Thường lúc xảy ra tranh chấp cãi vã, người ta hay nói: Đây đều là “thành kiến” của cá nhân bạn.
Thành kiến, chính là những cách nhìn đã định hình từ trước, chính là chấp vào những ấn tượng hoặc điều mà trước đây mình đã từng thấy, nghe hay biết, cho dù biết những điều đó là sai nhưng bản thân cũng không chịu thay đổi.
Giả sử ta nhìn nhận một sự việc nào đó theo chiều hướng tốt, từ đó chấp nhất mà tạo ra thành kiến, thì như thế cũng còn chấp nhận được. Ngược lại nếu nghĩ theo chiều hướng xấu, lại đem thành kiến của ta ra để biến một việc tốt thành một việc xấu, một người tốt thành một người xấu, thì đó là tội không thể tha!
Thành kiến giống như chất độc hay những tạp chất bám trong ly trà, cho dù rót vào đó một loại nước tinh khiết thế nào đi nữa thì nước cũng không thể uống được. Thành kiến giống như gai góc, cỏ dại trong ruộng vườn, cho dù ta có gieo vào đó hạt giống tốt thế nào, thì chúng cũng không dễ gì sinh trưởng được. Người có thành kiến thì tự mình thường không chịu thừa nhận, vì vậy chấp nhất thành kiến, không chịu thay đổi thành kiến, không chịu vứt bỏ thành kiến.
Kiến, vốn dĩ là một ý kiến, là kiến giải, kiến thức, kiến văn, không có gì là xấu cả. Nhưng một khi kiến giải trở thành “đoạn kiến” 1, “thường kiến” 2, “thành kiến”, thậm chí là chấp lấy “tà kiến”, vậy thì rất không nên.
Một chuyện tốt vốn dĩ có ích cho mọi người, nhưng chỉ vì cách nhìn của họ khác mình mà từ đó ra sức phản đối, loại thành kiến này “không đủ để thành việc, mà bại sự thì có thừa”. Một người tốt vốn dĩ có thể đảm nhận một trọng trách, rất có tương lai, nhưng nếu chỉ vì người ấy có những quan điểm tốt xấu khác mình, mà mình khăng khăng không chấp nhận họ, dẫn đến nhân tài không có đất dụng võ, thì thật là đáng tiếc.
1 Quan điểm sai lầm cho rằng thân tâm này cùng với các pháp thế gian là đoạn diệt, không thường tồn, chẳng hạn như cho rằng đời sống con người sau khi chết sẽ hoàn toàn chấm dứt, không có kiếp sau, v.v.
2 Quan điểm sai lầm cho rằng thân tâm này cùng với các pháp thế gian là thường tồn, không dứt mất, chẳng hạn như cho rằng mỗi con người đều có một linh hồn bất diệt.
Con người, ai cũng thích đeo cho mình cặp kính màu để nhìn người, nhìn việc, ví dụ như người mang mắt kính màu vàng, nhìn đâu đâu trên thế gian cũng thấy màu vàng, mang một mắt kính màu đỏ thì đâu đâu cũng đều màu đỏ, vì vậy mà không ai nhìn thấy được chân tướng.
Vì bản thân có thành kiến, do đó không nhìn thấy được chân tướng, không nhìn rõ được sự thật. Người có thành kiến luôn tự cho mình là đúng, tự cho mình là tuyệt vời, nhưng thực ra trong mắt của người trí tuệ, họ chỉ là một đứa trẻ vô tri, ấu trĩ, ngu ngốc. Có những cách nhìn mà trước đây mình luôn cho là đúng, dù cho điều ấy là sai lầm, chỉ cần chúng ta chịu thay đổi, thì chuyện này cũng không đáng lo lắm. Nhưng nếu như cứ cố chấp với thành kiến, trở thành căn bệnh chấp trước, bảo thủ, thì thà không đưa ra ý kiến gì còn tốt hơn!
Vứt bỏ thành kiến, dù gặp chuyện gì chúng ta cũng phải nhìn người, nhìn vật bằng một thái độ khách quan, không nên đặt định trước một lập trường. Nếu một quan điểm là “đúng”, hãy trả về bản chất “đúng” của nó; còn nếu là “sai” thì cũng cứ thẳng thắn nói là “sai”. Chỉ có vứt bỏ đi thành kiến, vứt bỏ ngã chấp, ta mới có thể nhận ra chân tướng, mới có được tấm lòng chân thực.
Bạn có thành kiến về bất cứ điều gì không? Hãy cẩn thận tự xét lại bản thân mình!