Gần đây, ở Trung Quốc có một bộ phim tài liệu tên là Tôi ở Cố cung tu sửa hiện vật rất nổi tiếng trên một trang web phi chính thống tụ hội những người trẻ tuổi thế hệ 9X.
Trang Bilibili là một trang web chia sẻ video có chủ đề xoay quanh hoạt hình, truyện tranh và trò chơi có trụ sở tại Trung Quốc, người dùng có thể gửi, xem và thêm phụ đề bình luận trên video. Trang web này được ra mắt vào năm 2009, hiện là cộng đồng của người trẻ tuổi đứng đầu Trung Quốc, được người dùng gọi với cái tên thân thiết là “Trạm B”. Những bạn trẻ này thích văn hóa trong thế giới hai chiều, khi xem video sẽ để lại bình luận ngay trên video, dựa theo phán đoán của mình để phân tích, mổ xẻ các sự việc, hiện tượng, quan niệm sống có khác biệt lớn với các thế hệ khác.
Tại sao bộ phim tài liệu được nhắc đến ở trên lại nổi tiếng đến vậy? Nguyên nhân là bởi, đối tượng mà bộ phim này lột tả là những người thợ tu sửa hiện vật, khác hẳn với những bộ phim chỉ tập trung nói về hiện vật như trước đây. Điều khiến người ta kinh ngạc là, đánh giá của ngươi xem dành cho bộ phim này vượt xa các thể loại phim thần tượng và các bộ phim truyền hình đang được ưa thích, đưa nó đứng đầu bảng xếp hạng về phim ảnh.
Trong phim, điều khiến người trẻ cảm thấy chấn động nhất là tinh thần nghệ nhân, cùng với “khí chất đáng quý” ở họ. Từ xưa, tinh thần này đã chảy trong huyết dịch của con người Trung Quốc. Bánh xe lịch sử lăn về phía trước, làn sóng thời đại ùn ùn kéo tới, nhưng cuối cùng sẽ có một số thứ có thể vượt qua sự hạn chế của không gian, vượt qua khoảng cách thế hệ, vĩnh hằng trong dòng chảy của tháng năm.
Khi bước vào Cố cung, bạn không còn nhận ra sự huyên náo của thế giới bên ngoài, chỉ nhìn thấy kết tinh của trí tuệ người Trung Quốc từ ngàn năm nay. Thông thường, mọi người cho rằng những người thợ sửa chữa sẽ thận trọng, dè dặt đối đãi với hiện vật. Thực tế không phải vậy, cái họ có chỉ là một con tim bình thường, để lộ tình yêu tha thiết với cổ vật của cha ông để lại. Khí chất đáng quý ở người thợ, người nghệ nhân chúng ta khó có thể miêu tả bằng những câu từ hoa lệ. Họ dùng trái tim để theo đuổi sự hoàn mỹ, có lòng kiên nhẫn và kiên trì với những thứ nhỏ nhặt. Đối với họ, tinh thần người thợ chính là “ngồi yên được, kiên nhẫn bền bỉ, không chắp vá”.
Trong thời đại hiện nay, mọi người thường thích theo đuổi hiệu suất cao, cho rằng “ngồi yên được” đồng nghĩa với bảo thủ, “kiên nhẫn bền bỉ” đồng nghĩa với hiệu suất thấp, mà không biết rằng, mọi lợi ích trước mắt đều chỉ là tạm thời, xốc nổi trong lòng có thể sẽ khiến họ trắng tay.
Trong thời đại biến chuyển từng ngày, có những người theo đuổi những thứ mới mẻ ở hiện tại, nhưng chúng ta cần có những người có thể tĩnh tâm, kiên trì gìn giữ và kế thừa truyền thống, bởi có nhiều việc nếu không có tinh thần “ngồi yên được trên băng ghế lạnh” thì không thể hoàn thành được. Không chỉ riêng công việc tu sửa hiện vật, mà rất nhiều công việc khác đều đòi hỏi tinh thần “đã tốt còn muốn tốt hơn” ở người thực hiện.
Người thợ sở dĩ có thể trở thành nghệ nhân, không chỉ là vì họ làm việc cần mẫn không kể ngày đêm. Chúng ta phải biết rằng, cái họ theo đuổi là chất lượng sản phẩm, họ tạo ra sản phẩm bằng tâm huyết lớn. Một nghệ nhân đồ đồng tên Khuất Phong hiểu về nội hàm nghệ nhân như sau: “Người Trung Quốc xưa chú trọng nguồn gốc của sự vật, chính là lấy mình quan sát vật, rồi lại lấy vật quan sát mình. Mọi đồ vật trong Cố cung đều có sinh mệnh. Trong quá trình chế tạo chúng, con người luôn nghĩ cách gửi gắm tâm hồn, tình cảm của mình vào trong đó. Người sống ở đời, đều muốn lưu lại chút gì đó, cảm thấy có như vậy bản thân mới có giá trị.”
Nghệ nhân tu sửa đồng hồ cung đình tên Vương Tân đứng trước tủ trưng bày, nhìn chiếc đồng hồ được sửa chữa bằng tâm huyết của bản thân bày ra trước mặt mọi người, trong lòng lại dâng lên chút cảm xúc mất mát. Theo thầy Vương, mọi người chỉ có thể cảm nhận được vẻ tinh tế bên ngoài của chiếc đồng hồ, mà không thể cảm nhận được thuộc tính nội tại tuyệt đẹp của nó. Các bạn trẻ thế hệ 9X xem phim tài liệu mà rơi lệ vì thầy Vương, vì cảm động sâu sắc trước tinh thần nghệ nhân không chắp vá, không tạm bợ của thầy.
Nếu tỉ mỉ nghiên cứu về nguyên nhân đã khiến một bộ phim tài liệu có nội dung về lĩnh vực tương đối xa lạ lại thu hút được sự chú ý của đông đảo các bạn trẻ như thế, chúng ta sẽ phát hiện ra thứ khiến người xem cảm động không phải là vật, mà là người tạo vật. Chính phẩm chất cao thượng của người tạo vật đã chạm đến trái tim của người xem, khiến bộ phim thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Bởi vì chúng ta sống trong xã hội loài người, đánh giá của chúng ta về tất cả sự vật, hiện tượng đều phải quay về với bản thân con người.
Chúng ta cùng xem một ví dụ khác. Cổ cầm là nhạc khí dân tộc của Trung Quốc, còn được gọi với những cái tên khác như dao cầm, thất huyền cầm hay ngọc cầm. Chước cầm, chính là một môn nghệ thuật tiến hành chế tác cổ cầm, cần người thợ có kỹ thuật chuyên môn thực hiện, có những yêu cầu cao như đàn phải thể hiện được tán âm, phiến âm, sự cân bằng của âm sắc.
Thật khó để tưởng tượng “thế hệ 9X” và “chước cầm” lại có mối liên hệ với nhau. Thế nhưng, lại có một bạn trẻ “dị thường”, sống trong một căn nhà cổ ở Mân Nam, chuyên chú gia công và chế tác cổ cầm đã được bốn năm, mỗi lần làm một cây đàn mất thời gian một năm. Tên cậu là Phong Lộ.
Phong Lộ là người Ngọc Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc, hồi nhỏ có hứng thú với chạm khắc gỗ, thích làm một số món đồ nhỏ. Hồi cấp Ba, cậu vô tình tiếp xúc với cổ cầm, bị thanh âm tuyệt diệu của nó mê hoặc, rồi phải lòng nó. Trong thời gian học đại học, cậu bỏ ra rất nhiều thời gian và tinh lực tự học chơi cổ cầm. Chuyên ngành cậu học là Điêu khắc, sau khi tốt nghiệp, cậu làm công việc điêu khắc và tạo hình gốm ở Sùng Vũ, Huệ An, Trung Quốc, cứ có thời gian rảnh rỗi là cậu lại luyện chơi cổ cầm. Song song với việc chơi đàn, cậu cũng nảy sinh hứng thú với việc chế tác cổ cầm. Cậu muốn kết hợp chuyên ngành và sở thích của mình, nên đã đi khắp nơi tìm thầy học kỹ nghệ chế tác đàn.
Để làm ra một chiếc đàn tốt cần phải chú trọng đến khâu lựa chọn nguyên liệu, nguyên liệu tốt là sự đảm bảo cho một chiếc đàn chất lượng. Trước khi tiến hành chế tác cổ cầm, cần phải chọn được loại gỗ tốt nhất. Dựa trên nghiên cứu về cổ cầm, thông thường Phong Lộ sẽ lựa chọn gỗ linh sam cổ và gỗ ngô đồng. Kể từ khi làm công việc chế tác đàn đến nay, cậu luôn quan tâm đến tin tức về việc dỡ bỏ và di dời của các căn nhà xung quanh để kịp thời chọn được những khúc gỗ tốt, chuẩn bị cho việc tạo đàn. Để hoàn thành một chiếc đàn tuyệt đối không phải là chuyện dễ dàng. Sau khi lựa chọn nguyên liệu xong, còn phải tiến hành gia công gỗ, điều này cần ít nhất vài tháng. Phong Lộ nói như thế này: “Tuy những khúc gỗ này đều là gỗ già một, hai trăm tuổi, nhưng gỗ dù có khô đến mấy sau khi bào ra cũng có lượng nước nhất định. Trong quá trình sấy khô, nên để độ ẩm của gỗ đạt tới độ cân bằng, như vậy sẽ có hiệu quả định hình. Sau đó, cần phải bào nhẵn và sơn hay chính là công đoạn gia công và làm đẹp trong quá trình tạo đàn. Đây là một quá trình khá quan trọng, quyết định vẻ ngoài của cây đàn.” Giống như chế tạo những nhạc cụ khác, chế tạo cổ cầm cũng cần chỉnh âm. Theo Phong Lộ thấy, chỉnh âm cũng là một quá trình hưởng thụ. Tiếng lòng của cậu sẽ rung động theo tiếng đàn, trong quá trình thử âm vừa cảm thấy kinh ngạc và vui mừng, vừa cảm thấy mất mát.
“Chế tạo cổ cầm có thể khiến lòng tôi tĩnh lại, chuyện vui mừng nhất chính là được chơi chiếc đàn do mình tạo ra, nghe dư âm cổ cầm vừa xa xôi, lại vừa vang vọng bên tai”, Phong Lộ nói tự đáy lòng. Hiện tại, mỗi ngày cậu đều ngồi trong phòng làm việc để chế tác đàn, chơi đàn, thần thái chuyên chú và bình tĩnh không giống một người thuộc thế hệ 9X.