Từ xưa, Bồ-tát Quán thế âm đại biểu cho đấng cứu đời của Phật giáo, là chân lý tỉnh thức cho những ai tìm cầu đời sống thanh tịnh trong xã hội hiện thực, dù trong giấc mơ cũng không bao giờ quên lãng, vì ngài là chỗ dựa trong đời sống tinh thần của mọi người. Vì vậy, từ hai ngàn năm nay, hình tượng từ bi quyền hóa tồn tại đã lâu, nuôi dưỡng trong lòng nhân loại một bậc Thánh linh ứng hiện tự tại, quảng đại linh cảm, tìm âm thanh cứu khổ. Ngày nay, mong ước một tình thương cứu độ rộng khắp để có thể xoa dịu được những mâu thuẫn giữa các dân tộc, thì cái nhìn bình đẳng của Bồ-tát lại trở thành ngọn minh đăng hòa bình như được khêu lên trong thế giới đen tối này.
Bên cạnh đó, thánh dung của Bồ-tát là sự kết tinh bởi tư tưởng được chắt lọc từ nguồn cội triết học Phật giáo, bất kể thành phần nam nữ già trẻ, bất luận trình độ thông minh, đần độn đều có thể ngưỡng vọng dung nhan từ mẫn của ngài. Bồ-tát Quán thế âm mang đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng thuần khiết này luôn được người đời xem như người ông, người bà thường an ủi vỗ về con cháu. Trong xã hội ngày nay, đa số mọi người xem giá trị tồn tại của Bồ-tát chỉ như “món hàng mỹ nghệ” được giá thì bán, hoặc có người tạo họa “tranh tượng” để khi rảnh mắt ngắm nhìn mà thôi!
Bồ-tát Quán thế âm không những là bản thể từ bi được sinh ra do lòng mong cầu cấp thiết của chúng sinh, mà ngài còn là “tôn giả trí tuệ” nhờ “thực hành sâu xa lý bát-nhã ba -la-mật”. Trong thế gian đầy rẫy những mâu thuẫn, khổ đau, ngài đảm nhiệm thánh cách dũng mãnh không thể nghĩ bàn giúp chúng sinh tìm về quy y chân lý. Nói cách khác, Bồ-tát tồn tại trong chân tính thiêng liêng cao quý của hết thảy loài người, dung nhan từ hòa thánh khiết của ngài là biểu tượng cụ thể rõ ràng nhất, thích đáng nhất hiện rõ trong mắt của người phàm trần. Ánh mắt, tướng tốt của ngài cùng hoa sen trên tay, ấn khế nơi nơi đều thể hiện tràn đầy chân lý u huyền cao nhã, uyển chuyển giáo hóa tâm hồn người ngưỡng mộ, mang đến ánh sáng và bình yên cho xã hội đầy rẫy tội ác và hận thù.
Từ thuở nhỏ, tác giả có nhân duyên đặc biệt diệu kỳ với Bồ-tát Quán thế âm, luôn mang trong lòng một nghi vấn “Vì sao có Bồ-tát Quán thế âm?”. Mỗi lần đứng bên cạnh thân mẫu trước bàn thờ Phật, tôi sớm tối chắp tay niệm Phật, xướng niệm Nam-mô Quán thế âm Bồ -tát, lòng thấy yên tĩnh xuất thần, nhưng trong trái tim bé nhỏ của tôi vẫn không thể nào trả lời được câu hỏi “Vì sao có Bồ -tát Quán thế âm?”. Do đó, nhiều lần hỏi mẹ: “Vì sao có Bồ-tát Quán thế âm hả mẹ?”. Và được trả lời rằng: “Vì có đấng quán nghe âm thanh nên mới có ngài Quán âm!”.
Có lần hai mẹ con dắt nhau đến chùa Bồ Đề thăm viếng, tôi cũng mang nghi vấn này ra hỏi hòa thượng trong chùa (lúc ấy hòa thượng trụ trì chùa Bảo Kính, sau này là Thủ tòa chùa Tổng Trì núi Đại Bản chính là thiền sư Y Đằng Đạo Hải).
Hòa thượng bảo: “Đứa trẻ mới sáu bảy tuổi mà đã có thể hỏi câu Vì sao có Bồ-tát Quán thế âm là không đơn giản đâu nhé! Cần phải dạy dỗ hướng dẫn nó phát triển trí tuệ khi còn để chỏm như thế này!”.
Nhờ đây mà tôi bắt đầu bước chân vào Phật đạo. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tìm kế sinh nhai ở giảng đường, càng chuyên tâm dùi mài nghiên cứu. Năm 1928 (Chiêu Hòa năm thứ 3), cũng vì mong muốn các bậc thức giả ở đời chỉ giáo nên tôi mạnh dạn công bố tác phẩm Tìm hiểu Bồ-tát Quán thế âm , tưởng không thành công nhưng không ngờ tác phẩm này may mắn được tái bản nhiều lần. Thời gian đó, nghe lời chỉ dạy của Vọng Nguyệt Tín Hanh, thầy phân cho tôi đảm nhận công việc cầm bút biên tập bộ Phật giáo đại từ điển, nhờ đó tôi nghiên cứu thêm kinh điển và lời chư Tổ dạy, các sách vở cổ kim đông tây, tìm hiểu các tài liệu liên quan đến Bồ-tát Quán thế âm, mưa sớm tuyết chiều, tư duy nghiên tầm cho đến tận hôm nay.
Thời gian thấm thoát đã ba mươi năm, xã hội thay đổi khá nhiều, vinh khô suy thịnh, càng thêm tê tái, mà văn hóa và khoa học đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn sự bất an, sợ hãi, hoài nghi, thấp thỏm trong lòng mỗi người. Để cầu nguyện cho loài người sáng suốt, chúng tôi chỉ còn đặt niềm tin vào Bồ-tát Quán thế âm, vì vậy tôi chỉnh lý cuốn sách này thêm lần nữa để cho ra mắt bạn đọc.
Trong tác phẩm này, tôi đặc biệt chú ý căn cứ vào những cảm nhận mang tính thời đại mà viết ra nhằm tránh rơi vào lối lập luận chủ quan, dựa vào phương pháp khoa học để khảo chứng, tiệm tiến theo tuần tự, tìm hiểu cặn kẽ ngóc ngách mọi vấn đề, nhắm đến Bồ-tát Quán thế âm được huân tập từ bản thể nguyên thủy, dùng phương thức hiện đại hóa các bức vẽ phù điêu soi rọi vào ý thức nhân loại, xây dựng nên xã hội hòa bình và chân thật trên Trái Đất này. Thế nhưng, kẻ chấp bút đây kiến thức còn thiển bạc, có những vấn đề chưa thể làm sáng tỏ hết được, mong chư vị lượng xét và chỉ giáo!
Mùa Thu năm Chiêu Hòa thứ 33 (TL.1958), tại Hang thiền Quán Sơn, thành phố Yonezawa.
HẬU ĐẰNG ĐẠI DỤNG