Cái thấy sâu xa trong Tâm kinh, chính là “các pháp đều không”. Các pháp là 53 pháp đã thuật ở trên. Theo quan điểm của Trung quán tông phái Ứng thành, “các pháp đều không” chính là chỉ tự tính của các pháp này đều là không (đều không phải từ tự tính mà có), đều là tự tướng không (đều không phải từ tự tướng mà có), đều chẳng phải chân thật tồn tại, đều chẳng từ một nơi độc lập tồn tại (mà do nhiều duyên hợp thành). Tâm kinh viết: “Cho nên trong không, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không có nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý,... không có trí cũng không có đắc”. Đây là đang trình bày về quan điểm đã thuật ở trên. Không có sắc chính là nói sắc từ tự tính không, không có thọ chính là thọ từ tự tính không, không có tưởng chính là tưởng từ tự tính không,… không có nhãn chính là nhãn từ tự tính không,… không có vô minh chính là vô minh từ tự tính không, không có hết vô minh chính là hết vô minh từ tự tính không, không có khổ chính là khổ từ tự tính không,... không có trí chính là trí từ tự tính không, không có đắc chính là đắc từ tự tính không, không thể sai lầm cho rằng không có sắc, thọ, tưởng,… nhãn,… vô minh, hết vô minh,... khổ,... trí, đắc.
Nếu cho rằng 53 pháp này là “không có”, thì rơi vào đoạn kiến; nếu cho rằng là “từ tự tính có”, thì rơi vào thường kiến; viễn ly hai loại biên kiến này, mới là “cái thấy trung đạo” của Trung quán tông. Bởi kiến giải này sâu xa khó hiểu, vì vậy mà được gọi là “cái thấy sâu xa”. Nhờ y cứ vào Đại Bát nhã kinh mà Bồ tát Long Thọ trước tác ra Trung luận và Bồ tát Nguyệt Xứng trước tác Nhập trung luận, trong đó pháp trọng yếu được xiển dương chính là “cái thấy sâu xa” này.