Trước hết nói về “tinh thần nghệ nhân” (Craftsman’s spirit), một cách đơn giản nhất đó chính là tinh thần của các nghệ nhân bậc thầy: luôn theo đuổi sự sáng tạo vô biên, luôn chăm chút kỹ lưỡng cho từng sản phẩm, luôn nhiệt tình phục vụ yêu cầu của khách hàng... Và nội hàm của khái niệm này có thể quy về bốn chữ: yêu nghề, cầu toàn, chuyên chú, sáng tạo.
Đã tròn sáu năm kể từ khi cuốn sách đầu tiên của tôi có tên Tinh thần nghệ nhân được xuất bản vào năm 2013. Trong sáu năm qua, tôi đã cho ra mắt thêm ba tác phẩm về đề tài tinh thần nghệ nhân, và nuôi chí phải dốc hết sức lực cả đời để truyền bá tinh thần nghệ nhân này.
Năm 2018, cuốn sách Tinh anh công sở 4.0: Trở thành nhân viên mà máy móc không thể thay thế này được xuất bản với thông điệp thời đại mới tạo ra nghệ nhân mới, nghệ nhân mới tạo giá trị mới.
Tinh thần nghệ nhân mới, “mới” ở đâu?
Charlie Thomas Munger – cộng sự của thần cổ phiếu Warren Buffett từng nói rằng: “Mục đích người trưởng thành học tập, có lẽ là để theo đuổi mô thức tư duy tốt hơn, chứ không chỉ là đạt được tri thức.” Trong mô thức tư duy lạc hậu, dù lượng thông tin có nhiều đến mấy, thì cũng chỉ là sự lặp lại với trình độ thấp.
Tinh thần nghệ nhân mới, mới ở “tư duy”. Ngày hôm nay, khoa học và công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, xã hội loài người sắp phải đối mặt với sự tấn công mãnh liệt của làn sóng trí tuệ hóa, trong các lĩnh vực sắp xuất hiện cuộc cách mạng mang tính mở đầu trước nay chưa từng có. Internet Vạn Vật (Internet of things) sẽ trở thành một xu thế, trí tuệ nhân tạo đã hiện diện, đồng thời sáng tạo ra tương lai.
Nếu nói trí tuệ nhân tạo là một chuyến hành trình, vậy thì chuyến hành trình này đã bắt đầu lăn bánh. Giống như rất nhiều sự vật mới mẻ khác, trí tuệ nhân tạo đang không ngừng phát triển, mang đến cho chúng ta cả cơ hội và thách thức. Điều này đòi hỏi chúng ta phải không ngừng học tập, nâng cao khả năng nhận thức, khả năng sáng tạo, khả năng thích ứng và khả năng hợp tác của bản thân, mới có thể có được nhận thức tương đối rõ ràng về hiện tại và tương lai, từ đó đưa ra lựa chọn hợp lý. Đồng thời, điều này cũng đang trải đường cho tương lai của chúng ta, bởi vì dựa theo sự phân công của xã hội trí tuệ, lao động sáng tạo sẽ chiếm vị trí chủ đạo. Trong thời đại mới, chúng ta phải xác định lại vị trí của bản thân, phải cố gắng trở thành một người lao động sáng tạo trong tương lai, chỉ có người lao động sáng tạo mới có tương lai. Tư duy của người lao động sáng tạo chính là tư duy của người nghệ nhân mới.
Chúng ta phải suy nghĩ cho rõ ràng, rằng chúng ta muốn trở thành một người như thế nào – người có tín ngưỡng, có chí tiến thủ, kiên định, làm việc đến nơi đến chốn, hay là kẻ nhu nhược, suy nghĩ thiển cận, không có chí tiến thủ. Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến thành công của một người, ví dụ như năng lực cá nhân, trang bị tri thức, điều kiện gia cảnh… Song muốn có được thành tựu trong sự nghiệp, thì cần phải có tư duy hạng nhất, đặc biệt là tư duy nghệ nhân mới hạng nhất.
Trong thời đại mới, tinh thần nghệ nhân mới không những là sự kế thừa và gìn giữ nghệ thuật chế tác của tổ nghề, mà còn hàm chứa cả tấm lòng tôn trọng đối với sự sáng tạo của khoa học công nghệ. Chúng ta không những phải kế thừa tinh thần “đã tốt còn yêu cầu tốt hơn” của nghệ nhân, kiên định chuyên chú, mà còn phải thông qua sáng tạo để tạo ra giá trị phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, mới có thể khiến tinh thần người nghệ nhân tỏa ra vầng hào quang của thời đại mới.
Tinh thần nghệ nhân mới, mới ở “thái độ sống”. Một đời chỉ làm một công việc, một đời chỉ phấn đấu làm thật tốt một công việc, là có thể làm ra được sản phẩm đỉnh cao khiến vô số người rung động vì nó. Đây không chỉ là một loại phẩm chất, mà hơn thế còn là một kiểu tinh thần “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Nếu dùng thời gian một đời phấn đấu làm tốt một công việc, sẽ không ai có thể sánh kịp bạn trong công việc này. Dùng tấm lòng cầu toàn trong công việc để làm mỗi việc đến mức tốt nhất, thế giới trở nên tươi đẹp hơn. Nếu chúng ta quyết định dùng một đời để làm tốt một công việc, cớ gì phải oán trách sự hi sinh của ngày hôm nay không nhận được báo đáp kia chứ? Mọi oán trách đều là bởi chúng ta cơ bản không suy nghĩ rõ ràng muốn làm công việc này trong bao lâu. Trong tương lai, sẽ có hai loại công việc có tiền đồ xán lạn: công việc có liên quan đến sức sáng tạo và công việc đòi hỏi phải có tình yêu.
Tinh thần nghệ nhân mới, mới ở “trách nhiệm”. Kế hoạch có tốt đến mấy, nếu không đưa vào hành động, đồng nghĩa với con số 0; hành động rồi, nhưng không kiên trì làm cho đến cùng, vẫn đồng nghĩa với con số 0. Xã hội đang không ngừng phát triển, đòi hỏi chúng ta phải học tập suốt đời. Cố gắng học, học nữa, học mãi, đưa học tập vào cuộc sống, là tâm thái mà con người hiện đại nên có. Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Không quên tâm nguyện thuở ban đầu, rồi sẽ thành công.” Tâm nguyện thuở ban đầu là gì? Chính là kế hoạch mà bản thân vạch ra ở điểm khởi đầu của cuộc đời, cũng là ước mơ ban đầu của bản thân, là mục tiêu chúng ta dốc cả đời để thực hiện.
Trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, chúng ta sẽ có muôn vàn ước mơ, chỉ có điều cùng với sự chảy trôi của thời gian, sự mài giũa của cuộc sống, chúng ta đã quên mất con đường cần đi, quên cả ước mơ thuở ban sơ, thay vào đó là ngày càng cố chấp với mọi thứ ở trước mắt. Nhưng ước mơ là điểm khởi đầu của một người, không quên tâm nguyện thuở ban đầu, chúng ta mới rõ ràng mình từ đâu tới, muốn đi đến đâu. Bất kể chúng ta bao nhiêu tuổi, đều phải có dũng khí đặt chân lên chuyến hành trình mới. Tất thảy dũng cảm, tất thảy yếu đuối, tất thảy những bôn ba và gian khổ, đều là để thực hiện ước mơ khi chúng ta khởi hành.
Hãy gỡ bỏ những gánh nặng không thể gánh vác trong cuộc đời, từ bỏ những ham muốn không cần thiết, sự cố tình theo đuổi thường đổi lấy những phiền muộn. Cuộc sống không thể chứa đựng quá đầy, hãy giữ lại một chút không gian cho bản thân, để chúng ta còn nhớ con đường muốn đi, còn nhớ tâm nguyện tươi đẹp thuở ban đầu kia.
Đối với tương lai xa xôi không thể biết trước, có thể chúng ta sẽ lo lắng, nhưng trên thực tế, chỉ cần sống tốt mỗi ngày ở hiện tại, làm tốt mỗi việc nên làm ở hiện tại, thì mọi thứ đều sẽ như “nước chảy thành sông”. Mỗi lần lột xác, mỗi tiến bộ nhỏ, đều đồng nghĩa với việc chúng ta đã đến gần hơn với lí tưởng thêm một bước. Bất luận chúng ta lựa chọn cách sống như thế nào, đều nên để mỗi giai đoạn trong cuộc sống đều tỏa sáng lấp lánh.
Cuốn sách này sẽ nói cho chúng ta biết, làm thế nào để trở thành nhân tài hiếm có trong cuộc thách thức của trí tuệ nhân tạo, cung cấp cho ta quan niệm, phương pháp, các bước thực hiện điều đó. Ở đây có triết học tối giản, triết học thờ phụng chữ “nhất”, có sự chỉ đường cho ước mơ, kim chỉ nam cho hành động. Dưới sự chỉ dẫn của tinh thần nghệ nhân mới, chỉ cần chúng ta nỗ lực thực hiện, mọi việc đều có thể thành công.
Phó Thủ Vĩnh
Bắc Kinh, 27 tháng 4 năm 2018