Ngạn ngữ có câu: “Sống đến đâu thì học đến đó” hoặc “Học, học nữa, học mãi”. Cho đến ngày nay, Bộ Giáo dục mới đưa ra chứng cứ lịch sử về việc “trọn đời học tập”.
“Cả đời học tập” cũng không nên chỉ tồn tại như một lời khẩu hiệu suông, mà buộc phải được giới tri thức lãnh đạo tạo nên một phong trào, để cho toàn dân nhận thức được sự quan trọng của việc học tập cả đời, cũng không kém gì việc ăn cơm, ngủ nghỉ hàng ngày, như thế thì phong trào học đến cả đời mới có thể thúc đẩy toàn diện.
Thỉnh thoảng chúng ta đọc được một tin trên báo, như một phụ nữ lớn tuổi ngồi học cùng với các em học sinh tiểu học được tuyên truyền khắp nơi, thực ra đó chỉ là một điểm nhỏ! Chẳng lẽ toàn dân chỉ có một người, hai người, ba người lớn tuổi hiếu học thôi sao? Như vậy thì sao có thể đạt được mục tiêu của chính sách chứ? Do đó, khẩu hiệu học tập cả đời phát động từ phía quan chức, xem ra khó có thể thúc đẩy được!
Trong xã hội có nhiều câu nói hay: “Sống đến già, học đến già”, “Ba người cùng đi, ắt có thầy ta trong đó”, “Kẻ ngu nghĩ ngàn việc, ắt có một việc đúng”. Ở nhiều gia đình, con cái dạy tiếng Anh cho cha mẹ, trở thành giáo viên tiếng Anh cho cha mẹ; mẹ chồng học con dâu nấu ăn, coi con dâu như là cô giáo dạy nấu ăn của mình. Có thể thấy học tập không phân biệt lớn bé, già trẻ.
Trong Phật giáo, Bàn Đạt Đặc là vị thầy dạy Phật giáo Tiểu thừa cho Cưu Ma La Thập, nhưng về sau ông lại bái Cưu Ma La Thập làm thầy Phật giáo Đại thừa cho mình, Đại thừa và Tiểu thừa làm thầy lẫn nhau, trở thành một câu chuyện hay trong lịch sử Phật giáo. Khổng Tử bái cậu bé Hạng Thác làm thầy, vì Khổng Tử không cảm thấy xấu hổ khi học hỏi người dưới mình, vì vậy, đó mới chính là Khổng Tử!
Không cần phải đợi người khác mang cơ hội đến cho chúng ta, cũng không cần phải đợi xã hội sắp xếp cho chúng ta, mỗi người chúng ta nên vạch ra kế hoạch học tập trọn đời cho riêng mình. Học tập cả đời không chỉ có giới hạn nhằm vào người dân thường, hoặc những người ít học, mà cho dù là các học giả, chuyên gia, tiến sĩ, giáo sư cũng phải tự vạch ra kế hoạch học tập trọn đời cho mình.
Có một thanh niên sau khi lấy được bằng tiến sĩ, về nhà hỏi người nhà rằng: “Con đã lấy được bằng tiến sĩ rồi, tiếp theo phải làm gì?” Người nhà anh ta bảo: “Học làm người!”
Học làm người! Câu nói này thiết thực lắm! Khổng Tử nói: “Ta không bằng ông lão làm vườn, ta không bằng một người nông dân!” Vì thiên hạ này rộng lớn, kiến thức mênh mông, dốc hết sức lực cả đời có thể học đến hai, ba phần trăm, đã là đáng quý lắm rồi. Bởi vậy nói đến kỹ năng, cách làm người, cách ứng xử, rồi đến việc học thánh hiền, kiến thức khoa học kỹ thuật, kiến thức về tín ngưỡng tôn giáo, v.v. thật tình có thể nói là “cuộc sống có hạn, kiến thức vô bờ”.
Ngạn ngữ có câu: “Đứng trước chân lý thì không có uy quyền!” Biển học không bờ, buông hết tâm thái của kẻ sĩ phu, có can đảm làm một học sinh trước chân lý, mới có thể thực hiện tốt châm ngôn “học tập suốt đời”.