“Kế hoạch cuộc đời” là cụm từ phổ biến hiện nay. Tuy nhiên khi nói đến kế hoạch cuộc đời mọi người chỉ tập trung ở quá trình từ sinh ra đến chết đi, chỉ dựa vào cuộc sống hữu hạn của cá nhân để vạch kế hoạch nhằm mang lại một cuộc sống trọn vẹn. Quan niệm này sẽ không thuộc phạm vi của kế hoạch mà tôi muốn nói. Theo quan điểm Phật pháp, cuộc đời không chỉ giới hạn trong cuộc sống hiện tại, không giới hạn trong quá trình ngắn ngủi từ sinh ra đến chết đi mà là quá trình kéo dài vô tận.
Hơn nữa kế hoạch cuộc đời của hầu hết mọi người đều mang giá trị hướng ngoại, chỉ tập trung quanh lĩnh vực trí tuệ và công việc. Kế hoạch cuộc đời chuẩn xác nên bắt nguồn từ sự thức tỉnh nội tại, quy hoạch những phẩm chất của toàn bộ cuộc đời, tìm ra điểm cân bằng của cuộc sống, đó mới chính là kế hoạch cuộc đời viên mãn.
Cũng có thể nói, kế hoạch cuộc đời đích thực bao gồm hai loại “hữu hình” và “vô hình”. Kế hoạch hữu hình là cái hướng ngoại, những vật chất, những hình thái cuộc sống, cái vô hình là những cái thuộc về nội tại, sự truởng thành của khả năng tự kiềm chế, của tính cách, nhân phẩm của chúng ta. Kết hợp giữa kế hoạch hướng ngoại và hướng nội với nhau, đó mới là kế hoạch cuộc đời của chúng ta.
Khi bàn đến kế hoạch cuộc đời, tôi thường đưa ra hai nguyên tắc cho mọi người, thứ nhất cần có “tính định hướng”, thứ hai cần có “điểm đặt chân”, điểm đặt chân và tính định hướng có mối liên hệ tương hỗ. Nếu một người không có điểm đặt chân, sẽ không có điểm tựa để bật lên, giống như chiếc thuyền không có mỏ neo: nếu như thiếu đi tính định hướng hướng, giống như con thuyền trôi trên mặt đại dương, không có la bàn dẫn đường, rất dễ gặp nguy hiểm.
Ngoài ra, bắt đầu từ sự hiểu biết, chúng ta nên có một kế hoạch cuộc đời. Gọi là hiểu biết, không phải dựa vào tuổi tác làm tiêu chuẩn, mà dựa vào sự trưởng thành của tâm sinh lý làm tiêu chuẩn. Cũng có thể nói, khi suy nghĩ của chúng ta đã chín muồi, nên bắt đầu có kế hoạch cuộc đời cho chính mình.
Khổng Tử nói: “15 tuổi ta dốc chí vào việc học, 30 tuổi đứng vững trong đời, 40 tuổi không còn nghi ngờ, 50 tuổi biết mệnh trời, 60 tuổi nghe gì cũng xuôi thuận, 70 tuổi thì thích gì làm nấy nhưng không trái với quy củ”. Nhưng khi Khổng Tử nói những điều như vậy, ông đã là một nhà tư tưởng lớn. Thông thường những thiếu niên mười mấy tuổi, không hiểu được thế nào là cuộc đời, định hướng cuộc sống, trường hợp này chúng ta không cần phải bàn đến hai chữ kế hoạch. Lúc đó, cha mẹ, nhà trường, xã hội và các phương tiện truyền thông, hướng dẫn thanh thiếu niên lập kế hoạch cho tương lai của mình, chỉ dẫn cho họ nên làm như thế nào cho tương lai.
Giúp đỡ thanh thiếu niên có kế hoạch cuộc đời, nên hướng dẫn họ định hướng cuộc đời. Vì vậy trong giáo dục, nên dựa theo khả năng trí tuệ của mỗi em, sự phát triển về tính cách và khuynh hướng, cho chúng biết được thiên phận và tư chất tự nhiên của mình, đồng thời cần dựa vào những điều kiện vốn có của chúng để phát triển, tiếp đó giúp đỡ họ xây dựng được nhân sinh quan đúng đắn. Ví dụ: trẻ nhỏ thích vẽ, nên hướng sự phát triển của chúng về lĩnh vực hội họa, những đứa trẻ thích âm nhạc, nên hướng sự phát triển của chúng về việc ca hát hoặc học cách sử dụng các nhạc khí, trẻ thích viết lách, nên hướng chúng phát triển theo lĩnh vực văn nghệ.
Thậm chí với những người trưởng thành cũng cần có kế hoạch cuộc đời. Một mặt cần nắm được tài năng, sở trường của mình; mặt khác cần tìm hiểu những nguồn tài nguyên, điều kiện hữu ích ở bên ngoài. Một khi đã nắm rõ được khuynh hướng về tài năng của mình và điều kiện hữu ích giúp phát triển tài năng ngoại tại, mới có thể tìm thấy phương hướng của cuộc sống, làm tốt được kế hoạch cuộc đời.
Đương nhiên, trí tuệ và sức khỏe của mỗi người khác nhau, môi trường, điều kiện giáo dục không giống nhau, vì vậy ở độ tuổi nào cần có công việc tương ứng, kế hoạch cuộc đời cũng không nhất định phải giống người khác. Ít nhất bạn cần định hướng cho riêng mình, như vậy mới biết được phương hướng để phấn đấu, nên đi về hướng nào trong tương lai.