Ngọn núi xa xa mỉm cười, núi biết cười không? Nước chảy vô tình, có thực sự là nước vô tình không?
Núi biết cười đấy! Chúng ta xem, sắc núi rậm rì, mây giăng kín đỉnh, ấy là: “Trúc biếc xanh tươi, đều là Bát nhã. Hoa vàng rực rỡ, đều là Diệu đế”.
Nước là hữu tình đấy! Chúng ta thấy, nước chảy róc rách, nguồn suối trong tinh khiết, như câu: “Tiếng suối reo đều là tướng lưỡi rộng dài, dòng nước chảy là thanh âm thuyết pháp”.
Trong núi, trên rừng, chúng ta xem! Chim muông ríu rít, thú chạy lao xao, thật là một thế giới tiêu diêu tự tại. Nếu núi không tự mình mỉm cười, thì sao lại được gọi là núi? Đương nhiên, sau khi động đất, nhìn thấy cây cối đất đai chịu sự tàn phá, núi cũng biết rơi lệ! Nhưng, không bao lâu, núi kia lại khoác lên mình một tấm áo xanh rì mơn mởn, nghiêng đầu cười chào ta, hoan nghênh chúng ta và ôm ta vào lòng.
Nước cũng có tình đấy! Chúng ta xem, mở một con kênh, nước sẽ chảy về hướng chúng ta; cho nước một lối thoát, nước sẽ theo đường mạch đó mà chảy. Nước cho ta uống, cho ta tắm mát, cho ta giặt giũ, cho ta lớn lên, sao lại nói là nước vô tình?
“Người nhân đức vui với núi, người thông tuệ vui với nước”, núi và nước từ xa xưa đã trở thành người bạn quan trọng của những bậc thánh hiền nhân giả. Sự tu dưỡng của chúng ta cũng nên có sự vững chãi, sự bao dung, sừng sững và kiên cường của núi. Đạo đức tốt đẹp của chúng ta, cũng phải có sự lưu thông, thuần khiết, sâu sắc và bao la như nước.
Sự kỳ diệu của núi thể hiện ở chỗ là núi sẽ thay đổi theo bốn mùa, sắc núi mùa xuân thì đạm bạc thanh nhã, mùa hè thì xanh rì mơn mởn, mùa thu thì trong trẻo sáng tươi, mùa đông thì như say giấc ngủ. Bốn mùa của núi cũng giống như một kiếp người của ta, có đậm có nhạt, có động có tĩnh, có tươi có khô.
Sự lưu thông của nước cũng mang một triết lý nhân sinh. Nước có khi lăn tăn, có khi nổi sóng, có khi cuồn cuộn, cũng giống như những gấp khúc của cuộc đời, có cao có thấp, có được có mất, có lên có xuống. Điều đó còn phải xem bạn thỏa sức tự tại bằng cách nào!
Phật giáo có mối quan hệ mật thiết với núi và nước. Từ xa xưa những ngọn núi nổi tiếng đều là nơi tăng sĩ tu tập. Những ngôi chùa cổ đều xây cất trên những ngọn núi cao, rừng sâu, còn các vị thiền sư thường hay tọa thiền ở bên sông suối, hang động. Đã được vui với núi, mà còn gần suối đẹp, đúng là sống một kiếp người với núi đẹp nước trong.
Nước non là một kho tàng của tự nhiên trời đất, Đại đức Y Không từng nhờ một bài thơ sơn thủy mà lấy được học vị Tiến sĩ của trường Đại học Sư phạm Cao Hùng. Những học trò trẻ tuổi, những người tu hành học đạo ngày nay, nếu trong lòng có núi sông, trong cuộc sống cũng có núi sông, trong tình người cũng có núi sông, có một cuộc sống bên núi ven sông, tâm trí nhất định sẽ an nhiên, tươi đẹp biết bao!
Núi xa không chỉ biết cười, núi cao còn có thể cho chúng ta dựa dẫm! Nước chảy không hề vô tình, những tiếng róc rách của dòng nước cũng đang thuyết pháp cho ta nghe. Chúng ta cần phải sống với sông với núi, bởi sông núi tươi đẹp cũng cần chúng ta bảo vệ nữa đấy!