Bây giờ chúng ta sẽ đi vào trình bày ý nghĩa của “Bát bất” được nêu ra trong bài tụng thứ nhất của Trung luận.
1) Bất sinh
Trung luận quyển 1, Thanh Mục chú thích nói: “Vạn vật vô sinh, vì sao như vậy? Vì thế gian hiện tại có thể xem thấy. Dụ như mắt người thế gian xem thấy hạt lúa đầu tiên là không sinh, vì sao vậy? Vì bỏ đi hạt lúa đầu tiên ấy, sẽ không có được hạt lúa hiện tại. Nếu như bỏ hạt lúa đầu tiên mà có được hạt này hiện tại thì đó là có sinh, mà thực không phải như vậy, nên chính là không sinh”1.
1 Đoạn này được hiểu đơn giản là, vì có hạt lúa đầu tiên nên mới có hạt lúa hiện tại, hạt lúa hiện tại chỉ là kết quả của hạt lúa đầu tiên.
Vô sinh là chỉ cho không từ tự tính mà sinh ra. Đoạn này ý nói, vạn vật không từ tự tính mà sinh ra, lại lấy hạt lúa ban đầu làm ví dụ để nói rõ. Hạt lúa mà hôm nay chúng ta nhìn thấy, là nhờ vào sự tương tục của hạt lúa ban đầu mà sinh. Nếu như không có hạt lúa ban đầu đó, thì không có được hạt lúa hôm nay. Hạt lúa ban đầu nhờ vào các duyên nước, đất, v.v. thì sẽ lớn thành hạt lúa mới, cứ như vậy liên tục qua nhiều lần mà tồn tại hạt lúa hôm nay. Nhưng nếu như hạt lúa đầu tiên đó từ tự tính mà sinh ra thì có gặp các duyên như nước, đất, v.v. cũng sẽ không thay đổi, vì hạt lúa ban đầu sẽ tồn tại mãi không biến đổi, sẽ không có hạt giống hôm nay được sinh ra. Nhưng trước mắt chúng ta chưa thấy được hạt lúa đầu tiên, chỉ thấy hạt lúa hôm nay, tức biểu thị cho hạt lúa ban đầu là không từ tự tính mà sinh ra. Nếu không cần hạt lúa ban đầu mà có hạt lúa hôm nay, điều này biểu thị hạt lúa hôm nay không nương vào nhân tố của quá khứ mà từ tự tính mà sinh ra, nhưng trên sự thật thì chẳng phải như vậy. Do vậy, hạt lúa bây giờ và hạt lúa sơ khai đều không từ tự tính mà sinh ra. Chỗ này nên chú ý, “bất sinh” là để loại trừ “từ tự tính mà sinh ra”, chứ không phải loại trừ “sinh từ duyên khởi”. Trên sự thật, cái trước (tự tính sinh) là “không”, cái sau (duyên khởi sinh) là “có”. Nếu cho rằng cái trước là “có” thì rơi vào thường kiến; nếu cho rằng cái sau là “không” thì rơi vào đoạn kiến. Rời xa hai biên này chính là trung đạo.
2) Bất diệt
Trung luận quyển 1, Thanh Mục chú thích nói:
“Hỏi: Nếu không sinh thì phải có diệt. Đáp rằng: Bất diệt. Vì sao như vậy? Vì thế gian hiện tại có thể xem thấy. Mắt người thế gian xem thấy hạt lúa đầu tiên là không diệt, nếu có diệt thì nay nên là không có hạt lúa mới đúng, mà thực tế là có hạt lúa, nên là bất diệt”.
Bất diệt là chỉ cho không phải từ tự tính mà diệt. Đoạn này ý nói, hạt lúa đầu tiên đó không phải từ tự tính mà diệt. Nếu hạt lúa ban đầu từ tự tính mà diệt (chỉ cho hạt lúa sau khi diệt, cái gì cũng không còn nên không có sự tương tục), thì sau khi diệt sẽ không có hạt lúa hiện tại. Trên sự thật, mắt chúng ta vẫn nhìn thấy sự tồn tại của hạt lúa bây giờ. Cho nên, hạt lúa ban đầu không từ tự tính mà diệt, mà là diệt từ duyên khởi; hạt lúa ban đầu sau khi diệt có sự tương tục với hạt giống mới và tồn tại mãi về sau. Nếu cho rằng diệt là từ tự tính có thì rơi vào thường kiến; nếu cho rằng không có “duyên khởi diệt” thì rơi vào đoạn kiến.
3) Bất thường
Trung luận quyển 1, Thanh Mục chú thích nói:
“Hỏi: Nếu không diệt thì phải thường. Đáp rằng: Bất thường. Vì sao như vậy? Vì thế gian hiện tại có thể xem thấy. Mắt người thế gian xem thấy vạn vật bất thường, như lúc lúa ra mầm, thì hạt giống hư hoại, đó là sự bất thường”.
Bất thường là chỉ cho không phải từ tự tính mà thường hằng. Đoạn này ý nói, vạn vật không phải từ tự tính mà thường hằng, lại lấy lúa trồng từ hạt giống cho đến lúc ra mầm để làm ví dụ nói rõ, khi lúa lớn và ra mầm thì hạt giống biến hoại. Nếu hạt giống là “từ tự tính mà thường hằng”, thì lúc lên mầm, hạt giống kia vẫn không biến hoại mà thường còn như ban đầu, nhưng mắt mọi người nhìn thấy lúc có mầm, thì không thấy sự tồn tại của hạt giống đầu tiên, cho nên hạt giống “không phải từ tự tính mà thường hằng”.
4) Bất đoạn
Trung luận quyển 1, Thanh Mục chú thích nói:
“Hỏi: Nếu không có thường thì phải có đoạn. Đáp rằng: Bất đoạn. Vì sao như vậy? Vì thế gian hiện tại có thể xem thấy. Mắt người thế gian xem thấy vạn vật là bất đoạn, như từ hạt lúa mà sinh ra được mầm, cho nên bất đoạn, nếu đoạn thì sẽ không còn tương tục”.
Bất đoạn là chỉ cho không phải từ tự tính mà đoạn. Đoạn này nối tiếp đoạn trước, bàn về vạn vật không phải từ tự tính mà đoạn, cũng vậy lấy hạt lúa làm ví dụ, mắt của mọi người xem thấy từ “hạt giống” lúa cho đến lúc có “mầm”, là lấy hạt giống làm nhân mà có mầm sinh khởi, không phải từ tự tính mà đoạn, nếu là từ tự tính mà đoạn, thì biểu hiện trước sau là hoàn toàn không có liên quan, tức là hạt giống ấy sau khi diệt sẽ không có sự tương tục sinh “mầm” về sau.
5) Bất nhất
Trung luận quyển 1, Thanh Mục chú thích nói:
“Hỏi: Nếu là như vậy, vạn vật là nhất. Đáp rằng: Bất nhất. Vì sao như vậy? Vì thế gian hiện tại có thể xem thấy. Mắt người thế gian xem thấy vạn vật bất nhất, như lúa không sinh mầm, mầm cũng không làm thành lúa. Nếu như lúa làm thành mầm, mầm làm thành lúa, thì mới là nhất, mà sự thật thì không như vậy, nên nó là bất nhất”.
Bất nhất là chỉ cho không phải từ tự tính mà đồng nhất. Đoạn này ý nói, vạn vật không phải từ tự tính mà đồng nhất. Từ tự tính mà đồng nhất thì biểu hiện ra ngoài hoàn toàn như nhau. Nhưng chúng ta hiện tại xem thấy hạt lúa không phải là mầm, mầm không phải là hạt lúa. Nếu như hạt lúa là mầm, mầm là hạt lúa, hoàn toàn là một, thì đó là tự tính nhất. Trên thực tế lại không phải như vậy, cho nên lúa, mầm không phải từ tự tính mà đồng nhất.
6) Bất dị
Trung luận quyển 1, Thanh Mục chú thích nói:
“Hỏi: Nếu bất nhất, thì phải là dị. Đáp rằng: Bất dị. Vì sao như vậy? Vì thế gian hiện tại có thể xem thấy. Mắt người thế gian xem thấy vạn vật bất dị, nếu là dị, thì sao lại phân thành mầm lúa, thân lúa, lá lúa, mà không nói là mầm cây, thân cây, lá cây? Vậy nên chính là bất dị”1.
1 Câu này được hiểu là, tuy có chia ra mầm, thân, lá nhưng tất cả đều là lúa và có sự liên hệ với nhau về mặt nhân quả nên xét trên phương diện tự tính thì chúng không khác nhau.
Bất dị là chỉ cho không phải từ tự tính mà dị biệt. Đoạn này ý nói, vạn vật không phải từ tự tính mà dị biệt. Từ tự tính mà dị biệt, biểu thị hai vật khác nhau một cách tuyệt đối. Ví dụ, lúa do mầm lúa lớn lên và có thân lúa, lớn nữa thì ra lá lúa, có mối liên hệ nhất định với thứ tự của nhân quả. Nếu như là từ tự tính mà dị biệt, thì giữa mầm lúa, thân lúa và lá lúa là hoàn toàn không liên quan, vì vậy mầm lúa sẽ không nhất định lớn thành thân lúa mà có thể lớn thành thân cây, lá cây. Trên sự thật, những thứ mà chúng ta nhìn thấy vốn chẳng phải như vậy, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy mầm lúa, thân lúa, lá lúa có sự liên quan với nhau, không gắn liền với lá cây, thân cây, lá cây, cho nên mầm lúa, thân lúa và lá lúa, v.v. là thuận theo duyên khởi mà có, không phải từ tự tính mà dị biệt.
7) Bất lai
Trung luận quyển 1, Thanh Mục chú thích nói:
“Hỏi: Nếu bất dị thì phải là hữu lai. Đáp rằng: Vô lai. Vì sao như vậy? Vì thế gian hiện tại có thể xem thấy. Mắt người thế gian xem thấy sự vật là bất lai, như mầm của hạt lúa không biết từ đâu đến. Nếu đã đến, thì mầm đó phải nên từ chỗ nào đó đến, giống như chim đến dừng nghỉ trên cây, mà sự thật thì không như vậy, nên gọi là bất lai”.
Bất lai là chỉ cho không phải từ tự tính mà đến. Đoạn này ý nói, vạn vật không phải từ tự tính mà đến. Ví như hạt lúa lớn thành mầm, không phải từ tự tính mà đến. Từ tự tính mà đến, biểu thị từ những vật hoàn toàn không có liên quan gì đến nhau mà nối tiếp xuất hiện. Hạt lúa trồng lớn thành mầm, nếu là từ tự tính mà đến, biểu thị rằng mầm và hạt lúa cả hai hoàn toàn không liên quan, vậy thì, mầm có thể không phải do hạt lúa đến mà là do từ nơi khác đến, ví dụ mầm đó có thể do lửa, v.v. (một vật hoàn toàn không liên quan) mà đến, giống như chim từ nơi khác về ở trên cây này. Trên thực tế, chẳng phải như vậy. Chúng ta hiện tại xem thấy mầm lúa là nhờ vào hạt lúa mà đến, chẳng phải do một vật hoàn toàn không liên quan nào đó, đó là nương vào duyên khởi mà đến, không phải từ tự tính mà đến.
8) Bất xuất
Trung luận quyển 1, Thanh Mục chú thích nói:
“Hỏi: Nếu bất lai, thì phải có xuất. Đáp rằng: Bất xuất. Vì sao như vậy? Vì thế gian hiện tại có thể xem thấy. Mắt người thế gian xem thấy vạn vật bất xuất, nếu có xuất, thì sẽ thấy mầm từ hạt lúa mà ra, như rắn từ hang mà ra, thực tế thì không như vậy, đó là bất xuất”.
Bất xuất là chỉ cho không phải từ tự tính mà ra. Đoạn này ý nói, vạn vật không phải từ tự tính mà ra. Ví dụ, hạt lúa lớn lên thành mầm, không phải từ tự tính ra. Từ tự tính mà ra, biểu thị sinh ra từ vật hoàn toàn không liên quan. Hạt lúa lớn lên thành mầm, nếu là từ tự tính mà ra, biểu thị mầm và hạt lúa cả hai hoàn toàn không liên quan, vậy thì, hạt lúa có thể không sinh ra mầm, ví dụ hạt lúa có thể sinh ra một cái bình nào đó, hoặc cũng có thể sau khi sinh ra mầm, hạt lúa vẫn hoàn hảo hệt lúc ban đầu, giống như con rắn sau khi bò ra khỏi hang, thì hang đó vẫn y như trước. Trên thực tế, chẳng phải như vậy. Chúng ta hiện tại xem thấy hạt lúa dưới sự duyên khởi nên sinh ra mầm, mà không phải sinh ra một vật không có liên quan nào cả, cho nên không phải là từ tự tính mà ra.