“Hạnh nguyện rộng lớn” chính là hạnh rộng lớn của Bồ tát, lần lượt thực hành Tư lương đạo, Gia hành đạo, Kiến đạo, Tu đạo và Cứu cánh đạo. Bồ tát Di Lặc y cứ vào Đại Bát nhã kinh mà trước tác Hiện quán trang nghiêm luận và Bồ tát Vô Trước trước tác Kim cang kinh luận, pháp xiển dương chính là “hạnh nguyện rộng lớn” này. Trong toàn thể “hạnh nguyện rộng lớn” nhất định phải phối hợp với “cái thấy sâu xa”, mới có thể đạt được Phật quả. Tâm kinh một mặt trực tiếp xiển dương cái thấy sâu xa, một mặt ngầm nhắc đến hạnh nguyện rộng lớn của Bồ tát. Sau đây xin lần lượt dựa vào kinh văn, để tiến hành phân tích quá trình thực hành ngũ đạo.
1) Lược thuyết Tư lương đạo và Gia hành đạo
Đoạn kinh văn thứ nhất: “Quán Tự Tại Bồ tát lúc thực hành thâm sâu Bát nhã Ba la mật đa, thì soi thấy ngũ uẩn đều không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn”.
Đoạn kinh văn này tóm tắt chỉ ra hai đạo đầu tiên trong ngũ đạo đó là Tư lương đạo và Gia hành đạo, nay nói rõ như sau:
“Bồ tát Quán Tự Tại” là vị đại Bồ tát bi trí song hành, ngay phần đầu kinh văn đã nêu rõ cái thấy sâu xa trong “soi thấy ngũ uẩn đều không” và hạnh nguyện rộng lớn trong “vượt qua mọi khổ đau ách nạn”. “Vì muốn vượt qua mọi khổ đau ách nạn mà phát tâm thượng cầu Phật đạo”, chính là định nghĩa của “tâm Bồ đề”. Do vậy, đoạn kinh văn này vừa mở đầu đã liền chỉ ra bước đầu tiên để tiến vào Bồ tát đạo chính là phát tâm Bồ đề. Hành giả đầu tiên phát khởi tâm Bồ đề không hư dối, liền đi vào Tư lương đạo. Loại phát tâm này chẳng phải ngắn tạm, mà luôn phải thông suốt đến khi thành Phật mới dừng, vì đoạn cuối của Tâm kinh này có sự đối ứng giữa câu “không có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng đảo điên” với “có thể trừ tất cả khổ, chân thật không hư dối”, biểu thị từ tâm đại bi thúc đẩy mà phát tâm, đây là loại tâm vô tận, loại tâm lâu xa muốn độ chúng sinh thoát ly khổ đau. Vì muốn vượt qua mọi khổ đau ách nạn, ở Tư lương đạo và Gia hành đạo bắt đầu tích cực tích lũy tư lương, để thực hành hạnh Bồ đề rộng lớn, đây là ý nghĩa sâu xa gián tiếp của đoạn kinh văn này.
Câu “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” này, theo bản dịch của Pháp Thành đời Đường (bản Đôn Hoàng thạch thất) là “quán sát chiếu kiến ngũ uẩn thể tính tất giai không”, bản dịch của Thi Hộ đời Tống là “chiếu kiến ngũ uẩn tự tính giai không”. Bốn chữ “quán sát chiếu kiến” hoặc hai chữ “chiếu kiến” biểu thị sau khi đi vào Tư lương đạo, đối với đạo lý “ngũ uẩn đều không”, phải vận dụng trí tuệ để quán sát, tư duy, suy lý, chọn lựa. Lúc này tuy chưa thể lấy trực cảm để hiện quán về “ngũ uẩn đều không”, nhưng thông qua sự không ngừng suy nghĩ tìm tòi, đã có thể biết được đạo lý ngũ uẩn đều không mà không nghi hoặc, cũng chính là đã có thể nắm bắt “khái niệm của tính không” một cách rõ ràng. Khi ở Tư lương đạo, đối với sự hiểu biết của tính không đã đạt đến “văn sở thành tuệ” (loại trí tuệ cần lắng nghe mà thành tựu) và “tư sở thành tuệ” (loại trí tuệ cần suy nghĩ mà thành tựu), song chưa đạt đến “tu sở thành tuệ” (loại trí tuệ cần tu tập mà thành tựu). Trong quá trình Tư lương đạo, đồng thời cũng phải tu “chỉ” (Xa ma tha), sau đó dưới sự kết hợp sức mạnh của “chỉ”, làm cho “tư sở thành tuệ” biến thành “tu sở thành tuệ”. Lúc nhập vào Gia hành đạo, cũng chưa thể trực cảm được tính không, nhưng đã có thể lý giải một cách thấu triệt mà đạt được Tỳ bát xá na (quán). Đoạn kinh văn này là sự quán sát tổng thể về ngũ uẩn, cho nên gọi là lược thuyết, còn đoạn kinh văn ở phía sau mới là nói tường tận.
2) Nói rõ Tư lương đạo và Gia hành đạo
Đoạn thứ hai của Tâm kinh: “Này Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính thực là không, không chính thực là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy”.
Trên mặt chữ của kinh văn chỉ dạy Xá Lợi Phất phải phân tích tỉ mỉ đạo lý ngũ uẩn đều không: Trong Tư lương đạo và Gia hành đạo, đối với ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn) phải phân tích từng cái từng cái, mổ xẻ nội hàm của nó. Trước tiên phân tích sắc uẩn, kết quả biết được: “Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc”. Sắc là Thế tục đế, không là Thắng nghĩa đế (chân lý cứu cánh), hai câu này biểu thị Thắng nghĩa đế không rời Thế tục đế, Thế tục đế cũng không rời Thắng nghĩa đế. “Sắc uẩn” và “chân lý cứu cánh của sắc uẩn” chẳng phải rời nhau, do vậy, chân lý cứu cánh của sắc uẩn chẳng phải rời ra ngoài sắc uẩn mà tồn tại độc lập. Đây cũng biểu thị, sắc uẩn ngay đó chính là không, do vậy, kinh văn nói tiếp: “Sắc chính thực là không”, sắc từ tự tính không, không cần đi ra ngoài sắc mà tìm tính không của sắc. Tiếp theo, kinh lại tiến thêm một bậc nữa: “Không chính thực là sắc”, nương vào tính không mà có sự hiển hiện của sắc. Ví dụ nói, trên bãi cỏ ở vườn trường, nhờ vào nguyên lý “cơ học Newton” mà xây dựng lên một tòa nhà lớn, tòa nhà lớn này giống như một minh chứng cụ thể của cơ học Newton. Nhưng không thể nói cái tòa nhà lớn đó do cơ học của Newton tạo ra. Điểm khác biệt vi tế này phải cố gắng nắm bắt, nếu không sẽ rơi vào biên kiến. Lại như, lấy gỗ làm ra một cái bàn gỗ, có người cho rằng, hôm qua không có bàn gỗ mà hiện tại lại có, vậy thì từ “không” mà sinh ra “bàn gỗ”. Loại quan điểm “không” sinh ra “có” này là một loại biên kiến. Quan điểm chính xác là: gỗ tự tính không (kết hợp với ngoại duyên) tạo ra bàn gỗ tự tính không. Nếu như bàn gỗ mà từ tự tính có, thì bàn gỗ không cần nương vào gỗ mà vẫn được tạo ra1. Vậy nên biết được sự hình thành của bàn gỗ, là do tự tính không của nó, đây chính là “dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành” (nhờ có nghĩa không (tự tính không), nên tất cả pháp mới được thành lập) mà Trung luận đã nói, đồng thời cũng là một trong những ý nghĩa sâu sắc của câu “sắc chính thực là không”.
1 Câu này được hiểu là, nếu tự tính của cái bàn là có (bản chất của cái bàn là có) thì không cần dùng gỗ để chế tạo, vì bản chất của nó là có thì cần gì chế tạo.
Ở trên đã lấy “sắc” (vật chất) làm ví dụ nói rõ, cũng với đạo lý đó, “thọ”, “tưởng”, v.v. thuộc phương diện tâm lý cũng như vậy: “Thọ chẳng khác gì không, không chẳng gì thọ, thọ chính thực là không, không chính thực là thọ”. Những cái khác cũng như vậy. Đối với vạn pháp cũng cần phải cân nhắc tỉ mỉ về đạo lý tự tính không tịch của chúng trên nhiều phương diện, tiếp đó mà nương vào văn, tư, tu để dần dần tích lũy “tư lương trí tuệ”. Đây là phương pháp tích lũy tư lương trí tuệ trong thời gian tu tập Tư lương đạo và Gia hành đạo.
Tư lương đạo còn gọi là “thuận giải thoát phần”, chia ra hạ phẩm, trung phẩm và thượng phẩm. Gia hành đạo chia ra “Noãn, Đỉnh, Nhẫn và Thế đệ nhất pháp”, gọi chung là “tứ thiện căn”. Trung quán tông cho rằng bốn thiện căn này, mỗi thiện căn được chia thành hạ phẩm, trung phẩm, và thượng phẩm, hơn nữa đều thuộc “tu sở thành tuệ”. Gia hành đạo còn gọi là “thuận quyết trạch phần”, biểu thị sự quyết đoán và chọn lựa đối với tính không, đã tiếp cận được một phần nào đó của Kiến đạo. Định mà bốn thiện căn nương vào, lần lượt gọi là “Minh đắc định”, “Minh tăng định”, “Ấn thuận định” và “Vô gián định”. Cho nên, ở trong giai đoạn này, cũng cần phải tu định, đây là quá trình tích lũy tư lương phúc đức, là một bộ phận trong hạnh nguyện rộng lớn.
Khi hành giả tư duy ở giai đoạn Gia hành đạo, đã hiểu rất rõ khái niệm về tính không, nhưng vẫn thuộc trí tuệ phân biệt, sự lý giải của loại trí tuệ này là khái niệm về tính không. Cần chú ý “khái niệm về tính không” hoàn toàn không phải là “tính không”, chẳng phải là Thắng nghĩa đế, mà là Thế tục đế. Do vì hành giả lúc này vẫn là phàm phu, do đó vẫn sẽ chấp trước “khái niệm về tính không” là từ tự tính có. Cho nên, ở trong tâm của hành giả này, một mặt hiển hiện “khái niệm về tính không”, một mặt hiển hiện “khái niệm về tính không từ tự tính có”. Cả hai phương diện này gọi chung là “hiển nhị” (cả hai cùng hiển lộ). Hành giả nếu muốn trực quán về tính không thì nhất định phải đem “hiển nhị” trừ bỏ đi. Lúc “tu sở thành tuệ” và “định” dần dần tăng trưởng mạnh thì “hiển nhị” sẽ dần dần suy thoái, khi chỉ và quán song hành, thì “hiển nhị” mới hoàn toàn mất đi, hành giả lúc này dùng căn bản trí để trực quán về tính không, lúc này năng quán “tâm” và sở quán “tính không” đã hợp thành một, như nước hòa vào nước, đi vào Kiến đạo. Do đó có thể biết, nếu không thể tìm hiểu tính không rõ ràng trước, rồi tiến tới trừ bỏ đi “hiển nhị”, lại muốn dựa vào “không ngộ” mà vào “không tính” thì đó là điều vô cùng khó khăn.
3) Kiến đạo
Đoạn thứ ba của Tâm kinh: “Này Xá Lợi Tử! Tướng không của các pháp, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm”.
Đoạn kinh văn này trực tiếp nói về “các pháp từ tự tính không” dùng để miêu tả trạng thái của Kiến đạo, nay nói rõ như sau:
Ở giai đoạn Kiến đạo, ta có thể trực tiếp chứng ngộ tính không của các pháp. Do vậy, đoạn kinh văn này nói: Các pháp từ tự tính không, “tướng của các pháp” từ tự tính là không. “Sinh” không phải từ tự tính có, “diệt” không phải từ tự tính có, “cấu” không phải từ tự tính có, “tịnh” không phải từ tự tính có, “tăng” không phải từ tự tính có, “giảm” không phải từ tự tính có. Điều này biểu thị rõ ràng đối tượng sở quán trong giai đoạn Kiến đạo là tính không của các pháp, là Thắng nghĩa đế. Lúc này, Thế tục đế đã không còn hiển hiện, không có sự xuất hiện của “hiển nhị”, đối tượng sở quán thuần túy chỉ là tính không. Hành giả vừa nhập vào Kiến đạo, liền trở thành thánh giả, trở thành Sơ địa (Cực hỷ địa hay Hoan hỷ địa) Bồ tát, đồng thời trở thành Thắng nghĩa Tăng bảo.
Giai đoạn Kiến đạo, bởi lấy “Du già hiện lượng” để trực quán tính không, như nước hòa vào nước, tâm cảnh đều quên, nên chẳng phải chỗ mà ngôn ngữ giải thích có thể đạt đến. Nhưng trước khi đi vào “Du già hiện lượng”, nhất định phải nương vào tư duy tỷ lượng ở Gia hành đạo để hiểu biết thấu triệt đối với tính không, đây là chỗ mà ngôn ngữ có thể đạt đến. Do vậy, không thể vì “hiện lượng” khó thể dùng ngôn ngữ giải thích thì liền sai lầm cho rằng tu hành không cần tư duy “tỷ lượng”. Trong pháp tu chính quy của Phật giáo, nhờ văn và tư mới có “tu sở thành tuệ”, nhờ tu sở thành tuệ mới có được chứng ngộ.
Kiến đạo chia làm hai giai đoạn “Kiến đạo căn bản trí” và “Kiến đạo hậu đắc trí”. Căn bản trí lại chia thành “Vô gián đạo” và “Giải thoát đạo”. Vô gián đạo của Kiến đạo chia thành “bát nhẫn”, Giải thoát đạo chia thành “bát trí”. Lúc hiện quán về tính không, nhất nhẫn nhất trí lần lượt được sinh ra, khi vào nhẫn thì sẽ trực tiếp đối trị phiền não, đến nhẫn thứ tám sẽ đem tất cả “phiền não cần phải đoạn nhờ Kiến đạo” hoàn toàn đoạn trừ, sau đó là trí thứ tám của Giải thoát đạo. Sau đó nữa là xuất định, tức “hậu đắc trí” của Kiến đạo, lúc này thấy Thế tục đế tất cả đều như huyễn như hóa, “phiền não cần phải đoạn nhờ Kiến đạo” đã được nhổ trừ từ gốc rễ, “phiền não cần phải đoạn nhờ Tu đạo” còn lại vẫn phải đợi nhổ trừ. Bồ tát của Kiến đạo vị tiếp tục tu, đi vào Vô gián đạo của căn bản trí (của Tu đạo), bắt đầu nhổ trừ phiền não vi tế, lúc này đã đi vào “Tu đạo”.
4) Tu đạo
Đoạn thứ tư của Tâm kinh: “Cho nên trong không, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có sự diệt tận của vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có sự diệt tận của lão tử; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí cũng không có đắc. Vì không có sở đắc nên Bồ tát nương vào Bát nhã Ba la mật đa thì tâm không có chướng ngại”.
Đoạn kinh văn này chỉ ra, sau khi Bồ tát Kiến đạo, phải tiếp tục tu trí tuệ “các pháp đều không”, khiến cho nó thành thục, đây chính là “Tu đạo”. Nay nói rõ như sau:
Trên mặt chữ kinh văn nói, Bồ tát vì muốn đoạn trừ “phiền não cần phải đoạn nhờ Tu đạo” vì vậy phải nhập vào căn bản trí để thể hội được “các pháp đều không”, ở trước căn bản trí này, sắc từ tự tính không, nên gọi là “không có sắc”. Thọ, tưởng, hành, thức, từ tự tính không, nên gọi là “không có thọ, tưởng, hành, thức”. Ở Kiến đạo vị, Bồ tát đã thể ngộ được ngũ uẩn này đều là không rồi, nay tiếp tục thể ngộ lần nữa, đây là sự tiếp tục huân tu, nên được gọi là “Tu đạo”. “Vô gián đạo” của Tu đạo căn bản trí, lần lượt theo thứ tự trừ bỏ chín phẩm phiền não và chướng ngại cần phải đoạn nhờ Tu đạo.
Trong giai đoạn Tu đạo, ta cũng dùng căn bản trí thể hội 12 xứ từ tự tính không: “Nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý” từ tự tính không, “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp” từ tự tính không, nên gọi “không có nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý” và “không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Cũng vậy, 18 giới từ tự tính không: nhãn giới cho đến ý thức giới đều từ tự tính không, nên gọi “không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới”. Đi sâu hơn nữa là thể hội được luân hồi và Niết bàn đều là từ tự tính không: từ vô minh cho đến lão tử là lưu chuyển môn của 12 duyên khởi, tượng trưng cho hiện tượng luân hồi; từ vô minh diệt tận cho đến lão tử diệt tận là hoàn diệt môn của 12 duyên khởi, tượng trưng Niết bàn. Trước khi vào căn bản trí của Tu đạo, “vô minh” và “sự diệt tận của vô minh” (vô minh tận) đều từ tự tính không, cho đến “lão tử” và “sự diệt tận của lão tử” (lão tử tận) cũng từ tự tính không, nên gọi là “không có vô minh, cũng không có sự diệt tận của vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có sự diệt tận của lão tử” (vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận). Sự thuận nghịch của 12 duyên khởi đều không phải từ tự tính có, nên gọi là “luân hồi và Niết bàn không hai”. Cũng vậy, Tứ thánh đế từ tự tính không, nên gọi “không có khổ, tập, diệt, đạo”. Cho đến “trí” (dụ như Nhất thiết tướng trí) và “đắc” (như chứng đắc quả vị A la hán) đều không phải từ tự tính có, nên gọi là “không có trí cũng không có đắc”.
Ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới và 12 duyên khởi lưu chuyển thuộc pháp tạp nhiễm, lúc Tu đạo phải tịnh trừ; 12 duyên khởi hoàn diệt, Tứ thánh đế, trí và đắc thuộc pháp thanh tịnh, tuy không phải từ tự tính có, nhưng là duyên khởi có, cho nên phải tích cực tu đắc. Đây chính là hạnh nguyện rộng lớn được ngầm đề cập đến trong đoạn kinh văn này.
Trong Kiến đạo và Tu đạo của Bồ tát đạo, tổng cộng chia thành thập địa: Sơ địa (Cực hỷ địa), Nhị địa (Ly cấu địa), Tam địa (Phát quang địa), Tứ địa (Diệm / Diễm tuệ địa), Ngũ địa (Cực nan thắng địa), Lục địa (Hiện tiền địa), Thất địa (Viễn hành địa), Bát địa (Bất động địa), Cửu địa (Thiện tuệ địa) và Thập địa (Pháp vân địa). Do ở trên đã nói “đắc” không phải từ tự tính có, mà là duyên khởi có, bởi vậy Bồ đề Tát đỏa (Bodhisattva) phải trải qua quá trình phúc tuệ song tu, từng địa từng địa đi lên, đạt được quả vị không giống nhau, đây chính là nương vào sự chỉ dẫn của Bát nhã Ba la mật đa (Nhất thiết trí trí), để thực hành “mười Ba la mật đa”. Từ Sơ địa đến Thập địa lần lượt viên mãn các hạnh bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát nhã, phương tiện thiện xảo, nguyện, lực và trí Ba la mật đa. Theo quan điểm của Trung quán tông phái Ứng thành, khi đến địa vị Bát địa, ta đã có thể đem phiền não chướng đoạn trừ sạch sẽ, sau cùng nương vào Kim cang dụ định của Thập địa Vô gián đạo (là Bát nhã Ba la mật đa trong giai đoạn sau cùng của Tu đạo), hoàn toàn đoạn trừ các sở tri chướng vi tế nhất, sát na thứ hai liền được thành Phật, đạt được giải thoát cứu cánh, nên kinh văn viết: “Vì không có sở đắc nên Bồ tát nương vào Bát nhã Ba la mật đa thì tâm không có chướng ngại”.
5) Cứu cánh đạo
Đoạn thứ năm của Tâm kinh: “Vì không có chướng ngại nên không có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng đảo điên, đạt đến cứu cánh Niết bàn. Chư Phật trong ba đời nương vào Bát nhã Ba la mật đa nên đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề”.
Đoạn kinh văn này, nói rõ về “Cứu cánh đạo” như sau: Cứu cánh đạo còn được gọi là “Vô học đạo”, có rất nhiều từ đồng nghĩa như: Phật trí, Nhất thiết tướng trí, Cứu cánh Bát nhã Ba la mật đa, Quả Bát nhã Ba la mật đa. Sau khi thành Phật, phiền não chướng và sở tri chướng đều đã đoạn trừ sạch sẽ, đầy đủ Nhất thiết tướng trí, trở thành “Phật bảo”, là chỗ quy y nương tựa của tất cả chúng sinh. Phật có pháp thân, báo thân, hóa thân. Pháp thân lại chia thành Tự tính thân và Trí tuệ pháp thân. Tự tính thân là sau khi lìa xa trần cấu nhị chướng mà đạt được, nên trên kinh văn lấy “vì không có chướng ngại nên không có sợ hãi” để biểu thị lìa trần cấu mà được Tự tính thân. Trí tuệ pháp thân chính là Nhất thiết tướng trí, là “Như sở hữu trí” và “Tận sở hữu trí” hiện quán vạn hữu, trí này không có bất kỳ sự hỗn loạn nào, vì vậy kinh dùng “xa lìa mộng tưởng đảo điên” để biểu thị Trí tuệ pháp thân. Báo thân của Phật độ hóa Bồ tát Đăng địa trở lên, hóa thân độ hóa chúng sinh trong uế độ, đây là vì Phật đã đạt được quả vị “luân hồi và Niết bàn không hai”, trụ nơi “vô trụ đại Niết bàn”, nên trong kinh lấy “cứu cánh Niết bàn” để biểu thị “báo thân, hóa thân”. Đoạn kinh văn này lấy bốn câu đầu để miêu tả ba loại thân của Phật quả Cứu cánh đạo.
Tiếp theo, kinh văn nói rằng chư Phật đạt được Cứu cánh đạo trong quá khứ, hiện tại và vị lai, đều là y theo thứ tự của ngũ đạo để tu Bát nhã Ba la mật đa, do đó chứng đắc Vô thượng Chính đẳng Chính giác (A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề). Bất cứ chúng sinh nào muốn thành Phật, đều nhất định phải noi theo thứ tự như vậy để tu Bát nhã Ba la mật đa.