Trong quá trình tu tập của bản thân, sau khi chúng ta đã khẳng định, đã trưởng thành bước tiếp theo cần biết hòa tan cái tôi, thể nhập vô ngã, nếu không bạn sẽ rất dễ khởi tâm kiêu ngạo. Hơn nữa cách hòa tan cái tôi vào vô ngã là công đoạn khó nhất trong quá trình tu tập. Thực ra thể nhập vô ngã là việc làm vô cùng khó khăn, chúng ta chỉ hướng đến mục tiêu này nhằm xóa tan tâm lí kiêu căng tự phụ. Để giúp mình xóa tan tâm lí kiêu căng đó thiết tưởng bạn phải bắt đầu từ tâm tàm quý và sám hối1.
1 Tàm quý: “Tàm” là tự thấy xấu hổ với bản thân, “quý” là xấu hổ với người khác. Sám hối: tiếng phạn là Ksama, dịch âm là Sám Ma (dịch âm tức chỉ dịch bằng cách dùng từ sao cho khi đọc lên âm dịch đó gần giống với âm gốc, bản thân nói hoàn toàn không có nghĩa gì), dịch nghĩa là hối quá (ăn năn cầu mong sửa đổi và chịu hình phạt vì sai lầm đó). “Sám hối” vừa dịch âm, vừa dịch nghĩa) (ND).
Khi bạn có tâm tàm quý bạn sẽ cảm thấy mình là chưa đủ, nỗ lực chưa hết, chưa làm tốt nhất khả năng có thể của mình. Khởi tâm tàm quý bạn sẽ cảm thấy điều mình thu nhận quá nhiều trong khi mình cho đi quá ít.
Vì lí do này mà khi những người tu tập Phật pháp hồi hướng công đức thường nhắc đến “thượng báo tứ trọng ân” ý chỉ bốn ân đức cao dày nhất giúp chúng ta nên người, trở thành người tu tập đúng chính pháp gồm ân đất nước, ân cha mẹ, ân tam bảo và ân tất cả chúng sinh. Ân quốc gia ở đây thực ra không giới hạn trong phạm vi một đất nước mà là ân của toàn xã hội loài người, bao gồm ân chính phủ, toàn thể nhân dân, vì họ là những người tạo môi trường yên ổn cho chúng ta tu tập vì thế chúng ta phải tri ân và báo ân. Ân cha mẹ tức ân của người đã mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục, cho chúng ta hình hài, cho chúng ta làm người. Ân tam bảo ở đây chỉ ân của giáo lí Phật giáo, đây chính là nơi mình đã thụ ân nhiều nhất. Tuy nhiên không phải nhất định phải xem nhiều kinh sách, học nhiều trường Phật học mới thụ nhận ân đức từ giáo lí Phật giáo. Thực ra chỉ cần bạn nghe được một vài câu kinh đã có thể làm thay đổi cuộc đời bạn, giúp ích cho bạn đến suốt đời. Mấy chục năm trước tôi tình cờ nghe kinh Phật “làm thế nào để thay đổi tà niệm thành chính niệm”. Nhờ đó tôi mới phát hiện, thì ra con người thường nhìn thế giới và con người bằng những kiến giải điên đảo, trong đó nguyên nhân chủ yếu của sự điên đảo này là lòng ích kỉ, hẹp hòi. Nếu chúng ta không nhìn thế giới này với tà niệm, điên đảo nhất định sẽ không có đau khổ và chúng ta càng không vô cớ đòi hỏi quá nhiều thứ trong đời, từ đó chúng ta sẽ sống trong hạnh phúc, yên vui. Nhờ thể nghiệm ý nghĩa câu nói đó tôi hiểu ý nghĩa cuộc đời, lòng tôi luôn luôn hướng về tam bảo với lòng biết ơn vô hạn, từ đó tôi nguyện sẽ hiến dâng suốt cuộc đời mình cho Phật pháp.
Ngoài ra, chúng ta cần tri ân hết thảy chúng sinh. Chúng sinh chỉ muôn sự muôn vật, muôn loài có tình thức, linh tính.
Chúng ta đang hưởng thụ ân huệ những người mà ta thậm chí chưa một lần nghe tên hay gặp mặt. Tại sao phải tri ân họ? Vì lịch sử văn minh văn hóa nhân loại là tài sản chung không của bất kì riêng ai, lớp người đi trước có nhiệm vụ truyền thừa và phát huy, duy trì đến thế hệ chúng ta, vì thế cần tri ân họ.
Sống bằng tấm lòng tri ân thì cái tôi nhỏ bé của bạn sẽ tan hòa vào trong vạn loài chúng sinh. Vũ trụ bao la vô cùng vô tận, cái tôi riêng lẻ quá ư bé bỏng, tri thức nhân loại như đại dương, xã hội loài người rộng lớn, hiểu biết và cống hiến của mình chỉ là hạt cát có gì đáng để kiêu ngạo. Ta nhận ân quá nhiều, đáp ân quá ít vì thế chúng ta hãy tri ân vạn loại chúng sinh. Nếu bạn tỉnh thức, hiểu rõ điều này bạn sẽ cảm nhận được sự hòa tan cái tôi trong muôn vàn cái tôi khác, một khi sống trong cái tôi đang hòa tan, tuy hiện tại bạn không phải là Bồ tát, La hán nhưng ít nhất bạn sẽ xóa tan được tâm lí kiêu căng ngạo mạn.
Ngoài ra, còn một cách nữa giúp bạn xóa tan cái tôi, cái tự ngã của mình đó là sám hối. Người ta thường nói “là người chứ không phải Thánh nhân ai chẳng có lỗi lầm?”. Vì lợi ích riêng mình chúng ta không ít lần làm tổn thương chúng sinh, thậm chí tổn thương đồng loại, đấy là tội lỗi, chúng ta cần sám hối. Sám hối thể hiện mình đang tự trách, đang hiểu lỗi lầm của mình, thấy có lỗi và áy náy với sai lầm đã phạm. Sám hối rồi bạn còn phải chịu trách nhiệm trước người khác, khi nào bạn thấy mình có trách nhiệm với người khác, thấy lỗi lầm của mình thì cảm giác tội lỗi mới giảm nhẹ.
Khi không còn áy náy bạn sẽ thấy yên tâm. Áy náy chứng tỏ bạn đang đau khổ, bạn chịu trách nhiệm trước hành động của mình là con đường diệt khổ. Nên khi hy sinh phụng hiến cho người chúng ta sẽ tự thấy mình làm việc thiện hoàn toàn không phải để mong cầu đáp lại mà để tri ân và báo ân những người đã cho chúng ta cơ hội giảm nhẹ đau khổ.
Cống hiến để đền ân, sám hối để thay đổi mình theo chiều hướng tốt. Làm thế giúp con người tránh tâm lí “lấy mình làm trung tâm”, khi không lấy mình làm trung tâm bạn sẽ có cơ hội nhìn nhận đánh giá sự vật khách quan hơn, nhờ thế trí tuệ tăng trưởng, tâm từ bi lớn dần, phiền não giảm nhẹ, lỗi lầm cũng tự nhiên giảm dần. Tuy chúng ta chưa đạt đến cảnh giới của chư Phật, chư Bồ tát, nhưng nếu biết cách duy trì cách làm này mãi mãi, bạn sẽ đạt đến cảnh giới của người tự tại tùy duyên, thân trôi trong dòng đời nhưng tâm ngự chốn thảnh thơi an lạc, từ đó trí tuệ tăng trưởng, từ tâm lớn dần cho đến khi chứng thành Phật quả.