán âm cứu hộ đời này, nên việc tôn sùng ái kính đức Di-đà đưa tay xuống cứu khổ trong muôn kiếp ở tương lai tuyệt nhiên sẽ không có gì sai. Vì lý do đó mà đời sau xây dựng nên các hình thức biến hóa của Mật giáo, như hình tượng Quán âm mười một mặt và Quán âm ngàn tay, Hóa Phật được nhìn thấy trên đỉnh đầu Quán âm rõ ràng là đức Phật A-di-đà mà không phải vị Phật nào khác. Nhưng ngay cả thánh hiệu của Bồ-tát Quán thế âm cũng chưa thêm thắt đặc tính nào so với Bồ-tát Quán thế âm thuần túy vào thời kỳ ban đầu và ngay cả hình ảnh Hóa Phật cũng chưa có.
Tiếp đến, tượng Bồ-tát Quán thế âm xuất hiện sau đó không lâu, ban đầu người ta cho rằng hào quang phía sau là Hóa Phật, nhưng sau đó đặt Hóa Phật này trên đầu; do vậy mà cho rằng Hóa Phật là đức Phật A -di-đà, suy nghĩ này có thể là kiểu suy lý của một cá nhân nào đó mà thôi. Bồ- tát Quán thế âm chẳng có duyên do nào làm vị hầu cận của Phật A-di-đà mà lại lấy đức Di-đà làm Hóa Phật, khiến mọi người có cảm giác trùng phức ở hình tượng lý tưởng và từ nhận thức thông thường để suy đoán thì hình tượng ấy cũng khá kỳ lạ.
Hơn nữa, nếu để Quán âm đứng ở vị thế hầu cận, kế vị đức Di- đà thì không cần phải tôn sùng đức Di-đà làm Hóa Phật, thế thì Bồ-tát Thế chí cũng phải giống như Quán âm, tức phải tôn đức Di- đà làm Hóa Phật thì mới đúng, nhưng khi nói đến Bồ-tát Thế chí thì “trên nhục kế có một bình báu, tỏa đầy các ánh hào quang, hiện khắp các Phật sự”.1 Vật an trí trên đỉnh đầu Bồ-tát Thế chí là bình báu mà không phải là Hóa Phật, cũng không phải là đức Phật A-di-đà. Như vậy, cần phải suy nghĩ, giữa Hóa Phật và hầu cận, kế vị chẳng có liên quan gì với nhau. Cho nên, từ đó cũng có thể thấy Hóa Phật của Quán âm là Di-đà là thiếu căn cứ nhất định.
1 Kinh Phật thuyết Quán Vô lượng thọ Phật 佛說觀無量壽佛經 [T12n0365, tr. 344a28].
Không chỉ như vậy, ở trước đã nói qua, từ phương diện lịch sử để suy khảo về tiến trình tư tưởng Hóa Phật của Quán âm mà kết luận Hóa Phật trên đỉnh đầu Bồ-tát Quán thế âm là đức Phật A-di-đà thì có thể nhận định này sai với ý nghĩa nguyên thủy.
Như trên đã nói, Hóa Phật trên đỉnh đầu nếu không phải là Phật A- di-đà thì nó mang ý nghĩa gì? Chắc chắn đó là sự tượng trưng cho Phật-đà. Nếu quả thật như thế thì cụ thể đó là đức Phật nào? Vấn đề này không thể không giải thích thêm về bản nghĩa của Phật-đà.
Phật-đà là từ dịch âm từ tiếng Phạn và tiếng Pali Buddha, mà Buddha lại có xuất xứ từ ngữ căn budhu, có nghĩa là Giác. Ngữ nghĩa liên quan đến Phật- đà, trong kinh Bát-nhã có đoạn: “Biết được thật nghĩa của các pháp nên gọi là Phật. Lại nữa, chứng đắc thật tướng của các pháp nên gọi là Phật”.1 Do đó, Phật-đà là bậc giác ngộ đã thể nhận được chân lý vũ trụ. Thật ra, chân lý vũ trụ vốn dĩ đã tồn tại từ trước khi đức Phật xuất hiện trên đời này và ngay cả cái được gọi “Thích-ca” (Śākya) chính là ý nghĩa Phật pháp bao trùm khắp đại địa. Nhân cách hóa cái chân lý thường trụ bất biến ấy gọi là đức Phật pháp thân; mà bậc tự chứng rồi thể hiện được chân lý này gọi là đức Phật báo thân; lại đem chân lý được thể nghiệm này trang nghiêm nơi thân, vì ứng theo cơ duyên cứu tế tất cả chúng sinh mà hiện thân ra nơi cõi hiện thực này thì gọi là đức Phật ứng thân. Trong ba thân Phật: Pháp thân, Báo thân và Ứng thân ấy thì rốt cuộc Hóa Phật trên đỉnh đầu Bồ-tát Quán thế âm thuộc về thân nào? Chắc chắn được giải thích đó là Pháp thân Phật. Nếu chỉ giải thích là Báo thân Phật, tức biểu tượng của đức Phật Thích-ca Mâu- ni xuất hiện ở Ấn Độ thì điều này cũng có thể chấp nhận được. Thật ra, Hóa Phật trên đỉnh đầu có thể được giải thích là chân lý vũ trụ, thứ tượng trưng cho “pháp” thân, thì cũng chính là biểu tượng của pháp thân được cụ thể hóa, mà đấng thể hiện của Pháp thân là pháp tướng đức Thích-ca Mâu-ni hiện thân.
1 Kinh Ma-ha bát-nhã ba-la-mật, quyển 22, phẩm Đạo thọ, 71摩訶般若波羅蜜經卷第二十二道樹品第七十一[T08n0223, tr. 379a15].