Kỳ nghỉ hè năm 1989, tranh thủ thời gian tôi giảng giải giáo lý Phật giáo cho các học viên của Giác Thanh Phật học xã thuộc Trường Đại học Trung Ương, Vương Hậu và các học viên đã ghi chép lại các bài giảng của tôi. Nhờ nhân duyên hội tụ đầy đủ, tôi cho ra mắt cuốn sách Tìm hiểu giáo lý Phật giáo do Nhà xuất bản Huệ Cự ấn hành, để làm tài liệu chuyên môn về kiến thức Phật giáo thông dụng cho người học. Nay nhân duyên lại hội tụ, cuốn sách được tái bản, một mặt tôi xem xét toàn bộ cuốn sách, đồng thời chỉnh sửa cho nội dung sách càng thêm hoàn chỉnh, tinh tế hơn; một mặt nhờ Hậu Hoa đăng tải bản điện tử lên mạng để cùng kết thiện duyên với các giới độc giả.
Nội dung của cuốn sách giảng thuật về giáo lý Phật giáo một cách bao quát, chuyên sâu, được lược thuật như sau:
Chương 1, giảng về sự hình thành và diễn biến của “tông phái Phật giáo”, giúp cho học viên có được sự hiểu biết cơ bản về các tông phái Phật giáo.
Chương 2, nội dung giảng về “vạn hữu”, giúp cho học viên có những bước hiểu đầu tiên về ý nghĩa của vạn hữu và chủng loại của các pháp.
Chương 3, lấy chương 2 làm căn bản để giảng về ý nghĩa của việc “quy y Tam bảo”.
Chương 4, 5 và 6 lần lượt giảng về “hoặc, nghiệp, khổ”, “Thập nhị duyên khởi” và “Tứ thánh đế”. Ba chương này nghiên cứu sự lưu chuyển, hoàn diệt của luân hồi sinh tử và nghiệp lực trên nhiều phương diện, góc độ khác nhau.
Chương 7, tìm hiểu về vấn đề “định”, lấy “Xa ma tha” (chỉ) làm trung tâm, đồng thời phân tích một cách tỉ mỉ về đạo “thế gian” và “xuất thế gian”.
Chương 8, lấy “phát tâm và hạnh nguyện rộng lớn” của Bồ tát đạo làm trọng điểm.
Chương 9, dùng “Bát bất trung đạo” để phân tích “cái thấy sâu xa” của Trung quán tông.
Chương 10, lấy Tâm kinh làm chủ đề, kết hợp phân tích “cái thấy sâu xa” và “hạnh nguyện rộng lớn”.
Nếu y theo tam học “giới, định, tuệ” để phân định nội dung thì, Thập thiện nghiệp đạo là căn bản của giới học, sẽ được tìm hiểu trong chương “Hoặc, nghiệp, khổ”; Bồ tát giới của người tu tập hạnh Bồ tát nằm ở chỗ không tách rời khỏi việc phát tâm Bồ đề, tinh thần ấy sẽ được trình bày trong chương “Phát tâm”; Định học sẽ được nói rõ trong chương “Tìm hiểu về định”; Tuệ học được đề cập xuyên suốt ở tất cả các chương của cuốn sách và đặc biệt được giảng giải kỹ lưỡng trong “Bát bất trung đạo” và “cái thấy sâu xa trong Tâm kinh”.
Nếu như lấy “Cảnh, hành, quả” để phân định nội dung thì Cảnh được nói rõ trong chương “Vạn hữu”; Hành thì lấy “Tứ thánh đế”, “phát tâm và hạnh nguyện rộng lớn” và “hạnh nguyện rộng lớn trong Tâm kinh” làm trung tâm; Quả thì giảng về Phật bảo trong “Quy y Tam bảo”, Tứ hướng tứ quả trong “Tìm hiểu về Tứ thánh đế” và vô thượng Phật quả trong Tâm kinh.
Đương nhiên, những tài liệu này có một số là quan điểm cá nhân, nhưng chủ yếu vẫn y cứ theo kinh luận để trình bày (những thuật ngữ được dùng trong đây chủ yếu là thuật ngữ dịch thuật của Pháp sư Huyền Trang). Bởi lẽ, tôi muốn giúp cho các học viên có kiến giải đúng và vững chãi, ngay khi bắt đầu tiếp cận là đã có thể dễ dàng thâm nhập vào nghĩa lý của kinh luận, từ đó xây dựng nhận thức về Phật học một cách rõ ràng và chính xác, giúp tự thân có thể thâm nhập vào tam tạng, mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết, nương vào giáo lý mà phụng hành.
Ngày nay các đoàn thể chuyên nghiên cứu về Phật học đã được phổ biến khắp cả nước, điều cần phát triển mạnh trước mắt chính là làm cho Phật học phát triển sâu rộng hơn. Nói một cách đơn giản dễ hiểu thì “làm cho sâu rộng” chính là làm cho kiến giải chân chính của Phật pháp đi sâu vào lòng người, phổ cập vào quần chúng; hay nói cho rõ hơn nữa là khiến cho “cái thấy sâu xa” và “hạnh nguyện rộng lớn” của Phật pháp kết hợp lại. Từ phương diện “cái thấy sâu xa” thì lấy văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ để loại trừ đi chấp trước và nghi hoặc trên tư tưởng, làm cho Bát nhã thậm thâm của Phật giáo được tỏa sáng rõ ràng. Về phương diện “hạnh nguyện rộng lớn” thì dùng tâm đại bi một cách toàn diện để phát triển nền giáo dục của Phật Đà, thanh tịnh hóa lòng người, lợi ích cho đại chúng, làm cho hạnh nguyện đại bi của Phật giáo được rạng rỡ khắp nơi.
Nguyện chúng sinh được bình an hạnh phúc!
Tháng 4 năm 2008
Huyện Đào Viên, thị trấn Trung Lịch,
Nội Quán Giáo dục Cơ kim Hội
Lâm Sùng An