Bát bất nêu trên đều phủ định “dĩ tự tính hữu” (từ tự tính mà có). Dưới quan điểm của Trung quán tông phái Ứng thành, nếu chấp trước các pháp “ngũ uẩn” là từ tự tính mà có, chính là “pháp ngã chấp”; nếu chấp trước “nhân” là từ tự tính mà có, là “nhân ngã chấp”. Vô ngã quan của Phật giáo sẽ phá trừ được “ngã chấp”, phá trừ “tự tính chấp” của nhân và pháp, phá trừ chấp trước sai lầm đối với “dĩ tự tính hữu” của nhân và pháp. Loại chấp trước sai lầm này, chính là “vô minh”, là căn bản của luân hồi. Nếu không biết thứ cần phải phá trừ trong Phật giáo là “tự tính chấp”, thì cũng giống như là việc muốn bắt trộm mà lại không biết trộm đang ở đâu vậy.
Duy chỉ có thể ngộ được “pháp vô ngã”, mới có thể diệt trừ vô minh. “Chư pháp vô ngã” trong Tứ pháp ấn, là chỉ rõ các pháp không phải từ tự tính có, mà là tự tính không, là vô ngã. Như câu “mắt chẳng thật sinh” trong Tạp A hàm kinh, kinh số 335 đã trích dẫn phía trước, ý chỉ cho mắt không từ tự tính sinh, đây chính là một chứng minh cho pháp vô ngã. Trung luận lấy “bát bất” để giải thích về sinh, diệt, thường, đoạn, v.v. đều không phải từ tự tính sinh, phá trừ chấp ngã vạn pháp có tự tính, khai thị duyên khởi trung đạo của “vô ngã”. Đạo lý Bát bất trung đạo, có thể quy kết thành hình thức Nhân minh luận vô cùng quan trọng như sau:
Các pháp không từ tự tính mà có, mà do duyên khởi vậy.
“Các pháp không từ tự tính có” là “tông”, “duyên khởi” là “nhân” (lý do chính xác), phân thành ba đoạn luận pháp là:
Phàm là duyên khởi, đều không từ tự tính mà có (tiền đề lớn).
Các pháp là duyên khởi (tiền đề nhỏ).
Cho nên, các pháp không từ tự tính mà có (kết luận).
Do các pháp là nhờ duyên khởi mà có, không phải “hoàn toàn không có”, cho nên không rơi vào đoạn biên. Do các pháp không từ tự tính có, cũng chính là các pháp tự tính không, các pháp vô ngã, loại bỏ đi “tự tính hữu”, loại bỏ đi “pháp ngã”, cho nên không rơi vào thường biên. Sâu thêm một tầng nữa có thể phân tích thành: Các pháp nhờ duyên khởi mà có, loại bỏ đi “tự tính có”, nên không rơi vào thường biên. Các pháp không từ tự tính có, không phải “hoàn toàn không có”, không rơi vào đoạn biên. Do vậy, “các pháp không từ tự tính có, mà do duyên khởi vậy”, hình thức luận này đả phá cả thường biên và đoạn biên, xác định rõ ràng duyên khởi trung đạo của Phật giáo. Trong các luận thức, “duyên khởi” được gọi là “vua của chân lý”.