Muốn biến ước mơ thành hiện thực, cần sự cố gắng ở rất nhiều phương diện, một trong số đó chính là xóa tan lo lắng. Lo lắng chính là biết bản thân có thiếu sót ở những phương diện nào, muốn nhanh chóng tìm kiếm một phương thức để thay đổi hiện trạng.
Khi cảm thấy lo lắng, đầu tiên chứng tỏ con người đã nhận thức được thế giới này đang thay đổi từng ngày, cũng nhận thức được rằng sự trù bị tri thức và trình độ nhận thức của bản thân đã không thể thích ứng được với sự phát triển của xã hội. Thứ hai, lo lắng cũng chứng tỏ con người có nguyện vọng thay đổi hiện trạng. Nếu chúng ta hài lòng với những gì đang có, thì sẽ không cảm thấy lo lắng. Nói cách khác, con người sở dĩ cảm thấy lo lắng, là vì muốn trở nên tốt hơn, sẵn lòng đánh đổi và nỗ lực vì điều đó.
Lo lắng là một trạng thái tâm lý tiêu cực, vậy chúng ta nên hạn chế nó như thế nào?
Đầu tiên, phải nhận thức được rằng, để có được thành công là điều không dễ dàng.
Thế giới đang phát triển với tốc độ chóng mặt, chúng ta cần phải hiểu rằng, “học tập cả đời” không phải là một câu cửa miệng. Trong thời đại công nghệ mới không ngừng thay đổi như hiện nay, chúng ta muốn thành công, thì trước tiên buộc phải thích ứng được với tốc độ phát triển của xã hội. Ngoài ra, phải nghĩ mọi cách để bản thân trở nên tốt đẹp hơn. Điều này có nghĩa là chúng ta phải bỏ tiền bạc, bỏ thời gian cho bản thân, phải tiến hành điểm tô cho bản thân, phải không ngừng ám thị bản thân đừng dừng suy nghĩ.
Thứ hai, phải nhận thức được rằng, đa số mọi người đều xuất thân từ gia đình bình thường, không có gia cảnh nổi trội, không có mối quan hệ xã hội vững chắc, càng không có tướng mạo và thân hình khiến người ta trầm trồ, xuýt xoa. Trong điều kiện này, muốn thoát khỏi vòng xã hội cạnh tranh kịch liệt, thì chỉ có thể dựa vào tâm trí chín chắn, tư duy mạnh mẽ và năng lực vượt trội của bản thân.
Thứ ba, quy hoạch tốt cuộc đời, xác định rõ mục tiêu, đây là điểm cốt lõi trong thành công của một người. Bởi mục tiêu sẽ dẫn bạn bước về phía trước, suy nghĩ của bạn là nền tảng để tạo nên một cuộc đời rực rỡ. Một người có ước mơ, có thể xác định mục tiêu của bản thân cao một chút. Tuy ban đầu chỉ là ước muốn, nhưng sau những tích lũy từng chút một, sau những nỗ lực không ngừng, cuối cùng sẽ biến thành hiện thực. Mục tiêu của ngày hôm qua là ngọn đèn soi đường chỉ lối cho ngày hôm nay, cũng là hi vọng của ngày hôm nay. Thật khó tưởng tượng một người cả ngày lơ mơ hồ đồ có thể gặt hái được thành công, cũng thật khó tưởng tượng một người không nỗ lực, lại có thể biến mơ ước của ngày hôm nay thành quả ngọt của ngày mai. Tỷ phú người Nhật Bản Yoshimoto Haruhiko từng nói rằng: “Nếu muốn thành công, mục tiêu càng lớn càng tốt. Bởi vì như vậy, trước khi đạt được mục tiêu, bạn sẽ nghiêm khắc với bản thân, luôn cảnh tỉnh bản thân không được lười biếng.”
Ta có công thức của thành công như sau: Bắt đầu + kiên trì + lặp lại = thành công
Như vậy, có thể thấy rằng để có được thành công thì cần phải dưỡng thành những thói quen tốt. Quy tắc 21 ngày được công bố bởi bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ người Mỹ, Maxwell Maltz, là một phương pháp thông qua việc luyện tập lặp đi lặp lại một cách đúng đắn trong 21 ngày, để tạo nên một thói quen tốt.
Theo nghiên cứu khoa học, đại não cần 21 ngày để xây dựng một đường mòn thần kinh mới. Bởi vậy, hành vi của con người sau khi trải qua sự lặp lại trên 21 ngày sẽ hình thành thói quen, còn sự lặp lại trên 90 ngày sẽ hình thành thói quen ổn định.
Việc hình thành thói quen có thể chia ra làm ba giai đoạn như sau:
Giai đoạn thứ nhất: ngày 1 đến ngày 7, bạn cần phải luôn luôn nhắc nhở bản thân thực hiện thói quen mới phải dồn hết tâm trí để duy trì nó.
Giai đoạn thứ hai: ngày 8 đến ngày 21, bạn vẫn phải dồn hết tâm trí để thực hiện thói quen mới, nhưng đã cảm thấy quen và tự nhiên.
Giai đoạn thứ ba: ngày 22 đến ngày 90, bạn sẽ vô thức thực hiện thói quen mới, mỗi lần đều hết sức tự nhiên, không làm lại cảm thấy không quen.
Nhìn lại bản thân một chút, một giây trước bạn còn tập trung làm việc, giây sau đã cầm điện thoại lên lướt web, chơi Facebook. Trong thời đại này, bỏ dở giữa chừng đã trở thành thói quen của chúng ta.
Bạn quyết chí mỗi tuần phải đọc xong một cuốn sách, nhưng hiện thực là quyết tâm mới hạ hôm nay, ngày mai bởi vì có việc khác mà gạt ra sau đầu. Thế là, một tuần qua đi, bạn vẫn chưa đọc được mấy trang sách. Hay tuần này đã đọc xong một cuốn sách, tuần sau bạn lại bị chuyện tăng ca hoặc tụ tập bạn bè làm lỡ dở thời gian, dần dần, bạn đã mất đi lòng tin với bản thân. Dùng mọi lời viện cớ để bào chữa cho bản thân rồi bắt đầu phủ định bản thân, phủ định kế hoạch mà mình đã vạch ra.
Bạn muốn dưỡng thành thói quen việc hôm nay không để ngày mai, nhưng thực tế luôn là:
Buổi sáng lãnh đạo mở cuộc họp kéo dài hai giờ đồng hồ, công việc của bạn vì thế vẫn chưa được hoàn thành.
Buổi chiều sắp sửa tan làm, lại có đồng nghiệp đến tìm bạn để bàn bạc về một nhiệm vụ nào đó, lại một giờ đồng hồ nữa trôi qua, bạn đã không thể hoàn thành nốt công việc của mình.
Bạn lên kế hoạch hàng ngày đến công ty sớm trước mười phút, để liệt kê những việc cần hoàn thành trong ngày, nhưng thứ Hai bạn phải đưa con đến trường, thứ Ba tắc đường, thứ Tư không lên kịp xe buýt, thứ Năm ngủ quá giấc vì đồng hồ báo thức không đổ chuông. Một tuần qua đi, bạn vẫn chưa thể đến công ty sớm trước mười phút để vạch ra kế hoạch làm việc của mình.
Bạn dự định trước khi tan làm sẽ kiểm tra nhật ký công việc của một ngày, liệt kê ra những việc hôm nay đã hoàn thành và chưa hoàn thành, những việc nào ngày mai cần tiếp tục làm, những việc nào là việc quan trọng. Nhưng thứ Hai trước khi tan làm, lãnh đạo mở cuộc họp khẩn cấp, sau khi họp xong bạn tắt máy tính rồi ra về, thứ Ba bạn lại bị chuyện nọ chuyện kia bám riết không viết được, thứ Tư, thứ Năm…
Bạn muốn sau khi tan làm sẽ về nhà và ở bên người thân nhiều hơn, nhưng thực tế luôn là:
Hôm nay bạn tăng ca, về tới nhà tâm tình không tốt, không muốn nói chuyện với ai.
Buổi tối tụ tập với bạn bè, về tới nhà đã mười một rưỡi, muốn nói chuyện với người nhà nhưng không có thời gian.
Trong lòng bạn nghĩ, khi về nhà sẽ cùng người thân dốc bầu tâm sự, nhưng hai người lại mệt mỏi và không tập trung, cuối cùng lại biến thành cãi vã, không ai sẵn lòng nhận lỗi trước, thế là mấy ngày sau đó không ai làm phiền đến ai.
Hãy tin rằng mọi người đều sẽ gặp phải những tình huống tương tự. Khi bạn hạ quyết tâm làm một việc, dưỡng thành một thói quen, thực hiện một mục tiêu, nhưng thường bỏ dở giữa chừng, hoặc là bị một số chuyện cắt ngang, bởi vậy bạn thường cảm thấy chán nản.
Không phải mỗi người từ khi sinh ra đã có năng lực kiên trì đến cùng, những người có thể làm vậy cũng không phải là thánh nhân, họ không phải chỉ cần nói một tiếng “cố lên” với bản thân là có thể kiên định với mục tiêu của mình. Muốn có năng lực này, buộc phải trải qua ba giai đoạn bắt đầu, kiên trì, lặp đi lặp lại mới có thể thành công.
Đa số những người bỏ dở giữa chừng, đều vì xuất hiện vấn đề ở ba mắt xích này:
Thứ nhất, giai đoạn bắt đầu. Khi bạn bắt đầu làm một việc, nếu bạn nghĩ việc này rất phức tạp, rất khó thực hiện, sợ mình không chuẩn bị tốt, thường nói những câu cửa miệng như “đợi tôi… sẽ bắt đầu…”, vậy thì rất nhiều việc cũng chỉ dừng lại ở lời nói suông mà thôi, không thể bắt tay vào làm được. Thế nên, khi vừa bắt đầu, đã có rất nhiều người thua cuộc.
Thứ hai, giai đoạn kiên trì. Thách thức lớn nhất của thành công nằm ở chỗ chinh phục được lớp lớp cửa ải, không bị khó khăn ngáng chân. Thế nhưng, đây vừa khéo lại là chướng ngại mà rất nhiều người không thể vượt qua.
Thứ ba, giai đoạn lặp lại. Có nhiều người khó khăn lắm mới kiên trì được một khoảng thời gian, nhưng có vẻ là kết quả không được như ý, vì vậy thường cảm thấy mệt mỏi, không muốn tiếp tục. Nhưng người này không biết rằng, có lẽ thắng lợi đang ở ngay trước mắt. Họ thường dùng những câu đại loại như “dù sao mình cũng đã thử qua rồi” để an ủi bản thân, vì bỏ cuộc thì dễ dàng hơn tiếp tục nhiều, nhưng họ cũng bởi vậy mà đánh mất cơ hội tốt.
Thông qua việc phân chia thành ba giai đoạn bắt đầu, kiên trì, lặp đi lặp lại, chúng ta biết được nguyên nhân của việc bỏ dở giữa chừng chính là: phức tạp hóa sự việc, không dám bắt đầu; một khi gặp phải sự quấy nhiễu là bỏ cuộc, không thể kiên trì, sau khi thất bại không muốn thử lại lần nữa.
Để dưỡng thành thói quen tốt cần thực hiện ba giai đoạn lập tức bắt đầu, kiên trì đến cùng, không ngại lặp đi lặp lại. Cụ thể như sau:
Lập tức bắt đầu
Trên thực tế, để dưỡng thành thói quen này rất đơn giản. Đầu tiên, hãy xác định và viết ra mục tiêu của bạn. Sau đó, liệt kê những việc cần làm để hoàn thành mục tiêu này, cố gắng liệt kê càng chi tiết càng tốt. Khi mục tiêu phức tạp được cụ thể hóa thành những việc nhỏ dễ thực hiện, bạn có thể biết rõ bước tiếp theo mình phải làm gì, từ đó có thể nhanh chóng hành động, tìm thấy phương thức, phương pháp cổ vũ, khích lệ bản thân. Trong công việc, sẽ luôn gặp phải một số nhiệm vụ phức tạp, có độ khó vượt ra khỏi phạm vi năng lực của bản thân, lúc này bạn cần thư giãn, ví dụ, đeo tai nghe và tận hưởng một bản nhạc, sau khi đầu óc đã thư thái, bạn có thể sẽ nghĩ ra phương án để giải quyết nhiệm vụ kia.
Thứ hai, lúc bắt đầu nếu thấy áp lực hãy đọc một câu danh ngôn của danh nhân, đọc một câu chuyện khích lệ ý chí, năng suy xét vấn đề theo hướng tích cực, xua đuổi cảm xúc tiêu cực. Thực ra, đổi góc độ nhìn nhận vấn đề, suy nghĩ của bạn sẽ có khác biệt lớn: Dùng tâm thái tích cực nhìn nhận vấn đề, bạn sẽ phát hiện ra rằng, áp lực thực ra không lớn như bạn tưởng, sự tình cũng không phức tạp như bạn nghĩ. Ví dụ, sau khi đổi góc nhìn, vốn cho rằng “làm việc này sẽ khiến tôi đau khổ, mệt mỏi” sẽ chuyển hóa thành “hoàn thành việc này sẽ cho tôi cảm giác thành tựu”. Vốn cho rằng “vẫn con thời gian, không đi đâu mà vội mà vàng” sẽ chuyển hóa thành “vẫn nên bắt tay vào làm sớm thì hơn, mình rất chờ mong kết quả này”. Vốn cho rằng “Việc này ít nhất phải… giám đốc mới hài lòng” chuyển hóa thành “công ty tín nhiệm mình mới giao cho mình công việc này, hay nói cách khác, đây là kết quả bản thân mình nỗ lực mới có được.”
Khi trong lòng đã có suy nghĩ tích cực, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sức sống. Tưởng tượng ra cảm giác hạnh phúc, cảm giác thành tựu sau khi hoàn thành mục tiêu, bạn sẽ càng có động lực hơn. Lo âu và mệt mỏi cũng sẽ bởi vậy mà giảm đi nhiều, khiến bạn bắt đầu công việc bằng thái độ tích cực nhất.
Thứ ba, hãy kịp thời phản hồi với kết quả của bản thân. Sau khi hoàn thành mục tiêu nhỏ, có thưởng cho bản thân một món quà nho nhỏ để khích lệ chính mình; nếu không hoàn thành, hãy nghiêm khắc thực hiện một vài hình phạt, ví dụ hôm nay không dạo phố nữa, không lướt web nữa. Thông qua việc không ngừng phản hồi với kết quả của bản thân, bạn sẽ tiếp tục bước về phía trước, còn người trước đó luôn sợ hãi mình không thể thực hiện được mục tiêu là bạn cũng sẽ dốc sức hoàn thành từng mục tiêu nhỏ.
Kiên trì đến cùng
Đúng như câu “góp gió thành bão”, việc thực hiện ước mơ chính là xâu chuỗi những việc nhỏ nhặt không đáng kể lại với nhau. Mỗi ngày đọc vài trang sách, một năm bạn sẽ đọc xong vài cuốn sách. Tác phẩm Fortress Besieged (Tạm dịch: Vi thành) của tác giả Tiền Chung Thư, chính là mỗi ngày viết năm trăm chữ mà thành.
Dùng cách phân loại ABC để phân chia công việc ra làm bốn loại: quan trọng và gấp rút, quan trọng không gấp rút, gấp rút không quan trọng, không quan trọng cũng không gấp rút. Cần thực hiện việc quan trọng và gấp rút trước tiên.
Từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa là thời điểm tinh thần của chúng ta ở vào trạng thái tốt nhất, mạch suy nghĩ rõ ràng nhất, hiệu suất cao nhất trong ngày. Đây là thời gian “vàng” để làm việc trong một ngày.
Phân loại chính xác việc bản thân phải làm mới giúp chúng ta không hoang mang. Nếu phân loại sai, vậy thì chúng ta sẽ sa vào trạng thái hỗn loạn, làm những công việc như phản hồi thư điện tử vào thời điểm hiệu suất làm việc thấp. Phải chăm chỉ làm việc mỗi ngày, dù đạt được thành tích tương đối tốt cũng đừng dừng bước chân. Tích ít thành nhiều, phân chia thời gian hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ. Đừng trì hoãn, đừng viện cớ cho bản thân, nhấc chân một bước đi nghìn dặm, thành công sẽ ở ngay trước mắt.
Biến việc khó khăn trở thành hứng thú, phân chia việc hóc búa, không dễ hoàn thành thành các giai đoạn và lần lượt thực hiện từng giai đoạn.
Hãy công bố kế hoạch và mục tiêu của bạn. Đôi khi, bạn cần đặt mình dưới ánh đèn sáng rực, để người nhà, bạn bè, đồng nghiệp giám sát và đốc thúc, bạn mới có thể giữ được sự tỉnh táo, đồng thời nỗ lực kiên trì hoàn thành mục tiêu. Đôi khi, có thể bạn đã kiên trì nhưng vẫn thất bại, bạn phải tiếp nhận sự vô thường, sau khi vấp ngã tiếp tục đứng dậy.
Không ngại lặp đi lặp lại
Thất bại mấy lần không hề gì, không bỏ cuộc thì không được xem là thua. Điểm khác biệt lớn nhất giữa người thành công và người bình thường chính là người thành công không bao giờ bỏ cuộc.
Trong phần Thiên Ung dã thuộc sách Luận Ngữ do Khổng Tử và đồ đệ biên soạn có đoạn, Ai Công hỏi: “Học trò ngài có ai hiếu học?” Khổng Tử nói: “Có Nhan Hồi là người hiếu học, không trút giận lên đầu người khác, không phạm lỗi hai lần. Chẳng may, mệnh ngắn ngủi, đã mất! Nay thì không có ai, chưa nghe thấy người nào hiếu học.”
Nhan Hồi hiếu học, không trút giận lên đầu người khác, không phạm lỗi hai lần, là thánh nhân. Có thể chúng ta không làm được như ông, nhưng khi thất bại, nếu có thể phân tích nguyên nhân một cách khách quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, chúng ta sẽ tiến bộ, sẽ không vấp ngã nhiều lần ở cùng một chỗ. Sau mỗi lần thất bại, nhất định phải mang theo thay đổi để bắt đầu lại từ đầu.
Ngoài ba giai đoạn trên, còn có các phương pháp khác giúp mỗi người tiến gần hơn đến thành công.
Trở thành nhân viên mà máy móc không thể thay thế.
Cắt đứt, dứt bỏ, rời xa những việc không cần thiết
Ý nghĩa chính của “Chủ nghĩa tinh hoa” chính là “làm ít được nhiều”. Hiroshi Ogura – cố vấn quản lý, cố vấn tài nguyên nhân lực nổi tiếng người Nhật Bản đã kiên trì với quan niệm tương tự, thời gian của con người là có hạn, không thể làm mọi việc mà không có sự lựa chọn, nhất định phải cắt đứt, dứt bỏ, rời xa những việc không cần thiết.
Ví dụ, “cắt đứt, dứt bỏ, rời xa” trong công việc mà Hiroshi Ogura liệt kê bao gồm:
Không tham gia cuộc họp không cần thiết;
Không sắp xếp cuộc họp vào thời gian “vàng” để làm việc;
Không đi thăm khách hàng cùng nhân viên.
“Cắt đứt, dứt bỏ, rời xa” trong cuộc sống bao gồm:
Không đọc tạp chí hoặc tin tức thể thao; Không xem tivi;
Tham gia tiệc xã giao giữa chừng thì rời khỏi, không ở lại đến cuối cùng;
Không chờ đợi bạn bè, nếu đối phương đến muộn, hãy rời khỏi trước, sau đó liên lạc với đối phương.
Chúng ta cũng có thể thử liệt kê danh sách “cắt đứt, dứt bỏ, rời xa” của riêng mình.
Giữ vững tâm nguyện thuở ban đầu, rồi sẽ thành công
“Nếu cẩn thận trước sau như một, ắt sẽ không thất bại.” Câu nói này đại để có thể giải thích là: “Khi sự việc sắp thành công hoặc kết thúc, nếu có thể dùng tâm thái ban đầu để xử lý, thì cả đời sẽ không có chuyện thất bại.” Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Không quên tâm nguyện thuở ban đầu, rồi sẽ thành công.” Tâm nguyện thuở ban đầu là gì? Chính là kế hoạch mà bản thân vạch ra ở điểm khởi đầu của cuộc đời, cũng là ước mơ ban đầu của bản thân, là mục tiêu cả đời chúng ta muốn đạt được.
Có một câu chuyện như thế này, một nhóm người đang vội vã lên đường, có người đột nhiên dừng lại, người bên cạnh tò mò hỏi: “Sao bạn không đi nữa?” Người dừng lại cười nói: “Đi nhanh quá, tôi cảm thấy mình đã để linh hồn lại phía sau rồi, tôi muốn đợi nó”. Đúng vậy, hãy chậm lại một chút, để linh hồn theo kịp bước chân chúng ta. Nhưng có ai là muốn dừng lại? Nếu đi quá xa, bạn vẫn sẽ nhớ ban đầu tại sao mình lại xuất phát chứ?
Thường xuyên ngoảnh đầu lại nhìn, đừng để bản thân bị các loại dục vọng lấp đầy; thường xuyên quay về điểm xuất phát, gạn hết dũng khí để bắt đầu lại từ đầu; thường xuyên thanh lọc tâm hồn, để giữ tâm tính thuần khiết. Không quên tâm nguyện thuở ban đầu, mới có thể tìm thấy phương hướng đúng đắn cho cuộc đời, mới kiên định với những gì chúng ta theo đuổi, mới kiên định với dự tính ban đầu của mình, mới dễ hiện thực hóa ước mơ của mình hơn.
Hãy ghi nhớ những lời trong tác phẩm Thủy chung: “Tất cả những ngọt ngào và sầu bi, tất cả những dũng cảm và yếu đuối, tất cả những bôn ba và ngơi nghỉ trước kia, thì ra, đều là để bước về phía bản thân của ngày đầu.”
Hãy cởi bỏ những gánh nặng không thể gánh gồng trong cuộc đời, hãy bỏ bớt những dục vọng không cần thiết. Cho bản thân một chút không gian, để ta vẫn nhớ con đường dẫn mình tới đây, vẫn nhớ tâm nguyện tươi đẹp thuở ban đầu.
Bạn vẫn còn nhớ có một câu chuyện như thế này chứ?
Đặt một chiếc đồng hồ mới được sản xuất giữa hai chiếc đồng hồ cũ. Một trong hai chiếc đồng hồ cũ nói với chiếc đồng hồ mới rằng: “Đến đi, bạn cũng nên làm việc rồi. Nhưng tôi e rằng sau khi bạn đi hết ba mươi hai triệu vòng, sẽ không đi nổi nữa.” “Trời đất ơi, ba mươi hai triệu vòng ư!” Đồng hồ mới kinh ngạc không thôi, “Muốn tôi làm việc lớn như thế này sao? Tôi không làm được đâu, không làm được đâu.” Chiếc đồng hồ cũ còn lại nói: “Đừng nghe cậu ta nói nhăng nói cuội. Không cần sợ hãi, cậu chỉ cần mỗi giây tích tắc một chút là được.” “Ở đời làm gì có chuyện đơn giản như thế?” Đồng hồ mới nửa tin nửa ngờ, “Nếu như vậy, tôi cứ thử xem sao!” Đồng hồ mới tích tắc mỗi giây, thấm thoắt, một năm qua đi, nó đã tích tắc ba mươi hai triệu vòng.
Đối với tương lai xa xôi không thể đoán trước, có thể chúng ta sẽ lo lắng, sợ hãi như chiếc đồng hồ mới này. Nhưng trên thực tế, chỉ cần sống tốt mỗi ngày ở hiện tại, làm tốt công việc nên làm ở hiện tại, thì mọi chuyện đều sẽ thuận buồm xuôi gió.
Có một số thứ có lẽ chúng ta không thể lựa chọn, nhưng có một số thứ chúng ta có thể lựa chọn. Đối mặt với âu sầu, lo lắng, vui vẻ, sao chúng ta không lý trí hơn một chút mà lựa chọn niềm vui? Nếu ngay trong thâm tâm cũng cảm thấy không hạnh phúc, thì nên học cách vứt bỏ.
Bạn là chủ nhân của cuộc đời mình, bạn có đầu óc, có tư tưởng, có nguyện vọng, có đầy đủ các yếu tố để hạnh phúc, cho dù hi sinh nhiều đến thế nào, thì mọi thứ cũng đều xứng đáng. Cuộc đời tự do tự tại, mới là cuộc đời đích thực. Xuất phát từ hiện thực, phát hiện niềm hạnh phúc của bản thân, không quên tâm nguyện thuở ban đầu, theo đuổi thứ có thể thực hiện, để mình vui vẻ và nhẹ nhõm, như vậy bạn sẽ đến gần với thành công hơn.
Câu chuyện nhỏ
LÔI QUÂN: LÀM NGƯỜI NGHỆ NHÂN THÚC ĐẨY HÀNG NỘI ĐỊA TRUNG QUỐC “VÙNG LÊN”
Việc du khách Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản càn quét hàng hóa đã kích thích một nhóm các doanh nhân Trung Quốc đầu tư cho hàng nội địa, trong đó có Lôi Quân. Lôi Quân – người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty công nghệ Xiaomi Inc, là nhân vật đại diện cho Internet Trung Quốc và thủ lĩnh trong sáng tạo thương mại điện tử toàn quốc hàng năm, từng nhận được nhiều giải thưởng vinh dự trong và ngoài nước như “Nhân vật kinh tế Trung Quốc của năm”, “Một trong mười nhà lãnh đạo tài - trí“, “Nhân vật Internet Trung Quốc của năm”. Năm 2014, ông được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân của năm” bởi tạp chí Forbes châu Á. Tháng 12 năm 2017, ông vinh dự nhận giải thưởng “Nhân vật chất lượng của năm” trong lễ trao giải Ánh sáng chất lượng 2017.
Sự phát triển của Xiaomi là minh chứng cho sự vùng dậy của khoa học công nghệ Trung Quốc cùng với lòng tin của công chúng đối với sự phát triển của nó trong tương lai. Chắc hẳn mọi người đều biết câu chuyện khởi nghiệp của Xiaomi, vậy thì để đạt được thành công lớn như vậy, ưu thế cạnh tranh cốt lõi của Xiaomi là gì? Lôi Quân đã đưa ra tổng kết như sau: Đầu tiên, coi trọng việc nghiên cứu, phát triển và sáng tạo của sản phẩm, là căn bản trong thành công của Xiaomi. Là một công ty khoa học công nghệ lấy nghiên cứu phát triển và đoàn đội công nghệ làm chủ, hầu hết nhân viên của Xiaomi đều tham gia vào quá trình phát triển chi tiết của sản phẩm, mỗi người đều là giám đốc sản phẩm. Bên cạnh đó, mức độ coi trọng của Xiaomi đối với “người hâm mộ” là không doanh nghiệp nào sánh bằng. “Lộ trình chinh phục công chúng” mà Lôi Quân vạch ra giúp Xiaomi để lại ấn tượng không thể xóa mờ trong lòng số đông người tiêu dùng. Theo Lôi Quân thấy, điều quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp công nghệ là tư duy người dùng. Một doanh nghiệp chỉ có hiểu cặn kẽ công chúng, tin tưởng công chúng, tư duy từ góc độ của công chúng, mới có thể thực sự chinh phục được chúng, nhận được sự tín nhiệm và sự ủng hộ lâu dài của công chúng. Kiểu marketing tương tác này cũng có thể nâng cao mức độ công nhận của công chúng đối với văn hóa doanh nghiệp.
Thứ hai, Xiaomi có quan niệm kinh doanh khác biệt. Là một công ty công nghệ, họ hết sức coi trọng việc dùng công nghệ Internet để tạo ra sản phẩm, dùng tư duy Internet để vận hành thương hiệu. Ở phương diện thực hiện vận hành hiệu suất cao, doanh nghiệp của họ vượt xa những thương hiệu khác. Sản phẩm của Xiaomi vừa chất lượng vừa có giá thành rẻ, quan trọng nhất là họ có hiệu suất phục vụ cực kỳ cao. Sản phẩm được trực tiếp vận chuyển từ nhà máy tới tay người tiêu dùng, thông qua mô thức Internet, tư duy Internet để bỏ bớt những công đoạn không cần thiết, tiết kiệm giá thành, giúp mọi người trên thế giới đều có cơ hội hưởng thụ khoa học công nghệ tiên tiến và sản phẩm chất lượng cao đến từ Trung Quốc.
Là hình mẫu “sáng tạo kiểu Trung Quốc”, Xiaomi đã gặt hái được thành công không gì sánh được. Ngành điện thoại thông minh vận hành dựa trên tư duy nghiệp vụ Internet, “mô hình Xiaomi” với phong cách độc đáo trở nên nổi bật khi đặt chung với các doanh nghiệp trên toàn thế giới, trở thành tấm gương cho rất nhiều doanh nghiệp noi theo. Sức sáng tạo của Trung Quốc dần được thế giới công nhận, nhiều mô hình thương mại và sản phẩm ra đời và thành công ở Trung Quốc, làm rạng rỡ truyền thống Trung Quốc, đưa Trung Quốc ra với thế giới.
“Mô hình Xiaomi” là thứ có thể học tập và áp dụng. Để chứng minh cho điều này, Lôi Quân đã khởi động kế hoạch hệ sinh thái Xiaomi: “Chúng tôi lên kế hoạch trong vòng 5 năm, nâng đỡ 100 doanh nghiệp khởi nghiệp học tập mô hình Xiaomi đạt được thành công.” Mô hình “hệ sinh thái Xiaomi”, không chỉ một lần thành hình trong đầu Lôi Quân, cuối cùng đã trở thành sự thực. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sau khi được Xiaomi đầu tư và hỗ trợ đã cho ra mắt các sản phẩm thông minh mang thương hiệu Xiaomi như máy làm sạch không khí Xiaomi, vòng tay Xiaomi, máy quay HD Xiaoyi, máy đo huyết áp thông minh iHealth.
Ngoài Xiaomi, Lôi Quân còn muốn thông qua việc “vận động tiêu dùng hàng nội địa mới” để thực hiện giấc mộng “phục vụ đất nước”. Lôi Quân không muốn trở thành Steve Jobs của Trung Quốc, mà hy vọng dốc hết sức mình làm một doanh nhân có “tinh thần nghệ nhân”, thúc đẩy sự tiến bộ của ngành công nghệ Trung Quốc, để Trung Quốc sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn, nhận được sự tôn vinh của thế giới. Thành công của ngành công nghệ Trung Quốc mới là mục tiêu lớn lao của Lôi Quân.
Hi vọng trên thị trường sẽ ngày càng xuất hiện nhiều “Xiaomi”, ngày càng có nhiều doanh nghiệp sẵn lòng phát huy “tinh thần nghệ nhân”, chế tạo ra sản phẩm chất lượng, lay động trái tim công chúng. Song song với việc kể “câu chuyện Trung Quốc” của thời đại này, hi vọng các doanh nghiệp sẽ đặt nền móng vững chắc cho Những sáng tạo bằng trí tuệ của Trung Quốc trong tương lai.
Câu chuyện nhỏ
TẠ SIÊU ĐÔNG: THIẾU NIÊN ƯU TÚ MANG TINH THẦN NGHỆ NHÂN
Thế hệ 9X của Trung Quốc là thế hệ trưởng thành trong bối cảnh thời đại cải cách, mở cửa, đa phần đều cùng cha mẹ sống ở thành phố. Việc họ bước vào thời đại Internet tương đối sớm, cộng với việc được hưởng sự chăm lo tỉ mỉ của những người làm cha mẹ thuộc thế hệ 7X, khiến họ từ nhỏ đã có cảm giác ưu việt, ý thức về cái tôi tương đối lớn, độc lập, tự chủ hơn về tư tưởng, thích thể hiện cá tính. Có một số người sẽ cho rằng thế hệ 9X bướng bỉnh, xốc nổi, hay mơ mộng viển vông, thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh thần hợp tác. Thực tế, không phải vậy, bậc thầy trí nhớ cấp thế giới Tạ Siêu Đông là một người thuộc thế hệ 9X mười phân vẹn mười, nhưng chúng ta lại có thể cảm nhận được tâm thái trầm ổn, ý chí mạnh mẽ, kiên định và chuyên chú ở cậu.
Cậu sinh ra và lớn lên trong một gia đình hòa thuận, tuy là con trai độc nhất, nhưng cha mẹ không cưng chiều cậu quá mức, cũng không ép cậu làm việc cậu không thích. Bất kể là khi cậu lựa chọn chuyên ngành đại học, hay khi học tập phương pháp ghi nhớ, cha mẹ đều tôn trọng sở thích của cậu, ủng hộ cậu. Cách làm việc thiết thực, nghiêm túc và cẩn thận của cha mẹ đã có ảnh hưởng lớn đến cậu, khiến cậu có thể dũng cảm, kiên trì bước về phía con đường chưa biết.
Lần đầu Tạ Siêu Đông tiếp xúc với phương pháp ghi nhớ, là thông qua chương trình “Siêu trí tuệ”. Trước đó cậu cơ bản không hiểu gì về phương pháp này. Mỗi lần xem các tuyển thủ trong “Siêu trí tuệ” thể hiện tài năng, cậu vô cùng tò mò, bèn nhen nhóm ý tưởng học tập phương pháp ghi nhớ.
Sau một vài lần học bằng giáo trình trên mạng, cậu cảm thấy việc học tập phương pháp ghi nhớ giống như luyện tập võ công của các cao thủ trong tiểu thuyết võ hiệp, vô cùng kích động. Thoạt đầu, giáo viên giảng giải về mã hóa dữ liệu số. Cậu là sinh viên ngành xã hội, sau khi thi đỗ đại học là rời xa toán học. Hơn nữa, cậu luôn cảm thấy các con số là thứ khô khan, buồn tẻ, bởi vậy cậu luôn có tâm lý sợ hãi chúng. Nhưng giáo viên giảng giải con số từ góc độ hình ảnh, mã hóa, khiến cậu cảm thấy mới mẻ, tràn đầy cảm giác hưng phấn. Sau hai bài học, cậu đã ghi nhớ được số điện thoại của 50 bạn học, cậu cảm thấy rất có thành tựu, ngày càng có động lực và hứng thú học tập. Từ đó, cậu bèn kết duyên với phương pháp ghi nhớ.
“Đài cao chín tầng được xây lên từ đống đất nhỏ”. Tạ Siêu Đông biết, các cao thủ luyện được võ công tuyệt thế không phải là chuyện một sớm một chiều, họ phải trải qua vô số ngày vất vả, cần mẫn, còn phải thêm sự lĩnh hội kịp thời, mới có thể gặt hái được thành công. Luyện tập phương pháp ghi nhớ cũng tương tự như vậy. Có những lúc cậu không thể nhớ nổi những con số kia, nhưng cậu không hề nản lòng, dần dần, từ 2 phút ghi nhớ được 40 con số, sau đó rút ngắn còn 1 phút.
“Việc gì cũng phải làm tốt hơn người khác”, đây là mục tiêu mà Tạ Siêu Đông luôn theo đuổi. Quãng thời gian đó, một mình cậu kiên trì luyện tập, tuy vất vả nhưng chỉ có như vậy, mới có thể nhìn thấy ánh rạng đông của thành công. Có lúc, cả ngày cậu chỉ nhìn chằm chằm vào hình ảnh mã hóa, hoặc lấy một tờ giấy ghi chi chít những con số ra tiến hành đọc số, liên kết hoặc ghi nhớ. Bấy giờ, bạn học của cậu đều lấy làm tò mò, không hiểu cậu đang làm gì, tại sao phải dốc sức như thế. Cậu thường ngồi một mình ở hàng ghế cuối cùng trong lớp học, lẳng lặng luyện tập, sự chuyên chú ấy khiến cậu quên hết tất cả tạp âm xung quanh, cũng chỉ có như vậy, mới có thể khiến cậu dốc toàn tâm sức cho việc học phương pháp ghi nhớ. Có một lần ở thư viện, bấy giờ cậu vừa tiếp xúc với phương pháp ghi nhớ bài tú lơ khơ, cậu bày một bộ bài tú lơ khơ ra trước mắt để luyện tập. Không biết bao lâu sau, cậu ngẩng đầu lên, phát hiện bạn bè xung quanh đang nhìn mình bằng ánh mắt kỳ lạ. Cho dù là vậy, vì giấc mộng của mình, cậu vẫn kiên trì, bền bỉ.
Năm 2015, Tạ Siêu Đông đã thuê một căn phòng ở ngoài trường đại học, kiên trì tập luyện. Thường ngày, ngoài lúc đi học, thời gian còn lại cậu đều nhốt mình trong phòng để luyện tập ghi nhớ. Vừa khéo bấy giờ ở phòng sát vách là một đàn anh khóa trên nhiệt thành và một người đồng hương ở Hồ Nam với cậu, họ đã hứa sẽ giúp Tạ Siêu Đông kiểm tra trí nhớ vào mỗi tối. Ngày tháng cứ lặp lại như vậy, tháng 10 năm 2015, Tạ Siêu Đông đã thuận lợi giành được chức quán quân trong một cuộc thi về trí nhớ tổ chức lần đầu tiên của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tháng 12 năm 2015, cậu trở thành bậc thầy trí nhớ thế giới. Cậu không ngừng cố gắng, tháng 4 năm 2016 giành được chức Á quân của cuộc thi trí nhớ tại Nhật Bản. Đồng thời cậu đã giàng được cơ hội tham gia chương trình “Siêu trí tuệ”, được bước lên sân khấu cậu ước mong đã lâu, thể hiện tài hoa ghi nhớ của mình cho mọi người.
“Mười năm đèn sách bên cửa sổ, không có ai hỏi đến, chỉ một khoa cử thi đỗ cao cả thiên hạ biết đến.” Tạ Siêu Đông thường nói mình không phải là thiên tài, mà là dựa vào phương pháp học tập hiệu quả cao và sự cố gắng, từng bước đi tới ngày hôm nay. Mỗi người chỉ cần tìm đúng phương pháp, chịu cố gắng, thì đều có thể trở thành thiên tài!
Tạ Siêu Đông hi vọng tương lai mình có thể viết sách, ghi lại những điều tâm đắc trong quá trình học tập của mình, để giúp đỡ trẻ em Trung Quốc học tập tốt hơn, hi vọng bản thân có thể cống hiến sức mình cho nền giáo dục Trung Quốc. Năm 2017, cậu và một người bạn cùng sáng lập Công ty TNHH Khoa học Công nghệ và Giáo dục Thông Ngư, đây là một tập đoàn giáo dục cá tính hóa, chuyên chú vào việc xây dựng năng lực học tập suốt đời. Ngoài ra công ty này còn giúp đỡ những người yêu thích các cuộc thi trí tuệ, giúp họ dùng phương pháp khoa học để học tập kỹ xảo có thể sử dụng khi thi đấu.
Mọi người luôn nói thế hệ 9X theo đuổi cá tính thái quá, phô trương, bướng bỉnh, ích kỷ, thậm chí suy đồi, lười biếng. Nhưng ở Tạ Siêu Đông, chúng ta lại nhìn thấy tinh thần nghệ nhân trong thời đại mới: Thái độ kiên trì, chuyên chú, thiết thực, cùng với tín ngưỡng kiên định theo đuổi sự hoàn mỹ.
Ngài Lương Khải Siêu, nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị người Trung Quốc thời cận đại, từng nói: “Thiếu niên giỏi thì đất nước giỏi, thiếu niên giàu thì đất nước giàu, thiếu niên mạnh thì đất nước mạnh, thiếu niên độc lập thì đất nước độc lập, thiếu niên tự do thì đất nước tự do, thiếu niên tiến bộ thì đất nước tiến bộ, thiếu niên thắng châu Âu thì đất nước thắng châu Âu, thiếu niên xưng hùng trên thế giới thì đất nước xưng hùng trên thế giới.”
Đường ở dưới chân, chúng ta chờ mong chàng trai 9x Tạ Siêu Đông có thể tiến bước xa hơn.