Muốn thành công trong bất kì một ngành nghề nào bạn đều phải có sự nỗ lực. Có thể bạn phải sống vất vả, ăn không ngon, ngủ không yên! Muốn có danh lợi, bạn phải lao động suốt ngày suốt tháng trong thế giới quay cuồng này. Nhưng chúng ta bận rộn thế rốt cục vì cái gì? Trong cái hữu hạn của đời mình, điều gì là mục tiêu bạn theo đuổi?
Quan niệm chung của mọi người đều cho rằng: “Vất vả vì ai, bận rộn vì ai?” Bận rộn cả một đời, kết quả người trước trồng cây nhưng người sau sẽ hưởng bóng mát. Người khác trồng cây để cho chúng ta hưởng bóng mát, thật tuyệt vời. Nhưng chúng ta trồng cây để người khác hưởng bóng mát, ta sẽ cảm thấy không công bằng, không chịu nổi. Thành quả do mình cố gắng làm lại để cho người khác hưởng thụ, dường như chúng ta đã bỏ ra công sức vô ích, bận rộn phí hoài cả một đời. Người hưởng thụ những thành quả của người khác lại cho rằng: “Hưởng bóng mát phải trả ơn thì không hưởng, ăn cơm phải trả tiền không ăn.”
Thực ra, tất cả mọi thứ gồm xã hội loài người, môi trường thế giới hiện tại đều nhờ sự cố gắng của tổ tiên nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ. Chúng ta đã được kế thừa tất cả mọi người trên thế giới, những truyền thống văn hóa và tinh hoa trí tuệ nhân loại mới có được một nền văn minh ngày nay.
Song song với việc hưởng thụ, có bao giờ chúng ta nghĩ: Chúng ta kế thừa biết bao ân huệ của những người đi trước? Có được bao nhiêu lợi ích của người khác, nếu không cố gắng, có lỗi với người đi trước, mắc tội với con cháu mai sau?
Theo quan điểm đạo Phật, mọi người vất vả để thành tựu công đức. “Công đức” nói một cách đơn giản, dễ hiểu đó chính là những thành tựu trong cuộc sống, vậy đó là thành tựu gì?
Đời người sống ngắn ngủi, chỉ vài chục năm. Phạm vi cuộc sống, đối tượng tiếp xúc có hạn. Tuy nhiên, nếu mỗi người chúng ta luôn có cố gắng để cống hiến cho xã hội, sẽ sáng tạo ra những giá trị chung cho cuộc sống loài người, đồng thời sáng tạo những giá trị lịch sử thời đại chúng ta đang sống. Đấy chính là công đức, là thành tích đạt được trong cuộc sống.
Phật giáo cũng cho rằng, cuộc sống của chúng ta vô hạn. Về phương diện thời gian, có đời đời kiếp kiếp vô tận trong quá khứ và cũng có đời đời kiếp kiếp vô tận ở tương lai. Từng thế hệ của chúng ta sẽ chuyển đổi luân hồi cho đến khi thành Phật, đó là sự viên mãn cuối cùng. Về mặt không gian, trái đất chúng ta đang sống, ngoài thế giới này ra còn có thế giới mười phương rộng lớn vô tận.
Vì vậy, ngoài việc phải có trách nhiệm với cuộc sống hiện tại chúng ta còn có trách nhiệm đối với vô lượng nghiệp trong quá khứ và vô lượng nghiệp quả trong tương lai của hết thảy chúng sinh, hết thảy thế giới trong tam thiên đại thiên thế giới. Ngoài ra đó không chỉ là trách nhiệm đối với cá nhân mà còn là trách nhiệm với cuộc sống của nhân loại trên trái đất, thậm chí những chúng sinh ở thế giới vô tận bên ngoài trái đất cũng phải có trách nhiệm.
Vì vậy, bắt buộc chúng ta phải cố gắng. Ngoài việc cố gắng vì con đường phía trước của mình, cần cố gắng vì tất cả chúng sinh trong thế giới mười phương vô tận. Không những cần xây dựng cõi tịnh độ ngay trong thế giới chúng ta, mà còn mong muốn xây dựng cõi tịnh độ khắp mười phương thế giới. Như vậy, bận rộn, mệt mỏi của chúng ta là điều cần thiết phải làm.
Chư Phật, chư Bồ Tát không bao giờ ngừng nghỉ công hạnh lợi sinh. Công việc chúng ta nhiều, mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, nhưng chư vị Bồ Tát sẽ không bao giờ nói: “Hôm nay tôi xin nghỉ độ sinh!” cả. Nếu chư vị Bồ tát nghỉ một giờ nghĩa là chúng sinh đã niệm danh hiệu phí một giờ. Thực ra bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể niệm danh hiệu Quan thế âm Bồ Tát; Quan thế âm Bồ Tát lúc nào cũng đến để giúp đỡ chúng ta. Ở Đài Loan niệm Quan Thế Âm Bồ Tát có tác dụng, ở Ấn Độ niệm cũng có tác dụng, ở Mỹ cũng vậy. Với thế giới chúng ta, niệm danh hiệu ngài có tác dụng, niệm ở thế giới khác cũng có tác dụng. Bồ Tát có mặt khắp mọi lúc, mọi nơi, mọi không gian và thời gian.
Vậy khi Bồ Tát thành Phật có nghỉ ngơi không? Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật, gian khổ tu hành, sau khi chứng thành Phật quả, vẫn không biết nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục độ sinh. Suốt hơn 40 năm, ngài đi hết hai bên bờ sông Hằng, thuyết pháp giáo hóa chúng sinh. Đức Phật chưa từng trú yên một nơi mà luôn đi hoằng hóa cho đến khi nhập niết bàn. Trước khi thị tịch ngài vẫn tiếp tục thuyết pháp, phổ độ chúng sinh: độ sinh là bản hoài1 của ba đời chư Phật, ngài chưa bao giờ hết bận rộn vì công hạnh độ sinh.
1 bản hoài: chỉ hoài bão chính, thệ nguyện chính của chư Phật. (ND)
Chỉ cần làm được “Bận, bận, bận bận đến vui vẻ; mệt, mệt, mệt, mệt đến thích thú”. Lấy trí tuệ soi đường, dùng từ bi nhiếp hóa chúng sinh. Bận rộn để thành tựu công đức, bận rộn để hóa độ chúng sinh, bận rộn để ban vui, cứu khổ ấy chính là tinh thần của chư vị Bồ Tát.