Tục ngữ có câu “tượng nung còn có linh hồn” ý nói ngay cả tượng làm bằng đất nung cũng có tính cách, tình cảm của mình huống gì con người? Vì thế, khi thói hư tật xấu trong ta bộc phát, làm mình làm mẩy chỉ là biểu hiện thường tình không ai tránh khỏi.
Xét lại, khi tính cách thường tình của con người bộc lộ ra ngoài phải chăng là việc xấu? Thực ra, khi bạn bực tức không phải bạn đang có bực tức mà là sự bực tức có trong bạn, không phải bạn khống chế bực tức mà nó đang không chế bạn.
Con người có những phản ứng khác nhau, thất thường do ngoại cảnh kích thích. Có lúc do hiện tượng khí hậu thời tiết tự nhiên, có lúc do môi trường xã hội, có lúc do mâu thuẫn trong giao tiếp gây ra. Ví dụ người không thích tiếng ồn, khi nghe tiếng trẻ con khóc họ sẽ thấy khó chịu, tâm tình không ổn định nhưng thường không phát hiện điều này. Cũng giống như mặt nước hồ vốn không dậy sóng nhưng bị gió thổi làm mặt hồ xao động. Tâm chúng ta thường bị những cơn gió ngoại cảnh làm xao động, xao động chứng tỏ bạn tu tập chưa đạt. Ngoài ra, có một số người rất dễ thay đổi tình cảm, tâm lí, chốc chốc vô duyên vô cớ nổi cáu gắt. Chúng ta thường nói người đó tính tình không tốt. Có thể do tâm lí không thoải mái cũng có thể do họ không biết khống chế tình cảm của mình. Ví dụ khi bạn đau ốm, tính tình bạn rất dễ thay đổi thất thường.
Một khi sinh lí thay đổi thất thường thể hiện ra bằng hành động hoặc nét mặt, lời nói. Trường hợp này nếu bạn không phải là người biết tu tập nhất định sẽ rất khó kiềm chế tình cảm.
Nghiêm trọng hơn, có một số người do thân bệnh ảnh hưởng đến hết thảy quá trình hoạt động tâm lí. Thật đáng thương vì họ không thể tự kiềm chế bản thân. Điều này y học hiện đại gọi là “thân bệnh do tâm bệnh”, tâm bệnh tác động ngược lại thân bệnh do đó bệnh tình càng nặng hơn.
Vì thế chúng ta thường quan sát, tìm hiểu phản ứng tâm sinh lí như trạng thái tâm lí hoạt động thế nào, giận dữ hay tham dục, đố kị hay nghi ngờ, cáu giận vô cớ, rầu rĩ khóc lóc? Bạn phải quán tâm, quán thân mọi lúc mọi nơi nhằm đưa ra những giải pháp, cách kiềm chế tương ứng.
Kiềm chế lòng mình như thế nào? Dùng ý chí và nghị lực khống chế, không để mình ngày càng lún sâu vào các trạng thái bất ổn kia. Thêm biện pháp nữa là chúng ta theo dõi và chuyển hóa nó. Ví dụ khi thấy mình đang giận dữ, bạn hãy thả lỏng cơ thể, thả lỏng đầu óc, có thể bạn hát thầm hay bật nhạc lên nghe, nếu cần thiết bạn hãy bật thật lớn chỉ cần không làm phiền người khác là được. Trước hết hãy nghĩ cách thư giãn tâm lí, tìm hướng giải quyết, tuyệt đối bạn không được kìm nén, ức chế trong lòng. Vì khi bạn kìm nén nó, đến một lúc nào đó nó sẽ phát tác càng lớn hơn, càng nguy hại hơn, một lần kìm nén ức chế là một lần tích trữ năng lượng cho lần sau, cứ tích lũy dần nó sẽ thành ngọn hỏa diệm sơn, một khi bùng nổ thì không thể khống chế nổi. Một số người có học thường mắc phải chứng này. Trước mặt mọi người họ có vẻ rất biết khống chế tình cảm, nhưng thực ra họ đang kìm nén chúng, đến khi về nhà, hễ thấy người nhà phạm lỗi gì nhỏ liền nổi trận lôi đình, chuyện bé xé lớn. Kìm nén ức chế chỉ thực hiện được trong thời gian ngắn, đến một lúc nào đó nó sẽ phát tác.
Vì thế, khi bạn biết tâm lí mình không tốt, trước hết bạn phải thả lỏng lòng mình sau đó nghĩ cách giải quyết. Điều tiết tâm sinh lí theo tôi tốt nhất nên vận dụng giáo lí Phật giáo vào, vì Phật giáo bàn về “vô ngã” bạn sẽ thấy “ngay cả bản thân tôi cũng không thực” thì việc gì phải giận dỗi?