Mặt không sân hận dâng cúng dường
Miệng thường khen ngợi ngát thơm hương
Từ bi tâm ấy là vô giá
Hào quang chiếu phúc thọ an khương.
Kính bạch chư tôn đức, thưa quý Phật tử cùng các vị khách quý!
Hôm nay tôi chia sẻ cùng quý vị phần thứ ba của pháp thoại “Tư tưởng Tịnh độ và cuộc sống hiện đại”.
Xin hỏi quý vị: Chúng ta đang sống ở một nơi như thế nào?
Đương nhiên là chúng ta sống trong gia đình, các thành viên trong gia đình đều là anh chị em và người thân. Chúng ta sống chung với nhau nhưng tư tưởng, quan điểm, thói quen sinh hoạt vẫn có những khác biệt, dẫn đến những mâu thuẫn bất hòa trong gia đình. Ngoài cuộc sống gia đình, phần lớn thời gian còn lại chúng ta làm việc trong cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, mọi người cùng nhau làm việc, phân chia trong công việc thỉnh thoảng cũng xảy ra tranh chấp, va chạm.
Nếu bây giờ tôi lại hỏi: Mọi người đang sống nương vào đâu? Chúng ta cũng có thể nói, chúng ta sống nương vào tiền tài vật chất. Vì sao? Chúng ta đi đến đâu, ở bất cứ nơi nào cũng cần dùng đến tiền, lúc nào cũng nghĩ đến tiền bạc. Tiền bạc khiến chúng ta phải so đo tính toán, tiền bạc khiến chúng ta bất an. Chúng ta cũng sống nương vào tình cảm, sống trong tình yêu. Tình cảm ngọt ngào ấm áp nhưng cũng đem đến cho chúng ta biết bao rắc rối, phiền não, khổ đau. Quý vị thấy đấy, nơi mà chúng ta đang sống vốn không an toàn, chẳng tốt đẹp, cũng không phải là nơi vui vẻ, hạnh phúc. Điều chúng ta muốn chính là được sống ở cõi Tịnh độ.
“Mỗi bông hoa một thế giới, mỗi chiếc lá một Đức Như Lai”, chúng ta đã biết chư Phật đều có cõi Tịnh độ riêng của các Ngài. Cõi Tịnh độ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phải trải qua ba kiếp tu phúc tuệ, một trăm kiếp tu tướng tốt mới thành tựu. Đức Phật A Di Đà phát 48 nguyện lớn thành tựu cõi Tịnh độ Cực Lạc. Đức Phật Dược sư phát 12 nguyện lớn mới thành tựu cõi Tịnh độ Lưu Ly ở phương Đông. Chư Phật, chư vị Hiền Thánh Tăng, các Ngài đều dùng nguyện lực từ bi của mình để xây dựng cõi Tịnh độ của quý Ngài.
4.1 - Làm thế nào xây dựng Tịnh độ nhân gian?
Sau đây, tôi sẽ trình bày với quý vị, làm thế nào để xây dựng Tịnh độ nhân gian của chúng ta.
4.1.1 - Xây dựng Tịnh độ từ mắt, tai, mũi và miệng
Khi mắt chúng ta nhìn thấy những điều không đúng, thường có suy nghĩ “mắt không thấy là thanh tịnh”, nhưng trong lòng lại không thể nào thanh tịnh được. Chúng ta không phải là người điếc, không thể không nghe những điều nghịch nhĩ, chói tai. Vì vậy chúng ta cần xây dựng Tịnh độ nhân gian và trước tiên chúng ta phải trang nghiêm Tịnh độ của mắt, tai, mũi, miệng. Đối với đôi mắt, luôn dùng mắt từ bi nhìn ngắm chúng sinh, tôn trọng những người xung quanh, quan tâm mọi người và đem đến cho họ sự ấm áp. Miệng nên thường nói lời hay ý đẹp khiến mọi người vui vẻ, nói lời động viên an ủi người khác, góp ý xây dựng, khuyến khích ngợi khen. Hãy luôn nở nụ cười trên môi, hiền lành, hòa ái, ánh mắt từ bi, trên môi luôn nở nụ cười, nói lời hay ý đẹp, đấy chính là Tịnh độ nhân gian. Phật giáo có bài kệ sau:
Mặt không sân hận dâng cúng dường
Miệng thường khen ngợi ngát thơm hương
Từ bi tâm ấy là vô giá
Hào quang chiếu phúc thọ an khương.
4.1.2 - Xây dựng Tịnh độ trong đi, đứng, nằm và ngồi
Chúng ta khi tham gia giao thông, dù bằng phương tiện xe máy hay xe hơi đều phải tuân thủ luật lệ giao thông, không nên tranh giành, tất cả đều phải tuân theo quy định. Đây chính là Tịnh độ của việc đi lại. Giống như quý vị đến nghe pháp ở Trung tâm Văn hoá Trung Chính. Nhân viên ở đây đều khen ngợi quý vvị rất tuân thủ nội quy, sự trật tự, an hòa và nghiêm túc. Đấy chính là Tịnh độ của tín đồ Phật giáo chúng ta, mọi người đi đến đâu thì ở đấy chính là Tịnh độ.
Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, chúng ta có thể cư xử bình tĩnh, biết tiến biết lùi, mọi hành xử đều tự nhiên, thanh tao cao thượng, đấy chính là Tịnh độ trong đi, đứng, nằm và ngồi. Phật giáo dạy về tứ oai nghi: “đi nhẹ như gió thoảng, đứng nghiêm như cội tùng, ngồi vững như hồng chuông, nằm uy như cây cung”. Mỗi người chúng ta đều thực hiện được như thế, giữ gìn oai nghi đi đứng nằm ngồi, mỗi mỗi cử động thì khắp nơi đều là Tịnh độ.
Công phu tu tập của các vị thiền sư xưa, thực sự họ đã xem mọi thứ xung quanh đều là Tịnh độ. Khi Triệu Vương đến thăm thiền sư Triệu Châu, thiền sư nằm trên giường mà tiếp chuyện: “Tôi già rồi, thường ngày ăn chay, tuổi cao sức yếu, nay lại không khỏe trong người, đành nằm đây nghinh tiếp ngài, xin ngài lượng thứ cho tôi”.
Triệu Vương không mấy bận tâm, vui vẻ trò chuyện cùng Thiền sư. Khi trở về, ông liền sai tướng lĩnh thuộc hạ của mình đem rất nhiều lễ vật đến cúng dường Thiền sư Triệu Châu.
Lễ vật đem đến, Thiền sư Triệu Châu lập tức y áo chỉnh tề, mũ mão trang nghiêm, đến trước cổng cửa mà nghênh đón. Chúng đệ tử ngạc nhiên mới hỏi: “Sư phụ! Đại vương đích thân đến, sư phụ nằm mà tiếp chuyện với Ngài, sao bây giờ lại đến tận cổng nghênh đón vậy?”
Thiền sư Triệu Châu trả lời: “Các ông không biết đấy thôi, tôi ở trong ba cõi Tịnh độ thì y theo thứ bậc của ba cõi Tịnh độ mà đón khách đến thăm? Nằm trên giường là Tịnh độ bản lai diện mục của tôi, dùng Tịnh độ thượng đẳng để tiếp kiến bậc thượng khách. Khi tiếp đón khách hạng thứ thì phải xuống phòng khách dùng Tịnh độ của lễ nghi mà đón tiếp. Khi tiếp khách bình thường thì phải ra đến cửa dùng Tịnh độ hòa khí của thế tục mà chào đón”.
4.1.3 - Xây dựng Tịnh độ hòa hợp giữa các mối quan hệ
Sở dĩ người với người không thể vui vẻ, hòa hợp, thường xảy ra những hiểu lầm, oán hận, là vì họ bị ngăn cách bởi một bức tường vô hình, bức tường này làm cho các mối quan hệ ngày càng xa cách. Điều chúng ta cần làm là ngồi lại cùng trò chuyện, chia sẻ để hóa giải những nghi ngờ mà cảm thông, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Khi giao tiếp với nhau, chúng ta cần cởi mở, trung thực, có qua có lại. Sự hài hước, hóm hỉnh sẽ là chất xúc tác để hóa giải những căng thẳng, hiểu lầm, tăng cường sự đoàn kết, hợp tác. Như vậy, Tịnh độ được tồn tại giữa người và ta.
Theo học với Thiền sư Dương Chi Phương Hội đã lâu mà Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan vẫn chưa giác ngộ. Một hôm, Thiền sư Phương Hội mới hỏi ông: “Này, ông còn nhớ Hòa thượng Trà Lăng Uất, người đã xuống tóc cho ông không? Ông có biết Hòa thượng đã giác ngộ thế nào không?”
“Dạ biết. Hòa thượng đi qua cây cầu không cẩn thận bị ngã và ngài đã giác ngộ”.
“Sao ông biết Hòa thượng khi đó giác ngộ?”
“Dạ, lúc đó Hòa thượng có đọc một bài kệ nói về sự giác ngộ của mình, nhờ đó nên con mới biết”.
Bài kệ ấy là:
Tôi có viên ngọc sáng
Bụi bặm bám đã lâu
Bụi bay ngọc lại sáng
Soi khắp cùng núi sông.
Thiền sư Phương Hội nghe xong, lặng yên không nói gì, cười ha ha rồi bỏ đi. Nụ cười của Thiền sư Phương Hội làm cho Bạch Vân Thủ Đoan trong lòng bất an, lo lắng, không biết nên làm thế nào: “Lẽ nào mình nói sai điều gì?” Tiếng cười đấy làm cho ông ăn không ngon, ngủ không yên.
Rồi một hôm, ông lấy hết can đảm mới hỏi Thiền sư Phương Hội: “Con đọc bài thơ của sư phụ, sao Ngài lại cười con như vậy?”
Thiền sư Phương Hội bảo: “Ông không có tiền đồ gì cả. Ở sân trước chùa mình, có người diễn trò hề, họ làm biết bao trò chỉ vì muốn chọc cười thiên hạ. Người diễn trò hề cũng không thể làm ông cười, sao lại vì nụ cười của ta mà ăn không ngon, ngủ không yên vậy, như thế làm sao mà tu thiền được?”
Nếu trong lòng chúng ta không có Tịnh độ, chúng ta dễ dàng bị cám dỗ bởi vật chất, bị chi phối bởi ngoại cảnh. Mọi cảm xúc buồn vui giận hờn đều bị người khác kiểm soát, không thể làm chủ mình. Bản thân không có ý chí kiên định rõ ràng, không thể tự mình quyết định cuộc sống, điều này chắc chắn sẽ rất đau khổ.
Khi một cô gái được khen: “Tiểu thư à, quần áo cô mặc đẹp quá!” thì hết sức vui mừng. Nhưng thực ra, quần áo đẹp có liên quan gì đến khí chất dung mạo con người? Chúng ta nên thản nhiên với những lời phê bình chỉ trích, cũng như những lời tán dương khen ngợi của người khác. Điều chúng ta cần làm lập kế hoạch, đặt ra mục tiêu trong công việc, xây dựng Tịnh độ cho chính mình.
Con người sống trên đời, làm việc để nuôi sống bản thân. Tôi nghĩ rằng quý vị ai cũng đều trải qua những khó khăn gian khổ, ai cũng có những oan ức khó nói thành lời. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng người khác không tốt, ví dụ: Cảnh sát không tốt, chuyên lo việc bao đồng; giáo viên cũng không tốt, thiếu nghiêm túc trong giảng dạy; ngay cả học sinh cũng không tốt, chẳng chăm chỉ học tập; cho đến cấp trên không tốt, chưa biết chăm lo cho cấp dưới; lại nghĩ nhân viên không tốt, không siêng năng làm việc, v.v. Vậy cuối cùng những người tốt trên cuộc đời này, họ đã biến mất đi đâu?
Chúng ta cần nhìn nhận lại những chỉ trích của người đối với mình, từ đó tự kiểm điểm bản thân. Mọi việc bắt đầu từ việc tự xem xét bản thân thì quan hệ giữa người với người sẽ nhanh chóng được cải thiện. Chúng ta sẽ nhận ra rằng mỗi người một thế mạnh và ai cũng có mặt tốt của mình. Nghĩ được như vậy, mọi người sẽ chủ động và có trách nhiệm trong công việc, thậm chí chỉ nghĩ đến lợi ích tập thể mà quên đi lợi ích cá nhân, sống vì mọi người. Ông chủ hay nhân viên đều không có sự phân biệt, làm việc càng thêm hăng say và thành tựu.
Vừa rồi, quý vị đã được xem tiết mục “Bài thơ Hoàng đế Thuận Trị khen ngợi nhà sư” do nữ sinh viên thuộc Viện Nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc Phật Quang Sơn biểu diễn. Ngày trước là tiết mục “Tam quy y” bằng tiếng Pali của các nam sinh viên. Hơn một trăm vị xuất gia trẻ, khi phát nguyện xuất gia, đều được tôi hỏi một câu đơn giản như thế này: “Con muốn xuất gia ở Phật Quang Sơn, con có biết Phật Quang Sơn là của ai không?” Một số người đã không vượt qua được câu hỏi của tôi bởi vì họ trả lời: “Phật Quang Sơn là của sư phụ”. Nếu Phật Quang Sơn là của tôi, quý vị xuất gia ở đây cũng giống như khách của chùa, được dăm ba bữa lại phải về nhà. Xuất gia vội vội vàng vàng, rời đi cũng vội vội vàng vàng, nhận thức sai lầm như thế, tôi sẽ không nhận làm đệ tử. Câu trả lời mà tôi mong muốn chính là: “Con xuất gia ở Phật Quang Sơn, thì Phật Quang Sơn là của con!”
Bất kể làm công việc gì, sống ở đâu, tham gia hoạt động nào, chỉ cần trong lòng nghĩ rằng đó là việc của bản thân thì bạn sẽ vui vẻ, yêu thương và bảo hộ nó giống như trên người đang bị thương cần được chăm sóc.
Vì vậy, trong công việc cũng như các mối quan hệ, nếu chúng ta có thể phá bỏ ranh giới giữa người với ta, xem người như mình thì cách đối nhân xử thế của chúng ta sẽ khác đi rất nhiều. Xem cha mẹ người khác giống như cha mẹ mình, thậm chí là ông chủ, đồng nghiệp, bạn bè, mọi việc đều là việc của mình. Từ đó, chúng ta sẽ phấn khởi làm việc, toàn tâm toàn ý trong công việc.
Thỉnh thoảng chúng ta có việc đến phòng quản lý hộ khẩu, thủ tục ở đây vốn chỉ một lần là làm xong, nhân viên bảo: “Này, anh thiếu bản sao hộ khẩu!”
Lấy bản sao hộ khẩu đem đến, anh ta lại nói: “Sao anh không đem chứng minh nhân dân?”
Chúng ta trở về cầm chứng minh nhân dân đến, anh ta nói: “Sao anh lại không đem theo con dấu?”
Chúng ta đành trở về nhà lấy con dấu, chạy tới chạy lui như thế, thủ tục một lần mà làm mấy ngày, thậm chí mấy tuần mới xong.
Điều lệ thanh niên có ghi: “Lấy việc giúp đỡ mọi người làm niềm hạnh phúc”. Nhưng nhiều người lại không có quan niệm này, thậm chí họ sửa thành: “Lấy việc giày vò người khác làm niềm hạnh phúc”. Họ có quyền hành, họ thao túng người khác. Cách nghĩ này là lệch lạc, hết sức ngu ngốc.
Chủ tịch công ty Thống Nhất, ông Ngô Tu Tề từng chia sẻ với tôi: “Sự nghiệp của tôi thành công thực ra đơn giản lắm. Lúc đầu tôi cũng chỉ là một công nhân bình thường, nhìn thấy mọi người ở quê lên đây làm việc, họ không biết chữ, không biết viết đơn, tôi chủ động giúp họ viết đơn. Con người tôi muốn tạo điều kiện cho người khác, muốn kết duyên lành với mọi người, tôi chăm chỉ nỗ lực trong công việc. Đây có lẽ là bí quyết thành công của tôi”.
Lúc Thiền sư Suzuki người Nhật Bản sắp lâm chung, bà con, bạn bè, học trò đến thăm, ông đã nói một câu rất hay, rất nổi tiếng: “Cảm ơn mọi người!” Dứt lời ông nhắm mắt ra đi. Con người ông thật là vĩ đại, bất kể là thời điểm nào, ngay cả giờ phút lúc lâm chung, ông vẫn rất quan tâm, ân cần và hòa ái với mọi người.
4.1.4 - Xây dựng Tịnh độ môi trường sống của chúng ta
Nhà cửa phải gọn gàng sạch sẽ, môi trường xung quanh phải được chăm sóc và vệ sinh, Tịnh độ của cuộc sống chính ở nơi đây. Cõi Tịnh độ Cực Lạc của Đức Phật Di Đà, ngoài việc trang nghiêm Tịnh độ trong lòng còn được trang nghiêm bằng nước tám công đức, bao quanh bởi bảy lớp lưới báu, bảy hàng cây báu. Tại sao phải được bao phủ bởi bảy lớp lưới báu, bảy hàng cây báu, hoa sen bốn màu? Đây chính là không gian màu sắc tươi sáng, đẹp đẽ. Tại sao thế giới Cực Lạc lại có các loài chim Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Vũ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng liên tục ngày đêm hót lên những pháp âm vi diệu? Bởi vì âm nhạc có thể làm thay đổi tính khí của con người. Tại sao thế giới Cực Lạc dùng vàng trải đất, lầu gác bảy báu cũng dùng vàng để trang nghiêm? Bởi vì bề mặt được phủ bởi vật liệu cao cấp nhất sẽ duy trì mức độ sạch sẽ lâu nhất, dùng vật liệu tốt nhất để trang nghiêm nơi ở. Vì thế, chúng ta thấy Đức Phật A Di Đà không chỉ là một kỹ sư vĩ đại mà còn là cục trưởng của cục bảo vệ môi trường.
Ngày nay, mọi người vốn không chú trọng đạo đức cộng đồng, cũng như vệ sinh công cộng, nhưng lại xem trọng nơi ở của mình: Ghế sofa trong phòng khách nhất định phải là loại cao cấp, giấy dán tường phải là hàng nhập khẩu, ngay cả thiết bị vệ sinh cũng phải sang trọng. Điều đáng tiếc chính là mọi người chẳng ai so sánh xem tâm hồn người nào thanh tịnh nhất?
Để thực sự nâng cao chất lượng cuộc sống, chúng ta không nên chỉ so bì vật chất cao thấp, sang hèn mà nên so sánh về mặt tinh thần. Hãy nhìn xem gia đình nào thanh cao, từ bi nhất? Môi trường sống nhà nào sạch sẽ nhất, tốt đẹp nhất? Phẩm chất đạo đức và văn hóa nhà nào là tốt nhất?
4.1.5 - Xây dựng Tịnh độ tư tưởng và suy nghĩ
Có những rắc rối và ngu ngốc trong suy nghĩ, cũng có những rắc rối và ngu ngốc trong tư tưởng. Chúng ta cần xây dựng Tịnh độ, tịnh hóa tư tưởng và suy nghĩ là điều hết sức quan trọng.
Tôi lấy ví dụ, chúng ta rất dễ tin tưởng lời nói của người khác hoặc quá hiền lành nên nhiều khi bị thiệt thòi. Tại sao lại vậy? Bởi vì chúng ta luôn nghĩ rằng thế giới này tốt đẹp.
Chỉ cần chúng ta xây dựng Tịnh độ tư tưởng và suy nghĩ, tôi tin tưởng ngày mai thế giới sẽ tốt đẹp hơn, muốn được như thế điều chúng ta cần làm chính là:
a. Sẵn sàng phản tỉnh
Phật giáo dạy rằng quay đầu là bờ, quay đầu chính là phản tỉnh để sửa đổi, hình thành nên Tịnh độ tư tưởng và suy nghĩ của chúng ta.
b. Tịnh hóa tâm hồn
Tâm hồn thay đổi, tịnh hóa chính là Tịnh độ của chúng ta. Chúng ta không cần thay đổi người ném bóng, người đánh bóng, không cần thay đổi trọng tài, không cần thay đổi khán giả, chỉ cần trong lòng thay đổi thì Tịnh độ hiện tiền. Trong số quý vị, không ít người ngày đầu đến nghe giảng, ngày thứ hai cũng đến, ngày thứ ba cũng đến nghe. Người nghe của chúng ta không đổi bởi vì người nghe của chúng ta chính là Tịnh độ.
Ngoài việc thay đổi tịnh hóa tâm hồn, những việc khác không thể tùy tiện thay đổi. Như có người muốn ly hôn, muốn đổi ông chồng, muốn thay vợ mới, người thay đổi bạn bè, thay đổi môi trường sống, đổi công việc, đổi tới đổi lui, thay đổi đâu chắc sẽ tốt hơn, đôi khi còn tổn thương tình cảm. Chỉ cần thay đổi tâm, thay tâm chán ghét thành tâm hoan hỷ, tâm dao động thành tâm tin tưởng, như thế thì vợ chồng mãi là vợ chồng, bạn bè mãi là bạn bè. Như tôi làm người xuất gia cũng gần năm mươi năm, tôi không thay đổi, đời này không đổi, không những đời này không đổi mà đời sau cũng vậy, vẫn làm người xuất gia.
c. Xoay chuyển tâm hồn
Xoay chuyển tâm hồn chính là Tịnh độ của chúng ta. Mỗi người trong đối nhân xử thế cần phải uyển chuyển, chuyển đổi vị trí để suy nghĩ, chừa không gian cho cả hai phía. Như thế mọi người đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ, hai bên đều có lợi. Đây chính là Tịnh độ.
d. Thay đổi tính cách
Thay đổi tính cách chính là Tịnh độ của chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta cần không ngừng sửa đổi khuyết điểm, tập khí, tính cách, phương pháp làm việc và phải biết cầu tiến. Người khác không thay đổi, chúng ta thay đổi; xã hội không thay đổi, chúng ta hãy thay đổi. Đây chính là chí lớn, chính là Tịnh độ của chúng ta vậy.
Chỉ cần chúng ta quay đầu, chỉ cần chúng ta thay đổi tâm hồn, thay đổi tính cách, biết cách xoay chuyển thì những suy nghĩ tư tưởng trước mắt sẽ là Tịnh độ.
Phật Quang Sơn xây dựng đã được mười chín năm. Năm sau chính là kỷ niệm hai mươi năm thành lập. Mười chín năm qua, mọi việc đều hoàn thành thuận lợi nhưng nhìn nhận lại, tôi cũng có một số hối tiếc. Tâm nguyện xây chùa của tôi là mong muốn tạo điều kiện cho mọi người, đem hoan hỷ đến cho mọi người. Chùa là nơi để mọi người tìm về tịnh hóa thân tâm, góp phần xây dựng xã hội ổn định, thúc đẩy sự tiến độ của đất nước. Tuy vậy, vẫn có một số điều xảy ra ngoài dự liệu của tôi.
Tôi lấy ví dụ, một số người đến Phật Quang Sơn nói rằng: Mấy vị sư xây dựng phòng ốc to lớn như thế để làm gì chứ? Nhưng họ đâu biết Đức Phật Di Đà ở cõi Tịnh độ, nơi nào càng lớn, càng đẹp thì nơi đó chính là đất Phật Tịnh độ lý tưởng. Lối vào hội quán - trụ sở của Phật Quang Sơn có câu đối: “Trong lòng Đỗ Phủ mong nhà cửa rộng lớn ngàn gian, đôi mắt Phật Quang bao quát Tu Di bốn bộ châu”. Chỉ cần tâm không tham lam, nhà to rộng lớn có gì mà không tốt? Cũng có người nói Phật Quang Sơn bán quà lưu niệm, kinh doanh ăn uống. Thực sự mà nói nước giải khát, quà lưu niệm đều có thể không bán, nhưng nếu không có những dịch vụ này, mọi người đến đây không những không thuận tiện mà cũng mất đi sự thú vị và ý nghĩa khi đến thăm Phật Quang Sơn.
Chúng xuất gia ở Phật Quang Sơn, mỗi ngày chấp tác, làm việc vất vả từ sáng đến tối nhưng không có lương. Mỗi người một đôi giày, quần áo cũng chỉ đủ cho nhu cầu tắm giặt hằng ngày. Mọi người tu tập nhẫn nhục, thực hành bố thí, nếu nói họ suy nghĩ đến lợi ích kinh doanh thì họ sẽ không sống trong môi trường làm việc không hưởng thụ như thế.
Lúc tôi trao chức vụ trụ trì cho người kế nhiệm là Hòa thượng Tâm Bình, tôi đã nói thế này: “Sư phụ có một việc cảm thấy có lỗi với con. Mọi người đều cho rằng Phật Quang Sơn rất nhiều tiền, nhưng sư phụ giao lại khoản tiền nợ cho con tới có mấy triệu Đài tệ, mọi người sẽ không hiểu”. Hòa thượng Tâm Bình nói với tôi: “Sư phụ không nên nói vậy, sau này nếu có ai bảo chúng ta có nhiều tiền, chúng ta nên hỏi họ đã đóng góp cho Phật Quang Sơn được bao nhiêu rồi mà sao lại nghĩ thế?”
Chúng ta nên suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng tốt đẹp, càng lớn càng tốt, càng nhiều càng tốt, tốt đẹp chính là Tịnh độ của chúng ta vậy.
4.1.6 - Xây dựng Tịnh độ của nội tâm, của tâm thức
Hãy nhổ bỏ những cỏ dại còn vướng bận trong lòng, hãy gieo trồng những mầm công đức, đem thân thức, tâm thức trải khắp cùng. Chúng ta làm thế nào để trang nghiêm Tịnh độ của nội tâm, tâm thức? Chỉ cần trừ bỏ tâm vị kỷ, chúng ta có thể xây dựng được Tịnh độ của nội tâm, của tâm thức.
Có vị nữ cư sĩ thỉnh tượng Đức Quán Thế Âm Bồ tát bằng sứ màu trắng, hết sức trang nghiêm. Có người nói nếu thỉnh tượng Quán Âm Bồ tát về mà không đem đến chùa nhờ quý sư làm lễ hô thần nhập tượng, tôn tượng dù trang nghiêm cũng sẽ không linh nghiệm. Nghe vậy, cô đem tượng đến chùa làm lễ.
Cô thắp hương lễ lạy, khói hương theo gió bay đến trước tượng Bồ tát cạnh đấy, tượng Quán Âm của cô không có khói hương bay lên. Cô thầm nghĩ trong lòng: “Tượng Bồ tát của tôi sao lại không có hương?” Sau đó, cô liền lấy sợi thép buộc hương, quấn quanh mũi tôn tượng, như vậy Bồ tát sẽ ngửi được khói hương. Cô không ngờ rằng chỉ một lúc sau, Quán Âm Bồ tát trang nghiêm đã trở thành Quán Âm mặt nhọ.
Chúng ta đến chùa dâng cúng trái cây, bánh kẹo, thấy lễ vật của người khác dâng cúng đặt ở phía trước bàn Phật, liền để của họ sang một bên, đem phẩm vật của mình đặt ở giữa. Chúng ta cần dẹp bỏ tâm niệm vị kỷ, chỉ lo cho mình, không quan tâm đến người khác. Chính trực không vị kỷ, đem ánh sáng chiếu soi nơi tăm tối, tẩy sạch ô uế, trở nên thanh tịnh, tâm lượng hẹp hòi thay bằng tâm rộng lớn. Khi ấy, nội tâm, tâm thức chính là Tịnh độ của chúng ta.
4.2 - Làm thế nào nhận biết được Phật Di Đà tại nhân gian?
Chúng ta không nên nghĩ rằng Đức Phật Di Đà ở cõi Tịnh độ Tây phương, thật ra thế giới chúng ta cũng có Đức Phật Di Đà. “A Di Đà Phật”, bốn chữ này, tuy là danh hiệu của Đức Phật nhưng đồng thời cũng là một chân lý. A Di Đà Phật vốn là tiếng Phạn, tiếng Hoa dịch là “Vô lượng thọ, Vô lượng quang”. Vô lượng quang chính là ánh sáng chiếu soi khắp vùng không gian, vượt qua cả không gian, không hạn lượng bởi không gian. Vô lượng thọ chính là thời gian vô hạn, vượt cả thời gian, không bị hạn lượng bởi thời gian. Những gì có thể vượt qua không gian, thời gian thì chính là chân lý của vũ trụ, chính là A Di Đà Phật.
Từ ý nghĩa đó, chúng ta có thể kết luận ngôn ngữ vũ trụ nhân loại hợp lại tìm không ra từ ngữ nào hay hơn, ý nghĩa hơn bằng câu niệm “A Di Đà Phật”; không câu nói nào có thể thông đạt thấu suốt bằng câu niệm Phật. Bất kể có phải là Phật tử hay không, mọi người đều biết đến câu “A Di Đà Phật”. Cho dù có tín ngưỡng hay không, khi bệnh tật, đau khổ, tai ương, rất tự nhiên chúng ta đều biết niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật!”
Quý vị từ khắp mọi nơi đến đây, vị nào biết ông Trương là ai, bà Vương là người nào. Thế nhưng khi gặp mặt cũng chào nhau bằng câu: “A Di Đà Phật!”, xem nhau như những người bạn cũ. Lúc tạm biệt, không biết chúc nhau câu gì, chúng ta cũng nói: “A Di Đà Phật” thay lời tạm biệt. Nhìn thấy người khác không cẩn thận bị té, miệng liền niệm: “A Di Đà Phật”, điều này thể hiện sự quan tâm, thông cảm. A Di Đà Phật xuất phát từ trong lòng chúng ta, là sự gắn kết thân thiết với vũ trụ cuộc đời này.
4.3 - Làm thế nào để thọ nhận được cảm ứng của Phật A Di Đà?
Đại sư Tuệ Viễn từng ba lần bái kiến Đức Phật A Di Đà. Đại sư Thiện Đạo niệm A Di Đà Phật, đến phút cuối không trung phóng ra luồng ánh sáng lớn, vì vậy mọi người gọi Ngài là Hòa thượng Quang Minh. Đại sư Vĩnh Minh mỗi khi niệm Phật, trong vòng mười dặm đều nghe thấy tiếng niệm của Ngài. Đại sư Thiếu Khang mỗi câu niệm “A Di Đà Phật”, miệng Ngài xuất hiện một vị Phật A Di Đà, niệm mười câu xuất hiện mười vị Phật, niệm một trăm câu một trăm vị Phật xuất hiện, niệm một ngàn câu ngàn vị Phật xuất hiện. Đây chính là sự cảm ứng khi niệm danh hiệu Phật A Di Đà.
Những người được diện kiến Đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực Lạc rồi trở lại nhân gian tôi cũng quen nhiều. Lúc trước khi tôi ở chùa Thọ Sơn, cụ bà Tán Đầu là Phật tử thuần thành. Cụ cũng niệm Phật cảm ứng, cũng trở về từ thế giới Tây phương Cực Lạc. Khi tôi ở Nghi Lan cũng có Phật tử là cô A Mẫn, cô cũng từ thế giới Tây phương Cực Lạc trở về. Trong lịch sử cũng ghi chép có cư sĩ Vương Đông Dương, ông cũng niệm Phật cảm ứng, đến được thế giới Tây phương Cực Lạc, khi trở về từ thế giới Cực Lạc ông đã ghi chép kể lại về việc này.
Tôi cũng cảm nhận được Đức Phật A Di Đà. Ngài tuy ở thế giới Cực Lạc, nhưng trên thực tế Ngài vẫn hóa thân ở thế giới Ta bà. Mấy tháng trước, trụ trì chùa Viên Phước, chi nhánh Phật Quang Sơn ở Gia Nghĩa, ông rất thích nuôi chim, nuôi chó. Tôi thường trêu ông, chùa ông trông giống như vườn thú, ông ta nuôi mấy con chim sáo đều biết niệm A Di Đà Phật. Tôi về chùa Viên Phước, tôi vốn không đồng tình việc thầy trụ trì nuôi những con chim này cho lắm, nhưng chúng nhìn thấy tôi thì chào: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật!” Tôi cũng không biết nói gì hơn.
Năm 1985, ngày thứ hai của khóa tu Phật thất, một con chim chết. Ngày thứ năm của khóa tu là nghi thức Tam thời hệ niệm, nhiều ngọn nến được thắp lên. Trong lúc tụng kinh, mỗi ngọn nến đều phóng ánh sáng lớn rực rỡ. Ánh sáng ấy hiện ra hình dáng của chú chim, mọi người đều rất ngạc nhiên, làm sao mỗi ngọn nến đều phát ra ánh sáng có hình dáng con chim như vậy? Mọi người chụp hình lưu niệm lại, đem sự việc này ghi chép trong Phật Quang Sơn linh dị lục do nhà xuất bản Phật Quang Sơn phát hành.
Nếu như Đức Phật Di Đà không ở tại nhân gian làm sao xuất hiện những việc kỳ lạ linh nghiệm như vậy được. Rõ ràng, ngày càng nhiều người niệm A Di Đà Phật được vãng sinh về Tịnh độ ở thế giới Cực Lạc Tây phương.
4.4 - Niệm Phật như thế nào mới được vãng sinh về thế giới Cực Lạc Tây phương?
Tôi chủ trương niệm Phật phải phát xuất từ tâm, vậy phải niệm như thế nào?
Thứ nhất, niệm Phật với tâm hoan hỷ: Thế nào là niệm Phật với tâm hoan hỷ? Tâm chúng ta lúc niệm Phật, giống như chúng ta đang hân hoan ca hát, nhảy múa vậy.
Thứ hai, niệm Phật với tâm đau thương: Trong lòng vô cùng đau khổ, không biết thổ lộ cùng ai, chỉ biết tỏ bày với Đức Phật A Di Đà.
Thứ ba, niệm Phật với tâm chân thật: Sáng mai thức dậy lễ Phật, tối đến niệm Phật mà ngủ. Mỗi một câu niệm Phật đều rất chân thật, tai nghe rõ tiếng, lòng nghĩ tận tường. Niệm như thế nào? Niệm Phật một câu dường như một vị Phật hiện ra trước mặt.
Thứ tư, niệm Phật với tâm trống rỗng: Niệm Phật đến độ tay chân trống rỗng. Tôi trống rỗng, anh cũng trống rỗng, trời trống rỗng, đất cũng trống rỗng. Niệm Phật đến độ không biết thân này đang ở đâu, tâm rộng lớn như biển lớn, tâm mình và vũ trụ hòa làm một vậy.
Bây giờ tôi trình bày cho quý vị rõ các điệu niệm Phật:
1 - Niệm Phật chân thật: Có ba điệu sau, một là thất âm Phật thường niệm trong Phật thất. Hai là tam thời hệ niệm, hai danh hiệu Phật nối tiếp nhau. Ba là thất âm Phật sáu chữ, bốn chữ do Pháp sư Từ Hàng đề xướng.
2 - Niệm Phật thống thiết: Có hai điệu, điệu của cúng thí và cách niệm bốn chữ hai mươi âm.
3 - Niệm Phật nhất tâm: Có hai cách niệm, điệu niệm Phật của Kim Sơn Hoạt Phật, ông niệm câu: “Ai niệm A Di Đà Phật”, và điệu Tây phương Tiếp dẫn A Di Đà Phật.
4 - Niệm Phật hoan hỷ: Sử dụng nhạc điệu của các bài hát như: Chúc mừng sinh nhật, Cao sơn thanh, Bầu trời tối, điệu của dân ca, hát kịch Hoàng Mai để niệm Phật. Cũng có thể niệm Phật bằng những giai điệu của tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật và ngôn ngữ các quốc gia khác.
Điều tôi muốn nói chính là chúng ta cùng nhau biến tất cả âm thanh trên cuộc đời thành âm thanh của niệm A Di Đà Phật. Vậy bản thân tôi niệm Phật như thế nào? Khi tôi đi tàu, đi xe, nhìn mỗi cột điện đường giống như một hạt chuỗi của tôi, nên tôi cứ thế niệm Phật. Không có cột điện thì mỗi đám ruộng là một hạt chuỗi, cây ven đường đều thành chuỗi hạt của tôi; không có cây thì mỗi người tôi nhìn thấy là một chuỗi hạt. Tông chỉ của tôi chính là mỗi vật mỗi việc trong vũ trụ thế giới này đều niệm thành A Di Đà Phật, hết thảy pháp giới niệm thành thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
Hy vọng chúng ta cùng nhau niệm Phật biến thành phố Cao Hùng thành Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Mỗi người là bác lao công quét đường, góp phần làm xanh sạch đẹp môi trường sống của chúng ta, cùng xây dựng một ngày mai tươi sáng. Xin cảm ơn đại chúng, chính nhờ sự phát tâm của quý vị, nhân gian này mới có thể biến thành Tịnh độ!
A Di Đà Phật!
Giảng tại Trung tâm Văn hóa Trung Chính, Cao Hùng, ngày 29 tháng 5 năm 1986