Mọi người tránh nóng chạy luân phiên
Am vắng nhà sư vẫn tọa thiền
Có phải thiền phòng nắng chưa rọi?
Lý tại tâm nhàn, thân an nhiên.
Hôm nay là bài pháp đầu tiên, tôi xin chia sẻ cùng đại chúng pháp thoại “Tịnh độ có liên hệ gì với chúng ta”, tôi sẽ nhấn mạnh bốn nội dung sau đây.
2.1 - Tịnh độ ở đâu?
Tôi thiết nghĩ vấn đề mọi người quan tâm chính là Tịnh độ ở đâu? Mọi người thường hỏi tôi: Thiên đường ở đâu? Địa ngục ở đâu? Đất Phật Tịnh độ ở đâu? Tịnh độ cuối cùng là ở nơi nào?
2.1.1 - Tịnh độ ở miền đất Tịnh độ
Tịnh độ cuối cùng là ở đâu, ở nơi nào? Trước tiên tôi sẽ không vội nói ra. Có người sẽ bảo rằng: “Không cần nói chúng tôi cũng biết mà, chính là thế giới Tây phương Cực Lạc”. Nhưng thưa quý vị điều này cũng chưa chắc bởi vì còn có nhiều miền đất Tịnh độ khác nữa.
2.1.2 - Tịnh độ tại nhân gian
Tịnh độ ở đâu? Tịnh độ thực sự nên ở tại nhân gian. “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian giác”, đây chính là yếu chỉ xây dựng Tịnh độ tại nhân gian. Chúng ta thi thoảng đi chợ vẫn thường thấy những con gà, con vịt bị chặt đầu, mổ bụng, nhổ lông - núi dao, địa ngục, vạc dầu sôi là đây chứ đâu. Ngày nay người ta nuôi chó mèo, xem chúng như thú cưng, chăm sóc và yêu thương chúng hết lòng - thiên đường chẳng phải đây sao?
Con người chúng ta cũng vậy, những lúc khó khăn gian khổ, sống không bằng chết, khổ địa ngục sao sánh bằng. Có người sống trong nhà cao cửa rộng, cần gì được nấy, cuộc sống sung sướng như chốn thiên đường. Xin hỏi thiên đường, địa ngục ở đâu? Chính là ở đây, ở tại nhân gian này. Tịnh độ cũng vậy, chúng ta có thể xây dựng Tịnh độ tại nhân gian.
2.1.3 - Tịnh độ trong tâm
Chúng ta không chỉ xây dựng Tịnh độ tại nhân gian, mà còn có thể xây dựng Tịnh độ trong tâm. Duy Ma kinh dạy rằng: “Tâm thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh”. Thế gian này thiện hay ác? Tốt hay xấu? Tất cả đều có thể tùy tâm chúng ta mà thay đổi.
Tôn giả Xá Lợi Phất từng hỏi Đức Phật: “Mười phương chư Phật đều an trú nơi Tịnh độ tốt đẹp thanh tịnh, cớ sao chỉ có Đức Thế Tôn an trú nơi cõi Ta bà ngũ trược ác thế, không phải cõi Tịnh độ?” Đức Thích Ca Mâu Ni ấn ngón tay cái xuống đất, đại địa biến thành màu vàng và bảo Xá Lợi Phất: “Xá Lợi Phất! Đây chính là thế giới của Như Lai”.
Vì vậy, chúng ta nên cùng nhau khởi xướng: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Thế giới Ta bà đang đối diện với nguy cơ sắp diệt vong, chúng ta cần sẵn sàng tâm lý cho việc xây dựng một Tịnh độ nhân gian tốt đẹp - “Tịnh độ trong tâm”.
Thiền sư nổi tiếng Động Sơn từng hỏi môn đồ của mình: “Nếu thời tiết quá oi bức thì các ông đi đâu để tránh nóng?”
Mọi người trả lời: “Đương nhiên chúng con sẽ đến những nơi mát mẻ để tránh cái nóng của mùa hè”.
Thiền sư Động Sơn lại hỏi: “Vậy các ông đi đâu để tránh giá rét của mùa đông?”
Chúng đệ tử trả lời: “Chúng con sẽ đến những nơi thời tiết ấm áp”.
Thiền sư Động Sơn vô cùng thất vọng, đệ tử đông như vậy mà chẳng người nào tiến bộ, chẳng ai chịu chuyên tâm tu thiền.
Chúng đệ tử thấy vậy liền hỏi thiền sư: “Bạch sư phụ, theo Người thì chúng con nên đi đâu để tránh rét, tránh nóng ạ?”
Thiền sư Động Sơn trả lời: “Tránh nóng đương nhiên đến nơi thật nóng, còn tránh rét thì đến nơi thật giá rét mà tránh”.
Công án này truyền tải một thông điệp thật tinh tế. Hãy đem tâm hồn của chúng ta để thay đổi hoàn cảnh, đừng để hoàn cảnh xoay chuyển tâm hồn của chúng ta. Chúng ta không nên trốn tránh hiện thực mà phải luôn đối diện thực tế, có như vậy mới có thể thay đổi được hoàn cảnh.
Bạch Cư Dị - một nhà thơ nổi tiếng thời Đường, đi tham bái Thiền sư Hoằng Tịch. Ngoài trời nắng gắt, vị thiền sư ngồi tĩnh tọa trong căn phòng tĩnh mịch. Thấy vậy Bạch Cư Dị bèn hỏi: “Thiền sư, nơi này nóng như vậy sao Ngài không chuyển đến nơi nào mát mẻ một chút?”
Thiền sư Hoằng Tịch đáp: “Tôi lại cảm thấy nơi này rất mát mẻ”.
Bạch Cư Dị cảm động làm một bài thơ:
Mọi người tránh nóng chạy luân phiên
Am vắng nhà sư vẫn tọa thiền
Có phải thiền phòng nắng chưa rọi?
Lý tại tâm nhàn, thân an nhiên.
“Lý tại tâm nhàn, thân an nhiên”, tâm nhàn tâm tịnh thì mọi thứ xung quanh cũng trở nên mát mẻ, tham thiền chính là cảnh giới này. Tham thiền không nhất thiết phải vào rừng sâu suối thẳm, bởi vì nếu phiền não, vọng niệm không còn thì đứng trên đầu ngọn lửa vẫn cảm thấy mát mẻ. Tâm thanh tịnh dù ở nơi đầu lửa, chẳng phải cũng là Tịnh độ hay sao!
2.2 - Các cõi Tịnh độ
Người trì niệm danh hiệu Phật Dược Sư đều biết phương Đông có cõi “Tịnh độ Lưu Ly”. Cõi Tịnh độ Lưu Ly ở phương Đông cuộc sống tốt đẹp, vật chất đầy đủ, nhân dân an lạc. Nương nhờ nguyện lực pháp thân của Đức Dược Sư Như Lai, người người đều có cuộc sống sung túc, an lạc, hòa bình.
Người trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà đều biết phương Tây có cõi “Tịnh độ Cực Lạc”. Chúng sinh cõi này đều do hoa sen hóa sinh, họ không phải vất vả vì cuộc sống mưu sinh, không cần phải nắm giữ kinh tế, muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc. Nơi họ sống không xảy ra tai nạn giao thông bởi họ bay qua lại tiêu dao, đến đi tự tại. Nơi ấy không có cái gọi là ô nhiễm, trong xã hội khắp nơi dòng nước trong sạch, muôn hoa đua nở. Cõi này được bao bọc bởi bảy lớp hàng cây, bảy lớp lưới giăng, mọi thứ đều ngăn nắp, chỉnh tề và đẹp đẽ.
Cõi Tịnh độ Cực Lạc không có vấn đề nam nữ vì thế phiền não được giảm bớt. Ở cõi này không có ưu tư phiền não, không phải lo sợ ác đạo, không có người xấu, không có lời nói ác độc, không thiếu hụt kinh tế. Đây chính là cảnh giới của cõi Tịnh độ ở phương Tây.
Ngoài ra, cõi trời Đâu Suất cũng có cõi “Tịnh độ của Bồ tát Di Lặc”. Muốn sinh về cõi Tịnh độ Lưu Ly ở phương Đông, hay sinh về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà ở phương Tây, hành giả phải niệm Phật đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn, hội đủ nhân duyên phúc báo thì mới được sinh về cõi ấy. Cõi Tịnh độ Di Lặc của Bồ tát Di Lặc thì lại khác, hành giả không cần đoạn diệt hết tất cả phiền não cũng có thể sinh về cõi này. Cõi Tịnh độ Di Lặc cũng rất gần với thế giới Ta bà, dù là người xuất gia hay tại gia đều có thể sinh về cõi về. Cảnh giới Tịnh độ Di Lặc được miêu tả một cách tường tận trong Di Lặc thượng sinh kinh. Trước đây, Thái Hư đại sư và pháp sư Từ Hàng đã rất nỗ lực đề xướng xiển dương Tịnh độ Di Lặc.
Nếu so sánh với thế giới Ta bà của chúng ta thì Tịnh độ Di Lặc thù thắng hơn rất nhiều:
Ngoài ra, còn có “Tịnh độ Hoa Tạng”, chính là cõi Tịnh độ của Phật pháp thân. Nơi đó Đức Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na làm giáo chủ, cảnh giới vi diệu và được trang nghiêm bởi vô lượng công đức. Cõi Tịnh độ này có ba đời chư Phật ở cùng một thế giới, mỗi mỗi chân lông chứa đựng một pháp giới, tất cả cảnh giới đều hết sức rộng lớn, vô cùng vô tận. Thể nhập được vào cõi này thì một sát na cũng là vĩnh hằng, một hạt bụi nhỏ cũng có thể chứa đựng vô lượng vô biên thế giới. Ở cõi Tịnh độ “Hoa Tạng”, núi Tu Di chứa đựng trong một hạt cải nhỏ, một hạt cải nhỏ cũng chứa đựng cả núi Tu Di, trong nhỏ có lớn, trong uế có tịnh, tạm bợ cũng có thể trường tồn, trong động mà không mất đi tĩnh.
“Tịnh độ nhân gian” sẽ là Tịnh độ thù thắng nhất. Vậy Tịnh độ nhân gian trong xã hội ngày nay phải hội đủ những điều kiện nào?
Thứ nhất “không giết chóc”, nghĩa là không có việc sát hại vô cớ.
Thứ hai “không trộm cắp”, không ai xâm phạm tính mạng của tôi, không ai cướp đoạt tài sản của tôi.
Thứ ba “không tà dâm”, không ai hủy hoại xâm phạm thân thể và danh tiết của tôi.
Thứ tư “không hủy báng”, không ai được tùy tiện nói xấu tôi, vu khống danh dự của tôi, không có sự lừa dối giữa người với người. Mọi người đối xử chân thành, tôn trọng lẫn nhau.
Quý vị nghĩ xem, nếu xã hội chúng ta bây giờ, không ai xâm phạm thân thể của tôi, không ai chiếm đoạt tài sản của tôi, không ai hủy báng danh dự của tôi, càng không ai xâm phạm quyền tự do của tôi, phải chăng đây chính là cõi Tịnh độ nhân gian tốt đẹp?
Giả sử người đời không thể cùng nhau nỗ lực xây dựng Tịnh độ nhân gian, thì những tín đồ Phật giáo chúng ta bằng tín ngưỡng của mình hãy tự xây dựng cho mình một “Tịnh độ trong tâm”.
Có người hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Sư phụ thường ngày tu phúc tu tuệ, nhân cách đạo đức hoàn thiện, không biết một trăm năm sau, người sẽ đi về đâu?”
“Vào cõi địa ngục”, Thiền sư trả lời.
“Công hạnh tu tập của sư phụ như vậy, một trăm năm sau sao lại vào cõi địa ngục được ạ?”
“Hãy xem những tội nghiệp sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ mà các ông gây ra, nếu ta không xuống địa ngục thì ai sẽ độ các ông đây?”
Thiền sư Triệu Châu vào chốn địa ngục với hạnh nguyện quảng đại và lòng từ bi rộng lớn giống như tinh thần của Địa Tạng Bồ tát vậy: “Ta không vào địa ngục thì ai sẽ vào?” Pháp sư Từ Hàng cũng từng nói: “Chỉ cần còn một người chưa được độ, tôi nguyện không rời bỏ nơi đây”. Nếu bản thân chúng ta tự trong tâm luôn có Phật, tâm lành ý thiện, thì ở đâu cũng là cõi Tịnh độ, địa ngục cũng trở thành chốn thiên đường.
Ngày nay chúng ta có đầy đủ các điều kiện, nền trải thảm bông, phòng mở điều hòa, ngồi ghế sofa, giường nằm đệm lót, nhưng trong lòng lại chứa đầy phiền não, áp lực lo lắng trăm bề, giấc ngủ không tròn, đứng ngồi không yên, không thể nào tự do, tự tại được. Chốn Thiền môn khi xưa, các Ngài thấu đạt thiền tâm, an yên trong khốn khó, tự tại trước gian nan. Có thể thấy, Tịnh độ trong tâm khiến cho cuộc sống của chúng ta vô cùng thư thái, thong dong.
Một hôm, có một viên quan nọ đến tham vấn Thiền sư Bạch Ẩn: “Phật giáo nói về cõi địa ngục và cõi Cực Lạc, điều này là chân thật hay chỉ là lý tưởng? Tôi cũng mong muốn được Thiền sư dẫn đến thăm quan nơi đó”.
Lập tức, Ngài Bạch Ẩn dùng những lời ác độc lăng mạ sỉ nhục ông, khiến cho viên quan hết sức kinh hãi. Lúc đầu do lịch sự nên viên quan không nói gì. Nhưng sau đó, ông ta không chịu nổi hét lớn: “Ông mà Thiền sư cái quái gì, ông thực chất chỉ là tên ngông cuồng vô lễ”. Tiếp đó, viên quan tiện tay cầm một khúc cây nhắm đánh Thiền sư.
Thiền sư Bạch Ẩn chạy vào chính điện, quay lại nói với viên quan hầm hầm sát khí đang đuổi theo sau: “Ông không phải muốn ta đưa ông đi xuống xem chốn địa ngục à? Ông nhìn lại ông đi, địa ngục đấy!”
Viên quan chợt nhận ra hành vi của mình, liền quỳ xuống sám hối, cúi xin Thiền sư tha thứ. Thiền sư Bạch Ẩn cười nói với ông: “Ông xem, Cực Lạc là đây”.
Cực Lạc và địa ngục là ở chốn nào? Có ba cách hiểu sau đây:
Thứ nhất, Cực Lạc ở nơi cực lạc, địa ngục ở nơi địa ngục.
Thứ hai, Cực Lạc và địa ngục đều ở tại nhân gian.
Thứ ba, Cực Lạc và địa ngục ở ngay trong tâm của chúng ta.
Mỗi ngày tâm chúng ta lên xuống qua lại Thiên đường và địa ngục không biết bao nhiêu lần. Nếu muốn an trú nơi chốn Cực Lạc, chúng ta cần nỗ lực xây dựng Tịnh độ trong tâm.
2.3 - Cảnh giới của Tịnh độ
Thứ nhất, con người ở cõi Tịnh độ không nghi ngờ, đố kỵ, hiếp đáp hay lăng mạ nhau, không dối trá, lừa gạt, đánh đập, đấu tranh, cũng không có phiền não, thị phi. Quan hệ giữa người với người ở cõi Tịnh độ sẽ đem lại cho niềm vui, niềm tin trong cuộc sống. Không những vậy con người nơi đây còn tiếp thêm năng lượng tích cực và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhau.
Thứ hai, cuộc sống ở cõi Tịnh độ là cuộc sống an lạc, không bị giới hạn bởi vật chất. Chúng sinh ở đó không sở hữu tiền bạc nhưng tất cả có thể tùy tâm sử dụng. Bởi vì đã gieo duyên lành từ vô lượng kiếp nên cuộc sống của chúng sinh ở cõi Tịnh độ tất cả đều tự nhiên được thỏa mãn. Mọi người sống trong hỷ lạc của chính pháp, hoan hỷ trong niềm tin chân lý và niềm vui của thiền định, an tĩnh; thụ hưởng hạnh phúc, an lạc của trí tuệ Bát nhã.
Thứ ba, thành tựu kiến trúc của cõi Tịnh độ: Đường đi được lát bằng vàng, lầu cao bảy báu, nước tám công đức, v.v. Vật chất kiến trúc mang nét phồn vinh hoa lệ của thành thị, thiên nhiên đẹp tựa công viên được bày trí gọn gàng. Ở cõi Tịnh độ, mọi người vun trồng cội phúc bằng hạt giống từ bi, phẩm chất đạo đức cũng được nâng lên cảnh giới cao.
2.4 - Tịnh độ có liên hệ gì đến chúng ta
Chúng ta cần một cõi Tịnh độ như thế nào? Chúng ta mong muốn xã hội và thế giới mà chúng ta đang sống được như cõi Tịnh độ Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư, Tịnh độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, Tịnh độ Di Lặc. Bất luận là cõi Tịnh độ nào đi chăng nữa, chúng ta cần phải xây dựng nhân gian thành cõi Tịnh độ. Vậy, chúng ta làm thế nào để có thể xây dựng cõi Tịnh độ tại nhân gian?
2.4.1 - Cần có môi trường tốt đẹp
Chúng ta cần tạo lập môi trường sống tốt đẹp, đường sá bằng phẳng, kiến trúc nhà cửa, cây xanh phải được quy hoạch ngăn nắp như cõi Tịnh độ Cực Lạc. Môi trường ấy sạch sẽ, khang trang, cơ sở công cộng thiện lành, phúc lợi xã hội được đảm bảo không bị tổn hại, khắp nơi sạch đẹp không bị ô nhiễm.
2.4.2 - Cần có môi trường sống an toàn
Chúng ta mong muốn một môi trường sống an toàn, không bị xâm phạm bởi những người xấu, không xảy ra thiên tai như bão, lũ lụt, động đất, v.v. Xung quanh chúng ta đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt. Chúng ta được du lịch tự do và thuận tiện, gặp gỡ những người hiền từ, lắng nghe những âm thanh tốt đẹp. Khuôn viên chúng ta sống được bao bọc bởi cây xanh, thoáng mát. Nơi chúng ta sống gần với công viên, trường học, thư viện và các trung tâm văn hóa.
2.4.3 - Cần có những người thân và bạn bè tốt bụng
Cũng giống như thế giới Cực Lạc, nơi chúng ta sống là nơi tụ họp của con người tốt đẹp, lành thiện; bà con thân thích, bạn bè của chúng ta đều là những người thật thà và cao thượng. Chúng ta kết giao không vì tiền tài vật chất, gặp gỡ chẳng vì mâm cao cỗ đầy. Mọi người luận bàn Phật pháp, cùng nhau học hỏi kiến thức, cùng nhau tinh tấn tu tập, kết thân nhau trên tinh thần bố thí, hỷ xả và cống hiến.
2.4.4 - Cần có một cuộc sống tự do
Dù ở trong nhà hay ngoài xã hội, con người cũng không phải lo sợ nguy hiểm, xâm hại rình rập quanh mình; không phải phập phồng từng bước khi đi trong những con hẻm tối lúc nửa đêm. Ai cũng có quyền tự do cá nhân và không ai được xâm phạm quyền tự do của người khác. Mọi người đều có quyền tự do tham dự chính trị, tự do kinh doanh thương mại, tự do tham gia các hoạt động giải trí hợp pháp; tôn trọng quyền tự do của bản thân và mọi người.
2.4.5 - Cần phải tịnh hóa tình cảm
Chúng ta được gọi là chúng sinh hữu tình. Bởi vì được sinh ra từ tình yêu, cho nên tình cảm là thứ chúng ta không thể thiếu. Tuy nhiên, tình cảm lại chính là thứ dễ bị ô nhiễm nhất, giống như người mù lòa, ngựa chột mắt dễ bị dẫn dắt mất lý trí. Chúng ta cần dùng trí tuệ để tịnh hóa tình cảm, lấy từ bi để dẫn dắt thương yêu.
Muốn xây dựng được Tịnh độ trong cuộc sống, điều cần thiết chính là chúng ta phải thay đổi quan niệm và chuyển hóa tâm lý của bản thân. Nếu như tâm chúng ta không chịu thay đổi, hướng thượng, cứ vận hành theo sự chi phối của cái tôi, của vòng xoay tham sân si, thì dù đã đi khắp cùng thiên hạ hay được về đến thế giới Cực Lạc Tây phương, nơi đó cũng không phải là Tịnh độ của chúng ta.
Khi xưa, có con quạ vốn không được người địa phương yêu mến, nên nó quyết định đi đến nơi khác. Bay được nửa đường thì nó gặp chim khách. Chim khách hỏi thăm: “Quạ ơi, anh bay đi đâu đấy?”
Quạ trả lời: “Nơi này thật đáng ghét, bọn họ cứ trách cứ, la mắng tôi. Tôi cũng chán ghét nơi này nên muốn đi nơi khác”.
Chim khách bảo quạ: “Anh đừng bay đi nơi khác, anh phải biết rằng mọi người ở đây không thích anh bởi vì tiếng kêu của anh. Nếu anh không thay đổi tiếng kêu của mình, thì dù anh có bay đến đâu đi chăng nữa cũng không được ai chào đón hết”.
Nếu chúng ta không thay đổi quan niệm của mình, không trừ bỏ những tập khí xấu tệ của bản thân thì sẽ không bao giờ tìm thấy Tịnh độ của chính mình.
Thiền sư gù ở chùa Vĩnh Bình đã hơn tám mươi tuổi, ngồi phơi nấm dưới trời nắng gắt. Hòa thượng trụ trì là Thiền sư Đạo Nguyên thấy vậy, không đành lòng mới bảo: “Trưởng lão à! Ngài đã lớn tuổi rồi, sao phải khổ sở ngồi đây phơi nấm chứ? Ngài không cần phải vất vả như thế, để tôi tìm người làm giúp Ngài!”
Vị Thiền sư già không ngần ngại trả lời: “Đã già rồi còn không chăm chỉ làm thì đợi lúc nào mới làm đây? Công việc là bổn phận của tôi mà”.
Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Đúng là như thế! Nhưng nếu Ngài muốn làm cũng không nên chọn lúc nắng gắt như vậy chứ!”
Vị Thiền sư già trả lời: “Trời nắng không phơi nấm, chẳng lẽ phải đợi trời âm u, trời mưa mới đem ra phơi à?”
Thiền sư Đạo Nguyên là trụ trì chùa, thường hướng dẫn thập phương bá tính tu tập, nhưng gặp phải vị Thiền sư này cũng đành chịu thua.
Sống trong chốn Thiền môn, việc người nào người ấy làm, việc hôm nay không để đến ngày mai. “Ai ăn nấy no”, sinh tử là việc của mình, mình phải tự lo liệu; “Ai tu nấy chứng”, phải gấp rút tu hành thì mới mong được thành tựu.
Chúng ta muốn xây dựng Tịnh độ tại nhân gian thì trước tiên mỗi người phải tự xây dựng cho mình một Tịnh độ trong tâm hồn. Chúng ta muốn cùng nhau xây dựng Tịnh độ tại nhân gian, vậy mỗi người chúng ta nên cùng nhau phát tâm khẩn nguyện:
Cầu nguyện cho đất nước chúng tôi sống được thanh tịnh, không có ô nhiễm, không có khí bẩn, trời trong mây xanh, không khí trong lành.
Cầu nguyện cho đất nước chúng tôi sống được thanh tịnh, không bị ồn ào ầm ĩ, âm thanh chúng tôi nghe được là tiếng chim hót líu lo đầu cành.
Cầu nguyện cho đất nước chúng tôi sống được thanh tịnh, không có rác bẩn, không bị ô nhiễm, dòng nước trong mát của sông suối chảy qua dưới chân tôi.
Cầu nguyện cho đất nước chúng tôi sống được thanh tịnh, không ai chặt cây phá rừng, khắp nơi đều là sắc xanh của bãi cỏ, rừng cây và muôn hoa khoe sắc.
Cầu nguyện cho đất nước chúng tôi sống được thanh tịnh, cuộc sống của chúng tôi tự do tự tại, đời sống thong thả bình an.
Giảng tại Trung tâm Văn hóa Trung Chính, Cao Hùng, ngày 27 tháng 5 năm 1986