Quán âm là tên gọi tắt của Bồ-tát Quán thế âm. Bồ-tát Quán thế âm là vị nào thì mọi người đều biết, nhưng để thuyết minh rõ hơn về ngài thì việc này không phải dễ. Nhà triết học phương Tây từng nói: “Có thể nói thêm được những gì thì đã không phải là Thượng đế”. Để nói rốt ráo về ý nghĩa Bồ -tát Quán thế âm, tôi nghĩ rằng câu nhận định trên cũng có thể phù hợp cho cách nhìn về ngài. Hay nói cách khác, Bồ -tát Quán thế âm mà chúng ta có thể thuyết minh được thì đã không phải là Bồ-tát Quán thế âm chân thực rồi. Nghĩa là dùng ngôn ngữ không hoàn hảo và những khái niệm ô nhiễm của chúng sinh để trình bày thêm cho Bồ -tát Quán thế âm thì Bồ-tát Quán thế âm qua ngôn từ ấy chẳng còn đúng như thật với bản thể của ngài. Thế nhưng, nếu không trình bày thêm được điều gì nữa mà lại buông xuôi thì chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ hiểu được ý nghĩa về Bồ-tát Quán thế âm. Do đó, mặc dù chỉ là một khái niệm, một danh từ không hoàn hảo nhưng nó không thể không đáng trân trọng, nên đành phải nói ra vậy. Bất luận đức Quán âm được nhìn nhận là Thần, là Phật, là chân lý thì hết thảy đều phải vay mượn ngôn từ để chứng nghiệm, cho nên cần phải chọn lựa hết mọi ngôn từ để nghiên cứu tường tận về ngọn nguồn đức Quán âm. Thí như lập kế hoạch leo lên bức vách cao vạn thước, hoặc ngọn núi thiêng đầy hiểm trở nhưng người chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng leo núi, chỉ có tinh thần phấn chấn, gạt bỏ mọi khó khăn, từng bước một leo thẳng, vượt qua tầm nhìn cõi tục, cầu sự ứng nghiệm nơi đức Bồ-tát Quán thế âm, thì chẳng lẽ không được cảm ứng sao!
Quán thế âm là danh hiệu có nguồn gốc từ tiếng Phạn avalokiteśvara, là thánh ngữ được dân tộc āryan1 tại Ấn Độ thời cổ đại sử dụng và lưu truyền.
1 Dân tộc āryan, tương truyền cư trú tại một vùng thuộc miền Trung á vào khoảng 3000 năm trước Tây lịch, và di cư đến vùng Ngũ hà khoảng 1.500 năm trước Tây lịch.
Từ xưa đến nay thuật ngữ tiếng Phạn này được dịch âm thành nhiều danh hiệu, khái quát như sau:
1 Tác giả chú thích: “Từ Lô-lâu-hoàn 廬樓桓 có xuất xứ từ kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác (Đại chính tạng, quyển 10, tr.291)”, nhưng trong kinh này chỉ có từ “Hạp-lâu-hoàn 廅樓亘” mà không có tên “Lô-lâu-hoàn” như tác giả nói [T12n0361, tr.290a22].
Trong bảy cách dịch âm nêu trên, ta thấy ở trước danh hiệu của sáu cách dịch âm đầu có thêm chữ A-lê-da (ārya, tức thánh ngữ); còn dịch thành A-lê-da (a) bô -lô-yết-để-nhiếp-phạt-la, thì trong ấy, da hàm nhiếp cả a, nên ở cách dịch này người ta loại bỏ đi A-lê-da.
Trong Đại bi tâm đà-la-ni cũng có câu: Nam-mô a-lê-da bà-lô-yết-đế-thước-bát-ra-da [namu ārya boryokichisiburaya, tức Quay về thể nhập thánh Quán thế âm].
Trong chữ da ấy cũng hàm nhiếp chữ a. Cách dịch âm thứ bảy thành Lô-lâu-hoàn, nếu xét về cách dịch âm của chữ Avalokiteśvara thì cách dịch này không trọn vẹn, có thể xem là Cổ dịch, trở thành tiên phong cho việc “truyền dịch kinh điển Đại thừa”. Chẳng hạn, Chi -lâu-ca-sấm2 là dịch âm của từ Lokarakṣa, đã mang đến điều thú vị cho việc nghiên cứu quan sát từ góc độ khác, đặc biệt đáng được chú ý.
2 Chi-lâu-ca-sấm 支婁迦讖: (147-?, Skt. Lokaṣema), người nước Nguyệt-chi, có khi gọi là Nguyệt-thị, khoảng cuối đời Hán Hoàn đế, ngài đến Lạc Dương. Ngài phiên dịch rất nhiều bộ kinh vào khoảng niên hiệu Quang Hòa và Trung Bình (178-188).
Như vậy, rốt cuộc Avalokiteśvara có ý nghĩa gì, mang nội dung gì, và dịch ý như thế nào? Thái Lang, Thứ Lang, Tam Lang1… là tên gọi của những con người như chúng ta, chỉ là “nhã hiệu” (tên đẹp) mà thôi, chẳng mang ý nghĩa đặc biệt nào. Song, danh xưng của Phật, Bồ-tát thì chứa đựng “ý nghĩa thâm diệu về tự thể”. Do đó, danh hiệu Bồ-tát Quán thế âm xưa nay có nhiều dị thuyết, người này lập luận, người kia bác bỏ, cho đến hôm nay vẫn chưa có được kết luận nào trở thành tiêu chuẩn. Sở dĩ ngài có danh xưng đa dạng như thế là do tích hợp nhiều quan điểm từ các lĩnh vực mang tính lịch sử, tính địa lý, nên đủ thấy duyên phận chúng sinh đặc biệt sâu dày.
1 Bản tiếng Trung lại thay thế những tên người này thành Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy [tr.2].
Song, xét về cách dịch ý từ danh xưng tiếng Phạn này, cựu dịch là Quán thế âm, Quán âm; tân dịch là Quán tự tại. Ngoài ra, còn có thể nêu ra các tên gọi khác như Khuy âm, Quán doãn, Quán thế tự tại, Thế tự tại, Quán thế âm tự tại, Quang thế âm, thậm chí còn có danh hiệu là Hiện âm thanh… Thế nhưng, thuyết nào chính xác nhất thì cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là cách dịch Quán âm, Khuy âm, Quán thế âm, Quang thế âm, Hiện âm thanh, Quán tự tại, không những cần phải biết rõ về niên đại của dịch ngữ ấy và người phiên dịch, mà còn phải đọc lên thành tiếng xem những dịch ngữ kia có phù hợp với ngữ nguyên tiếng Phạn hay không.
Trước hết, dựa vào trình tự niên đại trong lịch sử để liệt kê từng cách gọi; ngoài thông lệ tuân theo cách dịch trước thời điểm ngài Huyền Tráng gọi là cựu dịch, nhưng đây quy định từ ngài La-thập trở về trước trong cựu dịch là cổ dịch, xin quý vị đặc biệt lưu ý cho.
1. Cổ dịch
a. Quán âm
- Kinh Thành cụ quang minh định ý, Chi Diệu dịch, đời Hậu Hán, năm thứ 2 niên hiệu Trung Bình (Tl. 185).
b. Khuy âm
- Kinh Duy-ma-cật, Chi Khiêm dịch, đời Ngô, từ năm thứ 2 niên hiệu Hoàng Vũ đến năm thứ 2 niên hiệu Kiến Hưng (Tl. 223-253).
c. Quán thế âm
- Kinh Uất-già trưởng giả sở vấn, Khang Tăng Khải dịch, đời Tào Ngụy, năm thứ 4 niên hiệu Gia Bình (Tl. 252).
- Kinh Vô lượng thọ, Khang Tăng Khải dịch, đời Tào Ngụy, năm thứ 4 niên hiệu Gia Bình (Tl. 252).
- Kinh Vô cấu thí Bồ-tát ứng biện, Nhiếp Đạo Chân dịch, đời Tây Tấn, cuối niên hiệu Vĩnh Gia (280-312).
d. Quang thế âm
- Kinh Chính pháp hoa (bộ 10 quyển), Trúc Pháp Hộ dịch, đời Tây Tấn, năm thứ 7 niên hiệu Thái Khang (Tl. 286).
- Kinh Quang thế âm Đại thế chí thọ quyết, Trúc Pháp Hộ dịch, năm thứ 9 niên hiệu Nguyên Khang (Tl. 299).
e. Hiện âm thanh
- Kinh Phóng quang bát-nhã, Vô-la-xoa dịch, đời Tây Tấn, năm đầu niên hiệu Nguyên Khang (Tl. 219).
2. Cựu dịch
a. Quán thế âm, Quán âm
- Kinh Diệu pháp liên hoa (bộ 8 quyển), Cưu-ma-la-thập dịch, đời Hậu Tần, năm thứ 8 niên hiệu Hoằng Thủy (Tl. 406).
- Kinh Bi hoa (bộ 10 quyển), Đàm-mô-sấm dịch, năm thứ 8 niên hiệu Huyền Thủy (Tl. 419).
- Kinh Hoa nghiêm (bộ 60 quyển), Phật-đà Bạt-đà-la (tức Giác Hiền) dịch, đời Đông Tấn, năm thứ 3 niên hiệu Nguyên Hy (Tl. 420).
- Kinh Quán vô lượng thọ, Cương-lương-da-xá dịch, đời Lưu Tống, năm thứ 7 niên hiệu Nguyên Gia (Tl. 430).
- Kinh Quán thế âm Bồ-tát thọ ký, Đàm-mô-kiệt dịch, năm thứ 30 niên hiệu Nguyên Gia (Tl. 453).
- Kinh Thiêm phẩm pháp hoa (bộ 7 quyển, phẩm 27), Xà-na-quật-đa và Đạt-ma-cấp-đa cùng dịch, đời Tùy, năm đầu niên hiệu Nhân Thọ (Tl. 601).
b. Quán thế tự tại
- Pháp hoa kinh luận, Bồ-đề-lưu-chi dịch,1 đời Hậu Ngụy, năm thứ 5 niên hiệu Chính Thủy (Tl. 508).
1 Có hai nhà phiên dịch cùng tên là Bồ-đề-lưu-chi菩提流支 (Skt. Bodhiruci). Người thứ nhất sống vùng Bắc Ấn, đến Lạc Dương vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Bình đời Hậu Ngụy (508), bắt đầu truyền dịch Pháp hoa kinh luận, Pháp tập kinh và Vô lượng thọ kinh luận, còn có Quán vô lượng thọ kinh do Đàm Loan chú giải. Người thứ hai sống ở vùng Nam Ấn, do Đường Cao tông thỉnh mời đến Trung Quốc năm thứ 2 niên hiệu Trường Thọ (693). Phiên dịch các kinh, như kinh Đại bảo tích…, còn kế thừa di nghiệp của ngài Huyền Tráng, là vị cao Tăng viên tịch năm thứ 15 niên hiệu Khai Nguyên (727), thọ 166 tuổi.
3. Tân dịch
a. Quán tự tại
- Kinh Đại bát-nhã Ba-la-mật-đa, Huyền Tráng dịch, đời Đường, năm thứ 3 niên hiệu Long Sóc (Tl. 663).
- Kinh Hoa nghiêm (bộ 80 quyển), Thực-xoa-nan-đà dịch, đời Đường, từ năm đầu niên hiệu Chứng Thánh đến năm thứ 2 niên hiệu Thánh Lịch (Tl. 695-699).
- Kinh Đại bảo tích, Vô lượng thọ Như Lai hội, Bồ-đề-lưu-chi dịch, đời Đường, năm thứ 2 niên hiệu Thần Long đến năm thứ 2 niên hiệu Tiên Thiên (Tl. 706-713).
- Kinh Đại thừa Vô lượng thọ trang nghiêm, Pháp Hiền dịch, đời Tống, năm thứ 2 niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (Tl. 982).
b. Quán thế âm, Quán âm
- Kinh Thủ lăng nghiêm, Bát-lạt-mật-đế dịch, năm đầu niên hiệu Thần Long (Tl. 705).
c. Quán thế tự tại
- Kinh Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì, Thiện Vô Úy dịch, đời Đường, năm thứ 12 niên hiệu Khai Nguyên (Tl. 730).
Các danh hiệu được liệt kê trích dẫn từ các kinh luận vô hạn vô biên, nhưng chỉ xem qua những danh xưng đã kể, lập tức chúng ta sẽ hiểu rằng:
Thứ nhất, dịch ngữ Quán âm không phải là cách gọi tắt của từ Quán thế âm, vì dịch ngữ này đã tồn tại độc lập từ rất sớm.
Thứ hai, dịch ngữ Quán thế âm không phải bắt đầu từ thời ngài La-thập, mà tên gọi này đã được sử dụng trước đó một trăm năm mươi năm, tức vào thời đại Tào Ngụy, Tây Tấn.
Thứ ba, dịch ngữ Quán tự tại chẳng phải do bản thân ngài Huyền Tráng sáng tạo từ thời Đường, mà khoảng một thế kỷ rưỡi trước đó đã xuất hiện thuật ngữ được phiên dịch là Quán thế tự tại. Đặc biệt, tài liệu quý giá do Tăng Triệu (384-414) trước thuật, được mọi người chú ý nhất, đó là Chú Duy-ma-cật kinh, có giải thích ý nghĩa của từ Quán thế âm. Trong tác phẩm ấy ghi rõ rằng: “Khi người đời gặp khổ nguy hoạn nạn, xưng hô danh hiệu ngài, Bồ-tát quán nghe âm thanh ấy, liền cứu họ giải thoát. Cũng gọi ngài là Quán thế niệm, Quán tự tại hoặc Quán thế tự tại”.1 Tăng Triệu là một học giả trẻ sống cùng thời đại ngài Cưu-ma-la -thập, nếu tài liệu này không sai thì chúng ta có thể biết được lúc ấy ngài La-thập cũng đã sử dụng dịch ngữ Quán tự tại rồi.
1 Chú Duy-ma-cật kinh, quyển 1 注維摩詰經卷第一 [T38n1775, tr.331a25].
Thứ tư, đối với thời đại Tân dịch, các kinh điển như kinh Thủ lăng nghiêm đã sử dụng dịch ngữ Quán thế âm, sự thật đã thấy rất rõ ràng thì điều này chứng tỏ dịch ngữ Quán thế âm là không sai.
Thế nhưng, tại sao có việc phiên dịch bất đồng như vậy? Dịch ngữ nào đúng, dịch ngữ nào sai? Các dịch ngữ ấy khi đối chiếu có khác biệt với nguyên ngữ hay không? Còn có chỗ nghi ngờ trong vấn đề này, cần phải nghiên cứu thêm cho kỹ. Để giải quyết vấn đề ấy, trước hết chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của ngài Huyền Tráng (600-664).
Trong Đại Đường Tây Vực ký, quyển 3, có ghi: “Có tượng Bồ-tát A-phược-lô-chỉ-đê-thấp-phạt-la Avalokiteśvara), người Đường gọi là Quán tự tại, đem âm sau phối với âm trước thành một từ kép của tiếng Phạn, nếu phân chia văn tự, phân tách âm thành hai thì từ A-phược-lô-chỉ-đa dịch là Quán; đê-thấp-phạt-la dịch là Tự tại. Cựu dịch thành Quang thế âm, Quán thế âm, hoặc Quán thế tự tại đều sai lầm cả”.1
1 Đại Đường Tây Vực ký, quyển 5 大唐西域記卷第五 [T51n2087, tr.883b21].
Sau này, các môn đệ của Ngạn Tông dĩ nhiên tuân thủ trật tự này nên các học giả chuyên môn của Phật giáo cũng có nhiều người tuân theo. Thời cận đại, khuynh hướng này rất thịnh hành, người Nhật là Cao Nam Thuận Thứ Lang (1866-1945) chủ trương: “Danh xưng Quán âm trong tiếng Phạn là Avalokiteśvara (A-phược -lộ- chỉ-đế-thấp-phạt-la), Quán tự tại là dịch đúng; các tên gọi Quán âm, Quán thế âm là dịch sai”, rồi ông đưa ra kết luận: “Quán âm vốn có tên là ārya-avalokiteśvara, dịch âm là A-rị-da A-phược-lộ-chỉ -đế- thấp-phạt -la; Cựu dịch là Thánh quán âm, Quang thế âm, Quán thế âm; Tân dịch là Quán tự tại. Quán tự tại là dịch ngữ đúng, còn các tên gọi khác đều sai; đặc biệt, còn sự việc Quán nghe âm thanh cuộc đời là hoàn toàn sai, vì trong tên gốc hoàn toàn không mang ý nghĩa này”.1
1 Nhật Bản, Đế quốc văn học, 8 quyển, số 1 và số 3.
Thế nhưng, Lượng Tam Lang (1872-1946, người Nhật) lại phản bác gay gắt vấn đề này. Ông biện luận rằng: “Gần đây, nước ta thường dựa vào quan điểm của các nhà tân dịch, rồi cho rằng Quán tự tại là dịch ngữ phù hợp, còn các danh xưng như Quán thế âm… đều là dịch sai. Theo sở kiến của chúng tôi, nhóm mà tìm lỗi cho rằng cựu dịch là sai này cũng là sai lầm”.2 Phiên dịch có cách trực dịch, cũng có cách dịch ý, cho nên dịch thành Quán thế âm là thuộc cách dịch ý. Nếu đúng như vậy thì chúng ta đã rơi vào chỗ do dự không thể phán quyết được ai đúng ai sai. Do đó, cần phải nghiên cứu về Nguyên ngữ học để giải thích.
2 Giải thoát Phạn ngữ, tr. 241.
Trong tác phẩm Hoa nghiêm kinh thám huyền ký, 20 quyển, đại sư Pháp Tạng, tự Hiền Thủ (643-712) trình bày vấn đề này như sau: “Quán thế âm, lại gọi là Quang thế âm, còn gọi là Quán tự tại, tiếng Phạn là Bô- lô-yết-để-nhiếp -phạt- la. Ở đây, Bô- lô-yết-để có nghĩa là Quán; Tỳ-lô có nghĩa là quang, do phát âm bô-lô và tỳ- lô gần nhau nên có người phiên là quang; nhiếp -phạt -la gọi là tự tại; nhiếp-đa là âm, đã tra cứu các kinh điển bản tiếng Phạn thì có kinh chép là nhiếp-đa, có kinh chép là phạt-la, theo cách phiên dịch ở đây là tương đồng”.1 Trong nguyên bản nhiếp -phạt-la và nhiếp -đa khác nhau hoàn toàn, điều này rất rõ. Ngoài ra, nhà Ngữ học Ấn Độ uy tín nhất là Lập Hoa Tuấn Đạo (1877-1955, người Nhật) đã phiên dịch trung thực đối với các danh xưng Quán âm, Quán tự tại, dịch ngữ được khôi phục nguyên trạng tiếng Phạn.
1 Hoa nghiêm kinh thám huyền ký, quyển 19.
Quang - thế - âm: āloka + loka + svara
Quán - thế - âm: avaloka (avalokita) + loka + svara
Quán - thế - tự tại: avaloka (avalokita) + loka + iśvara
Quán - âm: avaloka (avalokita) + svara
Quán - tự tại: avaloka (avalokita) + iśvara
Đương nhiên, đối với cách dịch khôi phục nguyên trạng này tôi không hoàn toàn tán đồng, nhưng cảm thấy rất thú vị. Đặc biệt, hai dịch ngữ sau có phần phù hợp, rất có giá trị tham khảo. Quang thế âm phiên dịch theo cách khôi phục nguyên trạng còn có “ābhā+loka+svara”.
Để khảo sát thêm bước nữa đối với Nguyên ngữ học, các học giả Tất-đàm1 Nhật Bản vào triều đại Bình An đã cân nhắc và đưa ra ý kiến của đại sư Minh Giác mang sắc thái khác. Trong Tất-đàm yếu quyết, quyển 3, đối với “Danh xưng Bồ-tát Quán thế âm khác nhau về tên gọi trong cựu dịch và tân dịch, rốt cuộc cách dịch nào sai?” Minh Giác trả lời thế này: “Phiên dịch có bốn cách: Địch đối phiên (chữ theo chữ), Hội ý phiên (dịch ý), Tăng tự phiên (thêm chữ), Dị sự phiên (căn cứ vào sự kiện)”. Avalokita dịch là Quán; iśvara dịch là Tự tại, đây là cách Địch đối phiên.
1 Tất-đàm 悉曇: (Skt. siddhaṃ hoặc siddhāṃ) Hán dịch là Thành tựu, Thành tựu cát tường. Từ gọi chung các chữ cái (mẫu âm, tử âm, tức là nguyên âm và phụ âm) của tiếng Phạn.
Avabhāsa có nghĩa là quang, cho nên ava cũng được gọi là quang, avaloka có nghĩa là quán, cho nên ava cũng được gọi là quán, đây thuộc về cách Tăng tự phiên.
Loka(i)śvara trong tân dịch gọi là Quán (thế) tự tại, vậy đây chẳng phải mang ý Tăng tự phiên sao? Ý nghĩa chân thật của lokita là thế; svara là âm, hai chữ s và ś thấy rất nhiều trong Phạn văn, công dụng của hai chữ này mặc dù tương đồng, nhưng âm nào đúng thì hoàn toàn không biết, chỉ có dựa vào hình dạng của chữ để phiên dịch mà thôi.
Trong Nhất thiết kinh âm nghĩa, Huyền Ứng nói: “Bản Quy-tư gọi Táp (sa)-bà-la, dịch là âm; bản Thiên Trúc gọi là Thấp-bà-la, nên dịch là tự tại [xem kỹ chính văn]”. Do đó, dựa vào từ śvara mà phiên dịch thành tự tại, dựa vào từ svara mà phiên dịch thành âm. Đây thuộc về Dị sự phiên.
Do một chữ bao hàm hai nghĩa, cho nên gộp lại gọi là Âm tự tại. Như chữ siṃha vốn có hai nghĩa là sư tử và vô úy, nên hợp xưng là sư tử vô úy. Chữ jina vốn có hai nghĩa là nhân giả (bậc có lòng nhân) và thắng giả (bậc hơn hẳn), nên hợp xưng là nhân thắng giả. Do một chữ bao quát hai nghĩa như vậy nên không thể nào bảo là nghĩa này đúng, nghĩa kia sai. Hay nói cách khác, nhìn nhận từ lập trường “Dị sự phiên”, đại sư Minh Giác cho rằng, các nhà cựu dịch và các nhà tân dịch dựa vào bản tiếng Phạn làm chỗ y cứ nên mỗi người phiên dịch có chỗ bất đồng. Vì vậy, sự khác nhau giữa các dịch ngữ, rất khó để xác định được ai đúng ai sai. Quả thực, đây là kiến giải vô cùng sâu sắc.
Ngoài ra, dựa vào phân tích của Nguyên ngữ học, chúng ta có thể hiểu được rõ ràng hơn, đặc biệt trong Huyền Ứng âm nghĩa,1 có nói: “Cựu dịch thành Quán thế âm hoặc gọi Quang thế âm thì cả hai đều sai. Lại tìm thấy các bản đa-la-diệp2 Thiên Trúc đều gọi xá -bà-la (śvara), thì phải dịch là tự tại; còn các bản kinh từ Tuyết Sơn (phương Bắc) truyền đến, đều gọi sa-bà-la (svara), thì phải dịch là âm. Do hai âm xá và sa gần nhau nên dẫn đến sai lầm”.3
1 Huyền Ứng âm nghĩa玄應音義: tác phẩm, gồm 25 quyển, do Huyền Ứng đời Đường soạn, còn gọi là Nhất thiết kinh âm nghĩa一切經音義. Nội dung ghi chép trong tác phẩm này từ kinh Hoa nghiêm đến luận Thuận chính lý (Abhidharma-nyāyānusāra), gồm 458 bộ kinh luận, mà những câu chữ, danh tướng và âm dịch trong đây đều có thêm phần chú thích. Đây không những là tác phẩm âm nghĩa xưa nhất, mà còn giải thích chính xác về âm nghĩa hiện tồn, được các học giả tin cậy.
2 Đa-la-diệp多羅葉: (Skt. pattra), gọi đủ là bối-đa-la-diệp貝多羅葉, gọi tắt là bối diệp, bối-đa. Loại lá cây dùng để viết tư liệu hoặc văn kinh. Ngày xưa khi chưa phát minh ra giấy, người ta dùng lá bối-đa thay giấy để viết. Pattra tuy là tên của loài thực vật, mà tên khoa học là Laurus oassia, nhưng cũng chỉ cho lá của loại thực vật nói chung, hoặc loại lá cây dùng để viết sách. Trong đó, loại lá thích hợp nhất cho việc ghi chép là cây đa-la (Skt. tala).
3 Huyền Ứng âm nghĩa, quyển 5 一切經音義卷第五 [C056n1163_p0900b17].
Dựa vào thuyết này, śvara [thấp (xá)-bà-la] dịch là tự tại có xuất xứ từ bản Thiên Trúc; svara [sa (táp)-bà-la] dịch là âm có xuất xứ từ bản Quy-Tư, nên yếu chỉ của thuyết này đã sáng tỏ. Thế nhưng, theo cách kiến giải của Huyền Ứng, ông cho rằng gọi Quán tự tại cũng được, mà gọi Quán thế tự tại cũng được, thậm chí gọi Quán thế âm cũng xong, tất cả đều chẳng phải dịch sai.
Các luận chứng nêu ra còn có vấn đề cần bàn về hai chữ “sai lầm” mà Tây Vực ký nói, từ nhận định thông thường chúng ta cũng có thể biết, một dịch giả lớn như La-thập sẽ không mắc sai lầm trong cách phiên dịch như thế.
Ngài Cưu-ma-la-thập (kumārajiva, 344-413), sinh tại nước Quy-tư (Kucina),1 đến Trường An vào tháng 12 năm thứ 3 niên hiệu Hoằng Thủy (401), được nhà Hậu Tần trân trọng tiếp đãi với cương vị Quốc sư, hoàn thành công việc dịch kinh vĩ đại gồm 74 bộ, 380 quyển, cho nên ngài không thể mắc sai lầm đơn giản về từ ngữ như thế được. Ngoài ra, không những chữ ấy thấy xuất hiện ở một hai chỗ mà toàn bộ những kinh điển được ngài phiên dịch đều ghi là Quán thế âm. Không những chỉ có ngài La-thập phiên dịch như vậy mà rất nhiều nhà phiên dịch cùng thời đại với ngài, thậm chí về giai đoạn sau này nữa cũng đều dịch giống như thế. Thậm chí ngài Phật-đà- bạt-đà -la (Buddhabhadra, 359-429) từ vùng Bắc Ấn Độ sang, ngài Đàm-mô-sấm (385-433) vượt đường biển sang cũng đều sử dụng dịch ngữ giống nhau. Vậy thì việc này có gì quái lạ đâu! Hơn nữa, trước thời ngài La-thập, ngay cả Khang Tăng Khải (saṃghavarman) và Nhiếp Đạo Chân cũng đều không chút ngần ngại khi phiên dịch [Avalokiteśvara] thành Quán thế âm. Sự thật đã rõ ràng nên thực tình chúng tôi không thể khẳng định thuyết của các nhà cựu dịch là sai.
1 Nước Quy-tư (kucina) nằm giữa miền Bắc của Đông Tolkistan, phía Bắc dựa vào dãy núi Thiên Sơn, phía Nam giáp ranh với sông Tarim, nhìn về sa mạc Takramakau, phía Đông tiếp giáp với Agini, phía Tây là Bạt-lộc-ca (Bālukā).
Người đầu tiên sử dụng dịch ngữ Quán âm là Chi Diệu. Ông người Tây Vực, đến Lạc Dương năm thứ 2 niên hiệu Trung Bình đời Hậu Hán (185), là một dịch giả có sở học uyên thâm, tôi cũng không nghĩ rằng ngài đã dịch sai để đến nỗi người đời sau phải chỉ trích.
Người dịch thành Quang thế âm là Trúc Pháp Hộ. Ngài thông hiểu ngôn ngữ văn tự của ba mươi sáu nước, và tham khảo rất nhiều bản kinh tiếng nước Hồ.1 Ngài sống ở Đôn Hoàng rồi đến Lạc Dương tham gia công việc dịch kinh. Đây là dịch giả lớn, một học giả hiếm thấy trên đời, cho nên ngài cũng không thể phiên dịch sai một chữ đơn giản như thế được. Như vậy, chúng ta nên giải thích như thế nào về hai chữ “sai lầm” mà Huyền Tráng đã gán cho các nhà cựu dịch?
1 Nước Hồ 胡: thời xưa người Trung Quốc gọi các dân tộc thiểu số ở miền Bắc và miền Tây nước mình là Hồ, đồng thời cũng có ý chỉ nước ngoài, ngoại tộc, tức dân tộc ngoài dân tộc Hán. [Nd]
Thế nhưng, đệ tử của Huyền Tráng là Ngạn Tông vẫn bảo “Cựu dịch thành Quang thế âm, Quán thế âm, hoặc Quán thế tự tại đều sai”.2 Ông chỉ viết là “sai” mà không viết “sai lầm”, nên tôi ngờ rằng chữ “lầm” trong “sai lầm” của Tây Vực ký là chữ viết sai của người đời sau thêm vào. Chữ “sai” theo “giọng quê” của từng địa phương đương nhiên sẽ phát sinh sự sai lệch, huống gì ngài Huyền Ứng cũng chỉ ra sự bất đồng giữa bản Thiên Trúc và bản Quy-tư. Minh Giác, người Nhật cũng đồng ý điểm này, cho nên bức màn sự thật đã được vén lên.
2 Đại Đường Đại Từ Ân tự tam tạng pháp sư truyện, quyển 2 ghi: “舊云光世音,或觀世音,或觀世音自在,皆訛也” [T50n2053, tr.230c09].
Bây giờ, nhằm nêu ra những sai biệt giữa các bản Tuyết Sơn, bản Quy-tư và bản đa- la-diệp Thiên Trúc để dễ nhìn thấy, chúng tôi lập biểu đồ như sau:
Ngoài ra, xét về đại thể các bản dịch của vùng Tuyết Sơn, tức từ Tây Vực truyền đến đều dịch thành các dịch ngữ tương tự nhau như Quán âm, Quán thế âm. Trái lại, các kinh sách từ Ấn Độ trực tiếp truyền sang, đại khái phiên dịch thành Quán tự tại cho đến các dịch ngữ tương tự như thế, tìm hiểu sự thuyên thích này, avalokita dịch thành quán, svara dịch thành âm là việc đương nhiên. Từ Quán âm không phải là cách gọi tắt của từ Quán thế âm mà là dịch ngữ đúng với từ avalokita-svara thuộc bản kinh của Quy-tư.
Như khảo chứng trên, dựa vào lịch sử truyền dịch, sự kiện nguyên ngữ của Quán âm hoặc Quán thế âm là avalokita-svara lại không có kinh điển Phạn văn để y cứ. May mắn thay, từ tiến trình giao lưu văn hóa mang tính lịch sử, khoa học nhân văn ngày càng tiến bộ, một “bản chép cổ” mà từ xưa đến nay mọi người mong cầu đã được khai quật trong những năm gần đây. Hay nói cách khác, theo báo cáo của Mironov (1880-1936), trong đoạn văn cũ nát của bản chép cổ phẩm Phổ môn bằng tiếng Phạn được phát hiện ở miền Đông Turkestan năm 1927, ghi chép rõ ràng xác thực có tên tiếng Phạn là avalokita-svara, tức Quán âm.1 Sau khi tư liệu khảo cổ học này được tìm thấy, sự thật liên quan đến dịch ngữ Quán âm đã được chứng minh, vì vậy mà vấn đề này đã được giải quyết một cách thấu đáo.
1 Nikolai D. Mironov, Avalokiteśvara – Kuan-yin, J.R.A.S. 1927, tr.241-252.
Tiếp theo, từ nội dung ý nghĩa của tên gốc đã được khảo sát kỹ, nên nói avalokite-śvara, tên tiếng Phạn là danh từ tập hợp của hai từ avalokita và iśvara, mà avalokita lại có tiếp đầu ngữ ava đứng trước ngữ căn lok, hình thành nên phân từ quá khứ bị động. Ngữ căn lok bao hàm ý nghĩa gì? Nếu nghiên cứu kỹ hơn chúng ta sẽ thấy đây là đề tài cực kỳ quan trọng và thú vị. Xưa nay có rất nhiều cuộc tranh luận diễn ra đều từ ý nghĩa chứa đựng trong ngữ căn lok này. Bây giờ tôi sẽ phân tích thêm nội dung ấy.
Thứ nhất, avalokita có tiếp đầu ngữ ava kèm theo trước lokita, mà lokita là do ngữ căn lok kết thúc bằng phụ âm, thêm i vào tiếp vĩ ngữ ta trở thành phân từ quá khứ bị động. Mà lok chiếm một phần ý nghĩa lớn trong nội dung chữ quán, cho nên avalokita trở thành “quá khứ sở quán” (cái đã được quán), avalokita -svara trong bản kinh của Tuyết Sơn và Quy-tư trở thành “quá khứ sở Quán âm” (âm thanh đã được quán), vì lý do này mà ngài Chi Diệu đời Hậu Hán dịch chữ avalokita -svara thành Quán âm là cách phiên dịch rất phù hợp với nguyên ngữ; đây cần phải chú ý dịch ngữ Quán âm theo cách dùng của ngữ pháp Trung văn là phân từ hiện tại chủ động.
Thứ hai, quán trong ngữ căn lok còn mang ý nghĩa khuy 窺 và khuy 闚, vì bao quát cả ý nghĩa khuy quán (nhìn xét), nên ngài Chi Khiêm đời Ngô cho chúng ta thấy rõ với nghĩa này nên dịch là Khuy âm.
Thứ ba, ngữ căn lok, ngoài ý nghĩa là quán, nó còn bao hàm ý nghĩa thế giới, thế gian. Do đó, dựa vào cách “Tăng tự phiên” kết hợp cả quán và thế để dịch avalokita-svara thành Quán thế âm. Ngày nay, đối với cách dịch này quả thực chúng ta cảm thấy khó hiểu nhưng xét về cách phiên dịch lúc bấy giờ thì hầu như chẳng có gì trở ngại, vì đây là cách dịch mang tính đương nhiên.
Thứ tư, lok có nghĩa là phóng quang, Trúc Pháp Hộ thời Tây Tấn gộp hai chữ quang và thế lại, dịch thành Quang thế âm. Phương pháp này cũng thuộc cách “Tăng tự phiên”.
Thứ năm, Hiện âm thanh là dịch ngữ của ngài Mô-xoa-la (mokṣala) thời Tây Tấn, lấy nội dung của âm thanh phát ra để biểu thị trực tiếp, nên được xem là cách “Hội ý phiên”.
Thứ sáu, nói đến tên gọi avalokiteśvara của bản đa-la-diệp Thiên Trúc. Như đã trình bày ở trước, śvara có thể dịch thành tự tại hoặc thần diệu, cho nên không cần phải nói dài dòng mà phải dịch là “Quá khứ sở quán tự tại” (Tự tại đã được quán).
Thứ bảy, Quán thế tự tại là dịch ngữ của cách “Tăng tự phiên” kết hợp cả quán và thế mà không cần phải nói rườm.
Trong bảy dịch ngữ trên bao quát cả Quán âm trong ý nghĩa “Quá khứ sở quán âm” (âm thanh đã được quán) và Quán tự tại trong ý nghĩa “Quá khứ sở quán tự tại” (tự tại đã được quán), có thể đây là cách phiên dịch trong sáng, hợp lý và giản dị nhất.
Trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Ấn Độ (History of Indian Buddhism) của học giả Phật giáo Tây Âu là Rhys Davids (1857–1942) nói rằng, Bồ-tát Quán thế âm là “Đấng thiên chủ từ trên cao nhìn xuống dưới”, chủ trương ý nghĩa danh xưng này hoàn toàn là cách tưởng tượng mang tính siêu hình.1 Khái niệm “Từ trên cao nhìn xuống dưới” khiến người ta cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng thuyết này hoàn toàn không phải là không có bằng cứ.
1 T.W. Rhys Davids, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, tr.135 (History of Indian Buddhism, p.135).
Tiếp đầu ngữ ava của avalokiteśvara còn mang ý nghĩa là “từ xa” hoặc “hướng xuống”, cho nên cách giải thích “nhìn xuống từ xa” hoặc “từ trên cao nhìn xuống dưới” là có thể chấp nhận được.
Rev. Samuel Beal (1825 -1889) cũng có quan điểm như thế. Trong tác phẩm Phật giáo Trung Quốc (Buddhism in China) của ông có nói: “Quán âm - đối chiếu danh xưng tiếng Ấn Độ là avalokiteśvara, tức vị thượng đế nhìn xuống dưới, nên quan niệm đích thực này có thể hơn 50% có xuất xứ từ tín ngưỡng, thờ cúng sơn thần [Phạm thiên] từ thời cổ đại”.2 Mở kinh điển Tây Tạng xem kỹ, ta thấy Bồ-tát Quán thế âm có tên gọi là Spyan-ras gjigs dban-phyug, thông thường mọi người gọi là Quán vương. Nghiên cứu rốt ráo thì avalokite-svara là Quán âm, Quán thế âm với ý nghĩa “Quá khứ sở quán” (Cái đã được quán); còn avalokiteśvara là Quán tự tại, Quán thế tự tại với ý nghĩa “Quá khứ sở quán tự tại” (tự tại đã được quán). Phân từ quá khứ bị động theo cách phiên dịch Trung văn chuyển hóa và sử dụng chữ Quán như phân từ hiện tại.
2 Rev. S. Beal, Phật giáo Trung Quốc, tr.119 (Buddhism in China, p.119).
Không cần che giấu, đương nhiên hai danh xưng tiếng Phạn này do các nhân tố địa lý mà có cách sử dụng mang tính “lưỡng lập” như vậy, nhưng hỏi rằng tên gọi nào có trước tên gọi nào có sau thì phải khảo sát các kinh điển được ghi chép theo tiến trình lịch sử. Kinh điển cổ từ các vùng Tuyết Sơn, Quy-tư truyền sang chắc chắn mang nghĩa xưa hơn so với những kinh điển trực tiếp thỉnh từ Ấn Độ sang. Theo quan sát của hệ Văn học cổ thuộc ngành Khảo cổ học thì từ avalokita-svara có trước, sau đó mới hình thành nên từ avalokiteśvara; từ góc độ lịch sử tư tưởng để nghiên cứu quá trình diễn biến giáo nghĩa này sẽ có cách kiến giải sâu sắc hơn đủ để minh chứng cho xu hướng ấy.
Ngữ nghĩa liên quan đến danh xưng Quán âm, từ xưa đến nay giới nghiên cứu Phật học đã có nhiều cuộc nghị luận và tranh biện, nhưng trên thực tế đa số mọi người chủ trương thuyết “Quán nghe âm thanh ấy”. Nói cách khác, căn cứ vào ý nghĩa kinh văn trong phẩm Phổ môn “Quán nghe âm thanh ấy” ở đoạn “Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh đang chịu đựng các điều khổ não, mà hết lòng xưng danh hiệu Bồ-tát Quán thế âm, ngài liền quán nghe âm thanh ấy, đều được giải thoát” mà chủ trương thuyết “Quán nghe âm thanh ấy”. Câu này cũng có nghĩa, chúng sinh đang khổ não nghe đến âm thanh của Bồ- tát Quán thế âm, nếu một lòng xưng niệm danh hiệu, vị Bồ -tát này quán nghe “âm thanh của chúng sinh xưng niệm thánh hiệu của ngài” thì ngài sẽ giải thoát hết mọi khổ não của chúng sinh ấy, nên gọi là Quán thế âm.
Có thể nói, ngài là vị Bồ-tát ứng theo âm thanh của thế gian đang đau khổ rồi ra tay cứu vớt để họ được giải thoát, nên được định danh là Quán thế âm. Cách định danh này không hoàn toàn giống với ý nghĩa của các danh xưng Quán tự tại, Quán thế tự tại và Quang thế âm. Hơn nữa, lấy âm thanh của chúng sinh trong thế gian làm chủ thể, người quán nghe âm thanh này gọi là Quán thế âm. Do đó, ngài Pháp Vân (467- 529) đời Lương cũng bảo: “Thế giới Sa- bà, phần nhiều lấy âm thanh làm Phật sự, cho nên được gọi là Quán thế âm”.1 Ngài Cát Tạng (549- đời Tùy cũng có cách kiến giải tương tự: “Quán là trí năng quán, thế âm là cảnh sở quán, hợp cảnh và trí nên định danh là Quán thế âm”.2
1 Diệu pháp liên hoa kinh nghĩa ký, quyển 8 妙法蓮華經義記卷第八 [T33n1715, tr.678a11].
2 Pháp hoa nghĩa sớ, quyển 12法華義疏卷第十二 [T34n1721, tr.624c08].
Ngoài ra, các ngôi sao sáng về Phật học thời Đường-Tống và các học giả Nhật Bản cùng đưa ra quan điểm giống nhau,1 cho rằng ý nghĩa của Bồ-tát Quán thế âm là quán nghe âm thanh ấy. Kỳ thực, nếu nó mang ý nghĩa như vậy thì điều đó cũng nhằm giáo huấn chúng ta: “Việc giải thoát tự thân không thể nhờ ở kẻ khác”. Với lại, câu “một lòng xưng danh hiệu Bồ-tát Quán thế âm, ngài liền quán nghe âm thanh ấy, thì đều được giải thoát” trong phẩm Phổ môn, hết sức chú ý đến ý nghĩa “tập trung tinh thần mà nhìn”, đối tượng giải thoát là chính tự thân người xưng niệm, là người chủ động, tức vừa không phải người ấy được ai đó giải thoát cho, vừa chẳng phải nhờ người khác giải thoát giúp cho. Điều này cũng có nghĩa Quán thế âm là cá thể được quán, là âm thanh cuộc đời được quán; đối tượng quán nghe âm thanh là tính thiêng liêng thuộc nội tâm chúng sinh. Hay nói cách khác, Quán âm là “tự nội chứng”2 của chúng sinh được quán, chỉ cần nhất tâm xưng danh thì đức Quán âm trong âm thanh tự nhiên xuất hiện. Đối với dịch ngữ Hiện quán âm, những người theo học phái của ngài Mô-la -xoa đã biểu thị rõ được nội dung của cách dịch ý này mà không có gì sai sót.
1 Pháp hoa văn cú ký, quyển 10; Tôn Thuấn, Pháp hoa kinh Thứu lâm thập diệp sao, quyển 23.
2 Tự nội chứng自內證: hay còn gọi là nội chứng (Skt. pratyātmādhigama), là chân lý mà mình thể ngộ, chứng được trong nội tâm. Theo các kinh điển Đại thừa như kinh Lăng-già… thì những hoạt động lấy nội chứng làm cơ sở mà biểu hiện ra bề ngoài, gọi là ngoại dụng. Nội chứng là do cái mình riêng chứng được, nên còn gọi là kỷ chứng. [Nd]
Song, câu kinh trên mặc dù xuất hiện trong phẩm Phổ môn do ngài La -thập dịch, và xuất hiện trong kinh Thiêm phẩm pháp hoa được tăng bổ [kệ tụng], nhưng trong kinh Chính pháp hoa do ngài Trúc Pháp Hộ dịch và bản kinh Tây Tạng đều có khiếm khuyết, không những vậy mà mở đọc trong kinh Chính pháp hoa bản tiếng Phạn truyền từ Nepal sang cũng có câu “Nghe danh hiệu của ngài, hết thảy những khổ uẩn của chúng sinh đều giải thoát hết”, cho nên chỉ lấy văn nghĩa phẩm Phổ môn do ngài La-thập dịch làm cơ sở để suy cứu ngữ nghĩa về Quán thế âm là hoàn toàn không thích hợp.
Tóm lại, có thể nói dịch ngữ Quán thế âm là cách dịch mới nhất vào đời Đường, mà kinh Thủ lăng nghiêm cũng có ghi chép rất rõ. Dựa vào nội dung kinh này để tìm hiểu tư tưởng có liên quan đến ngữ nghĩa của Quán thế âm, chúng ta thấy Bồ-tát Quán thế âm có mười bốn loại công đức vô úy giải thoát cho hết thảy chúng sinh.
Trong công đức thứ nhất, “Do tôi không tự quán âm thanh đối tượng mà tôi quán cái tâm năng quán của mình, nên khiến cho chúng sinh khổ não trong mười phương kia quán nghe âm thanh như vậy thì liền được giải thoát”.1 Vấn đề được nói ở đây “quán cái tâm năng quán của mình” tương đương với câu “quán nghe âm thanh ấy” trong phẩm Phổ môn. Nghĩa là, chỉ cần nhất tâm tín niệm Quán thế âm thì liền có thể đạt được sức mầu nhiệm của tín niệm ngang hàng với chư Phật và Bồ-tát.
1 Kinh Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh Thủ lăng nghiêm, quyển 6, Sa-môn Ban-lạt-mật-đế nước Thiên Trúc dịch vào đời Đường 佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經卷第六唐天竺沙門般剌蜜帝譯 [T19n0945, tr.129a28].
Do đó, trong bản kinh Lăng nghiêm đã biểu thị rõ Bồ-tát Quán thế âm có hai món thù thắng: “Thứ nhất, trên hợp với tâm giác ngộ mầu nhiệm vốn có của mười phương chư Phật, và đồng năng lực từ bi với chư Phật Như Lai. Thứ hai, dưới khế hợp với tất cả lục đạo chúng sinh trong mười phương, và đồng một lòng bi ngưỡng [vô thượng bồ-đề] với các chúng sinh”. Nhờ đối chiếu ý nghĩa giữa các bản kinh, chúng ta có thể thấy được vấn đề trọng tâm của danh hiệu Quán thế âm nằm ở chỗ chúng sinh một lòng xưng niệm danh hiệu Phật - tức nằm ở người quán. Người quán phát ra một âm thanh mang đầy đủ nhất tâm và một niệm chí thành thì ngài Quán âm liền hiện ra, khiến ý nghĩa này càng tăng thêm xác tín rõ ràng.
Quán thế âm giải thích thành Quán nghe âm thanh thế gian; đọc lên hai từ Quán âm và Quán thế âm, nếu xét hình thức âm thanh hầu như không có gì sai khác nhau, nhưng xét về tính chủ thể lại có sự bất đồng rất lớn. Song, nhìn từ góc độ Nguyên ngữ học, hiển nhiên nếu chúng đều là phân từ quá khứ bị động, thì từ Quán âm trở thành Âm thanh được quán; từ Quán thế âm trở thành Âm thanh của thế gian được quán, tức là âm thanh của cuộc đời được lắng nghe, âm thanh chúng sinh trên thế gian được lắng nghe. Từ đó, tính chủ thể chính là chúng sinh chí tâm xưng niệm, phát sinh mối quan hệ dung hợp tương tức giữa năng quán và sở quán, nên chân tướng Bồ-tát Quán thế âm được hiển lộ tỏ tường.
Suy nghĩ lại dịch ngữ Quán tự tại thì càng thấy có ý nghĩa. Trong Huấn hỗ học, Quán tự tại phải đọc thành Năng quán tự tại, nhưng theo Nguyên ngữ học thì Tự tại được quán tức là đấng Tự tại được quán nghe. Do đó, dịch ngữ Quán thế tự tại nên nhìn nhận là Đấng tự tại của thế gian được quán nghe. Từ śvara, ngoài ý nghĩa tự tại, nó còn bao hàm các nghĩa thần diệu hoặc linh diệu, nhưng Tự tại thần diệu này chính là tâm tính được giải thoát tất cả mọi trói buộc, tức quán xét nội tại của hiện thực ấy thì sẽ tìm thấy ý nghĩa chân thật của Quán tự tại.
Do vậy, đại sư Khuy Cơ (632-682), học trò ưu tú của pháp sư Huyền Tráng, là người phụ trợ đắc lực cho công tác dịch kinh của pháp sư cũng nói: “Quán nghĩa là chiếu, là tuệ giác thấu tỏ được có và không; tự tại nghĩa là như ý, là quả vị thù thắng đạt được. Xưa thực hành lục độ, nay đạt được quả vị viên mãn. Lúc trước thực hành tuệ quán nên thành tựu được mười tự tại”.1
1 Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh u tán, quyển thượng 般若波羅蜜多心經幽贊卷上 [T33n1710, tr. 524b23].
Dựa vào mười tự tại mà kinh Hoa nghiêm đã nêu, thì đó là những tự tại vô ngại thuộc phương diện “mệnh, tâm, tài, nghiệp, thọ sinh, thắng giải, nguyện, thần lực, trí, pháp”.1 Nghĩa là thông đạt hết thảy pháp, giáo hóa chúng sinh, được viên mãn linh diệu, có thể xem là biểu hiện của sự thấu triệt rốt ráo về không tam-muội bát- nhã.2 Thể nghiệm được tác dụng vi diệu của tự tại này, thì bước đầu tiên sẽ tiến vào cảnh giới “Để tâm quán nhập xa bỏ ngoại trần sở nhập, một khi ngoại trần sở nhập đã yên tịnh thì hai tướng động và tĩnh trọn không phát sinh”.3 Trong cõi tam- muội động tĩnh không sinh như thế thì dịch ngữ Quán âm và Quán tự tại chẳng có gì sai khác. Tức hiểu thấu suốt được ý nghĩa chân thật của tất cả vạn vật trên thế gian rốt cuộc đều không, rũ bỏ được mê chấp tự ngã, thể nhập cảnh giới chân như quán và thanh tịnh quán, lúc ấy sẽ trở thành đức Quán âm có đầy đủ tướng quán từ bi viên mãn, trở thành đức Quán tự tại với pháp quán bằng trí tuệ rộng lớn.
1 Mười tự tại: 1. Mệnh tự tại (āyur-vaśitā): Bồ-tát trì giữ mạng sống trong nhiều kiếp, giáo hóa lợi ích chúng sinh vô cùng; 2. Tâm tự tại (ceto-vaśitā): ra khỏi sinh tử a-tăng-kỳ, nhờ tam-muội mà vào thâm trí; 3. Tài tự tại (pariṣkāra-vaśitā): Bồ-tát dùng đại trang nghiêm để trang nghiêm tất cả quốc độ; 4. Nghiệp tự tại (karma-vaśitā): Bồ-tát đối với các nghiệp được đại tự tại mà thọ báo bất cứ lúc nào; 5. Sinh tự tại (upapat-ti-vaśitā): Bồ-tát tự tại thọ sinh ở tất cả quốc độ; 6. Nguyện tự tại (praṇidhāna-vaśitā): Bồ-tát tùy sở nguyện mà thành tựu bồ-đề ở bất cứ nơi nào, lúc nào; 7. Tín giải tự tại (adhimukti-vaśitā): Bồ-tát ở tất cả thế giới thường thấy chư Phật đầy đủ; 8. Như ý tự tại (ṛddhi-vaśitā): Bồ-tát có khả năng thị hiện tất cả mọi thần biến; 9. Trí tự tại (jñāna-vaśitā): Bồ-tát trong từng niệm thị hiện 10 lực vô sở úy giác ngộ Như Lai; 10. Pháp tự tại (dharma-vaśitā): Bồ-tát thị hiện vô lượng vô biên pháp môn. [Nd].
2 Thuyết 10 tự tại ít nhiều có chỗ bất đồng, nhưng thuyết này có xuất xứ từ kinh Hoa nghiêm, quyển 26, quyển 39; kinh Pháp tập, quyển 3; luận Hiển dương thánh giáo, quyển 8.
3 Kinh Thủ lăng nghiêm, quyển 6.
Chủ yếu nói về Bồ-tát Quán thế âm là tính thiêng của chúng sinh trên thế gian được quán sát, bậc tự tại của cái được quán sát, có nghĩa là đối tượng được quán có khả năng phát sinh năng quán. Nói một cách nghiêm túc thì Quán thế âm là “âm thanh cuộc đời được quán, tự tại được quán”, như vậy “âm thanh cuộc đời được quán, tự tại được quán” là chủ thể. Ngoài ra, tâm chính là thể linh diệu không thể nghĩ bàn của sở quán sở tín, thể linh diệu này là cái tuyệt đối không thể biểu hiện bằng thứ ngôn ngữ văn tự vốn dĩ bất toàn. Trên thực tế, nếu phong cách linh diệu khách quan ấy vốn siêu việt cả suy tư phân biệt, là tự tại vô ngại ban sơ được biểu hiện trong các hoạt động tôn giáo, thì đó chính là tự tại vô ngại, giống như cực âm và cực dương khi tiếp xúc với nhau sẽ sinh ra tác dụng của dòng điện, vì năng quán và sở quán hợp nhất, chủ quan kết hợp với khách quan, thì việc thể nghiệm tôn giáo sẽ cảm ứng đạo giao mà ứng hiện. Từ đó, cái quán chính là chủ quan thanh tịnh sáng trong, là trí tuệ tôn giáo phong phú mầu nhiệm; mà nhờ trí tuệ sáng suốt này, nên một chút cũng chẳng hề chướng ngại, trạng thái hoạt động tự do gọi là Tự tại. Nhờ tâm tính chúng sinh ở thế gian được quán chiếu bởi trí tuệ sáng suốt ấy, nên gọi là Thế âm. Cho nên, Quán tự tại chính là hoạt động tôn giáo thiêng liêng, sáng suốt, thuần khiết, thanh tịnh; còn Quán thế âm chính là nhân cách tôn giáo được kết hợp toàn vẹn giữa trí tuệ vô ngại và tình thương vô bờ, hoàn toàn chẳng phải là chúng sinh cõi tục bị phiền não đau khổ. Chỗ không cần bày tỏ chính là cấp độ lý tưởng hóa cao tột nhờ sự nhất tâm xưng danh, thể nhập cảnh giới tam-muội, tâm tính tịnh hóa quán chiếu.
Nói cách khác, xét về lý thì đó là pháp thân, là chân lý; đồng thời cũng là tác dụng lớn của Phật pháp, tức ứng thân, là thực tại siêu hình. Do đó, Quán thế âm còn gọi là Quán tự tại, cũng gọi là Quán âm, hay gọi là Quang thế âm, hoặc gọi là Hiện âm thanh. Theo từng trường hợp khác nhau nên cũng có thể gọi ngài là vị thần tối thượng trên trời xanh nhìn xuống, là thánh linh của vũ trụ, là đấng cứu độ của trần gian; tất cả đều là đương thể mang ý nghĩa “tức thời quán nghe âm thanh ấy”. Bất luận trường hợp nào đi nữa thì ngài vẫn là tôn giả từ bi, tự tại tuyệt đối luôn thị hiện trước mặt chúng sinh.