Nội dung trong kinh luận Phật giáo có thể chia làm ba bộ phận lớn: cảnh, hành, quả. “Cảnh” là đối tượng cần nghiên cứu trong kinh luận. “Cảnh” trong Đại Bát nhã kinh có 108 loại pháp, Tâm kinh thì chia 53 pháp: ngũ uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, mười hai duyên khởi thuận nghịch (lưu chuyển và hoàn diệt), Tứ thánh đế, trí, đắc. Nay nói rõ như sau:
Ngũ uẩn là: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Mười hai xứ là: nhãn xứ, nhĩ xứ, tỵ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ, sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ. Mười tám giới là: nhãn giới, nhĩ giới, tỵ giới, thiệt giới, thân giới, ý giới, sắc giới, thanh giới, hương giới, vị giới, xúc giới, pháp giới, nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỵ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý thức giới.
Mười hai duyên khởi thuận nghịch là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão, tử; vô minh tận, hành tận, thức tận, danh sắc tận, lục xứ tận, xúc tận, thọ tận, ái tận, thủ tận, hữu tận, sinh tận, lão tử tận.
Tứ thánh đế là: Khổ thánh đế, Tập thánh đế, Diệt thánh đế, Đạo thánh đế.
Trí, chỉ Nhất thiết trí trí, phân thành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.
Đại Bát nhã kinh quyển 24 viết:
“Cụ Thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Như Lai đã từng nói Nhất thiết trí trí lược có ba loại, là Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Tướng của ba loại trí này ra sao và có gì khác nhau?
Phật bảo Thiện Hiện: Nhất thiết trí là trí chung của Thanh văn và Độc giác, Đạo tướng trí là trí chung của Bồ tát Ma ha tát, Nhất thiết tướng trí là diệu trí riêng của các vị Như Lai Ứng chính đẳng giác.
Cụ Thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Vì sao Nhất thiết trí là trí chung của Thanh văn và Độc giác?
Phật bảo Thiện Hiện: Nhất thiết trí nghĩa là pháp môn sai biệt của ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới; Thanh văn, Độc giác cũng có thể biết rõ pháp môn sai biệt, nhưng không thể biết Nhất thiết đạo tướng, Nhất thiết pháp và Nhất thiết chủng tướng. Cho nên Nhất thiết trí là trí chung của Thanh văn và Độc giác.
Cụ Thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Vì sao Đạo tướng trí là trí chung của Bồ tát Ma ha tát trí?
Phật bảo Thiện Hiện: Các Bồ tát Ma ha tát phải học để biết khắp Nhất thiết đạo tướng, đó là Thanh văn đạo tướng, Độc giác đạo tướng, Bồ tát đạo tướng, Như Lai đạo tướng. Đối với các đạo này, các Bồ tát Ma ha tát phải thường tu học làm cho mau chóng viên mãn, tuy là chỗ cần làm của các vị Bồ tát trong các đạo ấy mà vẫn không thủ đắc1, nên Đạo tướng trí là trí chung của Bồ tát Ma ha tát.
1 Tuy chứng quả Thanh văn nhưng không thủ đắc mà hướng về đạo Bồ đề.
Cụ Thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Vì sao Nhất thiết tướng trí gọi là Nhất thiết tướng trí vậy?
Phật bảo Thiện Hiện: Vì biết tất cả pháp đều đồng một tướng, đó là tướng vắng lặng, cho nên gọi là Nhất thiết tướng trí. Lại nữa, Thiện Hiện! Các hành trạng tướng có thể biểu thị các pháp, Như Lai có thể như thật hiểu biết khắp cho nên gọi là Nhất thiết tướng trí”.
Qua đoạn kinh văn có thể biết, Nhất thiết trí là trí chung của Độc giác và Thanh văn, Đạo tướng trí là trí chung của Bồ tát, Nhất thiết tướng trí là trí riêng của Phật. Ba loại trí này đều Bát nhã Ba la mật đa. Đạo tướng trí là “nhân”, Nhất thiết tướng trí là “quả”. Đạo tướng trí là trí tuệ Bồ tát hiện quán tướng tịch diệt của tất cả Thanh văn, Độc giác, Bồ tát, Như Lai đạo. Nhất thiết tướng trí là Phật trí, có hai phương diện: một là Như sở hữu trí, liễu tri tướng tịch diệt của tất cả pháp (Thắng nghĩa đế); hai là Tận sở hữu trí, liễu tri tất cả tướng trạng (Thế tục đế). Cái đầu là trí về phương diện sâu, cái sau là trí về phương diện rộng, nên biết chỉ có Phật mới đồng thời hiện quán nhị đế (Thế tục đế và Thắng nghĩa đế).
“Đắc”, một mặt chỉ cho trí được chứng đắc đã thuật phía trước, một mặt chỉ cho thánh giả chứng đắc, bao gồm thánh giả Thanh văn đạo (Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác), thánh giả Bồ tát và Như Lai.
Đoạn trên đã lược nói rõ thêm về “cảnh” trong Tâm kinh, trong đó ngũ uẩn, 18 giới, sự lưu chuyển của 12 duyên khởi thuộc pháp tạp nhiễm; Tứ thánh đế, “trí” và “đắc” thuộc pháp thanh tịnh. Đối với “hành”, chỉ quá trình tu học, bao hàm ngũ đạo của Bồ tát đạo, sở đắc sau cùng của quá trình này chính là “quả”, ở đây chỉ quả vị Phật vô thượng.