Cuộc sống con người hiện đại dường như được lập trình sẵn theo công thức: sáng đi làm, chiều tan ca. Giữa những bề bộn của đời sống đôi khi con người thường thấy buồn chán, trống rỗng. Dù có rất nhiều hoạt động, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí như xem ti vi, hát karaoke, chơi bowling, leo núi, đi du lịch, nhưng vẫn không thể bù đắp được sự trống rỗng trong tâm hồn, họ không biết làm thế nào để lấp đầy khoảng trống đó.
Cuộc sống con người hiện đại là vậy. Cuộc sống của người xưa cũng chẳng có gì khác và tôi tin rằng cuộc sống của con người trong tương lai cũng sẽ thế. Có thể nói, cảm giác trống rỗng đã ngự trị trong lòng người bất luận họ sống ở đâu và thời đại nào. Vấn đề là tại sao họ cảm thấy trống rỗng? Trống rỗng là cảm giác thế nào?
Khi một người không biết được mình tồn tại ở trên thế gian này vì mục đích gì, người đó sẽ cảm thấy trống rỗng. Nhiều người sống như chỉ để cho bụng mình no nê, để cho thân mình có nơi để ở, thỏa mãn nhu cầu ăn mặc, xem thế là đủ. Dường như cơm áo gạo tiền là toàn bộ nội dung cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, khi cơm ăn đã đủ no, quần áo luôn đủ mặc, có nhà để ở, có xe cộ đi lại, đời sống vật chất đã tạm đủ họ sẽ ý thức đến mục đích đời sống họ là gì. Nếu không tìm ra phương hướng và mục tiêu, thì sự mù mờ, cảm giác trống rỗng sẽ chiếm lĩnh, ngự trị trong lòng.
Nguyên nhân của cảm giác trống rỗng là sự buồn chán nhạt nhẽo. Giống như con thuyền mờ mịt phương hướng trên đại dương, không có điểm dừng, không có sự tác động của những cơn gió to, sóng lớn. Chạy về hướng nào cũng như nhau, thậm chí không di chuyển cũng không sao. Khi không di chuyển giống như người không có việc gì để làm, khi chuyển động lại cảm thấy đó không phải là hướng đi của mình và cảm thấy nhàm chán, cuối cùng là đi vào cảm giác trống rỗng mơ hồ. Khi cảm giác trống rỗng kia ngự trị tâm hồn bạn, cho dù có những hoạt động vui chơi có sức cuốn hút như chơi bowling, xem phim, uống rượu, hát karaoke, xem chương trình truyền hình hấp dẫn,… cũng không đem lại cho bạn cảm giác vui vẻ đích thực. Có thể chúng chỉ tạm thời làm bạn tê liệt, kích thích bạn, khiến bạn bận rộn công việc nào đó để đánh lừa cảm giác của mình. Khi mọi thứ qua đi cảm giác trống rỗng sẽ quay lại với bạn.
Ngoài ra còn có một trạng thái tâm lí khác. Chẳng hạn, khi bạn không đạt được những thứ mình muốn, những ước nguyện không thành sẽ từng bước khiến bạn rơi vào cảm giác trống rỗng. Khi bạn cố gắng nhưng không thể, muốn tiến lên nhưng không tiến được bạn sẽ thấy cuộc sống trôi qua trong nhàm chán và buồn bã.
Có người theo tôi đi học Phật, khi mới bắt đầu nói: “Sư phụ, con muốn được tu hành”, tôi nói: “Được thôi, anh dự định tu hành thế nào?”. Anh ta trả lời: “Con muốn xuất gia”.
Sau khi xuất gia, ngày nào người đó cũng mong được thụ giới. Sau một thời gian có thể chấp nhận thụ giới, tôi cho phép đi thụ. Thụ xong, người đó muốn ngày ngày được giác ngộ. Giác ngộ là điều không thể mong muốn làm trong một sớm một chiều, thế nhưng vẫn ước ao mong đợi. Kết quả, một ngày nọ anh nói với tôi: “Sư phụ, con nghĩ con không thích hợp với việc xuất gia, cũng không hợp với tu hành. Con cảm thấy rất buồn chán, từ sáng đến tối, hết ngày này sang ngày khác đều trôi đi như vậy. Khi ở nhà, con đã sống như thế, không ngờ sau khi xuất gia, cũng sống như vậy. Vẫn là ăn cơm, ngủ nghỉ, đi vệ sinh. Bây giờ con cảm thấy thật nhàm chán, con nghĩ rằng mình không thích hợp với việc xuất gia, về nhà vẫn hơn.”
Trống rỗng, buồn chán chính là do con người không ngừng theo đuổi những thứ tốt hơn so với hiện tại. Nhưng theo đuổi sẽ không có điểm dừng bởi luôn có những thứ tốt đẹp hơn trước mắt. Nếu có tâm lí theo đuổi như thế, đến khi cận kề với cái chết, người đó vẫn cảm thấy trống rỗng, bởi họ nghĩ rằng “những thứ mình cần vẫn chưa có được, lẽ nào mình lại phải chết?”
Theo tôi, xuất thân từ một người học Phật, tu hành, tôi cảm thấy cuộc sống hết sức phong phú, rất thiết thực. Bởi vì tôi biết mục tiêu hiện tại mà tôi cần làm là cái gì, cũng biết được hiện tại tôi cần đón nhận những gì… Tất cả đều đến từ mối liên hệ nhân quả: những gì có được bây giờ, đều là do quá khứ mình tạo nên; tương lai có được những gì, do hiện tại mình làm. Hiện tại cái tôi có được là nhân quả trong quá khứ, hơn nữa những điều mà tôi đang làm, những cố gắng của tôi đều là phương hướng chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp của tôi.
Khi một người sống không có mục đích, sống không ý nghĩa, họ sẽ thấy cuộc sống trống rỗng, thậm chí họ chỉ là một cái xác không hồn. Tôi từng nói, mục đích cuộc sống là để nhận lấy sự hồi báo, hồi đáp lại những nguyện vọng; giá trị và ý nghĩa của cuộc sống chính là sự cống hiến, lợi mình, lợi người.
Nếu bạn nhận thức và có cách nhìn nhận cuộc đời như thế, tôi tin chắc bạn sẽ xua tan hết cảm giác nhàm chán, trống trải trong lòng.