Nên quán ở pháp không,
Nếu người muốn lễ Phật,
Quá khứ và tương lai,
Cùng chư Phật hiện tại,
Nên quán xét vô ngã.2
Không cần phải nói dài dòng thì đương nhiên ai cũng biết Quán thế âm là tên một vị Bồ -tát, nhưng vấn đề cần thiết là chúng ta phải hiểu được ý nghĩa và nội dung tư tưởng của vị Bồ-tát này. Một khi khởi xướng thánh hiệu Bồ-tát Quán thế âm, chúng ta sẽ có cảm giác gần gũi, thân thiết; khi nghe đến danh hiệu ngài, điều đầu tiên khởi lên trong tâm tưởng chúng ta là đức tướng nhẫn nhục, nhu hòa, đầy lòng từ bi, rồi sau đó mới tác động đến trí não chúng ta tôn dung thanh tịnh, trang nghiêm và vi diệu của Bồ-tát, thân thiết vô cùng.
Bồ-tát là từ gọi tắt của Bồ-đề tát- đỏa. Bồ- đề tát-đỏa, tiếng Phạn là bodhi-satta. Trong cổ ngữ Ấn Độ, bodhi được phiên dịch thành Phật trí, Phật đạo, có nghĩa là giác; còn satta có nghĩa là hữu tình hoặc chúng sinh.
Trong tác phẩm Pháp hoa huyền tán của đại sư Khuy Cơ (632-682) chùa Từ Ân, đời Đường, dịch ý chữ này là Giác hữu tình.1 Tôi cho rằng, có lẽ đây là dịch ngữ đúng nhất. Trong thuật ngữ Giác hữu tình thì giác là chính giác; hữu tình có nghĩa là sinh vật hoặc con người. Do đó, đại đa số ý nghĩa của Bồ-tát được biểu hiện trong kinh Tăng nhất A -hàm2 thuộc kinh điển nguyên thủy là người tìm cầu giác ngộ. Hay nói cách khác, Bồ-tát là người tìm cầu bồ-đề (bodhi, trí tuệ). Tóm lại, Bồ -tát là người tìm cầu giác ngộ cho chính mình, vì để thể hiện chân lý nên lúc nào cũng tùy thuận thân cận giáo pháp, là một hành giả khao khát mong mỏi chứng đạt lý tính tự nội, nên tâm không hề bị khuấy động.
1 Kinh Pháp hoa huyền tán, quyển 2.
2 Kinh Tăng nhất A-hàm, kinh số 28, số 36.
Trong luận Đại Tỳ -bà-sa có ghi: “Do vị Tát-đỏa này khi chưa chứng đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam- bồ-đề (anuttara-sammā-sambodhi, tức Vô thượng chính đẳng chính giác), có tăng thượng ý lạc, thường tùy thuận bồ-đề, hướng đến bồ- đề, thân cận bồ-đề, ưa thích bồ-đề, tôn trọng bồ-đề, khát ngưỡng bồ-đề, truy cầu chứng đạo, mong muốn chứng đạo, một giây cũng không dám biếng nhác, không dám ngừng nghỉ, trong từng khoảnh khắc cũng không dám tạm xả tâm bồ-đề, cho nên gọi là Bồ-đề tát-đỏa”.3 Đây là thuyết sáng tỏ nhất về ý nghĩa Bồ-tát của Tiểu thừa.
3 Luận A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa, quyển 176 阿毘達磨大毘婆沙論卷第一百七十六 [T27n1545, tr. 887a27].
Trường phái triết học Số luận (sāṃkhya) của Ấn Độ cổ đại cho rằng tát-đỏa (satta) có nghĩa là tinh thần thuần túy, vắng lặng, quang minh và hoan hỷ. Thể thuần tát-đỏa (satta, hỷ) cùng với thể động la-xà (rajas, ưu) và thể che đa -ma (tamas, ám) gọi chung là “Ba đức của vạn hữu”.1 Thế nhưng, Phật giáo cho rằng từ tát-đỏa có ba ý nghĩa là “lực, thế và hào dũng”, nếu giải thích với nghĩa thông thường thì đó là sự “dũng mãnh”. Do đó, ngài Trừng Quán (737-838), đời Đường cũng nói: “Tát-đỏa, tiếng Trung Hoa gọi là dũng mãnh, vì đại bồ-đề nên thường phát đại tâm dũng mãnh”.2
1 Ấn Độ lục phái triết học, tr.65.
2 Hoa nghiêm sớ sao, quyển 1, Bồ-đề-tát-đỏa chi tam thích.
Luận thuyết trên đây là ý nghĩa về Bồ- tát của Tiểu thừa được trình bày trong kinh điển nguyên thủy, những vị Bồ-tát này từ thuở kiếp lâu xa đời quá khứ lập thệ nguyện tìm cầu bồ- đề, tu hành khổ hạnh. Có thể thấy, đó là con người dốc hết khả năng để tu hành thành Phật, nghĩa là người “có vận mệnh để giác ngộ đạo”, vì Bồ-tát hết lòng tu hành Phật đạo nên cuối cùng sẽ chứng ngộ Phật quả.
đây, tôi không thể không trình bày tóm lược một chút về Phật giáo trong quá trình chuyển biến từ tư tưởng Tiểu thừa tiến dần đến tư tưởng Đại thừa. Phật giáo có nhiều chi phái khá phức tạp, hệ thống kinh điển cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa nhiều vô số kể, nhưng yếu quyết tu hành mà đức Phật khai thị cho học trò là khi “nương chính pháp tu hành” thì hãy “thắp sáng ngọn đèn chính pháp”; khi “nương tự thân tu hành” thì hãy “thắp sáng ngọn đèn tự thân”.1 Đây là phương châm tu hành căn bản vào thời đại Phật giáo nguyên thủy, cho nên thực hành chính pháp, giác ngộ chính pháp là sự nghiệp quan trọng nhất.
1 Trường A-hàm, kinh Du hành, số 2.
Trên thực tế, mặc dù đức Phật Gotama đã trở thành đấng Giác ngộ (buddha) nhưng cũng phải thể nghiệm bằng cách nói lên được ý nghĩa của pháp (dhamma), các đệ tử Phật muốn thành tựu Phật đạo thì phải thực hành theo chính pháp. Hơn nữa, người nào tự mình thể hiện được chính pháp là người đó đã “thắp sáng ngọn đèn tự thân”, cho nên đây là con đường chân chính để đạt đến cảnh giới an trụ tuyệt đối. Thế nhưng, chính pháp ở đây là gì?
Theo diễn tiến của từng thời kỳ mà người ta có những kiến giải khác nhau về chính pháp. Do cách giải thích bất đồng ấy nên về đời sau phát sinh nhiều tông phái khác nhau. Ban đầu, đức Phật khuyên dạy các đệ tử phải nương theo chính pháp mà vâng giữ tu tập, cũng như nước trong bình này rót sang bình khác, rồi cứ từ bình này truyền sang nhiều bình khác nữa, nhưng tất cả đều dựa vào các Phật điển được kết tập, nên trong thời gian hơn một trăm năm đầu sau Phật nhập diệt, giáo pháp đức Phật không có bất kỳ sự sai khác nào, đức Phật để lại giáo pháp thế nào thì các đệ tử phải theo đó mà hộ trì và kế tục. Song, do kiến giải khác nhau về “chính pháp” cho nên sau khi Phật diệt độ bốn trăm năm, chính pháp ấy phân chia thành hai mươi bộ phái lớn nhỏ,1 trong sử truyện ghi chép rất nhiều cuộc nghị luận đối lập nhau giữa tư tưởng bộ phái này với tư tưởng bộ phái khác, không cần phải nói thêm ở đây.
1 Hai mươi bộ phái: Hai mươi bộ phái này thuộc Phật giáo Nam truyền. Sau khi Phật diệt độ hơn 100 năm, do bất đồng về 5 việc do Đại Thiên nêu ra nên chia thành 2 bộ căn bản là Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ. Sau đó, Đại chúng bộ chia tiếp thành 9 bộ; Thượng tọa bộ chia thành 11 bộ. Đó là: 1. Đại chúng bộ (Mahāsaṃghikāḥ); 2. Nhất thuyết bộ (Ekavyāvahārikaḥ); 3. Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravādinaḥ); 4. Kê dận bộ (Kaukkuṭikāḥ); 5. Đa văn bộ (bahuśrutīyāh); 6. Thuyết giả bộ (Prajñaptīvādināḥ); 7. Chế đa sơn bộ (Caityaśailāḥ); 8. Tây sơn trụ bộ (Aparaśailāḥ); 9. Bắc sơn trụ bộ (Uttaraśailāḥ); 10. Tuyết sơn bộ (Haimavatāḥ); 11. Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvās-tivādāḥ); 12. Độc tử bộ (vātsīputrīyāḥ); 13. Pháp thượng bộ (Dharmottarīyāḥ); 14. Hiền trụ bộ (Bhadrayānīyāḥ); 15. Chính lượng bộ (Saṃmitīyāḥ); 16. Mật lâm sơn bộ (Śaṇṇāgarikāḥ); 17. Hóa địa bộ (Mahīśāsakāḥ); 18. Pháp tạng bộ (Dharmaguptāḥ); 19. Ẩm quang bộ (Kāśyapīyāḥ); 20. Kinh lượng bộ (sautrāntika).[Nd]
Trong các dị thuyết trên thì trào lưu tư tưởng của Đại chúng bộ thuộc dòng chủ lưu; trong các bộ phái khác, đặc biệt lấy Thuyết nhất thiết hữu bộ và bộ phái kế thừa tư tưởng này là Kinh lượng bộ, sau đó nhào nặn, chọn lọc rồi triển khai, đến giai đoạn này thì Phật giáo Đại thừa bắt đầu hoàn chỉnh. Thế nhưng, trước khi tư tưởng Đại thừa thai nghén để thành hình thì giáo lý các bộ phái xung quanh nó câu thông với nhau, nên không thể coi thường đối với ba dòng tư tưởng nở rộ dưới đây:
Thứ nhất, chủ nghĩa chí thượng “Đại pháp” (abhidharma), sau đó hình thành nên tư tưởng “Thật tướng các pháp”, đại khái lấy địa bàn Ca -thấp-di -la (kaśmīra) vùng Bắc Ấn làm trung tâm, không lâu sau đó mở rộng và truyền sang vùng Kiền-đà-la (gandhāra) và hình thành nên dòng tư tưởng thịnh hành tại miền Trung và miền Tây Ấn Độ.
Thứ hai, thuyết “Các pháp đều không”, coi trọng hệ thống Không quán bát -nhã. Ban đầu dòng tư tưởng này ngự trị ở bên bờ sông Tín-độ (Indus) , đặc biệt là vùng Kiền-đà -la, chủ trương “Tám ngàn bài tụng bát-nhã” [trí tuệ đến bờ bên kia, Aṣṭasāhasrikā- prajñāpāramitā], lan truyền bao phủ khắp miền Trung và Bắc Ấn Độ, mở rộng đến vùng Ma-yết- đà (magadha) và Kiều -tát-la (kośala), xây dựng nên một địa bàn hoạt động lớn mạnh của hệ tư tưởng “Các pháp đều không”.
Thứ ba, “Chủ nghĩa Chân ngôn thần bí” (mantra guhya) bao trùm toàn đất nước Ấn Độ, việc chính của họ là dùng thần chú (dhārani) của Bà-la-môn để cầu đảo cúng tế, lĩnh thọ giáo chỉ của Du-già quán hạnh, đề xướng trào lưu tư tưởng sự tướng về Tam mật tương ưng.1
1 Tam mật tương ưng三密相應: Tam mật (Skt. trīṇi guhyāni) chỉ cho ba nghiệp bí mật, tức thân mật (Skt. Kaya-guhya), khẩu mật (Skt. Vāg-guhya) và ý mật (Skt. Ma-no-guhya). Ba nghiệp bí mật [thân, khẩu, ý] của thân chúng sinh tương ứng với ba nghiệp bí mật của đức Phật pháp thân, dung hòa mà không có gì ngăn cách.[Nd]
Không cần phải che đậy, ba dòng tư tưởng trên đều thoát thai từ giáo thuyết của đức Phật, chúng đều coi trọng giáo pháp của Phật truyền lại, nhưng do có quan điểm mang tính thời đại, giải thích thêm về đại cục, kinh qua rất nhiều thay đổi và cách tân để trở thành tư tưởng Đại thừa. Dòng tư tưởng thứ nhất trở thành nguồn mạch của hệ Pháp hoa; dòng tư tưởng thứ hai trở thành nguồn gốc của hệ Bát-nhã; dòng tư tưởng thứ ba trở thành khởi thủy của Mật tông bộ.
Mà điều không cần phải nói, lãnh địa trung tâm để ba dòng tư tưởng này giao lưu tụ hội là Kiền-đà-la. Vùng đất này chính là điểm giao lưu hội tụ của nền văn minh Đông Tây kể từ khi Alexander đại đế (356-323 tr.TL) mang quân sang đây viễn chinh; và cũng có liên quan đến đô thành của vua Ca-nị-sắc-ca (Kanisakā), vị ngoại hộ vĩ đại của Phật giáo đương thời. Từ đó, chúng ta có thể tưởng tượng ra được cảnh trạng các nhà tư tưởng vĩ đại lúc bấy giờ vân tập về vùng đất này nhiều ra sao. Kiền-đà-la là chiếc nôi sinh ra Phật giáo Đại thừa, cũng có thể từ việc tìm hiểu sự tích của Bồ-tát Đàm-mô-kiệt (Dharmodgata) để chứng minh cho vấn đề này.
Theo kinh Đạo hành bát-nhã, Bồ-tát Đàm-mô-kiệt là một nhân vật có thật, nhờ các học giả và tín đồ Phật giáo cúng dường tại thành Kiền-đà-việt, tức Kiền-đà -la (Gandhāra), mà ngài tuyên thuyết Bát-nhã ba-la- mật và ghi chép tông chỉ quan trọng của kinh này; còn có ghi chép một học giả tên là Tát-đà -ba- luân (Sadā-prarudita) từ phương Tây xa xôi đến Ấn Độ tìm cầu pháp Bát-nhã ba-la-mật.1 Từ đây chúng ta có thể thấy được ba sự thật:
1 Kinh Đạo hành bát-nhã, phẩm Tát-đà-ba-luân, 9; và phẩm Đàm-mô-kiệt,10.
Thứ nhất, trước khi biên tập bộ luận Đại Tỳ-bà-sa, vùng Kiền-đà-la đã lưu hành tư tưởng Bát-nhã.
Thứ hai, vùng Kiền-đà-la là chiếc nôi sản sinh ra tư tưởng Đại thừa.
Thứ ba, Kiền -đà-la là vùng đất giao lưu giữa hai nền văn minh Đông - Tây.
Nghiên cứu rốt ráo tư tưởng Đại thừa, xem “Chính pháp là từ hữu dục diễn biến đến vô dục, xa lìa vô số ràng buộc và các căn bệnh triền cái”1 do đức Phật thuyết trong kinh Tăng nhất A-hàm là nội dung chính pháp được nêu ra đơn giản, rõ ràng và phù hợp nhất. Như vậy, đã hiển bày được lý của hết thảy các pháp đều không. Coi trọng tư tưởng “nhân không” (pudgala-śūnya) lấy “vô ngã” làm chủ đạo là xu thế mang tính đương nhiên.
1 Kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 2, phẩm Quảng diễn, 3 增壹阿含經卷第二廣演品第三 [T02n0125, tr.554b27].
Nên quán ở pháp không,
Nếu người muốn lễ Phật,
Quá khứ và tương lai,
Cùng chư Phật hiện tại,
Nên quán xét vô ngã.2
2 Kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 28, phẩm Thính pháp, 36增壹阿含經卷第二十八聽法品第三十六 [T02n0125, tr.707c24].
Tuy nhiên, nếu câu nệ vào lý luận “nhân không, ngã không” sẽ dễ rơi vào hố nguy hiểm “lạc vào pháp chấp”, vì sáng tỏ được “không” thì loại chấp trước này cũng chủ trương “pháp không” (dharma-śūnya), nêu cao thuyết “nhân pháp đều không”; thể hiện thuyết “nhân không, pháp không” thành trọng điểm của giáo nghĩa Phật pháp. Mà tư tưởng này được xem là chủ trương của Nhất thiết hữu bộ (sabhattivāda) và học phái được lưu xuất từ nó là Kinh lượng bộ (sautrāntika) trong hệ tư tưởng Thượng tọa bộ mà bộ này ban đầu đề xướng thuyết “Các pháp thật có”; nhưng đặc biệt, Kinh lượng bộ lại đề xướng “Tám ngàn bài tụng bát-nhã” [trí tuệ đến bờ bên kia]. “Đến bờ bên kia” cũng chính là tư tưởng ba -la-mật (pāramitā). Tiến tới một bước nữa để triển khai mười ba-la -mật, từ đây đúc kết thành mô phạm của Bồ-tát hạnh Đại thừa.
Mười ba-la-mật là: 1. Bố thí (dāna); 2. Trì giới (śīla); Chân trí [tức Bát-nhã ] (paññā); 4. Tinh tấn (viriya); 5. Nhẫn nhục (khanti); 6. Vô dục (nekkhamma) [tức lánh đời]; 7. Chân thực (sacca); 8. Quyết ý (adhitthāna); 9. Từ bi (mattā); 10. Xả tâm (upekhā) [tức Tâm lặng tĩnh siêu việt]. Những hành vi chí thiện này là con đường thực hành để hoàn thiện bản thân, đồng thời cũng là nền tảng để tịnh hóa xã hội. Thế nhưng, sáu ba-la-mật hay mười ba-la-mật là hạt giống (bīja) để thành tựu Chính giác (sammāsambodhi), vấn đề quan trọng nhất chính là thể hội được “nhân pháp đều không”, là “bát-nhã ba-la-mật”, là “thể hiện được tính không bát-nhã”. Sau đó cần mở rộng thêm, xem các pháp đều không là nền tảng, thâu tóm và dung hóa các học thuyết Đại thừa, nhằm giải thích rõ thuyết về “thực tướng của các pháp”. Bởi vậy mà kinh điển hệ Pháp hoa cũng tiến hành biên soạn đồng thời với việc thành lập kinh điển hệ Bát-nhã; khả năng chiết trung giữa hai hệ tư tưởng ấy có thể lấy việc miêu tả minh xác nhất trong luận Đại trí độ (Mahāprajñāpāramita-śastra) của ngài Long Thọ (Nāgārjuna) để giải thích kinh Đại phẩm bát-nhã. Mà luận Đại trí độ còn gọi là Ma-ha bát-nhã thích luận, cũng có thể coi đó là sự biểu đạt từ tư tưởng kinh Pháp hoa, nhằm biểu hiện thành quả của chúng.1
1 Luận Đại trí độ, các quyển 7, 9, 10, 26, 30, 32, 33, 38, 46, 50, 57, 79, 84, 93, 100.
Như vậy, tinh thần Phật giáo từ lập trường Tiểu thừa trong việc hoàn thành bản thân nó, dần dần chuyển thành Đại thừa lấy tư tưởng Bát-nhã ba-la-mật (paññā-pārami) làm trung tâm, bao quát ý nghĩa hoàn thiện giải thoát của tổng thể xã hội. Bát -nhã (paññā) được dịch là chân trí. Chân trí là nền tảng để đạt đến vô ngã, vì đạt đến vô ngã là nhằm tịnh hóa xã hội, chứng đắc chân trí. Vô ngã chính là không, vì ngã tướng bị trừ diệt, lấy “không, vô vi” làm tông chỉ, xả bỏ tâm mê vọng và tham muốn của tự ngã, xem vũ trụ là ngã sở, tinh thần xem tất cả chúng sinh thân thiết như con ruột của mình, nhằm trừ khử hàng rào ngăn cách giữa ta và người, tiến vào cảnh giới vô tư đồng thể. Không còn chấp ngã, không còn tà niệm, một mảy may cũng không trở ngại ở vọng tâm yêu ghét, đối với bất kỳ ai cũng đều cảm thấy thân thiết, luôn khởi niệm từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Như vậy, sau khi tiến vào tư tưởng Đại thừa, khái niệm Bồ-tát lại càng được mở rộng thêm, từ một vị Bồ-tát làm lợi ích cho mình mở rộng thành vị Bồ-tát làm lợi ích cho người khác. Ngài Thân Quang (Banbhu-prabha), người miền trung Ấn Độ nói: “[Bồ-tát] có đầy đủ nguyện lớn tự lợi và lợi tha”.1 Ngài Tuệ Viễn (523-592) đời Tùy nói: “Khéo tu con đường tự lợi và lợi tha”.2
1 Phật địa kinh luận, quyển 2, có ghi: “Hiển thị hai đức Tự lợi và Lợi tha của đức Thế tôn, là công đức thù thắng vô tận顯示世尊自利利他二德無盡殊勝功德” [T26n1530, tr.297a18].
2 Đại thừa nghĩa chương, quyển 14 大乘義章卷第十四 [T44n1851, tr.746b25].
Trong tác phẩm Ma-ha chỉ quán của ngài Trí Khải (538-597), đời Tùy, có một câu nói nổi tiếng: “Trên cầu bồ-đề, dưới hóa độ chúng sinh”.3 Từ xưa đến nay, việc giải thích chữ “Bồ -tát” thường dùng nhất trong các Từ điển Đại thừa đều vẫn mang ý nghĩa “Trên cầu chứng bồ-đề, dưới hóa độ chúng sinh”. Nghĩa là, một mặt thì tìm cầu đạo bồ-đề (bodhi), tức cầu việc chứng ngộ Phật đạo; đồng thời, mặt khác còn giáo hóa tất cả chúng sinh. Từ thuở xa xưa khi chư Phật, Bồ-tát tìm cầu giác ngộ thì đồng thời các ngài cũng dang rộng vòng tay giáo hóa chúng sinh. Cầu bồ-đề chính là tự lợi, giáo hóa hữu tình là lợi tha; trong kinh điển Đại thừa, ai hoàn thành được con đường tự lợi và lợi tha thì đó là Bồ-tát.
3 Ma-ha chỉ quán, quyển 1 摩訶止觀卷第一 [T46n1911, tr.6a18].
Thế nhưng, về sau ý nghĩa trên biến chuyển thành phạm trù rộng hơn, xem tự lợi không bằng lợi tha nên bỏ tự lợi, ai thực hành hạnh thuần túy lợi tha mới được gọi là Bồ-tát. Bồ-tát thông thường chúng ta nói đến đều mang ý nghĩa này, tức là tinh thần cao đẹp dám hy sinh bản thân để thành tựu cho người khác. Trong luận Đại trí độ có nói: “Vào trong pháp không, hành sáu ba-la-mật, có tâm đại từ đại bi, người này được gọi là Bồ-tát”.1
1 Luận Đại trí độ, quyển 52 大智度論卷第五十二 [T25n1509, tr.432a04].
Ngoài ra, “Bồ-tát có hai hạng: một là, nhục thân sinh tử; hai là, sinh thân pháp tính”.2 Nhục thân sinh tử được nói ở đây là chỉ cho phương diện lợi tha; sinh thân pháp tính là chỉ cho phương diện tự lợi của con đường giác ngộ. Bồ-tát chính là bản thể mang đầy đủ con đường tự lợi và lợi tha.
2 Luận Đại trí độ, quyển 74大智度論卷第七十四 [T25n1509, tr.580a14].
Bây giờ, chúng tôi sẽ tiến hành khảo cứu về xuất xứ danh hiệu của Bồ-tát. Nguồn gốc thỏa đáng nhất có thể vào thời gian đức Thích tôn tu hành, qua sự tôn vinh của tộc Thích-ca. Sau giấc mộng đắm chìm vào niềm hoan lạc, vương tử Tất-đạt-đa (Siddhartha) nhìn thấy cuộc đời như ảo ảnh biến đổi vô thường, trong lòng phiền não, là động cơ để vương tử hiểu rõ được ý nghĩa sâu kín về tướng trạng cuộc đời, vì vậy mà vương tử tìm thẳng đến con đường niết-bàn vô sinh, vì nó an ổn không con đường nào có thể hơn được. Đến lúc này, có hai con đường chọn lựa, hoặc là làm thái tử của một vương quốc, hoặc là trở thành một sa-môn cầu đạo. Trong thời gian tu hành “trên cầu đạo bồ-đề” chưa hoàn thành được sở nguyện, thì ở giai đoạn tu tập này ngài được gọi là Bồ-tát Cù-đàm (Gautama).
Ngoài chi tiết này, trước khi xuất hiện trên nhân thế, tiền kiếp đức Phật có khi làm bà- la-môn, có khi làm thái tử, có khi làm đạo sĩ tu hành, có khi làm dân nghèo, có khi làm khỉ, làm chuột,… mà trước khi thành tựu quả vị Chính giác, ngài đã tu hành qua một thời gian dài từ thuở kiếp lâu xa về trước. Đức Thế tôn tu tập, hành đạo trong khoảng thời gian này gọi là Bồ-tát.
Trong kinh điển có câu chuyện nói về đức Phật khi còn làm một vị Bồ-tát tên là bà-la -môn Thiện Tuệ (Sumedha-brahmaṇa). Thiện Tuệ rất ưa thích hạnh thuần tịnh, xem việc tìm cầu chân lý, cứu độ tất cả chúng sinh là nguyện vọng duy nhất; tự thân cam chịu đau khổ, dạo khắp năm cõi, từ địa ngục đi vào thế giới quỷ đói, từ thế giới quỷ đói đi vào cõi súc sinh, từ cõi người lên đến cõi trời, thân này chết đi lại hình thành thân khác, chết đi sống lại, tái sinh liên tục không biết bao nhiêu số kiếp. Nhìn thấy chúng sinh đắm chìm trong ái dục, chìm nổi trong biển khổ tử sinh, ngài cảm thấy thương xót, liền phát nguyện bạt cứu quần sinh như vầy: “Nay các chúng sinh chìm trong cõi khổ, phiền muộn buồn chán đều do tham dục, sân hận, ngu si; bị các độc như sắc, thanh, hương, vị, xúc nhiễu hại, cho nên ta quyết tâm đoạn trừ những bệnh khổ này cho chúng sinh”.
Mặc dù sinh ở thế giới Sa-bà, sống trong nghịch cảnh nhưng Thiện Tuệ chưa từng quên lời phát nguyện ấy, đối với tất cả chúng sinh đều bình đẳng, không hề phân biệt kẻ oán người thân; lấy bố thí cứu người nghèo khổ, lấy trì giới độ kẻ lỗi lầm, lấy nhẫn nhục dạy kẻ sân hận, lấy tinh tấn dạy kẻ biếng lười, lấy thiền định dạy kẻ loạn tâm, lấy trí tuệ khai kẻ ngu si, các hạnh lành vô lượng vô số như thế, ngày đêm không ngừng nghỉ, cứu độ chúng sinh cho đến khi tuổi già, trở thành chỗ tin cậy quy y cho tất cả chúng sinh. Đối với chư Phật, Thiện Tuệ cung kính cúng dường, ưa muốn nghe pháp.1
1 Kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, quyển 1, 過去現在因果經卷第一 [T03n0189, tr.620c26].
Câu chuyện về tiền thân đức Phật khi còn làm vị Bồ-tát, gọi là Bản sinh đàm (Jātakam)2 được lưu giữ trong Phật giáo phương Nam có đến 547 thiên. Ngoài ra, còn có kinh Na Tiên tỳ-kheo (milinda -pañha) trong kinh Trường bộ (Sumaṅgalavilāsinī) được viết bằng văn Pali. Trong các kinh A-hàm3 có ghi chép rất nhiều về thân phận Bồ-tát, hoặc Bồ-tát hiện thân bà-la-môn, hoặc Bồ-tát hiện thân vương tử, hoặc Bồ-tát hiện thân trưởng giả, hoặc Bồ-tát hiện thân khỉ, thân chuột, thân rắn,... Trong quá trình đọc tụng, chúng ta sẽ không thể không cảm động đến rơi lệ về hạnh nguyện của Bồ-tát, trong lòng dâng trào niềm tôn kính, tự nhiên phát khởi tâm thành kính ngưỡng mộ và tán thán ngài.
2 Bản sinh đàm 本生譚: (Pl. jataka), còn gọi là Bản khởi, Bản duyên, Bản sinh kinh. Là một trong 12 bộ kinh. Bản sinh đàm chủ yếu ghi chép tường thuật các sự tích đức Phật Thích-ca trong các kiếp quá khứ đã sinh làm nhiều loại thân hình và thân phận khác nhau mà tu hành đạo Bồ-tát. Trong tiền kiếp, có khi ngài làm thân hình quốc vương, thầy Bà-la-môn, lái buôn, đàn bà, và cái loài động vật như voi, vượn, hươu, gấu... hoặc cứu chúng sinh qua khỏi tai nạn hiểm nguy, hoặc vì cầu pháp mà tinh tấn tu hành các thiện nghiệp công đức.
3 Kinh Đại thiện kiến vương thuộc Trung A-hàm, 14; kinh Du hành thuộc Trường A-hàm, 3; phẩm Địa chủ thuộc Tăng nhất A-hàm, 13.
Vì vậy, những danh xưng Bồ-tát này là chỉ cho đức Phật “bản sinh” ban sơ, theo sự phát triển của văn học bản sinh thì nội dung của thể tài này ngày càng sâu sắc, trở thành quan niệm xem đức Phật bản sinh (tức Bồ-tát) là mô phạm cho việc tu hành. Do đức Phật thị hiện từ bi thuyết pháp nên dựa vào lòng từ bi mà Bồ- tát được giải thích thành quyền hóa của “pháp”. Các tín đồ Phật giáo có thiên hướng vào phương diện trí tuệ xem pháp là trung tâm nên không thể thoát khỏi con đường của Tiểu thừa; nhưng các tín đồ coi trọng cả hai phương diện trí tuệ và từ bi, đặc biệt là coi trọng từ bi, xem đức Phật là trung tâm, nên sẽ mạnh dạn hướng đến con đường Đại thừa. Như vậy, Phật giáo Đại thừa phương Bắc lúc bấy giờ nhìn nhận Bồ- tát là vị có nhân cách lý tưởng “trên cầu bồ-đề, dưới độ chúng sinh”, tán dương Bồ-tát “ngang bằng với chư Phật ba đời, chư Phật mười phương”, hoặc hình dung ca ngợi “hết thảy Như Lai xem Bồ-tát là thầy, nương vào hạnh nguyện của Bồ- tát mà thành Phật, nên Bồ-tát đúng là mẹ của ba đời chư Phật”.
Nói cách khác, ban đầu tư tưởng Bồ -tát biểu thị cho “hiện thực hóa tư tưởng”, nhưng về sau biểu thị cho “lý tưởng hóa hiện thực”. Có nghĩa là, từ tư tưởng Chân không bát- nhã (pañña), triển khai tư tưởng diệu hữu thành quan điểm về thực tướng của các pháp; mặt khác, do được cảm hóa bởi nhân cách đức Phật và chịu ảnh hưởng của Bản sinh đàm (Jātakam), kết hợp với tư tưởng cứu độ nồng hậu mang sắc thái tôn giáo mà sản sinh ra tinh thần Bồ- tát thuần Đại thừa. Từ tư tưởng hiện thực dần dần được lý tưởng hóa, từ thế giới hiện thực dần dần hướng đến thế giới lý tưởng, phẩm cách trở nên trác tuyệt và thuần khiết, nhờ vậy mà đảo ngược, đồng hóa đối với tín ngưỡng thế tục thông thường, Bồ -tát trong quan niệm biến thành vị Bồ -tát mang đối tượng của cảm xúc, nên có người xem hình tượng, tranh vẽ, cho đến các danh hiệu là biểu tượng của niềm tin. Bất kỳ chỗ nào trong kinh điển cũng nhìn thấy từ “Bồ -tát ma-ha-tát” (bodhisatta-mahāsatta). Ma-ha-tát là từ dịch âm của mahāsatta, có nghĩa là Đại sĩ, Thắng sĩ, là sự tôn xưng có ý nghĩa tương đồng với Bồ-tát, vì vậy mà người đời thường gọi Bồ-tát Quán thế âm là Đại sĩ Quán âm.
Tóm lại, Bồ-tát Đại thừa chính là vị Bồ-tát vì đại nguyện cứu đời mà hiện thân. Như Bồ -tát Quán thế âm lập thệ nguyện lớn rằng: “Trong tất cả chúng sinh, mặc dù chỉ một người chịu phiền não bởi các thống khổ thì ta không bao giờ trụ mãi mãi ở thế giới an lạc”. Vì phát thệ nguyện rộng lớn vô biên như vậy nên được chúng sinh thân cận, lễ bái và cung kính.
Như vậy, lấy thệ nguyện làm bản thể, vì thệ nguyện mà ra đời, vì thệ nguyện mà tồn tại, xem việc hoàn thành thệ nguyện là sứ mệnh, đây chính là Bồ-tát Đại thừa. Thệ nguyện này chẳng giống với lời thề bình thường của người thế gian, vì người thế gian tuyên thệ là vì mục đích danh thơm và lợi dưỡng cho bản thân; còn Bồ-tát thì buông xả tự ngã, cứu giúp và hộ trì chúng sinh, từ vô lượng kiếp đến nay dũng mãnh tinh tấn, phấn đấu nỗ lực. Thệ nguyện lớn cứu giúp và hộ trì chúng sinh này là bản chất của Bồ -tát, vì vậy mà các ngài được tất cả chúng sinh gần gũi kính ngưỡng. Do từ niệm (anukampati) bởi thệ nguyện cứu độ chúng sinh mà ngài ra đời, đó chính là tinh thần của Bồ-tát.