Đoạn thứ sáu trong Tâm kinh: “Vậy nên biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, có thể trừ tất cả khổ, chân thật không hư dối. Cho nên nói chú Bát nhã Ba la mật đa, liền nói chú rằng: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha”.
Dùng Bát nhã Ba la mật đa để liễu ngộ tính không, là mấu chốt của việc lìa khổ được vui, do vậy Bát nhã Ba la mật đa đầy đủ oai lực vô thượng, kinh văn viết rằng: “Vậy nên biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú (vì có thể hộ trì tâm của hành giả, diệt trừ nhị chướng), là đại minh chú (vì có thể ngộ nhập tính không), là vô thượng chú (vì không có cái gì có thể cao hơn chú này), là vô đẳng đẳng chú (vì có thể đắc được quả vị Phật, không có chú nào có thể sánh bằng), có thể trừ tất cả khổ, chân thật không hư dối”.
Thế Tôn chú trọng “giáo chứng song hành”, vì vậy khai thị cái thấy về tính không sâu sắc với các vị Bồ tát, để phối hợp với hạnh Bồ đề rộng lớn của ngũ đạo. Do căn khí chúng sinh có nhiều hạng, trong đó có một hạng không ưa thích thâm nhập vào giáo lý mà chỉ thích trì chú ngữ, bèn truyền mật chú để họ trì tụng, đây là phương tiện tùy cơ dẫn dắt. Đối với người Ấn Độ mà nói, chú ngữ chẳng phải hoàn toàn không thể giải thích, chỉ là hàm nghĩa quá nhiều, khi dịch sang một loại ngôn ngữ khác, thường không sát với nghĩa gốc. Ví dụ, chữ “nhân”, “nghĩa”, v.v. trong Luận ngữ, không phải là khái niệm mà ngoại ngữ có thể biểu đạt rõ ràng được. Chú trong Tâm kinh: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha”. Hán dịch cũng chỉ có thể biểu đạt ý nghĩa đại thể như sau: “Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia, giác ngộ, mong sớm thành tựu”. Người lợi căn, biết rằng hai lần “yết đế” trước là biểu thị cho muốn tu Bát nhã Ba la mật đa phải thực hành Tư lương đạo và Gia hành đạo, câu “ba la yết đế” thứ ba là thể hiện việc thực hành Kiến đạo, câu “ba la tăng yết đế” thứ tư là chỉ cho thực hành Tu đạo, câu thứ năm “bồ đề” là biểu trưng cho Cứu cánh đạo, sau cùng “tát bà ha” là bày tỏ hy vọng viên mãn được ngũ đạo của Bồ tát hạnh. Do vậy, đối với người lợi căn, lúc trì chú này, thì phải biết rằng chính mình cần phải cố gắng thực hành ngũ đạo với hạnh nguyện rộng lớn, viên chứng tam thân (pháp thân, báo thân, hóa thân), rốt ráo phát huy được oai lực đại thần chú của Bát nhã Ba la mật đa. Từ đại thần chú này có thể thấy, hạnh mật chú không phải ở chỗ cầu được cảm ứng thế tục hay thần dị, mà là ở chỗ tích cực thực hành ngũ đạo, tấn tốc đạt được quả vị Phật cứu cánh.