Xã hội ngày nay đã không còn là thời “vàng thật không sợ lửa” nữa. Đôi khi, con người cũng giống như một sản phẩm, nếu bạn không quảng bá bản thân, sẽ rất ít người biết đến bạn, hiểu tính cách và năng lực của bạn, bạn cũng khó mà nhận được sự công nhận và tán thưởng của người khác. Thể hiện bản thân là một chiếc xe tốc hành đưa bạn đi về phía thành công, nếu bạn muốn quảng bá bản thân, “chào hàng” bản thân, đồng thời nắm vững các kỹ xảo và con đường để quảng bá bản thân, vậy thì chắc chắn bạn sẽ có được chút tiếng tăm trong thời gian ngắn. Điều này cũng có thể trở thành một động lực khích lệ bạn tiếp tục phấn đấu bước về phía trước.
Con người có đặc tính xã hội, chỉ cần đang tiến hành hoạt động xã hội, thì luôn vô tình hoặc hữu ý “chào hàng” bản thân. Trên thế giới này, mỗi người đều là độc nhất vô nhị. Tính cách, sức hấp dẫn của mỗi người mỗi khác. Muốn nhận được sự thấu hiểu, ủng hộ và tín nhiệm của người khác, chúng ta phải thể hiện ra ưu thế trên các phương diện của bản thân.
Nhân tài ưu tú giống như một vò rượu ngon, chỉ khi người khác ngửi thấy “hương thơm” của bạn, mới phát hiện ra tài hoa của bạn. Trong cuộc sống hiện thực, chúng ta có thể nhìn thấy một số người có năng lực bình thường nhưng lại gặt hái được thành công to lớn, còn một số người có học thức phong phú lại không có tiếng tăm gì. So sánh hai kiểu người này, không khó để phát hiện ra điểm khác biệt, đó là một người giỏi “chào hàng” bản thân, còn một người lại gửi gắm hi vọng vào ánh mắt tinh đời, nhanh chóng nhìn ra nhân tài của người khác. Trên đời không có thành công nào tự đến gõ cửa, người thành công đa phần là bởi họ biết làm thế nào để quảng bá, chào hàng bản thân một cách thích hợp, đồng thời để người khác nhớ đến mình.
Nói đến “chào hàng”, mọi người sẽ nghĩ tới hình tượng nhân viên bán hàng ăn vận âu phục thẳng thớm, thắt cà vạt, đi giày da, tay cầm túi công văn. Họ luyện được tài ăn nói hơn người, nhờ đó mà thu hút được người khác. Tuy nhiên đây không phải là nội hàm “chào hàng” bản thân mà chúng ta nói tới.
Có người cảm thấy chào hàng đồng nghĩa với lừa người, “đóng gói” bản thân bằng chiếc áo ngoài đẹp đẽ, sau đó thể hiện cho mọi người thấy, để bán được sản phẩm mà không ngại tốn nước miếng. Nhưng tiền đề là, sản phẩm của bạn và ưu thế bán hàng độc nhất mà bạn quảng bá có tương xứng hay không? Đạo lý làm người cũng tương tự, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, phải để người khác hiểu được bản lĩnh thực sự của mình. Thực sự có năng lực, mới có thể giành được sự tín nhiệm của người khác. Nếu chỉ dựa vào miệng lưỡi để lừa dối người khác, chẳng mấy chốc sẽ bị bại lộ. Ví dụ, bạn khoác lác rằng trình độ photoshop của mình cao siêu, nhưng khi bảo bạn thực hiện, bạn lại làm chẳng đâu vào đâu, đây chính là một kiểu chào hàng thất bại, sẽ vĩnh viễn đánh mất lòng tin của khách hàng dành cho bạn. Bởi vậy, để “chào hàng” bản thân hiệu quả, bạn phải làm tấm gương trước, muốn người khác làm được thì trước hết mình phải làm được, mới có thể đổi lấy đơn đặt hàng và sự tin tưởng của khách hàng.
Tìm đúng khách hàng là bước vô cùng quan trọng trong quá trình chào hàng. Nếu ngay cả khách hàng của mình là ai bạn cũng không rõ, thì làm sao giới thiệu sản phẩm của mình đến khách hàng được? Ở nơi làm việc cũng như vậy, đầu tiên phải biết cần “chào hàng” bản thân tới ai. Có người giỏi nịnh nọt, cho rằng “khách hàng” chính là người trực tiếp mang lại lợi ích cho mình, cho nên tìm đủ mọi cách để lấy lòng những người ấy. Trên thực tế, một người thực sự tài năng là người không xun xoe nịnh bợ, sẽ cân nhắc đến những người xung quanh, biết người nào là quý nhân có thể giúp đỡ mình, người nào hiện tại có vẻ không có điểm giao nhau với mình, nhưng có thể giúp mình giới thiệu và quảng bá bản thân. Chúng ta có thể quan sát những người thành công trong xã hội, họ đều không so đo tính toán, suy xét vấn đề khá chu toàn. Thành công không có nghĩa là ở đâu cũng có thể nở hoa kết trái, trong việc đối nhân xử thế phải có cái nhìn đại cục, mới có thể giúp bạn tiến xa hơn.
Khi chào bán hàng hóa, chúng ta phải chú ý đến cảm nhận của người tiêu dùng. Người tiêu dùng lựa chọn một loại sản phẩm, thường là vì loại sản phẩm này có thể thỏa mãn nhu cầu của họ hoặc có thể mang đến một số sự trợ giúp cho họ. Nếu một sản phẩm chỉ có vẻ bề ngoài bắt mắt mà không có công dụng thực tế, chắc chắn người tiêu dùng sẽ không mua. Tương tự, khi chúng ta “chào hàng” bản thân, cũng phải tích cực thể hiện tài năng và thực lực của mình, để người khác cảm nhận được nội tại của mình.
Có một số người lại coi việc “chào hàng” bản thân là lôi kéo quan hệ, đi cửa sau, đây cũng là một cách nghĩ sai lầm, hiểu sai về nội hàm của việc chào hàng. Nếu chỉ dựa vào mối quan hệ để chọn lựa nhân tài, xét về lâu dài sẽ ẩn chứa tai họa ngầm. Nếu người được đề bạt có năng lực yếu kém, làm việc xảy ra nhiều vấn đề, thì không những bản thân đen đủi, mà còn liên lụy đến cấp trên. Trung Quốc đã bước vào thời kỳ xã hội thông tin hóa, lưu động nhân tài ngày càng dễ, thông tin ngày càng minh bạch. Bởi vậy, phải dựa vào thực lực mới có thể đạt được sự phát triển bền vững.
Khi “chào hàng” bản thân, phải biết vận dụng một số kỹ xảo nhỏ trong giao tiếp, giúp bạn “làm ít hưởng nhiều”. Chúng ta có thể học tập một số người thành công, trong tiểu thuyết Hồ Tuyết Nham, tác giả Cao Dương đã xây dựng một hình tượng thương nhân thành công, từ một chàng trai không một xu dính túi trở thành một thương nhân nổi tiếng, chứng minh cho sự tài trí và trí tuệ trên phương diện làm người, xử thế của mình. Trong sách có một đoạn miêu tả như thế này: “Thực ra, bí quyết của Hồ Tuyết Nham cũng rất đơn giản. Ông biết nói, càng biết lắng nghe, bất kể người kia nói lời nhàm chán như thế nào, ông vẫn có thể giữ vẻ nghiêm túc, hai mắt chăm chú, tựa hồ đang rất có hứng thú vậy. Trên thực tế, đúng là ông cũng đang lắng nghe, vào những thời điểm quan trọng sẽ bổ sung một vài lời, một hai nghĩa bóng, khiến người đang thao thao bất tuyệt có cảm giác vui sướng vì đã tìm được người tâm đầu ý hợp, từ đó trở thành bạn tốt của nhau.”
Thành công của Hồ Tuyết Nham có vẻ là kết quả tất yếu, ông biết lắng nghe, hiểu kỹ xảo nói chuyện, hiểu được “hòa khí sinh tài”, đây chính là con đường làm ăn của ông. Nếu tỉ mỉ quan sát, bạn sẽ phát hiện ra rằng, ở xung quanh chúng ta có rất nhiều người như thế, họ luôn để lại cho người khác ấn tượng mình là người có giáo dưỡng, đây là một kỹ xảo giao tiếp. Ngược lại, nếu không thể chăm lo tốt cho mối quan hệ xã hội, sẽ gặp trùng trùng trắc trở trên con đường bước đến thành công.
Thực ra, mỗi giây mỗi phút chúng ta đều thể hiện bản thân với người khác. Lời nói, cách ăn vận, suy nghĩ, hành vi của chúng ta… đều là để người khác tiếp nhận. Thậm chí mỗi lựa chọn của chúng ta, đều đại diện cho thương hiệu cá nhân của chúng ta. Nếu bạn có thể thể hiện bản thân một cách thích hợp, dùng một phương thức đúng đắn và hiệu quả để “chào hàng” bản thân, để khiến người khác tán thưởng, vậy thì bạn sẽ rất dễ gặt hái được thành công. Có người nói, nếu tay nghề của bạn cao siêu, của cải ắt sẽ ùn ùn kéo đến. Nhưng nếu không biết cách “chào hàng” bản thân, thì dù có là vàng cũng khó được phát hiện. Ngày xưa có người tên Mao Toại, tài hoa xuất chúng, nhưng không biết cách thể hiện năng lực, sau đó nhờ một thời cơ “chào hàng” bản thân trước mặt mọi người, cuối cùng được trọng dụng, làm nên sự nghiệp lớn.
Mọi người đều hi vọng bản thân có thể nhận được sự công nhận của người khác, đây cũng là biểu hiện của ý thức cá nhân, trong lòng mỗi người đều có một tiêu chuẩn về cái tôi lý tưởng. Nếu bạn muốn người khác ghét bạn, hãy đi phủ định đối phương; ngược lại, nếu muốn đối phương thích bạn, hãy để đối phương cảm nhận được bạn đang chú ý, thấu hiểu, ủng hộ, quan tâm đến anh ta, cứ như vậy, anh ta sẽ sẵn lòng đến gần bạn hơn.
Lấy ví dụ, khi hai người giao tiếp, nếu gặp phải tình huống bất đồng ý kiến, không nên nói: “Cách nghĩ của bạn không đúng, tôi cảm thấy làm như thế này mới tốt hơn”, mà nên nói: “Bạn cảm thấy làm như thế này là được sao?” Hai cách giao lưu này sẽ nhận được hai kết quả khác nhau. Nếu đứng ở góc độ của người khác để nhìn nhận vấn đề, người khác cũng sẽ dễ dàng tiếp nhận quan điểm của bạn hơn; ngược lại, nếu khăng khăng nghĩ rằng mình đúng người khác sẽ cho rằng đó là suy nghĩ chủ quan của bản thân bạn, khó mà tiếp nhận. Bất kể là trong công việc hay trong cuộc sống, nguyên tắc đổi vị trí để suy xét đều đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đương nhiên, có người sống khá tùy ý, khi làm việc không muốn chịu sự gò bó, cảm thấy quá phiền phức và phức tạp khi cứ phải đứng ở góc độ của đối phương để suy nghĩ. Nhưng trên đời không có bữa ăn nào miễn phí, bạn muốn làm được một số việc, thì cần phải bỏ ra cái giá tương đương. Hầu hết các thành công đều là kết quả sau khi đổi vị trí để suy xét vấn đề, bởi chỉ có suy xét từ nhiều góc độ, mới bắt được nhiều tình tiết hơn trong quá trình giao lưu, mới nhìn thấy chỗ người khác không nhìn thấy, mới thực sự khiến người khác cảm thấy thoải mái trong quá trình giao tiếp, bởi bạn biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói.
Mỗi người có một phương thức nhìn nhận vấn đề của riêng mình, cảm nhận về cùng một sự vật cũng khác nhau. Bởi vậy, đổi vị trí để suy xét nói thì đơn giản, nhưng để làm lại là một việc hết sức khó khăn. Khi tiếp xúc với người khác, chúng ta luôn xuất phát từ bản thân, mà không để tâm đến thái độ, cách nhìn nhận của mình đối với người khác. Thực ra, chúng ta có thể làm như thế này, ví dụ khi khen ngợi người khác, đừng nhắm mắt ca tụng một cách tùy tiện, nên tìm đúng yếu điểm để khen ngợi, chạm tới đáy lòng người nghe. Đương nhiên, đây chỉ là cách để thử xem nên dùng phương thức kết nối nào mà thôi. Không phải ai sinh ra cũng đã giỏi giao thiệp với người khác, điều này đòi hỏi chúng ta phải năng đọc sách, học hỏi, quan sát, suy nghĩ, gặp phải chuyện gì cũng nhìn nhận từ các góc độ khác nhau, vừa không chui đầu vào chỗ bế tắc, vừa không làm việc theo cảm tính, dần dà sẽ hình thành nên tư duy cởi mở.