Con người cần được sống, các loài động vật như heo bò dê ngựa cũng cần được sống, đến cả côn trùng cũng cần được sống. Nhưng hương vị cuộc sống của mỗi loài thì lại khác nhau.
Trên đời này, có người ăn uống vui chơi, đó chính là hương vị cuộc sống của họ; có người theo đuổi vinh hoa phú quý, để làm hương vị cuộc sống của mình; có người lại luẩn quẩn trong vòng thị phi giữa người và ta, đó cũng chính là hương vị cuộc sống khác người của họ; cũng có kẻ ăn chơi sa đọa, những hương vị cuộc sống như vậy, ta đều không nên chọn lựa.
Cuộc sống con người nên có hương vị của nghệ thuật, hương vị của sự cống hiến dành cho tập thể, cũng cần phải có hương vị của sự nghỉ ngơi, vận động trong nhịp sinh hoạt thường ngày.
Có người lấy việc leo núi, vượt sông, trồng rau tưới hoa để làm hương vị cho cuộc sống, cũng có người thì lấy việc đọc sách, viết lách, đào tạo nhân tài làm hương vị cho cuộc sống của mình. Những vị quân tử thời Chiến Quốc như Mạnh Thường Quân, Tín Lãng Quân, v.v. thì lại lấy việc chiêu hiền đãi sĩ, rộng nạp nhân tài để làm hương vị cho cuộc sống. Thiền sư Đại Mai Pháp Thường thời Đường, mặc áo cỏ, ăn cây rừng để sống; Lâm Bô thời Tống ẩn cư ở Cô Sơn - Tây Hồ, lấy việc trồng mai nuôi hạc làm thú vui, được mọi người gọi là chăm “vợ mai con hạc”, v.v. Họ đã tạo nên hương vị cho cuộc sống của người ẩn sĩ.
Frank, một nhà văn nước Pháp từng viết trong quyển Phong cảnh châu Âu: Một người tốt nhất là được làm việc ở Luxembourg (lương cao nhất), lái xe ô tô Đức, mua nhà ở Anh (thiết bị và kiến trúc mỹ mãn), dưỡng lão ở Pháp (bình quân tuổi thọ những người sống tại đâỵ rất cao), đây chính là người biết sống.
Thực ra, con người cũng không nên chỉ biết hưởng lạc và theo đuổi giàu sang, con người cũng không nên làm nô lệ cho của cải, mà nên làm tăng thêm niềm vui của cuộc sống, nâng cao phẩm vị của cuộc sống.
Nếu như chúng ta có thời gian, mỗi ngày hãy dành ra nửa tiếng đồng hồ để tĩnh tọa, bạn sẽ tìm thấy được hương vị cuộc sống từ trong sự yên tĩnh của tâm hồn. Nếu như chúng ta có thể đánh một ván cờ vây hoặc một ván bài với bạn bè, hoặc đến quán nước để uống trà tán gẫu, hay tham quan phòng triển lãm mỹ thuật, viện bảo tàng, tham gia câu lạc bộ đọc sách, hội cộng tu, ngâm một bài thơ, hát một khúc nhạc, tụng một bài văn khấn nguyện, nghe tiếng chuông trong một ngôi chùa cổ, thậm chí leo núi, làm từ thiện, tham gia đội hảo tâm bảo vệ môi trường quét dọn đường phố, giúp đỡ người khác ở bệnh viện, v.v. đều có thể nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thậm chí, thỉnh thoảng chúng ta có thể cùng với năm ba người bạn đi du sơn ngoạn thủy ở ngoại ô, điều này cũng sẽ làm tăng hương vị cuộc sống, đặc biệt có thể khiến ta dễ dàng hòa nhập vào thiên nhiên, như hoa cỏ mang lại sự yêu thích cho mọi người, như núi sông cùng vui đùa với người du ngoạn, như những nhịp cầu kết nối mọi người xích lại với nhau, như những tán cây có thể che mát cho mọi người, như những dòng suối ngọt ngào làm cho người hết khát. Có thể tự mình sáng tạo nên giá trị nhân sinh, đó mới chính là hương vị cuộc sống mà chúng ta nên theo đuổi.