Bồ-tát Quán thế âm có nhiều danh xưng khác nhau. Từ xa xưa, Phật giáo thường dùng “danh xưng để giải thích tự tính” của sự vật, bất luận gọi tên gì đi nữa cũng đều hiện ra bản thể của nó. Cho nên giải thích danh xưng của một sự vật thì ngay tức khắc có thể hiểu được đặc trưng về tự tính của nó. Như vậy có thể nói, nghiên cứu tên gọi khác của Bồ -tát Quán thế âm, chúng ta sẽ biết được đặc tính về bản nguyện của vị Bồ-tát này.
Quán âm có một tên gọi khác là Đại bi thánh giả (Mahā-karunā-ārya),1 tức Bồ- tát Quán thế âm là vị thánh linh lấy từ bi làm bản thể, là bậc đã giải thoát hết thảy những khổ não tinh thần lẫn khổ đau nhục thể. Lòng từ bi tuyệt đối của Bồ -tát được thể hiện ở chỗ: do chúng sinh hoạn nạn bệnh tật nên Bồ-tát cũng sống trong bệnh tật, xem bệnh tật của tất cả chúng sinh như bệnh tật của chính mình, hiểu sâu được sự thống khổ, nếu không cứu được bệnh khổ của tất cả chúng sinh thì Bồ-tát thề sẽ không nhập niết -bàn. Do đó, chúng sinh sống trong rừng phiền não, vườn tội ác, vì mê lầm nên ném thân mình vào đường ác quỷ la-sát nên Bồ-tát cũng thiết thực lập thệ nguyện: Nếu không cứu hộ chúng sinh thoát ly khổ nạn này thì ta thề không thành Phật. Do bậc thánh giả phát lời thệ nguyện như vậy nên cũng được gọi là “Đấng cứu khổ cứu nạn”, hoặc “Cứu thế tát-đỏa”, cũng được khen ngợi là “Đấng đại bi đại danh xưng cứu hộ khổ ách”,2 hoặc “Đấng nghe tên cứu ách”, hoặc “Bậc cha lành của thế gian”.3 Do Quán âm là nguồn gốc của từ bi nên trong kinh Tô-tất-địa-yết-la có nói: “Đại bi cứu chúng sinh, trí khéo dẫn tất cả”;4 trong phẩm Phổ môn cũng có câu: “Sức diệu trí Quán âm, thường cứu khổ thế gian”, do đó cũng gọi ngài là “Đấng cứu đời” hoặc là “Bậc Tát-đỏa cứu khổ”.
1 Kinh Quán tự tại Bồ-tát thọ ký, Đàm-mô-kiệt dịch thời Lưu Tống.
2 Kinh Thỉnh Quán thế âm Bồ-tát tiêu phục độc hại đà-la-ni chú 請觀世音菩薩消伏毒害陀羅尼呪經 [T20n1043, tr. 34c18].
3 Viên thông đại sĩ sám-ma 圓通大士懺摩 trong Thỉnh Quán thế âm Bồ-tát tiêu phục độc hại đà-la-ni tam-muội nghi [請觀世音菩薩消伏毒害陀羅尼三昧儀] cũng có danh xưng này “Ngã kim khể thủ lễ, Văn danh cứu ách giả, Ngã kim tự quy y, Thế gian từ bi phụ我今稽首禮.聞名救厄者.我今自歸依.世間慈悲父 [T46n1949, tr. 970c28], [Nd].
4 Kinh Tô-tất-địa-yết-la, quyển trung 蘇悉地羯囉經卷中 [T18n0893a, tr.617b07]
Ngoài ra, Bồ-tát Quán thế âm còn gọi là bậc Thí vô úy. Trong kinh Thỉnh Quán âm có câu: “Xưng tán bậc đại bi Thí vô úy”,1 khi chúng ta lễ bái cúng dường Bồ-tát Quán thế âm, đồng thời chính mình cũng hòa nhập và chìm lắng vào tính thiêng liêng này, khi đạt đến cảnh giới thiêng liêng tương tức thì sẽ có được tâm lượng thong dong tự tại, có được khí khái với sức mạnh vĩ đại không còn sợ hãi. Nếu dựa vào triết lý của kinh Lăng nghiêm thì sự hòa nhập này nghĩa là từ văn - tư - tu tiến vào cảnh giới tam-muội; ngược lại, cái biết đã là không thì sẽ sáng tỏ được cảnh giới được sinh ra từ hai tướng động và tĩnh. Từ cảnh giới tam-muội hiển hiện ra mười bốn sức thần thông vô úy và bốn đức nhiệm mầu vô tác, ở kinh có câu: “Do tính nghe và suy nghĩ của tôi thoát ngoài sáu trần, như âm thanh luồn xuyên qua vách, không thể ngăn ngại, cho nên tôi còn có thể hiện ra nhiều hình tướng và nói vô số chân ngôn bí mật. Hình tướng ấy, chân ngôn ấy có thể đem sức vô úy ban bố cho các chúng sinh. Vì vậy cõi nước trong mười phương nhiều như vi trần đều gọi tôi là vị Thí vô úy”.2
1 Kinh Thỉnh Quán thế âm Bồ-tát tiêu phục độc hại đà-la-ni chú 請觀世音菩薩消伏毒害陀羅尼呪經 [T20n1043, tr.35c14].
2 Kinh Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh Thủ lăng nghiêm, quyển 6 大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經卷第六 [T19n0945, tr.129c15].
Đấng tôn quý cứu đời trở thành vị thủ hộ có uy thần như vậy, cho nên đức Thế tôn cũng có lúc khen ngợi uy lực của Bồ- tát rằng: “Quán thế âm Bồ-tát ma-ha-tát, ở trong sợ hãi cấp nạn, có thể ban bố cho sự vô úy, cho nên thế giới Sa-bà đều gọi ngài là vị Thí vô úy”.1
1 Kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Quán thế âm Bồ-tát Phổ môn, 25, Tam tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch văn trường hàng đời Dao Tần, Sa-môn Xà-na-quật-đa người Bắc Thiên Trúc dịch trùng tụng đời Tùy 妙法蓮華經觀世音菩薩普門品第二十五姚秦三藏法師鳩摩羅什譯長行隋北天竺沙門闍那崛多譯重頌 [T09n0262, tr.57b22].
Quán âm cũng được gọi là Quán âm đại sĩ. Viên thông có nghĩa là “lấy cái trùm khắp dung thông làm nghĩa, viên là đầy đủ cả hai đức pháp thân và bát- nhã; thông là con đường bằng phẳng, ba đời không bị che lấp. Nói cách khác, viên thông tức là đức giải thoát, ở đây dựa vào lý mà giải thích về viên thông”.1
1 Thế chí viên thông chương khoa giải 勢至圓通章科解 [X16n0310, tr.370b04].
Quán âm có nhĩ căn viên thông, cũng gọi là Viên thông đại sĩ và Viên thông tôn. Trong Viên thông của hai mươi lăm vị thánh mà kinh Thủ lăng nghiêm nói đến thì “Nhĩ căn viên thông” của Bồ-tát Quán âm là hơn hẳn, nếu có kinh nghiệm ở phương diện tôn giáo này thì mới có thể đưa ra luận chứng đúng.
Từ trước đến nay, Quán thế âm là vị Bồ-tát cứu độ tất cả chúng sinh trong thế giới hiện thực này; nhưng cũng có thuyết cho rằng, trong đời quá khứ ngài đã thành Phật, gọi là Chính pháp minh Như Lai, hiệu là Quán âm Như Lai.
Trong kinh Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà-la-ni có nói: “Bồ-tát Quán thế âm này có sức uy thần không thể nghĩ bàn, trong vô lượng kiếp quá khứ đã thành Phật, hiệu là Chính pháp minh Như Lai. Có nguyện lực đại bi, vì muốn phát khởi cho tất cả Bồ -tát, khiến cho các chúng sinh an lạc thành thục, nên hiện thân hình Bồ-tát”.2
2 Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm Bồ-tát quảng địa viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni 千手千眼觀世音菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼經 [T20n1060, tr.110a10].
Hơn nữa, trong kinh Thủ lăng nghiêm cũng nói: “Do tôi cúng dường Quán âm Như Lai, được đức Như Lai kia truyền trao cho tôi như huyễn, văn huân văn tu kim cang tam-muội, do cùng sức từ bi với đức Phật Như Lai nên khiến thân tôi thành tựu ba mươi hai ứng thân mà vào các cõi nước”.1
1 Kinh Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh Thủ lăng nghiêm, quyển 6 大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經卷第六 [T19n0945, tr. 128b26].
Kinh Quyết định tổng trì có đoạn nêu ra danh hiệu “Quang thế âm Như Lai”: “Khi còn trong đời lâu xa của kiếp quá khứ, trải qua ba mươi hai kiếp trong thế giới Diệm Khí, có đức Phật tên là Quang thế âm Như Lai”.2 Không cần phải nói thì ta cũng biết Quang thế âm chính là tên gọi khác của Quán thế âm. Như vậy, càng khẳng định rằng Quán thế âm đã từng thành Phật từ số kiếp lâu xa trong đời quá khứ. Vấn đề này đặc biệt nên chú ý.
2 Kinh Phật thuyết quyết định tổng trì 佛說決定總持經 [T17n0811, tr.771a26].
Trong kinh Quán âm tam- muội lại bảo, đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng đã từng quy y với Bồ-tát Quán thế âm, từng làm đệ tử khổ hạnh của Bồ-tát Quán thế âm. Do đó có thể kết luận: vị Bồ-tát này đã thành Phật, gọi là Quán âm Như Lai hoặc là Quán tự tại vương Như Lai. Thai tạng giới tam bộ bí thích thừa nhận thuyết này, tôn Quán tự tại vương là vị bổn tôn của Trung đài Bát diệp viện, an trí tại Quán âm viện và kết luận rằng: “Bồ-tát Quán thế âm là Phật đã thành, vì bản nguyện của mình mà ngài thị hiện thành Bồ-tát có lòng đại bi; vậy thì tìm hiểu về bản giác của ngài dễ dàng trở thành tôn vị của Phật bộ; tìm hiểu về bản thệ của ngài dễ dàng trở thành tôn vị của Liên hoa bộ; cho nên dựa vào bản giác của ngài mà tôn thờ ngài ở Trung đài Bát diệp viện, dựa vào bản thệ của ngài mà an trí ngài ở Quán âm viện”.
Người chủ trương giống với thuyết trên là đại sư Trí Giả (538-597) tông Thiên Thai. Đại sư cho rằng Quán âm đã thành Phật, hiệu là “Chính pháp minh Như Lai”, Thích-ca Như Lai cũng là đệ tử tu khổ hạnh của ngài, vậy thì quyết định bản thể Quán âm là vị Bồ-tát sẽ thành Phật trong tương lai hay là vị Phật đã thành ở quá khứ?
Từ bản thể luận mà xét, chủ trương Quán âm là pháp thân, do sức cảm ứng mà ngài thị hiện tế độ chúng sinh, quan điểm này thuộc về tác dụng quyền biến của Bồ-tát Quán thế âm. Các học giả Nhật Bản cũng thuận theo quan điểm này, thuyết minh “Bồ-tát Quán tự tại là đức Chính pháp minh Như Lai đời quá khứ, do giữ vững bản nguyện của mình nên hóa hiện làm thân tướng Bồ -tát để bạt tế hết thảy khổ não thế gian”.1 Cho nên Quán âm là một vị Phật đã thành, nghiên cứu rốt ráo thì tư tưởng Bồ-tát Quán thế âm là mẹ của chư Phật, và là nguyên lý của việc tu đạo, nên trở thành nguồn gốc tư tưởng của Bồ-tát.
1 Đông Đại tự yếu lục, quyển 8, 東大寺要録 được ghi lại trong văn Đại Phật điện Tây mạn-đồ-la Đông lục.
Đặc biệt, vị Bồ-tát này được tôn xưng là “Phổ Quang công đức sơn vương Như Lai” ở đời vị lai. Căn cứ vào bản kinh Quán thế âm Bồ-tát thọ ký do Đàm- mô- kiệt (Dharmodgata) dịch, Quán âm sẽ thành Phật sau khi đức A-di- đà Như Lai diệt độ, đức Phật ấy hiệu là “Phổ Quang công đức sơn vương Như Lai”, và ghi rằng cõi nước có tên “Chúng bảo phổ tập trang nghiêm thế giới”.1
1 Kinh Quán thế âm Bồ tát thọ ký 觀世音菩薩授記經 [T12n0371, tr.357a13].
Hơn nữa, đại sư Cát Tạng (549-623) chùa Gia Tường dẫn dụng kinh Đại bi hoằng mãnh tuệ hải rằng: “Thuở xưa, ở cõi Diêm-phù-đề có vị vua tên là Thiện Thủ. Vua có năm trăm vương tử, người con thứ nhất tên là Thiện Quang, lúc bấy giờ gặp đức Không vương Quán âm Phật, phát mười nguyện lớn,2 lập thệ nguyện tương lai khi thành Phật thì ắt sẽ thành Phật Quán thế âm”.3
2 Mười nguyện lớn: 1. Hiểu tất cả pháp; 2. Lên thuyền bát-nhã; 3. Gặp gió trí tuệ; 4. Có phương tiện khéo; 5. Độ tất cả người; 6. Khiến vượt biển khổ; 7. Được đầy đủ giới; 8. Lên núi niết-bàn; 9. Ở nhà vô vi; 10. Cùng thân pháp tính.
3 Pháp hoa nghĩa sớ, quyển 12 cũng có dẫn lại đoạn kinh này 法華義疏卷第十二 [T34n1721, tr.628c03].
Trong kinh Bi hoa do Đàm-mô -sấm (Dharma-raksa) dịch thời Bắc Lương có ghi danh hiệu “Biến xuất nhất thiết quang minh công đức sơn vương Như Lai (Samanta-rasmy-udgata-srikūta- rāja)”, trình bày sau khi đức Phật A-di- đà ở thế giới Tây phương Cực lạc vào niết -bàn, ngài Quán âm cũng thành Phật, hiệu là “Biến xuất nhất thiết quang minh công đức sơn vương Như Lai”.4 Thuyết này có nghĩa là, mặc dù ngài Quán âm là Bồ-tát nhưng sẽ thành Phật ở đời vị lai. Thuyết “đương lai thành Phật” đã nói ấy, có thể xem là thuyết được diễn dịch từ tư tưởng “Kế vị” của đức Phật Di-đà.
4 Kinh Bi hoa, quyển 3, phẩm Chư Bồ-tát bản thọ ký 悲華經卷第三諸菩薩本授記品 [T03n0157, tr.186a20].
Ngoài ra, Bồ-tát Quán thế âm còn có rất nhiều danh xưng, đặc biệt trong kinh điển Mật tông có thể thấy chỉ có một vị Bồ-tát này nhưng mang vô số tên gọi khác nhau, nhiều đến thiên hình vạn trạng. Kinh Đại nhật có đoạn ghi chép danh hiệu “Đại tinh tấn Quán thế tự tại”: “Đại tinh tấn Quán thế tự tại ở phương Bắc, hào quang như trăng sáng, màu thương -khư (śaṅkha), hoa quân-na (kunda), mỉm cười ngồi trên hoa sen trắng, trên đỉnh đầu hiện đức Vô lượng thọ”.1 Trong Nghi quỹ2 gọi là “Đại bi đại từ chủ”.
1 Kinh Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì, quyển 1, phẩm Nhập mạn-đồ-la cụ duyên chân ngôn 大毘盧遮那成佛神變加持經卷第一入漫茶羅具緣真言品第二之一 [T18n0848, tr.6c29].
2 Nghi quỹ 儀軌: (Skt. kalpa sūtra), gọi đủ là Bí mật Du-già quán hành nghi quỹ, Niệm tụng nghi quỹ, Bí mật nghi quỹ, Tam-ma-địa nghi quỹ. Từ gọi chung các kinh điển nói về những nghi thức, quỹ tắc trong Mật giáo. Vì các tông thuộc Mật bộ rất nhiều và pháp tu của các vị đều khác nhau, cho nên kinh quỹ cũng rất nhiều, không dưới con số 100 quyển. Từ đời Tống, Nguyên về sau, trong các bản Đại tạng kinh tuy đều có thu chép, nhưng đến nay đa số đã không còn lưu hành ở Trung Quốc, mà chỉ còn truyền bá ở Nhật Bản.
Lại nữa, do trong tay cầm hoa sen nên cũng gọi ngài là Bồ-tát “Liên hoa thủ”, hoặc “Bát- đàm-ma hoa thủ” (padmapāṇi). Hoa sen có mối quan hệ đặc thù với Bồ-tát Quán thế âm, mắt ngài Quán âm tràn đầy trí tuệ và từ ái giống như hoa sen xanh, nên mật hiệu của ngài là “Liên hoa nhãn” (padma-caksur).3
3 Đại nhật kinh trì trụng thứ đệ nghi quỹ 大日經持誦次第儀軌 [T18n0860, tr.186c12].
Xưa nay, mọi người đều tin rằng, Bồ-tát Quán thế âm cư trú trên đỉnh núi Bổ-đà-lạc-ca (Potalaka) tại Nam Hải, nên gọi ngài là Nam Hải đại sĩ, hoặc gọi là Nam Hải Bồ- tát. “Nam Hải” được nói đến ở đây, nếu lấy thuyết của kinh Hoa nghiêm làm chuẩn thì nơi này chỉ cho “Bờ biển phía Nam Ấn Độ”, cũng chính là núi Quang Minh ở bờ biển phía Nam Ấn Độ trong truyền thuyết, tức thánh địa của Bồ-tát Quán thế âm. Núi Quang Minh chính là núi Bổ-đà-lạc-ca (Potalaka) ở vùng Malaya thuộc miền nam Ấn Độ.1
1 Xem chương 14 “Nghiên cứu về Bổ-đà-lạc-ca”.
Quán âm còn có một tên chữ nữa là “Bổ-đà đại sĩ”, tức người ta dựa vào tên núi kia mà đặt tên cho Bồ -tát. Theo kinh điển xưa, Bồ- tát Quán thế âm thường từ núi Bổ-đà-lạc-ca xuống biển phía Nam xem xét, không cần phải nói thì chúng ta cũng biết đường biển là tỉ dụ cho cuộc sống con người, vì nhân duyên này nên gọi ngài là “Từ thuyền đại sĩ”, vì ngư dân và người tham gia giao thông đường biển luôn quy ngưỡng ngài, tôn sùng ngài là vị “Thần thủ hộ” trên biển.
Sức uy thần của Bồ-tát Quán thế âm quán chiếu mười phương như vậy, hiện thân đến khắp các loài hữu tình trong sáu nẻo ba đời, ban cho lợi ích nên được mọi người xưng tán với mỹ danh là Phổ môn (Samanta-mukha). Đại sư Trí Giả ở Trung Quốc thừa nhận: “Nói về Phổ môn, phổ có nghĩa là khắp cả, môn là có khả năng thông suốt. [Bồ-tát Quán thế âm] dùng một thực tướng mở rộng mười Phổ môn,1 không hề ngăn bít, nên gọi là Phổ môn”.2 Song, từ “Phổ môn” được sử dụng không giới hạn cho Bồ-tát Quán thế âm mà nó bao hàm tất cả những hoạt động cứu đời bằng tình thương không vụ lợi, giáo hóa hết thảy mọi người khiến được lợi ích với cái nhìn không phân biệt, không bỏ sót bất kỳ người nào, là danh hiệu biểu hiện cho thánh cách cứu tế không từ bỏ một ai.
1 Mười Phổ môn 十普門: chỉ cho 10 pháp môn viên mãn trùm khắp, có năng lực giúp hành giả thâm nhập thực tướng các pháp, đó là: 1. Từ bi phổ; 2. Hoằng thệ phổ; 3. Tu hành phổ; 4. Đoạn hoặc phổ; 5. Nhập pháp giới phổ; 6. Thần thông phổ; 7. Phương tiện phổ; 8. Thuyết pháp phổ; 9. Thành tựu chúng sinh phổ; 10. Cúng dường chư Phật phổ. Đây chính là lý trung đạo thực tướng bao trùm khắp tất cả, không bị ngăn ngại, cho nên chư Phật, Bồ-tát nương theo lý này mở ra vô lượng pháp môn, thị hiện các loại thân để cứu tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ não, thành tựu bồ-đề.
2 Quán âm huyền nghĩa, quyển thượng, do Trí Khải soạn vào đời Tùy 觀音玄義卷上隋天台智者大師說 [T34n1726, tr.877a21] (chú thích của tác giả ghi nhầm đời Thanh [清朝智頭撰觀音玄義第一]).
Thuyết Quán âm ứng hiện sáu thân, bảy thân hoặc ba mươi ba thân chủ yếu không vượt ra ngoài biểu tượng cụ thể cho thánh cách Phổ môn; thánh cách của Bồ-tát Quán thế âm tùy duyên hiện thân vô cùng tận, “trong khoảnh sát-na hiện thân ở vô số cõi nước mười phương”, có đủ tính thiêng liêng viên dung vô ngại, nên cũng được xưng tụng là “Phổ môn pháp giới thân”.
Khen ngợi các đặc tính của Bồ -tát Quán thế âm với nhiều danh hiệu khác nhau như đã trình bày trên, đại sư Hoằng Pháp Không Hải (779-835) ngoài việc khen ngợi hết mực đức thuần khiết thiêng liêng của ngài Quán âm, còn gọi ngài Quán âm là Diệu Vân Như Lai, đây cũng là hình ảnh mang ý nghĩa cực kỳ thâm thúy.