Nói đến bà Vũ Thị Khiêm (71 tuổi, thôn Dừa Lẽ, xã Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc) nhiều người nhớ đến bà là chủ của vườn cò Hải Lựu. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại thấy bà ở một góc độ khác là ý chí, nghị lực và cái tâm.
Câu ca dao: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non…” vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi chúng ta từ thuở ấu thơ. Còn với bà Khiêm, nó như vận vào thân, những cánh cò đi vào cuộc đời của bà từ trong bữa ăn đến giấc ngủ.
Theo lời kể của bà Khiêm, gia đình lên mảnh đất này lập nghiệp khi bà mới 5 tuổi. Sau gần chục năm trồng cây gây rừng, cây cối đã trở nên rậm rạp thì bỗng dưng đàn cò về khu đồi rừng của gia đình bà để trú ngụ. Có nhiều loại như cò trắng phương Bắc, cò vằn, cò ngàng, cò ruồi, cò cổ rắn, chim cốc… và các loại chim trời rất nhiều. Hiện nay, tại đây còn có thêm đàn chim rất lớn đang trú ngụ (không rõ chúng thuộc loài cò hay loài chim), chỉ biết chúng có khoảng vài trăm con, mỗi con có trọng lượng khoảng 2 kg, hình thức trông đẹp và lạ mắt. Loài chim này đến ăn ở đâu thì ở đó sạch ốc bươu vàng.
Bà Khiêm trải lòng rằng: “Cò nó đã gửi thân và cả gia đình của nó vào mình thì không nỡ làm xáo trộn cuộc sống của nó”. Cha mẹ bà trước khi qua đời cũng căn dặn: “Cò không ở nhà ai, cứ ở nhà mình, đến gửi thân vào nhà mình thì phải tạo điều kiện cho nó ở. Chắc nó không biết nói nhưng cũng biết chọn nơi yên ấm, tin tưởng để gửi thân. Đừng làm gì để nó phải bỏ đi”.
Bà Vũ Thị Khiêm liêu xiêu trong vườn cò hơn 60 năm của gia đình.
Bà nghĩ rằng nếu mình giết thịt hay đem bán thì coi như nó trao nhầm thân phận cho người thiếu đạo đức. Suy nghĩ rất đơn giản của bà như một triết lý sống. Bà không học rộng, tài cao nhưng giàu lòng nhân đức, bao dung và đầy ắp tình yêu thiên nhiên. Bà như cảm nhận được nỗi đau của những loài chim hoang dã khi bị con người tàn sát vô tội vạ.
Gần 60 năm nay, gia đình bà đã để dành 5 ha đất cho các loài chim, cò trú ngụ. Bà nói: “Giống cò thường mẹ nào con nấy, chúng không nuôi lẫn con của nhau, những khi giông bão, có con non bị rơi khỏi tổ, chúng chới với kêu cứu tìm mẹ. Vì vậy, bà phải tìm cách cứu giúp chúng về đúng tổ của mình, nếu không kịp thời có thể con non lạc mẹ, không được mẹ bón mồi, bị chết đói chết rét hoặc bị loài khác ăn thịt”.
Chồng bà là liệt sĩ chống Mỹ, trước khi nhập ngũ, ông bà có hai người con, một trai, một gái. Những năm chồng ở trong quân ngũ, bà một mình lặn lội ở nhà nuôi hai con. Năm 1975 chiến tranh kết thúc, niềm vui giải phóng chưa được bao lâu thì bà nhận được giấy báo tử chồng, tin như sét đánh ngang tai. Nhìn giấy báo tử, bà không thể ngờ rằng chồng đã hy sinh từ năm 1968 mà gần 8 năm sau (ngày 1/4/1976) mới nhận được tin.
Bà hiểu nỗi đau tột cùng này là do chiến tranh. Bà quyết định không đi bước nữa, một mình nuôi các con khôn lớn và trông nom đàn cò. Được nhân dân tín nhiệm, bà đã có 10 năm làm công tác Đảng, Đoàn tại xã Hải Lựu. Thân hình khắc khổ “một nắng hai sương” của bà không chỉ là chỗ dựa của cả gia đình, mà còn cho hàng vạn con cò. Nhiều khi bà cũng phải xua đuổi thậm chí giằng co, chiến đấu với những kẻ gian rình rập, săn bắn trộm cò. Gần 60 mươi năm qua đi, không một đồng tiền công từ lợi ích của việc trông coi đàn cò, cây cối đã già cỗi nhưng bà chẳng những không thu hoạch, mà còn trồng thêm cây giống và đào mấy cái ao để đàn cò có chỗ lặn lội kiếm ăn khi trời mưa to, giá rét.
Năm 1999, con trai duy nhất của bà không may qua đời vì tai nạn giao thông, sau đó con dâu đi lập nghiệp riêng để lại cho bà 5 đứa cháu thơ dại đang tuổi ăn tuổi lớn. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, một mình bà lại “thân cò lặn lội” nuôi các cháu ăn học, khôn lớn. Bà đau đáu nỗi niềm làm sao giữ được chốn bình yên cho đàn cò trú ngụ lâu dài, làm sao có tiền nuôi các cháu ăn học tiếp. Việc lớn nhất là làm sao tìm được mộ của chồng và được biết rõ thông tin về phần mộ của ông được quy tập vào nghĩa trang hay chưa.
Cho dù cái nghèo vẫn vây lấy 6 bà cháu, nhưng bà quyết không ăn thịt cò, không bán cò, không bán đất vườn lấy tiền sinh sống. Đồng tình với những ý tưởng của bà Khiêm, chính quyền địa phương và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những sự trợ giúp để bảo vệ vườn cò. Gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã trợ cấp kinh phí mua lưới thép và vật liệu, dựng lên một hàng rào xung quanh khu vực trại cò.
Bà Khiêm là một người bình thường nhưng đã làm được những việc phi thường, kỳ diệu. Thực tế, đã có nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà báo, sinh viên đến với bà để chia sẻ và tận mắt chứng kiến điều kỳ diệu đó. Những việc làm và suy nghĩ của bà như tấm gương sáng để giáo dục ý thức bảo vệ và chung sống hòa bình với thiên nhiên, quảng bá cái thiện, phản đối cái ác. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với sự tàn sát, hủy hoại thiên nhiên môi trường, bà vẫn có ý thức và tấm lòng bảo vệ thiên nhiên đến cùng, thật đáng khâm phục.
Tạm biệt bà ra về, tai tôi như còn văng vẳng câu nói của bà: “Mọi điều tốt đẹp không phải từ trên trời rơi xuống, mà phải do lý trí và nghị lực của mình dày công vun đắp mà tạo nên, làm việc gì cũng phải kiên trì mới thành công”.
Thanh Loan