Ông nghe hạnh Quán âm
Khéo ứng các nơi chỗ
Thệ rộng sâu như biển
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn
Hầu nhiều nghìn ức Phật
Phát nguyện thanh tịnh lớn.
Khi nói đến Quán thế âm, trong tâm trí của mọi người sẽ hiện lên hình ảnh một vị Bồ-tát đầy lòng từ bi nồng nàn thân thiết. Cụm từ “Đại từ đại bi quảng đại linh cảm” có thể là một hình dung từ phù hợp nhất dành cho tính năng của vị Bồ-tát này. Vì sao Bồ-tát Quán âm có đức từ bi, dung dị và gần gũi như vậy? Vì lòng từ bi ấy chẳng khác nào tình thương của người mẹ, khi chúng sinh chí thành gọi tên ngài thì liền có được cảm ứng, vị Bồ-tát có tính chất đặc biệt cứu khổ cuộc đời hiện ra tính giác ngộ bản nhiên của loài người. Bồ-tát vì thệ nguyện mà ra đời, vì thệ nguyện mà sống, bản chất của sinh mệnh Bồ-tát là thực hiện thệ nguyện. Hay nói cách khác, Bồ-tát sống có thủy có chung đối với lời thệ nguyện của mình. Các vị Bồ-tát phát lời thệ nguyện khác nhau nên giá trị tồn tại của các ngài cũng có khác biệt và tính cách cũng có sai khác. Bồ-tát Quán thế âm lấy việc cứu khổ cứu nạn chúng sinh làm bản nguyện. Bất luận chúng sinh tội nghiệp sâu nặng đến đâu thì Bồ-tát Quán âm cũng luôn nguyện trừ khử khổ não, ban bố niềm vui nếu chúng sinh ấy xưng niệm danh hiệu ngài. Đây chính là tính cách đặc biệt thể hiện rõ nhất của Bồ-tát Quán thế âm, cho nên chúng sinh trong cõi Sa-bà này gần gũi ngài, nương tựa ngài, và người thành tâm chắp tay kính lễ quy y ngài nhiều đến vô lượng vô số.
Đối với thệ nguyện của Bồ-tát Quán thế âm, trong phẩm Phổ môn có mấy câu kệ rằng:
Ông nghe hạnh Quán âm
Khéo ứng các nơi chỗ
Thệ rộng sâu như biển
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn
Hầu nhiều nghìn ức Phật
Phát nguyện thanh tịnh lớn.
Trong kinh Bi hoa nói rõ hơn: “Nguyện khi ta thực hành Bồ-tát đạo, nếu các chúng sinh chịu những điều khổ não, sợ hãi, buồn rầu, cô độc, nghèo khổ mà không được cứu hộ, người đó dốc hết tâm lực mà không thể thoát khổ, nếu trong lòng nghĩ nhớ đến ta, xưng danh hiệu ta, thì bất luận ta đang ở nơi nào cũng đều dùng thiên nhĩ lắng nghe, dùng thiên nhãn quán sát, giải thoát khổ não cho người ấy. Nếu còn một người mà không thể trừ khử phiền não như vậy thì ta cũng thề không thành tựu Phật đạo”.1
1 Kinh Bi hoa, phẩm Chư Bồ-tát bổn thọ ký, thứ 4 悲華經諸菩薩本授記品第四 [T03n0157, tr.185c20].
Từ đây có thể chứng minh rằng, sứ mệnh và bản nguyện của Bồ-tát không những trừ khử hết thảy khổ nạn, tai ách, sợ hãi, bất an nhấp nhô muôn trượng của chúng sinh ở thế giới Sa- bà này mà ngài còn làm thỏa mãn tâm nguyện của chúng sinh. Vì vậy, xưa nay lưu truyền mười nguyện lớn1 của ngài Quán âm, đó là:
1 Kinh Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, xem thêm phẩm Đại bi Quán thế âm hoằng mãnh tuệ hải thập đại nguyện.
Mười nguyện lớn này được ghi chép trong Đại bi tâm đà-la-ni.2 Trong đà-la-ni này còn nói thêm rằng, người tụng đà-la-ni này thì tránh được mười lăm loại ác tử (cái chết xấu), được mười loại thiện sinh (cuộc sống lành).
2 Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm Bồ-tát đại bi tâm đà-la-ni 千手千眼觀世音菩薩大悲心陀羅尼[T20n1064, tr.115b23].
Mười lăm loại ác tử1 là:
1 Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm Bồ-tát đại bi tâm đà-la-ni 千手千眼觀世音菩薩大悲心陀羅尼 [T20n1064, tr.116a17].
Thứ đến là mười lăm loại thiện sinh:
Với những giáo nghĩa mang ý vị sâu sắc như vậy đều nằm trong các kinh Pháp hoa và Hoa nghiêm, chúng ta có thể thấy được tác phẩm ra đời vào thời đại vãn kỳ của nhà Phật.
Không phải tất cả những vị Bồ -tát vị nào cũng ứng hiện bằng tướng trạng từ bi, thệ nguyện cứu hộ chúng sinh, mà ở mỗi vị Bồ-tát có nguyện lực khác nhau. Chẳng hạn, Bồ-tát Hư Không Tạng nguyện cho chúng sinh có “tài bảo sung túc”; Bồ-tát Địa Tạng nguyện cho chúng sinh “tiêu trừ tai nạn, kéo dài mạng sống”; Bất Động Tôn nguyện cho chúng sinh “thành tựu mong cầu”; Dược sư Như Lai nguyện cho chúng sinh “chóng lành tật bệnh”. Các vị Bồ-tát trên đều có nguyện lực như vậy, nhưng đối với Bồ-tát Quán thế âm thì nguyện lực của ngài không có giới hạn, mà ngài có đủ các đặc tính phổ biến như cứu tế tất cả mọi tai nạn thống khổ, làm thỏa mãn mọi nguyện vọng của chúng sinh. Đây là lý do tại sao các chúng sinh chịu khổ nạn lại có thể gần gũi và kính lễ ngài.
Ngoài ra, không giống đức Phật A- di-đà xem nhân gian là cõi uế trược, nhàm chán mà từ bỏ cõi đời này, vui tìm cõi tịnh Cực lạc ở một phương kia cách xa cõi Sa-bà đến mười vạn ức cõi Phật; Bồ-tát Quán thế âm thì nguyện trừ khử những hoạn nạn, khổ não của nhân gian ngay trước mắt, để họ chuyển hướng tìm đến cuộc sống an lạc chân chính hằng ngày. Làm ích lợi cho cuộc đời hiện tại có sức hấp dẫn rất lớn chính là đặc tính của ngài Quán thế âm. Hơn nữa, khi một đứa bé kêu khóc đòi mẹ thì người mẹ ấy sẽ lắng nghe âm thanh kêu khóc đó mà ẵm đứa bé vào lòng; cũng vậy, nếu chúng sinh xưng niệm “Nam-mô Quán thế âm Bồ -tát” thì liền được ngài rũ lòng từ bi thương xót mà hộ trì. Nhờ sự xưng danh giản dị này mà chúng sinh có được lợi ích vô biên, cho nên lòng tín ngưỡng của dân chúng ngày càng thành kính xuyên suốt từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây không còn giới hạn bởi không - thời gian nữa.
Lòng từ bi thiêng liêng không những là đặc tính của Bồ-tát Quán thế âm mà còn là ánh sáng nội chứng vĩ đại vốn có trong mỗi con người. Hơn nữa, khi gặp tình huống khổ đau hoạn nạn, bất cứ ai cũng sẽ mở miệng kêu lên tiếng kêu chân thật hồn nhiên từ đáy lòng để cầu cứu, đây là thiên tính vốn có của loài người; đồng thời, việc cứu giúp tha nhân gặp hoạn nạn cũng là thiên tính vốn có trong mỗi con người. Bất kỳ người mẹ nào trên đời này cũng biết thương yêu và bảo hộ đứa con mình sinh ra, lỡ đứa con mình gặp phải khổ đau hoạn nạn thì người mẹ liền quên thân mình để ra tay cứu viện. Có thể nói tình thương của mẹ hiền cao đẹp không gì so sánh được ấy là bản tính thiêng liêng kỳ diệu của Bồ -tát Quán thế âm, và hết thảy loài người cũng đều có đầy đủ tính thiêng liêng này, nên con người là bậc thiêng liêng nhất trong vạn vật, tình thương ấy hình thành nên trật tự đạo đức nhất định của xã hội xưa nay. Ý niệm liên kết lẫn nhau trong tình thương bao la giữa bản năng người mẹ và những đứa con cao đẹp như thế không chỉ đối với con người lúc còn trẻ thơ mà ngay cả khi trưởng thành cũng vậy. Trong chiến tranh, loài người đối mặt với nguy cơ, lúc máu thịt chia lìa trong rừng thương mưa đạn thì âm thanh cuối cùng trong miệng phát ra là tiếng gọi: “Mẹ ơi!”. Đây là sự thật không ai phủ nhận được.
Từ chiến trường bàn đến cuộc sống hiện thực, người sống trên đời này cũng bất an không kém, theo sự tiến bộ của khoa học, sự phức tạp của giao thông, ai ai cũng cảm thấy mình luôn sống thấp thỏm trong nguy hiểm; mặc dù sống trong thuận cảnh của hạnh phúc về vật chất, nhưng cuộc sống mọi người cảm thấy bất an và lo lắng biết bao! Người có địa vị thì bị phiền não bởi địa vị, người có danh thơm thì bị ràng buộc bởi danh thơm, người có tài sản thì lo lắng tài sản ấy có thể tồn tại mãi mãi với mình hay không nên sinh ra nhiều bất an không sao kể xiết. Bất an và lo lắng chính là tập khí của phàm phu. Do đó, kêu gọi người mẹ đại vũ trụ- tức thánh danh Bồ-tát Quán thế âm- trông mong ngài che chở bảo hộ chính là lòng mong ước đương nhiên của loài người, giống như bẩm tính của trẻ con mong ngóng mẹ hiền che chở cho mình. Do tính thiêng liêng vốn có của loài người với bản chất tự nhiên như vậy nên người quán nghe âm thanh ấy là Bồ-tát Quán thế âm, người quán sự tự tại ấy là Bồ-tát Quán tự tại.
Bồ-tát Quán thế âm lấy từ bi làm bản thể, lấy việc ban vui cứu khổ ở đời này làm thệ nguyện là bậc thánh có tình thương tuyệt đối, ứng theo tiếng xưng niệm của chúng sinh mà ngài lập tức dang tay ra cứu giúp, bất luận người ấy có phạm tội ác nặng nề đến đâu thì ngài cũng cứu giúp; là bậc có lòng từ bi lớn không những chuyển hóa những phiền muộn về mặt tinh thần mà ngay cả khổ đau về nhục thể cũng được cứu vớt hết thảy. Do đó, người có lòng ưu sầu, người đang nằm trên giường bệnh hãy mau mau xưng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán thế âm, chiêm ngưỡng ánh mắt từ bi đầy lòng nhu hòa nhẫn nhục của ngài, sáng tối lễ bái không hề biếng nhác thì liền được Bồ-tát cảm ứng gia hộ.
Bồ-tát Quán thế âm không những là bản thể của lòng từ bi mà còn là vị Bồ- tát thông hiểu tất cả, không việc gì mà chẳng biết, không điều gì mà chẳng thấy, không lúc nào mà không quán, là tính thiêng liêng bủa khắp vũ trụ mang tính toàn tri toàn năng, là hóa thân của trí tuệ, là quyền hiện của lý tính.
“Quán” trong Quán âm, như trước đã trình bày, có nghĩa là “trí tuệ quán sát do tâm thanh tịnh không còn sai lầm nên sinh ra trí tuệ mẫn tiệp mang tính tôn giáo”. Do đó, có thể nói Quán thế âm là thánh linh hiện lên trên mặt gương của tâm mang lý tính tôn giáo không một mảy may ô nhiễm, biểu hiện bậc giác ngộ mang lý tính tôn giáo. Theo bản nguyện đại từ đại bi, hạnh nguyện cứu khổ ban vui nên đưa đến kết quả cuối cùng để hình thành nên một nhân cách thấu triệt như vậy.
Nguồn cội trí tuệ cao tột ấy rốt cuộc là gì? Hãy lắng lòng để suy nghĩ về vấn đề này, trong Tâm kinh có ghi rõ: “Bồ-tát Quán tự tại khi thực hành sâu xa trí tuệ Bát -nhã ba-la-mật-đa, soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ đau ách nạn”, tức lấy chân không diệu hữu1 làm cơ sở để thể hội mà tỏ ngộ được trí tuệ bát-nhã.
1 Chân không diệu hữu 真空妙有: tức là tính viên thành thực trong ba tính do Duy thức thuyết minh. Tính viên thành thực là chân lý do lìa hai chấp “ngã, pháp” mà được hiển hiện. Vì xa lìa hai chấp nên gọi chân không, cũng chẳng phải cái không đối lập với cái có do Tiểu thừa chủ trương, mà là cái có một chân thực, cho nên gọi là diệu hữu. Vì là chân không nên các pháp duyên khởi như thế; vì là diệu hữu nên các pháp nhân quả nhất như. Đó là nghĩa “sắc tức thị không, không tức thị sắc. Tư tưởng Chân không diệu hữu không phải chỉ giới hạn trong Duy thức học mà ngay cả tư tưởng thuộc Như Lai tạng hệ cũng nhấn mạnh điều đó. Chân không trong Phật giáo không phải là chủ nghĩa hư vô, là tác dụng mầu nhiệm sâu kín đối với hiện thực mà được phát huy.
Tóm lại, khi thực hành sâu xa về trí tuệ bát-nhã thì sẽ thông đạt được lý chân tính vô ngã, cho nên trở thành Bồ-tát Quán tự tại, trụ trong trí tuệ quán sát, trở thành pháp thân chân lý, Phổ môn thị hiện, tự tại vô ngại, có được như thế là nhờ cứu tế tất cả chúng sinh.
Không cần phải nói thì chúng ta cũng biết, bát-nhã (paññā) có nghĩa là chân trí; ba-la -mật (pārami) dịch là “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia), do “tam-muội như huyễn” mà phát sinh toàn bộ nghĩa lý không tính, soi thấy thật tướng, đạt đến bến bờ của cảnh giới lý tính. Mọi người biết rằng, chỉ cần nương theo Bát-nhã tâm kinh thì bất cứ ai cũng có thể an trú ở tam-muội này, đạt đến cảnh giới giác ngộ chẳng khác nào Bồ-tát Quán tự tại. Do đó, khi chỉ ra nguyên lý “thực hành sâu xa trí tuệ bát- nhã” thì có khả năng trừ khử tất cả khổ đau ách nạn đối với loài người chúng ta, đồng thời cũng biểu thị được tiêu chuẩn rằng, loài người cũng có thể trở thành Bồ-tát Quán tự tại; và hướng dẫn chúng ta làm thế nào để thực hành nhằm đạt được bốn nhiếp pháp “bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự” như trong kinh Hoa nghiêm trình bày,1 nói rõ hằng ngày luôn thực hành bốn nhiếp pháp không được biếng trễ thì sẽ đạt đến cảnh giới vô úy (vaiśāradya). Vô úy là nền tảng của sự dũng mãnh và an định, và có thể nói đây là tính chất đặc biệt của Bồ-tát Quán tự tại.
1 Thực-xoa-nan-đà dịch, phẩm Nhập pháp giới của kinh Hoa nghiêm 80 quyển.
Trong văn trường hàng của phẩm Phổ môn có đoạn “Quán thế âm đại Bồ- tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự vô úy, cho nên cõi Sa-bà này đều gọi ngài là vị Thí vô úy”. Câu này đã làm sáng tỏ ý nghĩa sâu xa về việc “thực hành sâu xa trí tuệ bát -nhã” trong Tâm kinh, khi an trú chỗ “Không tam-muội” (śūnyatā- samādhi) thì tâm sẽ không có chướng ngại và không còn sợ hãi.
Tóm lại, “vô úy” có nghĩa là tâm dũng mãnh không còn sợ hãi,2 trong câu “nhờ chân trí bát-nhã nên được vô úy” giải thích một cách chân thực tương tự với nhận thức khoa học.3 Phật giáo vốn được xây dựng dựa trên sự tu tập và cải thiện nội tâm, lấy việc chuyển hóa khổ não để được an lạc làm đầu, nhưng khử trừ sợ hãi vẫn là đặc trưng lớn của Phật giáo. Do đó, phẩm Phổ môn nói, khi đặt niềm tin vào việc xưng niệm Bồ-tát Quán thế âm thì có khả năng trừ khử được mười hai nạn như nạn lửa, nạn nước, nạn dao gậy, nạn ác thú… không còn sợ hãi bất cứ sự việc gì. Tín ngưỡng trừ khử những tai nạn này là giải quyết vấn đề thuộc phương diện tinh thần. Chúng ta có thể xem trong kinh Hoa nghiêm trình bày về tinh thần vô úy, liệt kê những nỗi sợ hãi, như “sợ đường hiểm, sợ nóng bức, sợ mê lầm, sợ trói buộc, sợ sát hại, sợ chẳng đủ nuôi sống, sợ tiếng xấu, sợ chết, sợ đọa ác thú, sợ oán ghét khi gặp nhau, sợ u buồn”.4 Lìa những nỗi sợ hãi này, trên đại thể đều chỉ cho sự giải thoát về phương diện tinh thần.
2 Luận A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa, quyển 31 阿毘達磨大毘婆沙論卷第三十一 [T27n1545, tr.158a15].
3 A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, quyển 27, phẩm Phân biệt trí 阿毘達磨俱舍論卷第二十七分別智品[T29n1558, tr.140a20].
4 Kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm, quyển 51 大方廣佛華嚴經卷第五十一 [T09n0278, tr.718b18].
Song, trong văn trường hàng của phẩm Phổ môn là kinh điển căn bản nói về Bồ- tát Quán thế âm lại nêu ra bảy nạn, như “nạn nước, nạn lửa, nạn gió bão, nạn dao gậy, nạn quỷ, nạn gông xiềng, nạn giặc cướp”; trong kệ tụng còn nêu thêm sáu nạn nữa, như “thư chú, thuốc độc, rồng độc, ác thú vây quanh, sấm chớp, rơi từ núi cao xuống” cộng thành mười ba nạn. Đương nhiên, những hoạn nạn này đều là tai ách khách quan ở đời, và chắc chắn rằng Bồ -tát Quán thế âm cũng có khả năng giải cứu cho những ai mắc phải các tai ách ấy.
Trong kinh Thủ lăng nghiêm giải thích những vấn đề này rất sáng tỏ. Kinh nói: “Do lại dùng diệu lực vô tác Văn huân văn tu của Kim cương tam -muội này, tôi cùng tất cả lục đạo chúng sinh trong mười phương ba đời đều có một tâm hướng thượng, nên khiến các chúng sinh, được mười bốn thứ công đức Vô úy nơi thân tâm tôi”.1 Sau đó, thuyết minh một cách trịnh trọng khẩn thiết về mười bốn loại Vô úy này.
1 Kinh Đại Phật đảnh Như lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh thủ lăng nghiêm, quyển 6 大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經卷第六 [T19n0945, tr.129a25].
Mười bốn đức tính trên biểu hiện được thần lực linh diệu, dũng mãnh vô úy vĩ đại của Bồ-tát Quán thế âm, có thể xem đó là sức mạnh thần thông thị hiện mà phẩm Phổ môn đã nói. Tín ngưỡng Bồ-tát Quán tự tại, biện biệt tất cả đều là lẽ không, mở rộng tâm nhãn,1 triệt ngộ vô ngã, bất cứ lúc nào cũng đều có thể an tâm định đoạt, điều phục mọi khổ đau và phiền muộn, tránh được bệnh khổ tai ách, gặp việc gì cũng chẳng sợ hãi, trở thành người đại dũng mãnh.
1 Tâm nhãn 心眼: tức mắt tâm, nhờ năng lực thiền định mà thấy rõ suốt các pháp, không bị ngăn che. Tức chẳng do mắt thịt, cũng không do mắt trời, chỉ do năng lực thiền định mà soi thấy các cõi Phật trang nghiêm ở các phương khác, hoặc thấy rõ những thứ bất tịnh trong thân mình.[Nd]
Bồ-tát Quán thế âm có đầy đủ sức thần thông thị hiện Phổ môn, ứng hóa tự tại, cứu hộ bạt tế chúng sinh trong mười phương, như mấy câu kệ tụng trong phẩm Phổ môn:
Rộng tu trí phương tiện,
Các cõi nước mười phương,
Không cõi nào chẳng hiện.
Về đặc tính thần thông tự tại của ngài, trong văn trường hàng trình bày rất khéo léo, tức là tiêu diệt bảy nạn như nạn lửa, nạn nước,... nhổ sạch ba độc tham dục, sân hận, ngu si, người cầu con cái, bất luận là con trai hay con gái đều ứng với lòng mong cầu của chúng sinh ấy mà sinh con trai có phước đức trí tuệ, sinh con gái có tướng mạo xinh đẹp đoan trang. Ngoài ra, ngài cũng thệ nguyện ứng theo nguyện vọng chúng sinh mà ban cho tài sản, địa vị. Và mục đích để thệ nguyện này trở thành hiện thực, ngài ứng hiện ba mươi ba thân để cứu hộ chúng sinh, người viết sẽ trình bày tỉ mỉ về nội dung này ở chương sau.
Đặc biệt, văn trường hàng và văn kệ tụng cùng nằm trong phẩm Phổ môn nhưng mỗi cách hành văn lại có vài chỗ sai khác. Các dịch giả về kệ tụng và văn trường hàng trong phẩm Phổ môn cũng khác nhau, văn trường hàng là bản dịch của pháp sư Cưu-ma-la-thập (kumārajiva) vào năm thứ 2 niên hiệu Nghĩa Hy đời Tây Tấn (406); còn kệ tụng do pháp sư Xà-na- quật-đa (jñānagupta) truyền dịch vào thời đại Chu Vũ đế đời Hậu Chu (561-577). Bản gốc tiếng Phạn của kệ tụng và trường hàng chắc chắn có cùng một bản hay không thì vấn đề này còn phải nghiên cứu thêm, nhưng tư tưởng của cả kệ tụng và trường hàng đại để nhất quán và có liên quan với nhau. Điều này ai cũng thừa nhận. Nói chung, vấn đề thần thông tự tại được tìm hiểu là, vì sao Bồ-tát Quán thế âm có sức thần thông không thể nghĩ bàn như thế để có thể ứng hóa vô biên thân? Nền tảng đặc tính tự tại vô ngại của Bồ-tát suy cho cùng là thế nào? Ở đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm một chút về vấn đề này.
Đại thể mà nói, căn bản của Phật giáo là pháp, là chân lý được thể hội từ tâm tính chủ quan mà ra, chứ không phải là vấn đề thuộc đối tượng khách quan. Do đó, nghiên cứu đối tượng được lễ bái, về mặt cơ bản cần phải nhìn thấu tâm chúng sinh lễ bái, đây chính là nguyên nhân vì sao gọi Phật giáo là môn khoa học, tức tính đặc thù của Phật giáo có sự khác biệt với các tôn giáo khác, như Cơ -đốc giáo… Đặc tính này hiển nhiên thuộc về phạm trù thần thông của Bồ-tát Quán âm. Hay nói cách khác, thần tính tự tại của ngài Quán âm chính là tính linh ứng của tâm chủ quan chúng sinh, chúng sinh chí tâm xướng niệm Nam -mô Quán thế âm Bồ-tát, trong lúc nhất tâm xưng danh như vậy, đã ấp ủ nên tính linh ứng của tự ngã, trong nhất niệm tam-muội đã nhen nhóm được thánh linh ở bản tính.
Liên quan đến nghĩa lý này, kinh Thủ lăng nghiêm chép: “Đức Phật Như Lai kia, đã khen tôi khéo được pháp môn viên thông, ở trong đại chúng thọ ký cho tôi danh hiệu là Quán thế âm, bởi vì tính nghe và tính thấy tròn sáng chu biến mười phương, danh hiệu Quán thế âm cũng phổ cập trong lục đạo chúng sinh mười phương thế giới”.1 Đây quả thực là lời giải thích sáng tỏ nhất về thông tin xưng niệm tam-muội. Nếu nghiên cứu kỹ thêm thì trong danh hiệu Bồ -tát Quán thế âm mà chúng sinh xưng niệm ấy, kết quả vô tình đạt được là những tạp niệm và vọng tình trong tâm sẽ được thanh tịnh, an trú vào tam-muội bất động, lúc này có thể nhìn thấy đức Quán âm hiện ra nhờ sự cảm ứng câu thông một cách tự nhiên. Vì thế hiện tượng này chẳng khác gì với pháp tu niệm Phật, như pháp sư Nguyên Không (1133-1212) nói: “Niệm và tiếng hợp thành một thể”.2
1 Kinh Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh thủ lăng-nghiêm, quyển 6 大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經卷第六 [T19n0945, tr.129c26].
2 Tuyển trạch Bản nguyện niệm Phật tập 選擇本願念佛集.
Đặc biệt, trong khi “xưng danh” có các loại như “xưng danh báo ân”…, “nhất tâm xưng danh” ở đây chính là “xưng danh quán tâm”, “xưng danh tam-muội”. Tư tưởng xưng danh này tương đối cổ xưa, như trong kinh điển Nguyên thủy có nói:
Ðều xưng nam-mô Phật,
Bậc tối thắng họ Thích,
Ngài liền ban an ổn,
Dẹp trừ các khổ não.1
1 Kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 47 增壹阿含經卷第四十七 [T02n0125, tr. 805c26].
Bài kệ này cho thấy cách xưng danh “Nam- mô Phật” đã có từ thời đức Phật, tức đoạn kinh thuyết minh về công đức xưng danh. Chúng sinh vốn là những con đỏ, nên con đỏ kêu gào cầu cứu với mẫu thân, mong muốn được giải thoát thì đây cũng là lẽ tự nhiên. Kiểu nhân tính tự nhiên này đã nói lên cách xưng danh cơ bản trong tôn giáo rất được mọi người chú ý nếu nhìn từ quá trình phát triển của tôn giáo. “Nam-mô Phật” trở thành quy y tam bảo, đây là điều kiện đi vào lòng tin của các tông phái Phật giáo, quả đúng như vậy.
Nhìn từ quá trình tâm lý tôn giáo, việc xưng niệm danh hiệu chính là sự dung hội giữa nội tâm chủ quan và bổn tôn khách quan trở thành khế cơ, “nhập ngã ngã nhập”1 tiến triển thành tam -muội, tam -muội trở thành sự biểu hiện của chứng đắc tự nội, có thể giải thoát khỏi các phiền não khổ sầu. Ngoài ra, xưng danh tam-muội giống như “Quán chân, quán thanh tịnh. Quán trí tuệ rộng lớn. Quán bi và quán từ”, “Tiếng diệu, tiếng Quán thế. Tiếng Phạm, tiếng Hải triều. Hơn hẳn tiếng đời kia”, hiển nhiên là quán tâm, nhờ trí quán soi thấy tâm tính của tự ngã mà mở ra Như Lai tạng. Đây chính là lý do mà Bát-nhã tâm kinh trình bày: “Nương vào trí tuệ bát-nhã này thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt đến niết-bàn rốt ráo”.
1 Nhập ngã ngã nhập 入我我入: Là phép quán tưởng của Mật giáo, chỉ cho phép quán mà tam mật và tam nghiệp tương ứng, tương nhập, bình đẳng không hai. Nghĩa là khi tu phép quán này thì nhờ vào sức gia trì của đức Phật bổn tôn nên khiến Như Lai và mình trở thành một thể, tức là diệu dụng tam mật thân - miệng - ý của Như Lai tác dụng vào tam nghiệp thân - miệng - ý của bản thân hành giả khiến cho Như Lai và bản thân hành giả trở thành một thể. [Nd]
Lý không (śūnyatā) của bát-nhã có liên quan đến tư tưởng Duyên khởi (pratītya-samutpāda), cũng có thể nói đây là nguồn gốc của Phật giáo. Từ rất sớm đức Phật đã nói đến “tất cả đều không, tất cả chẳng phải là một”, xây dựng nên thuyết “tất cả đều không”, và còn nói: “Hình tướng này chẳng phải là thứ do mình tạo ra, chẳng do người khác tạo ra, duyên tụ gọi là sinh, duyên tan gọi là diệt”,2 xiển minh tất cả hiện tượng nương tựa nhau tồn tại là nhờ “tác dụng của duyên khởi”, mà sự vật không phải đứng riêng tuyệt đối, tức nhấn mạnh thuyết Duyên khởi.
2 Tương ưng bộ (saṃyutta-nikāya), I, tr. 134.
Từ thuyết Duyên khởi, không lâu sau lại sinh ra học thuyết Như Lai tạng duyên khởi,1 rồi hình thành thêm triết lý Duyên khởi pháp giới của tông Hoa nghiêm, từ đó đã nở rộ sắc màu rực rỡ trong lịch sử văn hóa tư tưởng.
1 Như Lai tạng duyên khởi 如來藏緣起: cũng gọi là Chân như duyên khởi. Chỉ cho tâm tự tính thanh tịnh của Như Lai tạng sinh khởi hết thảy muôn pháp, loại thứ 3 trong 4 loại duyên khởi. Tư tưởng duyên khởi luận này được nói rõ trong kinh Lăng già và kinh Mật nghiêm. Nghĩa là Như Lai tạng một mặt thường trụ bất biến, đồng thời mặt khác lại tùy duyên khởi động mà biến sinh ra muôn vật.[Nd]
Tóm lại, Bồ-tát Quán âm là bậc chứng ngộ lý bát-nhã, xem chân không là nhà. Ngài chính là bậc Bồ-tát không còn chút chướng ngại, Phổ môn thị hiện thần thông, đồng thời cũng có thể nói là thực tại diệu hữu ứng hiện của Như Lai tạng trong tư tưởng tông Hoa nghiêm.
Như vậy, Quán thế âm là vị Bồ-tát có đủ đức từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, là đấng thiêng liêng vĩ đại với sức đại tự tại không thể nghĩ bàn. Còn hàng phàm phu chúng ta thì ai ai cũng bị mây phiền não che lấp, bị sương ngã chấp bao trùm, bị mộng danh lợi bức não. Thế nhưng, khi chúng ta tĩnh tâm lại để xưng niệm danh hiệu, chắp tay chiêm ngưỡng tôn dung từ hòa, bi mẫn của Bồ-tát thì hết thảy mọi tục niệm được tẩy sạch, thanh tịnh trở lại giống như vừa trong cơn ác mộng tỉnh ra, tự mình thoát khỏi nỗi lòng hẹp hòi quấn quanh con tim để tiến vào khung trời mênh mông lồng lộng trong sáng như gương soi. Tin sâu Bồ- tát Quán thế âm, sống trong thệ nguyện của ngài, ắt sẽ an trú được ở cảnh giới chân thực kỳ diệu. Mỗi lần chiêm ngưỡng, lễ tán lại càng thể nghiệm được ý vị tuyệt vời sâu sắc, và chắc chắn sẽ đạt đến trạng thái an ổn về tinh thần, hạnh phúc về vật chất và đương nhiên những trạng thái ấy sẽ an trú mãi trong ta, gia đình đầm ấm, đời sống vinh quang, hạnh phúc này tiếp nối niềm vui khác.
Bồ-tát Quán thế âm là tôn giả từ bi quán chiếu hết thảy chúng sinh ở thế giới Sa-bà không thừa, không sót, không xa cách, đối xử bình đẳng, ban ân huệ cho mọi người như nhau, là linh cách che chở hộ trì khắp cả mười phương thế giới. Không những trong lòng cảm thấy thoải mái, mà khi chiêm ngưỡng tôn dung, xướng niệm danh hiệu thì máu huyết hành giả lưu thông tuần hoàn, thân thể khỏe mạnh, nhờ vậy mà gìn giữ được mạng sống lâu dài.
Sau khi sáng tối nhất tâm xưng niệm, trong lòng mình chứa đầy tiếng vọng lại của ngài Quán âm, tự nhiên thân thể sẽ nhu hòa và đôn hậu, trở thành người có phong cách cao thượng, mô phạm thuần khiết mà khi mọi người nhìn vào đều tỏ lòng ái mộ, phước lạc trên đời cũng theo duyên này mà có được. Do đó, đối với Bồ -tát Quán thế âm, nếu chúng ta luôn nghĩ nhớ đến ngài chớ có chần chừ, một lòng một dạ tin vào năng lực chân thực của ngài, toàn thân toàn tâm cầu nguyện đấng đại từ đại bi thì bất kỳ ai cũng đều có thể được hộ trì và tự thân chứng nghiệm được giá trị quý báu khó quên. Hơn nữa, Bồ-tát Quán thế âm từ thuở kiếp lâu xa đến nay, phân chia pháp thân khắp vòm trời mặt đất, giống như ánh sao chiếu soi trong đêm trường tĩnh mịch, có khả năng lưu lại trong lòng chúng ta những ấn tượng khó quên.