Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh gọi tắt là Bát nhã tâm kinh hoặc Tâm kinh. Ngày nay bản lược dịch Tâm kinh của Pháp sư Huyền Trang triều Đường được xem là bản thông hành nhất. Nghiên cứu sau đây, chính là lấy bản lược dịch này làm chuẩn, đồng thời kèm theo hội thứ hai của Đại Bát nhã kinh để thuyết minh làm rõ.
Nội dung Đại Bát nhã kinh có hai bộ phận lớn, đó là “cái thấy sâu xa” và “hạnh nguyện rộng lớn”. Bộ phận thứ nhất nói rõ “tất cả pháp không”, bộ phận thứ hai ngầm chỉ hạnh tu rộng lớn của Bồ tát đạo (phân thành ngũ đạo: Tư lương đạo, Gia hành đạo, Kiến đạo, Tu đạo và Cứu cánh đạo), Tâm kinh cũng không ngoại lệ, riêng học giả xưa đối với phần giải thoát của Tâm kinh đại đa số chỉ chú ý đến “cái thấy sâu xa”, mà xem nhẹ đi “hạnh nguyện rộng lớn”. Sự tìm hiểu sau đây bao gồm cả hai phương diện, đồng thời còn đặc biệt nhấn mạnh đến thứ lớp tu hành của Bồ tát đạo.
“Tâm” trong Tâm kinh nghĩa là “trung tâm, tâm yếu”, cũng chính là nói, Tâm kinh là trung tâm của toàn bộ Đại Bát nhã kinh. Vậy ý nghĩa của “Bát nhã Ba la mật đa” là gì? Đại Bát nhã kinh quyển 413 viết:
“Này Thiện Hiện (Tu Bồ Đề)! Thế nào là Bát nhã Ba la mật đa? Như Bồ tát Ma ha tát dùng Nhất thiết trí trí tương ưng với tác ý, đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tự mình như thật quán sát hết thảy pháp tính, đối với các pháp tính không nắm giữ không chấp trước, cũng khuyên người như thật quán sát hết thảy pháp tính, đối với các pháp không nắm giữ không chấp trước, thọ trì thiện căn này cùng với tất cả hữu tình hồi hướng về Nhất thiết trí trí. Này Thiện Hiện! Đó là Ma ha Bát nhã Ba la mật đa của Bồ tát”.
“Bát nhã Ba la mật đa” được dịch ra là “trí tuệ đến bờ bên kia”, qua đoạn kinh văn trên ta có thể thấy, đó là một loại trí tuệ siêu việt, không nắm giữ không chấp trước, đồng thời dùng “Nhất thiết trí trí” tương thích tác ý, đại bi làm đầu. Thế nào là Nhất thiết trí trí? Chính là trí tuệ của Phật, có thể soi sáng thấy rõ tất cả những hiện tượng sâu xa và rộng lớn.