Kính bạch chư tôn đức, thưa cùng quý Phật tử!
Bài giảng hôm qua tôi đã nói đến Tịnh độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, Tịnh độ Lưu Ly của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Tịnh độ Thanh Tịnh Pháp thân tự tính của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc, còn có Tịnh độ trong tâm theo cư sĩ Duy Ma. Chúng ta ai ai cũng đều có Phật tính, vậy Tịnh độ của chúng ta sẽ ra sao? Hôm nay tôi giới thiệu cùng đại chúng “Mô hình Tịnh độ lý tưởng tại nhân gian”. Tịnh độ của chúng ta sẽ là Tịnh độ như thế nào?
3.1 - Bình đẳng bao dung
Bình đẳng rất đáng trân quý, bao dung càng đáng trân quý hơn. Thế giới chúng ta đang sống luôn tồn tại sự bất bình đẳng giữa các chủng tộc, giữa các nước lớn nhỏ, giữa nam nữ, giàu nghèo, v.v. Bởi vậy mà đúng sai, phiền não, hận thù, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra.
Đức Phật của chúng ta ngồi tòa Kim Cang dưới cội Bồ đề. Khi sao Mai vừa mới mọc, Người chứng quả thành bậc Chính đẳng Chính giác. Điều đầu tiên Người đã nói: “Lạ thay, lạ thay! Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, Phật và chúng sinh vốn dĩ bình đẳng!” Nếu có thể cảm nhận được bản tính của chúng ta và ba đời chư Phật vốn bình đẳng không khác, thì tự nhiên chúng ta sẽ tôn trọng bản thân và mọi người hơn, xem mọi người xung quanh mình đều là những vị Phật tương lai. Trong Pháp hoa kinh, Bồ tát Thường Bất Khinh tu hạnh tán thán tất cả mọi người không phân biệt, Ngài nói: “Tôi không dám khinh quý Ngài, vì tương lai quý Ngài sẽ thành Phật”. Nếu chúng ta đều thực sự tôn trọng đúng mức nhân cách, phẩm chất và sự tôn nghiêm của người khác, thì tranh chấp giữa người với người tự nhiên sẽ không còn.
Bình đẳng vốn quan trọng nhưng bao dung càng quan trọng hơn. Thế gian này tồn tại quá nhiều sự bất đồng, đây là điều hiển nhiên không thể chối cãi, nào là tư tưởng kiến giải bất đồng, nào là phong tục tập quán sinh hoạt khác nhau, ngôn ngữ chữ viết cũng khác nhau và còn vô số những điều khác biệt nữa. Chúng ta cần chấp nhận những điều khác biệt quanh mình, hiểu rằng không thể yêu cầu tất cả mọi người đều phải giống với mình. Tâm hồn bao dung càng lớn, sức chứa đựng càng nhiều thì chúng ra mới có thể cùng nhau chung hưởng cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp. Những điều khác biệt góp phần điểm tô cho thế giới này thêm rực rỡ.
“Rừng trúc sao chặn dòng nước chảy, núi cao nào ngăn được mây bay”. Rừng trúc cây mọc chi chít nước vẫn len lỏi chảy qua, núi cao đến tận chân trời cũng không ngăn được mây bay lơ lửng. Sống ở trên đời, sẽ có người tìm cách gây trở ngại cho chúng ta, nhưng nếu như chúng ta biết uyển chuyển, mềm mại như dòng nước, thư thái, thong dong tựa mây bay, thì nhất định sẽ vững bước tiến lên, tùy duyên tự tại. Vì vậy, cho dù cuộc đời này có đem đến bao nhiêu chông gai thử thách đi chăng nữa, chúng ta cũng không nên so đo, tính toán, đem tâm bình đẳng, tâm bao dung mà đối đãi thì mọi việc sẽ vượt qua một cách nhẹ nhàng. Bản chất của quân tử thì giống nhau nhưng mỗi người đều có điểm riêng biệt. Điều chúng ta cần làm là tìm ra điểm chung trong vô vàn điểm khác biệt, có như thế chúng ta mới có thể chung sống trong hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau.
Năm ngón tay trong một bàn tay vốn sống chung rất vui vẻ, hòa hợp. Bỗng một hôm, chúng tranh luận rồi cãi nhau. Ngón tay cái bảo: “Tôi là to nhất”. Cùng lúc giơ ngón tay của mình lên nói tiếp: “Các anh xem, tôi là ngón tay to nhất, mà to nhất có nghĩa là tốt nhất. Năm người chúng ta, tôi làm lãnh đạo là điều hợp lý”.
Ngón tay trỏ không phục, liền nói: “Trong năm ngón tay, tôi là ngón tay quan trọng nhất và hữu ích nhất. Các anh xem, tôi mà chỉ bên này hay bên kia thì mọi người đều răm rắp nghe theo. Tôi mới là ngón tay quan trọng nhất. Tên tôi là ngón trỏ, cũng gọi là thực chỉ, nghĩa là chỉ thức ăn. Tôi chỉ định mọi người mới được ăn, bởi vậy tôi là quan trọng nhất”.
Ngón giữa cũng vội vàng lên tiếng: “Các anh không nên nói như thế. Các anh xem, trong năm ngón tay, ngón tay nào dài nhất? Tôi dài nhất. Ngón tay nào ở vị trí trung tâm? Tôi ở vị trí trung tâm. Từ đó chứng minh tôi là quan trọng nhất”.
Đến lượt ngón đeo nhẫn lên tiếng: “Các anh đừng tranh với nhau làm gì! Trên bàn tay con người, ngón tay quan trọng nhất vốn dĩ là tôi - ngón tay đeo nhẫn. Các anh người thì bảo sống cống hiến âm thầm vô danh là quan trọng, người lại cho rằng thực tế vật chất quan trọng hơn. Tên tôi là ngón đeo nhẫn, các anh cũng gọi tôi là ngón vô danh. Tôi tuy là vô danh, không tên tuổi, nhưng các anh xem, nhẫn vàng, nhẫn kim cương chẳng phải đều là tôi được đeo hay sao? Tôi mới là tôn quý nhất”.
Các ngón cứ mải miết tranh luận xem ngón nào mới là quan trọng nhất? Chỉ riêng ngón tay út lặng thinh không nói gì, nên chúng cùng quay sang hỏi: “Sao anh chẳng nói tiếng nào thế?” Ngón út mới lên tiếng thở dài: “Tôi nói gì bây giờ? Tôi là em út nhỏ nhất lại vô dụng nhất, làm sao tranh được với các anh. Nhưng có điều, tôi dù nhỏ nhất nhưng nếu bàn tay chỉ có các anh mà không có tôi thì chẳng giống bàn tay chút nào!”
Các ngón tay kia nghe xong, thầm nghĩ điều ngón út nói quả thật không sai. Một bàn tay không thể thiếu ngón tay út. Ngón út nói tiếp: “Các anh thấy đấy, khi chúng ta chắp tay lễ Phật, lễ lạy tổ tiên, tôi lúc nào cũng được đứng ở phía trước”.
Xét trên phương diện bình đẳng, bàn tay năm ngón thì ngón tay nào quan trọng nhất? Ngón nào cũng quan trọng cả, ngón nào cũng hữu ích cả. Bàn tay nếu chỉ có một ngón tay cái, cũng chẳng tác dụng gì, không làm nên việc gì. Bàn tay nhất định phải đầy đủ năm ngón, năm ngón tay hợp thành sức mạnh của nắm đấm. Vì vậy, chúng ta không nên tranh nhau ai là nhất, ai tốt nhất, ai quan trọng nhất. Mà điều cần thiết là chúng ta phải đoàn kết, bình đẳng, bao dung lẫn nhau, một lòng vì đất nước, vì xã hội, cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.
Quý vị thấy đấy, bình đẳng bao dung chính là Tịnh độ của chúng ta.
3.2 - Tự do dân chủ
Không ít người trong chúng ta mơ ước được đến Mỹ vì nơi đó là đất nước tự do dân chủ. Chúng ta luôn cho rằng sự tự do dân chủ của Mỹ là điều rất tuyệt vời. Khi tôi sống ở Mỹ, tôi cảm nhận được cuộc sống tự do dân chủ ở đây chính là tinh thần của Phật giáo Đại thừa. Phật giáo Đại thừa phát huy tinh thần Lục độ Ba la mật, cách sống của người Mỹ hội đủ tinh thần của lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
Người Mỹ rất sẵn lòng làm từ thiện. Trong nước, họ không chỉ giúp đỡ những người già tàn tật, mà còn trợ cấp cho những người bệnh tật, người thất nghiệp. Trên thế giới biết bao quốc gia nghèo đói lạc hậu vẫn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ viện trợ từ Mỹ. Người Mỹ rất tôn trọng pháp luật, có thể nói Mỹ là đất nước thực sự được cai quản bởi pháp luật, người người đều tuân thủ pháp luật. Những quy định, những điều nghiêm cấm được người dân ý thức, tuân thủ, thực hiện. Tinh thần này chính là tinh thần “giữ Giới” trong Phật giáo. Người Mỹ cũng rất kiên nhẫn, tôi lấy ví dụ như việc xếp hàng, dù bận thế nào đi chăng nữa họ cũng không xen hàng một cách tùy tiện nên không bao giờ có chuyện tranh giành lẫn nhau. Họ luôn giữ bình tĩnh trong mọi việc, đức tính nhẫn nại của họ thật đáng khâm phục. Giao thông ở Mỹ cũng rất tốt, người dân luôn nhẫn nại và tôn trọng pháp luật, rất hiếm thấy xảy ra hiện tượng vi phạm giao thông hay vượt đèn đỏ.
Người Mỹ luôn năng động khi vui chơi giải trí, khi làm việc thì họ không ngại xông pha, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, không biếng nhác. Công phu thiền định của họ cũng rất tốt. Tiến sĩ người Nhật Suzuki từng dạy thiền Phật giáo ở Mỹ. Tại đây thiền rất thịnh hành, mọi người phải mua vé mới được vào nghe các buổi giảng về Thiền. Người Mỹ khi đi máy bay, ngồi tàu lửa hay đi du lịch họ luôn nhẹ nhàng, điềm tĩnh, không ồn ào náo nhiệt một cách vô ý, cuộc sống của họ giống như đang sống trong cảnh giới của thiền định vậy. Người Mỹ cũng có Trí tuệ Ba la mật, khoa học kỹ thuật, khoa học nhân văn, xã hội đều rất phát triển. Đất nước chúng ta nếu muốn theo đuổi tự do dân chủ, thì cần phải nỗ lực thực hành tinh thần Lục độ, có như thế chúng ta mới có thể bắt kịp Mỹ.
Một máy bay chở hàng của hãng China Airline bị một nhân viên phi hành đoàn cướp đến Quảng Châu. Hai nhân viên còn lại là Đổng Quang Hưng và Khưu Minh Chí, một lòng trung thành, kiên trì bền bỉ, cuối cùng họ cũng được trở về. Mọi người đều tán dương sự trung thành yêu nước của họ. Nhưng cùng nhìn nhận xem xét lại, sở dĩ họ có thể kiên trì trụ vững hai mươi ngày ở đại lục là vì họ luôn mang theo người bốn cuốn kinh Phật. Hai người họ, một người ăn chay trường, một người trì chay buổi sáng.
Khi về đến sân bay Trung Chính, họ một tay vẫy chào vợ mình, tay còn lại vẫn cầm bốn cuốn kinh Phật. Họ có thể dễ dàng vượt qua hiểm nguy bởi vì họ có Phật pháp bên mình, có Trí tuệ Ba la mật, Thiền định Ba la mật, Nhẫn nhục Ba la mật. Họ đã đem hy vọng và vinh quang về cho nhân dân cả nước. Vì vậy, Phật pháp không chỉ có thể giữ vững tự do dân chủ, mà còn giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu, việc gì cũng thuận lợi hoàn thành.
Tự do dân chủ là tư tưởng trọng tâm của xã hội ngày nay, cũng là cuộc sống mà nhân loại đang hướng đến. Cách đây hơn 2.500 năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đầy đủ tư tưởng tự do dân chủ này.
Phật giáo chúng ta giảng về nghiệp, nghiệp là tự do nhất, tự làm tự chịu. Anh làm ác, anh phạm tội, Đức Phật cũng không thể cứu. Anh làm điều lành, công đức trọn đủ, người khác không cách nào hãm hại hay làm tổn thương anh được. Nghiệp chính là “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ. Tất cả hành vi, tư tưởng, lời nói của chúng ta đều tạo thành nghiệp, mình làm mình chịu, đây chẳng phải là tự do hay sao? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng rất dân chủ. Người dì ruột của Ngài là Tỳ kheo Ni Đại Ái Đạo có may hai bộ y dâng Ngài. Ngài chỉ nhận một bộ, một bộ cúng dường lên đại chúng và thường dạy rằng, Ngài cũng chỉ là một thành viên trong đại chúng. Đây chính là tinh thần dân chủ thật sự của Đức Phật. Vì vậy, chúng ta thực hành Phật pháp cũng chính là thực hành tự do dân chủ.
Danh từ tự do và dân chủ hay là vậy mà cũng có lúc bị người khác lạm dụng. Họ chỉ quan tâm đến tự do của chính mình, không tôn trọng sự tồn tại của người khác; hô hào khẩu hiệu dân chủ nhưng lại hãm hại người này, đả kích người kia; phá hoại của công, không gì là không làm được.
Khi một người sơ tâm học thiền thì tinh thần học đạo của người này cũng giống như cách chúng ta hướng đến tự do dân chủ. Có anh thanh niên chuyên tâm ngồi thiền, hòa thượng trụ trì là một vị thiền sư già đi ngang qua, anh thanh niên ngồi yên không hành lễ, không đoái hoài đến. Thiền sư đến trước mặt anh và hỏi: “Này anh bạn trẻ! Sư phụ đi ngang qua, sao con không đứng dậy đảnh lễ, chào đón ta”? Anh thanh niên đem thiền ngữ mà mình học được đáp: “Con ngồi đây chào đón sư phụ cũng giống như con đang đứng dậy chào đón Người”.
Thiền sư tiến lên tát anh một cái. Anh thanh niên tức giận hỏi: “Sao sư phụ lại đánh con?”
Thiền sư nhẹ nhàng đáp: “Ta đánh con cũng như ta không đánh con vậy”.
Ngồi yên đó không những không thể hiện sự hoan nghênh, mà còn làm trở ngại cho người khác, đây không phải là ý nghĩa thực sự của tự do. Muốn học tập tự do dân chủ thì bản thân chúng ta cần phải học hỏi nhiều hơn, tìm hiểu thêm giáo lý Đức Phật. Tịnh độ vốn rất tốt đẹp nhưng tự do dân chủ chân chính mới là Tịnh độ của chúng ta.
3.3 - Từ bi hỷ xả là Tịnh độ
Chúng ta làm việc thường tuân theo nguyên tắc đạo lý gì? Cả ngày, chúng ta sống cùng với lý tưởng nào? Điều này trong Hoa nghiêm kinh dạy rằng: “Thường lạc nhu hòa nhẫn nhục pháp, an trú từ bi hỷ xả trung”. Chúng ta lúc nào cũng hoan hỷ nhu hòa nhẫn nhục, luôn an trú trong từ bi hỷ xả thì thật tốt biết bao! Người theo đạo Phật thì nhiều mà trong tâm thực sự có Phật pháp, thực hành Phật pháp có mấy ai, người từ bi hỷ xả, nhu hòa, nhẫn nhục lại càng ít gặp. Vậy bây giờ chúng ta hãy xây dựng Tịnh độ bằng tinh thần từ bi hỷ xả, mỗi người đều tu tập để có thể hỷ xả.
Nguyện dưới bóng Đức Phật, mọi người đều bình đẳng, đôi tay của chúng ta là đôi tay từ bi, giúp người giúp đời.
Chúng ta nhìn mọi người bằng con mắt từ bi, đem đến cho mọi người sự thân thiết, thân thiện và từ ái. Lời nói từ bi, ánh mắt từ bi, ngôn ngữ từ bi, âm thanh từ bi, nụ cười từ bi, nước mắt từ bi, v.v.
Chúng ta hãy dùng tâm từ bi xử sự với mọi người, dùng tâm thanh tịnh ấm áp chuyển hóa cả sơn hà đại địa, dùng nước từ bi giải cơn nóng khát. Những con đường trải thảm từ bi, núi cao giăng kín hương từ, cây xanh rợp bóng mát hỷ lạc, tâm lành chuyển hóa muôn nơi, hương từ lan tỏa khắp cùng.
Hoa cỏ từ bi, người người nhìn ngắm. Bóng mát từ bi, người người mát mẻ. Vùng đất từ bi che chở, dẫn đường, chỉ lối cho chúng sinh. Người người từ bi, nhà của tôi là ngôi nhà của từ bi hỷ xả, đoàn thể của tôi là đoàn thể từ bi hỷ xả, cho đến đất nước chúng ta cũng là đất nước của từ bi hỷ xả.
Từ bi là cứu khổ ban vui. Chúng ta vui vẻ hoan hỷ giúp đỡ mọi người, không có mục đích, không có ý đồ, cũng không có tâm tham lam tà ác. Muốn thực hành tâm từ bi hỷ xả, chúng ta cần khắc ghi ba nguyên tắc sau:
(1) Trong lòng hoán đổi vị trí cho nhau
Lòng từ bi sẽ được phát khởi nếu chúng ta đứng trên lập trường của người khác mà để suy nghĩ, hành động. Tôi không thể hoàn toàn cảm thông với bạn bởi vì tôi không phải là bạn. Tuy nhiên chúng ta có thể cảm nhận được cái đau khổ của người khác, đau cái đau của người. Lúc này chúng ta đang nuôi lớn mầm từ bi.
(2) Bình đẳng với người thân kẻ oán
Chúng ta nên đối xử một cách bình đẳng không có phân biệt giữa bạn và thù, không phân biệt giữa người thân và kẻ oán, tất cả đều đối đãi một cách bình đẳng. Vì kẻ oan gia nhiều khi đem đến điều thiện lành, ngược lại những người thân thiết lắm lúc lại phá hỏng việc của chúng ta. Nếu chúng ta có thể đối xử bình đẳng với người thân kẻ oán, như vậy sẽ giảm thiểu rất nhiều những hệ lụy không đáng có.
(3) Chúng ta đều đồng một thể
Nếu không phân chia bạn và tôi mới là vô duyên đại từ, đồng thể đại bi. Bạn và tôi không phải hai sự tồn tại độc lập mà có chung một thể nào đó. Vậy nên chúng ta hãy đối xử yêu thương, giữ gìn, chăm sóc cẩn thận như chăm sóc chính vết thương trên thân thể của mình.
3.4 - Tâm an trú trong thiền
Tâm an trú trong thiền chính là Tịnh độ thanh tịnh, tự tại và không có vướng bận. Chúng ta an trú nơi thiền, thiền chính là Tịnh độ của chúng ta. “Trong lòng vô sự giường rộng thênh thang”, nếu trong lòng không chút vướng bận thì dù ngủ trên chiếc giường chật hẹp cũng cảm thấy rộng rãi như ở Tam thiên Đại thiên thế giới.
Một tù nhân ở trong căn phòng giam nhỏ bé, ngày này sang ngày khác sống trong không gian nhỏ hẹp, anh cảm thấy rất tủi thân. Rồi một hôm, một con ruồi bay vào phòng giam, anh ta đuổi theo đập nó. Ruồi bay sang đông, anh đuổi sang đông; ruồi bay sang phía tây, anh chạy theo phía tây; phòng giam chật hẹp anh đuổi tới đuổi lui nhưng vẫn không bắt được con ruồi. Lúc này anh mới nghĩ ra: “Phòng giam đâu có nhỏ như ta tưởng, rộng đến nỗi con ruồi bay mà bắt mãi không được, tính ra nó cũng rộng lớn đó chứ”. Đạt đến tâm an trú trong thiền thì cái lớn nhỏ của ngoại cảnh không thể ảnh hưởng đến nội tâm. Tâm an trú trong thiền chính là không động tâm vậy.
Xã hội muôn màu, con người thay đổi vô thường, chỉ cần bạn không động tâm, cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp. Có hai câu thơ thiền rất hay: “Gió thổi rừng trúc lay, bóng trúc in bên thềm, bụi thềm không lay động. Trăng soi nơi bóng nước, ánh trăng in mặt hồ, nước hồ không gợn sóng”. Cho dù thế gian có biến đổi như thế nào thì tâm của hành giả cũng không bị dao động bởi ngoại cảnh. Thiền sư Vô Môn đã từng dạy: “Xuân đến hoa nở, thu sang trăng sáng, hạ về gió mát, đông qua tuyết đầy. Khi lòng không vướng bận, nhân gian tốt bốn mùa”.
Đại phu Lục Hắng đến hỏi Thiền sư Nam Tuyền: “Bạn tôi nuôi con ngỗng trong chai thủy tinh, con ngỗng lớn lên, nó ngồi trong chai không cách nào ra ngoài được. Xin hỏi Thiền sư, làm thế nào lấy con ngỗng ra mà không phải đập vỡ chai thuỷ tinh?”
Thiền sư Nam Tuyền nghe xong, hét lớn: “Lục Đại phu”.
“Vâng, hạ quan ở đây!”
“Ra rồi, không phải sao?”
Tâm của chúng ta vốn không nên bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì, có thể rộng lớn đo lường hết thảy không phải sẽ tốt sao? Biết bao người bị giam cầm trong ngục tù khổ sở, nhưng cũng không ít người tự nhốt mình trong ngục tù tâm trí. Tại sao chúng ta không tự mình giải thoát khỏi ngục tù ấy? Khi nãy tôi gọi ông, không phải ông đang ở bên ngoài sao? Cớ sao lại tự giam mình vào trong đó? Tâm có thể giải thoát thì tốt biết bao.
Trong bối cảnh thời đại hỗn loạn này, xã hội đã giam cầm chúng ta bằng nhân tình thế thái, áp lực công việc và cuộc sống đè nặng lên vai mỗi người. Nếu chúng ta không thể an trú tâm nơi thiền, không tự mình mong cầu giải thoát, không xây dựng Tịnh độ trong tâm, cuộc sống sẽ không thể nào tốt đẹp được.
3.5 - Đại thừa phương tiện
Trong cuộc sống cộng đồng, dù học tập hay làm việc phụng sự cho đất nước và xã hội, chúng ta đều mong muốn có đầy đủ phương tiện để xây dựng Tịnh độ của chúng ta.
Ngôi chùa nọ muốn an trí tôn tượng Đức Phật A Di Đà, mới mời Thiền sư Tuệ Không đến làm lễ an vị hô thần nhập tượng. Trước khi thực hiện nghi thức, Sư vào chính điện, không tụng kinh cũng không lễ Phật mà nằm lăn ra ngủ. Vị giám viện thấy vậy, chạy lại bảo: “Thiền sư à, nơi này là Đại Hùng Bảo Điện, nơi tôn trí tôn tượng Đức Phật A Di Đà, Người làm như vậy khó xem lắm, oai nghi, trang nghiêm còn đâu?”
Thiền sư đáp: “Đức Phật A Di Đà là cha mẹ của chúng ta. Hôm nay tôi về nơi đây cũng như về nhà mình, đã về đến nhà thì đương nhiên tự tại rồi. Các ông như vậy, không giống như con cái trong nhà, các ông giống như con nuôi vậy, không xem Đức A Di Đà là cha mẹ mình. Tôi không phải con ruột của Ngài thì tôi sao dám tự tại như vậy. Được rồi, không ngủ thì tôi không ngủ”. Nói xong, Thiền sư thỉnh tượng Phật A Di Đà xuống, ôm tượng ngồi trên bệ cửa sổ.
Vị giám viện lúc này không nhịn được nữa: “Này, tượng Phật tôn trí trong chính điện, ông đem để nơi cửa sổ, ông đang làm cái gì vậy?”
“Ngoài này không khí mát mẻ thanh tịnh, Đức Phật nên ở chỗ này. Các ông đem Ngài vào nơi ngột ngạt như thế, Ngài sao mà chịu nổi?”
Lúc này, Thiền sư nhìn thấy bên ngoài có rất nhiều người đứng xem, mới hỏi: “Này, các người xem cái gì nơi đây?”
“Tượng Phật đẹp quá ạ!”
“Vậy à, nếu vậy thì hạt ngọc này cho ông, chuỗi hạt trên cổ cho bà”. Thiền sư đem những trang sức trên tượng Phật phát hết cho mọi người.
Vị giám viện bực tức trách: “Này Thiền sư, sao ông có thể làm như vậy chứ?”
“Không phải ông tìm tôi đến an vị hô Thần nhập tượng Phật à? Ánh sáng của Đức Phật phải cho đi chứ! Như thuở xưa, Đức Phật cắt thịt cho đại bàng, hiến thân cho hổ đói, đến đầu, mắt Ngài cũng bố thí cho người khác. Hôm nay có rất nhiều tín đồ đến đây, phải đem ra bố thí chứ, bố thí không phải là cách khai quang điểm nhãn tốt nhất à? Nếu ông không thích thì tôi đem tượng về vậy”.
Nói xong, Thiền sư Tuệ Không thỉnh tượng Phật trở về, các tín đồ cùng theo về, họ vừa đi vừa niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Bỗng mưa to gió lớn nổi lên, sóng to gió lớn như muốn chìm thuyền. Mọi người sợ hãi không niệm Phật nữa, họ cầu xin Mã Tổ để được sống sót: “Mã Tổ, mau đến cứu chúng con, xin Ngài cứu chúng con!” Thiền sư thản nhiên ôm tượng Phật nằm ngủ. Cơn bão đi qua, mọi người đến xem, vị Thiền sư không màng đến sống chết vẫn ôm tượng Phật nằm ngủ. “Lão hòa thượng, lão hòa thượng, ông còn ngủ được à?” Hòa thượng tỉnh dậy, nhìn hỏi: “Ồ, đây là nơi nào? Vẫn còn ở cõi Ta bà à? Vậy mà ta cứ tưởng ta cùng Đức Di Đà đã về đến cõi Tịnh độ”.
Thiền sư Tuệ Không chẳng phải đùa giỡn mà đang dẫn dắt mọi người pháp môn Đại thừa phương tiện. Phu nhân Mạt Lợi cũng vậy, bà đã thọ giới nên rượu sẽ không uống nhưng vì cứu một đầu bếp, bà đã uống rượu. Đây là phương tiện Đại thừa, cũng chính là Tịnh độ của bà. Đại sư Huyền Trang độ cho Pháp sư Khuy Cơ xuất gia, thậm chí chấp nhận cho Khuy Cơ đi ra đường đem theo ba cỗ xe, một xe chở những cô gái xinh đẹp, một xe chở rượu, một xe chở sách. Lúc bấy giờ mọi người đều gọi pháp sư Khuy Cơ là Hòa thượng Ba xe. Giới nhà Phật cấm rượu, cấm sắc, Đại sư Huyền Trang làm vậy là mở bày phương tiện Đại thừa. Phương tiện Đại thừa không khai mở thì sau này đâu có Đại sư Từ Ân.
Phật giáo chúng ta phải không bị bó buộc, phải vượt trội, phải dùng trí tuệ siêu việt mới mở bày pháp môn phương tiện Đại thừa. Vì vậy, Đại thừa phương tiện chính là Tịnh độ của chúng ta.
3.6 - Tịnh độ trong tâm
Vị sư già đang đi trên đường thì thấy người thanh niên cưỡi xe đạp rơi xuống mương nước. Vị sư chạy lại kéo anh ta lên, giúp anh ta lau những vết bùn nhơ trên người. Do nước dưới mương quá hôi, mùi hôi bốc lên vô cùng khó chịu. Người đệ tử đứng bên nói: “Sư phụ, nước trong mương hôi như thế, sao người lại giúp anh ta rửa?” Vị sư già thẳng thắn chỉ dạy: “Anh ta bẩn, tâm con còn bẩn hơn”.
Làm thế nào gột rửa những ô nhiễm trong tâm chúng ta? Làm thế nào xây dựng Tịnh độ thanh tịnh? Sáng mai thức giấc, nhìn thấy cậu bé giao báo liền nghĩ, nếu chúng ta cũng giống như cậu bé này, có thể tặng cho người khác một món đồ, thật ý nghĩa biết bao! Trời còn chưa sáng, nhìn thấy bác lao công chăm chỉ quét rác trên đường, trong lòng liền nghĩ, nếu chúng ta cũng như bác lao công, quét sạch những ô uế trong lòng, như thế thật là vui sướng! Trên đường đi làm, nhìn thấy anh cảnh sát đứng điều khiển giao thông, trong lòng liền nghĩ, nếu chúng ta cũng như anh cảnh sát, không những đảm bảo trật tự giao thông của xã hội, lại có thể đưa thân tâm mình vào khuôn phép.
Cậu bé người Trung Quốc uống Coca cola ở Mỹ, uống xong cậu bé tiện tay ném vỏ lon xuống đường. Cụ bà đi phía sau thấy vậy, liền gọi cậu lại và bảo: “Này cậu bé, hãy nhặt vỏ lon này lên!” Cậu bé nhìn bà cụ trả lời: “Liên quan gì đến bà”. Cụ bà đáp: “Sao mà không liên quan đến tôi, cậu xả rác lung tung, tạo thành mớ hỗn độn, phá hoại môi trường nơi đây, làm cho giá nhà của tôi giảm, sao lại không liên quan đến tôi được?”
Mỗi người hãy tự là một cảnh sát viên, canh giữ cho mình và canh giữ cho toàn xã hội, cùng nhau duy trì nề nếp trật tự, có như thế thì Tịnh độ trong lòng của chúng ta mới thành hiện thực được.
3.7 - Nguyện lực tinh chuyên
Trong xã hội hiện đại ngày nay, người khác xúc phạm chúng ta, đừng xem đó là điều xấu hổ; làm công việc thấp kém cũng không nên xem thường bản thân; khó khăn gian khổ không nên cho đó là thất bại trở ngại; sự nghiệp thuận lợi, tiền đồ rực rỡ vẻ vang cũng không nên quá đắc ý. Chúng ta đem sức mình phục vụ, cống hiến vì mọi người, hóa độ chúng sinh cũng không nên xem đó là gánh nặng. Chúng ta nên rèn luyện ở trong tâm lúc nào cũng có nguyện lực tinh chuyên, nhẫn được những điều khó nhẫn, làm được những việc khó làm. Tu tập được như thế thì đạo hạnh càng thâm sâu, Tịnh độ càng đến gần.
Thiền sư Đạo Khiêm và Tông Viên kết bạn cùng nhau vân du học đạo. Đường xa hiểm trở, vượt núi băng rừng, Tông Viên không chịu nổi, nhiều lần muốn quay về. Đạo Khiêm an ủi bảo: “Chúng ta phát tâm cầu học, cũng đã đi được một chặng đường rồi, bây giờ mà bỏ cuộc giữa chừng thì tiếc lắm! Thôi thì thế này, từ bây giờ trên đường đi, việc gì tôi cũng sẵn lòng giúp thầy, chỉ có năm việc tôi không thể giúp”.
Tông Viên hỏi: “Năm việc gì?”
Đạo Khiêm trả lời rất tự nhiên: “Mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện và đi bộ”.
Tông Viên chợt hiểu, từ đó không dám than khổ nữa.
Ngạn ngữ có câu: “Vàng chảy theo dòng nước, bạn cũng nên vớt lên sớm”. Trên đời này không có thành tựu nào mà không phải bỏ công sức, lầu cao xây lên từ đất bằng, hành trình vạn dặm tính từ bước đi đầu tiên. Vì vậy, phiền não trói buộc, việc lớn sinh tử, chúng ta phải tự mình giải quyết, không ai thay thế được.
Muốn đi đến Tịnh độ, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng ba món tư lương “tín, hạnh, nguyện”. Nguyện lực tinh chuyên, thực hành với niềm tin kiên cố, nhất định chúng ta sẽ xây dựng được Tịnh độ của chúng ta.
3.8 - Trí tuệ linh hoạt
Để xây dựng được Tịnh độ, chúng ta cần có trí tuệ và sự khéo léo. Với trí tuệ và sự khéo léo thì địa ngục cũng trở thành Tịnh độ. Không có trí tuệ và sự khéo léo, chúng ta rất dễ bị người khác thao túng. Người ta bảo mình đi phía Đông thì mình đi về phía Đông, họ bảo mình rẽ hướng Tây thì mình rẽ hướng Tây. Nhân đây, tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện vui.
Hai cha con nhà nọ dắt theo một con lừa vào chợ, ông bố thì dắt lừa, cậu con trai cưỡi trên lưng lừa. Người đi đường thấy vậy, chê trách: “Đứa con bất hiếu, mình thì cưỡi lừa để ông bố đi bộ dắt lừa, đúng là bất hiếu”. Người con nghe thế liền vội vàng xuống lừa, lúc này ông bố leo lên lưng lừa, cậu con trai dắt lừa tiếp tục đi. Người qua đường thấy vậy lên tiếng: “Nhìn mà xem, ông già này ác thật, nhẫn tâm để đứa con dắt lừa còn mình ngồi trên lưng lừa”. Ông bố nghe vậy vội vàng nhảy xuống, cùng đi với con. Người đi đường nhìn thấy, cười bảo: “Xem kìa, hai tên ngốc có lừa không cưỡi lại đi bộ, ngốc thật”. Sợ bị chê cười, hai cha con cùng leo lên lưng lừa, người đi đường thấy vậy lại chê trách: “Trời, con lừa nhỏ như vậy mà hai người cưỡi, đúng là ngược đãi động vật, ác quá đi thôi”. Hai cha con vội vàng nhảy xuống, cuối cùng không còn cách nào khác, đành khiêng lừa vào chợ.
Một người không có trí tuệ, không khéo léo thì còn ngốc nghếch hơn cả một con lừa. Chúng ta sống ở đời, giáo dục con cái hay dạy dỗ học sinh, nhất định phải rèn luyện cho các em học tập trí tuệ khéo léo, có như thế mới có thể tạo lập nên Tịnh độ nhân gian.
Vị Thiền sư đang tọa thiền ở chính điện, tên trộm lẻn vào trộm đồ, tìm khắp nơi mà không có món nào trộm được. Hắn chuẩn bị ra ngoài thì nghe tiếng Thiền sư đang ngồi thiền vọng ra: “Này, anh ra ngoài đóng cửa hộ tôi nhé!”
Tên trộm nghe thế hoảng sợ nhưng cũng cả gan đáp: “Sao ông lười biếng vậy, thảo nào trong chùa chẳng có món gì trộm được, cửa mà cũng nhờ tôi đóng?”
Thiền sư trả lời: “Này, anh bạn không có lương tâm kia ơi, chẳng lẽ hòa thượng tôi đây phải vất vả kiếm tiền đợi anh đến trộm à?”
Thực tế, tài sản của lão hòa thượng nhiều vô kể, nhưng có điều tên trộm muốn lấy cũng lấy không được. Tịnh độ trong lòng của chúng ta không ai trộm được. Trí tuệ và sự khéo léo chính là Tịnh độ của chúng ta, chính là tài sản vô giá của mỗi người.
Giảng tại Trung tâm Văn hóa Trung Chính, Cao Hùng, ngày 28 tháng 5 năm 1986