Mặc dù Phật giáo có nhiều tông phái, nhưng khi một ai đó nhắc đến Bồ-tát Quán âm, thì bất luận nam, nữ, già, trẻ đều cảm thấy gần gũi mà chắp tay cung kính vị Bồ-tát này. Hơn nữa, đặc biệt cụm từ “Đại từ đại bi quảng đại linh cảm” là hình dung từ phù hợp và biểu hiện đúng với đức hạnh của Bồ-tát Quán thế âm trong chư Phật, chư Bồ-tát. Ở đây, nhìn từ phương diện triết học tôn giáo, chúng ta thử tìm hiểu Bồ-tát Quán thế âm tại sao được tôn xưng là đấng “Đại từ đại bi”? Vì sao ngài có đầy đủ đức “cảm ứng thiêng liêng rộng lớn”? Từ đó, sẽ làm sáng tỏ sợi dây liên hệ rốt ráo giữa Quán âm với tính cách con người thuộc mối quan hệ gì? Đây có thể là chủ đề quan trọng nhất trong việc tìm hiểu về Bồ-tát Quán thế âm.
Tín ngưỡng Quán âm chứa đựng nguyên lý tôn giáo nằm trong chính danh hiệu “Quán thế âm” (avalokita-svara). Ở chương 1 tôi đã trình bày về xuất xứ của từ Quán thế âm vốn tên là avalokita -svara, dịch thành “Âm thanh cuộc đời được quán”, “đối tượng được quán” mới mang ý nghĩa tuyệt đối.
Thế âm chính là âm thanh của chúng sinh trong thế gian, tức là tiếng kêu bi thương của chúng sinh đang chịu khổ não trong đời sống hiện thực. Nói cách khác, Quán thế âm chính là bậc thánh có năng lực tuyệt đối đang lắng tai nghe âm thanh của chúng sinh chịu phiền não khổ đau trên nhân gian này. Có thể thấy rằng, khi nào có tiếng kêu con người trên cuộc đời vang lên thì vị Bồ- tát này thị hiện, tức danh hiệu avalokita- svara là danh từ kết hợp giữa “đối tượng được quán” và “người quán”. Vì Bồ-tát là đấng tôn quý cứu đời thị hiện những lúc chúng sinh cầu nguyện một cách chí thành tha thiết mong muốn được giải thoát khổ não.
Giống với lời của Chúa khi xưa: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và ai gõ thì cửa sẽ được mở”.1 Mọi người chỉ cần đem lòng chân thành cầu cứu, nếu ai mong muốn hộ trì thì bất luận trong trường hợp nào, chư Phật, chư Bồ- tát nhất định sẽ ứng hiện. Bồ- tát Quán thế âm ngày đêm lúc nào cũng soi xét hiện thực khổ não của chúng sinh không bao giờ lơ đãng, nhờ âm thanh nhất tâm xưng danh xướng niệm của chúng sinh mà cảm ứng đến Bồ-tát nên ngài ứng hiện, giống như người mẹ hiền khi nghe tiếng con đỏ kêu khóc thì mẹ sẽ quay lại để ẵm con vào lòng.
1 Tân ước (Lu-ca 11: 9-13 RVV11).
Câu kinh “Quán nghe âm thanh ấy” trong phẩm Phổ môn có thể cho chúng ta thấy rõ hình thức đơn thuần kêu cầu danh hiệu như thế thì liền được đấng cứu độ bảo hộ. Quan niệm này đã biểu hiện được tính cách giản dị của người Ấn Độ cổ đại, việc mưu cầu đời sống tôn giáo với tình cảm thâm sâu trong bất kỳ thời đại nào cũng không hề thay đổi, bất luận là thời đại dã man hay thời đại văn minh thì nhu cầu tôn giáo vẫn là yêu cầu tất yếu của con người. Mặc dù ngày nay khoa học có tiến bộ vượt bậc thì tôn giáo phương Tây vẫn thường niệm: “Lạy Chúa!”, “A- men!”, hoặc tín đồ Phật giáo tụng niệm câu “Nam-mô A-di-đà Phật”. Từ thực tế này chúng ta có thể nhìn thấy, hình thức “xưng danh” đã trở thành nền tảng của tất cả các tôn giáo trên thế giới. (Xin lưu ý: nhà Phật xưng danh và tôn giáo phương Tây niệm “A-men, lạy Chúa” hoàn toàn khác nhau khi xét về ý nghĩa và lý luận, vì niệm “Chúa” hoàn toàn không chú ý đến “Tam-muội” [tức Thiền định]).
Ngoài ra, cách xưng danh bình dị đơn giản này không những là nhịp bước đầu tiên của tôn giáo mà đồng thời cũng là dùng “xưng danh tam- muội” để đạt đến yếu tố quyết định bí mật của cảnh giới thâm viễn, uyên áo trong tôn giáo. Không cần phải nói, thì tư tưởng xưng danh được hình thành nhờ sự kết hợp giữa người xưng danh và đối tượng được xưng danh; hay nói cách khác, tôn giáo hình thành dựa trên hai phạm trù chủ thể quán và đối tượng được quán.
Thời Trung Cổ, học giả nổi tiếng người Pháp là Lactantius (250-325) định nghĩa: “Tôn giáo là sự kết hợp giữa thần linh và con người bằng lòng tin”. Nghĩa là, tôn giáo được hình thành nhờ vào hai phạm trù “người tin” và “đối tượng được tin”. Theo thuyết của Lactantius, tôn giáo là sự kết hợp giữa Thượng đế và con người. Thuật ngữ Tôn giáo (religion) là tiếng La-tinh religio, bắt nguồn từ động từ religare mang ý nghĩa là kết hợp. Thế nhưng, Cicero Marcus Tullius (106- 43 tr.TL, người La-mã) chủ trương Tôn giáo bắt nguồn từ tiếng La -tinh với động từ relegere, có nghĩa là chú ý hoặc ý thức. Bất luận là thuyết nào đi nữa thì từ Tôn giáo vẫn mang ý nghĩa là sự “kết hợp giữa thần linh và con người”, là sự “kết hợp giữa người tin và đối tượng được tin”. Đây là quan điểm nhìn nhận tương đối thỏa đáng.
Thế nhưng, đối tượng được tin ấy rốt cuộc là thần linh nào? Về vấn đề này, Cơ-đốc giáo nói: “Thần linh chính là đấng thiêng liêng, cho nên, đối tượng lễ bái chính là đấng thiêng liêng và chân lý”. Về phương diện chủ quan thì thần linh ngầm hiểu là vật thể tồn tại mang tính siêu hình được hình thành trong sự nhất tâm của mọi người, điều đó cho thấy nguyên lý có vị thần linh khách quan tồn tại không thể tách rời tâm lý chủ quan của con người. Chính vì vậy mà khi đức Giê-su đứng ở pháp đình Pirat bị người ta chất vấn: “Chân lý rốt cuộc là gì?” thì ngài trả lời bằng thái độ im lặng chứ không nói lời nào. Đồng thời, thi nhân trữ tình lão thành của Hy- lạp là Simonides (556-468 tr.Tl), khi được hỏi đến câu “Thần linh rốt cuộc là gì?” ông cũng chần chừ không muốn trả lời, khiến người hỏi cũng phải trầm ngâm. Thần, Phật và chân lý là những phạm trù không thể tìm kiếm, rời trước ngực mình ba centimet để đi tìm chỗ khác thì không thể thấy được. Vì vậy, Maurice Maeterlinck (1862- 1949) cũng khuyên mọi người: “Tìm cầu chân lý không nên đi tìm chỗ xa, hãy moi lên từ dưới chân mình, vì chỗ này có nguồn mạch của chân lý”. Moi lên từ dưới chân mình, có thể tiếp xúc được nhịp đập của con tim đang lưu động để giữ gìn mạng sống của mình chính là nắm bắt chân lý được sớm nhất, lúc ấy chúng ta cùng chư Phật và Bồ-tát nhìn thấy nhau. Hơn thế nữa, chúng ta sẽ tìm thấy chân lý, tự mình sáng tạo ra thế giới của tôn giáo từ nội quan thâm áo và trực cảm mầu nhiệm.
Trong tác phẩm Nguyên lý khoa học của tôn giáo (Elements of the Science of Religion) của C. P. Tiele, đề xướng: “Trên thực tế, tôn giáo lấy nhân tính làm gốc rễ, từ chỗ thiêng liêng mầu nhiệm của nhân tính sẽ tuôn ra mọi thứ”, chắc chắn nó sẽ phác họa ra những chỗ sâu kín mang tính vô tận trong chúng ta.
Tiếp đến, từ Phật giáo nguyên thủy để suy nghĩ về vấn đề thần linh thuộc phương diện khách quan, đức Phật không thừa nhận có bất kỳ vị thần linh nào sáng tạo ra vũ trụ, phủ định sự tồn tại của thần linh khách quan, mà ngài nói về giải thoát niết-bàn (vimutta-nibbāna), chủ trương “thấy biết như thật”. Đức Phật vốn là vị thể nhập cảnh giới giải thoát niết-bàn, thể đắc theo sự thấy biết như thật, nhưng về sau các tín đồ tôn sùng ngài ngang hàng như Thiên chủ (deva) mà không phải kính lễ ngài như là bậc Phạm chủ (devātideva), tức là vì lòng chí thành khát ngưỡng và tín mộ đức Phật. Mặc dù cho rằng đức Phật đã phủ nhận Phạm Thiên (Brahmā), vị thần chủ sáng tạo thế giới, được người Ấn Độ đương thời sùng bái, nhưng không lâu sau khi ngài diệt độ, tư tưởng Vô dư niết-bàn1 được tôn sùng là thể cách linh diệu thường hằng vĩnh cửu tương tự cõi Phạm thiên, chúng sinh khổ não trong đời này luôn tán thán, tín ngưỡng, xem ngài giống như vị Thiên chủ cứu thế, nên ngài trở thành vị bổn tôn mà tự thể đã viên thành từ nhiều kiếp lâu xa, có thể nói sự mong cầu mang tính cách tôn giáo vốn là bản tính đương nhiên của người tin. Như vậy, nhìn nhận đức Phật với sở chứng tự nội là một thực tại khách quan để sùng bái, thì rốt cuộc, chúng sinh sùng bái quy y và thể nhận đức Phật là một thực tại “được quán” mà tăng thêm lòng tín ngưỡng. Tư tưởng này kết hợp với Bản sinh đàm (jātakam) để rồi sinh ra khát vọng của tín ngưỡng bình dân, tức là tín ngưỡng Quán thế âm như một vị Bồ-tát cứu tế trong đời này.
1 Vô dư niết-bàn無餘涅槃: hay còn gọi Vô dư y niết-bàn (Skt. nirupadhiśeṣa-nir-vāṇa), đối xưng của Hữu dư niết-bàn (Skt. sopadhi-śeṣa-nirvāṇa). Y là y thân, tức thân thể của con người. Vô dư niết-bàn là chỉ cho niết-bàn hoàn toàn không có chỗ nương ở, đã đoạn trừ hết phiền não chướng, diệt sạch quả khổ dị thục do thân ngũ uẩn cấu thành, là một trong bốn loại niết-bàn (1. Bản lai tự tính thanh tịnh niết-bàn; 2. Hữu dư y niết-bàn; 3. Vô dư y niết-bàn; 4. Vô trụ xứ niết-bàn). [Nd]
Liên quan đến “người tin” mang tính chủ thể của tôn giáo, đây là vấn đề chủ chốt của bất kỳ một loại hình tín ngưỡng nào từ thời cổ đại lâu xa cho đến vĩnh kiếp tương lai. Đức Phật Gautama xác định rõ ràng chân thật qua lời dạy của ngài: “Hãy tự thắp sáng mình, thắp sáng bởi pháp, chớ thắp sáng bởi cái khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác”.1 Ai cũng biết lời dạy này. Pháp (dharma hoặc dhamma) được nói đến ở đây nhất định phải là chân lý của vũ trụ, là con đường chân thật thể nhập vô ngã tuyệt đối. Nói khác hơn, tính chủ thể trong niềm tin tuyệt nhiên chẳng phải là đối tượng khách quan mà là nội tâm chủ quan; nội tâm chủ quan này như thế nào thì đó mới là vấn đề quan trọng. Tin Phật hay tin Thần, thì trước hết phải lấy tâm lý tin vào chính mình làm cơ sở. Tin vào chính mình không phải là tự tin vào tính chất ngoan cố tự cao như người đời thường nói mà là tin vào thể tính thiêng liêng sáng suốt nơi chính mình, vững tin vào hành động của tự ngã được thắp sáng bởi tính thiêng liêng sáng suốt ấy. Con người không những tự hào mình là hạng thiêng liêng trong vạn vật mà còn có thể tin vào thể tính thiêng liêng sáng suốt nơi chính mình. Như vậy, thể tính thiêng liêng sáng suốt không những có khả năng kích thích hành động mà còn là thứ đáng kính ái, đáng nương tựa của thế gian. Tâm chứa đựng tính thiêng liêng sáng suốt như thế thì tâm lượng sẽ thông thoáng, không hề phân biệt ta khác với người, vượt qua được tính phân biệt yêu ghét, thiện ác, đạt đến cảnh giới vô tư thuần túy, thực hành thâm diệu trí tuệ Bát-nhã ba-la-mật-đa, biểu hiện ra trí kiến giải thoát. Từ nền tảng tính không tuyệt đối này, đạt đến tâm cảnh tự tại vô ngại, xem đây là lý tưởng của tôn giáo, gọi là “Bồ-tát Quán tự tại”.
1 Kinh Trường A-hàm, quyển 2, kinh Du hành 佛說長阿含經卷第二, 遊行經 [T01n0001, tr.15b06].
Tư tưởng chính của xưng danh có công năng kết hợp giữa người tin và đối tượng được tin, dung hợp thống nhất giữa người quán và đối tượng được quán, thể nhập xưng danh tam-muội; khi thể nhập xưng danh tam-muội sẽ biến thành trạng thái ý thức “tự do tuyệt đối” như lời G. W. F. Hegel nói. Do đó, từ chỗ thể nhập “danh xưng tam-muội” để đi vào cảnh giới giải thoát (nimuta, tự do tuyệt đối), mở ra cái thấy biết như thật, thực hành thâm diệu trí tuệ Bát-nhã ba-la -mật-đa, có được quán tự tại (avalokiteśvara) . Đến đây, Quán thế âm (avalokita-svara) có được quán tự tại (avalokiteśvara), đạt đến cảnh giới tự tại vô ngại, trở thành đức Bồ-tát Phổ môn thị hiện1 diệu dụng thần thông. Do đó, luận sư Thế thân (Vasubandha) cho chúng ta thấy rõ về nền tảng tín ngưỡng Quán âm có hai hệ thống: một là Tín lực; hai là Tất cánh tri. Tín lực lại có hai: 1. Mong muốn thân ta như đức Quán thế tự tại kia không khác, vì có niềm tin rốt ráo; 2. Đối với vị Bồ- tát kia sinh tâm cung kính, như vị Bồ-tát kia có công đức thì ta cũng có, vì có được nhận thức tuyệt đối.2
1 Phổ môn thị hiện 普門示現: chư Phật, Bồ-tát vận dụng năng lực thần thông tự tại thị hiện các loại thân tướng, mở ra vô lượng pháp môn làm cho chúng sinh chứng được viên thông. Như phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa đã nói rõ về sự hóa đạo của Bồ-tát Quán thế âm, ngài thị hiện 33 tướng, 19 thân thuyết pháp, đó là đức dụng Phổ môn thị hiện của ngài.[Nd]
2 Kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phương tiện 妙法蓮華經方便品 [T26n1519, tr.10b13].
Một là dùng niệm để xưng tín lực, tiến vào cảnh giới mầu nhiệm dung hợp làm một giữa bản thể Quán âm và tự thân.
Ngoài ra, cũng có thể nói Trí tuệ quán chiếu thể hiện rõ hoạt động “thực hành thâm diệu trí tuệ Bát-nhã ba-la-mật-đa”, tự thân trở thành Bồ-tát Quán tự tại.
Tín ngưỡng tư tưởng Bồ-tát Quán thế âm vốn bắt nguồn từ trí kiến giác ngộ của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, có đầy đủ nhân cách từ bi thương xót, lấy chính pháp chân lý thành tựu từ nhiều kiếp lâu xa làm bộ xương, rồi từ Bản sinh đàm (jātakam) phụ thêm thịt, máu vào, lại còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Phạm thiên (brahmā) và văn hóa các nước phương Tây như Hy- lạp, nên nó mang thêm những sắc thái như da, bì, lông, tóc. Nhưng sinh mệnh quan trọng nhất mang tính huyết mạch của ngài chính là Như Lai tạng hiện hữu trong từng chúng sinh, là tính thiêng liêng sáng suốt có trong mỗi chúng sinh. Tính thiêng liêng sáng suốt này cũng giống như khi hai dòng điện âm và dương tiếp xúc nhau thì bóng đèn phát sáng, điều đó có nghĩa là khi ngài quán nghe âm thanh của chúng sinh thì tính thiêng liêng sáng suốt liền hiển lộ; nếu ai xưng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán thế âm, lễ bái thánh linh của ngài thì tự thân người ấy lập tức trở thành Quán âm.
Chẳng cần dài dòng thì chúng ta cũng biết rằng, tính thiêng liêng sáng suốt không phân biệt nam nữ ấy đã phát huy hết khả năng của nó nhờ vào tình thương bao la của người mẹ. Ngoài ra, hạnh từ bi của Bồ-tát Quán thế âm không những không có sự phân biệt về ta - người, yêu - ghét, mà còn không phân biệt về thiện - ác, đẹp - xấu, giàu - nghèo, mạnh - yếu, phát lời thệ nguyện thương yêu tất cả chúng sinh, cứu khổ ban vui cho chúng sinh là đặc trưng cho tính năng của ngài.
Vì sao hạnh nguyện của Bồ-tát Quán thế âm nằm ở đức từ bi lớn đối xử bình đẳng không phân biệt và có linh cảm rộng lớn? Là vì, ngài thực hành thâm diệu trí tuệ Bát-nhã ba-la -mật-đa, chứng đắc giải thoát niết-bàn (vimuta-nibbāna) với tính không tuyệt đối. Nói cách khác, cũng như đức Phật do có lòng từ bi lớn xem đại vũ trụ là nhà, xem tất cả chúng sinh thân thiết như con ruột, nên lập đại thệ nguyện nếu không thể cứu độ hết thảy chúng sinh thì mãi mãi không ở ngôi giác ngộ. Do đó, tín ngưỡng thệ nguyện Bồ-tát Quán thế âm, khi một lòng thể nhập xưng danh tam-muội, thì bất luận ở đâu, lúc nào Bồ-tát Quán thế âm cũng ứng hiện; bản thân người xưng niệm liền hiện ra hình tướng vĩ đại của một vị Bồ-tát cứu đời.
Thủy tổ của Phật giáo Đại thừa là Bồ- tát Long Thọ (Nāgajuna) . Truyền thuyết cho rằng, ngay sau khi nhập diệt thì ngũ thể1 của ngài cũng biến thành năm tôn tượng Bồ-tát Quán thế âm.2 Nếu suy nghĩ sâu hơn về lịch sử truyền tụng không thể nghĩ bàn như thế thì có thể nói bản thân ngài Long Thọ chắc chắn cũng là tín đồ của Bồ-tát Quán âm và Long Thọ cũng chính là đức Quán âm ứng hiện ở thế gian.
1 Ngũ thể: hai tay, hai chân và đầu. [Nd]
2 Theo chú thích của tác giả “Đại Đường Tây Vực ký, Kiều-tát-la quốc, mục 10”, nhưng dịch giả tra cứu ở Đại Đường Tây Vực ký thì không có chỗ nào nói về “ngài [Long Thọ] sau diệt nhập diệt thì ngũ thể của ngài cũng biến thành năm tôn tượng Bồ-tát Quán thế âm” mà chỉ nói: “Đề-bà ngũ thể lạy sát đất, một lòng cung kính, thưa: ‘Từ nay về sau, xin vâng theo mệnh lệnh của thầy!’ Bồ-tát Long Mãnh thông thạo y thuật, luyện tập dưỡng sinh, tuổi thọ mấy trăm năm, tướng mạo không già suy” [T51n2087, tr.929b19].
Quán thế âm là vị Bồ-tát mang thệ nguyện “không độ hết tất cả khổ não chúng sinh thì ngài sẽ không dừng nghỉ”, lấy từ bi làm tâm tính, lấy nhẫn nhục nhu hòa làm bản tướng và lấy nguyện ban bố sự vô úy làm dấu ấn. Nhưng tự thể Quán âm chính là thực tại liên quan đến thể tính thiêng liêng bén nhạy ứng hiện vì phiền não chúng sinh trên cuộc đời này, biến chuyển tùy theo không - thời gian, ứng thuận với sự mong cầu của chúng sinh, nên ngài thị hiện ra vô số hình tướng khác nhau. Theo kinh Pháp hoa, chúng ta có thể gọi Quán âm là Phổ môn thị hiện sức thần thông. Bồ-tát Quán thế âm đầy đủ thể thức thiêng liêng diệu dụng không thể nghĩ bàn như thế ban đầu được dân chúng vùng Ngũ hà (Panjab),1 đặc biệt là khu vực hạ lưu sông Tín-độ (Indus) sùng bái; về sau từ vùng Kiền-đà-la (Ghandāra) lưu thông đến toàn cõi Ấn Độ, không lâu sau đó truyền đến Trung Quốc, Nhật Bản, hào quang rực rỡ rạng tỏa muôn nơi.
1 Vùng Ngũ hà (Pañjāb) chính là thượng lưu sông Panjnad của dòng chảy sông Indus, là vùng đất phát nguyên nền văn minh Ấn Độ. Sở dĩ gọi là vùng Ngũ hà là vì nơi đây là địa vực có năm con sông Sutlej, Bias, Ravi, Chenab và Jhelum.
Như vậy, tín ngưỡng Quán âm xuyên qua ba nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, dòng tư tưởng ấy êm đềm trôi mãi để trở thành một dòng nước trong xanh tươi mát; từ cổ chí kim, nó đã tưới tẩm vào lòng người phương Đông một luồng sinh khí, quang minh rực rỡ, tô đắp nên nền tảng hòa bình và tinh thần hòa hợp. Ngoài ra, vào thời đại hưng khởi của Phật giáo Đại thừa, đã có nhiều học giả Ấn Độ chí tâm lễ bái Bồ-tát Quán thế âm, sự thật này đã ghi vào lịch sử.1 Từ phương diện này để nhìn nhận, thì đây là học thuyết lấy tín ngưỡng Quán âm mang tính viên dung vô ngại làm mẫu thai, được thành lập khi Phật giáo Đại thừa phát huy đến mức độ thuần thục.
1 Taranatha, Lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ (Gesehichte des Budhismus in Indien), tr. 51.
Đại khái, vùng Ngũ hà và hạ lưu sông Indus chính là địa bàn di trú của dân tộc Āryan. Người Āryan và cư dân bản địa Ấn Độ nơi đây cùng xưng tụng linh cách uy đức bao trùm, linh thiêng cảm ứng của Bồ-tát Quán thế âm mà nuôi dưỡng tín ngưỡng này bằng lòng thành kính. Danh xưng Quán thế âm tràn đầy phong khí mang tính tôn giáo của Ấn Độ xưa nay tương tự với danh xưng trong Bà-la-môn giáo. Cho nên, Bồ -tát Quán thế âm là thánh linh của phương Đông tượng trưng cho đức từ bi lớn của đức Phật; đồng thời, thánh mẫu Maria ở phương Tây cũng được nhìn nhận là biểu tượng như Bồ-tát Quán thế âm. Vì vậy, Bồ-tát Quán thế âm điều hòa được sự đối lập tư tưởng giữa những người phương Đông và phương Tây, phá tan sự khác biệt về dân tộc tính, ngài chính là bậc thánh mang tình thương bình đẳng tuyệt đối được người đời chắp tay sùng bái.
Ngoài ra, tín ngưỡng Quán âm là bậc Thánh giả trong bản thể tôn giáo, không chỉ tồn tại đối với quan niệm thuộc về cõi trời và cõi Cực lạc mà còn là bậc Bồ-tát rũ lòng từ bi ban vui cứu khổ cho nhân gian khổ não ở đời ác hiện thực với năm món trược1 này, và còn mang ý nghĩa Như Lai tạng (tathāgata-garbha) vốn có trong tự thể của loài người, đây chính là sắc thái đặc biệt nhất của Bồ-tát Quán thế âm.
1 Năm món trược: (Skt. pañca kaṣāyāḥ) chỉ năm thứ cặn đục nổi lên trong kiếp giảm (thời đại mà tuổi thọ con người rút ngắn dần). Theo kinh Bi hoa, quyển 5 và Pháp uyển châu lâm, quyển 98 thì năm món trược là: 1. Kiếp trược: khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 30 tuổi thì nạn đói kém xảy ra, lúc còn 20 tuổi thì nạn dịch bệnh xảy ra, lúc còn 10 tuổi thì nạn binh đao nổi dậy, chúng sinh trong thế giới đều bị hại; 2. Kiến trược: chính pháp diệt rồi, tượng pháp dần dần xuất hiện, tà pháp bắt đầu sinh sôi, tà kiến tăng mạnh, khiến con người không tu pháp lành; 3. Phiền não trược: chúng sinh nhiều ái dục, tham lam, bỏn xẻn, tranh đua, nịnh hót, lừa gạt, tiếp nhận các pháp tà, làm cho tâm hồn não loạn; 4. Chúng sinh trược: chúng sinh phần nhiều tồi tệ xấu xa, không hiếu kính cha mẹ, không sợ quả báo ác, không tạo công đức, không tu tuệ thí, chẳng giữ trai giới; 5. Mạng trược: đời xưa con người sống thọ 8 vạn tuổi, đời nay do nghiệp ác tăng mạnh nên tuổi thọ giảm dần, hiếm người sống được trăm tuổi. [Nd]
Bồ-tát có đầy đủ bản chất như: lập lời thệ nguyện, sống với thệ nguyện và thực hiện thệ nguyện. Bồ-tát Quán thế âm thệ nguyện trừ khử bảy nạn1 của chúng sinh, đáp ứng mọi nguyện vọng của chúng sinh, lấy việc quán nghe âm thanh chúng sinh ấy, Phổ môn thị hiện linh cảm tự tại để cứu độ và hộ trì tất cả chúng sinh. Ngoài ra, tự thân của những người tín ngưỡng Bồ-tát Quán thế âm thể nhập vào việc xưng niệm tam-muội, khi thực hành thâm diệu trí tuệ Bát-nhã ba -la-mật-đa thì tự nhiên sẽ trở thành Bồ-tát Quán thế âm, ứng hiện mọi hoạt động tự tại trong xã hội hiện thực, phát ra ánh sáng vĩnh hằng từ thuở lâu xa đến nay, là đặc trưng chỉ có ở Phật giáo mà các tôn giáo khác không thể so sánh được. Thuyên thích và nghiên cứu về nguyên lý tín ngưỡng như thế, chúng ta thấy tín ngưỡng Quán âm không những là vị ngọt đề hồ của Phật giáo mà còn là tinh hoa của nền tư tưởng Đông - Tây. Thể hội được chỗ này, hành giả sẽ đắm mình trong tự do tuyệt đối với niềm an vui của pháp hay ngày lại qua ngày sống trong khổ đau phiền muộn, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự chọn lựa của mỗi người.
1 Bảy nạn: Chỉ cho bảy nạn nói trong phẩm Thọ trì của kinh Nhân vương bát-nhã, quyển hạ: 1. Sự vận hành của mặt trời, mặt trăng không đúng thời; 2. Hai mươi tám vì sao vận hành không đúng thời; 3. Lửa lớn thiêu đốt sạch cõi nước, nhân dân; 4. Nước lũ cuốn trôi và nhận chìm trăm họ; 5. Gió bão thổi mạnh làm chết nhân dân, đất nước núi sông, cây cối cùng lúc đều bị tiêu diệt; 6. Các loài thảo mộc bị khô hạn, ngũ cốc thất thu; 7. Giặc cướp từ các nơi kéo đến xâm chiếm đất nước, chiến tranh tàn phá, nhân dân lầm than. Ngoài ra, còn có 7 nạn nói trong phẩm Phổ môn của kinh Pháp hoa: Nạn lửa, nạn nước, nạn la-sát, nạn dao gậy, nạn quỷ dữ, nạn gông cùm và nạn giặc oán. [Nd]