Toàn bộ trung tâm của Tâm kinh, chính là “phát Bồ đề tâm”: Vì muốn độ tất cả khổ đau ách nạn, mà tích cực thực hành “Bát nhã Ba la mật đa” để thành Phật. Khổ đau ách nạn của chúng sinh, là do hoặc (phiền não) và nghiệp hữu lậu mà có. Phiền não từ đâu đến? Là từ “chấp ngã” đến. Dưới quan điểm của Trung quán tông phái Ứng thành thì chấp trước “nhân” từ tự tính có, chính là “nhân ngã chấp”; chấp trước “pháp” từ tự tính có, chính là “pháp ngã chấp”. Hai loại “ngã chấp” này và hạt giống của nó, chính là “phiền não chướng”. Tập khí của “ngã chấp” chính là “sở tri chướng”. Chúng sinh vì “ngã chấp” mà sinh ra các phiền não như tham, sân. Muốn trừ đi khổ đau ách nạn thì phải nương vào “Bát nhã Ba la mật đa” để trừ đi “ngã chấp”, nương vào đó mới có thể đạt được cứu cánh Niết bàn. Cho nên, “Bát nhã Ba la mật đa” được gọi là “Phật mẫu”1.
1 Nguyên văn 佛母: Mẹ của chư Phật vì chư Phật từ Bát nhã sinh ra nên trên một góc độ nào đó có thể coi Bát nhã là mẹ của chư Phật.
Bát nhã tâm kinh đã cô đúc được tinh hoa của Đại Bát nhã kinh, do vậy các hành giả Bồ tát muốn thành Phật đều cần phải thâm nhập thể hội được cái thấy sâu xa và hạnh nguyện rộng lớn ở trong kinh. Cái thấy sâu xa trong Tâm kinh, chỉ ra “trí” và “đắc” đều không phải từ tự tính có, nhắc nhở hành giả không rơi vào thường kiến; hạnh nguyện rộng lớn trong Tâm kinh chỉ ra “trí” và “đắc” đều từ duyên khởi có, nhắc nhở hành giả không rơi vào đoạn kiến, nên lấy lợi ích chúng sinh làm bổn hoài, tích cực thực hành ngũ đạo để chứng Phật trí và đắc Phật quả.