Muốn đạt đến trạng thái vô ngã trước hết bạn phải khẳng định “ngã”, tức bạn phải đi theo thứ tự “khẳng định bản thân, trưởng thành và thể nhập vô ngã”. Trong đó khẳng định bản thân không phải bạn nhờ người nào đó công nhận, khẳng định giúp bạn, không nhờ người khác bình luận đánh giá được mất, vinh nhục của mình mà là nó được chính bản thân mình khẳng định nhờ sự quán chiếu nội tâm. Đây là con đường duy nhất trong việc tu tập, nhận thức chính mình để thực hiện bước tiếp theo là “tự khẳng định mình”.
Bước đầu tiên để tự khẳng định mình là tự nhận thức mình. Nhận thức bản thân đóng vai trò quan trọng, nó được ví như “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nhận thức bản thân yêu cầu bạn tự kiểm điểm xem mình có sở trường gì, có khuyết điểm nào. Khuyết điểm ở đây ám chỉ những thiếu sót của mình bao gồm tính cách, quan hệ xã giao, năng lực quán sát môi trường thực tế. Nhiều người thường tự đánh giá quá cao bản thân, cường điệu lên những ưu điểm của mình, dùng lời nói, cử chỉ khoe khoang ưu điểm, mong muốn mọi người biết ưu điểm của mình nhưng lại quên không biết che đậy khuyết điểm, thậm chí còn phủ nhận khuyết điểm. Người như thế không được coi là tự khẳng định mình. Đây là mẫu người thích khoe khoang, thích vẻ hào nhoáng bên ngoài, thích giả dối che đậy. Tuy nhiên với tài ăn nói của mình những người như thế lại thường được xã hội khẳng định, khen ngợi, dễ dàng tìm danh dự địa vị. Phần lớn mọi người không thể phát hiện ngay sự giả dối, lừa gạt của người kia, chỉ nhìn nhận đánh giá vẻ ngoài chứ chưa nhìn kĩ bản chất bên trong.
Dáng vẻ đường hoàng bên ngoài không phải là dấu hiệu đáng tin cậy của tâm hồn bên trong. Hơn nữa khi một người cần lời tán dương khen ngợi của người khác để khẳng định mình chứng tỏ người đó chưa thể tự khẳng định mình được. Được người khác khẳng định không đồng nghĩa với tự mình khẳng định, khi không thể tự khẳng định mình càng không thể bàn đến khả năng tự trưởng thành được.
Hiểu rõ bản thân ngoài việc tự biết ưu điểm, khuyết điểm ra còn bao gồm cả việc mình nắm bắt được bao nhiêu nguồn tài nguyên hữu ích khác. Dù đã hiểu rõ bản thân, chúng ta cũng cần thận trọng vì sở trường của bạn không nhất định sẽ giúp bạn, sẽ hữu ích cho bạn. Hiểu rõ mặt hạn chế này mới đích thực là người nhận thức được bản thân.
Khi một người biết những thiếu sót của mình, nhất định họ sẽ có thái độ rất khiêm tốn. Chúng ta cần phân biệt rõ việc tự nhận biết mình và tự ti: nhận khuyết điểm không có nghĩa là tự ti, thiếu niềm tin vào bản thân. Ví dụ, một người biết mình chỉ đi được 10 km, họ không dám tự khoe mà sẽ nói khiêm tốn rằng “cho tôi cơ hội này để tôi thử xem, tôi sẽ cố hết sức mình, tôi tin mình sẽ làm được.”
Tuy người đó không nhất định đi nhanh hơn so với người khác nhưng chỉ cần làm hết sức mình. Sau khi hoàn thành chặng đường kia, họ sẽ tự biết khả năng mình đi được bao xa. Tự khẳng định mình phải được thực tế kiểm nghiệm mới được xem là nhận thức chính xác bản thân.
Sau khi bạn tự khẳng định mình mới thực hiện được bước tiếp theo là tự mình trưởng thành. Biết khuyết điểm để cố gắng bù đắp. Muốn sửa lỗi trước hết bạn phải biết mình phạm lỗi gì sau đó mới tìm cách giải quyết sai phạm.
Trưởng thành là quá trình không có giới hạn cuối cùng. Học học nữa học mãi hay sống đến già học đến già, tuy nhiên do đời mình có hạn, những điều mình biết, mình làm, bao gồm sức khỏe, trí tuệ, tài nguyên đều rất có hạn nên dù chỉ là một lĩnh vực nhỏ, nhưng để hoàn thiện kiến thức về điều này e rằng chúng ta dùng hết thời gian đời mình để học hỏi cũng không thể toàn thiện toàn mĩ được, vì thế thật chẳng có gì đáng được chúng ta khoe khoang tự phụ cả.
Khiêm tốn là thức ăn mãi mãi cho tâm hồn mình, bạn phải mãi mãi ghi nhận rằng, hiểu biết của mình quá hữu hạn, khuyết điểm quá nhiều, tự nhủ điều đó giúp bạn có cơ hội thăng tiến.