Con người hầu hết ai cũng thích thưởng thức những hương vị ngon ngọt, ghét ăn những vị đắng chát. Kỳ thực, trong cuộc sống, mặn ngọt chua cay, cả trăm vị trộn lẫn với nhau. Có người thích ngọt, có người thích chua, có người thích đắng, lại có người thích cay. Trên một bàn ăn, có đầy đủ hương vị chua cay mặn ngọt, mỗi người chọn một món mình thích, mỗi người gắp món mình cần, ai ai cũng vui vẻ!
“Mặn ngọt chua cay” chính là những hương vị vốn có của cuộc sống, nếu như con người muốn xây dựng tương lai, xây đắp tiền đồ, phát triển sự nghiệp, nhưng chỉ thích thưởng thức những hương vị ngọt ngào, không chịu nếm trải những đắng cay gian khổ, thì không dễ dàng gì đạt được!
Người xưa nói: “Có nếm trải những khó khăn gian khổ thì sau mới lãnh đạo được người khác”, hay như câu: “Chẳng phải một phen sương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ tỏa mùi hương”. Chịu khổ là quá trình nhất định phải trải qua nếu muốn bước tới thành công. Chúng ta muốn có được thành công nhất định phải vùi đầu vào làm việc cực khổ, cần cù khổ luyện, thức khuya dậy sớm, nỗ lực học tập, khổ học như thánh hiền. Vì khổ cực chính là nhân duyên tăng thượng để nâng đỡ cuộc đời mình, nếu như không nỗ lực học tập, không trải qua khổ cực, khổ luyện thì sẽ không thể thành công.
Tương tự, nếu chúng ta không trải qua mùa đông giá rét thì sao biết được sự quý báu của hơi ấm mùa xuân; không đi sâu tìm hiểu sự khổ ải của cuộc đời, sao mà biết phấn đấu học tập. Do đó, chịu khổ cũng như là uống thuốc bổ, ngày hôm nay gieo trồng khổ ải , sau này ắt có hoa thơm trái ngọt cho ta.
Tục ngữ có câu: “Không chịu được khổ, sao thành Phật Tổ”, những thánh hiền vĩ nhân ngày xưa, có người nào mà không từ trong khổ cực rồi dần dần phấn đấu cho đến khi thành công? Đức Phật sáu năm khổ hạnh, Đạt Ma chín năm trời khổ cực xoay mặt vào vách. Vương Bảo Xuyến nhờ trải qua mười tám năm khổ ải chờ chồng nơi hang động lạnh lẽo, mới được người đời ghi nhớ. Tô Tần buộc tóc mình trên trần nhà, tự lấy vật nhọn đâm vào đùi mình, khổ công dùi mài đèn sách, mới có thể khiến người đời noi theo học tập. Tôn Trung Sơn cả đời khổ cực, nửa đời gian nan, mới có thể sáng lập Dân quốc. Vương Miện sống trong cảnh khốn cùng, không quên khổ công học tập, mới có thể thành công. Nếu như các vị sư trong Thiếu Lâm tự, không trải qua khổ luyện, thì sao có thể thành công được? Do đó, khổ ải là duyên tăng thượng của đời người.
Đạo Phật không hề chủ trương tu hành là phải chịu khổ cực, mà cho rằng nếu niềm vui thái quá thì nóng hừng hực, khổ hạnh thái quá thì lạnh như băng. Do đó, giữa khổ và vui, đạo Phật đề xướng con đường Trung đạo. Khi vui sướng thì nên tiết chế, không nên vui sướng quá mức rồi sinh đau buồn; khi khổ cực, nên đối mặt với sự gian nan, có gấp cũng không gãy, vượt qua khổ ải, tiền đồ tự nhiên sẽ sáng như bầu trời sau cơn mưa.
Thành tựu của một người thường được tích lũy bởi từng giọt mồ hôi nước mắt, từng phen khổ cực, oan khuất, nhẫn nại, chịu khổ mà có. Cũng giống như cây tùng cây bách phải chịu được sương gió lạnh lẽo mới có thể xanh mãi, hoa mai cũng phải trải qua một mùa tuyết giá mới có thể nở ngát hương thơm!
“Vĩ đại” là mỹ từ tán dương được đổi lấy bằng biết bao khổ cực và nỗ lực. Do đó, chịu khổ chính là uống thuốc bổ, chúng ta hãy cứ tin là vậy đi!