Trong cuộc sống hằng ngày, thông qua quan điểm duyên khởi trung đạo, đã giúp chúng ta tránh khỏi việc rơi vào tất cả những biên kiến, sau đây xin dùng một số ví dụ để nói rõ. Ví dụ, vào những ngày lễ lớn, rất nhiều người tập hợp tại quảng trường, rồi sau đó lại phân tán; lúc đi học, các bạn đồng học tập trung lại một nơi, sau khi tốt nghiệp thì mỗi người mỗi hướng; thậm chí khi tai nạn máy bay xảy ra, có người may mắn sống sót, có người chết, những người chết mỗi một người lại đầu thai khác nhau (do mỗi người có quả dị thục không giống nhau). Trong các quá trình tập hợp và ly tán, chẳng phải là “số mạng chỉ định như vậy”, cũng không phải “ngẫu nhiên sinh ra”. Nếu cho rằng “số mạng chỉ định như vậy”, thì rơi vào thường kiến, thành “Túc mạng luận”. Nếu cho rằng là “ngẫu nhiên sinh ra”, thì rơi vào đoạn kiến, trở thành “Vô nhân luận”. Lại ví như việc thành lập một trường đại học, phải dùng rất nhiều vật liệu xây dựng mà thành, (sau khi thành lập trường thì) có rất nhiều thầy và học sinh quy tụ lại, đây cũng là sự biểu hiện của duyên khởi, chẳng phải do một “đấng siêu nhiên” nào tạo thành, cũng không phải hình thành một cách vô duyên vô cớ. Nếu cho rằng do đấng siêu nhiên tạo thành, đây chính là thường kiến, nếu cho rằng không hề có nhân duyên gì, thì đó là đoạn kiến. Thoát ly hai loại biên kiến này, chúng ta mới có thể thấy rõ ràng được chân tướng của sự thật, nắm vững được duyên khởi trung đạo trong giáo lý nhà Phật.
Điểm khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác chủ yếu là ở quan điểm duyên khởi trung đạo của “vô ngã”. Đức Thế Tôn lại đã rất nhiều lần nhấn mạnh “sự thâm sâu của duyên khởi”, do vậy phàm là đệ tử Phật đối với đạo lý duyên khởi trung đạo không thể có tâm xem thường, phải vô cùng thâm nhập, mới có thể nhổ trừ phiền não tập khí vốn có gốc rễ sâu dày từ vô thủy kiếp đến nay.