Hình ảnh đức Phật là biểu tượng cho sự giác ngộ của Phật giáo, tức tượng trưng cho chân lý chứng đắc thông qua sự thể hội giữa nhân thân bằng xương bằng thịt và hiện tượng tinh thần. Tượng trưng cho chân lý chính là ý nghĩa cụ thể được trình hiện bởi hai phạm trù vật chất và tinh thần, cho nên, ý nghĩa này được gửi hồn vào tượng gỗ, tượng vẽ, đem những nguyên lý cụ thể mang tính tiên thiên và sự tốt đẹp trong tâm của từng người mà tượng trưng hóa hình ảnh đức Phật thông qua những chất liệu bằng giấy hoặc gỗ ấy. Như kinh Đại nhật ghi: “Tất cả hình tượng được sinh ra từ trí không thể nghĩ bàn”, gửi hồn qua tượng gỗ, tượng vẽ nên hình ảnh đức Phật, Bồ-tát chẳng qua chỉ là biểu tượng cho các cảnh giới giác ngộ, tức các ngài được hình ảnh hóa qua những chất liệu ấy mà thôi.
Cũng vậy, tượng Bồ-tát Quán thế âm suy cho cùng là sản phẩm được biểu hiện một cách cụ thể về toàn bộ thệ nguyện từ bi của Bồ-tát, cho nên hình ảnh đó tuyệt nhiên không phải là “ngẫu tượng”. Nhìn nhận nó như một ngẫu tượng hoặc không nhìn nhận nó như một ngẫu tượng hoàn toàn quyết định qua kinh nghiệm tâm linh của người nhìn như thế nào, người dùng thái độ tôn giáo thành kính - được gọi là “tướng vĩnh hằng” - để nhìn nhận thì sẽ không nhìn tượng Phật một cách đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà sẽ nhìn nhận nó như là biểu tượng cho một lý tưởng cụ thể của Bồ-tát Quán thế âm mà quy y lễ bái. Thực tại về Bồ-tát Quán thế âm, sự thiêng liêng thuần khiết của ngài, phẩm đức giải thoát của ngài hoàn toàn tuôn ra từ ý thức chủ quan của người chiêm ngưỡng.
Tượng Phật vốn là một vật thể đại biểu được chế tác từ tấm lòng khâm phục, mến mộ đức Thích tôn, thậm chí nó có thể xuất hiện vào giai đoạn cuối cuộc đời khi đức Thích tôn còn tại thế. Vào buổi ban đầu người ta vẫn chưa đạt đến trình độ tạo lập tượng Phật, mà chỉ dựa theo phong tục Ấn Độ cổ đại lấy những ký hiệu làm biểu tượng, như lấy pháp luân (dharmacakra) biểu thị cho đức Phật thuyết pháp, lấy cây bồ -đề biểu thị cho đức Phật thành đạo, lấy dấu chân tượng trưng cho đức Phật hành hóa. Những bức phù điêu cổ tại vùng Buddhagaya, Sanchi và Bharhūt là những bằng chứng thuyết minh cho sự thật này.
Song, nhờ nhân cách đức Phật cảm hóa nên số người quy thuận giáo pháp của ngài ngày một gia tăng, từ đó mà lòng kính lễ ngưỡng mộ dần dần thêm sâu. Nếu có khoảnh khắc nào xa rời đức Phật thì người ta cũng luôn nhớ nghĩ đến ngài, nên vạn bất đắc dĩ xu hướng chế tác tượng Phật được hình thành mang tính bách thiết. Thế là, khi đức Phật còn tại thế đã có vua Ưu -điền (Udayana) nước Kiều-thưởng-di (Kosambī) chiêm ngưỡng mến mộ ngài nên truyền sắc chỉ cho nhân dân trong nước bắt đầu thiết lập tượng Phật.
Đã lâu lắm rồi, đức Phật chưa quay lại cõi Diêm-phù-đề (Jambu -dīpa), vì ngài lên cõi trời Đao -lợi (Trayastriṃśa, còn gọi cõi trời Tam thập tam) thuyết pháp cho mẫu hậu. Lúc ấy, vua Ưu-điền lòng luôn sầu muộn, lúc nào cũng nghĩ đến đức Thế tôn, nên ngã bệnh nằm liệt giường. Các quần thần bàn bạc tìm cách chữa trị giúp bệnh tình quốc vương sớm thuyên giảm, bèn lấy gỗ chiên-đàn ngưu đầu (gosīrṣaka-candana)1 thâm niên, tức là loại gỗ thơm có màu đỏ, chế tác bức tượng Như Lai cao năm thước để an ủi quốc vương, nhờ đó mà quốc vương hết bệnh. Câu chuyện này lan truyền đến tai vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) thành Xá-vệ, vua cũng lấy vàng ròng đúc thành tượng Phật cao năm thước giống như tượng gỗ chiên-đàn trên. Như vậy, đây là hai tượng Phật đầu tiên xuất hiện ở cõi Diêm-phù-đề. Kinh Tăng nhất A-hàm cũng có trình bày sự kiện này.2
1 Chiên-đàn ngưu đầu 牛頭栴檀: còn gọi là chiên-đàn đỏ. Chiên-đàn là tên một loại gỗ thơm, có xuất xứ từ núi Đầu trâu, nên gọi là Ngưu đầu chiên-đàn. Danh nghĩa tập có ghi: “Kinh Chính pháp hội nói rằng: ‘Châu này có núi tên gọi là Cao Sơn, trên đỉnh Cao Sơn có nhiều ngưu đầu chiên-đàn, do thế đỉnh núi này giống như đầu trâu, và ở trên đỉnh núi cũng mọc nhiều cây chiên-đàn, nên gọi là Ngưu đầu’.”
2 Kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 28, phẩm Thính pháp, 36; kinh Đại phương tiện Phật báo ân, quyển 3; kinh Quán Phật tam-muội hải, quyển 6; kinh Đại thừa tạo tượng công đức hải, quyển thượng.
Lúc bấy giờ, đức Phật nói cho vua Ưu-điền biết về các công đức tạo lập tượng Phật như sau: “Đời này nhãn căn không hỏng, đời sau được mắt thiên nhãn, phân biệt rõ trắng đen, đây là nhờ công đức tạo lập tượng Phật. Hình thể được toàn vẹn, tâm suy nghĩ đúng đắn không bị mê lầm, sức mạnh hơn người thường, đây là nhờ công đức tạo lập tượng Phật. Không rơi vào đường ác, sau khi chết liền sinh lên cõi trời, nơi ấy làm đến bậc thiên vương, đây là nhờ phước lành tạo lập tượng Phật. Các phước lành khác không thể tính đếm, phước ấy không thể nghĩ bàn, danh thơm vang xa bốn phương, đều là kết quả phước thiện của việc tạo lập tượng Phật”.1 Rất nhiều chỗ bàn về lợi ích của việc tạo tượng, trời người đều được che chở rất lớn.
1 Kinh Tăng chi bộ, V, tr. 202 (anguttara-nikāya, V, p.202); bản Hán ghi: “Lúc bấy giờ đức Thế tôn lại dùng kệ trả lời [vua Ưu-điền] rằng: ‘Đại vương nay lắng nghe, ít nhiều diễn nghĩa ấy, việc làm hình tượng Phật, nay sẽ nói sơ lược: Mắt đời nay không hoại, sau được thiên nhãn nhìn, trắng đen phân biệt rõ, nhờ đức tạo tượng Phật. Hình thể sẽ đầy đủ, ý ngay không mê lầm, thế lực hơn người thường, nhờ tạo hình tượng Phật. Rốt không đọa chỗ dữ, mạng chung liền sinh thiên, nơi đó làm vua trời, nhờ phước tạo tượng Phật. Phước khác không thể kể, phước ấy không thể bàn, tiếng thơm bay khắp chốn, nhờ phước tạo tượng Phật’.” (kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 28, phẩm Thính pháp, 36 增壹阿含經卷第二十八聽法品第三十六 [T02n0125, tr.708b02]).
Như vậy, lúc đức Phật còn tại thế đã có tượng Phật tạc bằng gỗ, tượng Phật đúc bằng vàng lưu hành ở đời, mà trong các kinh điển căn bản cũng có ghi chép. Từ đó, sau khi đức Phật nhập diệt, việc tạo lập tượng Phật cứ như vậy mà lưu truyền mãi đến nhiều đời.
Phật giáo Tiểu thừa dần dần phát triển thành Phật giáo Đại thừa, chịu ảnh hưởng bởi nét mỹ thuật Kiền-đà-la (Gandhāra) nên việc chế tác tượng Phật ngày càng thịnh hành hơn. Trong kinh Ban-chu tam-muội do Chi-lâu-ca-sấm dịch thời Hậu Hán, trình bày một đoạn về “tam-muội” như sau: “Tạo hình tượng Phật, hoặc là họa vẽ, đều là dùng thành tựu tam-muội ấy”.1 Kinh này là dịch bản xưa nhất trong các kinh điển Phật giáo được phiên dịch; thời gian kết tập của kinh này suy đoán khoảng trên dưới năm trăm năm sau khi Phật diệt độ; việc tạo lập tượng Phật thời đại này là thực hiện theo “quán tướng tam-muội”.
1 Kinh Ban-chu tam-muội, quyển thượng, phẩm Tứ sự; kinh Bạt-bí Bồ-tát; kinh Hiền kiếp, quyển 1.
Chi-lâu-ca-sấm còn dịch bộ kinh Đạo hành bát-nhã vào năm thứ 2 niên hiệu Quang Hòa (179) đời Hán Linh đế. Kinh này cũng ghi: “Sau khi Phật ban-niết-bàn, có người tạo lập hình tượng Phật, quỳ lạy cúng dường; tượng này đoan chính trang nghiêm, không khác với đức Phật, mọi người nhìn thấy thì khen ngợi không ngớt lời, dùng hoa hương dây tơ kết cúng dường. Người thành kính xưng niệm danh hiệu Phật thì Phật hiện ở trong tượng, xưng niệm Bồ-tát Tát-đà-ba-luân (Sada-prarudita) thì trong tượng hiện ra Bồ -tát; tạo lập tượng Phật, là cầu phước cho mọi người”.1 Bồ-tát Tát-đà-ba-luân trong đoạn kinh vì cầu đại pháp bát-nhã, có thiện tâm từ phương Tây xa xuôi đi về phương Đông, vượt qua hai vạn dặm đến nước Kiền-đà-việt,2 để gặp Bồ- tát Đàm-mô -kiệt (Dharmodgata) học hỏi giáo pháp của ngài. Có thể Tát-đà-ba-luân là vị Bồ-tát có thật từ vùng Hy -lạp phía Tây nước Ấn Độ đến Kiền-đà-la vì mục đích cầu pháp, điều này không sai. Nhưng có thể nói, kinh Đạo hành bát-nhã này đương nhiên có liên quan mật thiết với kinh Ban-chu tam-muội, dựa vào đoạn ghi chép trên, có thể chứng minh rằng, vùng Kiền -đà-la đã có sự kiện tạo lập tượng Phật vào thế kỷ I sau Tây lịch hoặc thậm chí sớm hơn nữa.
1 Kinh Đạo hành bát-nhã, quyển 10 道行般若經卷第十[T08n0224, tr.476b17].
2 Nước Kiền-đà-việt dịch là Chúng Hương thành, chính là nước Kiền-đà-la ở Bắc Ấn Độ.
Trong các tượng Phật hiện tồn, trên tháp và lan can đô thị Amarāvatī tại miền Nam Ấn Độ có khắc họa tượng Phật, và tượng cổ được khai quật ở vùng Mathurā, đều là tác phẩm xuất hiện vào khoảng thế kỷ II sau Tây lịch. Liên quan đến tượng Phật ở Mathurā, vào đầu thế kỷ IV sau Tây lịch (399-413), khi Tam tạng Pháp Hiển chu du khắp Ấn Độ, ngài đã tận mắt trông thấy trong số các tượng Phật ở đây có điêu khắc tôn tượng Bồ-tát Quán thế âm. Ngài còn nói: “Cúng dường những người Ma-ha -diễn,1 tức Bát-nhã ba-la-mật, Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Quán thế âm”.2
1 Ma-ha-diễn 摩訶衍: (Skt. mahā-yāna), có nghĩa là Đại thừa, là từ tương phản với “hīna-yāna”, có nghĩa là Tiểu thừa.
2 Lịch du Thiên Trúc ký truyện.
Mathurā là một thành phố nằm giữa vùng Tây Bắc Ấn Độ và Trung Ấn Độ, là địa phương tạo lập tượng Phật thịnh hành trước đây. Ngũ Ấn thống nhất vào thế kỷ I sau Tây lịch, xây dựng thành một “vương quốc Kiền-đà-la lớn”, và là thời đại xuất hiện một vị vua bảo hộ Phật giáo, đó là vua Ca-nị-sắc-ca (kaniṣka) . Gần đây, Sơn Bản Trí Giáo (người Nhật Bản) đến vùng Kiền-đà-la du lịch, cũng cho biết vùng này có một tượng Quán âm dựng ở biên cảnh. Ông cho rằng, tượng Quán âm này được tạo lập trong khoảng thời gian từ thế kỷ I đến thế kỷ IV.1 Trên đỉnh đầu ngài Quán âm có Hóa Phật, từ chi tiết nhỏ trong lời trình bày này của ông chúng ta có thể suy ra rằng, đây là tượng Bồ-tát Quán thế âm cổ xưa nhất. Tạm thời không luận bàn về vấn đề này.
1 Phật giáo nghiên cứu, quyển 4, số 2 (Kiền-đà-la khảo cổ học lữ hành ký), tr.115.
Vào thế kỷ VII,1 Tam tạng Huyền Tráng đến Ấn Độ du hành, ngài cũng từng nói đến các nước Ô-da-na (Udyāna) tại miền Tây Bắc Ấn Độ, nước Ca-thấp- di-la (Kasmīra) tại miền Bắc Ấn Độ, nước Ma-yết-đà (Magadha) tại miền Trung Ấn Độ, nhìn thấy tượng Bồ-tát Quán tự tại đầy uy thần, nên cung kính lễ bái; đặc biệt, tại vùng Phật-đà -ca-da (Buddha-gayā) thuộc nước Ma- yết- đà có hai tôn tượng Bồ-tát Quán tự tại nổi tiếng cả hai vùng Nam Bắc.2
1 Nguyên tác ghi nhầm thế kỷ VI.[Nd]
2 Tây Vực ký, quyển 3 và quyển 4.
Nước Ô-da-na (Udyāna) và Ca- thấp-di-la (Kasmīra) là địa bàn thuộc thời kỳ hưng thịnh bậc nhất của nền mỹ thuật Kiền-đà- la, miền Trung Ấn Độ thì chịu ảnh hưởng của nghệ thuật triều đại Cấp-đa (Gupta). Từ vùng đất Ấn Độ này, có thể thấy được mô-típ mỹ thuật Hy-lạp hoặc gọi là nét mỹ thuật theo thể thức Kiền-đà-la và nghệ thuật triều đại Cấp -đa có dáng dấp mang đậm tính chất nghệ thuật Ấn Độ, hai mô-típ nghệ thuật này đều có ảnh hưởng rất lớn đến hình tượng Bồ-tát Quán thế âm mà chúng ta cần phải lưu ý.
Bây giờ đề cập đến tượng Quán âm xưa, chúng ta không thể không nêu ra lối điêu khắc ở hai hang động Kanheri và Ellora của Ấn Độ. Bức họa ở chính giữa động Kanheri có tượng Bồ-tát Quán thế âm, hai bên biểu thị hình tướng cứu trợ các nạn; tượng Bồ-tát Quán thế âm ở động Ellora là tượng khắc đứng hầu bên cạnh đức Phật A-di-đà. Cả hai bức tượng đều được chế tác vào thế kỷ VI sau Tây lịch.
Nét đặc sắc u huyền nhất trong mỹ thuật Phật giáo có lẽ là thánh tượng Bồ-tát Quán thế âm. Đặc biệt, hơn một nửa sản phẩm mỹ thuật Phật giáo mà Nhật Bản đang sở hữu là hình tượng Bồ-tát Quán thế âm, nhận định này không hề bị coi là quá lời! Chúng ta nghiên cứu hiện vật gì nhiều nhất trong các tượng Phật - được coi là quốc bảo của Nhật Bản - thì rốt cuộc vẫn là thánh tượng Bồ-tát Quán thế âm. Tất cả những hiện vật điêu khắc và hội họa cộng lại đến hơn bốn trăm năm mươi đơn vị, trong đó ba tượng Quán âm cổ được coi là sớm nhất, còn những di vật trân quý khác thời xưa thì khá nhiều.
Nói chung, người có khả năng chế tác tượng Phật đương nhiên cần phải có lòng tin cực sâu, cho nên thánh tượng Bồ-tát Quán thế âm trong mỹ thuật Nhật Bản rất nhiều, điều này chứng tỏ trạng thái tâm lý tín ngưỡng Bồ-tát Quán thế âm của người dân nước này rất phổ biến, rất mãnh liệt. Nhưng, đối với các tác phẩm thánh tượng Bồ-tát Quán thế âm này trong kho tàng quốc bảo Nhật Bản, khi tham bái cần phải lưu ý một điều rằng, do thời đại xuất hiện khác nhau nên phong cách những tác phẩm ấy cũng có chỗ khác nhau. Nhờ Mật giáo từ phương Đông truyền sang bằng đường biển nên nền mỹ thuật Phật giáo Nhật Bản xuất hiện có nét khu biệt rất lớn so với quá khứ. Từ đây về sau, những thánh tượng Phật, Bồ-tát, bất luận là do hội họa hay điêu khắc đều phải tuân theo Nghi quỹ nhất định để chế tác.
Nghi quỹ (kalpa sūtra) là kinh điển ghi chép những nghi thức, phép tắc của Mật bộ, do tám đại sư Tối Trừng, Không Hải, Thường Hiểu, Viên Hạnh, Viên Nhân, Huệ Vận, Viên Trân và Tông Duệ mang đến Nhật Bản, mà mọi người hay gọi là “Bát gia tương thừa”. Nguồn gốc của Nghi quỹ này là những lời dạy để lại của đức Phật do Bồ-tát Long Thọ (Nāgārjuna, khoảng thế kỷ II, III) mở tháp sắt Nam Thiên, tiếp nhận trực tiếp từ lời tụng của Kim Cương Tát-đỏa (Vajrasattva)1 truyền trao, được Thiện Vô Úy (Subhakara-simha, 637-736) người miền Đông Ấn Độ và Bất Không (Amoghavajra, 705-774) người nước Sư Tử thuộc miền Nam Ấn Độ sao chép rồi phiên dịch. Những ai coi trọng việc nghiên cứu thánh tượng Phật, Bồ- tát, ngoài Nghi quỹ thuộc Mật bộ, cần phải tham chiếu kinh Quán Phật tam-muội hải, kinh Đà-la-ni tập… Tuy nhiên, kinh điển Nghi quỹ thuộc Mật bộ này khá phức tạp, cho nên những ai muốn chiêm ngưỡng, lễ tán bản tướng nguyên thủy của Bồ-tát Quán thế âm cũng sẽ cảm thấy rất khó khăn. Ngày nay, muốn tìm hiểu cặn kẽ về bản tướng ấy thì chỉ có thể dựa vào những tác phẩm hội họa, điêu khắc của nghi quỹ chuẩn tắc mới có thể hiểu thêm chút ít về “chân dung” Bồ-tát Quán thế âm.
1 Kim Cương tát-đỏa là nội quyến thuộc của Đại Nhật Như Lai, là thượng thủ trong Chấp Kim Cương, trở thành đối cáo chủ của kinh Đại nhật, an trí ở cung Kim cương pháp giới, đích thân được nhận giáo chỉ của Như Lai, đem Mật thừa truyền đến cõi nhân gian, được tôn xưng là vị Tổ thứ 2 được phó pháp của Mật giáo.
Dung mạo từ hòa của đức Quán thế âm, chúng ta có thể kể ra đến hơn mười chủng loại. Ở đây để tránh rườm rà, tôi phân chia khái quát thành hai loại lớn: tượng ngồi và tượng đứng.
Trước hết là nghiên cứu về tượng ngồi. Theo phương pháp hội họa2 thì tượng Bồ-tát Quán thế âm toàn thân màu trắng, tay cầm bách bảo trang nghiêm, ngồi kết-già trên tòa sen, đầu đội mũ hoa có thất bảo trang nghiêm, phóng ra nhiều lớp hào quang, trên mũ hoa có an trí Hóa Phật đứng, phóng vầng hào quang màu đỏ, vầng hào quang này hội tụ lại thành màu đỏ, lưng tượng dựa vào đài bằng gấm thêu thất bảo; cánh tay trái gập lại để trước ngực, cong ngón tay giữa thẳng hướng về phía trước; gập cánh tay phải chầu hướng trên tay trái, ngón trỏ và ngón cái co lại áp sát vào nhau, để cong mềm mại trên ngón giữa của tay trái; trên cổ đeo bảo châu anh lạc, hai cổ tay đeo vòng tròn báu; trên bắp tay quấn mảnh vải màu trắng, trên thân mặc y phục sắc màu lộng lẫy.
2 Kinh Phật thuyết đà-la-ni tập, quyển 5, Họa Quán thế âm Bồ-tát pháp 佛說陀羅尼集經卷第五畫觀世音菩薩像法 [T18n0901, tr.828a18].
Đặc biệt, trong kinh Thần biến chân ngôn có nói: “Thánh giả Quán thế âm Bồ-tát ma-ha-tát, thân màu vàng ròng, diện mạo tươi sáng, tay trái để trước ngực, cầm hoa sen báu, tay phải lần tràng hạt, ngồi thế kết-già”,1 cho thấy bức tượng Quán âm tay trái cầm hoa sen, tay phải lần tràng hạt.
1 Kinh Bất Không quyến sách thần biến chân ngôn, quyển 2, phẩm Bí mật tâm chân ngôn 不空羂索神變真言經卷第二祕密心真言品 [T20n1092, tr.234c15].
Hơn nữa, trong phẩm Quán tự tại Bồ-tát thọ ký có ghi: “Bên phải ứng họa Bồ-tát Quán tự tại, ngồi trên hoa sen, chắp tay chiêm ngưỡng, cầm hoa sen trắng, thân màu trắng hồng, đầu đội mũ báu, bên trái có buộc dây thiêng màu trắng”.2
2 Kinh Phật thuyết đại phương quảng Mạn-thù-thất-lợi, phẩm Quán tự tại Bồ-tát thọ ký 佛說大方廣曼殊室利經觀自在菩薩授記品 [T20n1101, tr.451c26].
Hình tượng được kết hợp một cách đại khái với các kinh quỹ1 này có thể là hình tượng Quán âm của “Thai tạng giới mạn-đồ- la Liên hoa bộ” trong “Hai bộ mạn-đồ -la [Kim cương giới và Thai tạng giới]”, trên mũ có an trí Hóa Phật ngồi, tay trái nắm quyền để trước ngực, cầm hoa sen, bàn tay phải dựng đứng hướng sang một bên, bốn ngón co lại như hoa nở, ngồi thế kết-già trên hoa sen báu. Đức Quán âm được mô tả trong lịch sử mỹ thuật Phật giáo đại thể đều theo tôn dung này, những điều ghi chép trong Thập quyển sao,2 A-sa-phược sao3… cũng phù hợp và thống nhất với sự mô tả này.
1 Kinh quỹ 經軌: kinh điển và nghi quỹ của Mật giáo. Trong Mật giáo, thầy trò truyền thừa nhau, miệng tai truyền trao nhau, đều phải lấy kinh quỹ làm y cứ, nên gọi là Kinh quỹ.[Nd]
2 Thập quyển sao 十卷抄: còn gọi là Đồ tượng sao, Tôn dung sao, Huệ Thập sao. Gồm 10 quyển, do ngài Huệ Thập thuộc tông Chân ngôn Nhật Bản soạn. Sách này nói rõ về tên tiếng Phạn, mật hiệu, chủng tử, hình tam-muội-da, đạo tràng quán, ấn khế, chân ngôn, hình tượng của chư tôn và các loại mạn-đồ-la; đồng thời trình bày về phép cúng dường theo thứ tự trong Mật giáo. Theo bản chép tay hiện được cất giữ ở viện Thường Lạc tại Minh Lang, Kyoto thì nội dung sách này chia làm 6 bộ: Chư Phật bộ, Kinh bộ, Chư Bồ-tát bộ, Quán âm bộ, Phẫn nộ bộ và chư Thiên bộ, tổng cộng gồm 100 vị tôn và 6 pháp.[Nd]
3 A-sa-phược sao 阿娑縛抄: gồm 228 quyển, do vị Tăng thuộc tông Thiên thai, Nhật Bản là Thừa Trừng biên soạn, là tập đại thành về giáo tướng và sự tướng của các dòng Thai mật, có thể sánh ngang với Giác Thiền sao của Đông mật. Bởi vì chữ “A” là chủng tử của Phật bộ, chữ “Sa” là chủng tử của Liên hoa bộ, chữ “phược” là chủng tử của Kim cương bộ. Ba chữ này tức tượng trưng cho toàn bộ sự tướng của toàn bộ sách.[Nd]
Căn cứ vào một tài liệu khác, ở gian chính giữa là Bồ-tát Quán tự tại, tay trái cầm hoa sen hồng, tay phải duỗi thẳng xuống như tư thế rảy nước bố thí cho quỷ đói, nhưng mái tóc thì búi lại, thân mặc áo trắng, có trân bảo anh lạc trang nghiêm thân, ngồi thế kết- già trên hoa sen. Ngoài ra, gian bên phải an trí Bồ-tát Đại thế chí, gian bên trái an trí Bồ -tát Phổ hiền, mỗi vị cầm một cái phất màu trắng. Phong cách hội họa này được ghi chép trong kinh A-lị-đa-la Đà-la-ni A-lỗ-lực1 và ở Giác Thiền sao2 cũng trình bày giống với nội dung vừa nêu trên.
1 Kinh A-lị-đa-la Đà-la-ni A-lỗ-lực 阿唎多羅陀羅尼阿嚕力經 [T20n1039, tr.25a05].
2 Giác Thiền sao 覺禪抄: là cuốn sách được tôn trọng nhất về nghiên cứu sự tướng của Đông Mật. Giác Thiền là người am tường kinh quỹ, soạn tác phẩm này trong khoảng thời gian 40 năm, tức từ năm thứ 2 niên hiệu An Nguyên (1176) đến năm thứ 5 niên hiệu Kiến Bảo (1217) mới hoàn thành, viết về đàn tu pháp và các tượng vẽ, tính hơn trăm quyển.
Trong tướng báu của Thánh Quán âm, tóc trên đầu xoáy lên phía trên, búi tóc giống như chiếc mũ, nên gọi là “Phát kế quan” (Mũ búi tóc), là hình thức cổ xưa nhất trong các tượng Thánh Quán âm, cho nên có thuyết nói rằng, tượng đứng có mặt sớm hơn so với tượng ngồi. Liên quan đến tượng ngồi, trong các kinh điển khác còn trình bày có tượng ngồi bán già, tay trái của Bồ -tát Quán thế âm cầm hoa sen, tay phải đặt trên hông, úp lòng bàn tay vào lòng hướng lên trên, ngồi thế bán già.3
3 Kinh Bất Không quyến sách thần biến chân ngôn, quyển 9 不空羂索神變真言經卷第九 [T20n1092, tr.269c16].
Phần lớn tượng Thánh Quán âm ngồi trên tòa sen như trên mô tả, tay cầm hoa sen đã nở, hoặc cầm búp sen, do đó Bồ-tát Thánh Quán thế âm là bộ chủ của Thai tạng giới thuộc Liên hoa bộ.
Từ thánh tượng nguyên thủy nhất- tức tượng Quán âm hang động Kanheri - để chứng minh thêm thì đây cũng là thánh tượng tay cầm búp sen, lòng bàn tay trái tượng trưng cho hoa sen, biểu thị rằng tất cả loài hữu tình đều có tính Như Lai tạng, tự tính thanh tịnh sáng suốt; tay phải để trước ngực, tạo tư thế cánh hoa nở, có nghĩa tính Như Lai tạng là Tam-ma-da (Samaya) tượng trưng cho sen tâm nở.
Tiếp theo, tìm hiểu về kinh sách điển tịch cổ có liên quan đến tượng đứng. Bồ-tát Quán tự tại đứng trên hoa sen, thân có bốn cánh tay, tay trên bên phải cầm bản kinh tiếng Phạn, tay dưới bên phải nắm tràng hạt, tay trên bên trái cầm hoa sen trắng, tay dưới bên trái nắm quân-trì.1 Thánh tượng bốn tay là tác phẩm xuất hiện muộn hơn ở thời kỳ sau này, vốn là hình thái biến cách, khác nhau khá xa so với hình tướng đức Quán âm nguyên thủy, nên tôi cho rằng đây không thuộc vào loại hình của tượng Thánh Quán âm.
1 Kinh Nhất thiết công đức trang nghiêm vương [T21n1374, tr.892b20], nguyên tác ghi nhầm “左下手把住裙裾 tả hạ thủ bả trụ quần cư- tay dưới bên trái nắm chặt tà áo” [Nd].
Tượng Bồ-tát Quán thế âm có nét biến cách tương tự với loại hình này lần lượt được chế tác sau này, nó tượng trưng cho sức uy thần ứng hiện tâm lượng rộng cứu chúng sinh, nên có thể loại này bị ảnh hưởng bởi các tượng thần của Bà-la-môn giáo. Do đó, ngay cả dung tướng không thể nghĩ bàn của đức “Quán âm ngàn tay ngàn mắt” đời sau cũng lần lượt được họa vẽ, chế tác ra.