Kinh sách nhiều lần nhấn mạnh thế giới chúng ta đang sống sở dĩ bị gọi là thế giới Ta bà là bởi vì thế giới này đầy rẫy những khổ đau, giống như nơi tăm tối không có ánh sáng. Thế nên chúng ta mới mong cầu về miền đất Tịnh độ an lạc, thanh tịnh, tươi sáng của chư Phật. Bản thân tôi trong quá trình học Phật đã tiếp thu tư tưởng như thế, cho đến bây giờ tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn. Xã hội của chúng ta ngày càng giống thế giới Ta bà, chúng ta cần kiểm thảo, sửa đổi, phải cùng nhau xây dựng lại không gian sống thanh tịnh và tốt đẹp.
Hiện nay, nhiều người đang cổ vũ, hô hào khen ngợi sự phồn vinh, thịnh vượng của xã hội hiện đại, kinh tế tăng trưởng, mức sống được cải thiện. Nhưng trên thực tế, mức độ ô nhiễm môi trường và các mối hiểm họa luôn rình rập khiến chúng ta khó lòng sống bình an. Sau đây tôi sẽ chỉ ra cho quý vị thấy sáu hiện thực đang đe dọa cuộc sống của chúng ta.
1.1 - Mối đe dọa của hạt nhân nguyên tử
Những vụ nổ thử nghiệm hạt nhân khiến bụi phóng xạ lan rộng, đe dọa đến sức khỏe con người và môi trường sống của chúng ta. Cách đây không lâu đã xảy ra một vụ nổ ngoài ý muốn của một nhà máy điện hạt nhân ở Liên Xô. Bụi phóng xạ hòa lẫn trong không khí gây ra nỗi sợ hãi cho người dân châu Âu, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Thậm chí nông sản và sữa tươi bị ô nhiễm đến mức không thể sử dụng được.
Vài ngày trước, khi tôi đang giảng Lục Tổ đàn kinh tại chùa Phổ Môn, Đài Bắc thì trời mưa. Tôi nghe thấy tiếng phát thanh từ trường Trung học Trung Sơn, giáo viên căn dặn học sinh: “Các em học sinh nhanh chóng vào lớp, đừng để bị thấm mưa, vì bên trong nước mưa chứa bụi phóng xạ hạt nhân, có hại cho sức khỏe!” Các nhà máy điện hạt nhân cung cấp cho chúng ta nhiều nguồn năng lượng. Tuy nhiên rất khó để chúng ta có thể dự đoán được những rắc rối và tác hại mà rác thải hạt nhân đó để lại cho các thế hệ tương lai như thế nào. Những rác thải khác như túi nhựa được sử dụng một cách rộng rãi, pin của đèn huỳnh quang hỏng, máy biến áp và hộp xốp (Polystyrene), v.v. đều có chứa độc tố và khó tiêu hủy. Môi trường tự nhiên trong tương lai ẩn chứa rất nhiều các chất độc tiềm ẩn của chất thải, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ đến sự sống của chúng ta.
1.2 - Phá hoại môi trường sinh thái
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của chúng ta. Ngày 20 tháng 5, một trận lở đất ở vực núi Thái Cực huyện Nam Đầu khiến nhiều người trẻ đã bị chôn vùi trong đống đất đá sạt lở. Nếu rừng không bị chặt phá, công tác bảo tồn đất và nước được chúng ta thực hiện tốt thì thảm họa này có thể đã không xảy ra.
Nạn săn bắt trái phép, bừa bãi dẫn đến tình trạng những loài chim thú quý hiếm gần như tuyệt chủng. Tất cả các sinh vật trong thế giới này sinh tồn vốn phụ thuộc lẫn nhau và được bảo toàn bởi quy luật phát triển cân bằng. Con người cứ thoải mái, tự ý sát hại các loài động vật thì lẽ nào chúng ta có thể sống sót một mình trên trái đất này sao?
Đàn cá tung tăng bơi lội trong nước vốn là một hiện tượng sinh thái tuyệt vời! Trước kia, người ta dùng cần câu, chài lưới để bắt cá. Bây giờ, không kể cá tôm kích thước lớn nhỏ, họ đều dùng chất nổ, xung điện, mồi độc đánh bắt. Cá tôm không bị “ngất” bởi thuốc nổ thì cũng bị chết bởi xung điện, mồi độc, chúng bị diệt sạch không chừa. Cứ như vậy, hệ sinh thái dần bị hủy hoại, nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng bị khai thác đến cạn kiệt. Con người vô tư làm những việc không màng hậu quả như thế, khác nào đang tự hủy diệt sự sống của chính mình rồi cuối cùng tự mình sẽ phải nhận lãnh quả báo. Ở Canada, nếu con cá bạn câu được không dài đến 30cm thì nhất định phải thả nó trở lại môi trường sống, nếu không bạn sẽ bị phạt theo quy định pháp luật. Họ có ý thức và tầm nhìn xa trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Hàng năm, do vấn đề khí hậu mà chim Ó mặt xám, chim Bách Thanh (chàng làng) sẽ lượn lờ quanh khu vực Bình Đông và Hằng Xuân, Đài Loan. Chúng vốn chỉ là khách giống như khách du lịch nước ngoài quá cảnh, vậy mà chúng ta đến khách cũng không buông tha, tìm cách sát cùng diệt tận. Khi hệ cân bằng sinh thái và những cảnh quan thiên nhiên bị phá hủy, thì vấn đề sinh tồn của các loài động vật sẽ khó khăn, sự sống của con người cũng vì thế mà gặp không ít trở ngại.
1.3 - Ô nhiễm môi trường
Rác thải mỗi ngày của thành phố gom về một nơi, vì sao không thể tái sử dụng? Bởi vì đa phần chất phế thải trong rác đều là các sản phẩm hóa học hết sức độc hại. Tương lai những chất thải hóa học này tiêu hủy vào đất, vào nước, tích tụ dần dần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Sự rò rỉ chất độc, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, khí thải, nước thải nhà máy không chỉ đe dọa sức khỏe con người, mà ngay cả những con hàu ở bờ biển phía Tây cũng bị ảnh hưởng. Vì lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cá nhân, các doanh nhân đã tiêu hủy các phế thải kim loại, dây điện và dây cáp làm sản sinh khí độc dioxin. Khí độc này thải vào không khí gây ô nhiễm môi trường, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như cuộc sống của toàn xã hội. Thế giới Ta bà của chúng ta đang ô nhiễm một cách trầm trọng.
1.4 - Ô nhiễm khí độc, tiếng ồn
Khí độc cũng mang đến cho chúng ta những phiền phức không nhỏ. Cách đây không lâu, nhà máy hóa chất ở Ấn Độ do người Mỹ sáng lập đã xảy ra sự cố rò rỉ chất độc làm hàng chục ngàn người chết. Nhà máy Thụy Phong ở Tân Phố, nhà máy hóa học ở Tân Trúc từng rò rỉ khí độc gây nguy hiểm cho người dân gần đó. Ngay cả khi đang ở trong nhà, những khí độc này cũng có thể làm tổn hại chúng ta.
Ở Osaka, Nhật Bản từng có câu chuyện, suốt bao nhiêu năm, người dân ở đây không nhìn thấy chú chim nào xuất hiện trên bầu trời cả. Rồi đột nhiên vào một ngày, người ta thấy xuất hiện một chú chim bay lượn trên không trung. Điều này ngay lập tức chấn động cả thành phố, thậm chí là cả đất nước Nhật Bản. Mọi người bảo nhau rằng: “Ôi! Có lẽ nào không khí ở Osaka đã được cải thiện rồi chăng? Mọi người hãy nhìn xem, những chú chim lại có thể bay lượn trên bầu trời rồi”.
Đài phát thanh một hôm đưa tin: Căn cứ điều tra cho biết, khoai tây trồng ở Hokkaido không thể ăn được vì độc tố thuốc trừ sâu còn sót lại trong đất đã xâm nhập vào khoai tây. Ngay khi bản tin phát ra, khi đi chợ tất cả khách hàng đều tìm hiểu và không mua khoai tây từ Hokkaido. Điều này đang xảy ra ở Nhật Bản và Đài Loan có thể lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai.
Vùng Nara ở Nhật Bản nổi tiếng vì có rất nhiều nai sinh sống và chúng đều được thuần hóa. Khi đến Nara, chúng ta lấy ra một mẩu bánh quy, những con nai sẽ đến ăn bánh và rất thân thiện với chúng ta. Nhưng bây giờ không như vậy nữa, những con nai ở Nara khi nhìn thấy người chúng sẽ tấn công. Nhiều người không khỏi cảm thấy kỳ lạ và đặt câu hỏi tại sao những con nai hiền lành ở Nara lại trở nên hung dữ như vậy? Kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng, tiếng ồn của còi xe trong thời gian dài đã khiến những con nai khó chịu, dần dần chúng bị mất bình tĩnh và trở nên hung bạo dẫn đến tấn công người. Tác động của các loại tiếng ồn trong cuộc sống sẽ gây ra phiền phức, áp lực đối với tinh thần con người, phá vỡ sự yên tĩnh trong tâm hồn, thậm chí khiến chúng ta có những hành vi bạo lực.
1.5 - Nạn bạo lực khủng bố
Trong xã hội của chúng ta, những vụ bạo lực khủng bố ngày càng nhiều, gây không ít nguy hiểm đến an toàn tính mạng của dân chúng. Gần đây, báo chí đưa tin nhiều vụ cướp ở ngân hàng và bưu điện, thủ phạm của những vụ án này là Lâm Tông Thành. Hắn vốn có năng lực tự nuôi sống bản thân và làm việc để trở nên giàu có. Tuy nhiên, hắn lại tìm thấy sự phấn khích trong việc cướp của giết người. Vì vậy, hết lần này đến lần khác phạm tội mà Lâm Tông Thành hoàn toàn không có ý hối cải. Điều này thật khiến cho chúng ta cảm nhận rằng, thế giới này đã bị bao trùm bởi nạn khủng bố.
Lúc đi ngoài đường, đôi khi chỉ một cái liếc nhìn vô tình hay một câu nói lỡ lời cũng có thể khiến bạn được nhận một trận đòn nhừ tử, một nhát dao, thậm chí mất mạng. Những vụ khủng bố và bạo lực như thế ngày càng nhiều, khiến cho xã hội của chúng ta không cách nào có được sự thanh tịnh và hòa bình.
1.6 - Ô nhiễm tư tưởng
Điều này thật đáng sợ và nghiêm trọng. Ngày nay, rất nhiều người có suy nghĩ cực đoan, nhận thức không rõ ràng, tư tưởng sai lầm. Bởi vậy mà khi gặp chuyện họ không tự nhìn nhận, xem xét việc làm bản thân mà quay sang đòi hỏi, trách mắng và đổ lỗi cho người khác.
Nhân đây, tôi kể cho đại chúng một câu chuyện vui. Trong một trận bóng chày, cầu thủ giao bóng hỏng, khán giả hét lên: “Đổi cầu thủ giao bóng, mau đổi cầu thủ giao bóng!” Cầu thủ đánh bóng hỏng, khán giả cũng lại liền hét lên: “Đổi người đánh bóng, mau đổi người đánh bóng!” Trọng tài mắc một lỗi nhỏ, khán giả cũng lại hét lên: “Đổi trọng tài, mau đổi trọng tài!” Trên khán đài, một khán giả có tâm bực mình đứng lên và hét to: “Đổi khán giả, mau đổi khán giả!”
Xã hội ngày nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện nhiều tờ báo, tạp chí, tờ rơi, băng đĩa không chính thống. Họ vô tâm và thờ ơ trước trách nhiệm của bản thân với xã hội. Chỉ để phục vụ thị hiếu cấp thấp, họ không ngần ngại đưa ra những thông tin xấu hoặc chưa được kiểm chứng. Những thông tin gây nhiễu đó khiến lòng người sa ngã thậm chí làm ô nhiễm ý thức hệ của cả cộng đồng. Điều này thật là khủng khiếp!
Tất cả những vấn nạn trên đã khiến không gian sống của chúng ta ngày càng trở nên xấu xa, tồi tệ; làm cho đất nước, xã hội dần mất đi sự yên bình, thanh tịnh, rực rỡ vốn có của nó. Điều này làm tôi liên tưởng đến tư tưởng Tịnh độ của Phật giáo, tư tưởng này có thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề bức bối trong đời sống hiện đại ngày nay. Do đó, tôi không ngại sự thiển cận của mình, ba ngày này tôi sẽ chia sẻ cùng đại chúng pháp thoại “Tư tưởng Tịnh độ và cuộc sống hiện đại”.