Không biết Bồ- tát Quán thế âm có nhân duyên với đức A -di-đà Như Lai từ bao giờ nhưng mối quan hệ giữa hai vị này không hề nông cạn. Từ mối quan hệ mật thiết ấy, có người cho rằng ngài Quán âm là con của đức Di-đà Như Lai. Nói cách khác, mối quan hệ này được trình bày theo hình thức giống như ngài Quán âm là con nuôi trong một gia đình được phép thừa tự đức Phật Di-đà. Đặc biệt, người theo pháp môn Tịnh độ chủ trương ngài Quán âm không phải ở cương vị thuộc mối quan hệ con nuôi của đức Phật Di-đà, mà nằm ở mối quan hệ cha con chính thống. Bây giờ, chúng tôi sẽ nghiên cứu về mối quan hệ này để mọi người cùng tham khảo.
Theo thuyết của Tịnh độ tông, từ nhiều kiếp lâu xa trong quá khứ, đức Phật Di- đà là cha, Bồ-tát Quán âm là con, cho nên trong đời này ngài Quán âm không những đội đức Phật A-di-đà trên đỉnh đầu mà còn làm người hầu cận của đức Phật Di-đà, trợ giúp việc giáo hóa, sau khi đức Di-đà diệt độ thì ngài Quán âm được bổ sung vào vị trí này. Hay nói cách khác, người thừa truyền quả vị của Phật A-di- đà là Bồ-tát Quán thế âm- người luôn hầu bên cạnh ngài, và một trong hai vị Bồ-tát “Kế vị”. Trước hết, tôi xin giải thích về thuyết “hầu cận”.
“Hầu cận” còn gọi là “hầu sát bên”, hay còn gọi là “đứng sát bên”, đứng sát hai bên để hầu cận đức Bổn tôn chính giữa, nhằm giúp trang nghiêm thêm uy đức của vị Bổn tôn và nghe lời huấn dụ của Bổn tôn để độ sinh cứu đời. Những năm tháng còn tại thế, khi đức Phật Thích-ca tự thân thuyết pháp, người luôn theo hầu bên cạnh ngài là tôn giả A-nan và trưởng lão đại Ca-diếp. Hai vị này luôn ở bên cạnh đức Như Lai, đây có thể là khởi nguyên của việc “hầu cận”, đời sau phong thái này được biểu thị hình thức hội họa và điêu khắc. Thánh tượng cổ nhất trong các tượng Phật hiện tồn, phải kể đến thánh tượng Thích-ca được khai quật ở vùng Mạt-đột-la (Mathurā) tại Ấn Độ, phía sau và hai bên trái phải của ngài đều có các vị Bồ-tát tay cầm phất tử. Tuy nhiên, hình thức “hầu cận” cũng dần dần thay đổi theo quá trình phát triển từ Tiểu thừa sang Đại thừa trong tư tưởng Phật giáo.
Hai bên trái phải của đức Phật Thích -ca là hai vị Bồ-tát Quán âm và Đa -la, hoặc hai vị Bồ-tát Văn -thù và Phổ hiền; khi tư tưởng Di-lặc hưng khởi thì vị trí trung ương lại biến thành chỗ đứng của Phật Di-lặc, Bồ-tát Quán âm và Thế chí theo hầu hai bên; trong mạn-đồ-la vào thời đại Mật giáo hưng khởi, chọn Bồ-tát Quán âm ở địa vị hầu cận đức Đại Nhật Như Lai; vào thời đại tín ngưỡng Tịnh độ hưng thịnh thì tình thế thay đổi thành đức Quán âm và Thế chí đứng hầu cận đức Phật Di-đà. Mặc dù cấp độ diễn biến qua nhiều lần hoán chuyển nhưng đại đa số các trường hợp đức Quán thế âm đều thủ vai Bồ-tát hầu cận.
Xét về sự thật vấn đề, thì Bồ- tát Quán thế âm không thủ bất cứ vai hầu cận nào, trong kinh điển nguyên thủy nhất là phẩm Phổ môn, tuy có nói đến ba mươi ba thân ứng hóa để giáo hóa nhưng tuyệt nhiên không hề nói đến vai hầu cận chư Phật hoặc chư Bồ-tát; trong hai bộ kinh Hoa nghiêm tân và cựu,1 cho đến kinh Thủ lăng nghiêm đều trình bày về ngài Quán âm với địa vị bổn tôn, chứ tuyệt đối không phải ở địa vị hầu cận. Trong các kinh điển khác cũng có nói về đức Quán âm ở ngôi vị độc lập.
1 Cựu hoa nghiêm: còn gọi là Lục thập hoa nghiêm, gồm 60 quyển, do Phật-đà-bạt-đà-la dịch vào đời Đông Tấn, thu vào Đại chính tạng tập 9. Nội dung gồm 7 xứ, 8 hội, 34 phẩm. Tân hoa nghiêm, còn gọi là Bát thập hoa nghiêm, gồm 80 quyển, do Thực-xoa-nan-đà dịch vào đời Đường, thu vào Đại chính tạng tập 10, gồm 7 xứ, 9 hội, 39 phẩm, là bản dịch khác của Lục thập hoa nghiêm. So với Lục thập hoa nghiêm thì Bát thập hoa nghiêm lời văn trôi chảy, nghĩa lý trong sáng, đầy đủ nên được lưu thông rất rộng. Đây là bộ kinh chính yếu của tông Hoa nghiêm.[Nd]
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu những tài liệu bên ngoài các kinh điển, như Tam bảo cảm thông lục1 do ngài Tuệ Viễn biên soạn vào năm thứ 2 niên hiệu Thái Khang (281), địa vị đức Quán âm được trình bày ở đây vừa không phải “hầu cận” vừa không phải “trợ thủ”. Đọc thêm tác phẩm Phật quốc ký do Tam tạng Pháp Hiển viết vào niên đại 400 (ghi chép những sự kiện trong khoảng từ năm 399 ông đến Ấn Độ, năm 414 trở về Kiến Nghiệp), hết thảy các tín đồ Đại thừa miền Trung Ấn Độ đều cúng dường Bồ-tát Quán thế âm; ghi chép tình hình tín ngưỡng tại địa bàn gần sông Tân-đầu (Sindhu) thuộc nước Mathurā tại miền Tây Thiên trúc rằng: “Người Ma-ha-diễn thì cúng dường hàng Ma-ha -diễn, tức Bát -nhã Ba-la-mật, Văn-thù- sư-lợi, Quán thế âm…”.2 Điều này biểu thị rõ, vị Bồ-tát trung tâm mà dân chúng tín ngưỡng đương thời là Quán thế âm, trong ấy không đề cập gì đến mối quan hệ giữa Bồ-tát với đức Phật A-di-đà.
1 Tam bảo cảm thông lục 三寶感通錄, quyển hạ (Theo Phật Quang đại từ điển, tr. 5325) Tam bảo cảm thông lục, hay còn gọi là Tập thần châu tam bảo cảm thông lục, Tập thần châu tháp tự tam bảo cảm ứng lục, là tác phẩm do ngài Đạo Tuyên soạn vào đời Đường. Nội dung thu chép những sự tích linh dị về xá-lợi Phật, tượng Phật, chùa Phật, về kinh điển và Tăng tục. Còn ngài Tuệ Viễn có hai vị: 1. Tuệ Viễn (334-416) đời Đông Tấn và 2. Tuệ Viễn (523-592) sống vào đời Đường, nên không thể sống vào năm Thái Khang (thế kỷ III) để viết tác phẩm Tam bảo cảm thông lục được.[Nd]
2 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, 1 quyển 高僧法顯傳一卷 [T51n2085, tr.859b27].
Hơn nữa, đọc trong Đại Đường Tây Vực ký - bản ghi chép về sự thật đương thời khi Tam tạng Huyền Tráng du hành tại Ấn Độ (629-645), có ghi: “Từ tháp đá vượt qua con sông lớn về phía Tây khoảng ba bốn mươi dặm, đến một tinh xá, trong đó có tượng Bồ-tát A-phược-lô-chỉ-đê-thấp-phược-la, uy linh ẩn mật, thần tích rực rỡ, người tu người đời tranh nhau đến cúng dường…”.1
1 Đại Đường Tây Vực ký, quyển 3大唐西域記卷第三 [T51n2087, tr.883b21].
Còn nói, sau khi đức Phật nhập diệt, vì duy trì chính pháp trụ ở đời nên thờ cúng Bồ- tát Quán thế âm trên tòa Kim cương dưới gốc bồ-đề, lúc bấy giờ là thế kỷ VI sau Tây lịch nhưng việc sùng bái Quán âm ở địa vị độc tôn đã được mọi người kiến lập, mà không phải hầu cận bên đức Phật A -di-đà. Chỉ có trong tinh xá nước Ma- yết-đà (Magadha) an trí Bồ-tát Quán tự tại phía bên phải tượng đức Phật Thích-ca đứng, sự kiện này cần phải chú ý thêm: “Có tượng Phật đứng cao ba trượng, bên trái là tượng Bồ -tát Đa-la, bên phải là tượng Bồ- tát Quán tự tại, tất cả có ba tượng ở đây, tạc bằng thứ đá ngọc, uy nghi thiêng liêng đáng kính, soi tỏ tận cõi u thâm”.1 Tóm lại, Bồ-tát Quán thế âm và thân biến hóa của ngài là Bồ-tát Đa- la,2 đều là các vị hầu cận bên đức Phật Thích-ca, chứng tỏ lúc bấy giờ đã có tín ngưỡng Quán âm.
1 Đại Đường Tây Vực ký, quyển 8, nước Ma-yết-đà 大唐西域記卷第八摩揭陀國 [T51n2087, tr.913b28].
2 Bồ-tát Đa-la: 多羅菩薩, tiếng Phạn là Tārā, tiếng Tây Tạng là Sgrol-ma (hàm ý Mẹ cứu vớt), dịch ý là mắt, mắt rất sáng, cực độ, cứu vớt, tròng mắt. Là hóa thân của Bồ-tát Quán thế âm, cho nên cũng gọi là Đa-la tôn Quán âm, Đa-la Quán thế âm. Ngài ngồi ở mé Tây Bồ-tát Quán tự tại (hàng thứ nhất quay về bên phải) trong viện Quán âm trên hiện đồ Thai tạng giới mạn-đồ-la Mật giáo. Tức Phật mẫu của Quán âm bộ.[Nd]
Kinh điển ghi chép sự kiện Quán âm đứng hầu cận bên đức Phật Thích-ca là kinh Nhất thiết công đức trang nghiêm vương do pháp sư Nghĩa Tịnh dịch vào đời Đường. Trong kinh chép rằng: “Trong nhà an trí tượng Phật Thích-ca ngồi đặt trên tòa sư tử, thể hiện dung tướng uy nghi đang thuyết pháp, bên phải an trí tượng Bồ-tát Quán tự tại”,3 và thần Chấp kim cương đều là hai vị hầu cận bên đức Phật.
3 Kinh Phật thuyết nhất thiết công đức trang nghiêm vương 佛說一切功德莊嚴王經 [T21n1374, tr.892b19].
Trong kinh Đại phương quảng Mạn-thù-thất-lợi do ngài Bất Không dịch cũng miêu tả tượng Phật có hình thức giống như kinh trên. Trong kinh điển khác1 nhiều chỗ cũng phối hợp hai vị Bồ-tát Quán âm và Phổ hiền hầu cận hai bên đức Phật Thích-ca.
1 Kinh Thanh tịnh Quán thế âm Phổ hiền đà-la-ni 清淨觀世音普賢陀羅尼經 [T20n1038, tr.21b14].
Nhưng trong kinh A- lỗ-lực tôn Bồ-tát Quán thế âm làm bổn tôn, Bồ -tát Thế chí và Phổ hiền là hai vị hầu cận, miêu tả ba pho tượng thế này: “Ở chính giữa là Bồ-tát Quán tự tại, tay trái cầm hoa sen hồng, tay phải duỗi thẳng xuống ban nước cho quỷ đói, trên đầu tóc búi thành lọn, thân mặc áo trắng, dùng trân bảo anh lạc trang nghiêm phần trước thân, thiên y màu đen, ngồi thế kết-già trên hoa sen; phía bên trái vẽ Bồ-tát Đại thế chí, phía bên phải vẽ Bồ-tát Phổ hiền”.2
2 Kinh A-lị-đa-la Đà-la-ni A-lỗ-lực 阿唎多羅陀羅尼阿嚕力經 [T20n1039, tr.27a14].
Nhìn nhận từ giá trị nghệ thuật được biểu hiện, việc tôn bức họa Quán âm ở địa vị độc tôn, hoặc địa vị bổn tôn, hoặc địa vị hầu cận, thì chúng tôi cho rằng những khác biệt đó không có gì đáng bàn; nhưng từ trạng thái tâm lý của người chế tác mà nói, thì ba tư thế này không nên đánh đồng được, tức người vẽ Quán âm độc tôn và Quán âm hầu cận, thậm chí vẽ Bồ-tát ở địa vị bổn tôn, tuyệt nhiên không mang ý niệm giống nhau.
Trong tất cả những ý kiến nêu trên thì Quán âm chỉ đơn thuần ở địa vị hầu cận bên Phật, Bồ-tát; nhưng một khi nói đến Quán âm ở vị thế hầu cận thì trong tâm khảm của mọi người sẽ liên tưởng đến đức Phật A-di-đà. Từ xa xưa, tương truyền Quán thế âm là vị Bồ-tát hầu cận đức Phật A- di-đà đã trở thành nhận thức mang tính cố định của hầu hết mọi người.
Tài liệu ghi chép xem Quán âm là vị hầu cận đức Phật A-di-đà, trong lịch sử dịch kinh của Trung Quốc có thể xem kinh Quán thế âm Bồ-tát thọ ký là bộ kinh đầu tiên xưa nay hiếm.1 Bộ kinh này do Trúc Pháp Hộ phiên dịch vào năm đầu niên hiệu Huệ Đế thời Tây Tấn (299), thuyết minh về tình hình quá khứ, hiện tại, vị lai của Bồ- tát Quán âm và Bồ- tát Thế chí. Quán âm thành Phật sau khi đức Phật Di-đà diệt độ, Thế chí thành Phật sau khi Quán âm diệt độ, biểu thị rõ mối quan hệ về thứ tự truyền ngôi cho nhau của ba vị này. Song, tư tưởng ấy trở nên thành thục viên mãn, đạt đến cao trào từ lúc Cương-lương-da- xá (Kālayaśas) phiên dịch xong bộ kinh Quán vô lượng thọ vào năm thứ bảy niên hiệu Nguyên Gia đời Lưu Tống (430) . Kinh này cũng được gọi là kinh Lục thập quán. Phép quán thứ 7 nói: “Phật Vô lượng thọ đứng trên không trung, hai vị đại sĩ Quán thế âm và Đại thế chí đứng hầu hai bên trái phải”.2 Phép quán thứ mười nói thêm rằng, hai vị Bồ-tát Quán âm và Thế chí trợ giúp đức Phật A- di-đà về việc giáo hóa rộng khắp tất cả.3 Tính độc tôn của ngài Quán thế âm được nói đến ở đây tuyệt nhiên bị loại trừ, nhưng rõ ràng nó được hàm dung trong tín ngưỡng Di- đà, rồi đưa thêm ngài Thế chí vào nữa, để hình thành nên cấu trúc Tịnh độ tam tôn.
1 Trong Đại chính tạng, quyển 12, số hiệu 0371, thì ghi kinh này (kinh Quán thế âm Bồ-tát thọ ký 觀世音菩薩授記經) do sa-môn Đàm-mô-kiệt nước Hoàng Long đời Tống dịch tại Dương Châu [T12n0371, tr. 353b06].[Nd]
2 Kinh Phật thuyết quán Vô lượng thọ 佛說觀無量壽佛經 [T12n0365, tr.342c16].
3 Kinh Phật thuyết quán Vô lượng thọ Phật 佛說觀無量壽佛經 [T12n0365, tr.344c04].
Sự thật thì ngay từ ban đầu tín ngưỡng Phật A-di-đà đã tồn tại dạng thức “Tam tôn nhất thể” này hay chưa? Kinh điển cổ xưa nhất nói đến đức Phật A-di-đà là kinh Ban-chu tam-muội, kinh này do Chi-lâu -ca-sấm người Nguyệt-chi phiên dịch tại Lạc Dương vào năm thứ 2 niên hiệu Quang Hòa đời Hán Linh đế (179), nên đoán chắc đây là tài liệu quan trọng và quý giá nhất, nhưng ở nội dung kinh Ban-chu tam-muội chẳng có câu nào nói đến ngài Quán âm. Như vậy, một vấn đề cần phải suy nghĩ thêm, kinh A-di-đà là bản kinh chiếm địa vị quan trọng nhất trong các kinh điển thuộc Tịnh độ giáo, nhưng ở kinh này lại chẳng nói sự kiện nào có liên quan đến Bồ-tát Quán thế âm. Do đó, lập trường để kết luận về mối quan hệ giữa đức Phật A- di-đà và Bồ-tát Quán thế âm xưa nay bất đồng và mỗi thuyết tự nó tồn tại độc lập. Nếu thử tìm hiểu thêm, Bồ-tát Quán thế âm nguyên thủy vốn ở vị thế độc lập, nhưng từ sau khi tư tưởng Tịnh độ thịnh hành, ngài Quán âm mới được đưa vào vị thế trợ giúp Phật A- di-đà, làm vị hầu cận và theo đức Phật A-di-đà giáo hóa. Do đó, ngay cả học giả quyền uy nhất của Tịnh độ giáo là Vọng Nguyệt Tín Hanh (1869-1948) cũng nói: “Sùng bái Bồ-tát Quán thế âm, ban đầu xuất hiện độc lập, từ sau khi phát sinh mối quan hệ với đức Phật Di-đà một thời đại nào đó, bèn trở thành đức Phật kế vị của ngài [Di-đà], và Thế chí cùng đứng hầu hai bên trái phải”.1 Ngụ ý của đoạn văn này rõ ràng có thái độ phê phán tư tưởng hầu cận của ngài Quán âm.
1 Vọng Nguyệt Tín Hanh, Tịnh độ giáo chi nghiên cứu, tr.8.
Ở đây đặc biệt cần chú ý, nguyên bản phẩm Phổ môn là kinh điển sở y của tín ngưỡng tư tưởng Quán âm được tìm thấy tại Nepāla những năm gần đây. Câu văn sau kệ tụng trong nguyên điển Quán thế âm Bồ-tát Phổ môn phẩm (Samantamukhaparivarto nāmāvalokiteśvara-vikurvaṇa-nirdeśa) của phẩm Phổ môn do H. Kern (1833-1917), người Hà-lan dịch, đưa thêm bảy bài kệ tụng gồm hai mươi tám câu có liên quan đến đức Phật A-di-đà. Dựa vào nội dung kệ tụng này, thì Bồ-tát Quán thế âm là vị hầu cận đức Phật A-di-đà nhằm phụ tá ngài trong việc giáo hóa. Nay chép luôn bài kệ tụng (gāthā, thánh ca) này ra đây.
Từ bi cứu thế gian, Diệt được khổ sầu, sợ, Đấng tỷ-kheo Pháp tạng, Tu hành mấy trăm kiếp, Thường hầu bên tả hữu, Tỏ sức huyễn tam-muội, Cõi thanh tịnh phương Tây, Di-đà trụ cõi kia, Cõi ấy không người nữ, Nay Phật tử vãng sinh, Phật Vô lượng quang kia, Sư tử phóng quang trắng, Tôn quý ở cõi này, Lễ tán thêm công đức, |
Tương lai thành Chính giác; Đảnh lễ Quán thế âm. Vua tự tại trên đời; Chứng tịnh giác vô thượng. Quạt mát đức Di-đà; Cúng dường hết thảy Phật. Nước Cực lạc an dưỡng; Thành trượng phu Điều ngự. Chẳng thấy pháp bất tịnh; Liền vào Liên hoa tạng. Đài sen đẹp thanh tịnh; Như Sa-la thọ vương. Ba cõi không sánh kịp; Chóng thành người tối thắng. |
Nghiên cứu tỉ mỉ bài kệ này, một điều rất lấy làm tiếc là, tìm hiểu mối liên quan từ đầu đến cuối và nội dung tư tưởng của nó, rất khó nhận ra [kệ tụng này] và “nguyên bản” là cùng một tác giả, phán đoán một cách đại khái thì chẳng biết ai chép thêm đoạn kệ tụng vào ở các thời đại sau.
***
Vấn đề nghiên cứu tiếp theo là sự nghiệp “Kế vị” của Bồ- tát Quán âm. Từ “Kế vị” (pratibaddha) có nghĩa là sau khi đức Phật ứng thân trước đó diệt độ, thì vị Bồ -tát này tiếp tục thành đạo và nối tiếp vị trí của đức Phật ấy. Sau năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm nữa đức Phật Di -lặc (Metteyya) thành đạo, là vị Bồ-tát sẽ thành Phật và kế nhiệm sự nghiệp đức Phật Thích-ca, nên Bồ-tát Di- lặc được gọi là Bồ- tát Bổ xứ. Kinh điển căn bản ghi chép về Bồ-tát Di-lặc là Ký biệt (vyākaraṇa) của đức Phật; trong luận Đại Tỳ-bà-sa quyển 135, luận Đại trí độ quyển 3, truyện A-dục vương quyển 4, kinh Ban-chu tam-muội đều có nêu sự kiện này, nên chúng ta có thể biết được tín ngưỡng này xuất hiện từ xa xưa. Đặc biệt, có khả năng Di-lặc là một nhân vật có thật, ngài người nước Ba-la-nại (Vārāṇasī) thuộc miền Trung Ấn Độ, ban đầu ngài theo tu học với vị bà-la- môn Ba-bà-lê (Bāvarī) , nhưng sau đó theo làm đệ tử đức Phật [Thích-ca] và nỗ lực tu tập giáo hóa, được Phật ghi nhận cho ngài thành Phật trong tương lai, sau khi thành Phật sẽ không thay đổi danh hiệu, vẫn giữ lại tên gọi Di-lặc này.
Kinh Tân hoa nghiêm trình bày việc đồng tử Thiện Tài hỏi Bồ-tát Di-lặc rằng: “Lúc bấy giờ, đồng tử Thiện Tài cung kính nhiễu quanh từ phía bên phải Di-lặc Bồ-tát ma-ha- tát xong, mà thưa rằng: ‘Xin đại thánh mở lầu gác để con được vào trong. Lúc ấy, Bồ-tát Di-lặc đi về phía lầu gác, gõ cửa thành tiếng, cửa ấy liền mở, rồi bảo Thiện Tài bước vào, Thiện Tài lòng đầy hoan hỷ, vào xong thì cửa đóng lại như trước, thấy lầu gác ấy thoáng rộng vô cùng, đồng với hư không”.1 Từ tài liệu này cũng có thể biết được tư tưởng Di- lặc kế vị xuất hiện từ rất sớm. Các sự kiện liên quan đến “Bổ xứ”, “Kế vị” trong kinh điển nguyên thủy như A-hàm2 cũng có ghi chép, nên biết đây hoàn toàn không phải là tư tưởng mới xuất hiện sau này.
1 Kinh Tân hoa nghiêm, quyển 79 [T10n0279, tr. 434c29].
2 Kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 36, phẩm Bát nạn ghi: “Đức Phật Ðăng Quang thọ ký cho Phạm chí trong đời vị lai sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Văn Như Lai, Chí chân, Ðẳng chính giác”. [T02n0125, tr. 758b26].
Tìm hiểu nguồn gốc về tư tưởng “Kế vị” như vậy, từ sự kiện bổ xứ của Bồ-tát Di-lặc có thể ngầm cho chúng ta biết rằng, tư tưởng ấy đã dẫn ra thuyết Quán âm là Phật kế vị của đức Phật A-di-đà!
Khả năng thừa nhận Bồ- tát Quán thế âm là vị Bồ -tát kế nghiệp và kế vị của Phật A-di-đà bắt đầu từ kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác do Chi-lâu-ca-sấm dịch thời Hậu Hán. Trong kinh ghi: “Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, sau đó đến lúc ban- nê-hoàn, Bồ-tát Hạp -lâu- hoàn kia liền thành Phật, dùng trí thống lĩnh chính đạo, lãnh đạo giáo hóa thế gian tám phương trên dưới”.1
1 Kinh Phật thuyết vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác, quyển 3 佛說無量清淨平等覺經卷第三 [T12n0361, tr. 291a03].
Phật Vô Lượng Thanh Tịnh chính là đức A-di-đà Như Lai, còn Hạp-lâu-hoàn chính là Bồ- tát Quán thế âm. Bộ kinh phu diễn thêm ý của kinh này là kinh Bi hoa. Bây giờ chúng ta lật kinh Bi hoa do Đàm -mô- sấm dịch vào năm thứ 8 niên hiệu Huyền Thủy đời Bắc Lương (419), thấy có thế giới tên là San -đề-lam (śaṇḍilya), từ kiếp số lâu xa về trước, có một vị Chuyển luân thánh vương tên là Vô Tránh Phẩn, phát tâm xuất gia, do Bảo Tạng Như Lai thọ ký cho thành Phật trong tương lai, trở thành đức Vô lượng thọ Như Lai của nước An Lạc. Trong kinh cũng có ghi chép rất nhiều vị vương tử lần lượt phát tâm tu hành và thành Phật. Trong đó, vị vương tử thứ nhất tên Bất Thuấn, chính là Quán thế âm, sau khi Phật Vô lượng thọ diệt độ, sẽ thành Phật hiệu là Biến xuất nhất thiết quang minh công đức sơn vương Như Lai, cõi Tịnh độ của ngài tên là Nhất thiết trân bảo sở thành tựu thế giới, hơn hẳn so với nước Cực lạc của Phật A-di-đà.
Kinh Quán âm thọ ký cũng ghi chép có chút ít khác biệt so với kinh Bi hoa. Theo kinh Quán âm thọ ký, trước khi đức Kim quang sư tử du hý Như Lai ra đời, có một vị quốc vương tên là Uy Đức thống trị thế giới này. Một hôm, vua Uy Đức kia đang nhập chính định, thì ở hai bên tả hữu của vua bỗng có hai đóa sen từ dưới đất vọt lên. Trong mỗi hoa sen có một vị đồng tử hóa sinh, đó là hai đồng tử Bảo Ý và Bảo Thượng. Hai vị này đều đã phát tâm thành tựu Bồ-tát. Bảo Ý chính là Quán thế âm, sau khi đức Di- đà nhập diệt thì ngài thành Phật, hiệu là Phổ quang công đức sơn vương Như Lai, cõi nước thanh tịnh của ngài tên là Chúng bảo phổ tập trang nghiêm thế giới; còn Bảo Thượng là Bồ -tát Thế chí, tiếp nhận sự thọ ký thành Phật sau khi đức Quán thế âm diệt độ. Những lời ghi chép trong kinh này và các kinh điển khác có một vài điểm bất đồng, nhưng xét về mặt đại thể thì các kinh đều có cái hay là không hẹn mà gặp về ý nghĩa. Hơn nữa, trong tác phẩm Quán âm huyền nghĩa do pháp sư Trí Khải tông Thiên Thai soạn, có dẫn dụng kinh Quán âm tam-muội rằng: “[Bồ- tát Quán thế âm] trước đã thành Phật, hiệu là Chính pháp minh Như Lai. Đức Thích-ca vì Đức Phật ấy mà làm đệ tử khổ hạnh”.1
1 Quán âm huyền nghĩa, quyển hạ 觀音玄義卷下[T34n1726, tr.891c08].
Các kinh điển đều tưởng tượng ở kiếp Thiện Trì của Thế giới Tán- đề-lam thuộc quá khứ, thậm chí còn nhớ lại những câu chuyện thần thoại từ thời xa xưa, bất luận thế nào thì cũng đều có Chuyển luân thánh vương và quốc vương Uy Đức, người cha là đức A-di-đà Như Lai, vương tử đầu của vua là Quán thế âm Bồ-tát, sau khi đức Di-đà nhập diệt không lâu thì Quán âm thành Phật, bổ khuyết vào vị thế của đức Di-đà.1
1 Kinh Bi hoa, quyển 3 悲華經卷第三 ghi: “Trong kiếp Thiện Trì ở thế giới Tán-đề-lam, con người thọ 80.000 tuổi. Lúc ấy có đức Phật xuất thế, hiệu là Bảo Tạng, có Chuyển luân thánh vương tên là Vô Lượng Tịnh, làm chủ bốn phương thiên hạ. Thái tử của vua ấy là Quán thế âm, cúng dường Bảo Tạng Như Lai và các tỷ-kheo Tăng trong ba tháng. Nhờ căn lành đó mà trong hằng hà sa đẳng a-tăng-kỳ kiếp hậu phần sẽ được thành Phật, hiệu là Biến xuất nhất thiết quang minh công đức sơn vương Như Lai, thế giới tên là Nhất thiết trân bảo sở thành tựu” [T03n0157, tr.186b05].
Tư tưởng Quán âm kế vị đều nhìn thấy trong kinh Bình đẳng giác và kinh Bi hoa; kinh Quang thế âm thọ ký, một quyển do ngài Trúc Pháp Hộ phiên dịch đời Tây Tấn; kinh Quán âm thọ ký, một quyển do ngài Đàm-mô-kiệt dịch đời Lưu Tống; kinh Thỉnh Quán âm, một quyển do ngài Trúc-nan-đề dịch đời Đông Tấn; kinh Quán vô lượng thọ, 2 quyển do ngài Cương-lương-da-xá dịch đời Lưu Tống. Trong các kinh đều nói Bồ-tát Quán thế âm là trưởng tử, sung vào vị thế của thân phụ A-di-đà, nên tư tưởng “Quán âm kế vị” lại tăng thêm giá trị ở một cấp độ nữa. Song, các thuyết này là cơ sở đặt nền móng cho tư tưởng mang tính gốc gác về đức A-di-đà Như Lai có các cõi Phật thanh tịnh, không chỉ có một vị như Bồ-tát Quán thế âm, mà chư Phật, chư Bồ-tát như A-súc, Bảo tướng, Thế chí, Văn-thù, Phổ hiền... cũng đều là những người con khi còn tu ở Nhân địa1 của đức A-di-đà Như Lai.
1 Nhân địa 因地: đối lại với Quả địa. Chỉ cho các địa vị hoặc giai vị đạt được trong quá trình từ khi tu tập nhân hạnh đến chứng quả vị. Nhân địa có thể chia thành hai loại: 1. Nói theo quả vị Phật thì từ Đẳng giác trở xuống đều là Nhân địa; 2. Nói theo Bồ-tát từ Sơ địa trở lên thì các giai vị Bồ-tát trước Thập địa đều là Nhân vị. Tóm lại, giai vị đã chứng gọi giai vị chưa chứng là Nhân địa. [Nd]
Song, nếu xem các kinh điển vừa nêu là luận cứ trực tiếp mà cho rằng Bồ-tát Quán thế âm là bậc kế vị của Phật A-di-đà thì không tránh khỏi sự khinh suất thái quá! Theo nghiên cứu của các học giả thì các kinh điển trên là những tác phẩm ra đời vào thời đại sau này, thuộc về thời kỳ sau lúc các kinh điển Đại thừa thành lập. Thực tế, trong Tịnh độ tông thì Bồ-tát Quán thế âm và Bồ-tát Thế chí đứng ở vị thế ngang hàng, tư tưởng Kế vị và hình thức Hầu cận trong kinh điển căn bản và hình tượng nguyên thủy đều là ảo ảnh. Bồ -tát Quán thế âm theo ý nghĩa nguyên thủy chắc chắn sẽ không phải là quyến thuộc, hầu cận hoặc kế vị của đức Phật A-di-đà, mà Bồ-tát Quán tự tại được biểu thị bằng tên tiếng Phạn [Avalokiteśvara] tuyệt nhiên là vị bổn tôn độc lập.
Tượng Quán âm cổ nhất của Nhật Bản là hai pho tượng Quán âm Cứu thế và Quán âm Bách tế ở chùa Pháp Long, trong hai pho ấy không có pho nào đứng ở vị thế hầu cận mà là những tôn tượng đứng vị thế độc lập, điều này ai cũng rõ.
Trường phái Tịnh độ của Nhật Bản và Trung Quốc đều cho rằng, Bồ- tát Quán thế âm là kế vị của Phật A -di-đà, nhưng lai lịch cả hai trường phái vốn khác nhau, các nhà Tịnh độ tông thì xem ngài Quán âm có liên quan đến đức Phật Di-đà, cho rằng những kinh điển được y cứ của tư tưởng Quán âm kế vị là luận cứ có sức thuyết phục hơn bất cứ điều gì. Mặc dù vậy, nhưng trong kinh Kim cương đảnh1 do Bất Không (Amoghavajra) dịch và kinh Đà-la-ni tập2 do A -địa-cù -đa (Atikūṭa) dịch, lại đề xướng A- di-đà là vị Phật từ “tư tưởng Quán âm” phát triển ra, có thể thấy giữa hai quan điểm này quả thực có sự mâu thuẫn rất lớn.
1 Kim cương đỉnh kinh Du-già Quán tự tại vương Như Lai tu hành pháp 金剛頂經瑜伽觀自在王如來修行法 [T19n0932, tr.75a15].
2 Kinh Đà-la-ni tập, quyển 4.
Tóm lại, tư tưởng Quán âm kế vị được rút ra từ tư tưởng Di- lặc bổ xứ. Ban đầu, tín ngưỡng Di-đà được nhìn nhận là sự hóa thân của đức Phật Thích-ca trong pháp thân và báo thân, nhưng từ sau khi tư tưởng Di-đà trỗi dậy thì các tín đồ giáo phái này mở rộng ảnh hưởng của tông phái mình, xem Bồ -tát Quán thế âm là vị hầu cận đức Phật A -di-đà, nhằm tăng thêm uy đức cho đức Phật Di-đà nên người ta xem Bồ-tát Quán thế âm là bậc kế vị sau khi Phật Di-đà diệt độ, trộn lẫn hai hệ thống tư tưởng này lại để nhào nặn nên thứ sản phẩm của tông phái mình. Như vậy, từ khi kinh điển Đại thừa bắt đầu thành lập, thông lệ này trải qua thời gian lâu xa đến hàng trăm hàng ngàn năm, người ta tin sâu Bồ-tát Quán thế âm là vị “hầu cận”, “kế vị” của Phật A -di-đà, thói quen này tồn tại lâu ngày cho đến khi các nhà Tịnh độ tông sớm tối tụng đọc những kinh điển có liên quan, rồi chính họ cũng tin luôn rằng, Quán thế âm là vị Bồ -tát “hầu cận” và “kế vị” của đức Phật Di-đà. Đại khái là như vậy!
***
Trên đây đã thảo luận về tư tưởng “hầu cận” và “kế vị” từ vị trí của đức Quán thế âm, tôi muốn vấn đề này cần phải suy nghĩ thêm từ lập trường của Phật A- di-đà. Từ lập trường “bổn tôn” để nói về “hầu cận” cũng giống như hai cánh của một con chim, và tương tự hai bánh của chiếc xe kéo; nhờ có hai cánh mà chim mới có khả năng bay liệng trên không trung, nhờ có hai bánh mà cỗ xe có thể đi được suốt chặng đường dài. Vì vậy, đức Phật, Bồ-tát mang vị thế bổn tôn được đặt ở chính giữa, còn vị được chọn lựa làm hầu cận bên cạnh đều là những Bồ-tát có dung đức đặc biệt, trong trường hợp này do Bồ -tát Quán thế âm có năng lực cứu khổ ban vui, Phổ môn thị hiện nên được tiếp nhận vào vị thế ấy trước tiên. Nhưng quan niệm nhân gian cũng có điểm bất đồng, họ cho rằng sinh mệnh của chư Phật, Bồ-tát là bản nguyện, là bản thệ, nên chỉ có thể chọn lựa những nhân vật có tài năng phù hợp để phụ tá cho sức bản nguyện này. Do đó, vị “hầu cận” có đức từ bi, nhu hòa, thị hiện trong cuộc đời để cứu tế chúng sinh tương đương với Bồ -tát Quán thế âm, chính là Bồ-tát Thế chí, vì ngài có năng lực dẫn dụ chúng sinh hướng đến Tịnh độ nên được chọn vào vị trí “hầu cận” đức Phật A-di-đà.
Thế chí còn được gọi là Bồ-tát Đắc đại thế chí (Mahā-sthāma- prāpta). Trong kinh điển cũng nói: “Nếu những nơi nào vị Bồ-tát này đặt chân vào thì ba ngàn đại thiên thế giới và cung điện của ma đều chấn động”.1 Tăng Triệu (384-414) thời Đông Tấn cũng nói: “Có thế lực lớn, dùng thần thông lớn bay khắp mười phương, ngài đến đất nước nào thì nơi ấy bị chấn động sáu lần, các ác thú đều dứt bặt”,2 nên thế lực lớn là đặc trưng của Bồ-tát. Do đó, “Dùng ánh sáng trí tuệ soi khắp tất cả, khiến lìa ba đường ác, được sức mạnh vô thượng”.3 Khi chúng sinh lâm chung, ngài đến trước người ấy mà nghinh tiếp, giáo hóa sắp đặt, hướng dẫn sinh về thế giới Cực lạc. Vị Bồ-tát có đặc tính và nguyện lực này có nhiệm vụ hầu cận bên đức Phật A -di -đà, thệ nguyện dẫn đạo hết thảy chúng sinh vãng sinh về cõi nước Cực lạc.
1 Kinh Tư ích Phạm thiên sở vấn, quyển 3, phẩm Đàm luận, thứ 7 思益梵天所問經卷第三談論品第七[T15n0586, tr. 48c03].
2 Chú Duy-ma-cật kinh, quyển 1, phẩm Phật quốc, thứ 1 注維摩詰經卷第一佛國品第一 [T38n1775, tr. 331a28].
3 Kinh Phật thuyết quán Vô lượng thọ Phật 佛說觀無量壽佛經 [T12n0365, tr. 344a24].
Tìm hiểu kỹ vấn đề có liên quan đến cõi Cực lạc thì nhờ các học giả chuyên môn của Tịnh độ tông nghiên cứu, còn nội dung chương này chỉ dừng lại ở kết luận đơn giản về những vấn đề đã được trình bày trên.
Những ghi chép liên quan đến thế giới Cực lạc, có hơn sáu mươi bộ kinh nói về tư tưởng Tịnh độ của Phật giáo, trang nghiêm tráng lệ, nhiều màu nhiều sắc. Bàn về thế giới Cực lạc sở tại, kinh có ghi rằng: “Từ đây đến phương Tây, qua mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực lạc, cõi nước ấy có đức Phật hiệu là A -di- đà, hiện nay đang nói pháp. Này Xá-lợi-phất! vì sao cõi đó tên là Cực lạc? Vì chúng sinh trong cõi nước đó không có các khổ, chỉ thụ hưởng những điều vui, nên cõi đó tên là Cực lạc”.1 Song, chúng ta không thể biết tường tận được nơi chốn và thực tướng của cõi Cực lạc mà kinh này nói đến, cho nên cần phải nghiên cứu thêm để thấy rõ.
1 Kinh Phật thuyết A-di-đà, Tam tạng Cưu-ma-la-thập dịch 佛說阿彌陀經 [T12n0366, tr. 346c10].
Cực lạc, tiếng Phạn là sukhāvati, nói một cách nghiêm túc thì từ này có nghĩa là An lạc, nhưng cõi An lạc này tượng trưng cho một thế giới lý tưởng được thành tựu bởi bốn mươi tám lời nguyện của đức Phật A -di-đà; nước An lạc lý tưởng đó là mười vạn ức cõi nước trong đời vị lai, tức là thế giới tồn tại mãi mãi, chứ không phải tồn tại trong khoảnh khắc, ám chỉ rằng có sức bản nguyện để có thể an trụ vĩnh viễn. Không dừng lại ở đó, tham muốn của người đời thì vô hạn vô biên, không khi nào cảm thấy thỏa mãn, ý niệm mong ước mãi mãi không có chỗ tận cùng này bao hàm cả ý nghĩa về tương lai.
Theo thói quen tư duy của người Ấn Độ cổ đại thì kiếp sau người ta đều hướng đến phương Tây, trong câu “mặt trời lặn xuống phương Tây” (paścā) chứa đựng quan niệm về tương lai. Giải thích như vậy có thể hiểu rõ được lý tưởng của Phật giáo là bước vào “bến bờ giác ngộ”, tức cảnh giới niết-bàn (nibbāna), và lý tưởng ấy còn biểu hiện một cách chân thực về tính thống nhất với tư tưởng niết-bàn của Đại thừa.
Phật giáo hướng đến sự phát triển của Đại thừa nên nội dung niết- bàn dần dần từng bước chứa đựng ý nghĩa triết học sâu sắc, mà không chỉ dừng lại ở ý nghĩa “tịch diệt” như ban đầu. Tuyên bố Như Lai tồn tại vĩnh hằng, duy trì “Pháp tính chân như” trở thành thể tính của niết-bàn, đặc biệt khi đạt đến “Vô trụ xứ niết- bàn” (apratisthitanirvāna) thì có “đại bi” và “bát-nhã” theo cùng, sinh tử không chướng ngại, làm lợi lạc hữu tình đến tận đời vị lai. Do đó, nếu hiểu được Vô trụ xứ niết-bàn, Thế giới an lạc, hoặc Tịnh độ cực lạc thì chúng ta có thể tìm thấy tư tưởng Cực lạc quả thực không ngoa.
Từ xưa đến nay, người ta sống trong cõi đời hiện thực nhiễm ô này thì phiền não khổ đau là chuyện thường tình của nhân gian không ai tránh khỏi, vì chán ghét cõi này, ưa thích cõi kia nên họ đều khát khao thế giới Cực lạc của “Thắng nghĩa hữu” (paramārtha-sat). Đây là lối tư duy được xây dựng bằng sự hóa thân của hoa sen, có hiệu quả đích thực, đặc biệt trong thời kỳ mạt kiếp gặp bao cảnh chiến tranh loạn lạc nên cuộc đời khổ đau tồn tại càng thêm hợp lý.
Thật ra, toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo được xây dựng trên nền tảng khoa học, lìa xa truyền thống “xưa bày nay bắt chước”, không câu nệ bất kỳ hình thức nào, từ lập trường lý luận của Tịnh độ mà quán xét, thì Cực lạc chính là thế giới được thành tựu bởi bốn mươi tám lời nguyện của đức Phật A-di-đà biểu hiện trong sự nhất tâm niệm Phật tam-muội.
Ngoài ra, nếu muốn duy trì việc niệm Phật mãi mãi cả ngày lẫn đêm thì dũng mãnh thực hành là quan trọng nhất, nên ở đây cần phải có sự hiệp trợ của Bồ-tát Thế chí. Vị lai là sự tiếp nối của hiện tại, kéo dài của hiện tại, hiện tại không chỉ là một điểm mốc của thế giới vĩnh hằng, mà bản nguyện của hiện tại có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai, vì chúng thông suốt đến vô cùng tận, nên cần phải có niềm tin sâu sắc và nỗ lực thực tập không ngừng.
Do đó, xưng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán thế âm liền được cứu khổ ban vui, có thể xây dựng nên mối quan hệ với lời nguyện của đức Phật A- di- đà thọ mạng vô lượng. Như vậy, xem đức Phật A-di-đà là bổn tôn, Quán âm, Thế chí là hầu cận, là tư tưởng kế vị vào vị thế của Phật Di-đà sau khi ngài nhập diệt cũng chẳng có gì mâu thuẫn, vì nó phù hợp với tư tưởng Tịnh độ niết -bàn dài lâu vô hạn. Điều đó chẳng khác nào nước hồ trên núi ào ào dội xuống từ vách núi thăm thẳm cả ngàn thước, tạo thành thác nước ba dòng mà hết thảy loài người đều phải ngẩng đầu trông lên chiêm ngưỡng, đột nhiên thác nước ba dòng ấy hợp lưu tạo thành một con sông lớn, tưới tẩm cho đồng ruộng thêm phì nhiêu, chúng sinh thêm tươi mát, để cho tất cả sinh linh được bơi lội trong dòng sông xanh mát ấy.