Thời Xuân Thu, có một người nước Tống nhặt được miếng ngọc đẹp, đem dâng cho một vị quan là Tử Hãn, Tử Hãn kiên quyết từ chối không nhận. Người kia cho rằng Tử Hãn không biết nhìn đồ, bèn giải thích rõ cho Tử Hãn nghe: “Đây là một viên ngọc quý!” Tử Hãn đáp: “Ngươi coi ngọc là quý giá, còn ta coi sự không tham là điều đáng quý, nếu như ta nhận miếng ngọc này của ngươi, thì cả hai chúng ta đều mất đi bảo bối của bản thân, chi bằng chúng ta mỗi người tự giữ lấy cái quý của mình vậy”.
Trên thế gian này, có người thì lấy của cải làm thứ quý giá, có người thì lấy danh vọng làm thứ quý giá, có người thì lấy tình yêu làm thứ quý giá, có người thì lấy tính mạng làm thứ quý giá. Có một số người, hễ nhắc tới đồ quý giá, là họ nghĩ ngay tới trân châu mã não, san hô hổ phách, vàng ngọc kim cương, v.v.
Kỳ thực, cái gọi là quý giá đó chính là sự tham ái, tham chấp, bởi có tham mới cần đồ quý giá. Ví dụ, có người xem con cái là của quý, có người xem đồ cổ trong nhà mình là của quý. Với người mê sách thì sách chính là của quý của họ, với người thích nuôi thú cưng thì chó mèo chính là của quý của họ. Có người lại coi những vật mà mình sưu tập được là của quý, từ những con tem, bookmark, danh thiếp, đồ trang sức, nhạc cụ, hộp diêm, cho đến những hòn đá, thì đối với họ cũng là rất đáng quý.
Những vật báu ngoài thân có nhiều đến đâu cũng không bằng một niệm biết đủ hoặc một tấm lòng tri ân ở trong tâm. Kho báu quý giá chân thực của mình chính là cái tâm này! Trong tâm ta có người thì người chính là báu vật của ta, trong tâm ta có trời đất thì trời đất là báu vật của ta, trong tâm ta có từ bi thì từ bi chính là báu vật của ta. Cho dù là người không có tiền tài, không có danh vọng, không quyền, không thế, nhưng với người có tấm lòng thì cái “không” cũng quý giá. Trong tâm có Phật, có Pháp, có Tăng, có chân lý, thì trong tâm có báu vật. Trong tâm không tham, không sân, không si, không ái, tất cả vô lượng vô biên, vô cùng vô tận, cũng chính là báu vật!
Khi còn làm quan, một lần Dương Chấn thời Hán được một người đến nhờ vả, nhân lúc đêm tối mà mang ngàn lượng vàng đến biếu, Dương Chấn không nhận, người biếu nói: “Không sao đâu, chẳng ai biết cả mà!” Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết, sao lại bảo là không ai biết chứ?”
Lòng tham thì không thể nào có thể thỏa mãn được, có câu: “Mênh mông ruộng tốt mua rồi, lại không chức quan bị người ức hiếp; thất phẩm ngũ phẩm chê bé, tứ phẩm tam phẩm chê thấp; làm tể tướng nhất phẩm của triều đình, lại mơ ngồi lên ngai vàng; khi lòng thỏa mộng đế vương, lại mong muốn được muôn đời trường sinh”. Tiền tài vật chất trên thế gian này đều có hạn lượng, nhưng lòng ham muốn lại là vô đáy! Đối với những người tham lam, cho dù của cải vật chất của họ có nhiều như thế nào thì họ đều là những người bần cùng trong sự giàu sang, bởi chỉ có “biết đủ thường vui”, về với cuộc sống giản dị tự nhiên, ấy mới là giàu có!
Vì vậy, tham muốn là tham sự nghèo cùng, không tham muốn chính là giàu có, không tham muốn là cao cả, không tham muốn mới là bảo vật!